Ý niệm tự do

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
GIF - 35.9 kb
Abraham Lincoln (1809-1865)

“Those who deny freedom to others, deserve it not for themselves”, Abraham Lincoln, (1809-1865), Speech, 19 May 1856.

Có người từng cho rằng Hoa Kỳ là một nước quá tự do, vì thế nên dẫn tới một số hệ quả tiêu cực trong xã hội. Còn các mặt tích cực thì, dù không nói ra đi nữa, khó ai có thể phủ nhận vai trò và công dụng của nó. Là một quốc gia được xây dựng trên nền tảng giá trị tự do nhưng may mắn không phải trải qua những hy sinh hay mất mát quá to lớn như nhiều quốc gia khác [33], Hoa Kỳ, hay nói đúng hơn, các lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ, vẫn luôn đề cao giá trị tự do, đặc biệt trong thời chiến. Ở đây, xin nhớ rằng ý niệm tự do của Hoa Kỳ chủ yếu là tự do cá nhân.

Có lẽ tổng thống Bush là một trong những người, vì tình thế đưa đẩy hay vì quan tâm thật sự, liên tục nhấn mạnh về giá trị tự do và khẳng định sự bất khả dung hoà giữa khủng bố và tự do. Trong 18 tháng cuối của nhiệm kỳ, đặc biệt trong vài tuần qua, tổng thống Bush đã đề cao ý nghĩa tự do trên bình diện toàn cầu. Ông nói: “Tự do là quyền bất khả thương lượng của mỗi con người… Tự do có thể bị kháng cự hoặc trì hoãn, nhưng tự do không thể bị từ chối.” Cột chặt tự do với phát triển, công lý và nhân quyền, ông nói: “Tự do là cách tốt nhất để phát huy sự sáng tạo và tiềm năng kinh tế của một quốc gia. Tự do là trật tự xã hội duy nhất dẫn đến công lý. Và tự do của con người là cách duy nhất để đạt tới nhân quyền… Mở rộng tự do không chỉ là điều bắt buộc của luân lý – nó là con đường thực tế duy nhất để bảo vệ người dân lâu dài.” Tổng thống Bush nhắc lại diễn văn đầu tiên của tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel sau cuộc đấu tranh cam go để gỡ bỏ độc tài cộng sản: “Tự do không có giới hạn thời gian, tự do không thuộc về riêng một chính quyền hoặc một thế hệ nào, mà tự do là ước mơ và là quyền của mọi con người, mọi quốc gia trong mọi thời đại.” [34]

JPEG - 12.4 kb
George W. Bush : “… tự do là ước mơ và là quyền của mọi con người…”

Quả thật, tự do là khát vọng muôn thuở của mọi tâm hồn, nhất là những con người và những dân tộc từng sống trong cùm kẹp, áp bức. Nhưng ý niệm tự do thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, tuy ý thức nhân loại về nhân quyền, dân quyền, công bằng hay dân chủ chưa rõ ràng, các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm hay các cuộc cách mạng lật đổ bạo quyền hà khắc đều đến từ khát vọng độc lập và tự do. Độc lập, thời đó, cũng đồng nghĩa với sự không bị áp bức hay xâm lấn bởi ngoại bang. Khi bị ngoại bang xâm lấn, tự do không những bị tước đoạt mà khả năng trở thành nô lệ, phục tùng kẻ khác là lẽ đương nhiên. Nói khác đi, đấu tranh chống bạo quyền hay ngoại xâm thời xưa chủ yếu là để khỏi bị áp bức hơn, nên phần nào đó, nó là tự do, tuy không phải là tự do cá nhân như thời nay đề cập. Ý thức tự do của con người lúc đó khác bây giờ. Người ta chấp nhận một sự tự do tương đối, chấp nhận chế độ quân chủ phong kiến, chấp nhận một số hình thức bất công v.v… Tuy nhiên, khi sự áp bức đi quá mức chấp nhận và khi những kẻ cầm quyền không còn chính nghĩa thì cách mạng sớm muộn gì cũng xảy ra. Ngày nay, qua bao nhiêu bài học lịch sử, người ta đã suy niệm về tự do và đấu tranh cho tự do ngoài khuôn khổ ràng buộc chính trị của quốc gia, có khi mở rộng trên bình diện quốc tế. Người ta không còn nhẹ dạ để tin vào những hứa hẹn không thể đo lường hay cam kết, dù đó là một minh quân hay xuất thân từ những con người lý tưởng. Lịch sử cho thấy quyền lực sẽ dẫn đến lạm dụng, tham nhũng, và đồi bại. Quyền lực mà không có người hay cơ chế khác kiểm soát và cân bằng thì dù vua có là minh quân, quan chắc gì không hà hiếp nhân dân. Nói cách khác, ý thức tự do là một tiến trình nhận thức, phát huy bởi tư duy khoa học, bởi lý luận triết học.

JPEG - 19.9 kb
Tuyên Ngôn Nhân Quyền 1789.

Tự do, do đó, thay đổi theo sự trưởng thành của ý thức và tư tưởng. Nếu ngày xưa chỉ có vua quan mới thực sự là những người sống tự do – dù tư tưởng chưa hẳn là tự do – thì ngày nay, mọi người trên thế gian này được công nhận là có quyền bình đẳng để sống một cách tự do như mọi người khác. Tự do ngày nay đi đôi với dân quyền và nhân quyền [35]. Tuy nhiên, không phải vì các bản tuyên ngôn hay công ước về dân quyền và nhân quyền từng được công bố hay ký kết mà tự nhiên con người khắp nơi được hưởng các quyền tự do đó. Cho đến nay, nhiều người vẫn phải tiếp tục đấu tranh, và kể cả hy sinh, để đem lại tự do cho mình và người khác. Một phần ba quốc gia trên thế giới đã đạt được nền dân chủ phóng khoáng (liberal democracy), trong đó tự do, dân quyền và nhân quyền được đánh giá có phẩm chất cao nhất, tuy chưa phải hoàn hảo. Một phần ba đã đạt được nền dân chủ tương đối, và đang trong tình trạng cải thiện, và người dân trong các quốc gia này ngày càng ý thức rõ về quyền tự do của mình. Một phần ba còn lại thì vẫn phải cam chịu sự thống trị của các chế độ độc tài: cộng sản, ý thức hệ tôn giáo và quân phiệt…

Tự do, do đó, gắn liền với dân chủ. Dân chủ, trong ý nghĩa này, nên được xem là phương tiện, dù là phương tiện chưa hoàn hảo, và khó thể nào hoàn hảo, để bảo đảm tự do của con người. Cựu thủ tướng Anh Winston Churchill (1974-1965) từng ví rằng dân chủ là một hình thức chính quyền tệ nhất ngoại trừ những hình thức khác đã được thử nghiệm. Nhưng làm thế nào dân chủ bảo đảm được tự do? Bởi vì nền tảng dân chủ được xây dựng trên ý niệm ngờ vực quyền lực, bởi bất cứ nhà nước hay những người đang điều hành guồng máy nhà nước đó có khả năng lạm dụng quyền hành. Do đó, vài đặc điểm tiêu biểu của dân chủ là: tam quyền phân lập để cân bằng và kiểm soát; mỗi vài năm phải tái bầu cử để tín nhiệm hay không tín nhiệm nhân sự cũ hay mới; hiến pháp và pháp luật phải minh bạch và phải do các cơ quan lập pháp và tư pháp độc lập trách nhiệm ngoài ảnh hưởng của hành pháp v.v… Ngoài ra, dân chủ phải được đánh giá bằng nguyên tắc và tiến trình, nghĩa là, các biện pháp và phương thức để đi đến quyết định trong thể chế dân chủ phải minh bạch dựa trên các nguyên tắc hành xử được quy định. Một nền dân chủ như thế, tuy không thể bảo đảm được tính tuyệt đối, nhưng ít nhất, sự vi phạm về tự do hay nhân quyền được giảm thiểu và nhất là không bị diễn dịch một cách tuỳ tiện như ở một số quốc gia còn nằm trong vòng thống trị của độc tài.

JPEG - 28.3 kb
Tổng Thống Bush gặp đại diện các tổ chức đấu tranh vì dân chủ tại Việt Nam, ngày 29/05/2007.

Cũng vì muốn xây dựng một nền dân chủ vững chắc để bảo đảm nhân quyền, dân quyền, và nhất là tự do, nên bao nhiêu người trên thế gian này đã phải hy sinh và phải tiếp tục đấu tranh trong hàng thế kỷ qua. Lịch sử cho thấy một chính quyền không do người dân tự do bầu chọn sẽ luôn tìm mọi cách duy trì quyền lực, kể cả việc dùng bạo lực để đàn áp khi có phản kháng. Ngược lại, một chính quyền hay một nhà nước do chính người dân dầy công xây dựng, nhất là khi họ ý thức rõ về các giá trị dân chủ, thì khó ai có thể tước đoạt được quyền tự do của họ. Trong những tuần qua, giới lãnh đạo hàng đầu của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ, qua tổng thống George W. Bush và mới đây nhất là chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi, đã gặp gỡ một số vị đại diện của các phong trào và tổ chức đấu tranh vì dân chủ tại Việt Nam. Chúng ta đều biết nhờ áp lực từ Hoa Kỳ mà nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho Nguyễn Vũ Bình và Lê Quốc Quân trước khi Nguyễn Minh Triết sang Mỹ. Các dấu hiệu này cho thấy sự quan tâm về tự do dân chủ của Hoa Kỳ tại Việt Nam có phần đáng kể hơn trước kia. Qua hai cuộc tiếp kiến với tổng thống Bush và chủ tịch hạ viện Pelosi, ông Đỗ Hoàng Điềm khẳng định rằng lý do giới hành pháp lẫn lập pháp Hoa Kỳ quan tâm và lắng nghe về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chủ yếu vì những nỗ lực đấu tranh của các

JPEG - 12.9 kb
Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi gặp diện các tổ chức đấu tranh vì dân chủ tại Việt Nam, ngày 21/06/2007.

lực lượng dân chủ tại Việt Nam trong thời gian qua [36]. Ông Đỗ Thành Công cũng chia sẻ một cái nhìn rất đúng đắn: thứ nhất, nếu dân tộc Việt Nam không đứng lên đấu tranh để giành quyền tự do dân chủ thì sẽ phải sống dưới chế độ độc đảng; thứ hai, phong trào dân chủ phải do chính người dân trong nước chủ động, hải ngoại chỉ có thể yểm trợ mà thôi (vì ý thức trách nhiệm hay lòng yêu nước); thứ ba, sự yểm trợ của quốc tế, điển hình từ Hoa Kỳ, nếu có, chủ yếu phụ thuộc vào sự quyết tâm của dân tộc Việt Nam trước khát vọng dân chủ, và chỉ nên được xem như phương tiện bổ sung chứ không phải là chính yếu [37]

JPEG - 10.5 kb
Cố chủ tịch
Hoàng Cơ Minh (1935-1987).

Điều rõ ràng, là không ai thương yêu Việt Nam đến độ đấu tranh và hy sinh cho dân tộc mình, như ông Hoàng Cơ Minh đã từng nói lúc sinh tiền, do đó mọi nỗ lực ngoại vận chỉ thành công nếu chúng ta có nội lực vững mạnh, nghĩa là phải “nội vận” trước. Cuộc nghiên cứu của tiến sĩ Gene Sharp về độc tài và dân chủ đưa ra nhiều bài học rất đáng suy ngẫm. Theo Sharp, khi lãnh đạo các phong trào đấu tranh biết hoạch định chiến lược tổng thể và chiến lược cho từng chiến dịch cụ thể, nhất là bằng phương pháp đấu tranh bất bạo động, thì “tự do đạt được qua cách đấu tranh này sẽ bền vững vì nó được duy trì bởi một dân tộc kiên cường, quyết tâm bảo vệ và bồi đắp cho giá trị này” [38].

Nhưng bao nhiêu cuộc đấu tranh của người Việt trong thế kỷ qua, tuy kiên cường, bất khuất, hào hùng và quyết tâm, và dù đã trả giá lớn lao bằng mạng sống của hàng triệu người, tự do vẫn chưa đến với Việt Nam. Bao nhiêu cuộc kháng thực của phong trào Văn Thân và Cần Vương ở cuối thế kỷ 19, rồi phong trào Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục đầu thế kỷ 20, rồi khởi nghĩa Yên Bái, hay các cuộc chiến tranh Đông dương lần thứ nhất, thứ nhì và thứ ba, rồi các cuộc kháng cộng, hay bao nhiêu thảm trạng mà người dân đã trải qua như nạn đói năm Ất Dậu, nhân văn giai phẩm, cải cách ruộng đất, cải tạo tập trung, kinh tế mới, vượt biên vượt biển, v.v… vẫn chưa đem lại kết quả cụ thể nào cho tự do, dân chủ (ngoài 21 năm của nền dân chủ non trẻ tại miền Nam). Tổng cộng số thương vong của các cuộc đấu tranh (kháng thực, giải thực, kháng cộng) hay đấu tố lên đến 10 triệu chứ không ít, chưa kể những hệ luỵ để lại đối với người còn sống.

JPEG - 4.1 kb
Phan Châu Trinh (1872–1926), người mở đầu cho phong trào Duy Tân và có công lớn trong việc lập Đông Kinh Nghĩa Thục.

Thế thì tại sao công cuộc đấu tranh cho tự do của Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua vẫn chưa thành công?

Lý do chưa thành công có lẽ khá phức tạp và cần có những cuộc nghiên cứu sâu sắc để phân tích và soi sáng lịch sử hầu rút ra những bài học quan trọng. Theo tôi, các cuộc đấu tranh từ đầu thế kỷ 20 đến gần cuối thế kỷ vẫn mang nặng tính đấu tranh vì độc lập dân tộc và vì ý thức hệ chính trị hơn vì tự do dân chủ. Đành rằng các nhà cách mạng Việt Nam trước đây quan niệm đúng đắn rằng nếu không có độc lập dân tộc thì không thể canh tân Việt Nam và cũng không thể có tự do nào đúng nghĩa. Thế nhưng vì quá đặt nặng độc lập mà quên đi nỗ lực truyền bá quan niệm tự do dân chủ, là những giá trị song song chứ không hề loại trừ tính cách độc lập. Vì thế cho nên khi giành được độc lập rồi, với giá phải trả quá đắc, tự do dân chủ vẫn chưa hề được tôn trọng hay thiết lập.

Trong số các nhà cách mạng hàng đầu của Việt Nam trong thế kỷ 20, qua một số tài liệu tham khảo giá trị mới đây của Mai Thái Lĩnh và Hà Sĩ Phu [39], tôi phải công nhận rằng ý thức và tư tưởng chính trị của cụ Phan về tự do dân chủ là đi trước thời đại, dù là thời đại theo kiểu Việt Nam, tức là sau người ta đến hơn 100 năm. Tuy nhiên, ý niệm này rõ ràng đi trước những lãnh đạo Việt Nam hiện giờ cả 100 năm. Thật là không ngoa nếu cho rằng cụ Phan Châu Trinh là nhà dân chủ – nhân quyền đầu tiên của Việt Nam. Quan niệm của cụ về tự do, bình đẳng, công lý, nhân quyền và dân chủ khá rõ ràng và cấp tiến. Nếu như, chữ nếu cay đắng, các quan niệm này (không của riêng gì cụ Phan mà là tư tưởng dân quyền, nhân quyền hay dân chủ của Tây phương nói chung) được chia sẻ bởi một số người trong lãnh vực triết học hay chính trị học và được quảng bá, cổ võ, hay phân tích, phê bình, và khai triển trong thế kỷ qua, thì cuộc diện xây dựng dân chủ tại Việt Nam đã có nhiều kết quả khả quan hơn rồi.

JPEG - 12.6 kb
Thực dân Pháp hỏi cung người kháng chiến.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, các đảng phái quốc gia lẫn cộng sản đều nhắm đến mục tiêu giành độc lập hơn là tự do. Trong khi đó, văn hoá Khổng giáo tại Việt Nam đã đào tạo những con người và những thế hệ không được “quyền” nghĩ đến cá nhân mình vì như thế bị cho là ích kỷ. Mọi cá nhân đều phải biết nghĩ cho gia đình, cộng đồng, xã hội, đất nước. Vì thế nên qua bao nhiêu cuộc chiến chống Pháp và “chống Mỹ”, tự do rốt cuộc khi có độc lập vẫn chỉ là tự do của kẻ cầm quyền. Khi cá nhân không được đề cao, ngược lại còn phải phục tùng xã hội, mà xã hội đó lại thiếu vắng tính tự trọng tự tin và tính hợp hiến hợp pháp, thì cá nhân đó sẽ phục tùng cho những cá nhân khác nhân danh xã hội, dân tộc, tổ quốc v.v… Cho nên người dân đã tốn bao nhiêu xương máu, kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất, mà vẫn chưa có tự do và chưa hưởng hay cảm được thế nào là tự do thật sự. Thêm vào đó, tự do cá nhân chưa bao giờ được phát huy đúng mức trong thế kỷ 20. Có lẽ cuộc đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam mới thật sự khởi đầu kể từ khi Chiến Tranh Lạnh chấm dứt, nghĩa là khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ vào năm 1991. Tuy nhiên, theo tôi, kết quả của sự thay đổi chiến lược này không nhất thiết đến từ ý thức của các nhà hoạch định sách lược đấu tranh cho Việt Nam, mà đúng hơn, nó là nhu cầu cần khai thác tình trạng vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vẫn biết rằng dân chủ là mục đích và là phương tiện để bảo vệ và phát huy tự do, thế nhưng tầm nhìn và kế hoạch mang tính chiến lược để xây dựng tự do và dân chủ vẫn chưa hình thành một cách rõ nét. Trong khi đó, vì đời sống vật chất và vì bối cảnh xã hội chưa mấy thuận tiện tại Việt Nam nên các giá trị và ý thức về tự do dân chủ chưa được phổ biến trong tầng lớp nhân dân. Và đây là một trở ngại và là một thử thách lớn của phong trào dân chủ.

Nói cách khác, các tổ chức và phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền vẫn còn mang nặng tính gia trưởng (paternalism), một phần chịu ảnh hưởng sâu đậm của Khổng giáo. Rất nhiều người hay tổ chức tự tin rằng họ có khả năng lãnh đạo công cuộc đấu tranh, điều còn lại là làm sao để người dân hưởng ứng và tham gia. Quan niệm này không phải là hoàn toàn tiêu cực, bởi lẽ công cuộc đấu tranh nào cũng cần có lãnh đạo. Thế nhưng, nếu chỉ suy nghĩ theo hướng này thì nguy cơ – điều đã xảy ra, và đang tiếp diễn – là rằng: thứ nhất, nhiều tổ chức (lẫn cá nhân) chủ quan cho rằng chỉ có mình mới có khả năng lãnh đạo. Điều này đưa đến hệ quả mà một số người nửa đùa nửa thật rằng người Việt Nam chỉ muốn làm quan chứ không chịu làm lính. Cho nên, sự hợp tác giữa các tổ chức phần lớn mang tính tượng trưng hay biểu kiến. Thứ hai, dù đức có mà tài chưa đủ, tức có lòng nhưng thiếu khả năng, mà lại vẫn muốn lãnh đạo người khác, thì kết quả chưa chắc gì tích cực, chưa kể những hệ quả tiêu cực khi công việc không thành. Thứ ba, tuy sự đa dạng của các tổ chức là điều không hẳn là tiêu cực, nhưng vì bị tản lực và bị rời rạc tổ chức, nên thiếu sự liên minh phối hợp, do đó không thể khai dụng tiềm năng của lực lượng dân chủ. Thứ tư, có lẽ quan trọng nhất, là vì các suy nghĩ đặt nặng lãnh đạo như thế, nên thiếu việc phát huy quyền suy nghĩ và hành động độc lập (empower people) đến người dân. Tất nhiên, không phải rằng lãnh đạo có quyền gì để trao, và không phải người dân nào cũng có khả năng để suy nghĩ độc lập, nhất là khi người Việt vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn hoá Khổng giáo; hơn nữa, chịu nhiều ảnh hưởng của thể chế độc tài vừa bưng bít vừa tước mọi quyền công dân, muốn biến mọi người dân thành kẻ dễ bảo, dễ trị qua chính sách giáo dục và qua các thủ tục hành chánh quan liêu từ nhiều thập niên qua. Thế nhưng, muốn thành công, các tổ chức và phong trào đấu tranh không thể làm gì khác hơn việc làm ngược lại những gì chế độ độc tài đang làm. Nói cách khác, lý tưởng đấu tranh thực sự cho tự do dân chủ là biết tin tưởng vào khả năng phán đoán của người dân, ngay cả khi họ chưa có đủ, và nhất là khi công cuộc đấu tranh giật sập độc tài thành công. Chỉ có ý thức dân chủ cao thì mới bảo đảm tính bền vững của tự do.

JPEG - 17 kb
James Madison (1809-1817), tổng thống thứ tư Hoa Kỳ : “Sự tiến bộ và truyền bá kiến thức là sự bảo đảm duy nhất đối với tự do thật sự”

Nói tóm lại, tư tưởng và dân trí là nền móng xã hội, như ông Hà Sĩ Phu nhận định mới đây [40], vì thế cho nên mọi nỗ lực dân chủ hoá và canh tân Việt Nam trong thời gian tới, muốn bắt kịp đà phát triển của nhân loại, thì trí thức Việt Nam phải biết đặt ưu tiên cho việc xây dựng nền móng tư tưởng và dân trí này. Chính James Madison, kiến trúc gia (tác giả chính) của hiến pháp Hoa Kỳ và cũng là vị tổng thống thứ tư (1809-1817), đã viết vào năm 1825 rằng “Sự tiến bộ và truyền bá kiến thức là sự bảo đảm duy nhất đối với tự do thật sự”.

Cho nên, muốn xây dựng dân chủ tại Việt Nam để bảo đảm tự do, nhân quyền, dân quyền, công bằng, công lý v.v…, dù bất cứ ai lên cầm quyền vẫn không thể tự tung tự tác hay vi phạm, thì phải cần các cuộc nghiên cứu sâu rộng về các triết học chính trị Tây phương, rút tỉa các bài học vô cùng quý báu của các quốc gia khác trên con đường xây dựng dân chủ, và nhất là khi áp dụng thì không cứng ngắc hay máy móc mà phải biết khéo léo làm cho thích nghi với nếp suy nghĩ và văn hoá Việt Nam. Mọi cuộc nghiên cứu như thế đòi hòi không chỉ trí tuệ, mà cần cả khả năng nhạy cảm để hiểu được bản tính con người, nhất là con người Việt Nam, và phải đặt trên nền tảng nhân bản thì mới lâu bền được. Kinh nghiệm từ các nước tiên phong xây dựng dân chủ như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, các quốc gia Tây Âu và Bắc Âu, hay các nước Úc, Canada, Tây Tây Lan, và đặc biệt kinh nghiệm canh tân và xây dựng dân chủ của Nhật Bản, sẽ vô cùng quý báu cho Việt Nam. Mỗi nước có những nét đặc thù riêng, cho nên nền dân chủ ở mỗi nơi đều có những điểm giống và khác nhau. Ngay cả ý niệm về tự do có thể cũng khác trong mỗi cá nhân, huống gì nói đến một dân tộc. Còn dân chủ thì thể hiện qua rất nhiều hình thức, ít có nước nào giống hẳn nước nào (Mới đây, nhiều vị trí thức hàng đầu tại Việt Nam như Mai Thái Lĩnh và Hà Sĩ Phu đề cập đến dân chủ – xã hội (social democratic policy), điển hình là các nước Bắc Âu như Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạch, còn gọi là Scandivanian states).

Tự do, nếu không phải là mục tiêu chính yếu, thì cũng là mục tiêu căn bản, của mọi cuộc đấu tranh. Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (4/7/1776) không chỉ nhấn mạnh đến quyền độc lập của Hoa Kỳ từ Anh quốc, mà còn nhấn mạnh đến tự do, bình đẳng và quyền hạn của công dân, và tuyên bố rằng chính người dân xây dựng và quyết định số phận của chính quyền, không ai khác. Hiến pháp Hoa Kỳ được hình thành dựa trên nền tảng quyền tự do cá nhân và được khẳng định rõ ràng trong 10 điều khoản tu chính (trở thành Bill of Rights). Nói cách khác, các nhà lập quốc Hoa Kỳ nhìn nhận rằng để bảo đảm tự do, nhất là tự do từ sự áp bức độc tài, thì người dân phải có quyền quyết định các vấn đề về thể chế, định chế, nhân sự… của guồng máy chính quyền, và dứt khoát không chấp nhận sự áp đặt của bất cứ một thể chế độc tài nào, dù đến từ vương quốc Anh hay từ các chính quyền của Hoa Kỳ sau này. Một nền tảng ngờ vực quyền lực, và nhất là ngờ vực sự tập trung quyền lực vào trong tay chính quyền hay một thiểu số cầm quyền, chính là nền tảng của dân chủ.

Tự do, trong ý nghĩa xoá bỏ nô lệ, nguyênnhânchínhcủanộichiếncủa Hoa Kỳ,đã được cố Tổng thống Abraham Lincoln diễn đạt tại The Sanitary Fair ở Baltimore vào ngày 18 tháng tư năm 1864 như sau:

JPEG - 24.6 kb
Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ 1776.

Nhân loại chưa bao giờ có một định nghĩa tốt về chữ tự do, và người Mỹ, ngay bây giờ, cần có hơn lúcnào hết. Chúng ta đều tuyên bố vì tự do, nhưng ngay cả khi dùng cùng chữ này, chúng ta không hẳn muốn nói ý nghĩ như nhau. Đối với một số người, chữ tự do có thể có nghĩa rằng mỗi người có thể làm những gì người đó thoả mãn với chính họ và với sản phẩm lao động của họ. Trong khi đó, chữ đó lại có nghĩa với người khác rằng họ có thể làm những gì họ thoả mãn với người khác và sản phẩm lao động của người khác. Đây là hai ý nghĩa, không chỉ khác nhau, mà còn xung khắc nhau, được gọi bằng chữ giống nhau – tự do (liberty) [41].

Sau này, trường phái/chủ nghĩa phóng khoáng (liberalism), điển hình là triết gia Isaiah Berlin qua bài “Hai quan niệm về tự do” [42], đã phân biệt hai định nghĩa tự do phủ định / thụ động (negative freedom) và tự do khẳng định / chủ động (positive freedom). Nghĩa rằng, tự do phủ định / thụ động là tự do khỏi sự áp bức hay quấy nhiễu; còntựdo khẳng định/ chủ động là tự do để thực hiện những gì mìnhmong muốn. Trong hai quan niệm chính yếu của chủ nghĩa phóng khoáng là tự do và bình đẳng cho mỗi cá nhân trong xã hội, tự do căn bảnnhất là tự do phủ định. Còn tự do khẳng định là còn tuỳ theo vấn đề, trường hợp hay trường phái, tuy vẫncòn tiếp tục tranh cãi và khó thể nào đồng ý với nhau, thế nhưng nguyên tắc căn bản rằng nếu sử dụng quyền tự do khẳng định nhưng không ảnh hưởng đến người khác, thì vẫn được chấp nhận. Thí dụ, tự do ngôn luận thì được bảo vệ tối đa tại Hoa Kỳ qua Tu Chánh Án số 1, còn tại Úc thì bị giới hạn hơn nếu gây tổn thương đến người khác, còn Anh quốc thì ở giữa quang phổ này.

Ở các quốc gia độc tài chuyên chế, người dân vẫn chưa được hưởng tự do phủ định, còn chính quyền thì vẫn ngang nhiên áp dụng tự do khẳng định một cách tuỳ tiện đối với người dân. Thí dụ, từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hô hào khẩu hiệu tự do (Độc lập – Tự do – Hạnh phúc), nhưng điều quárõ ràng là người dân vẫn tiếp tục bị kìm kẹp, có người còn cho là có phần hơn cả thời Pháp thuộc. Đầu thế kỷ 20, những nhà cách mạng tên tuổi như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Tường Tam, Trương Tử Anh v.v… đã đấu tranh một cách kiên cường bất khuất để giành độc lập cho nước nhà. Một thế kỷ sau, hoà thượng Thích Quảng Độ, linh mục Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Đỗ Nam Hải, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình v.v… vẫn tiếp tục đấu tranh, và vẫn luôn mạnh mẽ và dứt khoát trong niềm tin rằng dù có vào tù hay chết, phải có tự do để sống xứng đáng với nhân cách của mình.

GIF - 103 kb
Các nhà cách mạng đầu thế kỷ 20 : Nguyễn Thái Học, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu.
Các nhà cách mạng đầu thế kỷ 21 : Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Đài, Đổ Nam Hải…

Hẳn nhiên, tự do cũng chỉ là phương tiện. Không có nó, người ta vẫn có thể sống, như hàng bao thế hệ cha anh chúng ta trước đây, dù sống trong tăm tối. Có nó, đặc biệt không phải đấu tranh để có, và nhất là sinh ra đã có, thì người ta không xem nó như là cái gì to tát. Nhưng đến khi mất nó hay thiếu nó, tự do được ví như hơi thở, như sự sống. Cả một triệu người Việt Nam bỏ nước đi tìm tự do sau 30/4/1975, dù cơ hội sống còn không là bao (200-300 ngàn người đã chết vì hai chữ tự do), đủ nói lên được khát vọng tự do to lớn đến chừng nào. Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên diễn đàn đối thoại, Nguyễn Vũ Bình cho biết rằng khi bước ra khỏi trại giam, cảm giác trong người của anh nhẹ hẳn… và rất sung sướng và rất mừng được về với vợ con.

JPEG - 16.7 kb

Có lẽ nhiều người hay nhiều khuynh hướng dân chủ trong và ngoài nước, trong thời gian qua, đồng ý với quan niệm tự do, dân chủ của tổng thống Bush. Nhiều người coi Hoa Kỳ là mẫu mực của nền dân chủ, tự do và nhân quyền mà Việt Nam nên học hỏi. Một số người khác cho rằng chúng ta nên học hỏi từ nền dân chủ – xã hội Bắc Âu như Thuỵ Điển, Đan Mạch, Na Uy. Tất nhiên, không phải chúng ta muốn thì có được liền, mà phải xây dựng bằng trí tuệ và công sức của bao thế hệ hôm nay và mai sau. Nhưng trước hết phải biết mình muốn cái / thứ / loại tự do dân chủ theo hình thức nào mới thích hợp với văn hoá mình. Nội điều này thôi vẫn chưa rõ ràng, và do đó, nếu có bàn luận cho rốt ráo thì chưa chắc gì đã đồng thuận với nhau. Có lẽ vì khát vọng tự do dân chủ quá nên chúng ta đơn giản cho rằng tự do dân chủ kiểu nào cũng được, miễn sao có là được. Nói vậy thì cũng tạm, nhưng phải có tư tưởng chỉ đạo để hành động cho hiệu quả. Bởi vì khi biết rõ mình muốn gì thì sau đó mới tìm ra được công thức mình cần, mà công thức quan trọng nhất ở đây là phải đào sâu vào triết học chính trị. Tuy thế, đối với dân tộc Việt Nam, tôi có cảm nhận rằng tìm công thức không khó bằng tìm sự đồng thuận cho những gì chúng ta muốn. Khi có được sự đồng thuận trong tư tưởng rồi thì chúng ta từng bước, bằng những cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học và nhân bản, sẽ tìm ra phương pháp xây dựng một xã hội tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam. Chẳng có gì khó, người ta làm được, mình đi sau lại còn dễ hơn nữa. Dù gì thì cũng phải suy nghĩ cho triệt để về chủ nghĩa cá nhân, cái nền tảng quan trọng nhưng bị coi thường bởi nhiều người nếu không nói là đa số người Á Châu, trong khi đó nó lại là nền tảng của chủ nghĩa phóng khoáng, của dân chủ phóng khoáng, và của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền v.v… Không phải chủ nghĩa cá nhân hoàn toàn tốt, nhưng nó cũng không phải xấu như bị dán nhãn hiệu từ lâu nay. Do đó, có lẽ cái khó nhất đối với người Việt Nam là tìm sự quân bình trong triết học chính trị về tính cá nhân và tính tập thể, giữa quyền cá nhân và ích lợi xã hội, để làm sao công lý được phát huy tối đa! Cuộc tranh luận này trong giới chính trị học đã diễn ra rất sôi động trong thập niên 1970, 1980 và 1990 [43]. Đây là đề tài có thể đào sâu vào dịp khác, liên hệ khá mật thiết đến tiến trình xây dựng dân chủ và công lý tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trước hết, như cố Tổng thống Abraham Lincoln từng nói, những kẻ nào từ khước quyền tự do của người khác thì chính họ không xứng đáng được hưởng nó.

Phạm Phú Đức
Melbourne 22/6/2007

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Lê Đình Lượng: "Việc của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ”. (Lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án), Ảnh: Internet

Trong họa có phúc

Cháu học lịch sử cách mạng thì rõ, rất nhiều tù nhân chính trị về sau thành những người lãnh đạo phong trào xã hội đầy trí tuệ và bản lĩnh. Người có chí khí sẽ biến nhà tù thành trường học để tu tâm, dưỡng chí, nung nấu những khát vọng, ước mong… Đó là nỗi khổ hạnh của cá nhân nhưng lại là phúc cho dân tộc.

Chứ cái đám “hồng phúc” cậu ấm, cô chiêu kia, chỉ có ăn và phá, biết gì yêu nước thương dân!…

“Đồng chí” Nguyễn Phú Trọng vừa là người khởi xướng, vừa giữ vai trò tiên phong trong chỉnh đốn đảng đã hơn một thập niên. Trong hơn một thập niên chỉ đạo – sắp đặt mọi thứ, đặc biệt là nhân sự, kết quả chống tham nhũng là gì ngoài hậu quả tham nhũng càng ngày càng trầm trọng? Ảnh: Reuters

Ông Nguyễn Phú Trọng và ‘trách nhiệm chính trị’

Ông [Trọng] đã tự mở chiếc “Pandora Box” ra và nay thì nhân dân đã thấy thật sự bộ máy của nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo là một tập hợp của những ổ tham nhũng lớn với sự băng hoại từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Trùm cuối được nhiều người xác định chính là thể chế và không bao giờ đập được chuột mà không vỡ bình vì chính cái bình đó là môi trường sinh ra chuột.

Lời kêu gọi tham dự biểu tình UPR 2024 diễn ra vào ngày 7/5 trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 7 tháng 5 này, nhà nước CSVN sẽ bị kiểm điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council – UNHRC) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta chỉ rõ sự gian trá của CSVN trước diễn đàn quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào tham dự buổi biểu tình diễn ra ngày 7/5/2024, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm lên án những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đại diện Lưỡng viện Quốc Hội Hawaii (phải) trao Nghị quyết Cờ Vàng cho Đại diện Cộng đồng (giữa)

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 29/4 – 5/5/2024

Nội dung:

– Thông báo về các sự kiện đặc biệt tại Geneva, Thụy Sĩ nhân dịp Vietnam UPR 2024;
– Cựu TNLT Châu Văn Khảm gặp mặt thân hữu tại Houston;
– San Jose treo cờ tưởng niệm Quốc hận 30/4/1975;
– Lưỡng viện Quốc hội Hawaii và thành phố Honolulu ra Nghị quyết Vinh danh Cờ Vàng và Lễ Tưởng niệm Quốc hận 30/4 tại Hawaii;
– Cộng đồng tại Houston, TX tưởng niệm 30 tháng Tư;
– Hình ảnh các cuộc biểu tình Ngày Quốc hận 30/4 tại Vương Quốc Bỉ, Đức, Úc Châu;
– Mời theo dõi các cuộc hội luận.