Thu học phí cao trường công: Phá sản nguyên lý giáo dục!

Diễm Thi - RFA

Một lớp học bậc trung học phổ thông. Ảnh: Afamily

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có buổi làm việc với Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP.HCM về các vấn đề giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện Bộ Giáo dục đang nghiên cứu triển khai thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao, lấy học phí này chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. Ông đề nghị TP.HCM thí điểm cùng với Bộ.

Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nêu quan điểm của ông:

“Tôi thấy việc thành lập các trường phổ thông chất lượng cao hay những trường tương tự để thu học phí cao nó không đúng với hai chữ “Giáo dục” mà nó giống như là cái chợ. Trường trung học phổ thông ở Việt Nam dạy theo chương trình chuẩn chung của cả nước. Trường nào cũng dạy như thế. Tại sao lại phải thu tiền cao hơn?

100% trường công trên cả nước đều sử dụng ngân sách nhà nước để xây dựng nhưng nếu thu tiền cao hơn thì tiền đó chắc chắn không vào ngân sách nhà nước, mà nó lạị vào túi của một nhóm người nào đó.

Tóm lại, quan điểm của tôi là thành lập những trường để thu học phí cao thực chất là một hành vi phản giáo dục.”

Nhà giáo Đinh Kim Phúc kết luận ngắn gọn:

“Nếu Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bàn với TP.HCM về việc thí điểm chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao thì coi như nền giáo dục của Việt Nam đã phá sản theo nguyên lý giáo dục của Việt Nam.”

Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ 1 tháng 7 năm 2020, mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.

Khi Luật Giáo dục năm 2019 còn là dự thảo trình Quốc hội, báo cáo về các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật nêu rõ: “Việc nâng cao chất lượng giáo dục là nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục, không phân biệt trường công lập, trường tư thục. Về quan điểm chung, theo tinh thần của Hiến pháp, Nhà nước có trách nhiệm ưu tiên tập trung chăm lo giáo dục đại trà một cách chuẩn mực và bồi dưỡng tài năng; đảm bảo công bằng trong quyền tiếp cận giáo dục.”

Theo nhận định của một số người quan tâm, việc thu học phí cao ở trường công trái với Luật Giáo dục 2019.

Ông Liêu Thái, một phụ huynh, nêu quan điểm của mình với RFA:

“Đó là một ý tưởng rất ngớ ngẩn, nhất là của một ông gọi là bộ trưởng Giáo dục. Thật ra, mọi nguồn lực để xây dựng trường công và để dạy học trò là từ tiền thuế của nhân dân. Nó phải là nguồn gần như là phúc lợi xã hội. Mọi đứa trẻ đều bình đẳng với nhau trong việc học. Không phải cứ đứa trẻ nào con nhà giàu thì học giỏi và ngược lại, đứa trẻ con nhà nghèo sẽ học không được.

Nếu bây giờ nâng mức phí của trường công lên thì cơ hội học những trường tốt, những trường có chất lượng sẽ không rơi vào những trẻ em nghèo. Những đứa trẻ nghèo sẽ là những hạt gạo dưới sàn, không có cơ hội.

Phát biểu đó là một phát biểu phi dân chủ. Bất kỳ quốc gia nào nếu có dân chủ trong giáo dục thì việc đầu tiên là mọi trẻ em đều có cơ hội học trường tốt, nhất là trường công.”

Chuyện trường trung học phổ thông công lập thu học phí cao từng gây xôn xao dư luận ở Hà Nội hai năm trước đây. Các trường được cho là sẽ chuyển sang mô hình trường chất lượng cao, thu học phí cao gấp nhiều lần là trường THPT Chu Văn An, Kim Liên và Phan Đình Phùng. Lên tiếng với truyền thông Nhà nước lúc đó, PGS. Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13, khẳng định: “Các mô hình trường có thể năng động, sáng tạo theo đặc thù của trường mình nhưng điều kiện tiên quyết là phải thực hiện đúng luật. Cao nhất là Hiến pháp, sau đó là Luật Giáo dục và Luật Ngân sách, còn các luật khác chỉ là phụ.”

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý – Giáo dục TP. Hà Nội thì lo ngại về đối tượng thụ hưởng của các trường công chất lượng cao. Theo ông, với các em học sinh học giỏi nhưng nhà nghèo thì Nhà nước phải có trách nhiệm để khuyến khích nhân tài, chứ không phải trường tốt chỉ dành cho các em con nhà giàu.

Nếu học sinh con nhà giàu muốn học trường có cơ sở vật chất tốt hơn thì tìm đến các trường tư thục. Trường tư thục là trường do tư nhân thành lập, tự đầu tư và điều hành. Tư nhân sẽ trực tiếp đầu tư vốn cho cơ sở vật chất của trường, chịu trách nhiệm về vấn đề pháp lý, không liên quan tới ngân sách của nhà nước.

Trong khi đó, trường công được Nhà nước cấp đất, xây trường, đầu tư trang thiết bị giáo dục, trả lương cho giáo viên. Nếu thu học phí cao là dùng ngân sách nhà nước để kinh doanh.

Giáo dục Việt Nam cần phải đổi mới căn bản, toàn diện là điều mà nhiều chuyên gia trong ngành giáo dục nói tới từ nhiều năm qua. Theo đó, hệ thống giáo dục Việt Nam chưa phải là nơi tạo động lực cho sự nghiên cứu và phát triển đất nước. Chương trình học quá nặng nề và quá nhiều môn học lý thuyết không quan trọng cho ngành chuyên môn.

Cựu Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ từng thừa nhận một số hạn chế của ngành giáo dục như công tác quản lý nhà nước, quản trị nhà trường còn bất cập, trách nhiệm còn chồng chéo; tình trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương; tình trạng thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; hệ thống quản lý, quản trị, kết nối, khai thác dữ liệu ngành phục vụ công tác quản lý, điều hành, dạy học chưa đồng bộ; một số nơi hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị kết nối còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; truyền thông nội bộ ngành chưa hiệu quả, còn những ý kiến trái chiều ngay trong đội ngũ giáo viên khi triển khai chính sách mới.

Diễm Thi

Nguồn: RFA