Ước vọng Nhân Quyền và cuộc chiến để làm Người

Tân Phong

Người dân Thượng Hải xuống đường chống đối chính sách zero Covid, đòi tự do... hôm 27/11/2022. Ảnh: RFI

“Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh” – Karl Marx

Phần 1: Thấy gì từ “Bạch chỉ cách mạng”

Ngày 10 tháng Mười Hai tới đây đánh dấu 74 năm sự ra đời của Tuyên Ngôn Nhân Quyền thế giới trong bối cảnh những cuộc biểu tình với qui mô chưa từng có ở Trung Quốc đang lan khắp các tỉnh thành lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, Trùng Khánh, Thành Đô… phản đối các chính sách phòng dịch cực đoan, tiêu cực trong công tác xét nghiệm, tệ tham nhũng và lộng quyền của hệ thống quan liêu đã và đang gây ra quá nhiều cái chết tức tưởi, đẩy hàng trăm triệu dân ở các đô thị lớn vào cảnh thất nghiệp, cùng cực, thậm chí là chết vì đói. Một làn sóng được gọi là “Bạch chỉ cách mạng” đang diễn ra mạnh mẽ trong khi nhiều nơi đã xảy ra bạo động ở một số khu dân cư bị phong tỏa nghiêm ngặt như nhà máy Foxconn Quảng Châu và khu Urumqi…

Người ta thấy khắp nơi, những tiếng thét vang “Tập Cận Bình từ chức” “Tự do báo chí” “Tự do ngôn luận” “Ngừng kiểm duyệt, chúng tôi muốn có Nhân Quyền”… Sinh viên của trường đại học Thanh Hoa – đại học danh tiếng nhất Hoa Lục, cái nôi đào tạo nhóm tinh hoa của đất nước “đèn lồng đỏ treo cao,” đã hát vang bài hát Freedom của nhóm Beyond. Một quang cảnh chấn động không thể tưởng tượng được đã diễn ra ở quốc gia cộng sản có một bộ máy đàn áp sắt máu và hệ thống kiểm duyệt công dân chặt chẽ, khắc nghiệt nhất thế giới.

Cả thế giới rung động trước những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, tràn ngập trên các tờ báo, phương tiện truyền thông Tây Phương là hình ảnh về các cuộc biểu tình của sinh viên và người dân Trung Quốc.

Đối diện với cơn giận dữ và phản kháng của dân chúng, hệ thống cai trị khổng lồ Trung Quốc Cộng Sản không hề nao núng. Với một bề dày lịch sử vi phạm Nhân Quyền và không hề e ngại thực hiện các tội ác diệt chủng với qui mô và mức độ tinh vi bậc nhất trong lịch sử nhân loại, nhà cầm quyền Trung Quốc đã ngay lập tức kích hoạt bộ máy đàn áp khổng lồ …với đủ mọi binh chủng và trang thiết bị hiện đại nhất được triển khai.

Trên mạng xã hội Twitter, Facebook người dân các nơi cho thấy hàng đoàn xe bọc thép, xe tăng… tiến vào những đô thị lớn, nơi đang có những cuộc biểu tình lớn diễn ra. Quảng Châu, trung tâm thương mại, tài chính, kỹ nghệ bậc nhất của Trung Quốc với với hơn 11 triệu dân bị phong tỏa trong tối ngày 30/11/2022 và lệnh phong tỏa sẽ kéo dài đến tháng 3 năm 2023…

Những động thái của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến ngoại giới lạnh sống lưng khi nhớ đến vụ thảm sát Thiên An Môn. Khi đó, Đặng Tiểu Bình và Giang Trạch Dân chủ trương đem quân đội, xe tăng vào quảng trường đã bị bịt kín các lối ra vào đêm ngày 4 tháng Sáu năm 1989, nghiền nát hàng ngàn sinh viên biểu tình ôn hòa nhằm đòi hỏi chính quyền tôn trọng Nhân Quyền và cải cách chính trị theo hướng Dân Chủ.

Tội ác ghê rợn này thậm chí được đảng Cộng Sản Trung Quốc coi đó là một quyết sách đúng đắn và được đưa vào sách giáo khoa lịch sử đảng như một thắng lợi to lớn của cách mạng chuyên chính vô sản. Do đó, những hậu duệ của Đặng, Giang sẽ không bao giờ ngần ngại tắm máu các cuộc biểu tình ôn hòa của người dân, dù trong tay họ chỉ là những tờ giấy trắng. Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng Mười Hai tới đây, liệu thế giới, một lần nữa, có chứng kiến tội ác khủng khiếp như đã từng diễn ra 33 năm trước hay không?

Có một diễn biến bất ngờ là vào ngày 30/11 vừa qua, Giang Trạch Dân, kẻ đã nhiệt thành tàn sát những sinh viên tay không tấc sắt ở Thiên An Môn 33 năm trước, kẻ đã bức hại hàng triệu người tập luyện Pháp Luân Công, chỉ đạo thiết lập hệ thống trại tập trung khổng lồ để giam giữ và thu hoạch nội tạng của họ, kẻ đã phá hoại Phật Giáo Tây Tạng, Thiên Chúa Giáo, Tin Lành… cuối cùng đã chết ở tuổi 96.

Cái chết của Giang trong thời điểm không mấy thích hợp khiến Tập Cận Bình phải thực hiện kế sách giả bộ lui bước trước các yêu sách của người dân. Thay vào việc đàn áp đám đông, nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt nới lỏng lệnh phong tỏa, khôi phục các dịch vụ công ích và hoạt động thương mại… nhưng tăng cường truy bắt những người biểu tình trước đó. Một cuộc đàn áp thanh trừng trong im lặng theo kiểu Gestapo của Nazi cực kỳ tàn nhẫn bắt đầu.

Trung Quốc hiện đang trở thành một xã hội chuyên chế AI, nơi hàng trăm triệu camera giám sát 24/7 gần 1,4 tỷ dân. Nhất nhất mọi việc làm của người dân ở các đô thị lớn đều bị ghi hình và bị đánh giá theo thang chấm điểm “tín nhiệm công dân.” Người dân bị điểm xếp hạng công dân thấp sẽ mất đi các quyền tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, tín dụng, nhà ở, trường học cho con cái và thậm chí cả phương tiện công cộng… Họ bị loại bỏ dần khỏi đời sống xã hội, trở lên dễ bị tổn thương trước các chính sách phân biệt vô nhân tính của bộ máy cầm quyền.

Nếu người dân có những hành động như biểu tình, diễu hành, bạo động, căng băng rôn, biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền thì chắc chắn họ sẽ bị trừng phạt, ngay cả sau khi trở lại xã hội họ cũng sẽ hoàn toàn bị cô lập và chịu sự giám sát đặc biệt suốt cuộc đời, bởi hệ thống “big data” không bao giờ xóa bỏ “án tích” của họ. Số phận của hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình, đã bị nhận diện và ghi hình chắc chắn sẽ vô cùng thê thảm.

Đã có một thời gian dài, người Trung Quốc chấp nhận từ bỏ một số các quyền cơ bản về Nhân Quyền như quyền thể hiện chính kiến chính trị, phản biện các vấn đề về chính sách xã hội, tự do báo chí… Với người lao động cùng đinh thì để đổi lấy việc làm, bánh mì. Với người trung lưu trí thức, giới làm ăn thì để có cơ hội tốt thăng tiến, kiếm tiền thoải mái.

Sau Thiên An Môn, tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc chấp nhận điều này. Khi bạn nói chuyện với một người Trung Quốc về Thiên An Môn, Tân Cương… họ sẽ nói họ không biết, chưa từng nghe. Khi bạn nói về Nhân quyền, họ nói họ không quan tâm chính trị, họ chỉ làm ăn. Những thanh niên Trung Quốc sẵn sàng làm việc 12 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần và không có ngày nghỉ để hy vọng tương lai sẽ chạm đến thành công như Jack Ma.

Tuy nhiên, khi phép màu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc Cộng Sản không còn, nền kinh tế trở nên khó khăn hơn, bất công xã hội ngày một sâu sắc thêm. Một bộ phận người trẻ Trung Quốc nhận thấy rằng dù họ có chăm chỉ làm việc cả đời cũng không thể mua nổi một xuất đất để chôn xác họ. Một phong trào “nằm ngửa” xuất hiện, không đua tranh, tiết chế nhu cầu hưởng thụ và …nghỉ ngơi. Vậy mà cũng đủ để chính quyền lo ngại. Một cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới, một xã hội “hài hòa, hạnh phúc” nhưng ngay cả khi người dân “nằm ngửa” hay cầm tờ giấy trắng cũng khiến nhà cầm quyền hoảng sợ. Quả thực Trung Quốc luôn là quốc gia kỳ lạ nhất thế giới.

Khi hàng triệu người dân Hong Kong xuống đường để phản đối các chính sách của Bắc Kinh, hầu hết người Đại Lục ủng hộ chính quyền Bắc Kinh đàn áp nặng tay. Họ phỉ báng người Hong Kong bằng những ngôn từ thậm tệ trên mạng xã hội.

Nhưng chỉ sau 3 năm kể từ khi dịch Covid bùng phát, nhà cầm quyền thực hiện các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt, nền kinh tế suy sụp nghiêm trọng, các vấn nạn của một hệ thống quan liêu chuyên chế ngày một bộc lộ rõ hơn. Người dân Trung Quốc bỗng nhận ra thân phận đích thực của họ. Giờ đây không những không còn cả bánh mì mà quyền sống cũng dễ dàng bị tước bỏ. Có vẻ như luật nhân quả không trừ một ai và đến rất nhanh. Cái giá mà người dân Đại Lục phải trả hôm nay chẳng phải từ việc họ đã ủng hộ một chính thể tà ác, sẵn sàng dẫm đạp và tước bỏ quyền làm Người của nhân dân hay sao? Tệ hơn nữa, khi chính người dân chấp nhận đánh đổi Nhân Quyền lấy bánh mì, lấy cơ hội phát tài.

Một ví dụ đại diện cho “thế hệ vàng” đã làm nên sự giàu có, cường thịnh của Trung Quốc hôm nay, đã từng nhiệt thành ủng hộ đảng Cộng Sản Trung Quốc và đã có cơ hội phát tài to lớn đó là Jack Ma. Anh ta đã có sự nghiệp chói sáng và là cảm hứng cho hàng triệu thanh niên Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới.

Giờ đây, khi ẩn thân ở Nhật Bản trốn tránh sự truy bức của Trung Quốc Cộng Sản đảng, người thông minh như Jack Ma, có lẽ đã thấu hiểu rằng Nhân Quyền là tất cả, không chỉ là bánh mì, không chỉ là phát tài. Rằng khi không còn Nhân Quyền thì tài sản có hàng chục tỷ Mỹ Kim, bạn cũng khó giữ được mạng sống, phẩm giá của chính mình.

Bất chợt người viết có ý liên tưởng tới hàng đoàn người Việt đang khoác băng rôn kêu gào đòi tiền trái phiếu ở Ngân Hàng SCB, nằm la liệt ở cổng Bộ Tài Chính… Họ là những khách hàng VIP của ngân hàng, của các công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Vingroup…

Nhiều người trong số họ là những cán bộ viên chức về hưu, đã từng có chức sắc, có nhiều tài sản và tiền để ngân hàng lấy lãi. Họ cũng luôn chửi bới tất cả những người dân oan bị cướp đất, những người lên tiếng bảo vệ sự thật và Công Lý, tố cáo quan chức tham nhũng… Họ gọi những người lên tiếng đấu tranh là ba que, là phản động. Và giờ đây, chính họ là nạn nhân của một hệ thống lừa đảo, cướp bóc có sự bảo kê từ nhà cầm quyền CSVN. Giờ đây, có lẽ họ bắt đầu có được bài học đầu tiên về giá trị của Nhân Quyền.

Nếu cuộc “bạch chỉ cách mạng” ngày hôm nay của người dân Trung Quốc chỉ để đòi hỏi những kẻ cai trị độc tài nới lỏng bớt chiếc thòng lọng trên cổ họ. Thì sẽ rất nhanh chóng, nó sẽ lại được xiết lại chặt hơn trước khi treo cổ họ lên trên quảng trường Thiên An Môn.

Còn nếu như những tờ giấy trắng hôm nay là bước khởi đầu cho một cuộc cách mạng thực sự để đòi quyền làm Người, để đòi lại nhân phẩm, tự do ngôn luận, công bình và liêm chính, để xóa bỏ bạo quyền, độc tài thì dù cho máu có thể ngập tràn đường phố như 33 năm trước, nhưng lần này cây Tự Do nhất định sẽ nở hoa trên mảnh đất Thần Châu.

Còn Việt Nam thì sao? Người Việt đến bao giờ thực sự thức tỉnh và học được ý nghĩa của hai chữ Nhân Quyền và Dân Chủ?