‘Tẩy chay H&M’ coi chừng sập bẫy Trung Quốc

Một cửa hàng H&M ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 29/3/2021. Ảnh: AP Photo/ Ng Han Guan
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Mấy hôm gần đây truyền thông trong nước cho biết “giới trẻ Việt Nam kêu gọi tẩy chay H&M sau nghi vấn hãng bán lẻ thời trang này ủng hộ ‘đường lưỡi bò’ phi pháp.” Một hành động nghe có vẻ yêu nước thương nòi thật ra lại rất nông nổi, mù quáng và thậm chí có hại.

Báo Thanh Niên số ra ngày 4 tháng Tư tường thuật: “Trên fanpage chính thức của H&M Việt Nam, dưới mỗi bài đăng của thương hiệu này là hàng chục nghìn lượt ‘phẫn nộ’ và bình luận phản đối trước động thái mới nhất của H&M liên quan việc thay đổi bản đồ online, có sự xuất hiện của ‘đường lưỡi bò’ phi pháp ở Biển Đông mà Việt Nam bác bỏ. Chưa dừng lại ở đó, nhiều người đã thành lập riêng trang, nhóm trên các trang mạng xã hội để bày tỏ sự phẫn nộ, kêu gọi tẩy chay H&M.”

Ngày 22 tháng Ba vừa qua, Liên Minh Châu Âu, cùng với Hoa Kỳ và Canada, ra lệnh cấm vận các quan chức an ninh ở Tân Cương vì hành vi đàn áp nhân quyền. Để trả đũa, chính quyền Trung Quốc chỉ thị cho đoàn Thanh Niên Cộng Sản và guồng máy tuyên truyền của đảng khơi dậy tuyên bố của H&M và các hãng thời trang khác, lấy cớ kích động một làn sóng “tẩy chay” H&M cùng các thương hiệu thời trang phương Tây; sản phẩm của họ bị loại khỏi các sàn buôn bán điện tử; các ngôi sao ca nhạc và điện ảnh chấm dứt hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng và rải rác có những cuộc biểu tình phản đối trước những cửa hiệu thời trang.

Đó là chuyện ở Trung Quốc. Ở Việt Nam, làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M bắt đầu sau khi báo South China Morning Post [SCMP] của Hong Kong tuần trước đưa tin ỡm ờ rằng một văn phòng của chính quyền Thượng Hải đã yêu cầu H&M phải thể hiện tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trên bản đồ với đường chín đoạn, vốn đã gây tranh chấp từ nhiều năm nay giữa Bắc Kinh với các quốc gia trong khu vực. “Tuy đường chín đoạn này vẫn chưa được nhìn thấy trên bản đồ ở trang web của H&M, nhưng tin tức đã khiến người dân trên mạng xã hội ở Việt Nam tức giận, và đã xuất hiện những lời kêu gọi tẩy chay hàng H&M,” trang mạng BBC Tiếng Việt ngày 5 tháng Tư cho biết.

Những người kêu gọi tẩy chay H&M ở Việt Nam viện lý do rằng H&M sử dụng bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò chín đoạn, và như thế là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông. Tuy nhiên theo tìm hiểu của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) “trang web của H&M ở Trung Quốc không có bản đồ về hệ thống cửa hàng, chỉ có danh sách cửa hàng ở các tỉnh, thành trên đất nước láng giềng khổng lồ của Việt Nam. Cho đến nay, chưa có thông tin hay hình ảnh cụ thể nào cho thấy H&M in hay sử dụng bản đồ ‘đường lưỡi bò’ trong sản phẩm hay nhãn mác của họ”

Như vậy, cái lý do tẩy chay H&M vì bản đồ có đường lưỡi bò chẳng những không có căn cứ, không hợp lý mà hành động tẩy chay đó đang vô hình trung bị rơi vào cái bẫy tuyên truyền của Trung Quốc, tiếp tay cho hành động trả đũa của Bắc Kinh đối với các công ty đa quốc gia của phương Tây có ý thức đề cao nhân quyền và thương mại công bằng.

Vì sao vậy? Nguyên tắc thương mại quốc tế buộc các công ty khi làm ăn ở quốc gia nào đều phải chấp hành luật pháp của quốc gia đó. Trung Quốc là nơi chính quyền Cộng Sản rất chú ý đưa ra vô số quy định hành chánh rối rắm để “gài thế” các tập đoàn nước ngoài, buộc họ phải tuân theo các yêu cầu phi lý của Bắc Kinh, chẳng hạn như chỉ được sử dụng bản đồ do tập đoàn công nghệ Baidu của Trung Quốc phát hành, trong đó có vẽ đường lưỡi bò chín đoạn bao trùm gần hết diện tích Biển Đông thể hiện yêu sách chủ quyền phi pháp của Bắc Kinh thay vì sử dụng bản đồ Google Maps vốn bị cấm ở nước này. Các công ty thời trang quốc tế như Louis Vuitton, Burberry đều đã làm như vậy và H&M sẽ không là ngoại lệ; có điều những bản đồ Baidu này chỉ dùng trên các trang web bằng tiếng Hoa, lưu hành ở Trung Quốc mà không xuất hiện ở các nước khác. Vậy tại sao người Việt chỉ kêu gọi tẩy chay H&M?

Cần để ý rằng việc tẩy chay H&M và các công ty thời trang quốc tế là một chiến dịch chính trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc phản ứng các lệnh trừng phạt của Châu Âu và Hoa Kỳ trong vấn đề nhân quyền ở Tân Cương. Vài năm gần đây, Trung Quốc liên tục bị tố cáo đã và đang giam cầm hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo trong các trại tập trung ở Tân Cương và sử dụng lao động tù nhân của họ để trồng, thu hoạch và chế biến bông vải cung cấp cho ngành dệt may toàn cầu – một thủ đoạn bị Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc lên án là hành vi “diệt chủng.” Tân Cương hiện sản xuất tới 20% sản lượng bông vải toàn thế giới. Lẽ ra, người Việt Nam nên thấy rằng, tuyên bố của các công ty quốc tế phản đối sử dụng lao động cưỡng bức của tù nhân ở Tân Cương là đúng đắn và cần hành động để ủng hộ họ thay vì đứng về phía chính quyền Bắc Kinh, dù vô tình hay cố ý.

H&M có 12 cửa tiệm ở Việt Nam và mặc dù sản phẩm được giới trẻ ưa chuộng song doanh thu và lợi nhuận của H&M ở Việt Nam chẳng đáng là bao; việc tẩy chay sẽ không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của hãng mà chỉ làm xấu đi hình ảnh của người Việt như là những kẻ có đầu óc dân tộc cực đoan và mù quáng, không biết phân biệt phải trái.

Thêm nữa, cần để ý rằng lợi dụng quy mô thị trường to lớn, đảng Cộng Sản Trung Quốc sử dụng thủ đoạn “tẩy chay” như một vũ khí chính trị để buộc các công ty, các quốc gia phải thay đổi quan điểm và tuân theo các đòi hỏi phi pháp của Bắc Kinh. Có thể kể ra hàng loạt chiến dịch “tẩy chay” như vậy do chính quyền Trung Quốc đạo diễn và khối người tiêu dùng đông đảo và nặng đầu óc dân tộc chủ nghĩa thực hiện.

Năm 2010, Trung Quốc ngừng nhập cảng cá hồi của Na Uy – nước sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới, sau khi Viện Hàn Lâm Khoa Học ở Oslo quyết định trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà đấu tranh dân chủ Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) khiến Bắc Kinh tức giận. Phải đến tháng Bảy năm ngoái Trung Quốc mới nhập cảng trở lại cá hồi Na Uy sau khi ông Lưu đã chết trong cảnh ngục tù ở Trung Quốc năm 2017.

Nhưng ầm ĩ nhất có lẽ là vụ tẩy chay tập đoàn Lotte của Nam Hàn và các hãng xe hơi, điện tử của Nhật Bản. Năm 2017, tập đoàn bán lẻ Lotte đồng ý hoán đổi đất để chính phủ Nam Hàn có địa điểm thiết lập hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tầm xa THAAD hợp tác với quân đội Hoa Kỳ để bảo vệ thủ đô Seoul. Bắc Kinh phản đối chuyện này và kích động một cuộc tẩy chay sản phẩm và dịch vụ của Lotte, buộc công ty phải đóng cửa hàng chục siêu thị Lotte và Lotte hoàn tất việc rút ra khỏi thị trường Trung Quốc vào năm 2019. Ngoài yếu tố chính trị, rõ ràng các chiến dịch tẩy chay của Trung Quốc còn nhằm giành lợi thế thị trường về tay các công ty nội địa, thủ tiêu sự cạnh tranh của các tập đoàn nước ngoài.

Năm 2012, Trung Quốc và Nhật Bản xung đột chung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông; một thuyền trưởng Trung Quốc bị Nhật Bản bắt giữ vì chống đối lực lượng phòng vệ Nhật. Một làn sóng phản đối nổ ra khắp các thành phố Trung Quốc, người tiêu dùng kêu gọi tẩy chay hàng hóa Nhật như xe hơi Toyota, đồ điện tử Sony để gây sức ép buộc chính phủ Nhật phải xin lỗi. Sự kiện ngu ngốc nhất là ở thành phố Tây An một người Trung Quốc bị đánh bể đầu chỉ vì ông ta lái một chiếc xe Toyota của Nhật. Kẻ thủ ác – dùng một ổ khóa xe đạp hình chữ U làm vũ khí – bị kết án 10 năm tù giam; nạn nhân thì bị thương tật vĩnh viễn. Từ đó cư dân mạng Trung Quốc sử dụng cụm từ “khóa hình chữ U” làm ẩn dụ cho phản ứng dân tộc chủ nghĩa cực đoan chống lại người ngoại quốc.

Một chiến dịch “khóa hình chữ U” hiện đang được chính quyền Bắc Kinh phát động để chống các công ty thời trang quốc tế quan tâm tới nhân quyền.

Việt Nam chắc chắn không có đủ sức mạnh thị trường để gây áp lực lên các tập đoàn đa quốc gia nên thủ đoạn tẩy chay kiểu “khóa hình chữ U” sẽ chẳng có ý nghĩa gì. Vả lại, “thủ phạm” thực sự trong vấn đề bản đồ đường lưỡi bò là đảng Cộng Sản Trung Quốc và mưu toan bành trướng lãnh thổ của họ, được những công ty Trung Quốc như Baidu Inc. tiếp tay.

Không nhận ra kẻ chủ mưu mà nhắm mục tiêu vào các tập đoàn kinh doanh quốc tế như H&M, là một quan điểm sai lầm và mù quáng dù nhân danh lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận. Ảnh minh họa: David McNew/Getty Images

Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280.000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.”

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?