Xử lý người phản đối tăng giá điện là “cản trở sự phát triển”

Trung Khang - RFA

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh gửi văn bản hôm 19/5 cho Thủ tướng Chính phủ kiến nghị "xử lý "những ai cố tình xuyên tạc về đợt "điều chỉnh giá điện" vừa qua. Ảnh: FB Việt Tân

Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vào ngày 19/5 vừa gửi văn bản cho Thủ Tướng Chính phủ, kiến nghị giao cho Bộ Thông Tin và Truyền Thông xử lý những ai cố tình xuyên tạc về đợt “điều chỉnh giá điện” vừa qua.

“Tôi thấy cái này hơi buồn cười, áp đặt, những người phản đối tăng giá điện mà quy chụp họ xuyên tạc là không nên. Bây giờ  xã hội rất văn minh, ai đúng ai sai người ta biết, mọi người đều nghĩ cho đất nước Việt Nam… Nhà bác  học Lê Quý Đôn từng nói: ‘Những kẻ nịnh ta là những kẻ hại ta, những kẻ nói mặt trái của ta là tốt với ta’ ta mới thấy mặt trái để sửa. Thế cho nên đề nghị Bộ Thông Tin và Truyền Thông xử lý những người xuyên tạc, thì ai là người xuyên tạc, thế nào là xuyên tạc, phải xác định rõ. Với cách tư duy như vậy thì đất nước khó phát triển.”

Đó là nhận định của Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài Chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội hôm 20/5/2019, liên quan vấn đề này.

Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long cũng là người từng nhiều lần lên tiếng cho rằng, biểu giá điện lũy tiến của EVN là bất hợp lý.

Luật Sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 20/5 từ Sài Gòn, nhận định:

“Công chúng rất bức xúc trước thông tin Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Anh Tuấn có văn bản giải trình giá điện gởi thủ tướng chính phủ, trong đó, lại bao gồm cả nội dung ‘kiến nghị xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội’.

Đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, tôi nhận thấy sự bức xúc của công chúng là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Bởi lẽ, kiến nghị ‘xử lý’ của ông bộ trưởng đã vi hiến một cách hiển nhiên khi xâm phạm vào hai trong số các quyền hiến định của công dân, bao gồm ‘quyền tự do ngôn luận’ (điều 25 Hiến pháp) và ‘quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước’ (khoản 1 điều 28 Hiến pháp).”

Đồng quan điểm, Luật Sư Nguyễn Khả Thành cũng cho rằng, Hiến pháp đã quy định công dân có quyền đóng góp mọi ý kiến với quốc gia mình. Bộ Công Thương cho rằng nếu nói xấu thì mới đề nghị xử lý, tuy nhiên theo ông, khái niệm này rất mơ hồ, thế nào là nói xấu, thế nào là nói thật, cần phải rạch ròi về hai khái niệm này.

Trước đó, từ ngày 20 tháng 3 năm 2019, giá điện tại Việt Nam tăng thêm 8,36%. Theo Bộ Công Thương, giá điện sau khi tăng thêm 8,36% thì mỗi hộ gia đình phải trả thêm tiền điện là từ 7.000 đồng đến 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh. Còn các hộ kinh doanh dùng điện theo giá kinh doanh, sau khi tăng giá phải trả thêm 500 ngàn đồng một tháng, còn hộ sản xuất phải trả thêm gần 870 ngàn đồng một tháng…

Trên thực tế, tháng đầu tiên sau khi tăng giá điện, người dân phải trả tiền điện thêm rất nhiều lần, chứ không phải 8,36%.

Chính Tập Đoàn Điện Lực Việt Nam – EVN khi trả lời Báo Tuổi Trẻ ngày 29/4/2019 cũng thừa nhận hóa đơn tiền điện trong tháng 4 năm 2019, tăng ít nhất 35%. Vì vậy người dân trên khắp cả nước lên tiếng phản đối cũng là lẽ đương nhiên.

Chị Nguyễn Lai, một người dân từ Nha Trang khi trao đổi với chúng qua tin nhắn, đưa ra ý kiến của mình:

“Trong khi giá điện tăng một cách vô lý, gây bức xúc trong người dân. Thậm chí có vài tờ báo nhà nước rên rỉ cho mức lương của công nhân và dân nghèo. Trong khi đó, EVN thua lỗ do kinh doanh ngoài ngành rồi đè dân ra vặt lông vịt, thiết nghĩ người dân có quyền bức xúc trước giá điện tăng một cách vô lý như vậy. Bộ Công Thương kiến nghị xử phạt những cá nhân phản đối không khác gì vừa ăn cướp, vừa cào mặt ăn vạ.”

Từ Sài Gòn, Nghệ sĩ Kim Chi cũng cho rằng, tăng giá điện là sai, vì tăng quá nhiều, và tăng bất thường. Chị cho rằng chuyện người dân phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, sao bây giờ lại đòi xử lý:

“Để xem họ xử lý thế nào, Chị cũng là một trong những người phản đối, chị có tham gia ký tên đó, sẵn sàng thôi… Chứ còn không thể cứ ‘cả vú lấp miệng em’ làm hoài như vậy được, Nhà nước làm ăn thua lỗ giờ tìm đủ cách móc túi dân, nên tôi cho rằng chuyện phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đối với người dân thấp cổ bé họng không phải cứ lấy quyền để mà hăm dọa xử lý, đâu phải người dân này muốn đè đầu cưỡi cổ người ta hoài được đâu.”

Trước phản đối của người dân, Bộ Công Thương cho rằng có 3 nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện sinh hoạt trong tháng 4/2019 của người dân tăng cao là do: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3 và kỳ ghi chỉ số công-tơ của tháng 4 cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Ngô Trí Long, ngoài những tác động khác, điểm quan trọng nhất là biểu giá điện lũy tiến không đúng, không hợp lý. Ông đưa ra ví dụ:

“Tôi lấy một ví dụ, có 6 cái kính, nếu bán mỗi cái giá 1 đồng thì sẽ là 6 đồng, nếu bây giờ theo chính sách phân hóa giá bán 6 cái kính đó theo giá khác nhau, có nghĩa bán cho đối tượng này giá này, đối tượng khác giá khác, nhưng làm sao để tổng số tiền bán 6 cái kính cũng là 6 đồng chứ không phải trên 6 đồng. Nếu bán 6 cái kính đó trên 6 đồng là sai, là vi phạm, đó là nguyên tắc trên giá điện, nhưng họ lại bán cao hơn, đó là điểm bất hợp lý. Như vậy người dân than phiền về giá điện lên quá là đúng.”

Trong khi Bộ Công Thương kiến nghị chính phủ xử lý những ai bị cho là ‘cố tình xuyên tạc không đúng sự thật, không đầy đủ’ về đợt tăng giá điện bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 vừa qua, thì đúng 2 tháng sau vào ngày 20/5/2019, Quốc Hội Việt Nam đã yêu cầu chính phủ phải có báo cáo minh bạch về cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện…

Trung Khang

Nguồn: RFA