Tiến Tới Một Nhà Nước Pháp Trị

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nhà Nước Pháp Trị (NNPT) là một danh từ luật học tiếng Việt dùng để dịch những thuật ngữ tiếng Anh, Rule of law, tiếng Pháp, État de Droit, tiếng Đức Rechtsstaat, tiếng Ý, Stato di diretto, tiếng Y Pha Nho, Estado de derecho,v.v… [1]

Thật ra, thuật ngữ này đã ra đời ở phương Tây vào khoảng những năm đầu của phần nửa sau thế kỷ 19. Nhưng nó chỉ mới được đặc biệt chiếu cố vào thập niên 80 của thế kỷ 20. Người Việt chúng ta ít có cơ hội tìm hiểu nó, thậm chí cho đến những năm gần đây, còn bị cấm ngặt không được nhắc đến nó. Bài thuyết trình này không lấy khái niệm NNPT làm đối tượng nghiên cứu chính, nó chỉ nêu lên một số ý kiến về việc tìm cách thiết lập NNPT trên đất nước của chúng ta, để Việt Nam sớm hội nhập vào nhân loại văn minh của thế kỷ 21. Đó là lý do vì sao bài thuyết trình này có tựa đề « Tiến tới một Nhà Nước Pháp Trị », thiên về hành động hơn là về tư tưởng.

Tuy nhiên không vì thế mà phần tư tưởng sẽ hoàn toàn vắng thiếu trong bài thuyết trình. Trong mức độ cần thiết, bài này sẽ phải dựa vào những cơ sở lý thuyết để bàn sâu về một tiến trình thiết lập NNPT, nói cách khác, để dự liệu một chuỗi hành động đưa tới sự hình thành loại Nhà nước này cho Việt Nam. Do đó bài trình bày sẽ chia ra làm hai phần.

Phần thứ nhất, tiến tới NNPT trên bình diện lý thuyết, sẽ duyệt xét một số cơ sở lý thuyết liên quan tới việc xây dựng NNPT nói chung và ở Việt Nam nói riêng.

Phần thứ hai nhìn lại một số bước cụ thể cho tới nay đã được dự trù để đi tới NNPT ở Việt Nam.

Trước khi vào thẳng vấn đề, xin được mở một dấu ngoặc về hai điểm. Thứ nhất, nói về NNPT tuy có vẻ như nói về một điều mới lạ nhưng thực ra là chỉ là quay trở lại một số hiện tượng cũ, chẳng những trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Đất nước chúng ta từ nhiều thế kỷ trước cũng đã có NNPT. Có điều đó là một loại NNPT khác với loại NNPT hiện nay. Thứ hai, người thuyết trình sẽ trình bày quan điểm của một người bàn về tranh đấu chính trị nhưng theo ánh sáng liên ngành của các khoa học xã hội. Cần nhấn mạnh thêm rằng chữ lý thuyết ở đây không có nghĩa là một hệ thống kiến thức to lớn nào mà chỉ biểu thị một cách nhìn sự việc, những suy nghĩ qua ảnh tượng ở trong đầu về hiện tượng có tên gọi NNPT và những cố gắng thâu nhận những hiện tượng đó nếu chúng đã xuất hiện trong các thực tại xã hội. Nói cách khác, lý thuyết ở đây có nghĩa là những gì người ta đã suy nghĩ về NNPT, cách nhận biết nó, và nhất là cách muốn hoàn mĩ nó như thế nào để cho « danh NNPT » phù hợp với « thực NNPT ». Muốn tiến tới được NNPT, cần trải qua một tiến trình. Bài này nhằm bàn về một tiến trình thích đáng, nghĩa là có khả thế hiện thực trong khuôn khổ môi trường quốc tế hiện tại và trên cơ sở hiện tình đất nước. Trong phần I, sẽ có những giải thích vì sao phải dự liệu tiến trình này. Phần II sẽ đi vào nội dung của tiến trình ấy.

I. Tiến Tới NNPT, Trên Bình Diện Lý Thuyết

Các ý kiến về tiến trình mà bài thuyết trình duyệt xét sẽ được tóm tắt trong 3 trọng điểm. Trọng điểm 1 sẽ dành cho việc tìm hiểu khái niệm NNPT phương Tây, hiện đang được cả thế giới coi là một mô hình Nhà nước phổ quát, làm khuôn mẫu cho các quốc gia trên hoàn vũ. Phương Đông, trước Công nguyên, đã từng là nơi phát xuất của chủ nghĩa pháp trị, giúp gì cho việc soi sáng NNPT tương lai ở Việt Nam, điều này sẽ được bàn tới ở trọng điểm 2. Tiếp theo, ở trọng điểm 3, ý nghĩa pháp lý của sự thay thế Nhà Nước Pháp Quyền đương hành ở Việt Nam bằng NNPT kiểu phương Tây sẽ được trình bày một cách khái quát, đồng thời cũng sẽ được nêu lên những cơ sở để lựa chọn giữa đường lối bạo độngôn hòa để đi tới một NNPT ở Việt Nam.

1. Vấn đề tiếp cận khái niệm NNPT ở phương Tây

Danh xưng NNPT có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, thậm chí còn trái ngược hẳn nhau. Điều này đã được minh chứng với trường hợp Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhà Nước Pháp Quyền – tên gọi khác của NNPT – của chế độ xã hội chủ nghĩa này tuy cùng một danh xưng với các Nhà nước dân chủ tự do phương Tây nhưng lại là một bộ máy cầm quyền độc tài toàn trị [2]. Cho nên phải xác định loại NNPT đích thực Việt Nam cần phải có trong chiều hướng dân chủ hoá là loại NNPT nào, với những đặc tính gì? Cuộc khảo sát về loại Nhà nước này sẽ được thực hiện về 3 mặt: khái niệm, lịch sử và thực tế.

Mặt khái niệm. NNPT phương Tây, nhưng nay với luật quốc tế và tục lệ quốc tế mới, đã trở thành NNPT phổ quát của cả nhân loại. Nó có một quá trình hình thành và phát triển đã kéo dài hàng 10 thế kỷ. Theo dõi cho thật sát quá trình ấy đòi hỏi rất nhiều công phu nghiên cứu. Cho nên ở đây chỉ có thể tìm hiểu nó tới mức rất đơn giản, và vì vậy chưa thể đầy đủ. NNPT là một loại Nhà nước trong đó Nhà nước và luật pháp không tách rời nhau mà gắn liền với nhau. Tuy nhiên sự liên hệ này có thể đưa tới hai loại Nhà nước. Một loại dùng pháp luật để cai trị, tức là loại coi pháp luật như một công cụ để cầm quyền và một loại khác, không coi pháp luật là công cụ mà là cứu cánh, cứu cánh mà cách cai trị của Nhà nước ấy phải biểu hiện. Sự thật, sự phân biệt này không đủ để giúp nhận diện thấu đáo hiện tượng NNPT, nhưng là một tiêu chuẩn để không có sự lẫn lộn giữa hai loại Nhà nước tuy có chung một tên gọi NNPT nhưng thực chất lại hoàn toàn trái ngược nhau. Người Việt Nam hiện đang phải gánh chịu những hậu quả rất độc hại của sự lẫn lộn này.

Nói cai trị bằng pháp luật, thực ra chưa đủ, phải nói rõ thêm, cai trị bằng loại pháp luật nào. Các Nhà nước dưới thời Hitler và Stalin, đều dùng pháp luật để cầm quyền. Nhưng điều đó không phải là tiêu chuẩn để gọi những Nhà nước ấy là NNPT. Cũng vậy, một Nhà nước mặc dù có Hiến pháp trong đó ghi rõ ràng rằng Nhà nước này hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa vẫn là một Nhà nước độc tài toàn trị như trường hợp nước Việt Nam hiện nay. Bởi thế, các luật gia, các nhà chính trị học phương Tây đã tìm nhiều cách tiếp cận để nhận diện NNPT. Hoặc họ đề xuất một số đặc tính mà một Nhà nước, muốn được kể là một NNPT, phải hội đủ. Như phải có pháp luật do một Quốc hội dân cử qua bầu cử tự do làm ra, các cơ quan hành chánh và tư pháp hoạt động trên cơ sở pháp luật này, toà án hoàn toàn độc lập đối với hành pháp cũng như lập pháp, nhân quyền và dân quyền được tôn trọng và bảo đảm, chính phủ phải chịu trách nhiệm trước dân chúng, hiến tính của pháp luật phải được kiểm soát bằng một cơ quan đặc cử, Toà án Bảo hiến hay Hội đồng Bảo hiến.

