Về Cái Chết Của Ông Võ Văn Kiệt

Trung Điền
Võ Văn Kiệt.

Theo tin tức của các hãng thông tấn quốc tế, ông Võ Văn Kiệt, cựu Thủ Tướng nhà nước Cộng sản Việt Nam vừa qua đời tại một bệnh viện ở Singapore vào lúc 6:20 sáng ngày 11 tháng 6 năm 2008. Mặc dù tin ông Kiệt chết đã loan tải hơn 24 tiếng đồng hồ vừa qua nhưng tại Việt Nam chưa có một tờ báo nào loan tin, kể cả các báo điện tử và hệ thống truyền thanh, truyền hình của chế độ. Sự im lặng của hệ thống thông tin Cộng sản Việt Nam đã khiến cho dư luận đưa ra hai suy diễn:

1/ Giới lãnh đạo chưa thống nhất cách loan tin. Đảng hay nhà nước loan tải với nội dung dài ngắn ra sao đối với một người từng có chức vụ cao ở trong đảng và trong nhà nước nhưng nay lại có một số phát biểu ‘trật chìa” với giới lãnh đạo hiện nay.

2 / Không cho loan tải sớm để răn đe những ai muốn đi theo xu hướng Võ Văn Kiệt ở cuối đời. Trong nội bộ đảng hiện nay, thành phần cán bộ về hưu đang có những bất mãn về đường lối chính sách hiện nay của đảng như ông Võ Văn Kiệt không phải là ít. Thành phần này tuy bất mãn nhưng vì đang sống bằng tiền hưu trí của đảng nên không dám nói mạnh như các nhà đối kháng.

Đỗ Mưoơi.

Cả hai suy diễn này có thể đúng và có thể sai nhưng sự chậm chạp trong việc loan tải tin ông Võ Văn Kiệt chết là một sự kiện bất thường trong hàng ngũ lãnh đạo Việt cộng hiện nay. Ông Kiệt không chỉ là môt cựu Thủ tướng (1991-1997) mà còn là Ủy viên Bộ chính trị liên tục 6 nhiệm kỳ và từng là nhân vật số 3 ở trong đảng sau Đỗ Mười và Lê Đức Anh trong gần 10 năm từ năm 1991 đến năm 2001. Ông Võ Văn Kiệt sinh năm 1922 tại Vĩnh Long và tham gia đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1938. Tính về bề dày theo đảng thì ông Kiệt đã có tới 70 tuổi đảng hơn hẳn Đỗ Mười và Lê Đức Anh. Với một con người như vậy mà khi chết không được giới lãnh đạo hiện nay quan tâm đúng mức, ít ra là trên mặt dư luận, cho thấy là cuộc đời và cái chết của ông Kiệt đang có vấn đề. Tại sao?

Lê Đức Anh.

Thứ nhất, lúc còn là Thủ Tướng từ năm 1991 đến năm 1997, ông Kiệt được báo chí thế giới đánh giá thuộc khuynh hướng đổi mới. Trong thời kỳ làm Thủ Tướng, ông Kiệt đã đưa Cộng sản Việt Nam thoát ra khỏi sự cô lập của thế giới sau vụ xâm chiếm Campuchia (1979-1989) và nhất là hội nhập toàn cầu với sự gia nhập ASEAN (1993) và bang giao với Hoa Kỳ (1995). Chính thành tích này, ông Kiệt bị phe bảo thủ coi ông là người thân Tây Phương, đặc biệt là Mỹ. Trước sự mở rộng quan hệ với các quốc gia ASEAN và tiếp cận với Mỹ ngày một gần hơn qua chủ trương tích cực đẩy mạnh nển kinh tế thị trường, ông Võ Văn Kiệt bị nhóm ông Đỗ Mười và phe thân Trung Quốc cảnh giác và tìm mọi cách lôi ông ra khỏi vị trí Thủ Tướng. Kết quả là trong Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ của đại hội IX vào tháng 10 năm 1997, ông Kiệt đã bị hai ông Mười và Anh kéo về hưu non mà đáng lý ra ghế Thủ Tướng của ông còn giá trị đến năm 2001. Do đó, ông Kiệt mặc dù đã về hưu nhưng nhóm bảo thủ và phe thân Trung Quốc tại Hà Nội luôn luôn cảnh giác thái độ thân Tây phương của ông Kiệt. Đặc biệt là những năm gần đây khi ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Minh Triết đi gần với Mỹ và các quốc gia Tây phương trong khi Trung Quốc muốn tìm cách tạo ảnh hưởng lên chế độ Hà Nội, thì phe thân Trung Quốc tại Hà Nội đã cảnh giác các liên lạc của ông Võ Văn Kiệt với những bí thư các tỉnh phía Nam.

Thứ hai, sau khi về hưu ông Võ Văn Kiệt thường trả lời phỏng vấn và viết những bài mang nội dung phê phán một số chính sách hay việc làm của lãnh đạo đương thời. Ông Kiệt phê phán rất nặng về việc quy hoạch lại thành phố Hà Nội mà ông cho rằng chỉ làm mập thêm lên cho bọn tham nhũng, trong khi dân nghèo thì cuộc sống cơ cực hơn. Không những thế, ông Kiệt còn quan tâm đến vấn đề giáo dục và y tế hiện nay. Ông cho rằng hình thức tổ chức và quản lý giáo dục quá lạc hậu không theo kịp đà tiến bộ của nhân loại vì những xơ cứng của tư duy giới lãnh đạo. Đặc biệt, ông Võ Văn Kiệt nêu lên quan điểm về nhu cầu ‘hòa hợp’ dân tộc giữa những người Việt Nam từng ở bên này hay bên kia chiến tuyến. Những phát biểu của ông Kiệt – tuy có mạnh hơn so với lúc làm Thủ tướng – nhưng vẫn không ra khỏi sự ràng buộc của bộ máy Cộng sản Việt Nam. Dù vậy, lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chấp nhận những phát biểu của ông Kiệt và bộ phận tư tưởng luôn luôn cảnh giác những sự lên tiếng của ông.

Chính vì những yếu tố nói trên, phe bảo thủ không ưa ông Kiệt. Đặc biệt hơn nữa là kể từ khi lạm phát gia tăng, sinh hoạt kinh tế bắt đầu có những biến động xấu, uy tín của ông Nguyễn Tấn Dũng và phe thân Tây phương đang xuống dốc bởi những tấn công của phe bảo thủ. Do đó, việc ra đi đột ngột của ông Võ Văn Kiệt đã làm cho phe thân Tây phương mất chỗ dựa và tạo cơ hội tốt cho phe bảo thủ ở miền Bắc lên nắm lại uy quyền đã mất kể từ sau đại hội toàn đảng kỳ X vào tháng 10 năm 2006. Ngoài ra, trong thực tế, do trách nhiệm giao tiếp với bên ngoài ông Kiệt phải có một số thái độ cởi mở hơn đối với các nhà lãnh đạo khác, còn bản chất thật của ông Kiệt thì không ôn hòa như người ta tưởng. Ngay trước khi từ nhiệm ghế Thủ tướng và truyền lại cho ông Phan Văn Khải, ông Kiệt đã ký Nghị Định 31/CP cho phép công an bắt giữ hay ra lệnh quản chế những người bất đồng chính kiến mà không cần mang ra tòa xét xử. Sau khi về hưu vào năm 1997, ông Võ Văn Kiệt có những phát biểu mang tính ‘tiến bộ’ so với nhiều lãnh đạo CSVN khác nhưng ông không hề đề cập đến số phận của những nhà đối kháng. Mãi cho đến năm 2005 do áp lực của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ vì muốn gia nhập vào WTO và hưởng quy chế PNTR, người kế nhiệm ông Kiệt là cựu Thủ Tướng Phan Văn Khải mới ra lệnh bãi bỏ Nghị Định 31/CP. Qua sự kiện này, chúng ta thấy là ông Kiệt có thể phát biểu một số điều ‘tiến bộ’ nhưng tuyệt đối ông tránh và không dám đụng đến quyền uy chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam.

Nói tóm lại, việc ông Võ Văn Kiệt đột ngột ra đi là một thiệt hai lớn cho phe thân Tây phương trong ban lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Tuy ông Kiệt có những phát biểu công kích các việc làm của giới lãnh đạo miền Bắc nhưng những chỉ trích này chỉ giới hạn trong lãnh vực dân sinh. Ông Kiệt không dám bước qua lằn ranh chính trị nên những chỉ trích của ông đối với chế độ Hà Nội, đã không làm thay đổi tình hình như người ta chờ đợi trong suốt 10 năm (1997-2008) về hưu của ông.

Trung Điền
June 11, 2008