Trao đổi với nhà báo Lê Thanh Phong về dạy thêm

FB Thái Hạo

Một lớp dạy học thêm ở nhà. Ảnh: Giáo Dục Việt Nam

Sáng nay, báo Lao Động đăng bài của nhà báo Lê Thanh Phong có tiêu đề “Phụ huynh và học sinh có nhu cầu thực sự, giáo viên dạy thêm là bình thường.” Trong đó, quan điểm chính của anh là:

“Có học sinh học yếu, cần phải phụ đạo, lấp lỗ hổng kiến thức, cha mẹ không làm được việc này hiệu quả bằng thầy cô, cho nên cần gửi con học thêm” và “Có học sinh học tốt, nhưng cha mẹ muốn nâng ‘level’ của con mình lên, gửi cho những thầy cô dạy giỏi.” Vì thế, “Phụ huynh và học sinh có nhu cầu thực sự, giáo viên dạy thêm là bình thường.” Tóm lại, có lợi cho cả thầy và trò. Và vì thế, không nên “rập khuôn, máy móc, cấm hết.”

Tôi xin trao đổi mấy ý như sau:

1. Cần thống nhất cách hiểu khái niệm

Dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà chúng ta đang nói đến trong câu chuyện này là phải được hiểu theo định nghĩa chứ không phải nghĩa từ điển.

Theo đó, “dạy thêm, học thêm trong nhà trường là dạy thêm, học thêm do cơ sở giáo dục công lập (gồm: cơ sở giáo dục phổ thông; trung tâm dạy nghề; trung tâm giáo dục thường xuyên; trung tâm học tập cộng đồng; trung tâm ngoại ngữ, tin học, sau đây gọi chung là nhà trường) tổ chức” (Thông tư 17). Nghĩa là, không phải cứ dạy và học ngoài giờ chính khóa thì gọi là “dạy thêm, học thêm.”

2. Về phụ đạo học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi

Cũng chính Thông tư 17 quy định: “Việc phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém, bồi dưỡng học sinh giỏi thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh, không coi là dạy thêm, học thêm.”

“Trách nhiệm của nhà trường” cũng tức trách nhiệm nhà nước. Vì thế, giáo viên dạy phụ đạo, dạy bồi dưỡng cũng đã được quy định chế độ thù lao cụ thể.

Nhà báo Lê Thanh Phong gom hai trường hợp này vào “dạy thêm, học thêm” là chưa đúng đối tượng và đồng thời hiểu lệch nhiệm vụ của nhà trường.

3. Về việc tuân thủ luật trong dạy thêm, học thêm

Nhà báo Lê Thanh Phong viết: “Học sinh đi học thêm tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu bản thân, học có hiệu quả, đó là điều tốt. Tất nhiên, thầy cô giáo dạy thêm phải tận tâm, có trách nhiệm với học trò.”

Tôi đồng ý. Nhưng trước khi nói đến chuyện này thì cần đảm bảo rằng, nhà trường đã làm trọn trách nhiệm của mình trong công tác giáo dục, trong đó bao gồm phụ đạo và bồi dưỡng học sinh. Nếu chúng ta hiểu không đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của nhà trường thì rất dễ dẫn đến sự miễn trừ và từ đó đẩy phần việc vốn thuộc về nhà trường (nhà nước) lên vai người khác (ở đây là phụ huynh và học sinh).

Xin nói rộng thêm: “Việc tổ chức dạy thêm trong nhà trường sẽ tốt khi có sự tuân thủ quy định một cách triệt để.” Đúng thế, nhưng đó chỉ là “lý thuyết,” vì điều này là phi thực tế. Một điều luật được ban ra phải tính đến tính khả thi của nó, nếu không không những sẽ bị xã hội vô hiệu hóa (chết yểu) hoặc biến tướng mà còn gây nên sự khinh nhờn, hậu quả tai hại. Dạy thêm học thêm đang là một minh chứng hùng hồn.

***

Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu: Không một hệ thống giáo dục nào có thể đáp ứng được tất cả mọi nhu cầu của người học. Vì thế, nó chỉ có thể đảm bảo những mục tiêu “phổ thông” đa dạng nhất có thể. Và phần còn lại phải phân công cho xã hội: Các cá nhân, trung tâm, công ty bên ngoài.

Đó chính là xã hội hóa lành mạnh.

Nay, xã hội hóa đang bị bóp méo: Lợi dụng vị trí của mình, các nhà trường và giáo viên vừa chưa làm hết trách nhiệm vừa móc nối với các cơ sở bên ngoài để làm tiền học sinh, điều này là vừa trái đạo vừa vi phạm pháp luật.

Hiểu đúng về dạy thêm, học thêm trong nhà trường cũng như nhiệm vụ của nhà trường trong giáo dục; có sự “phân công lao động xã hội” hợp lý, khoa học, tự do và đảm bảo hành lang pháp lý vừa chặt chẽ vừa thông thoáng…, thì mới giải quyết được nạn dạy thêm một cách căn bản.

Lẫn lộn trách nhiệm, nhiệm vụ sẽ dẫn đến vô vàn hệ lụy như chúng ra đang thấy. Cuối cùng, dựa vào nội dung của chương trình mới 2018 và đòi hỏi một tinh thần xã hội hóa giáo dục lành mạnh, tôi ủng hộ một lệnh cấm.

Nguồn: FB Thái Hạo

XEM THÊM: