Thế Lực Kinh Tế Của Trung Quốc

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Hai thế kỷ trước đây, khi Anh quốc còn đứng đầu thế giới trong kỹ nghệ dệt, một doanh nhân người Anh đã nói lên ước mơ: Nếu cả nước Trung Hoa mỗi người may áo dài hơn một đốt ngón tay thì sẽ có ngay một thị trường vĩ đại!

Một Khối Kinh Tế Vĩ Đại

Bây giờ dân số Trung Quốc đã tăng gấp ba lần, nước Trung Hoa thì đã trở thành cái lò sản xuất hàng dệt và may quần áo cho dân chúng hầu hết các nước Âu, Mỹ. Nhưng các quốc gia tiên tiến về kinh tế đem các món hàng khác tìm đường sang Trung Quốc.

Hơn một tỷ người Trung Hoa vẫn là khối người tiêu thụ mà các nước khác trông cậy để giúp kinh tế xứ họ hưng thịnh mặc dù họ không cần mua quần áo nhập cảng, trừ giới thượng lưu qua Hồng Kông mua đồ sang trọng đắt tiền.

Một yếu tố giúp kinh tế Nhật Bản phát triển trong năm qua là nhờ xuất cảng sang Trung Quốc. Nhiều công ty Nhật có lời nhờ đặt nhà máy ở Trung Quốc để được dùng đất đai và thuê nhân công rẻ rồi đem ra bán khắp thế giới, lại vừa bán hàng cho người dân Trung Quốc.

Trung Quốc dần dần thay thế Mỹ, chiếm địa vị quốc gia mua nhiều hàng hóa và dịch vụ nhất của các nước Nhật Bản, Nam Hàn và vùng Đông Nam Á. Nhìn sang Âu châu cũng thấy một hiện tượng tương tự.

Thủ tướng Đức Gerhard Shröder vừa dẫn một phái đoàn doanh nhân sang Trung Quốc, để chào hàng. Đây là chuyến đi thăm Trung Quốc thứ năm kể từ khi ông Shröder nhậm chức. Hãng hàng không Đức Lufthansa năm 2004 chở nhiều khách trên đường bay đi Trung Quốc, cao 60 phần trăm hơn năm ngoái, số hành khách tăng lên nhiều nhất là trên các hàng ghế hạng nhất, bán cho các công ty gửi những nhà quản đốc của họ đi chào hàng. Hội VDMA của các công ty kiến tạo máy móc ở Đức cho biết Trung Quốc đã qua mặt Pháp, trở thành quốc gia mua nhiều máy móc thiết bị đứng hàng thứ nhì của các công ty hội viên, thị trường Trung Quốc chỉ còn thua thị trường Mỹ. Nhưng Đức bán được nhiều khí cụ cho Trung Quốc là nhờ nhiều ngành công nghiệp ở Trung Quốc bộc phát quá đà trong mấy năm qua, dựng thêm nhiều nhà máy thép, xi măng, và xây cất nhà cửa.

Trong nửa đầu năm 2004 số xuất cảng của Đức tăng thêm 10 phần trăm nói chung, nhưng riêng hàng bán cho Trung Quốc đã tăng 27 phần trăm. Tháng trước, các nhà sản xuất máy móc dùng trong xây cất của Đức mở một hội chợ tại Thượng Hải, số xí nghiệp trưng bầy tăng lên 60 phần trăm, số người Trung Hoa đến thăm coi các mặt hàng tăng gấp rưỡi so với năm ngoái.

Từ đầu năm 2004 đến giờ chính phủ Bắc Kinh đã dùng nhiều cách giảm bớt cơn sốt đầu tư quá nóng này, bằng cách ra lệnh các ngân hàng hạn chế số tiền cho vay, bắt các ngân hàng giữ thêm tiền dự trữ không cho vay, và sau cùng đã tăng lãi suất. Họ lo ngại đầu tư nhiều quá đến lúc số sản xuất vượt cao hơn nhu cầu thì tất cả sẽ kéo nhau vào một cơn khủng hoảng. Nhà cất lên không có người dùng, các món thép,xi măng thiếu người mua, các công ty không có tiền trả nợ, các ngân hàng không đòi được tiền vốn và lãi, đó là điều không những Bắc Kinh lo lắng mà cả thế giới cùng lo. Vì nếu Trung Quốc rơi vào cảnh trì trệ thì ai mua hàng của Nhật Bản, Đức, Mỹ?

Khối Người Tiêu Thụ Lớn Nhất Thế Giới

Khi cơn sốt đầu tư ở Trung Quốc giảm nhiệt độ, các công ty bán dụng cụ xây cất ở Đức phải lo. Một mặt, Trung Quốc bớt xây cất nhà ở cũng như cơ xưởng. Mặt khác, đồng euro tiền chung của 11 nước Au châu lên giá hơn 40 phần trăm so với đô la Mỹ, mà tiền Trung Quốc thì vẫn giữ nguyên giá 8.277 nguyên một đô la.

Tuy nhiên, những máy móc của Đức như máy đào đất vĩ đại vẫn được các nhà xây dựng ở Trung Quốc ưa chuộng. Một cách giúp các công ty Đức cắt giảm giá thành khi bán sang Trung Quốc là họ chế tạo các đồ phụ tùng ngay tại xứ này, chỉ đem các bộ phận chính yếu cần kỹ thuật cao từ Đức sang để ráp mà thôi.

Những công ty xe hơi như Volkswagen, Dailmler-Chrysler cũng gia tăng số sản xuất ở Trung Quốc, và còn cả các công ty Đức sang Trung Quốc liên doanh mở nhà máy thép.

Những con số và hình ảnh trên cho thấy kinh tế thế giới ngày càng liên hệ chặt chẽ với nhau. Hoa kỳ là quốc gia mạnh nhất về kinh tế cho nên mối liên hệ càng rộng và sâu hơn nữa.

Trong hai chục năm cuối thế kỷ 20 1,300 triệu dân Trung Hoa đã thay đổi và bây giờ có ảnh hưởng tới tất cả các nước khác. Khi Trung Quốc phát triển với tốc độ trung bình 10 phần trăm một năm thì nhu cầu công nghiệp hóa của họ ảnh hưởng tới giá các nguyên liệu trên toàn thế giới. dầu lửa, thép, nhôm, than, đậu nành tăng lên, chi phí chuyên chở cũng tăng lên.

Con số Giá hay 10 phần trăm đó là thống kê chính thức; chưa kể các hoạt động trong nền kinh tế chui. Kinh tế các nước Nhật Bản, Mã Lai Á đứng vững được mấy năm qua nhờ xuất cảng sang Trung Quốc.Những nước Brazil, Úc châu, Argentina bán nguyên liệu sang Trung Quốc.

Trong năm 2004, Liên hiệp Âu Châu sẽ trở thành khối kinh tế mua bán nhiều nhất với Trung Quốc, qua mặt Hoa kỳ. Hàng Trung Quốc bán sang Âu châu rẻ hơn hàng nội địa vừa do giá euro lên cao, vừa vì lương công nhân ở Trung Quốc rẻ hơn ở Âu châu.

Khi phái đoàn Đức gồm các nhà chế tạo máy móc dùng trong việc xây cất tới Trung Quốc, họ đặt nền móng cho tương lai. Theo dự đoán của chính phủ Bắc Kinh, trong 15 năm sắp tới sẽ có hơn 300 triệu người Trung Quốc đổi chỗ ở, từ nông thôn ra các thành phố.

Không những phải xây cất nhà cửa cho khối di dân lớn bằng 4 lần dân số Việt Nam, mà còn phải làm thêm đường, cầu, đường xe lửa, xây dựng các cơ xưởng cho số công nhân đó làm việc.

Năm nay ước chừng sẽ có 60 tỷ mỹ kim đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc. Tỉnh Quảng Đông đang dự trù lập một khối kinh tế liên kết với nhau, gồm 9 tỉnh và hai vùng tự trị năm hai bên bờ và nguồn sông Châu Giang chạy qua tỉnh này. Khối ki liên tỉnh kéo từ Tứ, Xuyên, Vân Nam ở phía Tây qua tới An Huy, Triết Giang ở phía Đông. Dân số vùng này lên 350 triệu người, cao hơn dân Mỹ và tương đương với Liên hiệp Âu châu.

Một vùng kinh tế khác dọc theo sông Dương Tử (người Trung Quốc gọi là Trường giang) sẽ cạnh tranh với thung lũng Châu giang, kéo dài từ Tứ Xuyên, Thiểm tây qua Vũ Hán tới Thượng Hải. Có một kế hoạch quy mô chuyển các hoạt động kinh tế từ miền bờ biển vào xâu trong lục địa, theo dòng những con sông này.

Chính sách san sẻ các hoạt động kinh tế vào bên trong lục địa là do nhu cầu san bằng những thành quả của cuộc cải cách kinh tế từ 25 năm nay. Trước đây chỉ có các thành phố được hưởng lợi, với các món đầu tư ngoại quốc đổ vào. Nông dân phải bán ngũ cốc theo giá rẻ để nuôi dân thành thị, trong khi họ chịu đủ thứ thuế má và nạn tham nhũng hoành hành vì ở xa không ai ngó tới. Dân thành phố được hưởng giá điện nước thấp, đường xá, cầu cống được xây dựng ưu tiên. Các xí nghiệp ở thành phố được vay tiền của các ngân hàng nhà nước dễ dàng còn nông thôn thì không. Ông Hồ Cẩm Đào, người đang nắm những chức vụ trọng yếu nhất trong 9ảng Cộng Sản, đang thay đổi chính sách, hướng về nông thôn. Bên ngoài ông ta vẫn tỏ vẻ trung thành với “chủ trương ba đại biểu” của Giang Trạch Dân, nhưng ông đang đưa ra thêm khẩu hiệu mới, “Dĩ dân vi bản.” Tư tưởng Mạnh tử này nhắm đem vốn liếng, của cải vào tới các vùng nông thôn.

Chính sách bành trướng của giới lãnh đạo Trung Quốc bây giờ nhắm vào kinh tế chứ không phải là chính trị hay quân sự nữa. Trong dịp đi dự hội nghị APEC ở Chile vừa qua, ông Hồ Cẩm Đào đã đi qua nhiều nước Nam Mỹ, ký kết vấn đề tiến hành những hiệp dịnh thương mại song phương với nhiều quốc gia như Brazil, Chile, nhắm mua các quặng sắt và nhôm. Ông Hồ cũng đã thăm các nước Phi châu mà chủ ý nhắm vào các tài nguyên hầm mỏ và dầu lửa. Chính quyền Bắc Kinh không phụ họa các nước trong việc kết án và dọa cấm vận chính phủ Sudan đàn áp dân da đen thiểu số ở xứ này, chỉ vì đây là một quốc gia nhiều dầu lửa.

Lòng Tự Tin Gia Tăng

Chính phủ Bắc Kinh đã chính thức tuyên bố không dùng vũ lực đe dọa các nước chung quanh – trừ Đài Loan mà họ coi là một tỉnh của Trung Quốc. Vũ khí của họ bây giờ là kinh tế, thương mại.

Lòng tự tín của Bắc Kinh đã lên cao, cho nên ông Li Ruogu, phó thống đốc Ngân hàng Trung ương đã không ngần ngại lên tiếng công khai bác bỏ các lời than phiền của chính phủ Mỹ về cán cân mậu dịch ngả về phía Trung Quốc nhiều quá, và yêu cầu Trung Quốc phải nâng giá đồng nhân dân tệ. Ông Lý đã nói rằng tình trạng khiếm hụt trong cán cân chi phó của Mỹ là do nước Mỹ tiêu xài nhiều quá, chứ không phải vì hối suất đồng nguyên của Trung Quốc. Ông khuyên chính phủ Mỹ nên giảm bớt chi tiêu cho khỏi thâm thủng ngân sách, ông bảo “Người Trung Hoa chúng tôi không có thói đổ lỗi cho người khác về những vấn đề khó khăn của mình!” Những lời dậy khôn đó khó tưởng tượng nổi trước đây 20 năm. Nhưng bây giờ địa vị Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã đủ mạnh để ông Lý đủ tự tin mà lên lớp chính phủ Mỹ!

Đỗ Quý Toàn
November 2004

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Hai tuyến đường thủy từ Phnom Penh ra biển Đông: Tuyến bên trái đi qua kênh đào Funan, tuyến bên phải đi qua sông Tiền. Ảnh chụp từ Google Map, Phạm Phan Long minh họa

Kênh đào Funan và những “mảng tối” chưa rõ!

Trao đổi với RFA, Kỹ sư Phạm Phan Long đặt ra câu hỏi nếu kênh đào Funan không thay thế được tuyến đường sông Tiền ra biển, vậy Campuchia còn có thể có mục đích nào khác khi xây kênh đào này. Ông phán đoán:

“Nếu kinh tế không phải là lý do để xây dựng kênh đào Funan thì chắc hẳn phải có lý do khác. Ngoài tưới ruộng và thủy sản, không thể loại trừ khả năng họ xây dựng kênh đào để chuẩn bị cho tình huống xung đột nếu nó xảy ra, nếu có xung đột xảy ra, sông Tiền bị khóa thì họ còn một đường thủy khác. Kênh đào Funan do đó có mục đích chiến lược chứ không phải chỉ mục đích kinh tế…”

Giới thạo tin cho rằng “lò” có thể sẽ đốt cả bà Trương Thị Mai (phải), thường trực Ban Bí thư kiêm trưởng Ban Tổ chức Trung ương đảng. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vỡ bình, đất nước sẽ ra sao?

Công cuộc đốt lò của ông Nguyễn Phú Trọng cho đến nay, chẳng những đã thất bại, đã không trị được cội rễ của tham nhũng mà còn vượt ra ngoài tầm kiểm soát của ông ta. Rải rác đã có lời đồn đoán phen này không chừng chủ lò lại biến thành củi vì “trách nhiệm chính trị của người đứng đầu” khi hàng loạt đảng viên cao cấp – đảm nhiệm từ chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, phó thủ tướng, bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh đến tướng tá quân đội và công an – bị cách chức, bị tống giam đến mức “đã đủ nhân sự lập một chính phủ trong tù!”

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình trạng của người bảo vệ nhân quyền. Ảnh: Srdefenders

Báo cáo viên đặc biệt LHQ: Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống

Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho “nguỵ tạo” để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.

Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.

UPR 2024 – 5 năm nhìn lại tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Universal Periodic Review, được gọi tắt là UPR, tức Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát là một cơ chế của Hội đồng Nhân quyền LHQ (UNHCR), được thiết lập từ năm 2006, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc. Để đạt được mục đích này, Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát thực hiện việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ nhân quyền của mỗi quốc gia, và đưa ra khuyến nghị cho các vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào chúng xảy ra.

Vào ngày 7/5/2024 tới đây, tình hình nhân quyền Việt Nam được kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát, chu kỳ thứ tư.