Cần nhấn mạnh là cả cơ quan lập pháp cũng phải chịu sự kiểm soát, không thể tự cho mình là quyền lực cao nhất để đứng ngoài vòng kiểm soát này. Hoặc họ so sánh Nhà Nước Pháp Trị (État de Droit) với Nhà Nước Pháp Định (État légal), Nhà nước Cảnh Sát (État de Police) [3] để tìm ra đặc điểm cho NNPT. Hoặc chụp bắt NNPT đưới hai khía cạnh: qui tắc về nội dung và các thủ tục để áp dụng những qui tắc này. Dĩ nhiên không thể là loại qui tắc về nội dung của những chế độ độc tài, mà phải là qui tắc của những chế độ dân chủ tự do, đa nguyên. Vì thế tinh tuý của những chế độ pháp trị là hệ thống qui phạm (norms) của một xã hội mở, chống lại sự độc đoán của thế lực cầm quyền trong một xã hội áp bức khép kín. Những cách tiếp cận này không nhằm đưa tới một loại Nhà Nước Pháp Trị duy nhất mà là những loại Nhà nước mà quyền lực không phải là sự tập trung trong tay những người cầm quyền sức mạnh thuần tuý vật chất, hoang dại, bất kham, chưa được thuần hoá, để đàn áp dân mà là những thẩm quyền (compétences) do pháp luật ấn định trước về nền tảng cũng như về giới hạn và cách hành sử.

Nói cách khác, NNPT tuyệt đối không được chống lại pháp luật (contra legem) mà chỉ được làm những điều gì pháp luật cho phép (secundum legem). Chẳng những tất cả các cơ quan của Nhà nước ấy, mà chính ngay Nhà nước này, một cách tổng thể, cũng phải phải tuân theo pháp luật. Đó là tiêu chuẩn để người ta phân biệt NNPT với các loại Nhà Nước Pháp Định (État légal), Nhà Nước Công An (État de Police) là những Nhà nước, về mặt tổng thể, không tự đặt mình dưới sự chi phối của pháp luật, loại do quốc dân làm ra và phù hợp với Hiến pháp đồng thời có sự kiểm soát nghiêm ngặt về hiến tính. Chính vì vậy mà Luật Hiến Pháp hiện đại đã đề xướng một khái niệm mới Nhà nước Hiến trị (État Constitutionnel) [4] là loại Nhà nước Pháp trị với đủ các đặc tính của chủ nghĩa hiến trị (constitutionnalisme). Có thể nói đó là một bước phát triển mới của tư tưởng pháp trị phương Tây vào thời điểm đầu thiên niên kỷ thứ ba.

Mặt lịch sử. Nhà nước pháp trị ở phương Tây là sản phẩm của một nền văn hóa, phải nói cổ truyền, về nhân bản, chính trị, tự do, pháp luật, có hàng ngàn năm tuổi thọ của văn hóa Hy Lạp-La Mã. Nền văn hóa ấy, trải qua các thời đại, đã kết tinh thành một luồng tư tưởng pháp trị phương Tây rất phong phú, thể hiện qua nhiều kiểu Nhà nước pháp trị. Có ba kiểu Nhà nước pháp trị ở phương Tây có thể giúp chúng ta có một ý niệm rõ rệt hơn nữa về khái niệm Nhà nước Pháp Trị nói chung, nhờ ở đặc điểm của mỗi kiểu. Đó là Rule of law (Anh), Due process of law (Mỹ), État de droit (Pháp) và Rechtsstaat (Đức), theo thứ tự xuất hiện của chúng trong lịch sử.

Nhà nước pháp trị kiểu Anh : Rule of law.

Tư tưởng pháp trị đã manh nha rất sớm tại nước Anh. Khởi đầu là nhu cầu chống những đặc quyền của nhà vua. Một số thời điểm ngày nay đã được ghi khắc như những dấu mốc lịch sử của quá trình phát triển ấy. Đó là năm 1215 với Đại Hiến chương Margna Carta, năm 1628 với Petition of Rights (Thỉnh nguyện thư quyền lợi), năm 1679 với Habeas Corpus Act (Luật Bảo thân), năm 1689 với Bill of Rights (Tuyên ngôn nhân quyền), năm 1832 với Reform Act (Luật về Cải cách), các năm 1911, 1949 với Parliament Act (Luật về Nghị Viện) v.v… Ngoài ra còn nhiều tục lệ ngăn ngừa không để cho nhà vua can thiệp vào sinh hoạt chính trị chung.

Theo nhận định của giới chuyên nghiên cứu về Anh quốc thì mặc dù cuộc chống đối đặc quyền của nhà vua kéo dài thế kỷ này qua thế kỷ khác nhưng đời sống chính trị tại nước Anh tương đối ổn định và trong khoảng từ thế kỷ 14 cho đến thế kỷ 17, chế độ pháp trị tại Anh Quốc có thể coi như đã định hình và cung cấp cho thế giới một kiểu Nhà nước pháp trị ‘’Rule of law’’ (thượng tôn pháp luật) trong đó vua, chính phủ cũng như dân đều phải tôn trọng pháp luật như một giá trị có hiệu lực cao nhất. Tinh thần trọng pháp này, thật ra, không phải chỉ ở nước Anh mới có. Nhưng nước Anh đã dành cho tinh thần ấy một địa vị đặc biệt khiến cho nền văn hóa chính trị ở nước Anh mang nét đặc thù có tính khuôn mẫu cho cả nhân loại. NNPT tại Anh quốc không theo đúng hẳn mô hình của các NNPT ở phương Tây. Nhưng Nhà nước của Anh quốc vốn là nguyên mẫu (prototype) của mọi NNPT này nên tựu trung tinh thần cơ bản vẫn là một [5].

Nhà nước pháp trị kiểu Mỹ: Due process of law

“Due process of law”là một cụm từ trích trong hai câu, một ở tu chính án thứ 5 và một, ở tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ để đặt ra một nguyên tắc xét xử cho các tòa án Mỹ. Hai câu đó đều nói rằng : ‘’Không ai có thể bị tước đoạt sự sống, tự do hay quyền sở hữu nếu thủ tục triển khai của pháp luật đã không được tôn trọng’’. Nguyên tắc dự liệu nơi tu chính án thứ 5 chỉ đối dụng với những hành vi của chính phủ liên bang, còn nguyên tắc ghi trong tu chính án thứ 14 thì nhắm đối tượng là những hành vi của các chính quyền tiểu bang. Due process of law là một nguyên tắc để dựa vào đó tòa án Mỹ kiểm sát xem trong việc chính quyền liên bang cũng như chính quyền tiểu bang áp dụng và làm luật, trên địa hạt quyền cơ bản của con người, có tôn trọng sự công bằng (fairness) hay không. Thật ra due process of law không phải là một nguyên tắc pháp lý chi phối toàn bộ sinh hoạt chính trị nước Mỹ. Nhưng vì nó có thể coi như một đặc trưng của tư tưởng pháp trị của Mỹ nên người ta mượn nó để gọi tên Nhà nước pháp trị ở Mỹ.

Xét cho cùng, Due process of law của Mỹ cũng là Rule of law của Anh nhưng đã được bổ sung khi đưa vào áp dụng trong môi trường Mỹ. Due process of law đã đẩy xa thêm biên giới của Rule of law khi tòa án Mỹ đi vào nội dung của luật để kiểm sát hiến tính của nó, điều mà tòa án ở Anh không làm vì không muốn can thiệp vào quyền làm luật của nghị viện. Vì vậy mà Due process of law đã có hai thủ tục để kiểm sát hiến tính về mặt hình thức (procedural due process of law) và về mặt nội dung (substantial process of law). Nhu cầu của người Mỹ bổ sung tư tưởng pháp trị của Anh không phải chỉ giới hạn trong phạm vi tòa án. Nó rất sâu và rộng, tới mức xây dựng được cho người Mỹ cả một nền văn hóa pháp lý có bản sắc đặc thù so với chính quốc. Dưới con mắt quan sát tinh tế của nhà ngoại giao Pháp Alexis de Tocqueville, người đã viết ra tác phẩm nổi tiếng Démocratie en Amérique (Dân chủ ở nước Mỹ), thì những hạt giống dân chủ mọc cằn cỗi trên đất già nua châu Âu đã nẩy mầm tốt tươi trên đất mới đầy màu mỡ châu Mỹ [6].

Cần nhấn mạnh rằng khi nói có một kiểu Nhà nước pháp trị Mỹ là ngụ ý nói sinh hoạt chính trị của nước này dựa trên nền tảng tinh thần pháp trị ‘’thượng tôn pháp luật Due process of law’’ (tức là Rule of law bổ sung). Ở Mỹ, Nhà nước chỉ giữ một vai trò thứ yếu, sinh hoạt chính trị của người dân Mỹ, nói chung, không mang tính chất vĩ mô Nhà nước mà mang tính chất vi mô (micro-politique) của cá nhân hay cơ cấu trong xã hội dân sự. Vậy ta nên hiểu cụm từ Nhà nước pháp trị kiểu Mỹ theo nghĩa một sự biểu hiện nhiều mặt, sống động, liên tục, của tư tưởng pháp trị – chứ không phải của Nhà nước pháp trị – Due process of law.

Nhà nước pháp trị kiểu Pháp và Đức : État de droit, Rechtsstaat.

Bàn về Nhà nước pháp trị ở Pháp (État de droit) hay ở Đức (Rechtsstraat) là tiếp xúc với một mạch tư tưởng pháp trị ở châu Âu có nhiều khác biệt với chủ trương Rule of law ở Anh. Châu Âu vốn có tiếng là cái nôi của nền văn hóa pháp trị lục địa mà Pháp và Đức là hai vùng cùng chung một mức độ phát triển. Từ thế kỷ 19, cả hai nước Pháp và Đức đều đã là những Nhà nước pháp định (État légal) cai trị với tinh thần trọng pháp, tuy chưa hẳn là một Nhà nước pháp trị. Năm 1920, giáo sư luật học người Pháp, Carré de Malberg, lần đầu tiên du nhập vào trường đại học Pháp khái niệm Rechsstaat của Đức đã được đề xuất tại nước này từ cuối thế kỷ 19. Nhưng sáng kiến của Carré de Malberg không được giới luật học ở Pháp hưởng ứng. Nhà nước ở Pháp vẫn không chịu vượt qua lằn ranh pháp định vì xu hướng pháp luật tập trung (légicentrisme) vẫn chiếm ưu thế trong xã hội Pháp. Phải đợi tới năm 1971, với sự đột xuất của Hội đồng Bảo hiến (Conseil Constitutionnel) trong vai trò kiểm sát tích cực hiến tính, thì mới có thể nói rằng Nhà nước Pháp trị chính danh đã thực tế hiện hữu ở Pháp.

Tại Đức, sự chào đời của Nhà nước pháp trị xảy ra sớm hơn, 4 năm sau khi cuộc thế chiến lần thứ hai chấm dứt. Hiến pháp Cộng Hòa Liên Bang Đức 1949, ở điều 28 có nói rằng nước Đức là một Nhà nước pháp trị, theo như được định nghĩa trong Hiến pháp này mà Nhà nước, hơn ai hết, phải tuân phục hiệu lực. Như vậy là Nhà nước pháp định, ở Pháp cũng như ở Đức, đã được nâng cấp lên thành Nhà nước pháp trị nhờ có hai thay đổi cơ bản, đó là Hiến pháp được đưa lên hàng đầu của thứ bậc quy phạm và việc kiểm sát hiến tính của luật đã theo đường lối tài phán ở Đức và bán tài phán ở Pháp (nhưng về mặt thực hiệu [effectivité] thì cùng không còn tình trạng pháp luật tập trung như trước nữa). Dĩ nhiên, hai Nhà nước pháp trị ở Đức và ở Pháp không hoàn toàn giống nhau về mọi mặt, nhưng trên đại thể, thì Nhà nước hiện nay ở đó là một Nhà nước hạn chế về quyền lực, và công cụ để hạn chế là Hiến pháp; cứu cánh của việc hạn chế là sự tôn trọng có bảo đảm, một cách thực hiệu, nhân quyền và công dân quyền. Nói tóm lại, con người dưới hai chế độ dân chủ ở Pháp và ở Đức được sống trong tình trạng an toàn pháp lý.

Chế độ chính trị ở hai nước này, tới giai đoạn Nhà nước pháp trị 1949 và 1971, có thể coi như đã được hợp lý hóa (rationalisé) tới cao độ, nhờ một cơ chế chính trị-pháp luật không do tự nhiên hoặc do tương quan sản xuất kinh tế mà có, mà là một hành vi ý chí (volonté) kết hợp với lý trí (raison) của hai xã hội có văn hóa, văn minh. Tất cả những cố gắng về mặt pháp luật để đi tới tiến bộ Nhà nước pháp trị ở Đức, ở Pháp – điều người ta thường gọi là tăng cường pháp chế – không phải chỉ là những lao động chuyên môn pháp điển hóa các quy phạm pháp lý, mà là hành vi hợp lý hóa bộ máy Nhà nước để cơ chế của nó vận hành theo chiều hướng của Hiến trị (constitutionnalisme), phòng chống không để cho Nhà nước sang đoạt dân chủ biến nó thành chuyên chế [7].

Mặt thực tế. Đặt vấn đề NNPT tại Việt Nam trong lúc này mà chỉ chú trọng bàn luận về khái niệm NNPT hay lịch sử NNPT ở các nước tiên tiến trên thế giới thì sẽ không giúp ích gì mấy cho việc cải thiện sinh hoạt chính trị trên vùng đất này. Nhu cầu của tình thế là phải làm sáng tỏ trước dư luận tình trạng nhập nhằng trong đó cái gọi là Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại chức ở Việt Nam đang tự trình bày như là một Nhà Nước Pháp Trị chính danh. Thật ra đó là hai loại Nhà nước hoàn toàn trái ngược nhau. Vậy vấn đề then chốt là phải làm sao chuyển đổi Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa – độc tài toàn trị trong ý đồ nhưng bất túc trong thực tế – thành Nhà Nước Pháp Trị chân chính.

Cho đến nay, việc chuyển đổi này đã không thực hiện được một cách mau chóng và ôn hòa, như mọi người mong đợi, nguyên do chỉ vì sự chuyển đối ấy không phù hợp với ý hệ của lực lượng cầm quyền là Đảng Cộng sản Việt Nam mà ý đồ thầm kín vẫn là duy trì nền chuyên chính của họ với những sửa đổi ngoại vi, trong chừng mực chúng không động chạm gì tới nền chuyên chính cộng sản. Do đó, mặc dù Nhà nước ở Việt Nam hiện nay đang cai trị bằng pháp luật – nhiều đến nỗi chồng chéo nhau, trên dưới lộn tùng phèo – nhưng không thể xếp nó vào loại Nhà nước pháp trị (État de Droit) vì thứ pháp luật của nó – do Đảng Cộng sản thông qua Nhà nước công cụ làm ra, tự xét xử, tự áp dụng, tự kiểm soát – buộc phải liệt nó vào loại Nhà nước Công an (État de Police) với bề ngoài của một Nhà nước pháp định (État légal). Vậy muốn đi tới một Nhà nước pháp trị thì phải vượt qua các loại Nhà nước Công An, dù có vóc dáng pháp định. Sự khác biệt giữa hai loại Nhà nước này là một sự khác biệt về bản chất, không phải về mức độ, cho nên không nên tính chuyên thoả hiệp nếu muốn đất nước sớm ra khỏi tình trạng trì trệ của bảo thủ đảng trị, thực sự bước vào đổi mới.

2. Pháp trị và Nhà nước pháp trị ở phương Đông

Nhà nước pháp trị là một vấn đề còn rất mới đối với tuyệt đại đa số người Việt Nam ở trong nước. Ngược lại, nó là một trong những yêu sách hàng đầu của người Việt ở ngoài nước. Nhà cầm quyền cộng sản không chống trực diện mà chống gián tiếp Nhà nước pháp trị. Bằng cách loại nó ra khỏi ngôn ngữ luật học, ngôn ngữ chính trị chính thức ở Việt Nam để thay thế nó bằng một từ ngữ đặc thù cộng sản – “Nhà nước pháp quyền” mà nội dung hoàn toàn khác biệt với Nhà nước pháp trị nhưng lại muốn người ngoài cuộc lầm tưởng rằng Nhà nước pháp quyền chính là Nhà nước pháp trị. Các nhà lãnh đạo ở Hà Nội đã lập luận rằng Nhà nước pháp trị kiểu phương Tây là một sản phẩm tư sản, không thích hợp với tư tưởng Mác-Lê Nin và truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam. Lập luận này chỉ đúng một nửa trên, phần dưới sai. Việt Nam đã có truyền thống “pháp trị” rất lâu đời trải qua nhiều thế kỷ.

Tuy theo nhiều nhà Trung quốc học Việt, Pháp, Hoa, thì không có tín sử để nghiên cứu, theo tiêu chuẩn khoa học, về nguồn gốc của pháp trị thời xưa. Tuy nhiên, pháp trị thời tiên Tần (khoảng từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 3 trước công nguyên) không phải là chuyện hoang đường. Những tên tuổi như Quản Trọng, Thân Bất Hại, Thận Đáo, Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư v.v… với những ý kiến, chủ trương cai trị độc đáo bằng pháp luật, bây giờ thường vẫn được nhắc tới, đã thực sự hiện hữu trên đất Trung Quốc vào thời điểm trước Công nguyên. Gợi lại ở đây nền pháp trị phương Đông thời xưa không phải để chuyển dịch nó lên thời điểm thịnh đạt của NNPT phương Tây thời nay, cũng như không phải để đẩy lùi kiểu Nhà nước này về thời tiên Tần. Mà chỉ để làm sáng tỏ một điểm: pháp trị phương Đông và pháp trị phương Tây, tuy bề ngoài, trên danh nghĩa, được hiểu như cai trị bằng pháp luật nhưng bên trong, về thực chất, lại là đối cực của nhau.

Có ba sự khác biệt cơ bản giữa hai nền pháp trị này đã khiến cho không ai có thể đồng hoá chúng. Trước hết, khác biệt trên bình diện định chế. Pháp trị thời tiên Tần ở Trung Quốc không phải là một cơ cấu chính trị nhằm thực hiện và bảo đảm nhân quyền, dân quyền mà là một chủ trương dùng pháp luật như là một công cụ cai trị của nhà vua. Theo giáo sư Hồ Thích, chữ “Pháp” có nhiều nghĩa mà hai nghĩa cổ sơ là “khuôn mẫu” và “hình phạt” dùng vào việc trị dân (trị chúng chi pháp), thống nhất hành động của dân để dân nhất tề theo pháp độ, tạo ổn định trong cuộc sống chung (tề thiên hạ chi động, chí công đại định chi chế dã). Hình phạt để cho dân sợ mà theo, và khi dân đã biết sợ rồi thì khỏi phải dùng đến hình phạt (phạt dĩ chỉ phạt). Ý nghĩa “khuôn mẫu” là như vậy, không phải là những qui phạm chi phối đời sống chung của toàn xã hội. Pháp luật là do vua làm ra, vua áp dụng. Vua đứng trên pháp luật vì thế pháp luật không áp dụng với vua mà chỉ với dân mà thôi. Còn phải nói thêm rằng vua không phải chỉ có một công cụ độc nhất để cai trị là “pháp luật”, mà còn “thưởng”, “thuật” và “thế” nữa”. Sự khác biệt thứ hai là khác biệt về cơ chế.

Vua một mình không đủ sức cai trị toàn dân nên vua dùng một lớp người trung gian – các quan – do vua tuyển chọn và bổ nhiệm để thay vua trực tiếp cai trị dân. Vua chỉ cai trị quan, và quan sẽ cai trị dân. Như Hàn Phi, một khuôn mặt hàng đầu trong những người được coi là pháp gia đã nói “Minh chủ trị lại, bất trị dân”. Mặc dầu vậy, không phải vì thế mà quan có toàn quyền cai trị dân, quan chỉ là người thay vua để áp dụng pháp luật. Vua không tin vào đạo đức của quan, chỉ tin vào tác dụng của pháp luật. Đây là điều giúp phân biệt pháp trị với nhân trị, một chủ trương trái ngược với pháp trị, dùng đạo đức con người làm khuôn mẫu để dân theo. Do đó, pháp trị chủ trương quan phải “trung” với vua nhưng không “trung” theo kiểu nhân trị. “Trung” kiểu pháp trị là phải tuyệt đối theo lệnh vua, không được can ngăn cũng như không được gián tiếp phê bình vua (không được khen Nghiêu Thuấn là hiền, khen Thang, Vũ là đã giết bạo chúa, cứ tận lực giữ phép, chuyên tâm thờ chúa, như vậy mới là trung thần). Tất cả những điều trên đã dẫn tới sự khác biệt thứ ba với NNPT phương Tây là sự khác biệt về cứu cánh.

Pháp trị là sự tổng hợp của tất cả những thủ đoạn giúp cho vua thiết lập và duy trì được nên chuyên chế tuyệt đối, chứ không phải là sự thể hiện của một nền dân chủ tự do, đa nguyên, toàn diện như trường hợp NNPT phương Tây. Nói tóm lại, – và thật sơ lược – thì pháp trị thời xưa ở Trung Quốc là thủ đoạn chuyên chế nhằm tập trung hết mọi quyền hành vào tay vua nhằm bảo đảm cho vua đạt được tuyệt đỉnh của sự chuyên chế ấy (Pháp luật do vua ban ra, án do vua xử) [8], trong khi ngày nay ở phương Tây, NNPT lại là thủ đoạn để chống lại chuyên chế một cách toàn diện hầu bảo đảm cho dân, ở khâu cá thể cũng như ở khâu tập thể, không bị chuyên chế chi phối, dù dưới bất cứ hình thức nào. Nó tôn quân, trọng hình mà khinh dân. Pháp trị tiên Tần không phải là một Nhà nước mà chỉ là một thủ đoạn cai trị riêng của vua, do Triều đình và các quan sử dụng để phục vụ vua. Rất may thời vàng son của nó chỉ giới hạn vào triều đại ngắn ngủi của nhà Tần và sau sự sụp đổ của nhà Tần thì nhân trị lại truất phế pháp trị để làm động cơ cai trị cho nền quân chủ ở Trung Quốc giúp cho nền quân chủ này có tuổi thọ trên mấy ngàn năm, mãi cho đến năm Tân Hợi (1911) mới chấm dứt. Có điều không vì thế mà pháp trị đã bị lịch sử của Trung Quốc chôn vùi.

Trái lại, từ nhà Hán trở đi, nó được kết hợp cách này cách khác với nhân trị để sau cùng tạo ra một thứ quân chủ đặc thù Trung Quốc, có nhiều khác biệt với quân chủ ở phương Tây [9]. Việt Nam thời cổ đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của thứ quân chủ này với những tu chỉnh độc đáo dành ưu thế cho nhân trị mang mầm mống của một thứ dân trị ở mức còn tiêu cực. Rất tiếc rằng truyền thống nhân trị pháp trị hỗn hợp này, vào phần nửa sau của thế kỷ XX, lại bị một biến cố nhân danh NNPT phương Tây tiêu diệt để làm sống lại nền pháp trị thời tiên Tần, tuy không phải cho một ông vua cá thể nhưng cho một thứ vua tập thể: “Đảng cộng sản”. Phải so sánh như thế mới thấy được sự bức thiết phải chấm dứt loại pháp trị bảo thủ cổ hủ thời tiên Tần này để tiến tới càng sớm càng tốt một Nhà nước pháp trị kiểu phương Tây, không dành cho pháp luật quyền tuyệt đối của một công cụ cai trị thô bạo, phi nhân, một thứ “Pháp quyền” đã được thần thánh hóa với tinh thần bái vật, nhân danh giai cấp, tiến bộ, văn minh nhưng thực chất không là gì khác hơn chuyên chế tuyệt đối.

3. Hai con đường đi tới Nhà nước pháp trị kiểu phương Tây

Thiết lập một Nhà nước pháp trị chân chính ở Việt Nam có nghĩa là trước tiên phải thanh toán Nhà nước pháp quyền chuyên chế tại chức. Lịch sử một nửa thế kỷ vừa qua ở Việt Nam đã chứng minh rằng bạo động không phải là giải pháp độc nhất để thành công, nếu không muốn nói rằng bạo động không thể đưa tới thất bại. Bài học của phương Tây là có thể chuyển hoá chuyên chế thành dân chủ theo đường lối ôn hoà. Và có lẽ đã đến lúc người Việt Nam – thuộc cả hai xu hướng bạo động và ôn hoà – cần phải lấy một sự lựa chọn chung.

Chính để có được một lựa chọn như vậy nên cần phải soi sáng mấy điểm. Trước hết, nói ôn hoà không có nghĩa là đương nhiên loại trừ bạo động, dù không lựa chọn bạo động. Thái độ tuyệt đối ôn hoà là thái độ của những nhà hoạt động cho tôn giáo, những nhà hiền triết, không phải của những người làm chính trị. Trong đời sống của loài người thì chiến tranh và hoà bình gắn liền với nhau. Tuy không hẳn là một định luật khoa học, nhưng thực tế cho thấy rõ một nghịch lý: chiến tranh đẻ ra hoà bình [10] và hoà bình không phải là không có nguy cơ biến thể để trở thành chiến tranh [11]. Đó là bài học chưa thể quên được của hai cuộc thế chiến vừa qua. Nền dân chủ pháp trị hiện đại ở phương Tây là sản phẩm của hai cuộc cách mạng ở Mỹ và ở Pháp. Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền 1948, Nhà nước pháp trị hiện nay ở Đức là con đẻ của cuộc thế chiến lần thứ nhì.

Gần đây nhất, việc dân chủ hoá hai nước A Phú Hãn và Iraq đều đã phải khởi động bằng vũ lực. Tưởng cần nhấn mạnh rằng trong bầu không khí cuối thế kỷ XVIII khi hai cuộc cách mạng dân quyền Mỹ và Pháp nổ ra, quyền dùng vũ lực để nổi loạn đã được Bản Tuyên Ngôn Độc Lập cũa Mỹ và Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Công dân quyền của Pháp minh thị nhìn nhận (điều 2). Sau cuộc đệ nhị thế chiến, hoà bình được lập lại, quyền nổi loạn này không được trực tiếp nhìn nhận như cuồi thế kỷ XVIII nữa nhưng vẫn tồn tại dười hình thức gián tiếp. Lời mở đầu của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948, có đoạn nói rằng nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo đảm để cho con người không bị dồn vào thế cùng phải nổi loạn để chống chuyên chế và đàn áp [12].

Nói về đường lối bạo động như trên không có nghĩa là cổ võ cho đường lối đó mà chỉ để nhắc nhở rằng bạo động không phải là không có lý do để xuất hiện trong xã hội ngày nay. Nhưng sự lựa chọn của ngưới viết bài này là đường lối ôn hoà chấm dứt độc tài và dân chủ hoá đất nước. Nhìn vấn đề dưới một góc độ như thế thì việc dân chủ hoá này sẽ chỉ có thể bước vào tiến trình thực hiện với ba điều kiện tiên quyết.

Trước hết, điều tiên quyết thứ nhất là sự lựa chọn một kịch bản dân chủ hoá thích hợp. Nói cụ thể hơn, phải biết và dám loại bỏ những kịch bản không thích hợp. Tức là những sáng kiến lắp ráp bằng đầu óc tưởng tượng loại dân chủ lý tưởng, làm sẵn từ ngoài nước rồi chở vào trong nước để “hạ thổ”. Hay loại dân chủ làm sẵn ở trong nước, cũng rất lý tưởng và giống như một bộ máy đã hoàn tất đến mức tinh vi, chỉ cần khởi động là máy chạy ngon lành. Toàn là những thứ phải nhờ phép lạ mới có được, chỉ thoáng hiện ra trong ước mơ. Về kịch bản “dân chủ xã hội chủ nghĩa” đã bắt đầu được diễn xuất ít ra gần hai thập niên rồi, với đầy đủ tiết mục, đang được tiếp diễn nhưng chẳng biết hồi kết thúc sẽ ở vào thời điểm nào, hay rốt cuộc, vẫn chỉ là cách kể chuyện mới cốt chuyện của tấn tuồng cũ tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng dân chủ đình hoãn không thời hạn. Chỉ còn lại hai kịch bản, hoặc cả hai bên hữu quan đồng thuận chuyển giao quyền hành từ chuyên chế sang dân chủ, như những tuồng tích Ba Lan, Hung, Tiệp v.v… hoặc bên dân chủ độc diễn như ở Nam Dương, Nga, Đài Loan, Serbia, Georgia v.v…

Điều tiên quyết thứ hai là việc xác định mục tiêu tối hậu cho việc dân chủ hoá. Trải qua suốt gần sáu thập niên, từ 1945 đến nay, trên danh nghĩa, quyền làm chủ đất nước đã được đòi từ tay ngoại bang rồi vua chúa để trả về cho dân. Nhưng trên thực tế, suốt dòng thời gian khá dài đó, quyền làm chủ này đã bị sang đoạt cho một thiểu số cầm quyền, tự phong cho mình địa vị làm chủ dân. Tình trạng dân chủ được chính thức thiết lập tại Việt Nam nhưng không hề có dân chủ đã kéo dài cho đến tận ngày hôm nay và nếu không có thay đổi thì không biết đến bao giờ. Vậy mục tiêu đầu tiên và cũng là mục tiêu tối hậu của cuộc vận động dân chủ hoá lần này phải là dân, đích thực là dân và không thể là cá nhân, gia đình, phe nhóm, đảng, giai cấp, tôn giáo v.v… Việc trao quyền này phải dứt khoát hiện thực ít ra là về mặt nguyên tắc.

Mọi lý cớ dựa vào ý hệ “cách mạng giai cấp” để tạm thời tịch thu quyền làm chủ này phải cương quyết gạt bỏ để cho lịch sử Việt Nam nói chung, dân chủ Việt Nam nói riêng được khai thông. Với truyền thống tản quyền tự trị, tôn trọng dân bản, với những kiến thức chính trị khoa học hiện đại, với sự trợ giúp tài chính, kỹ thuật của cộng đồng quốc tế và nhất là với kinh nghiệm tranh đấu, xây dựng dân chủ của người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước, dân chúng Việt Nam có khả năng cầm quyền cùng nhau tự quyết định số phận cho mình, khỏi phải mang đôi nạng giai cấp và Đảng. Vậy mục tiêu cần đặt ra ngay tức khắc cho việc dân chủ hóa phải là “dân” đích thực, không thể là “Đảng” là dân trá hình dưới bộ áo “của (nhân) dân, do (nhân) dân, vì (nhân) dân”. Dĩ nhiên, với một dân số 80 triệu người chế độ chính trị dân chủ tương lai không thể trực tiếp hoàn toàn. Và một hình thức đại nghị nào đó sẽ phải trù liệu. Nhưng tuyệt đối phải gạt bỏ những thủ đoạn của cá nhân, đảng phái nhằm sang đoạt quyền của dân.

Điều tiên quyết thứ ba là việc sáng chế ra mô hình dân chủ Việt Nam, phù hợp với tinh thần, cơ chế của dân chủ pháp trị phương Tây nhưng thích hợp với đặc thù văn hoá Việt. Mô hình này sẽ gồm có một “điển mẫu” của Nhà nước dân chủ lý tưởng và một hoạ đồ về một kiến trúc dân chủ phải xây dựng ngay, bằng chất liệu nhân xã Việt Nam mà không thể bằng vật liệu đồ ngoại. Tất cả sẽ được thâu tóm vào trong một Hiến Pháp mới soạn thảo bằng tư duy Hiến Trị.

Những ý kiến trình bày ở trên không phải là để tuyên truyền cho chủ trương hành động của một phe nhóm, chính đảng nào mà để biểu thị mối quan tâm đặc biệt về tình trạng gần như siêu thực hiện nay của cuộc vận động dân chủ hoá Việt Nam. Ai cũng nói, cũng đòi phải có dân chủ hóa ấy nhưng chẳng ai thật sự bắt tay vào việc.


II. Một Số Kinh Nghiệm Về Lộ Trình Dân Chủ Hoá Đi Tới Nhà Nước Pháp Trị Ở Việt Nam

Dân chủ hoá là vận động lịch sử, là viết lịch sử, không phải chỉ suy nghĩ và bàn luận suông. Cần phân biệt “dân chủ” với dân chủ hoá. Nói dân chủ là nói trước hết phải có “nguyên lý dân chủ”, rồi phải thể hiện nguyên lý ấy thành “định chế dân chủ”. Nói “dân chủ hóa” là nói về cách đưa tuần tự những ý kiến trừu tượng này vào đời sống cụ thể của xã hội, từ trạng thái không dân chủ, chưa dân chủ mỗi ngày một gần hơn dân chủ để gia tăng mức độ dân chủ tức là thực hiện một tiến trình từng bước chuyển đổi độc tài chuyên chế thành dân chủ. Ở Việt Nam, dân chủ từ lâu đã không thành vấn đề nữa, nhưng dân chủ hoá thì từ lâu vẫn còn là vấn đề, nếu không hẳn là chưa được đặt thành vấn đề một cách chặt chẽ. Một trong những bước thiết yếu của dân chủ hoá là phải thiết lập được một Nhà nước pháp trị để hộ sinh và bảo đảm dân chủ. Dưới đây là một cố gắng thu thập những kinh nghiệm chưa thành công về việc thiết lập Nhà nước pháp trị để dân chủ hoá Việt Nam.

Xin mở một dấu ngoặc để soi sáng về từ ngữ. Lộ trình, cũng như quá trình và tiến trình, là những tiếng tương đối còn mới trong từ ngữ chính trị ở Việt Nam. Thật ra, những tiếng đơn hán việt “quá”, “tiến”, “lộ”, “trình” không phải là những tiếng Việt mới vì đã có từ cổ xưa như chữ “đạo”. Nhưng khi những tiếng đơn này họp thành những tiếng kép – người Tàu gọi những tiếng kép này là “từ” – như quá trình, tiến trình, lộ trình v.v… thì chúng mang nội dung mới với những hàm nghĩa cũ thiên về các mặt triết học, văn chương. Riêng chữ “lộ” thì đã được dùng rất sớm trong địa hạt chính trị. Năm 1075, để chặn bước tiến của quân nhà Tống đến xâm lăng nước ta, Lý Thường Kiệt đã mở cuộc tấn công trước vào hậu cứ của quân Tống. Dịp này, Lý Thường Kiệt đã cho phổ biến một loạt bài viết công bố rõ ràng cho dân chúng các miền mà quân của Lý Thường Kiệt sẽ tấn công biết vì sao Lý Thường Kiệt đã phải cất quân chinh phạt.

Những bài viết đó được gọi là “lộ bố văn”. Ngày nay, theo cụ Trần Văn Giáp, người ta còn giữ được toàn văn của một trong những lộ bố văn của Lý Thường Kiệt có đầu đề là “Phạt Tống lộ bố văn”. Ngôn ngữ chính trị mới của Việt Nam gần đây ưa dùng những chữ “lộ trình, lộ đồ” không có sự phân biệt rõ rệt. Lộ trình là tiến trình thực hiện có chia thành giai đoạn diễn tiến từ đầu đến kết thúc. Tiến trình là mô tả diễn biến tự nhiên khách quan, lộ trình chú trọng đến tác động chủ quan của con người vào tiến trình khách quan. Tiến trình tĩnh (process), lộ trình động (processing). Lộ đồ là những bước đi cụ thể nhằm thực hiện một giai đoạn hay một công việc nhất định trong lộ trình [13]. Đó là những ngữ nghĩa của hai từ lộ trình và lộ đồ được dùng trong bài này. Xin đóng ngoặc.

1. Kinh nghiệm về lộ trình dân chủ hoá kiểu xã hội chủ nghĩa, với Nhà nước pháp quyền.

Ông Đào Tri Úc, Viện trưởng Viện nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia đã viết trên Tạp chí Cộng sản, cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, số 23 tháng 12 năm 2001: “Khi nói đến pháp quyền là nói đến phương thức dân chủ của tổ chức quyền lực nhà nước ở đó pháp luật là cơ sở cho việc tổ chức tốt quyền lực nhà nước (…) [14]. Ở một đoạn dưới, ông Đào Thi Úc đã xác định thêm: “Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ IX của Đảng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng NNPQXHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng. Như vậy chế độ Nhà nước pháp quyền, đối với chúng ta, là con đường để đạt được các mục tiêu và yêu cầu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa” [15]. Như vậy, phải hiểu rằng đối với tập đoàn hiện đã và đang cầm quyền ở Việt Nam thì nói “dân chủ” ở Việt Nam là phải nói “dân chủ xã hội chủ nghĩa” chứ không phải dân chủ trống trơn. Và dân chủ xã hội chủ nghĩa là dân chủ trống trơn bị đình hoãn vô hạn định, thay thế vào đó là độc tài đảng trị chuyên chính cho đến khi nào tới được chủ nghĩa xã hội.

Những biến cố lịch sử diễn ra ở Liên Xô cũ và Đông Âu cuối thập niên 80 đầu thập niên 90, đã là tờ giấy khai tử của chủ nghĩa xã hội ở trên cõi đời này nhưng đối với những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam thì nó vẫn còn tồn tại ở đâu đó. Ở đâu? Không ai, ngay cả chính Việt cộng cũng không trả lời được. Qui chiếu vào tư tưởng Mác – Lê-nin mà họ vẫn coi là quốc sách thì dân chủ xã hội chủ nghĩa là một loại chế độ chính trị của giai đoạn quá độ trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cũng như ‘’xã hội chủ nghĩa’’ vẫn là một bước quá độ lên một thế giới tưởng tượng – đã sụp đổ từ đầu thập niên 90 – nay đang được tưởng tượng lại, nhưng chưa xác định được ở đâu, còn phải mò mẫm bằng những ‘’định hướng’’, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngoài Đảng ra, không ai biết ở đâu, còn Đảng thì lại không nói được gì hơn những lời hứa đưa tới cuối đường hầm, hẹn đến miền đất hứa: “Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá trình lâu dài, trải qua nhiều chặng đường. Mục tiêu của chặng đường đầu là: thông qua đổi mới toàn diện, xã hội đạt tới trạng thái ổn định vững chắc, tạo thế phát triển nhanh ở chặng sau” [16] . Có nghĩa là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” hãy cứ hiểu là ‘’ổn định vững chắc’’ đã, và ổn định vững chắc là không ai được chống đối của Đảng cộng sản, kể cả những sai lầm đã đưa và vẫn còn đưa cả nước vào con đường tụt hậu, đói khổ.

Cuối cùng thì “pháp quyền” hay “Nhà nước pháp quyền” phải được hiểu, nhưng không nói ra, là “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam”. Sự lãnh dạo của Đảng này đã trở thành một bộ phận của định nghĩa, khi tỏ khi mờ, nhưng là bộ phận chủ yếu và quyết định. Đối với người cộng sản – đặc biệt những người cộng sản cầm quyền – thì Nhà nước và pháp luật là công cụ đấu tranh giai cấp, công cụ để một giai cấp làm chủ xã hội.

Dù chỉ được miêu tả một cách rất khái quát, lộ trình dân chủ hoá Việt Nam như đã lược thuật ở trên là con đường đi riêng của những người cộng sản cầm quyền ở Việt Nam, không phải và không thể là lộ trình chung của toàn dân Việt Nam. Giáo sư Phan Đình Diệu, một nhà trí thức của chế độ cộng sản đương hành ở trong nước, thành viên cao cấp của Mặt Trận Tổ Quốc – trong mọi trường hợp không thể coi là thuộc thành phần “nguỵ phản động”, hay “ly khai” đã có nhiều nhận định nghiêm chỉnh, nghiêm túc về giá trị đích thực của cái gọi là “Đổi Mới” tóm tắt dưới đây, từ đó có thể suy diễn để đánh giá lộ trình dân chủ hoá kiểu xã hội chủ nghĩa.

Thứ nhất, việc chấp nhận kinh tế thị trường nhưng vẫn giữ quyền lực của một Đảng lãnh đạo đã (chỉ) [17] tạo ra một sự ổn định quyền lực (…).

Thứ hai (…) nhiều quyền tự do dân chủ sơ đẳng chưa được thực hiện đầy đủ trong xã hội (ví dụ tự do ngôn luận, báo chí v.v…).

Thứ ba, (…) khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” là một khái niệm mâu thuẫn. Chủ nghĩa xã hội với tư cách một thể chế xã hội (theo định nghĩa kinh điển) là một chế độ về mặt kinh tế phải xây dựng trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất, quản lý tập trung và kế hoạch hoá v.v… rõ ràng là mâu thuẫn với kinh tế thị trường (…). Nếu ta vẫn còn giữ khái niệm mâu thuẫn này thì đó là một cản trở. (…) Nếu duy trì sự thống trị của một một ý thức hệ (chủ nghĩa Mác-Lê nin chẳng hạn) thì sẽ có mâu thuẫn khi kêu gọi đoàn kết và hoà hợp dân tộc.

Thứ tư, sự mâu thuẫn về cơ sở lý luận kéo theo sự mâu thuẫn của hệ thống luật pháp. Luật pháp mà mâu thuẫn thì sẽ có tác động tiêu cực, hoặc sẽ không được tôn trọng (…).

Thứ năm, (…) trên bình diện vĩ mô thì ta thấy một điều hết sức phi lý – Nhà nuớc cũng là Đảng (bộ trưởng, thứ trưởng, các cán bộ chủ chốt đều là đảng viên); vậy tại sao vẫn có một hệ thống cầm quyền song song với hệ thống Nhà nước, để rồi luôn luôn tạo ra sự tranh quyền giữa hai hệ thống này với nhau? (…)

Trong bản thân bộ máy Nhà nước thì các quyền hành pháp, tư pháp lập pháp không rõ ràng, có những người xem như mình có tất cả các quyền đó và có những người có quyền về mọi chuyện song không chịu trách nhiệm về cái gì cả (…). (…)Mác xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội cộng sản là để cho các nước phát triển nhất chứ không phải để cho Việt Nam (một nước chậm phát triển). Mô hình đó , sau một thời gian đã chứng tỏ đối với thế giới là không thích hợp, đối với Việt Nam lại càng không thích hợp. Vậy ta có thể thay đổi mô hình đó.

Kết luận của giáo sư Phan Đình Diệu là nếu Đảng cộng sản chịu đổi mới thực sự thì sẽ có thể có các bước đi cụ thể như sau: (…) tăng cường tính chất pháp trị của một xã hội công dân; phải mạnh dạn cải tổ bộ máy Nhà nước; phải tách luật pháp ra khỏi chính trị (…) tức là không được cai quản đất nước bằng nghị quyết (ta vẫn thường coi nghị quyết của Đảng cao hơn luật pháp) (…), phải làm rõ ràng vai trò của Đảng và của Nhà nước. Nếu Đảng được sự tín nhiệm của nhân dân và lãnh đạo Nhà nước thì Đảng phải nằm trong Nhà nước mà thực hiện quyền lãnh đạo chứ không được đứng trên Nhà nước. (…) Bước tiếp theo là cần mở rộng (dần) các quyền tự do dân chủ khác (hiện nay đã có một số quyền tự do về kinh tế). Trước hết là các quyền tự do về tư tưởng; ngôn luận, báo chí. Trên cơ sở củng cố sự đồng thuận xã hội ta sẽ tiếp tục ban hành các quyền tự do về ứng cử, bầu cử, lập hội v.v… [18]

Hơn mười năm đã trôi qua kể từ khi giáo sư Phan Đình Diệu bộc trực đưa ra những khuyến cáo kể trên. Thực trạng chính trị đất nước hiện nay chưa cho thấy một cải thiện nào đáng kể theo chiều hướng đã được khuyến cáo. Câu kết luận phải rút ra, trong khuôn khổ bài thuyết trình này, là Đảng cầm quyền ở Việt Nam, với độc quyền cai trị đất nước mà nó đang nắm giữ bằng bạo lực, chưa thực sự ra khỏi giai đoạn củng cố quyền lực cho Đảng để đứng vào điểm khởi hành bước vào cái gọi là lộ trình dân chủ hoá Việt Nam của nó. Tưởng khỏi cần chứng minh thêm rằng bộ máy cầm quyền của Đảng này, với tên gọi “Nhà nước pháp quyền” không thể là mục tiêu cho cuộc vận động dân chủ hoá chân chính đang được đòi hỏi cho Việt Nam.

2. Về lộ trình dân chủ hoá của phe dân chủ ở Việt Nam

Cuộc tranh đấu chống độc tài chuyên chế để thiết lập dân chủ ở Việt Nam đã manh nha từ từ đầu thế kỷ trước nhưng phải đợi tới sau cuộc đệ nhị thế chiến nó mới trở thành một hiện tượng chính trị công khai. Tuy vậy, nếu nói rằng kể từ thời điểm đó, đã thành hình một “phe dân chủ” rõ rệt như là một lực lượng đối kháng với phe độc tài thì không khỏi không khiên cưỡng. Trong bài này, cụm từ phe dân chủ chỉ là một cách gọi tên để tiện việc trình bày. Ngoài ra,cũng chưa thấy hiện rõ một lộ trình dân chủ hóa đất nước, chỉ có những nguyện vọng, những yêu sách dân chủ được biểu lộ, bằng nhiều cách và dưới nhiều hình thức. Trong quá trình hình thành phức tạp này của lực lượng dân chủ ở Việt Nam, ta có thể chia làm 3 giai đoạn. Từ 1945 đến 1949: giai đoạn tranh đấu dân chủkhông cóNhà nước. Từ 1945 đến giai đến 1975: giai đoạn dân chủ trực diện chống độc tài có Nhà nước. Từ 1975 đến nay: giai đoạn tranh đấu dân chủ không có Nhà nước nhưng đã chuyển vào quần chúng, xã hội.

A- Giai đoạn tranh đấu dân chủ không có Nhà nước .

Cuộc vận động chính trị chống độc tài bắt đầu ở Việt Nam những năm 1930 nhưng không công khai và không kịch liệt. Dưới nền thống trị của ngoại bang, ở trong nước, hai phe dân chủ và độc tài không có khả thế này, nhưng thật ra, phe dân chủ không chủ trương loại trừ phe độc tài. Trái lại, ở ngoài nước, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi tị nạn của những người tranh đấu chính trị chống Pháp, Nhật, thì cuộc đụng độ giữa hai bên đã diễn ra một cách gay gắt hơn và mang mầu sắc quốc-cộng rõ rệt. Mặc dầu vậy, vì phải dựa vào sự sắp xếp của chính quyền Quốc Dân Đảng Trung Hoa, nên đã có hiện tượng cả hai bên phải chung sống hoà bình, dĩ nhiên phe “quốc” được phần nào ưu đãi. Khi quân đội của Tưởng Giới Thạch năm 1945 vào Việt Nam để làm nhiệm vụ tước khí giới quân đội Nhật, thì phe “quốc” cũng đồng thời về nước và bắt đầu hoạt động công khai chống độc tài núp dưới danh nghĩa “dân chủ”.

Phe này trước khi quân đội Trung Hoa tới Việt Nam, đã tổ chức cuộc khởi nghĩa, lật đổ chế độ quân chủ. Vua Bảo Đại đã thoái vị để trao lại quyền cho phe độc tài mang danh nghĩa dân chủ. Và cũng dưới sức ép của Trung Hoa, cả hai phe đã đứng chung trong một cơ cấu chính quyền được gọi tên là Chính phủ Liên Hiệp, kỳ thực vẫn chỉ là bộ máy cầm quyền của độc tài cộng sản nhưng có bộ mặt dân chủ theo chiến thuật cộng sản Mặt trận dân tộc thống nhất. Tức là phe dân chủ đã tranh đấu cho đường lối dân chủ hoá mà không có Nhà nước. Tình hình quốc tế có biến chuyển mới, nước Pháp vận động quay trở lại Việt Nam, bắt đầu bằng việc thay thế quân đội Trung Hoa để hoàn tất việc giải giới quân đội Nhật. Phe độc tài ở Việt Nam đã khai thác tình hình mới này bằng những hình thức giao hảo với Pháp để vừa củng cố lực lượng cho mình vừa loại trừ đối thủ dân chủ.

Chẳng bao lâu sau, phe độc tài phá đổ được các cơ sở tranh đấu chính trị của phe dân chủ, chuyển sang chiến tranh để đối ngoại, giành độc quyền kháng chiến, và đối nội, từng bước xoá bỏ các hình thức dân chủ giả hiệu, đặt nền móng cho nền chuyên chính cộng sản. Phe dân chủ phải mất hơn hai năm mới tập hợp lại được, nhưng phải dời địa bàn hoạt động ra ngoài nước. Một giải pháp “quốc gia” được khai sinh theo chiều hướng dân chủ trên nền tảng quân chủ lập hiến. Nhưng lại phải dựa vào quân đội viễn chinh của Pháp nên cũng vẫn không ra khỏi tình trạng “không Nhà nước”, hay “hai Nhà nước” trong một không gian chính trị “xôi đậu” thường được gọi là “vùng giải phóng” và “vùng tề” hay “hậu phương” và “vùng địch chiếm đóng v.v… Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, dồn quân dồn dân thành 2 vùng rõ rệt cách biệt nhau bằng con sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17.

B- Giai đoạn đấu tranh dân chủ có Nhà nước

Có thể nói lịch sử dân chủ hoá Việt Nam đã mất trên mười năm để viết những tranh khởi đầu. Bằng một cuộc trưng cầu dân ý (mà có những luồng dư luận coi là sắp đặt trước) dân chúng miền Nam Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền cai trị của phe dân chủ đã lựa chọn giữa một biến thể của chế độ quân chủ lập hiến và chế độ dân chủ theo Tổng thống chế. Một nước Cộng Hoà Việt Nam đã chính thức ra đời tại một nửa nước Việt Nam ở phía Nam và đây là lần đầu tiên phe dân chủ ở Việt Nam có một Nhà nước riêng để dân chủ hoá đất nước. Nhiều định chế chính trị dân chủ đã được thiết lập, trải qua hơn 20 năm phe dân chủ cầm quyền. Rất tiếc rằng sinh hoạt chính trị tại miền Nam Việt Nam đã không hội đủ được những điều kiện chủ quan của một công cuộc dân chủ hoá bình thường. Nó đã phải tự đặt mình vào trong khuôn khổ của chiến tranh do phe độc tài ở miền Bắc tiến hành. Bởi vậy dân chủ ở đây đã chỉ có thể là một thứ dân chủ hạn chế để thích ứng với chiến tranh. Đồng thời nó lại còn bị biến chất vì tham vọng chính trị cá nhân hay phe đảng.

Nói chung, dân quyền ở Việt Nam, kể từ khi chế độ quân chủ đã cáo chung trên nửa thế kỷ nay, vẫn chưa thực sự được thiết lập dù rằng 4 Cộng hoà dân chủ đã ra đời. Nhân dân Việt Nam đã là nạn nhân của hiện tượng sang đoạt dân chủ. Miền Bắc tới mức tối đa để hộ sinh cho độc tài toàn trị. Miền Nam, ở một mức thấp hơn đủ để đặt nền móng văn hóa- chính trị cho kiến trúc dân chủ Việt Nam trong tương lai. Đại bất hạnh cho dân Việt Nam, việc miền Bắc năm 1975 cưỡng chiến miền Nam bằng vũ lực đã chặn đứng bước tiến dân chủ còn rất khiêm nhường này. Thay vào đó là một Nhà nước chuyên chính lộ diện, một bộ máy đã nghiền nát những gì là dân chủ đã hiện hữu ở miên Nam, kể cả những tàn dư của chúng.

C-Giai đoạn đấu tranh dân chủ không có Nhà nước nhưng có chỗ dựa xã hội và quần chúng

Người ta thường nói trong cái rủi lại có cái may. Dân chủ sơ khai ở miền Nam Việt Nam năm 1975 đã tan rã trước cơn bão táp độc tài toàn trị miền Bắc. Không ngờ chính vì vậy mà nó lại có cơ hội để tìm đường tái sinh. Một mặt, tình hình quốc tế những năm 90 đã buộc phe độc tài miền Bắc phải tháo gỡ kiến trúc chuyên chính toàn trị đại qui mô mà họ đã ngang nhiên xây dựng năm 1980. Mặt khác, phe dân chủ vì không còn khả thế thành lập Nhà nước để tiếp tục sự nghiệp dân chủ hóa bị bỏ dở, đành phải đi vào những đường vòng là quần chúng và xã hội. Cuộc thảm bại năm 1945 đã mở rộng địa bàn hoạt dộng cho phe dân chủ ở Việt Nam, không những ở miền Nam cũ mà còn ở cả miền Bắc và trên bốn châu Âu, Mỹ, Úc, Á của địa cầu, những nơi người Việt tị nạn cộng sản định cư. Thêm vào việc mở rộng địa bàn hoạt động còn là việc tăng cường mức độ tranh đấu dân chủ nữa nhờ truyền thông và những liên hệ mới với các lực lượng dân chủ quốc tế. Về những mặt này, có thể coi như cuộc dân chủ hoá của Việt Nam đang bước những bước phát triển mới, để đi tới một chặng đường mới, của dân chủ ở Việt Nam, Nhà nước pháp trị.

Thay lời kết luận hay bài học kinh nghiệm đắt giá dân chủ hoá

Nhìn lại quá khứ, hơn 50 năm vận động dân chủ hoá đất nước đã mang lại cho phe dân chủ Việt Nam một bài học rất phong phú về kinh nghiệm ở nhiều mặt. Rằng dân chủ là tư tưởng, là nguyện vọng nhưng đồng thời còn là định chế, đấu tranh thực tiễn. Không thể có dân chủ chân chính nếu không thiết lập được một Nhà nước pháp trị. Và Nhà nước pháp trị cũng chỉ có thể chào đời nếu nó được một nền dân chủ chân chính hộ sinh. Tất cả những điều kiện ắt có và đầy đủ trên đòi hỏi phải có một lực lượng dân chủ để chuyển hoá độc tài thành dân chủ. Lực lượng này đã trải qua nhiều bước thăng trầm, có lúc tưởng như bị tiêu tan. Nhưng thục tế đã minh trưng rằng dân chủ Việt Nam đã không thể tránh được những cơn khủng hoảng loại sốt vỡ da để ra khỏi tình trạng vị thành niên.

Nay chính là lúc mà nó đang đánh chiếm những vị thế xã hội để đẩy mạnh thêm đà dân chủ hoá đã được khởi đầu từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Nó đã bị đánh bật ra khỏi địa bàn dân tộc 29 năm. Nhưng không vì thế, hay trái lại, chính vì thế mà nay nó đã phục sinh ở ngoài nước, đã bắt rễ ở trong nước từng bước thay đổi tương quan lực lượng với độc tài. Ở ngoài nước, đã có một đối lập dân chủ, và đang là một cơ năng (function) của xã hội Việt Nam dân chủ đã thành hình một cách ngoại lãnh thổ. Ở trong nước, trong hiện tình, cuộc vận động dân chủ bị liệt vào loại nghịch năng (dysfunction) xã hội vì không hay là chưa được chấp nhận như một cơ năng đối lập dân chủ. Nhưng họp chung lại, cả hai cuộc vận động trong và ngoài này đang góp phần hình thành những cơ cấu dân chủ với tất cả những khó khăn và bất trắc của một cuộc đối đầu bất cân xứng, vượt trội nghiêng hẳn về phía độc tài.

Mặc dầu vậy, cũng có những yếu tố mới khiến cho tình hình diễn biến thuận lợi cho dân chủ. Đó là xu thế dân chủ không thể đảo ngược của thời đại. Đó là những trở ngại không cho phép một chính quyền độc tài đóng kín biên cương để tiêu diệt đối lập dân chủ. Chính quyền toàn trị Việt Nam đã phải chùn tay đàn áp trước những trở ngại quốc tế này. Phe dân chủ Việt Nam nếu có bản lĩnh biết nương vào đà dân chủ của nhân loại để đẩy cuộc tranh đấu dân chủ hoá Việt Nam phát triển rộng lớn tới qui mô toàn quốc thì cuộc hành trình đi tới Nhà nước pháp trị sẽ là một chặng được bắt buộc phải qua. Và nó cũng sẽ là một phong cảnh chính trị mới của đất nước trong đó mọi loại Nhà nước khinh dân, áp bức dân sẽ không có chỗ đứng cũng như loại pháp luật làm công cụ cai trị phi nhân quyền, phi dân quyền sẽ bị loại bỏ không tiếc thương.

Trần Thanh Hiệp


Ghi chú:

[1] Cụm từ Hán Việt « Nhà nước pháp trị » ngày nay người ta bắt đầu dịch là State of law, thay vì Rule of law. Thật ra State of law là một tân ngữ, mới được hội nhập vào thụat ngữ luật học chính trị học. hiện đại. Tiếng Pháp thịnh hành hồi đầu thế lỷ trước là Gouvernement par la loi. Nhưng bây giờ thì État de droit thông dụng hơn. Nhà cầm quyền Việt Nam ưa dịch « Nhà nước pháp quyền » là « law-governed »

[2] Xem Trần Thanh Hiệp, Về Nhà nước pháp quyền ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tập san Viễn Tượng số 1, Paris 9- 2003.

[3] Xem bài của Trần Thanh Hiệp đã dẫn ở ghi chú 2

[4] Tên gọi mượn của giáo sư người Đức Peter Haberle, tác giả của L’État constitutionnel, Economica, Presses Universitaire d’Aix-Marseille, 2004

[5] Xem ghi chú số 2

[6] Xem ghi chú số 2

[7] Xem thêm Trần Thanh Hiệp, Hiến trị: chặng đường bắt buộc phải qua để dân chủ hoá Việt Nam, Hội thảo: Việt Nam, Việt Nam : Dân chủ hoá & Thế địa lý chánh trị Tự lập, Kỷ yếu AEI, Washinton DC 12-2002, tr. 48-57

[8] Xem thêm Trần Thanh Hiệp, Pháp trị, xưa và nay, Thông Luận số 77, tháng 12-1994, tr.5-8

[9] Trần Thanh Hiệp, bài đã dẫn nơi ghi chú 8

[10] La Mã đã để lại cho đời sau câu phương ngôn : « Si vis pacem para bellum » (Muốn có hoà bình hãy sửa soạn chiến tranh)

[11] Trong lời mở đầu của nghị quyết 11 của Đại hội đồng lần thứ mười tám của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hiệp Quốc, (Unesco) người ta đọc thấy một đoạn như sau : « một nền hoà bình dựa trên bất công và vi phạm nhân quyền không thể tồn tại lâu bền và chắc chắn sẽ dẫn đến bạo động » (une paix fondée sur l’injustice et la violation des droits de l’homme ne peut durer et conduit immanquablement à la violence).

[12] “(…) it is essential, if man is not to be compelled to have recourse, as a last resort, to rebellion against tyranny and oppression, that human rights should be protected by the rule of law” (Universal Declaration of human rights, Preamble) UN, New York 1993; “(..) il est essentiel que les droits de l’homme soient protégé²s par un régime de droit pour que l’homme ne soit pas contraint, en suprême recours, à la révolte contre la tyrannie et l’oppression” (Déclaration universelle des droits de l’homme, Préambule), Nations Unies, New Yoirk 1993.

[13] Theo Đoàn Viết Hoạt ; Xem Thuyết trình đọc tại Họp Mặt Dân Chủ 2004, Maryland, 2004.

[14] Đào Tri Úc, Vấn đề Nhà nước pháp quyền và sự cần thiết xây dựng mô hình tổng thể bộ máy nhà nước ta, Tạp chí cộng sản, số 23, tháng 12-2001, Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Hà Nội, tr.40

[15] Như trên

[16] Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.11

[17] Phan Đình Diệu, Dân chủ & Cơ chế thực hiện dân chủ, Diễn Đàn số 25 (tháng 12-1993), tr. 17-19.

[18] Như trên

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Một người dùng điện thoại đọc tin trên báo Nhân Dân điện tử đưa tin ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời. Ảnh: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images

Nguyễn Phú Trọng, sự nghiệp và di sản

Ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam, qua đời chiều 19 Tháng Bảy. “Cái quan định luận” (đóng nắp quan tài hãy bình luận) – dù ủng hộ ông hay không, đây là lúc nên nhìn lại di sản của người cầm đầu đảng và chính quyền Việt Nam suốt hai thập niên qua…

Ông Trọng chết, cái lò của ông có thể tắt lửa, nhưng chế độ công an trị mà ông khai mở vẫn còn đó, càng ngày càng lộng hành một cách quá quắt và cái di sản đó sẽ còn tác hại lâu dài…

Ông Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, ngày 1 tháng Hai, 2021. Ảnh: Reuters

Sau Nguyễn Phú Trọng sẽ là một chương bất định?

Trong chính trị, nhất là đối với một nền chính trị phức tạp như ở Việt Nam hiện nay, vào giai đoạn “hậu Nguyễn Phú Trọng” tới đây, thật khó mà vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa ra đi và dừng lại, giữa kết thúc và khởi đầu.

Một trong những câu hỏi lớn mà giới quan sát gần đây đặt ra là, dù rừng khuya đã tắt, nhưng cái lò ‘nhân văn, nhân nghĩa, nhân tình’ của ông Trọng sắp tới có còn đượm mùi củi lửa nữa hay không? Đây là điểm bất định đầu tiên!

TBT đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng là người Cộng sản cuối cùng. Ảnh: FB Việt Tân

Quan điểm của Việt Tân: Nguyễn Phú Trọng là người Cộng sản cuối cùng

Nguyễn Phú Trọng còn là nhân vật ngả theo Trung Quốc. Ông Trọng và hệ thống cầm quyền đã gây tác hại cho đất nước qua những hiệp định hợp tác bất bình đẳng giữa hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, qua việc phân định biên giới đất liền lẫn ngoài Biển Đông.

Kết thúc triều đại Nguyễn Phú Trọng bằng sự nắm quyền của Tô Lâm và phe nhóm công an là một đại họa mới. Đất nước và xã hội sẽ chìm đắm trong hệ thống công an trị. Người dân vốn dĩ đã mất tự do, nay sẽ còn bị kìm kẹp chặt chẽ hơn…

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương đảng CSVN ở Hà Nội, Việt Nam, ngày 10/09/2023. Ảnh: AP - Luong Thai Linh

Báo chí Việt Nam chính thức thông báo tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng từ trần

Còn ông Michael Tatarski, chủ trang Web thời sự Vietnam Weekly bằng tiếng Anh, đăng độc lập ở Sài Gòn, cho rằng theo quan sát của ông về cuộc chuyển giao quyền lực sau khi ông Trọng tạ thế, câu hỏi lớn hơn cả là cách Việt Nam đối xử với xã hội dân sự, việc kiểm soát Internet, các thảo luận mở, và việc kiểm duyệt văn hóa.