Những mối nguy hiểm tiềm ẩn trong con số GDP của Trung Quốc

Amit Kumar/ Foreign Policy - Trung Điền lược dịch

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 14 Quốc Hội Trung Quốc tại đại sảnh đường Nhân dân, Bắc Kinh hôm 11/3/2024. Ảnh: Jade Gao/AFP via Getty Images

The Hidden Dangers in China’s GDP Numbers
Deflation and lack of consumption are big problems for Beijing.

Tác giả: Amit Kumar
Trung Điền lược dịch

Amit Kumar, nhà phân tích và nghiên cứu của Chương trình Nghiên cứu Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Viện Takshashila đã có phân tích về tình hình kinh tế Trung Quốc đăng trên tạp chí Foreign Policy, số ra ngày 11 tháng 3, 2024. Tác giả cho rằng tình trạng giảm phát và thiếu tiêu dùng  đang là những vấn đề lớn đối với Bắc Kinh hiện nay.

Mục tiêu GDP được công bố gần đây của Trung Quốc cho năm 2024 vẫn không thay đổi so với năm ngoái, ở mức 5%. Nhưng ngay cả khi Trung Quốc đạt được con số này thì các vấn đề kinh tế vẫn rất sâu sắc. Vào tháng Giêng vừa qua, Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế của quý cuối cùng năm 2023, cho thấy tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt mức 5,2%, vượt mục tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, để so sánh, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc từ năm 2011 đến năm 2019 đạt trung bình 7,3% trong khi giai đoạn 2001-2010 chứng kiến mức tăng trưởng trung bình là 10,5%.

Sau khi các con số này giảm xuống còn 2,2% vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, kỳ vọng về sự phục hồi sau đại dịch là rất cao. Điều này bắt nguồn từ giả định rằng nếu Trung Quốc dỡ bỏ chính sách zero COVID vào tháng 1 năm 2023 sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén trong nền kinh tế vốn đã bị kìm hãm kéo dài trong 2 năm bị phong tỏa. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Một số nhà quan sát thậm chí còn nghi ngờ tính xác thực của dữ liệu GDP được công bố gần đây và nghi ngờ con số này thấp hơn nhiều so với số liệu chính thức.

Nhưng ngay cả khi những số liệu này cho là chính xác thì xu hướng rộng lớn hơn của nền kinh tế Trung Quốc cho thấy một tình trạng đáng lo ngại. Đầu tiên, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, tốc độ tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc vượt quá tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa (4,8%). Tốc độ tăng trưởng danh nghĩa được tính dựa trên số liệu của năm trước mà không tính đến lạm phát. Giảm lạm phát là cần thiết để loại bỏ mọi biến dạng phát sinh từ việc tăng giá hàng hóa và dịch vụ. Như vậy, con số GDP thực tế được tính toán sau khi điều chỉnh theo lạm phát để phản ảnh sự gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ. Đây cũng là con số mà các nhà kinh tế và chính phủ nhắc đến khi nêu con số tăng trưởng GDP.

Thông thường, tốc độ tăng trưởng danh nghĩa phải cao hơn tốc độ tăng trưởng thực tế. Nhưng trong một năm giảm phát, tốc độ tăng trưởng thực tế có thể tạo ra một bức tranh bị bóp méo, bởi vì giảm phát hoặc lạm phát âm sẽ khuếch đại các con số thực. Do đó, việc con số GDP thực tế của Trung Quốc vượt quá con số danh nghĩa cho thấy tổng giá trị sản lượng thực tế của Bắc Kinh đã được khuếch đại nhờ lạm phát âm, tức là giá hàng hóa và dịch vụ nói chung giảm. Nếu không giảm phát, tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2023 thậm chí còn thấp hơn và chắc chắn không đạt mục tiêu quốc gia là 5%.

Tin tức về tổng vốn cố định (GFCF) của Trung Quốc cũng không đáng khích lệ. Thuật ngữ này đề cập đến việc mua lại tài sản cố định như đất đai, máy móc hoặc thiết bị nhằm mục đích sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Đây là một trong bốn thành phần của GDP (bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng hộ gia đình và chi tiêu chính phủ) và là thước đo đầu tư vào nền kinh tế. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc dựa vào tỷ lệ GFCF cao để thúc đẩy nền kinh tế, nhưng nước này đã chứng kiến sự suy giảm kéo dài dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Để tham khảo, tốc độ tăng trưởng GFCF trong 9 năm qua (2014-22) đạt trung bình 6,7% so với 13% trong 21 năm trước đó (1994-2014). Nó chỉ đạt hơn 10% bốn lần trong chín năm qua, một lần vào năm 2021 chỉ nhờ mức cơ sở thấp đáng kể do năm đại dịch.

Phần lớn khoản đầu tư này đến từ lãnh vực bất động sản, chiếm 1/4 tổng đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc. Từ năm 1994 đến năm 2014, lĩnh vực này chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 30%. Nhưng trong 8 năm qua, lãnh vực bất động sản chỉ đạt mức tăng trưởng trung bình 4,2% và giảm 10% từ năm 2021 đến năm 2022.

Một phần, sự sụt giảm đầu tư có thể là do quyết định có chủ ý của ban lãnh đạo trung ương dưới thời Tập Cận Bình nhằm giảm bớt bong bóng bất động sản vốn đã trở nên không bền vững, đồng thời tái phân bổ và chuyển hướng vốn từ đầu cơ sang các lực lượng sản xuất hiệu quả hơn. Tác động giảm tốc mà quyết định này gây ra đối với GDP của Trung Quốc đã buộc giới lãnh đạo phải đảo ngược chính sách của mình ở một mức độ nào đó, cố gắng chống đỡ hiện tượng bong bóng. Nhưng tình trạng giảm phát bắt buộc hiện đang tỏ ra quá khó để thay đổi, bằng chứng là những con số năm 2023 cho thấy lãnh vực bất động sản đã giảm 9,6%.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến đầu tư sụt giảm. Trong năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đã đối diện sự an ninh hóa ngày càng tăng trong quá trình phát triển của mình. Trong nhiều dịp, bao gồm cả tại đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022 và kỳ họp vào năm 2023, ông Tập đã nhấn mạnh rằng ý tưởng phát triển không thể tách rời khỏi vấn đề an ninh. Trong cuộc họp của Ủy ban An ninh Quốc gia đảng Cộng sản Trung Quốc năm ngoái, ông Tập đã nhắc lại sự cần thiết phải “thúc đẩy sự hội nhập sâu sắc giữa phát triển và an ninh.”

Do đó, trong nửa đầu năm 2023, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành một loạt cuộc trấn áp các công ty tư vấn trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ tư vấn nhằm giúp các doanh nghiệp nước ngoài vượt qua môi trường pháp lý đầy thách thức của Trung Quốc. Các trường hợp nổi tiếng bao gồm các cuộc tấn công vào công ty Mintz của Hoa Kỳ vào tháng 3 và Bain & Company vào tháng 4. Vào tháng 5, công ty tư vấn Capvision có trụ sở tại Thượng Hải đã bị đột kích vì cho là đánh cắp bí mật nhà nước và chuyển thông tin nhạy cảm cho khách hàng nước ngoài. Vài tuần sau, Cơ quan Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc thông báo rằng gã khổng lồ Micron Chip của Mỹ đã không đạt được giấy phép bảo mật cho các sản phẩm của mình. Nhu cầu đảm bảo an ninh cho nền kinh tế càng trở nên rõ ràng hơn khi Trung Quốc sửa đổi luật chống gián điệp, có hiệu lực vào tháng 7 năm 2023. Luật cập nhật không chỉ mở rộng và làm loãng định nghĩa về gián điệp mà còn trao quyền trên phạm vi rộng lớn cho cơ quan chức năng địa phương được thu giữ dữ liệu và thiết bị điện tử khi có nghi ngờ. Cách tiếp cận an ninh phát triển mới của Trung Quốc, thể hiện qua việc trấn áp các công ty tư vấn trong và ngoài nước, đã khiến các nhà đầu tư tư nhân lo sợ kể từ đó.

Chính phủ đã nhiều lần đưa ra những bảo đảm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy đầu tư. Tuy nhiên, khoản đầu tư vào tài sản cố định của các công ty cổ phần tư nhân đã giảm kể từ năm 2018. Nó phục hồi một thời gian ngắn vào năm 2021, chỉ giảm một lần nữa vào năm 2022. Dữ liệu cho năm 2023, mặc dù chưa được cập nhật nhưng khó có thể tăng lên.

Ngược lại, đầu tư của nhà nước lại tăng lên để bù đắp cho sự sụt giảm của đầu tư tư nhân. Nhưng về lâu dài, điều này không thể thay thế được vì hai lý do. Thứ nhất, nợ chính phủ tăng vào thời điểm đầu tư tư nhân đang suy giảm có thể dẫn đến tình trạng rút vốn, từ đó thu hẹp nguồn lực cho các doanh nghiệp tư nhân. Và thứ hai, chính phủ đã tự nỗ lực hết mình khi tỷ lệ nợ trên GDP tăng lên 55,9% vào năm 2023. Với tình hình nợ ngày càng gia tăng, chính phủ có rất ít dư địa để duy trì chứ chưa nói đến mở rộng chi tiêu hiện tại.

Dữ liệu về xuất khẩu ròng của Trung Quốc cho thấy đóng góp của nó vào GDP, mặc dù tăng đều đặn kể từ mức thấp vào năm 2018, nhưng khó có thể quay trở lại những năm huy hoàng 2001-2014. Mặc dù Trung Quốc sẽ tiếp tục là quốc gia xuất khẩu hàng đầu nhưng đóng góp của xuất khẩu ròng vào tốc độ tăng trưởng của nước này có thể không cao. Nhu cầu bên ngoài kém cũng có nghĩa là đầu tư theo định hướng xuất khẩu sẽ giảm, do đó kéo tỷ lệ đầu tư chung xuống thấp hơn nữa.

Chiến lược của Trung Quốc trước tình hình này là tìm cách thúc đẩy tiêu dùng nội địa và chi tiêu hộ gia đình. Tuy nhiên, để tiêu dùng trong nước nổi lên như một động lực tăng trưởng mới đòi hỏi không chỉ duy trì đà tăng trưởng trước đó mà còn phải tăng tỷ trọng của nó trong GDP để bù đắp cho sự sụt giảm tăng trưởng do tỷ lệ đầu tư giảm (trong các lĩnh vực bất động sản và định hướng xuất khẩu).

Tuy nhiên, nếu nhìn vào tỷ lệ phần trăm chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc trên GDP cho thấy nó vẫn ở mức thấp đáng kể so với các nền kinh tế phát triển và mới nổi dựa vào tiêu dùng khác. Ví dụ, ở cả Hoa Kỳ và Ấn Độ, tiêu dùng hộ gia đình chiếm hơn 55% GDP. Ngược lại, mức tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc trước đây luôn dao động quanh mức 40% và giảm xuống còn 37% vào năm 2022.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng hộ gia đình của Trung Quốc cũng đang giảm sau đại dịch khiến công chúng vô cùng bất an về tương lai tài chính của họ. Trong mười năm (2010-19), tăng trưởng vẫn ổn định ở mức khoảng 10% trước khi đại dịch buộc tốc độ tăng trưởng tiêu dùng hộ gia đình giảm xuống 0 vào năm 2020. Sau khi ghi nhận mức tăng vào năm 2021 từ mức thấp đó, tốc độ tăng trưởng lại giảm vào năm 2022. Chênh lệch âm giữa GDP danh nghĩa và GDP thực tế vào năm 2023, biểu hiện của giảm phát, càng khẳng định nhu cầu trì trệ của nền kinh tế. Vì vậy, tiêu dùng trong nước dường như khó có thể thúc đẩy tăng trưởng của Trung Quốc. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, niềm tin tiêu dùng giảm sút, dân số già đi và tỷ lệ phụ thuộc ngày càng tăng sẽ tạo thêm gánh nặng cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm tăng mức tiêu dùng của Trung Quốc.

Những xu hướng này có thể được hình thành trong thời gian gần và trung hạn. Trung Quốc sẽ không đạt được tốc độ tăng trưởng cao như thời kỳ 1980-2010 mà thay vào đó sẽ giữ ở mức gần 4%. Điều này sẽ làm hỏng kế hoạch chuyển đổi từ một quốc gia có thu nhập trung bình sang quốc gia có thu nhập cao của Trung Quốc và chắc chắn sẽ làm suy sụp giấc mộng biến Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa tiên tiến của Tập Cận Bình. Nỗi lo sợ khủng khiếp về “bẫy thu nhập trung bình” là có thật đối với Trung Quốc hiện nay.-