Mới đây, trên báo Pháp Luật ra hôm Thứ Năm ngày 11 tháng 4 có một bài viết: “Bộ Y Tế: Thu phí người nuôi bệnh là hợp lý”, trong khi đó trên báo điện tử của VOV thì có một bài viết ký tên Vũ Hanh, cho rằng việc thu phí người nuôi bệnh đã nói lên tình trạng quản lý yếu kém của bệnh viện. Lý do mà các bệnh viện đưa ra khi thu khoản phí này là do có quá nhiều người vào bệnh viện, sử dụng điện nước… nên phải thu tiền để cân đối.
Đa số dư luận đều cho rằng chủ trương thu phí người nuôi bệnh của Bộ Y Tế là tùy tiện, bất kể nơi đâu, lúc nào của nhà nước đã thực sự gây mối bất an trong người dân, khi ai cũng sẽ là người phải nuôi bệnh ở một lúc nào đó trong suốt cuộc đời mình. Đặc biệt hơn là vấn nạn ung thư đang trở thành một đe dọa rất lớn cho tình hình sức khỏe của người Việt hiện nay.
Vấn đề không phải ở vài chục ngàn trả cho bệnh viện (các bệnh viện ở TP.HCM thu 30.000 đồng/người), mà nằm ở chỗ cách thức nhà nước đối xử với người dân của mình.
Bệnh nhân nằm tại các bệnh viện công đại đa số là người lao động nghèo tại thành phố hoặc ngoại tỉnh kéo về. Không ai trong số họ mong muốn “được” nằm lăn lóc dọc lối đi hay chen nhau chui xuống gầm giường để nghỉ mệt trong thoáng chốc. Vệ sinh cơ thể chắc chắn là thiếu thốn vì không được tắm rửa hay giặt giũ, chỉ vài lít nước phông tênh giải quyết cái khát hay dùng để nấu mì gói qua ngày không thể gọi là tiện ích công cộng được.
Ở Việt Nam ngày nay, vào bệnh viện đã là một sự khốn khổ. Đồng tiền phải đi trước, dù cấp cứu gần chết thì phải đóng tiền mới có người hỏi tới, không thì nằm đó chờ. Một người bệnh ít nhất phải có một người đi theo nuôi bệnh bởi lực lượng y tá, điều dưỡng không thể chăm sóc người bệnh. Con nuôi cha mẹ, vợ nuôi chồng, chồng theo nuôi vợ, con cháu nuôi ông bà… Không thể không có mặt được.
Không chỉ để rót miếng nước, đút miếng cháo, đưa viên thuốc mà còn phải có mặt thường trực để khi bác sĩ, y tá cần thì đáp ứng ngay. Tại các bệnh viện công đa số bệnh nhân đều là người nghèo đến từ các tỉnh, có người không đủ tiền mua thuốc, và người đi nuôi bệnh thường là sống nhờ cơm từ thiện. Chồng vừa nuôi vợ bệnh vừa chạy xe ôm là chuyện thường tình. Họ nghèo lắm, nghèo đến xác xơ. Nhà có người bệnh, nhất là những bệnh nan y kéo dài ngày chữa trị thì từ gia đình kha khá biến thành hộ nghèo và người nghèo trở thành tàn mạt điêu đứng cũng là… chuyện thường tình! Bán trâu, bán ruộng, bán vườn rồi bán nhà khăn gói lên thành phố chữa bệnh cho người thân, trắng tay cũng là… chuyện thường tình!
Còn cán bộ lãnh đạo các cấp khi bệnh là có phòng riêng, có bác sĩ riêng, có y tá, điều dưỡng riêng, có chế độ chăm sóc cũng riêng. Không chỉ bản thân cán bộ mà cả gia đình của họ cũng được những ưu đãi khi đưa đến bệnh viện. Một số cán bộ giàu có khác, không chữa trị ở trong nước mà tìm cách vận động để được đưa sang chữa trị ở nước ngoài như Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ v.v… với những cặp đô la, hột soàn mang theo để chi tiêu, chưa kể đến ngân sách nhà nước dành cho họ.
Lãnh đạo các cấp đâu thấm cảnh chạy vay từng đồng để mua thuốc, mua nước biển. Người thân của họ đâu phải nằm ở hành lang, ở sân bệnh viện để nuôi bệnh, họ đâu phải xếp hàng để kiếm miếng cơm từ thiện qua ngày. Cho nên họ mạnh miệng cho rằng thu phí người nuôi bệnh là hợp lý. Tuyên bố như thế là chưa thấm được nỗi đau của dân, chưa đồng cảm với nỗi khổ của dân.
Tất cả các bệnh viện ở Việt Nam đều quá tải, khiến bệnh nhân phải nằm ghép từ 2, đến 3-4 người/giường. Nhưng điều đáng nói là khi thanh toán thì bệnh nhân vẫn phải chịu đầy đủ theo công thức 1 người/giường/ngày nhân đơn giá thu phí. Vì thế mà dân đã nghèo tận đáy khi trở thành người bệnh mà còn bị tận thu như thế là một việc làm tàn nhẫn, huống chi bây giờ lại thu thêm tiền của người nuôi bệnh.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới và cả chế độ Miền Nam cũ, các bệnh viện công còn gọi là nhà thương thí, ở đó bệnh nhân được chữa trị không mất tiền, còn được nuôi ăn. Người nuôi bệnh có chỗ còn được cung cấp các bữa ăn do các tổ chức xã hội phân phát. Họ không hô hào vì dân nhưng họ đồng cảm với hoàn cảnh với người bệnh. Đó là cách đối xử nhân văn, nhân đạo giữa con người với nhau. Còn bây giờ nhà cầm quyền CSVN luôn tuyên truyền, hô hào là một chế độ vì dân, do dân và lo cho dân mà hành xử với nhau như thế nào? Người ta cứ nghĩ việc tận thu, càng nhiều càng tốt, sống chết mặc bay với những lý lẽ nghe qua tưởng chừng rất hợp lý.
Qua chính sách thu phí đối với người nuôi bệnh của Bộ Y Tế, càng cho thấy là sau hơn 40 năm cầm quyền, đảng CSVN tìm mọi cách để tận thu và bóc lột từ người dân hơn là khắc phục những yếu kém để phục vụ người dân. Rốt cuộc chủ trương “dân giàu nước mạnh” của chế độ CSVN chỉ là khẩu hiệu để chăm chăm móc túi của dân.
Quỳnh Hương