Hội đàm Biden-Tập: Băng sẽ không tan như kỳ vọng

Hiếu Chân - Người Việt

Tổng Thống Joe Biden đến phi trường San Francisco hôm Thứ Ba 14/11/2023, chuẩn bị họp thượng đỉnh với Chủ Tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Cuộc gặp được mong đợi từ lâu giữa hai người đứng đầu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới –  tại thành phố San Francisco, nhưng sẽ không có những kết quả đột phá.

Cuộc hội đàm Biden – Tập, đúng một năm sau cuộc gặp trực tiếp của hai nhà lãnh đạo bên lề hội nghị G20 ở Indonesia hồi Tháng Mười Một, 2022 – dự kiến sẽ giúp làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai cường quốc và xoa dịu nỗi lo âu của các nước trong khu vực.

Các giới chức cao cấp Mỹ cho biết cuộc gặp sẽ bàn nhiều chủ đề, từ những vấn đề toàn cầu như chiến tranh ở Ukraine và dải Gaza, Nga-Trung hỗ trợ Bắc Hàn, tình hình Đài Loan, quan hệ kinh tế và thương mại cho đến những vấn đề song phương như chính sách hạn chế xuất cảng công nghệ cao của Mỹ, nguồn cung cấp fentanyl của Trung Quốc và nối lại thông tin liên lạc quân sự cấp cao.

Lẽ ra quan hệ Mỹ-Trung được cải thiện sau cuộc gặp của ông Biden và ông Tập ở Indonesia năm ngoái, nhưng sau đó xảy ra vụ khinh khí cầu do thám của Trung Quốc “bay lạc” vào lãnh thổ Mỹ và bị bắn hạ vào đầu Tháng Hai, dẫn tới chuyện Ngoại Trưởng Antony Blinken hủy bỏ vào phút chót chuyến công du Trung Quốc vốn được kỳ vọng sẽ làm ấm quan hệ Mỹ-Trung. Sau khi vụ khinh khí cầu dịu dần, phía Mỹ cử nhiều giới chức cao cấp tới Bắc Kinh với mục đích nối lại liên lạc cấp cao, nhưng phía Trung Quốc nhất mực làm mình làm mẩy. Không nhận điện thoại của Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin gọi cho người đồng cấp Trung Quốc và bản thân ông Tập cũng từ chối điện đàm với ông Biden.

Thế tại sao bây giờ ông Tập lại đích thân bay tới San Francisco dự hội nghị APEC mà ai cũng biết, với ông ấy, phó hội APEC có lẽ không quan trọng bằng cơ hội gặp trực tiếp ông Biden và giới kinh doanh hàng đầu của Mỹ. Khi lên mặt với Mỹ, ông Tập từng nuôi ảo tưởng rằng một nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc về chính trị, lại cáng đáng cuộc chiến ở Ukraine, sớm muộn cũng sẽ phải làm hòa với thế lực đang lên của Trung Quốc. Nhưng tình thế đã không diễn ra theo hướng đó.

Nước Mỹ chẳng những không suy yếu mà càng ngày càng mạnh, cả về kinh tế, quân sự lẫn ngoại giao. Đáng chú ý là chính quyền Biden đã khá thành công trong việc thiết lập một vành đai đồng minh và đối tác để ứng phó với tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á, từ liên minh ba bên Mỹ-Nhật-Hàn, Mỹ-Nhật-Phi, củng cố và nâng cấp quan hệ với Việt Nam và khối ASEAN.

Trong khi đó, một năm qua là thời kỳ Trung Quốc chứng kiến đợt suy giảm mạnh về kinh tế và sự cô lập trên trường quốc tế do Bắc Kinh đứng về phía Nga trong cuộc xâm lược Ukraine. Để thoát ra khỏi các rắc rối đối nội và đối ngoại hiện nay, ông Tập không có cách nào khác hơn là ổn định lại mối quan hệ với Mỹ. Khi các cường quốc gặp nhau, nước nào cũng muốn thể hiện vị thế mạnh hơn đối thủ nhưng lần này ở San Francisco, Trung Quốc rõ ràng đang ở thế yếu: Trung Quốc hiện cần Mỹ hơn là Mỹ cần Trung Quốc.

Các nhà phân tích dự đoán hội nghị thượng đỉnh Biden-Tập có thể đạt được một số thành tựu khiêm tốn – có thể là khôi phục liên lạc quân sự, chấm dứt việc đưa fentanyl (một loại ma túy tổng hợp) do Trung Quốc sản xuất vào Mỹ thông qua các băng đảng tội phạm ở Mexico, và Mỹ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực thương mại và xuất cảng công nghệ cao thiết yếu đối với an ninh quốc gia.

Với chính quyền Biden, cái khó là làm sao cân bằng giữa việc làm ấm lại mối quan hệ với Trung Quốc mà không tỏ ra quá mềm yếu với Bắc Kinh. Không khí chính trị ở Washington một năm trước cuộc bầu cử tổng thống không cho phép ông Biden nhân nhượng ông Tập nếu không muốn bị đảng Cộng Hòa lên án và cử tri Mỹ quay lưng. Theo các nhà phân tích, nếu ông Biden khôi phục được đường dây nóng liên lạc cấp cao giữa hai bên trong các tình huống khẩn cấp, thuyết phục được Bắc Kinh không viện trợ quân sự cho cuộc xâm lược của Nga và gia tăng kiểm soát hoạt động sản xuất fentanyl ở trong nước thì đó là một thắng lợi.

Chính quyền Biden đặc biệt coi trọng việc nối lại liên lạc cấp cao Mỹ-Trung, nhất là liên lạc giữa hai quân đội, đã bị Bắc Kinh đơn phương cắt đứt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi Tháng Tám năm ngoái. Thời Chiến Tranh Lạnh, “đường dây nóng” trực tiếp giữa các chỉ huy quân đội ở Washington và Moscow được coi là hết sức thiết yếu để ngăn ngừa những vụ hiểu lầm, những tin tức sai lệch có thể dẫn tới xung đột toàn diện giữa hai cường quốc nguyên tử.

Bây giờ, ông Biden muốn Ngũ Giác Đài phải tái lập liên lạc quân sự với Bắc Kinh để ngăn ngừa các vụ va chạm leo thang thành xung đột ở những điểm nóng mà quân đội hai nước hoạt động như Biển Đông hoặc biển Hoa Đông. Ông Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết hôm Chủ Nhật (12/11/2023) : “Tổng Thống Biden rất mong muốn chứng kiến việc tái lập các mối quan hệ giữa quân đội với quân đội vì ông tin rằng điều đó vì lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.” Các giới chức cao cấp của Mỹ tiết lộ, việc đàm phán nối lại liên lạc đang diễn ra và kết quả có thể được công bố tại cuộc gặp thượng đỉnh Biden-Tập vào ngày Thứ Tư.

Về phần mình, ông Tập chắc chắn muốn ông Biden tái cam kết không ủng hộ Đài Loan độc lập, không từ bỏ chính sách “Một Trung Quốc,” và không hạ đo ván nền kinh tế Trung Quốc bằng các biện pháp hạn chế thương mại hoặc khuyến khích các nhà đầu tư Mỹ rời khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, sẽ không có đột phá trong vấn đề Đài Loan – vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung-Mỹ và được coi là điểm nóng có thể kích hoạt cuộc xung đột vũ trang giữa hai cường quốc. Hòn đảo tự do và dân chủ này sẽ bầu lại tổng thống vào Tháng Giêng, 2024 và Trung Quốc đang nỗ lực dùng mọi công cụ – từ lan truyền tin giả, tình báo, đến tấn công điện toán – để loại ứng cử viên Lại Thanh Đức (William Lai) của đảng Dân Chủ Tiến Bộ trong khi tìm cách đưa ứng cử viên của Quốc Dân Đảng thân Trung Quốc lên ghế tổng thống.

Ông Lại nhận được sự ủng hộ của chính giới và doanh giới Mỹ sau chuyến ông “ghé ngang” New York và San Francisco Tháng Tám vừa qua. Bắc Kinh coi thắng lợi của ông Lại, và của đảng Dân Chủ Tiến Bộ, là trở ngại cho sự thống nhất Đài Loan vì đảng này thiên về bảo vệ độc lập, chủ quyền của hòn đảo. Ông Tập chắc chắn sẽ yêu cầu ông Biden không hành động hoặc phát ngôn để “những phần tử ly khai” ở đảo quốc có căn cứ đẩy mạnh tuyên bố độc lập. Trước mắt, có thể ông Tập yêu cầu Mỹ ngừng kế hoạch cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan trị giá tới $19 tỷ.

Như thường lệ, ông Biden có thể sẽ nhắc lại cam kết “Một Trung Quốc” nhưng sẽ cảnh báo Bắc Kinh rằng, Mỹ chỉ ủng hộ Trung Quốc và Đài Loan thống nhất trong hòa bình, theo ý chí của người Đài Loan, và Mỹ sẽ tiếp tục giúp đảo quốc này nâng cao năng lực phòng thủ và tự vệ một khi Trung Quốc muốn dùng vũ lực để thâu tóm.

Một mục đích khác không kém phần cấp bách của ông Tập là yêu cầu Mỹ chấm dứt hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt thương mại, từ áp thuế cao lên hàng Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ từ thời cựu Tổng Thống Donald Trump, đến chính sách hạn chế xuất cảng công nghệ cao, hạn chế đầu tư vào Trung Quốc của chính quyền Biden. Hậu quả là gần đây, ngày càng nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc hoặc rút vốn hoặc chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, góp phần làm trầm trọng nạn thất nghiệp của thanh niên nước này. Đài BBC hôm 13 Tháng Mười Một cho biết, trong tam cá nguyệt vừa qua, vốn đầu tư nước ngoài của Trung Quốc bị “âm” $11,8 tỷ, lần đầu tiên kể từ năm 1998, do nhà đầu tư rút vốn và lợi nhuận ra thay vì đổ vốn vào nước này. Rủi ro địa chính trị, sự bất định trong chính sách của Bắc Kinh và kinh tế tăng trưởng chậm là yếu tố làm cho các nhà kinh doanh phải tìm điểm đến mới cho đồng vốn của họ.

Khách quan mà nói, làn sóng ra đi của các nhà đầu tư ngoại quốc có phần do chính sách gia tăng kiểm soát xã hội của chính ông Tập, nhiều nhân viên quản trị nước ngoài bị bắt giam vô cớ, nhiều văn phòng bị lục soát, tịch thu tài liệu máy móc… chứ không hẳn do chính sách “bao vây, kiềm chế và đàn áp Trung Quốc” như ông Tập tuyên bố. Dù với dân chúng trong nước, ông Tập luôn đổ lỗi cho Mỹ gây ra mọi sự tồi tệ của Trung Quốc hiện nay, nhưng ông chắc hẳn biết rõ, kế hoạch khôi phục tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội của ông sẽ không tiến triển được nếu thiếu sự ủng hộ của Mỹ cả về vốn liếng, công nghệ và thị trường. Có thể đây là mục đích thầm kín nhất thúc đẩy ông đích thân bay tới San Francisco để gặp ông Biden vào ngày 15 Tháng Mười Một. Thậm chí, ông Tập còn yêu cầu gặp các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ trước khi gặp ông Biden, nhưng bị Tòa Bạch Ốc từ chối, và ông Tập phải chấp nhận.

Những thỏa thuận nếu có từ cuộc gặp Biden-Tập sẽ rất ít ỏi và có tính chất tạm thời. Dù ngoại giao cấp cao là con đường tốt nhất để tránh xung đột nhưng khi giữa hai nước không có niềm tin vững chắc vào sự thành thật của nhau thì khó mà tìm được một mối quan hệ bền vững, đôi bên cùng có lợi.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt