Việt Nam trước hối thúc giải quyết tình trạng mực nước sông Mekong xuống thấp

RFA

Cảnh sông Mekong, biên giới giữa Thái Lan và Lào, được nhìn từ phía Thái Lan ở Nong Khai, chụp ngày 29/10/2019. Ảnh: Reuters

Giám đốc điều hành của Ban thư ký Ủy Hội Sông Mê Kông hôm 7/8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động đập thủy điện một cách minh bạch và nhanh chóng, vì dòng nước ở sông Mê Kông xuống mức thấp kỷ lục sang năm thứ hai liên tiếp.

Kêu gọi vừa nêu được đưa ra dựa trên những thông tin từ báo cáo của Ủy Hội Sông Mê Kông phát hành cùng ngày.

Bản báo cáo cho biết mực nước xuống thấp và tình trạng hạn hán tại lưu vực hạ nguồn Sông Mê Kong do nhiều yếu tố gây nên.

Ngoài những yếu tố như lượng mưa ít bởi hiện tượng khí hậu El Nino, còn có tác động của những đập thủy điện trên thượng nguồn và ở cả dưới hạ nguồn, gồm 2 đập ở Lào và 11 đập ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Ban thư ký Ủy Hội Sông Mê Kông đã không thể có được dữ liệu và thông tin chính thức để xác minh các tác động tiềm tàng của hoạt động trữ nước lại tại khu vực thượng nguồn.

Trao đổi với RFA tối 10/8, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp – Nông thôn cho rằng việc yêu cầu minh bạch thông tin về hoạt động đập thủy điện trên dòng Mê Kông là việc hữu hiệu nhất có thể làm hiện nay:

“Chúng ta phải xây dựng quy tắc chung, đưa ra kịch bản để kiểm soát, giám sát việc thực hiện các ứng xử, hành xử. Trong điều kiện nước sông như thế cần có một tổ chức hoạt động khách quan và dựa trên các thông tin giám sát minh bạch. Về lâu dài các nước cũng phải phối hợp với nhau để từng bước sử dụng dòng nước sông thông qua việc xây dựng các công trình cũng như thông qua việc quản lý các công trình này một cách hiệu quả và khoa học. Bởi vì đây là dòng sông chung, tất cả mọi quốc gia chia sẻ dòng sông này đều có nghĩa vụ, trách nhiệm đối với con sông và cũng có quyền để bảo vệ nguồn nước cho nhân dân nước mình.”

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng Sông Cửu Long cũng cho rằng việc chia sẻ dữ liệu là việc tốt nên làm, đồng thời giải thích ảnh hưởng các đập thủy điện trên dòng Mê Kông tác động thế nào đến Việt Nam:

“Bây giờ không có số liệu, thông tin thì mình không biết các đập tích nước thế nào. Ở Trung Quốc và điều tôi quan tâm hơn là các đập trên dòng nhánh ở Lào vì lượng nước ở Lào mới ảnh hưởng chính đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Còn cái ở Trung Quốc có ảnh hưởng đến Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng không nhiều bằng ở Lào. Nguyên nhân chính bữa giờ mực nước thấp là do mưa ít. Nguyên tắc của thủy điện là khi nào mưa ít thì thủy điện lại tích nước, làm cho tình hình tồi tệ thêm, phát tác vấn đề.”

Tuy nhiên, với kinh nghiệm bản thân, Giáo Sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết thực sự thì Ủy hội Sông Mê Kông đã khuyến cáo nhiều lần, kể cả chuyện các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn tối thiểu phải chia sẻ thông tin, thế nhưng phía Trung Quốc không màng đến.

“Chuyện này đã 5, 7 năm nay chứ không phải chuyện mới. Các nước chung dòng sông Mê Kông ở phía dưới Trung Quốc rất nhất trí với nhau, tất nhiên đôi khi có chuyện không thống nhất lắm ví dụ như các đập thủy điện ở Lào. Nhưng không đến mức mang tính bất hợp tác. Cũng đôi lần Trung Quốc tỏ ra hợp tác qua những điều nhỏ, nhưng lớn nhất là cái mà các nước đề nghị có chia sẻ thông tin thì đến hiện nay vẫn chưa làm.”

Bản báo cáo dài 32 trang của Ủy Hội Sông Mê Kông cũng chỉ ra rằng dòng chảy thấp có thể tác động nghiêm trọng đến cộng đồng ở các quốc gia thành viên có dòng Mê Kông chảy ngang bao gồm Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Các nước như Lào và Thái Lan cũng có thể bị ảnh hưởng năng suất nông nghiệp.

Nói rõ hơn về những ảnh hưởng mà Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ phải gánh chịu do dòng chảy thấp từ sông Mê Kông, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định Việt Nam là nước hạ nguồn nên bị động rất nhiều về việc lấy nước trên thượng nguồn, trong điều kiện biến đổi khí hậu này thì chế độ thủy văn cũng bất thường. Ông tiếp lời:

“Rõ ràng nếu các biến động như chuyện dòng chảy thấp đương nhiên có ảnh hưởng về lâu dài và nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. Dưới Đồng bằng Sông Cửu Long có 2 ngành sản xuất nông nghiệp chính quan trọng nhất đối với cư dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long và đối với cả kinh tế Việt Nam là sản xuất lúa gạo và nuôi trồng thủy sản. Cả hai ngành chính này đều dựa rất nhiều vào nguồn nước Sông Mê Kông vì thế nếu nghiên cứu của Ủy hội Sông Mê Kông cho thấy trong thời gian kéo dài dòng chảy Đồng bằng Sông Cửu Long bị ảnh hưởng như thế thì chắc chắn những năm hạn hán, lượng mưa thấp thì tốc độ đó càng tăng cường lên. Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến những thời kỳ có tình trạng xâm nhập mặn vào sâu đất liền, gây thiệt hại cho cả trái cây ở vùng giữa, lúa ở vùng giữa và vùng ven biển.”

Báo VNExpress Tiếng Anh trong ngày 6/8 vừa qua cũng có bài viết cho biết nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang chặt bỏ hàng trăm ha sầu riêng bị mất trắng do hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử.

Theo đó, vườn cây ăn trái của nông dân trông như bị bỏ hoang từ lâu, xung quanh từng gốc cây là những đoạn ống dẫn nước bị cắt bỏ vương vãi trên nền đất khô nứt nẻ. Hầu hết các cây đã chết và ngả sang màu đen, lá khô héo.

Trong báo cáo của Ủy Hội Sông Mê Kông cũng nhắc đến chuyện nếu mực nước trong mùa lũ năm 2020 này không cải thiện đáng kể, các quốc gia nên tìm kiếm nguồn nước thay thế để đảm bảo nguồn cung cấp nước. Đồng thời, nên yêu cầu các nhà khai thác thủy điện và nhà điều hành thủy lợi điều chỉnh các hoạt động ngắn hạn của họ và giám sát tiềm năng xói mòn.

Ngoài ra, nếu dòng chảy thấp vẫn còn, theo báo cáo, bốn nước  Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam nên xem xét yêu cầu Trung Quốc xả thêm nước, như họ đã làm trong năm 2016, để giảm bớt tình trạng thiếu nước tại lưu vực hạ lưu sông Mê Kông, đặc biệt là trong mùa khô sắp tới.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng lời khuyên vừa nêu không thể áp dụng trong tình hình Việt Nam vì đã đặt sai vấn đề. Ông giải thích:

“Xả nước của Trung Quốc không ăn thua gì với Đồng bằng Sông Cửu Long. Năm 2016 1 lần, năm 2020 1 lần không có tác động lớn đối với Việt Nam. Thật ra lượng nước ở Trung Quốc không nhiều, thủy điện của Trung Quốc đối với Đồng bằng Sông Cửu Long cái chính là làm giảm phù sa, cát, gây sạt lở. Trung Quốc xả nước hai lần không về tới Đồng bằng Sông Cửu Long được bao nhiêu.”

Vẫn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là không nên xây dựng đập thủy điện trên sông Mê Kông. Ông cho biết bản thân ông cùng những nhà nghiên cứu khác vào năm 2009 đã thấy được tác động mạnh mẽ của đập thủy điện và đề cập đến trong đánh giá môi trường chiến lược nhưng không ai nghe đến. Bây giờ, các đập đã được xây dựng và vận hành thì mọi chuyện đã quá muộn.

Giáo Sư Đặng Hùng Võ cho rằng đến thực trạng như hiện nay, chính phủ các nước có chung dòng chảy sông Mê Kông cần đồng lòng lên tiếng mạnh mẽ hơn:

“Cần đưa vấn đề Sông Mê Kông này vào những hiệp định thương mại nhưng hiện nay Việt Nam và Trung Quốc thì thương mại thì chỉ có xuất khẩu, nhập khẩu, nhiều khi hạ đường tiểu ngạch rất nhiều. Nếu gắn với nhau bằng hiệp định thương mại thì câu chuyện sông Mê Kông có thể đưa vào hiệp định thương mại. Nhưng cho đến nay thì hiệp định thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN hay với Việt Nam cũng đều buôn bán, trao đổi thương mại nhưng không dựa trên bất kỳ hiệp định nào thành ra chuyện cũng khó.”

Ủy ban sông Mê Kông đưa ra dự báo trong báo cáo cho biết mặc dù các dự báo về lượng mưa trong phần còn lại của mùa mưa năm 2020 khác nhau tùy theo từng cơ quan, nhưng tiên lượng chung là lượng mưa tháng 8 và tháng 9 có thể cao hơn bình thường và giảm dần vào tháng 10.

Nguồn: RFA

XEM THÊM: