THƯ NGỎ của nhà văn Bùi Minh Quốc gửi ông Tổng biên tập báo Văn nghệ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đà Lạt ngày 04.11.1009

Kính gửi anh Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn, Tổng biên tập báo Văn nghệ

Sau khi đọc bài ký “Bauxit và… những điều khác” của tác giả Lã Thanh Tùng trên báo Văn nghệ ngày 31.10.2009, tôi thấy cần phải viết thư ngỏ này gửi đến anh.

Qua việc thuật lại (trung thực đến đâu thì còn phải kiểm chứng) tình hình ở công trường khai thác bô-xit Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), Lã Thanh Tùng biểu thị lập trường biện minh cho chủ trương khai thác bô-xit Tây Nguyên, đồng thời buông lời giễu cợt và xúc phạm những người phản biện.

Đoạn cuối bài, Lã Thanh Tùng viết :

“Nhiều người biết chúng tôi vừa đi Bauxit về, đều lắc đầu lè lưỡi. Lạ thế, ai cũng nói những điều nặng nhọc, thậm chí mấy chị em trong văn phòng 43 Đồng Khởi còn băn khoăn: “liệu viết ra độc giả có hiểu cho không ?”. Trong một cuộc nhậu, một Kiến trúc sư gạo cội đã tới tấp phủ đầu chúng tôi, rồi khẳng định như đinh đóng cột về sự trả giá của các dự án phá nát Tây Nguyên, không cho ai kịp nói gì, đến mức nhà thơ Nguyễn Duy cũng phải phì cười. Nhưng khi hỏi kỹ ra thì hóa họ chưa từng đến đó, chưa từng nghiên cứu kỹ, mà chỉ “nghe nói vậy”. Vâng, tuy khá đông, nhưng đầy cảm tính. Và tôi cảm thấy phía sau sự e dè của những người chín chắn cũng như đang còn một cái gì đó khó cắt nghĩa. Phải chăng vì xã hội còn nhiều bê bối chưa được làm rõ, đây đó còn những khuất tất chưa được giải minh, nên người dân có lúc bức xúc mất lòng tin, nhìn đâu cũng thấy tiêu cực? Phải chăng những người phản biện cũng vì quá hăng hái, thừa sốt sắng mà dẫn đến thái độ nóng vội, chủ quan, chẳng những rất dễ tự mắc vào cái bẫy ngụy biện của chính mình theo kiểu lộng giả thành chân, mà còn khiến công chúng bình dân cảm thấy khó xử, e ngại không muốn “dây vào.””

Trước hết, tôi đề nghị anh Nguyễn Trí Huân xác nhận cho độc giả biết rõ điều sau đây: có phải Lã Thanh Tùng là cán bộ trong biên chế của báo Văn nghệ, viết theo sự phân công của Tổng biên tập, thể hiện lập trường của cá nhân tác giả cũng đồng thời là lập trường của Tổng biên tập và của tờ báo ? Có phải thế không ?

Tôi viết cho anh Nguyễn Trí Huân với tư cách tôi là một trong hàng mấy ngàn người ký tên phản biện phản đối chủ trương khai thác bô-xit Tây Nguyên. Tôi cũng viết cho anh với tư cách là một hội viên Hội Nhà văn, một bạn chiến đấu cùng chiến trường cũ, một đảng viên cùng sinh hoạt chi bộ cũ.

Hẳn anh Huân không thể không biết, đối với chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên, đã có một cuộc phản biện, phản đối ôn hòa trầm tĩnh kiên quyết và rộng lớn chưa từng thấy, được khởi phát từ 3 bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự tiếp nối đầy tâm huyết và trách nhiệm của lão thành cách mạng Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh cùng các tướng lĩnh quân đội, công an. Giới trí thức đã cất lên tiếng nói trung thực khẳng khái ôn tồn của mình qua bản kiến nghị do các nhà văn nhà giáo Nguyễn Huệ Chi (Hà Nội), Phạm Toàn (Hà Nội), Nguyễn Thế Hùng (Đà Nẵng) khởi xướng, chỉ trong thời gian ngắn đã có hàng mấy ngàn người thuộc mọi tầng lớp mọi thành phần trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài tham gia ký tên. Không ít các nhà văn quen biết của Hội ta đã tham gia ký tên. Đáng chú ý là có cả các cán bộ đương chức, các đảng viên đang sinh hoạt đảng đã tự bứt phá khỏi những vướng víu hữu hình và vô hình để đặt bút ký tên vào một văn bản vì nước vì dân. Trang mạng BAUXITEVIETNAM.INFO trong mấy tháng đã có hơn mười ba triệu lượt người mở đọc.

Đấy, những con người như thế đang phải chịu cảnh Lã Thanh Tùng dùng báo Văn nghệ do cựu chiến binh Nguyễn Trí Huân làm Tổng biên tập buông lời miệt thị: “vì quá hăng hái, thừa sốt sắng mà dẫn đến thái độ nóng vội, chủ quan, chẳng những rất dễ tự mắc vào cái bẫy ngụy biện của chính mình theo kiểu lộng giả thành chân, mà còn khiến công chúng bình dân cảm thấy khó xử, e ngại không muốn “dây vào””.

Tôi muốn lưu ý Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân và tác giả Lã Thanh Tùng về ý kiến mới đây trên báo Sài gòn Giải phóng của Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa : “Thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe…”

Vậy hãy cố gắng “lắng nghe” một đoạn ý kiến phản biện của tôi về chủ trương khai thác bô-xít Tây Nguyên :

“TÔI HOAN NGHÊNH MỘT NỬA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG VÀ CỰC LỰC PHẢN ĐỐI NỬA KIA !

Một nửa mà tôi hoan nghênh là hình ảnh Thủ tướng khi đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 07.05.2009 đã nói với Đại tướng: “Chính phủ xin tiếp thu ý kiến của Đại tướng về dự án bô-xít Tây Nguyên”.

Nửa kia mà tôi cực lực phản đối là hình ảnh Thủ tướng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hải Phòng ngày 09.05.2009 lại khẳng định: “đưa ngành công nghiệp khai thác quặng bô-xít trở thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước; góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên”, nghĩa là ngược hẳn với ý kiến Đại tướng mà 2 ngày trước Thủ tướng vừa trịnh trọng tuyên bố tiếp thu.

Ý kiến của Đại tướng là rất rõ ràng và dứt khoát, đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần: không nên khai thác bô-xít Tây Nguyên. Đây là một ý kiến đúng; đúng với các kết luận khoa học, đúng với chủ trương của Đảng trước đại hội 9, đúng với chủ trương “hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô” ghi trong báo cáo chính trị của đại hội 9, và bao trùm lên tất cả là đúng với lòng dân, ý dân, chí dân, bày tỏ bước đầu qua hàng ngàn chữ ký đã được gửi đến Quốc hội, Chính phủ, và hàng nghìn người đang tiếp tục ký. “Tiếp thu” nghĩa là chân thành tiếp nhận nhằm thực hiện theo điều đúng, sửa chữa điều sai.

Thấy hiện ra một tình hình ngược nhau giữa ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – cũng là của đa số đảng viên và nhân dân – với chủ trương của Bộ chính trị.

Chủ trương của Bộ chính trị hiển nhiên là sai, sai từ gốc, rất nghiêm trọng, lại càng trở nên hết sức nghiêm trọng khi hợp tác với Trung Quốc. Trước đại hội 9, không có chuyện bô-xít, vì, như Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nêu rõ, sau khi cân nhắc kỹ ý kiến tư vấn của Chính phủ Liên Xô (lúc ấy là bạn chí thiết, luôn là nước giúp đỡ lớn nhất cho Việt Nam và đang rất cần nhôm), ta không chủ trương khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tại đại hội 9, chữ “bô-xít” – mà nay đang vang lên nhức nhối hàng ngày hàng giờ trong lòng mỗi người dân Việt – chỉ xuất hiện, có vẻ như thoáng qua, trong báo cáo kinh tế. Còn trong báo cáo chính trị, một văn kiện quan trọng bao trùm, thì ghi rõ “hạn chế xuất khẩu tài nguyên thô”. Các đại biểu đại hội Đảng lần thứ 9 khi biểu quyết thông qua các văn kiện, liệu có mấy người hiểu được ý nghĩa tiềm ẩn của cái chữ “bô-xit” chìm lẫn giữa hàng loạt tên các tài nguyên khác trong báo cáo kinh tế? Chắc là không có mấy người. Nhưng Bộ chính trị, ít nhất là các Ủy viên chủ chốt trong Bộ chính trị thì hiểu. Và 8 tháng sau thì cái ý nghĩa tiềm ẩn ấy bắt đầu bộc lộ khi chữ bô-xít xuất hiện trong thông cáo chung Nông Đức Mạnh – Giang Trạch Dân ngày 03 tháng 12 năm 2001. Tuy hai nước Việt – Trung đã có quan hệ ngoại giao bình thường, nhưng thế lực bành trướng Bắc kinh vẫn không ngừng xúc tiến chiến lược bao vây, xâm lấn, xâm nhập phá hoại nhiều mặt nhằm kiềm chế, khống chế đi tới thôn tính đất nước ta.Trung Quốc đại lục với Đài Loan tuy xung khắc nhau về chính trị nhưng lại đồng hành trong chủ nghĩa bành trướng (gần đây Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng Lê Văn Cương, Kỹ sư Doãn Mạnh Dũng lại nhấn mạnh và nêu thêm những cảnh báo cập nhật). Bộ chính trị biết rất rõ điều đó, thế thì tại sao Tổng bí thư Nông Đức Mạnh lại tự tiện đem một nguồn tài nguyên quốc gia quan trọng trên một địa bàn chiến lược hiểm yếu vào bậc nhất để hợp tác làm ăn với thế lực ấy ? Khi ký thông cáo chung này, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đứng trên lập trường chính trị nào? Lập trường Tổ Quốc trên hết, quyền dân trên hết, hay lập trường ý thức hệ giai cấp là thống soái, Bộ chỉnh trị là cơ quan quyền lực trùm lên đất nước; Quốc hội trong thực chất cũng chỉ là cơ quan thừa hành của Bộ chính trị ?

Sau thông cáo chung nêu trên, việc hợp tác với Trung Quốc khai thác bô-xít Tây Nguyên đã được âm thầm xúc tiến theo qui trình lộn ngược một cách khuất tất, đến khi lộ ra thì mọi người mới giật mình trước tình trạng mà đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc gọi là “việc đã rồi”. Xin mời đọc lại những dòng tâm huyết gửi Bộ chính trị của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ nước ta tại Trung Quốc từ năm 1974 đến năm 1989: “… mãi đến gần đây được đọc thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng trăm ý kiến không đồng tình của các nhà khoa học, cán bộ và người dân ở khắp Bắc – Trung – Nam, tôi mới biết ta đồng ý cho Trung Quốc khai thác bauxit ở Tây Nguyên. Nguy hiểm quá!”. Tôi (BMQ) xin nhắc lại: “Nguy hiểm quá !”!

(Có thể đọc toàn bài trên trannhuong.com, diendan.org, viet-studies.info)

Đấy, ý kiến phản biện của tôi là như thế, tôi yêu cầu Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân đăng lên báo Văn nghệ để tác giả Lã Thanh Tùng và tất cả mọi người phân tích xem nó “đầy cảm tính”,“nóng vội chủ quan”, “ngụy biện” “lộng giả thành chân” ở chỗ nào ?

Và cũng xin đăng bài của các tác giả Vũ Ngọc Tiến, Nguyễn Chính, Lê Quốc Trinh, Cao Tiến Đức góp ý với bài của Lã Thanh Tùng.

Nhưng trước hết, theo đúng yêu cầu mà Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa nêu ra, tôi yêu cầu báo Văn nghệ (nhân tiện cũng yêu cầu báo Nhân dân, báo Quân đội Nhân dân và tất cả các báo) đăng 3 bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp kèm lời kêu gọi anh chị em cựu chiến binh phân tích xem Võ Đại tướng có “đầy cảm tính” , “nóng vội chủ quan” “ ngụy biện” “ lộng giả thành chân” như Lã Thanh tùng nhận xét hay không ?.

Tôi cũng lưu ý Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân về ý kiến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu cả quyết tại Quốc hội ngày 21.10.2009 : “Phải cấm bán tài nguyên thô ra nước ngoài”! Phát biểu đó khiến tôi hy vọng là Tổng bí thư đang “tự xem lại mình” (cụm từ của Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Minh Triết) để dần trở lại bám chắc lấy chủ trương đúng đắn ghi rõ tại báo cáo chính trị của đại hội 9 mà vào thời điểm tháng 12.2001 do mới nhậm chức, do chưa được chuẩn bị đúng mức trong quyết sách ứng xử với thế lực bành trướng vừa là đối tác đáng gờm vừa là đối thủ cáo già nên đã lỡ ghi chữ “bô-xít” vào thông cáo chung Nông Đức Mạnh – Giang Trạch Dân gây nghi ngờ và lo lắng cho toàn Đảng toàn dân. Tôi cũng hy vọng Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, qua việc “lắng nghe” các ý kiến phản biện từ hàng ngàn người như vừa nêu sẽ đi tới chỗ dứt khoát tiếp thu triệt để ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiếp thu một cách thành tâm bằng cả con người mình chứ không phải chỉ nửa con người như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bài của Lã Thanh Tùng với những câu như “TKV đang rất an nhiên tự tại” xuất hiện đúng lúc Tổng giám đốc Đoàn Văn Kiển của cái tập đoàn đầy tai tiếng đó sau mấy tháng bị Ủy ban kiểm tra trung ương ra quyết định kỷ luật cảnh cáo (lần thứ 2) và kiến nghị bên Chính phủ cách chức thì không những không bị cách chức mà lại nhận được quyết định cho nghỉ hưu sớm. Không cần tinh ý gì lắm cũng thấy ngay Lã Thanh Tùng viết như thế và Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân cho đăng là vô tình hoặc cố ý phò trợ cho thái độ thách thức trước kiến nghị của cơ quan kiểm tra tối cao của Đảng.

Một lần nữa, tôi yêu cầu Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy viên Bộ chính trị Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Tô Huy Rứa : “Thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe…” , hãy cho đăng ngay trên số báo sớm nhất 3 bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu ngừng khai thác bô-xít Tây Nguyên và bài của các tác giả khác về vấn đề hết sức hệ trọng này.

BÙI MINH QUỐC

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

http://bauxitevn.net/c/16472.html

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Thông báo (trái) của cơ quan an ninh điều tra Hà Nội bắt tạm giam bà Nguyễn Thúy Hạnh (phải) và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2. Ảnh: Sài Gòn Nhỏ

Tiếp tục giam bà Nguyễn Thúy Hạnh, Hà Nội muốn nói điều gì?

Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22/3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.