Ukraine và tính bất định của trật tự toàn cầu (Phần 1)

Một binh lính Ukraine ôm quả đạn súng cối, Donetsk, Ukraine, tháng 2/2023. Ảnh: Marko Djurica / Reuters
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nguồn: Ukraine and the Contingency of Global Order,” Hal Brands, Foreign Affairs, 14/2/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến ở Ukraine diễn ra theo một cách khác – hoặc chuyển hướng đột ngột?

Người ta nói rằng vòng cung đạo đức của vũ trụ rất dài, nhưng nó luôn hướng về phía công lý. Đây là một cách hay để phân tích năm đầu tiên của cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đúng là người Ukraine khó mà thấy được công lý trong một cuộc xung đột đã tàn phá lãnh thổ, nền kinh tế, và con người của đất nước họ. Nhưng chí ít, cuộc chiến cũng đã hủy hoại quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm tiêu tan khát vọng đế quốc của ông. Cuộc chiến đã chứng kiến Ukraine vượt xa gần như tất cả những kỳ vọng ban đầu. Nó đã thống nhất và tiếp thêm sinh lực cho phương Tây. Dường như, người tốt đang chiến thắng, còn kẻ xấu đang phải nhận sự trừng phạt mà vũ trụ dành cho những ai chọn đứng về lề trái của lịch sử.

Rất dễ để nghĩ rằng kết quả này là không thể tránh khỏi. Chế độ và lực lượng vũ trang của Putin quá thối nát, quá trình chinh phục lãnh thổ trong thời hiện đại đã trở nên quá khó khăn, và sức mạnh của cộng đồng dân chủ đoàn kết ủng hộ Ukraine quá dữ dội khiến Moscow không thể có cơ hội giành chiến thắng. Cuộc chiến chỉ đơn giản đã bộc lộ sự bền bỉ của thế giới tự do – cũng như điểm yếu của kẻ thù của họ.

Đó là một câu chuyện hay, nhưng lại không phải là sự thật. Cuộc chiến, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên, là một cuộc cạnh tranh rất sít sao. Thành công của Ukraine – thậm chí là sự tồn tại của nước này – chưa bao giờ được đảm bảo vững chắc. Những lựa chọn khác nhau ở Kyiv, Moscow, và Washington có thể tạo ra những kết quả hoàn toàn khác nhau, đối với Ukraine và đối với phần còn lại của thế giới. Nếu Putin đánh bại Ukraine, các nhà hoạch định chính sách phương Tây có thể sẽ phải vật lộn với tình trạng mất an ninh lan rộng ở Đông Âu, với sự hình thành một “trục chuyên chế,” và với sự bất ổn toàn cầu gia tăng. Có lẽ vẫn còn quá sớm để xem cuộc chiến ở Ukraine là cuộc chiến củng cố trật tự tự do; thay vào đó, nó có thể đã làm suy yếu trật tự này.

Hiểu rõ những gì có thể xảy ra ở Ukraine là việc làm cần thiết khi xung đột bước sang năm thứ hai. Chỉ bởi vì cuộc chiến đang diễn ra theo hướng tích cực đối với Ukraine và thế giới phương Tây không có nghĩa là mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra theo ý muốn của họ. Chiến tranh là một trong những điều ngẫu nhiên nhất của nhân loại, và kết quả của cuộc chiến này phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định trong tương lai, cũng như các quyết định đã được đưa ra cho đến nay. Các sự kiện ở Ukraine cũng nhắc nhở chúng ta rằng trật tự thế giới không phải là sản phẩm của quy luật tự nhiên hay tính tất yếu về đạo đức. Nó là kết quả của các chính sách được theo đuổi dưới áp lực khủng khiếp của khủng hoảng. Căng thẳng toàn cầu có thể bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt; “vòng cung của vũ trụ” chính xác là những gì con người chúng ta tạo ra.

Tạo ra số phận của riêng mình

Theo bất kỳ tiêu chuẩn lịch sử hợp lý nào, thế giới ngày nay là một nơi cực kỳ hòa bình, thịnh vượng, và dân chủ. Thế giới đó là kết quả của những xung đột toàn cầu kết thúc bằng chiến thắng của những người ủng hộ trật tự tự do – nhưng chuyện không nhất thiết phải diễn ra như vậy.

Nếu một hoặc hai trận chiến ở miền bắc nước Pháp hồi tháng 8-tháng 9/1914 có kết cục khác đi, Đức có thể đã nhanh chóng chiến thắng trong Thế chiến I. Ngay cả sau khi cuộc Đại chiến trở thành một cuộc cạnh tranh khốc liệt, Đức vẫn có thể thắng thế. Nếu chế độ quân chủ Đức chịu lắng nghe lời khuyên của các cố vấn dân sự, những người phản đối việc nối lại chiến tranh tàu ngầm không giới hạn vào đầu năm 1917, thì Mỹ đã không tham chiến, và những kẻ thù của Đức – một nước Nga chuẩn bị diễn ra cách mạng, một nước Pháp kiệt quệ, một nước Anh gần như vỡ nợ – có thể đã bị khuất phục.

Nếu Thế chiến I diễn ra khác đi, thì phần còn lại của thế kỷ 20 cũng sẽ khác đi. Nước Đức chiến thắng sẽ cai trị một Trung Âu rộng lớn, kéo dài từ Bỉ đến Trung Đông. Các hình thức chính phủ chuyên chế sẽ lên ngôi; chủ nghĩa phi tự do và sự bất ổn có thể từ lục địa Á-Âu do Đức thống trị lan tỏa ra bên ngoài.

Tính bất định của Thế chiến II thậm chí còn cao hơn. Khi nhìn lại, chiến thắng của phe Đồng minh – vượt trội hơn so với phe Trục về tiền bạc, nhân lực, và máy móc – dường như là không thể tránh khỏi, nhưng vào thời điểm đó, chẳng có ai cảm thấy như vậy. Các chiến lược táo bạo và được triển khai đúng lúc đã cho phép Đức và Nhật chiếm được châu Âu và phần lớn châu Á-Thái Bình Dương. Đầu năm 1942, phe Trục có thể đã cắt đứt được các tuyến tiếp tế toàn cầu của Đồng minh bằng các chiến dịch đồng tác chiến ở Trung Đông và Ấn Độ Dương. Nhưng họ đã lỡ mất cơ hội này, và cuối cùng, Đức và Nhật đã phải thất bại. Tuy nhiên, sự ngẫu nhiên và sự may mắn vẫn đóng vai trò quan trọng: khác biệt giữa chiến thắng và thất bại trong các cuộc đụng độ quan trọng như Trận Midway nhỏ đến mức có thể quy về mức độ chính xác trong việc thả một vài quả bom vào thời khắc quyết định của một vài phi công.

Kết quả của cuộc xung đột lớn tiếp theo, Chiến tranh Lạnh, đã mở ra thời đại của toàn cầu hóa và sự thống trị của dân chủ. Dù khối tư bản đã vượt trội hơn hẳn khối cộng sản trong một thời gian dài, nhưng nó vẫn có thể dễ dàng tan rã ngay từ đầu. Nếu Washington không thực hiện Kế hoạch Marshall và thành lập khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương – hai điểm khác biệt triệt để so với truyền thống ngoại giao của Mỹ – vào cuối những năm 1940, Tây Âu có thể đã sụp đổ, và kéo theo là cả cán cân quyền lực toàn cầu.

Đảo ngược thực tế lịch sử không đơn thuần chỉ là trò chơi “giả sử.” Suy ngẫm về việc liệu các sự kiện lớn có thể đã khác đi như thế nào nhấn mạnh cho chúng ta thấy rằng thực tế ngày nay không phải là thực tế duy nhất từng có thể xảy ra. Chiến tranh là một hiện tượng phức tạp và không thể đoán trước, vì vậy, thế giới nơi các cuộc đại chiến hình thành cũng là một thế giới không thể đoán trước.

Đánh bại số phận

Một năm trước, nhiều nhà phân tích đã không mong đợi một Ukraine độc lập tiếp tục tồn tại đến tận bây giờ. Khi Putin xâm lược vào tháng 2/2022, ông đã hình dung về một chiến dịch phủ đầu, nhanh chóng chiếm giữ thủ đô và các thành phố lớn khác của Ukraine, lật đổ chính phủ và tiêu diệt mọi kháng cự còn sót lại của nước này. Ở Điện Kremlin, và cả ở Washington, người ta nghĩ rằng Kyiv sẽ thất thủ chỉ sau vài ngày và kháng cự thông thường sẽ sớm chấm dứt. Sau đó, Moscow sẽ kiểm soát phần lớn Ukraine, dẫn đến một cuộc nổi dậy của người Ukraine dù với triển vọng không mấy sáng sủa. Một số nhà phân tích phương Tây thậm chí còn đi xa hơn khi phân tích những hậu quả để lại ở một Ukraine thất bại.

Đối với Ukraine, những hậu quả đó sẽ rất khủng khiếp – các phiên tòa trá hình, các vụ hành quyết tập thể, và tình trạng hỗn loạn ở các khu vực mà Nga đã chiếm đóng. Hậu quả toàn cầu cũng sẽ rất đáng ngại. Putin có thể đã đánh cược vào đế chế hậu Xô-viết mà ông vẫn mong mỏi từ lâu. Một đất nước Ukraine bù nhìn có thể đã bị kéo vào một liên bang cùng với Nga và Belarus. Còn Moldova sẽ phải chịu áp lực nặng nề khi Moscow dựng lên một hành lang đất liền nối với Transnistria, khu vực ly khai đã có quân Nga đồn trú. Sau sự can thiệp thành công của Nga vào Kazakhstan hồi tháng 1/2022, sự chiếm đóng Belarus trên thực tế, và cuộc tấn công tàn bạo vào Ukraine, liệu có còn nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ nào dám bất tuân mệnh lệnh của Moscow?

Câu trả lời có lẽ là các quốc gia vùng Baltic, nhờ vào liên minh của họ với Washington. Nhưng NATO sẽ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh ở mặt trận phía đông. Thông qua Belarus và Ukraine, Nga có thể tìm cách đe dọa Latvia, Litva [tức Lithuania], và Ba Lan. Chi phí và mức độ khó khăn khi bảo vệ các đồng minh của Mỹ sẽ tăng lên gấp bội, trong khi Nga có thêm nhiều con đường tiềm năng để mở một cuộc tấn công, vì một liên bang do Moscow lãnh đạo sẽ có biên giới với NATO dài hơn nhiều. Phần Lan và Thụy Điển có lẽ vẫn muốn trở thành thành viên NATO, nhưng cuộc tranh luận trong liên minh về việc có nên kết nạp họ hay không – và theo đó đối đầu với một Putin táo bạo – có thể gây tranh cãi hơn nhiều.

Khi đó, tương lai của trục chuyên chế sẽ rất tươi sáng. Một chiến thắng của Nga sẽ mang lại động lực địa chính trị quan trọng cho quan hệ đối tác Moscow-Bắc Kinh. Một nước Mỹ bị dàn trải sức mạnh sẽ phải đối mặt với các đối thủ quân sự đang nổi lên ở cả châu Âu và châu Á. Cuộc xâm lược thành công ở Ukraine có thể vẫn khiến các nền dân chủ sợ hãi ở châu Âu và châu Á gia tăng chi tiêu quân sự, nhưng nó cũng sẽ tạo ra một bầu không khí hỗn loạn trên toàn cầu có lợi cho “kẻ săn mồi” và khiến các nền dân chủ phải chật vật chống trả từ một vị thế yếu hơn so với vị thế hiện tại của họ.

Xét về mặt ý thức hệ, Putin sẽ củng cố sức mạnh trong nước; mức độ ủng hộ của người dân dành cho ông sẽ tăng vọt, giống như sau khi ông sáp nhập Crimea vào năm 2014. Những người ủng hộ chế độ chuyên chế trên khắp thế giới sẽ ca ngợi sự tàn nhẫn và xảo quyệt của Putin. Mỹ, vừa mới rút quân trong hỗn loạn khỏi Afghanistan, sẽ phải đối mặt với hàng loạt những lời tuyên bố rằng các nền dân chủ đang thoái trào.

Chắc chắn, chiến thắng ở Ukraine sẽ không khiến Moscow trở nên bất bại. Một cuộc nổi dậy trường kỳ, được hỗ trợ bởi các nước NATO, có thể làm suy yếu sức mạnh của Nga. Mỹ và nhiều đồng minh sẽ đáp trả Nga bằng các biện pháp trừng phạt. Nhưng một chiến dịch trừng phạt mạnh tay cũng chẳng thể vượt qua một cuộc chiến thông thường với kết thúc nhanh chóng, vì trong kịch bản này, một số nước châu Âu có thể ủng hộ việc sớm quay trở lại “tình trạng bình thường.” Sự nhiệt tình ủng hộ cuộc nổi dậy của người Ukraine cũng có thể suy yếu vì những lý do tương tự.

May mắn thay cho Ukraine và phương Tây, kịch bản trên đã không xảy ra. Đế chế hậu Xô-viết của Nga đang sụp đổ: các quốc gia Trung Á đang lo lắng, và đến cả Belarus cũng sẽ không tham gia cuộc chiến của Putin. Tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn cho NATO. Liên minh đã tập hợp xung quanh Ukraine, tăng cường phòng thủ sườn phía đông, và đang trong quá trình chào đón Phần Lan và Thụy Điển. Cộng đồng các nền dân chủ tiên tiến trên toàn cầu đã trở nên mạnh mẽ và kiên cường, trong khi ảnh hưởng và quyền lực của Nga bị suy giảm. Quan hệ Trung-Nga cũng bị ảnh hưởng, một phần vì Putin đã yêu cầu những khoản viện trợ mà Trung Quốc vẫn chần chừ cung cấp. Ngày nay, chẳng có ai thán phục trước những thành tựu của chế độ chuyên chế. Ở nơi chiến trường và trên toàn thế giới, khoảng cách giữa những gì Putin mong muốn và những gì ông ta đạt được là rất lớn. Nhưng việc nước Nga sẽ kết thúc trong thất bại không phải luôn luôn rõ ràng.

Đúng là cuộc chiến cho thấy nhiều nhà quan sát phương Tây đã đánh giá quá cao sức mạnh quân sự của Nga, thứ đã bị hủy hoại bởi nhiều yếu tố, gồm nạn tham nhũng tràn lan và cơ cấu lực lượng thiên về thiết giáp hơn bộ binh. Nhiều nhà phân tích phương Tây, có lẽ bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ nhanh chóng của Afghanistan vào năm 2021, đã đánh giá thấp ý chí và khả năng chiến đấu của Ukraine.

Dù vậy, không có gì đảm bảo rằng Ukraine sẽ chịu được đợt tấn công ban đầu của Nga. Sau cùng thì, các chế độ và quân đội yếu kém vẫn có thể hoạt động tốt trên chiến trường. Trước khi Hồng quân – bị suy yếu bởi các cuộc thanh trừng của Stalin – bị Phần Lan làm cho bẽ mặt vào năm 1939-1940, họ đã từng đè bẹp một cường quốc mạnh hơn là Nhật Bản ở Mãn Châu. Và lý do khiến rất ít nhà phân tích dự đoán chính xác diễn biến của cuộc chiến hiện tại ở Ukraine là bởi nó được định hình bởi những diễn biến rất khó đoán: Nga đã thất bại thảm hại trong việc khai thác lợi thế của mình, Ukraine đã thể hiện sức mạnh bất ngờ và khắc phục được việc thiếu chuẩn bị cho chiến tranh, và thế giới bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, đã thúc đẩy Kyiv với sự hỗ trợ chưa từng có.

Không điều nào trong số này là không thể tránh khỏi. Hồi tháng 1/2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trông giống Ashraf Ghani hơn là Winston Churchill, vì ông có vẻ rất thờ ơ trước một thảm họa đang rình rập. Mỹ và các đồng minh châu Âu chỉ dành cho Ukraine sự ủng hộ khiêm tốn và đầy do dự sau các cuộc xâm lược của Nga vào năm 2014 và 2015. Thử thay đổi bất kỳ yếu tố định hình nào nói trên, và diễn biến của cuộc chiến có thể sẽ rất khác.

(Còn tiếp một phần)

Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.