Ukraine: Đụng độ Nga – Phương Tây khó tránh!

Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) cầm lá đơn vừa ký xin gia nhập NATO, với Thủ Tướng Denys Shmyhal (phải) và Chủ Tịch Quốc Hội Verkhovna Rada. Ảnh: Văn Phòng Tổng Thống Ukraine
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Như dự đoán, hôm Thứ Sáu, 30 Tháng Chín, Tổng Thống Vladimir Putin của Nga ký một nghị định sát nhập vào lãnh thổ Nga bốn khu vực của Ukraine mà quân Nga đang chiếm đóng một phần bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Ukraine và cộng đồng quốc tế. Để trả đũa, chính phủ Ukraine thông báo nộp đơn xin gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc chiến Nga-Ukraine đã leo thang một bước mới, lôi kéo cả Phương Tây và không có hy vọng sớm kết thúc.

“Đây là ý chí của hàng triệu người. Đây là quyền của họ, quyền bất khả xâm phạm của họ,” ông Putin nói về vụ sát nhập, tại hội trường Điện Kremlin, nơi tám năm trước ông tuyên bố thâu tóm bán đảo Crimea của Ukraine thành một phần của Nga. Ngay sau đó, ông tuyên bố Nga sẽ không bao giờ từ bỏ các vùng đất mới chiếm được, sẽ bảo vệ chúng như là một phần sự toàn vẹn lãnh thổ của Nga và sử dụng “mọi lực lượng, mọi phương tiện sẵn có.”

Trong bài diễn văn dài 37 phút trước hàng trăm nhà lập pháp, thống đốc và bốn lãnh đạo bù nhìn do Nga dựng lên, ông Putin nói rằng cư dân của bốn vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng sẽ trở thành công dân Nga vĩnh viễn. Sau đó ông tuyên bố Phương Tây là “kẻ thù,” là những kẻ đang tìm cách phá hoại nước Nga, biến nước Nga thành thuộc địa.

“Điều hết sức quan trọng đối với họ là tất cả các quốc gia phải từ bỏ chủ quyền để phục vụ nước Mỹ,” ông Putin nói và gọi Hoa Kỳ là theo quỷ Sa Tăng (Satanism). Ông kể ra hàng loạt hành động quân sự của Phương Tây trải dài nhiều thế kỷ – từ cuộc Chiến Tranh Nha Phiến mà đế quốc Anh thực hiện ở Trung Hoa thế kỷ 19, việc Đồng Minh dội bom Đức trong Thế Chiến 2 đến các cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Triều Tiên.

Phương Tây hiện nay, theo lời ông Putin, là một “hệ thống thực dân mới” do Hoa Kỳ dẫn đầu và Nga là nước lãnh đạo cuộc nổi dậy chống lại hệ thống đó.

“Phương Tây không chỉ phủ nhận chủ quyền quốc gia và luật pháp quốc tế. Sự bá quyền của họ là thuộc tính của chủ nghĩa toàn trị, chuyên chế và phân biệt chủng tộc,” ông Putin nhấn mạnh và dùng những từ ngữ mà Phương Tây sử dụng để chỉ chế độ độc tài của chính ông.

“Sự sụp đổ của chủ nghĩa bá quyền Phương Tây là không thể đảo ngược được,” ông Putin nói với giới chính trị Nga tập trung tại Điện Kremlin.

“Số phận và lịch sử kêu gọi chúng ta ra chiến trường, vì nhân dân chúng ta, vì đế chế Nga vĩ đại,” ông Putin kêu gọi và tuyên bố cuộc xâm lược Ukraine là cần thiết, là “phía đúng đắn của lịch sử!”

***

Như vậy, nhìn lại những hành động của ông Putin, người ta dễ dàng thấy một kế hoạch cướp đất và bành trướng lãnh thổ, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ukraine, tổ chức trưng cầu dân ý giả mạo, sát nhập các vùng tạm chiếm vào nước Nga và leo thang chiến tranh tới chỗ đối đầu với Phương Tây để xác lập một trật tự thế giới mới.

Cộng đồng quốc tế đã nhanh chóng phản ứng với những thủ đoạn thâm độc và ngôn từ hiếu chiến của ông Putin.

Ông Antonio Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ), ra tuyên bố lên án hành động cướp đất của Nga.

Ông nói: “Hiến Chương LHQ rất rõ ràng. Mọi cuộc sát nhập lãnh thổ do một nhà nước thực hiện với một nhà nước khác, sử dụng bạo lực và đe dọa sử dụng bạo lực là vi phạm các nguyên tắc Hiến Chương LHQ và luật pháp quốc tế.”

Các quốc gia Phương Tây đã nhanh chóng lên án vụ cướp đất của Nga là bất hợp pháp, gọi những cuộc trưng cầu dân ý giả mạo mà Nga vừa thực hiện ở bốn vùng lãnh thổ của Ukraine là trò lừa đảo.

Chính phủ của Tổng Thống Joe Biden ngay lập tức công bố những biện pháp trừng phạt mới với Nga và những gói viện trợ mới cho Ukraine để trả đũa hành vi vi phạm pháp luật quốc tế trầm trọng này.

“Đừng nhầm lẫn: Những hành động này không có tính chính danh. Tôi thúc giục tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế bác bỏ nỗ lực thâu tóm lãnh thổ bất hợp pháp của Nga và đứng bên cạnh nhân dân Ukraine cho đến khi nào đất nước này cần,” ông Biden nói.

Không chỉ các đồng minh của Ukraine ở Phương Tây lên tiếng phản ứng mà ngay những quốc gia thân cận với Nga như Uzbekistan và Moldova cũng ra tuyên bố phản đối hành động của Nga sử dụng vũ lực để thâu tóm lãnh thổ Ukraine.

Về phần mình, Ukraine phản ứng bằng cách vừa đẩy mạnh các cuộc phản công trên chiến trường để giành lại những vùng đất bị Nga tạm chiếm, vừa lập tức nộp hồ sơ xin gia nhập NATO.

Giữa lúc ông Putin đọc bài diễn văn nảy lửa ở Điện Kremlin thì trong vùng Donetsk bị sát nhập, quân đội Ukraine siết chặt vòng vây quanh thành phố Lyman – một trung tâm vận chuyển đường sắt có vai trò quan trọng trong việc tiếp liệu cho các lực lượng Nga ở chiến trường – và có tin quân Nga đã tháo chạy khỏi thành phố.

Nếu nhìn vào bản đồ chiến tuyến, người ta dễ dàng nhận ra bốn vùng đất bị Nga thâu tóm đều nằm trên bờ biển. Mất khu vực này, Ukraine sẽ bị tách khỏi biển Hắc Hải và biển Azov, bị biến thành một quốc gia nằm sâu trong nội địa (land-locked country). Các vùng đất bị sát nhập cũng sẽ là đầu cầu chiến lược để Nga thôn tính toàn bộ đất nước Ukraine sau này. Ukraine đang phản công mạnh nhưng nếu không giành lại được các vùng lãnh thổ bị mất trước khi mùa Đông khắc nghiệt đến thì triển vọng cuộc chiến sẽ rất xấu cho Ukraine.

Chính vì thế, Tổng Thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine đã lập tức tung ra đòn cân não. Đó là xin gia nhập NATO theo thủ tục rút gọn (fast-track). Một khi trở thành thành viên NATO, Ukraine sẽ được hưởng quy chế phòng thủ chung theo Điều 5 của Hiệp Ước NATO, theo đó toàn khối sẽ phản ứng khi một nước thành viên bị thế lực bên ngoài gây chiến. Bằng quyết định gia nhập NATO, Ukraine đã chọc ngay vào nỗi lo sợ của Nga, một trong những lý do mà ông Putin viện ra để xua quân xâm lược Ukraine tám tháng về trước. Trong một phát biểu video hàng đêm, ông Zelenskiy tố cáo Điện Kremlin “đã ăn cắp những thứ không thuộc về họ” và Ukraine “sẽ không cho phép chuyện đó xảy ra.”

***

Những diễn biến cấp tập như trên cho thấy hiện nay cuộc chiến tranh Nga-Ukraine đã leo lên một nấc thang mới, sắp biến thành cuộc đụng độ lịch sử giữa Nga và Phương Tây.

Trong cuộc đối đầu đó, dường như Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí nguyên tử để đạt mục đích như trong bài diễn văn ông Putin nhấn mạnh “Hoa Kỳ là nước duy nhất đã sử dụng bom nguyên tử trong chiến tranh” và đặt ra một “tiền lệ” mà Nga có thể sẽ theo.

Nhưng lời đe dọa nguyên tử của ông Putin không làm Phương Tây sợ hãi.

“Ông ta không thể dọa nạt hoặc làm chúng ta sợ hãi. Ông ta không thể chiếm đất của láng giềng rồi vô can,” ông Biden nói trong buổi họp báo. “Hoa Kỳ sẵn sàng cùng các đồng minh NATO bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO, từng tấc. Ông Putin, đừng hiểu sai lời tôi nói,” ông Biden nhấn mạnh.

Liên Minh châu Âu cũng ra tuyên bố tương tự: “Những lời đe dọa hạt nhân của Điện Kremlin, việc động viên quân lực và tuyên bố sai lầm rằng lãnh thổ Ukraine thuộc về Nga đều không lay chuyển được quyết tâm của chúng tôi.”

Theo thủ pháp “cây gậy và củ cà rốt,” bên cạnh lời đe dọa, ông Putin còn mời chào Ukraine ngồi vào bàn đàm phán theo điều kiện mà Nga đưa ra là không đòi lại những vùng đất đã bị chiếm, cho rằng việc sát nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine vào Nga là “không thương lượng được.”

Nhưng Ukraine đòi Nga phải rút khỏi toàn bộ lãnh thổ đã chiếm đóng.

“Không thể có một hiệp ước chung sống hòa bình, bình đẳng, chân thật với tổng thống Nga hiện nay. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Nga, nhưng chỉ với một tổng thống Nga khác,” ông Zelenskiy nói, hàm ý ông Putin phải ra đi trước khi hòa bình được lập lại ở vùng đất tang thương này.

Một triển vọng xem ra rất khó thành hiện thực.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.