Tòa án hiến pháp không thể là giải pháp cho vụ án oan

LS Đặng Đình Mạnh - FB Manh Dang

Công lý. (Ảnh minh họa)

Nhân dịp đọc bài viết “Tòa Hiến Pháp” của tác giả P.H.N có nêu ý kiến về sự cần thiết thành lập Tòa án hiến pháp qua “tình huống phát sinh pháp lý trong vụ án xét xử giám đốc thẩm” Hồ Duy Hải, để giải quyết hai tình huống pháp lý:

– Thứ nhất, giả định VKSNDTC [Viện Kiểm Sát Tối Cao] không đồng ý với Quyết định ngày 08/05/2020 của Hội đồng thẩm phán TANDTC [Tòa Án Tối Cao] nên tiếp tục kháng nghị (lần 2). Do đó, TANDTC tổ chức phiên tòa giám đốc thẩm mới (lần 2) và tiếp tục bác kháng nghị với lý do quyết định kháng nghị của VKSNDTC là không đúng pháp luật.

Theo đó, tác giả cho rằng: “Vậy trong tình huống pháp lý này rất cần có Tòa Hiến pháp đứng ra phán xét tranh chấp pháp lý giữa TANDTC và VKSNDTC.”

– Thứ hai, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã bác kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, bị cáo Hồ Duy Hải sẽ bị thi hành án tử hình trong bối cảnh giả định rằng Quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC là sai lầm, thì cần có Tòa Hiến pháp để công dân khiếu nại về quyết định giám đốc thẩm ấy.

Trước hết, chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực tìm kiếm cơ hội pháp lý để giải quyết vụ án mà công chúng đang tin rằng bất công, oan ức cho bị án Hồ Duy Hải. Cho nên, mọi nỗ lực theo hướng nào cũng đều cần thiết và hữu ích. Kể cả giải pháp thiết chế Tòa án hiến pháp để thực thi nghĩa vụ lương tâm là giải cứu một nạn nhân án oan. Tuy rằng, giải pháp ấy chưa được thuyết phục lắm về một số phương diện học thuật và pháp lý, như sau:

Tòa án hiến pháp, hoặc Tòa/Viện bảo hiến chỉ có một mục đích được xác định trong như chính tên gọi của thiết chế này: Bảo vệ hiến pháp.

Đối tượng của Tòa án hiến pháp nhắm đến là các đạo luật, nghị quyết của cơ quan lập pháp, các nghị định, thông tư, quyết định, chỉ thị của cơ quan hành pháp để bảo đảm hành vi lập pháp hoặc lập quy của các cơ quan này luôn luôn tuân thủ hiến pháp. Đương nhiên, theo đó thì mọi hành vi vi phạm hiến pháp sẽ đều bị Tòa án hiến pháp hủy bỏ. Tuyệt nhiên, về học thuật, pháp lý thì đối tượng nhắm đến của Tòa án hiến pháp chưa bao giờ là phán quyết của cơ quan tư pháp cả.

Các cơ quan tư pháp gồm viện kiểm sát và tòa án. Trong hoạt động tư pháp, sự khác biệt quan điểm giải quyết về một vụ án giữa hai cơ quan này là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng sự khác biệt quan điểm này không phải là một tranh chấp cần phân xử bởi một cơ quan khác (như tác giả đề xuất là Tòa án hiến pháp).

Vì lẽ, căn cứ vào chức năng, thì VKS là cơ quan công tố, có thẩm quyền truy tố và kháng nghị. Nhưng tòa án mới là cơ quan xét xử các vụ án, kể cả phán quyết về kháng nghị của VKS (như vừa bác kháng nghị của VKSNDTC trong vụ án Hồ Duy Hải). Do đó, nếu có khác biệt về quan điểm giữa họ, thì chính tòa án sẽ giải quyết bằng một phán quyết. Cho thấy, thẩm quyền của tòa án có ưu thế hơn so với VKS, vì họ có thẩm quyền quyết định chung cuộc về một sự vụ cụ thể.

Thế nên, việc cho rằng sự khác quan điểm giữa hai cơ quan này là một dạng tranh chấp cần được giải quyết bằng giải pháp thiết chế Tòa án hiến pháp là chưa đúng với chức năng, mục đích và đối tượng của thiết chế này.

Trong giai đoạn hiện nay, khi luật pháp thường bị công chúng đùa tếu táo là rừng luật và luật rừng, thì việc thiết chế Tòa án hiến pháp là hết sức cần thiết và hữu ích. Nó giúp bảo đảm sự hoạt động lành mạnh của tất cả các cơ quan công quyền, giúp đưa những nguyên tắc tốt đẹp về nhân quyền được hiến pháp công nhận đi vào cuộc sống…

Thế nên, tôi rất tán thành về ý kiến nên thiết chế Tòa án hiến pháp, nhưng không thể xem như là một giải pháp để giải quyết vụ án oan mà công chúng đang quan tâm.

Sài Gòn, ngày 17/05/2020

LS Đặng Đình Mạnh

Nguồn: FB Manh Dang