Cuộc chiến Israel – Hamas: Tác động thế giới và chuẩn bị cho Việt Nam

LS Lê Quốc Quân - VOA

Đám tang một người lính Israel, Abraham Cohen, tại nghĩa trang Mount Herzl, Jerusalem, 12/10/2023. Ảnh: AP

Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn một cuộc xung đột thông thường, và có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Rạng sáng ngày 7/10, lực lượng Hamas ở Dải Gaza bắn hàng ngàn quả rocket, phá rào xâm nhập vào lãnh thổ do Israel kiểm soát, bắt cóc ít nhất 100 con tin, bao gồm cả quân nhân. Thủ tướng Israel tuyên bố “chúng ta đang có chiến tranh.”

Quân đội Israel đưa tin ít nhất 900 người đã thiệt mạng, trong đó có công dân của ít nhất 16 quốc gia bị giết và/hoặc bị bắt cóc. Tối ngày thứ 10/10, Tổng thống Joe Biden xác nhận có ít nhất 14 người Mỹ bị giết và “có” công dân Hoa Kỳ đang bị bắt giữ làm con tin.

Phía Israel đã phản công dữ dội. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant ra lệnh “phong toả hoàn toàn Dải Gaza, cắt điện, nước, gas…” Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu còn tuyên bố sự đáp trả của Israel sẽ “thay đổi Trung Đông”. Mỹ đã điều tàu sân bay USS Gerald Ford và các tàu chiến hộ tống đến gần Israel.

Các cuộc biểu tình ủng hộ cả hai bên Palestine và Israel đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới, và tại ít nhất 4 thành phố lớn của Hoa Kỳ, có một số xô xát nhỏ xảy ra giữa 2 nhóm biểu tình tại New York.

Thế giới và Việt Nam phản ứng ra sao?

Một số quốc gia phương tây như Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Hiệp Châu Âu gọi đó là một cuộc tấn công khủng bố và phản đối mạnh mẽ. Ngoại trưởng Hoa Kỳ nói: Không bao giờ có bất cứ sự biện minh nào cho hành vi khủng bố.”

Trong khi đó, một số quốc gia từ lâu đã đứng về phía Palestine thì lên tiếng kêu gọi kiềm chế bạo lực, đặc biệt một cố vấn của Iran thì lên tiếng ủng hộ các “chiến binh” Hamas. Mặc dù chưa thấy bằng chứng về việc Iran đứng sau cuộc tấn công nhưng niềm vui của Iran là rõ ràng.

Phần đông các quốc gia đều kêu gọi hai bên bình tĩnh và kiềm chế tối đa. Đặc phái viên hoà bình của Liên Hiệp Quốc, Tor Wennesland, nói: “Đây là một vực thẳm nguy hiểm, và tôi kêu gọi tất cả mọi người hãy lùi khỏi miệng vực.

Phản ứng của Việt Nam trước tình hình xung đột leo thang, ngày 8/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nói: “Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang” đồng thời kêu gọi “các bên liên quan kiềm chế.”

Trước đây Việt Nam luôn lên tiếng ủng hộ Palestine, tuyên truyền rằng Nhân dân Palestine là anh em, còn Israel là một lực lượng chiếm đóng. Nghĩa là, nếu thế giới gọi Hamas là “tổ chức khủng bố” thì chính Israel là một “Nhà nước khủng bố.”

Thế nhưng mọi chuyện đã thay đổi trong những năm gần đây. Chỉ sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức (1993-2023), Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ 2 thế giới của Israel còn Israel đang đứng thứ 3 trong danh sách thị trường xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực Tây Á và là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.

Khi quan hệ ngày càng trở nên nồng ấm thì “giọng điệu” tuyên truyền cũng thay đổi. Mối quan hệ hiện nay giữa Việt Nam với Israel và Palestine cũng tương tự như với Hàn Quốc và Triều Tiên, một mặt ca ngợi lý tưởng của Bắc Hàn nhưng lại là Đối tác chiến lược toàn diện với Hàn Quốc.

Vì vậy, khi xảy ra cuộc tấn công của Hamas, Người phát ngôn, như thường lệ chỉ biết “quan ngại sâu sắc” và kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế” mà không tỏ rõ đứng về bên nào.

Lớn hơn một cuộc xung đột tại Israel

Chúng ta đều biết về mâu thuẫn phức tạp và dai dẳng giữa Israel và Thế giới Ả Rập nói chung và Palestine nói riêng.

Nhiều người đã ví đây như một cuộc tranh chấp “chiếc bàn thờ” của hai tôn giáo chính. Những người con của tổ phụ Abraham gần 80 năm nay toàn nói chuyện với nhau bằng súng ống và đá cuội. Ngay cả khi họ im lặng thì sức nóng của nó vẫn khủng khiếp và luôn chực chờ bùng nổ, nó sẽ kéo dài, luôn có nguy cơ lan rộng và ảnh hưởng nhiều mặt đến thế giới.

Thật vậy, cuộc tấn công này lớn hơn là một cuộc xung đột thông thường mà có tác động rất lớn đến toàn cục của thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất là nó xảy ra một cách bất ngờ. Lịch sử luôn luôn phiêu du và có đường đi riêng của nó mà không một ai có thể dự báo chính xác. Các nước có thể hoạch định và khơi mào, nhưng sự tính toán của con người là có giới hạn giữa vô vàn biến số, lịch sử luôn có cách đi rất khó đoán định, mà khả năng chiến đấu kiên cường và sự thất bại của quân đội Nga tại Ukraine là một ví dụ.

Hai là nó xảy ra đúng thời điểm nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Sự khủng hoảng chiếc ghế trống tại Hạ Viện, tỷ lệ lạm phát, nợ công, khả năng chính phủ đóng cửa và cuộc bầu cử sắp tới đang là những vấn đề thời sự . Có lẽ chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lãnh đạo cấp cao như hiện nay. May mắn thay, các thiết chế nhà nước của Hoa Kỳ rất vững mạnh cho nên đã vượt qua rất nhiều điều chưa bao giờ có tiền lệ nhưng tương lai là rất khó đoán định.

Ba là nó xảy ra vào lúc thế giới đang có những biến chuyển sâu sắc. Đó là cuộc chiến Nga – Ukraine, những “động thái” của Trung Quốc tại Biển Đông và chuyển dịch hợp tác vùng. Nó xảy ra vào lúc mà chủ nghĩa dân tuý đang có vẻ dâng cao đan xen với các hợp tác không thể cưỡng lại của thế giới công nghệ mới.

Nó như một cơn địa chấn đang lan rộng một cách âm thầm và có thể kích hoạt xung đột ở những nơi nhạy cảm trên thế giới trong tương lai. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói “Hamas sẽ không phải là Hamas nếu không có sự hỗ trợ mà họ nhận được trong nhiều năm từ Iran.” Iran là một nước mạnh và mối quan hệ gắn bó giữa Iran và Nga là thân thiết và Iran đã giúp Nga nhiều vũ khí, đặc biệt là drone trong cuộc chiến với Ukraine.

Ngược lại, Israel là đồng minh chiến lược của Hoa Kỳ. Năm 2014, Tổng thống Obama đã ký ban hành đạo luật “Quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Israel.” Vào năm 2016, hai quốc gia đã đồng ý một thoả thuận viện trợ quân sự 10 năm với giá trị lên đến 38 tỷ USD, bao gồm viện trợ hàng năm để mua thiết bị quân sự và một khoản phân bổ cho phòng thủ tên lửa trị giá 5 tỷ USD.

Nếu cuộc chiến Hamas và Israel kéo dài và lan rộng, sự chia phe để “tham chiến” gián tiếp của các nước lớn trong hay ngoài khu vực là điều có thể dự báo được.

Trước mắt thì giá dầu sẽ tăng, chiến tranh lan rộng. Tương lai Dải Gaza có thể bị chiếm đóng và Hamas sẽ bị tiêu diệt tạm thời nhưng chắc chắn “mầm mống” vẫn còn. Thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn mà cuộc phản công của Israel hôm nay có thể đã bắt đầu gieo rắc hạt giống bạo lực và khủng bố cho một thế hệ người Palestine tiếp theo.

Mặc dù Lầu Năm Góc tuyên bố đáp ứng đủ yêu cầu về vũ khí, thiết bị cho Israel và Ukraine nhưng chắc chắn nguồn lực sẽ bị san sẻ và có thể dự báo đến một lúc nào đó cử tri Mỹ lại áp lực để nước Mỹ không thể gánh nặng một lúc cả 2 đầu.

Trong bối cảnh đó, giả sử Trung Quốc ra tay với Đài Loan thì chắc chắn cục diện của toàn thế giới sẽ rất khó định đoán. Ngọn triều lịch sử đôi lúc được cộng hưởng bởi những con sóng lăn tăn và thế giới bất định này đang ngày càng trở nên “lăn tăn” hơn lúc nào hết.

Bài học cho Việt Nam mạnh lên

Từ cuộc tấn công mới đây tại Israel, Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng mới có bài viết trên BBC đề cập đến sự ảm đạm và số phận của Việt Nam Cộng Hoà cũng bắt đầu từ cuộc chiến tranh Yom Kippur ở Trung Đông xảy ra đúng 50 năm trước dẫn đến những thất bại của Việt Nam Cộng Hoà.

Đối với Việt Nam: Chúng ta đang bắt đầu tham gia một cuộc chạy đua không ngừng. Ngay khi vừa ký CSP [đối tác chiến lược toàn diện, BBT] với Hoa Kỳ thì Tập Cận Bình đã chuẩn bị sang thăm và yêu cầu cùng nhau xây dựng và ký kết một “Cộng đồng chung vận mệnh.” Điều đó lại đặt cho các lãnh đạo Việt Nam trước một thách thức mới chứ không thể kiểu ‘mắt nhắm mắt mở’ mãi được.

Không thể độc lập nếu mình yếu giữa một thế giới mà những kẻ mạnh đang chia phe. Bởi vậy, theo tôi thì ngay trong lúc ông Nguyễn Phú Trọng đang có khả năng tập trung quyền lực cao độ thì cần mở rộng không gian dân sự, tạo nền tảng vững chắc cho dân chủ, thành tâm huy động đầy đủ trí tuệ và tài lực của người Việt trong nước và khắp năm châu để đủ sức đương đầu với những phức tạp của thế giới đang dịch chuyển nhanh chóng.

LS Lê Quốc Quân

Nguồn: VOA

XEM THÊM: