Đối Đầu Bất Bạo Động: Cuộc Đấu Tranh Của Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết Ba Lan

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 95.1 kb

Tên tuổi của ông Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết đã vĩnh viễn gắn liền với nhau trong cuộc cách mạng dân chủ, mở đầu cho kỷ nguyên phá đổ hàng loạt các chế độ độc tài Cộng sản bằng sức mạnh quần chúng vào cuối thế kỷ 20. Khởi đầu từ xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdansk, cuộc cách mạng dân chủ đã nhen nhúm trong hơn một thập niên cầm cự dưới những đàn áp và khủng bố của đảng Cộng sản Ba Lan, ông Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết đã tạo được sức bật mạnh mẽ vào tháng 8-1988 khi 400 ngàn người tham gia vào cuộc đình công tại Thủ đô Warsaw, khiến cho toàn bộ xã hội bị tê liệt, đẩy đảng Cộng sản Ba Lan phải thoái lui nhượng bộ. Sự thoái lui này đã như định mệnh an bài làm rúng động các chế độ độc tài Cộng sản trong khối Đông Âu và đua nhau sụp đổ hàng loạt vào năm 1989. Ông Lech Walesa và Công Đoàn Đoàn Kết đã đánh sập một huyền thoại kéo dài trong nhiều năm, đó là: khó có thể lật đổ một chế độ cộng sản khi nó đã nắm chính quyền. Nay thì huyền thoại đó không còn nữa, nó đã lần lượt bị đốn ngã bởi phương thức đối đầu bất bạo động đã được áp dụng tinh vi và tài tình tại Ba Lan cũng như tại nhiều quốc gia Cộng sản tại Đông Âu trong thập niên 80 của thế kỷ 20.

JPEG - 15 kb
Lech Walesa

Ông Lech Walesa sinh ngày 29-9-1943 tại Popowo gần Wloclawek trong một gia đình lao động. Sau khi hoàn tất chương trình giáo dục sơ đẳng và tốt nghiệp cán sự điện tại trường cơ khí nông nghiệp địa phương, từ năm 1961, Lech Walesa đã ra làm việc tại một nông trường cơ khí trong 4 năm và phục vụ 2 năm trong quân đội. Sau khi ra khỏi quân đội, với 23 tuổi đời chưa có dịp rời nơi sinh trưởng nên ông muốn thực hiện một chuyến đi xa, đến sinh sống tại thành phố Gdynia. Tháng 5-1957, Walesa đã mua vé xe điện để đến thành phố Gdynia. Khi xe điện chạy đến trạm đầu tiên là nhà ga thành phố Gdansk, Lech Walesa đã xuống tàu để đi tìm mua bia uống, chẳng may trễ chuyến tàu nên đành ở lại Gdansk chờ chuyến kế. Trong lúc chờ xe điện, Lech Walesa lại gặp một vài người bạn đang làm việc tại xưởng đóng tàu Lênin rủ rê ở lại Gdansk làm việc; ông bèn đổi ý không đi đến Gdynia nữa mà ở lại Gdansk. Ngày 30- 5, Lech Walesa nộp đơn xin làm việc và vài ngày sau đó được ban quản trị Xưởng đóng tàu Lênin nhận với tư cách là cán sự điện hàng hải. Ba năm sau, Lech Walesa kết hôn với bà Miroslawa Danuta Golos vào ngày 8-11-1969 và có với nhau 8 người con.

Từ khi về làm việc ở xưởng đóng tàu Lênin tại Thành phố Gdansk, cuộc đời của Lech Walesa đã thay đổi với những bước ngoặc qua ba giai đoạn đáng chú ý như sau:

Thời kỳ thứ nhất, hoạt động trong phong trào công nhân đối kháng bí mật (1970 – 1980)

JPEG - 120.5 kb
Xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdansk.

Xưởng đóng tàu Lênin tại thành phố Gdansk là một loại xưởng có tầm cỡ quốc tế với 15 ngàn công nhân bao gồm các ngành nghề như thợ sơn, thợ điện, thợ cơ khí, thợ hàn, vân vân… Công việc chính yếu của xưởng đóng tàu là đóng những thùng chứa vĩ đại, những tàu chiến và những tàu đánh cá. Đây còn được coi là một địa danh mà hầu hết các du khách đến Ba Lan đều mong mỏi thực hiện một chuyến tham quan tại đây. Tuy nhiên, 15 ngàn công nhân lại làm việc trong một môi trường rất tồi tệ. Họ phải làm việc một ngày 10 tiếng đồng hồ, 6 ngày một tuần nhưng lại không được ban quản trị xưởng đóng tàu chăm sóc đúng mức.

Thứ Bảy, ngày 12-12-1970, chính quyền Cộng sản Ba Lan quyết định tăng giá thực phẩm từ 12% lên đến 36% vào một thời điểm vô cùng tệ hại – khi mọi gia đình đang chuẩn bị đón lễ Giáng Sinh và năm mới. Hai ngày sau, 14-12, công nhân tại các thành phố Gdansk, Gdynia, Szczecin và tất cả những khu công nghiệp vùng biển Baltic đã đồng loạt đình công để phản đối. Đặc biệt là hàng ngàn công nhân tại Xưởng đóng tàu Lênin đã tràn ra cổng chính và nói với ban giám đốc rằng họ không thể sống với tình trạng tăng giá hiện nay. Sau đó họ đã kéo nhau ra đường phố và tập trung biểu tình trước trụ sở của đảng Cộng sản Ba Lan. Họ dùng loa phóng thanh lên án những chính sách tồi bại của đảng. Hai tiếng đồng hồ sau đó, họ kéo nhau đến Trường Đại học Công Nghiệp thành phố, trước hết là xin lỗi việc công nhân Xưởng đóng tàu Lênin đã không hưởng ứng lời kêu gọi nổi dậy của sinh viên vào năm 1968, nhân lúc Hồng Quân Liên Xô xua quân đàn áp cuộc nổi dậy ở Tiệp Khắc, sau đó kêu gọi các sinh viên và Giáo sư tham gia cuộc đình công với công nhân. Do sự bất tín vào năm 1968, hầu hết Giáo sư và Sinh viên đã không hưởng ứng lời kêu gọi của công nhân. Ngay vào lúc đó, lực lượng cảnh sát được lệnh giải tán đoàn biểu tình, tạo ra cuộc xô xát khiến một số người bị thương và một vài công nhân bị bắt.

JPEG - 72.2 kb
Lech Walesa xách động mọi người tiếp tục đình công.

Lúc bùng nổ cuộc đình công thì Lech Walesa đã không có mặt vì ngày hôm đó là ngày nghỉ định kỳ của nhóm ông. Mãi cho đến 6 giờ 30 sáng ngày hôm sau, 15-12 Lech Walesa mới đến Xưởng. Người giám sát của nhóm ông yêu cầu mọi người vào làm việc, nhưng Lech Walesa đã xách động mọi người tiếp tục đình công và dẫn hàng ngàn công nhân đi đến trụ sở cảnh sát đòi trả những người bị bắt ngày hôm qua. Cảnh sát trưởng ra tiếp xúc với Lech Walesa và yêu cầu rằng sau khi trả tự do những người bị bắt, tất cả công nhân phải quay trở về Xưởng đóng tàu. Tuy nhiên trên đường trở về Xưởng đóng tàu lại xảy ra những cuộc xô xát với cảnh sát, khiến cho một số công nhân bị thương. Cảnh sát đã lùa tất cả công nhân vào trong Xưởng đóng tàu và cho đóng kín các cổng ra vào. Ngày 16-12, Ủy ban đình công thấy là không thể tiếp tục cầm cự trong tình trạng bị giam trong Xưởng đóng tàu nên tìm cách điều đình với cảnh sát. Trong lúc Lech Walesa tìm cách liên lạc với đại diện cảnh sát để nói chuyện thì nghe tiếng súng nổ. Cảnh sát đã giải tán một cuộc xô xát giữa công nhân trong Xưởng khiến cho 4 người bị thương và chết trên đường đưa đến bệnh viện. Trước tình hình bi đát này, Ủy ban đình công đồng ý chấm dứt cuộc đình công và cảnh sát đã mở cổng cho mọi người ra về.

Khi Lech Walesa về nhà thì có hai cảnh sát chìm đi theo. Nửa đêm ngày 16-12, cảnh sát ập vào nhà bắt Lech Walesa dẫn đi. Vài ngày sau, ông được thả sau khi ký một tờ giấy “nhận tội xách động và gây rối trật tự”. Tất cả mọi người bị bắt đều phải ký vào tờ giấy nhận một tội nào đó do cảnh sát gán ghép, nếu không thì sẽ bị bắt cầm tù. Khi công nhân Xưởng đóng tàu Lênin bỏ cuộc không đình công nữa, thì công nhân ở các thành phố khác cũng ngưng đình công. Tuy nhiên trong đợt đình công này có khoảng 44 công nhân bị thiệt mạng và có khoảng 1.000 người bị bắt. Mặc dù cuộc đình công không làm thay đổi chính sách tăng giá thực phẩm của chính quyền Cộng sản Ba Lan; nhưng đã làm sụp đổ chính quyền Gomulka, thay thế bởi Thủ tướng Edward Gierek. Để lấy lòng công nhân và quần chúng Ba Lan, Thủ tướng Gierek hứa là sẽ xem xét lại việc tăng giá thực phẩm, cải cách kinh tế, đồng thời tổ chức lại công đoàn nhà nước để nới rộng một số quyền căn bản cho công nhân.

Tháng Giêng năm 1971, Lech Walesa được bầu làm đại biểu tham dự một hội nghị công đoàn tại Warsaw. Sau khi về lại Gdansk, Lech Walesa đã ra ứng cử chức vụ Thanh Tra của công đoàn nhà nước tại Xưởng đóng tàu. Mục tiêu của Lech Walesa là lợi dụng trách vụ này để có thể gặp gỡ và trao đổi với các nhóm công nhân hầu tiến đến việc tranh đấu thành lập một công đoàn độc lập. Sau một năm gặp gỡ và nắm vững tình hình công nhân, Lech Walesa không ra tranh cử chức vụ Thanh Tra vào năm 1972, thay vào đó ông đã liên lạc và trao đổi với những công nhân can đảm và có khả năng xách động thành lập một nhóm bí mật để hướng dẫn công nhân đấu tranh. Suốt từ năm 1972 đến năm 1976, Xưởng đóng tàu Lênin rơi vào thời kỳ nguy kịch, công nhân không có việc làm, lương bị cắt, đời sống khó khăn. Trong bối cảnh đó, Lech Walesa bắt đầu nói chuyện và thuyết phục các công nhân phải ủng hộ thành lập công đoàn độc lập để tự bảo vệ và không thể trông cậy vào công đoàn nhà nước.

Tháng 2-1976, trong một buổi họp công đoàn của Xưởng đóng tàu Lênin, Lech Walesa đã lên tiếng tố cáo Thủ tướng Gierek phản bội và nói láo đối với công nhân Ba Lan. Lech Walesa tuyên bố rằng, công nhân cần một công đoàn độc lập. Sau những phát biểu này, Lech Walesa đã bị ban quản trị Xưởng đóng tàu Lênin ghép vào thành phần chống đối nên bị sa thải khoảng 2 tháng sau đó. Mùa hè năm 1976, sự chống đối của công nhân lại bộc phát khi Thủ tướng Gierek một lần nữa tuyên bố tăng giá thực phẩm. Lần này cơn giận dữ của công nhân đã tuôn trào với hàng trăm ngàn công nhân mọi ngành nghề tuyên bố đình công. Cảnh sát và quân đội được gửi vào thành phố để dẹp các cuộc đình công. Hàng trăm công nhân đã bị bắt và bị truy tố ra tòa. Công nhân quá nghèo, họ không những không có tiền chạy luật sư mà còn không có tiền để lo cho gia đình. Lech Walesa đã kêu gọi thành phần trí thức đối kháng hỗ trợ. Giới trí thức đối kháng mà đại diện là hai nhân vật từng vào tù ra khám trong nhiều năm là Jacke Kuron và Adam Michnik, đã lập ra Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân (Komitet Orbony Robotników = KOR), nhằm vận động tài chánh trả tiền luật sư và giúp đỡ cuộc sống gia đình cho những công nhân bị đưa ra tòa.

JPEG - 68.9 kb
Hàng trăm ngàn công nhân mọi ngành nghề tuyên bố đình công.

JPEG - 11.3 kb

Ủy Ban Bảo Vệ Công Nhân KOR quy tụ đông đảo nhiều thành phần: Luật sư, Nhà văn, Nghệ sĩ, Sinh viên đã cùng nhau thực hiện một tờ báo bí mật, in bằng giấy stencil và phổ biến bằng cách chuyền tay. Nội dung đa số chuyên chở những bài phân tích diễu cợt chế độ, những yêu sách của công nhân và sự cần thiết của một công đoàn độc lập. Qua KOR, sự cộng tác giữa các nhóm đối kháng tại Ba Lan đã được thực hiện. KOR được mở rộng và biến thành Ủy Ban Tự Vệ Xã Hội KSS-KOR. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Ba Lan cũng đã tuyên bố liên kết với các lực lượng đối kháng, khi Đức Hồng Y Wyszynski, đại hiện Giáo Hội công khai phê phán chính quyền Ba Lan phải nhận trách nhiệm về đời sống tồi tệ của công nhân Ba Lan. Sau khi KOR hoạt động một thời gian, từ năm 1978, Lech Walesa đã liên kết thêm với Phong Trào Trẻ Ba Lan (RMP) đồng thời cùng với những nhà lãnh đạo công nhân như Bogdan Borusewicz, Andrzej Gwiazda, Alekansader Hall và một số trí thức khác thành lập công đoàn bí mật lấy tên là Free Trade Union of Pomerania (Wolne Zwiqzki Zawodowe Wybrzera WZZW) và phát triển một số chi nhánh tại các thành phố phía Biển Baltic, cũng như tiếp tay phổ biến tờ báo bí mật Coastal Worker, nhằm tổ chức hóa lực lượng công nhân để đấu tranh lâu dài. Trong khoảng thời gian này, Lech Walesa đã bị mật vụ Ba Lan theo dõi ngày đêm và thường xuyên bị giam giữ vì tội tổ chức công đoàn chống nhà nước.

JPEG - 45.3 kb

Ngày 14-12-1979, nhân kỷ niệm 9 năm ngày công nhân Xưởng đóng tàu Lênin đình công chống tăng gía thực phẩm bị đàn áp, Lech Walesa vận động tổ chức cuộc đình công ngay Cổng số 2 của Xưởng đóng tàu với 7.000 công nhân tham dự. Tại buổi lễ này, Walesa kêu gọi mọi người rằng sang năm kỷ niệm 10 năm của cuộc đình công, mỗi người sẽ mang đá và gạch xi măng để xây một đài tưởng niệm ở đây. Khi buổi lễ vừa kết thúc, cảnh sát đã chận bắt Walesa trên đường về nhà và truy tố ông ra tòa về tội xách động chống chế độ. Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động đã tức thời liên lạc với cảnh sát và tòa án để xúc tiến các thủ tục bào chữa cũng như vận động tiền giúp đỡ cuộc sống gia đình ông. Ngày Lech Walesa ra tòa, rất đông Luật sư của KOR biện hộ và cuối cùng tòa phải tuyên bố ông Lech Walesa vô tội và phải trả tự do cho ông vào đầu năm 1980. Tòa án cũng ra lệnh buộc Ban quản trị Xưởng đóng tàu Lênin phải thu nhận Lech Walesa trở lại làm việc. Thắng lợi của phiên tòa đã không chỉ làm cho dư luận chú ý đến tên tuổi của ông Lech Walesa mà còn tạo cho công nhân Ba Lan một sự tin tưởng vào khả năng bảo vệ của KOR trước sự trấn áp của nhà nước Cộng sản Ba Lan.

Thời kỳ thứ hai, thành lập và lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết (1980 – 1989)

JPEG - 129.7 kb

Ngày 1-7-1980, chính quyền Edward Gierek lại tiếp tục tăng giá thịt và những sản phẩm chế biến bằng thịt. Việc này đã làm cho công nhân và dân chúng không còn chịu đựng được nữa. Cuộc đình công phản đối của công nhân tại thành phố Chelm vào ngày 2-7-1980 đã tác động mạnh mẽ lên công nhân ở thành phố Gdansk, nằm ở ven biển Baltic. Ngày 14-8-1980, lấy lý do chống đối việc ban quản trị sa thải một nữ công nhân phụ trách điều khiển giàn cần trục tự động, công nhân xưởng đóng tàu Lênin tại Gdansk đã tiến chiếm công trường, thực hiện đình công. Ngày 16-8-1980, công nhân thành lập Ủy ban đình công (MKS: Miedzyzakladowy Komitet Strajkowy/Inter-Factory Strike Committee) dưới sự lãnh đạo của Lech Walesa. Ngày 17-8-1980, Linh Mục Jankowski tổ chức thánh lễ trước cổng chính của xưởng đóng tàu. Ngày 18-8-1980, Ủy ban đình công đưa ra 21 yêu sách đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan phải đáp ứng như công nhận quyền đình công, thừa nhận quyền lập nghiệp đoàn, quyền tự do hội họp… Những yêu sách này dựa trên Chương đề cập về Quyền Của Người Lao Động đo KOR soạn thảo từ năm 1977. Ngày 22-8-1980, chính quyền Gierek phải cử một số cán bộ đến thảo luận về những yêu sách của Ủy ban đình công ở Gdansk. Sau mấy ngày thảo luận và tranh cãi về nhiều vấn đề, cuối cùng, đại diện chính quyền Gierek là Phó Thủ Tướng Mieczyslaw Jagielski đã ký một thỏa ước với Lech Walesa, đại diện Ủy ban, vào lúc 5 giờ chiều ngày 31-8-1980, đồng ý thực thi 21 yêu sách của Ủy ban như chấp nhận quyền tự do lập nghiệp đoàn, tự do nhóm họp và tự do đình công… Ngày 4-9-1980, Ủy ban đình công (MKS) cải tên thành Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc), bầu Lech Walesa làm Chủ tịch, văn phòng đặt trong xưởng đóng tàu Lênin ở thành phố Gdansk.

JPEG - 160.2 kb
Ngày 17-8-1980, Linh Mục Jankowski tổ chức thánh lễ trước cổng chính của xưởng đóng tàu.

JPEG - 61.3 kb

Sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết đã thu hút đông đảo công nhân, trí thức và quần chúng Ba Lan tham gia. Nó không chỉ là một nghiệp đoàn độc lập ngoài chính quyền mà còn là một phong trào công nhân đòi tự do dân chủ. Khi đó, Đức Hồng Y gốc Ba Lan vừa trở thành Đức Giáo Hoàng John Paul II (1978), vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo La Mã, đã ủng hộ Công Đoàn Đoàn Kết một cách công khai, khiến cho giới công nhân, quần chúng nhiệt liệt tin tưởng vào thế đấu tranh chính nghĩa của Công Đoàn Đoàn Kết. Nhờ vậy mà trong giai đoạn đầu của thập niên 80, số thành viên tham gia Công Đoàn lên đến gần 1/3 dân số Ba Lan, trở thành một lực lượng chính trị đáng kể.

JPEG - 167.8 kb

Ngày 14-9-1980, Trung ương đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (PUWP) buộc Edward Gierek từ chức chức vụ Thủ tướng, và đề cử Stanislaw Kania lên thay thế. Nhưng Thủ tướng Kania cũng không ổn định được tình hình, nên đến tháng 2 năm 1981, Trung ương đảng đề cử Wojciech Jaruzelski, thuộc phe giáo điều lên làm Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng. Sau khi lên cầm quyền, Jaruzelski đã lập ra và tự làm chủ tịch Hội đồng Quân sự Cứu quốc gồm 20 tướng lãnh (cơ chế này không được quy định trong hiến pháp), với mục đích ngăn ngừa đảo chánh và ổn định tình hình. Ngày 13-12-1981, Jaruzelski ban hành lệnh thiết quân luật trên toàn quốc, đồng thời đóng cửa biên giới, cấm phát hành sách báo, cấm mọi cuộc đình công, biểu tình, và cấm dân chúng rời nhà ban đêm.

Thủ tướng Wojciech Jaruzelski không những ra lệnh đóng cửa các trụ sở của Công Đoàn; bắt giam Lech Walesa cùng bộ tham mưu của ông lúc đó là những nhân vật tên tuổi như Adam Michnik, Luật sư Tadeusz Mazowieckj, Sử gia Bronislaw Geremek… mà còn quản thúc cựu Thủ tướng Edward Girerek và những cán bộ đảng viên có liên hệ đến việc chấp nhận 21 yêu sách của Công Đoàn Đoàn Kết vào năm 1980. Mặc dù Lech Walesa bị bắt và các cơ sở bị đàn áp, nhưng nhờ sự hỗ trợ của Giáo Hội Công Giáo nên Công Đoàn vẫn tiếp tục hoạt động. Đặc biệt công nhân xưởng đóng tàu ở Gdansk và công nhân hầm mỏ ở thành phố Shilonsk đã vũ trang chống lại lực lượng cảnh sát và quân đội khiến cho 9 người bị thiệt mạng. Ngày 9-10-1982, chính quyền Jaruzelski đặt Công Đoàn Đoàn Kết ra ngoài vòng pháp luật. Nhưng do những áp lực của các quốc gia Tây Phương và của tòa thánh Vatican, Thủ tướng Wojciech Jaruzelski đã phải chấm dứt lệnh thiết quân luật vào tháng 12-1982 và ra lệnh phóng thích Walesa cùng thành phần lãnh đạo Công Đoàn Đoàn Kết.

JPEG - 56.6 kb

Vì hạ tầng cơ sở bị tê liệt do sự khủng bố của cơ quan mật vụ Ba Lan, hoạt động của Công Đoàn Đoàn Kết từ đó trở nên suy yếu. Mặc dù uy tín cá nhân của Walesa gia tăng và được Hàn Lâm Viện Thụy Điển trao Giải Nobel Hòa Bình năm 1983, nhưng ông đã không lấy lại được khí thế cho Công Đoàn, khiến hơn một nửa thành viên ngưng hoạt động hoặc xa lánh Công Đoàn vào những năm kế tiếp. Nhất là vào năm 1987, tiềm lực của Cộng Đoàn đã bị suy giảm nhanh chóng khi đảng Cộng sản Ba Lan tung ra chính sách mua chuộc, dụ dỗ và phóng thích những người bị chế độ bỏ tù vì có liên quan đến Công Đoàn Đoàn Kết trước đó. Nhưng Lech Walesa và bộ tham mưu của Công Đoàn Đoàn Kết đã không bỏ cuộc. Tháng 5-1987, Công Đoàn lại tổ chức đình công để đòi chính quyền Jaruzelski tái công nhận các quyền tự do mà chính quyền Edward Gierek trước đây đã chấp thuận. Cuộc đình công này bị đàn áp dã man hơn các lần trước nên Lech Walesa phải tuyên bố tạm ngưng. Hành động này của Walesa đã khiến một số nhân vật lãnh đạo Công Đoàn ở các địa phương bất mãn. Họ cho rằng Walesa quá sợ Cộng sản, nên đòi truất phế ông. Đây là giai đoạn bi đát nhất của Lech Walesa: nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết bị phân rã do chính sách mua chuộc của đảng Cộng sản.

Trong khi Công Đoàn Đoàn Kết bị tê liệt, nội tình của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan (PUWP) cũng rối rắm vì sự xung đột giữa hai phe giáo điều và cải cách trong đảng. Phe cải cách thắng thế và ép buộc Jaruzelski từ chức Thủ tướng. Trung Ương Đảng Công Nhân Thống Nhất đề cử Mesnel lên thay thế. Nội các Mesnel đưa ra một số chương trình cải cách, nhưng lại dùng thủ đoạn bắt Quốc hội Ba Lan thông qua đạo luật “Quyền Tối Khẩn” cho nội các vào ngày 11-5-1988, mục tiêu là để giúp cho Mesnel có thể đưa ra những pháp lệnh phù hợp trong khuôn khổ cải cách có lợi cho đảng cầm quyền. Nhận thấy âm mưu của đảng cầm quyền không muốn tiến hành các chương trình cải cách mà ngược lại sẽ tung ra những pháp lệnh nhằm trì hoãn các biện pháp cải cách chính trị, Lech Walesa kêu gọi Công Đoàn Đoàn Kết thực hiện một cuộc đình công quy mô trên toàn quốc kéo dài từ tháng 4 qua đến tháng 8-1988. Nội các Mesnel dùng “Quyền Tối Khẩn” để ngăn chận cuộc đình công, nhưng thất bại. Trước tình trạng sinh hoạt xã hội bị tê liệt do cuộc đình công của Công Đoàn gây ra, phe cải cách một lần nữa áp lực Trung ương đảng phải trực tiếp đối thoại với Công Đoàn Đoàn Kết để giải tỏa cuộc đình công toàn quốc này. Ngày 13-8-1988, Tổng bí thư Wojciech Jaruzelski, tuy không công nhận Công Đoàn Đoàn Kết là một tổ chức hợp pháp, nhưng tuyên bố chấp nhận tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với đại diện Công Đoàn, để giải quyết các yêu sách.

JPEG - 13.2 kb
Lech Walesa kêu gọi Công Đoàn Đoàn Kết thực hiện một cuộc đình công quy mô trên toàn quốc kéo dài từ tháng 4 qua đến tháng 8-1988.

JPEG - 15.1 kb
Kết quả của lần bầu cử đầu tiên vào ngày 4-6-1989, Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng vẻ vang.

Mặc dù đã đồng ý tham dự Hội Nghị Bàn Tròn với Công Đoàn, chính quyền Cộng sản Ba Lan vẫn tìm cách trì hoãn, đưa ra một số điều kiện để giới hạn mục tiêu của hội nghị; nhưng Lech Walesa tuyên bố rằng ông và Công Đoàn Đoàn Kết sẽ tẩy chay và tiếp tục đình công trở lại nếu phía chính quyền không công nhận sự hợp pháp của Công Đoàn đồng thời bãi bỏ mọi ràng buộc về chủ đề họp cũng như người tham gia. Cuối cùng, chính quyền Cộng sản Ba Lan chấp nhận và Hội Nghị Bàn Tròn bắt đầu từ ngày 6-2-1989 kéo dài đến ngày 5-4-1989 với 94 tiểu ban thảo luận về 13 đề tài liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đối ngoại, gia cư, lương bổng, vật giá, bầu cử, ứng cử… Căn cứ trên những thỏa thuận trong Hội Nghị Bàn Tròn giữa chính quyền và Công Đoàn Đoàn Kết, cuộc bầu cử Quốc hội đã được quy định hai lần vào ngày 4 và 18-6-1989 (nếu trong lần bầu đầu tiên mà ứng viên cao phiếu nhất không đạt trên quá bán thì sẽ phải bầu lại lần thứ nhì giữa 2 ứng viên được số phiếu cao nhất). Kết quả của lần bầu cử đầu tiên vào ngày 4-6-1989, Công Đoàn Đoàn Kết đã thắng vẻ vang, vượt ra ngoài dự liệu của mọi người. Tuy Công Đoàn Đoàn Kết chiếm nhiều ghế nhất trong hai viện, nhưng ở Hạ Viện, số ghế của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan cộng chung với các đảng ngoại vi (đảng Nhân Dân Thống Nhất, đảng Dân Chủ) vẫn chiếm ưu thế (276 ghế) nên đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan có nhiều thuận lợi hơn trong việc tuyển chọn Tổng thống (nhiệm kỳ đầu do Quốc hội bầu) và Thủ tướng.

Sau những dàn xếp nội bộ giữa các đảng phái, ngày 19-7-1989, toàn thể lưỡng viện Quốc hội đã bầu Wojciech Jaruzelski làm Tổng thống với tư cách không đảng phái. Ngày 2-8-1989, Hạ Viện đã bỏ phiếu đồng ý việc tổng từ chức của nội các Rakowski. Sau đó, Quốc hội biểu quyết vai trò Thủ tướng của Czeslaw Kiszczak do tân Tổng thống Wojciech Jaruzelski chỉ định. Việc chỉ định cựu Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak làm Thủ tướng đã bị một số dân biểu trong đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan cùng với sự hỗ trợ của một phần dân biểu trong Công Đoàn Đoàn Kết chống đối. Trong khi dân biểu của hai đảng ngoại vi của đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan là đảng Dân Chủ và đảng Nông Dân Thống Nhất lại ủng hộ Czeslaw Kiszczak, nên việc tuyển chọn Kiszczak làm Thủ tướng tuy gặp trở ngại lúc đầu, nhưng cuối cùng cũng được Hạ Viện biểu quyết thông qua. Tuy nhiên việc thành lập nội các của tân Thủ tướng Czeslaw Kiszczak đã vô cùng khó khăn, vì nếu phe Công Đoàn Đoàn Kết không tham gia thì nội các của Thủ tướng Kiszczak sớm muộn gì cũng bị lật đổ.

JPEG - 6.3 kb
Luật sư Tadeusz Mazowieckj.

Trước tình thế gay go này, ngày 7-8-1989, Lech Walesa đề nghị ba đảng gồm: Công Đoàn Đoàn Kết, đảng Dân Chủ và đảng Nông Dân Thống Nhất ra lập nội các. Đảng Nông Dân Thống Nhất và đảng Dân Chủ vốn đang bất mãn về việc thành lập chính quyền liên hiệp với đảng Công Nhân Thống Nhất Ba Lan, nên muốn ngả về giải pháp của Walesa. Trước tình hình hỗn loạn đó, ngày 16-8-1989, Czeslaw Kiszczak tuyên bố từ bỏ ý định ra làm Thủ tướng. Ngày 19-8-1989, sau khi thảo luận với Lech Walesa, Tổng thống Wojciech Jaruzelski đã chỉ định Luật sư Tadeusz Mazowieckj của Công Đoàn Đoàn Kết làm Thủ tướng. Ngày 24-8-1989, Hạ Viện Ba Lan bỏ phiếu tín nhiệm Luật sư Tadeusz Mazowieckj làm Thủ tướng. Ông Tadeusz Mazowieckj nguyên là thành phần Công giáo Trí thức Dấn thân, đã từng hoạt động nhiều năm bên cạnh Giáo Hội Công Giáo Ba Lan với tư cách là một ký giả. Năm 1980, khi Công Đoàn Đoàn Kết thành lập, Taduez Mazowieckj tham gia, làm chủ bút tờ báo Solidarnosc của CôngĐoàn.

ThờiKỳThứ BaTrở Thành Tổng Thống Ba Lan (1990– 1995)

Nội các Mazowieckj thừa hưởng một gia tài đổ nát, nợ ngoại trái ngập đầu, đạo đức xã hội băng hoại trầm trọng nên các chính sách dù có thựctế đến đâu, mà trì lực của di sản cộng sản quá lớn, cũng đã khiến cho các chương trình cải cách không tiến hành được như ý muốn. Hơn nữa, nội các Thủ tướng Mazowieckj là một chính quyền liên hiệp, mặc dù ông cố gắng tiến hành các chính sách cải tổ, nhưng một số bộ do phe cựu cộng sản nắm giữ, luôn cố tình gây trở ngại để làm mất uy tín phe Công Đoàn Đoàn Kết. Khó khăn của nội các Mazowieckj không chỉ có thế. Dấu hiệu rạn nứt trong nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết đã thấy xuất hiện giữa thành phần trí thức của Công Đoàn (tập trung quanh tờ báo Gazeta của Công Đoàn) với các hạ tầng cơ sở Công Đoàn, qua những chính sách ưu tiên ban hành của chính quyền Mazowieckj. Phe trí thức đòi hỏi chính quyền phải ưu tiên cải tổ chính trị, điều chỉnh hệ thống kiểm soát và quy chế truyền thông. Trong khi hạ tầng cơ sở của Công Đoàn thì coi việc giải quyết vấn đề thực phẩm, lương bổng là ưu tiên hàng đầu.

Từ những khó khăn này, nội bộ Công Đoàn chia làm hai phe, đứng đầu bởi Walesa và Mazowieckj, đối nghịch nhau về phương cách giải quyết vấn nạn Ba Lan. Sự đối nghịch này gia tăng mỗi ngày một lớn, tạo ra sự tranh chấp công khai giữa Walesa và Mazowieckj trên mặt báo chí và nhất là trong cuộc tranh cử Tổng thống vào năm 1990. Trong tình thế đó, đa số quần chúng mong muốn Walesa ra lãnh đạo Ba Lan, vì với uy tín sẵn có, Walesa có thể tạo một gạch nối rất tốt giữa chính quyền với quần chúng, để vận động mọi giới tham gia đóng góp vào công cuộc phục hưng Ba Lan. Cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan được tổ chức hai lần, lần I vào ngày 18-10 và lần II vào ngày 18-11-1990, với ba đối thủ, hai người trong Công Đoàn Đoàn Kết là Lech Walesa và Tadeusz Mazowieckj, người thứ ba là một thương gia Gia Nã Đại, gốc Ba Lan, kinh doanh tại Peru, tên là Stanislaw Tyminskj. Kết quả cuộc bầu cử vòng đầu vào ngày 18-10-1990, Lech Walesa đứng thứ nhất nhưng chỉ chiếm được 40% phiếu cử tri, thương gia Stanislaw Tyminskj đã vượt hơn Tadeusz Mazowieckj đứng hàng thứ hai với 23% phiếu, còn Mazowieckj thua cuộc, đứng hàng thứ ba với 20% phiếu.

GIF - 40.6 kb

Tình trạng này đã đặt cho nội bộ Công Đoàn Đoàn Kết một nhu cầu sinh tử là phải đoàn kết một khối, dồn phiếu cho Walesa nếu không muốn thất bại trong lần bầu cử vòng hai giữa Lech Walesa và Tyminskj vào ngày 18-11-1990. Kết quả là Lech Walesa chiếm được 75% phiếu, Tyminskj chiếm được 25% phiếu. Lech Walesa đã chính thức trở thành Tổng thống dân cử đầu tiên của nước Ba Lan tự do vào ngày 22-12-1990 (có nhiệm kỳ 5 năm). Sau khi nhận chức Tổng thống, Lech Walesa chỉ định nhà kinh tế Jan Krzysztof Bielecki thay thế Luật sư Tadeusz Mazowieckj trong trách nhiệm Thủ tướng trong cuộc họp Quốc Hội vào đầu năm 1991. Tuy nhiên nội các này cũng không giải quyết được tình hình cho sáng sủa hơn vì những trì trệ do 65% ghế của đảng viên cộng sản Ba Lan tại Hạ Viện gây ra. Ngày 13-9-1993, Ba Lan tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do lần thứ hai. Trong cuộc bầu cử này, đảng Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (cựu cộng sản) thắng thế đứng hàng thứ nhất chiếm 20,4% phiếu cử tri toàn quốc với 171 ghế; Đảng Nông Dân chiếm 15,4% phiếu với 132 ghế trở thành đảng đứng thứ hai; hai nhóm Liên Minh Trung Ương và Phong Trào Công Dân Dân Chủ Hành Động của Công Đoàn Đoàn Kết chỉ chiếm được 12% phiếu cử tri, tụt xuống hàng thứ ba và thứ tư.

Tổng số dân biểu của hai nhóm tả khuynh cựu cộng sản gồm Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh và đảng Nông Dân Ba Lan chiếm hơn 2/3 ghế trong Hạ viện. Hai nhóm này đã liên hiệp thành lập chính quyền tả khuynh đầu tiên sau cuộc chính biến ở Ba Lan vào năm 1989. Khi phe cựu Cộng sản chiếm ưu thế trong Quốc hội, tiềm lực chính trị của phía Công Đoàn Đoàn Kết bắt đầu suy giảm, ảnh hưởng đến cuộc vận động tái ứng cử Tổng thống của ông Lech Walesa. Từ đầu năm 1995, những chủ trương cải cách kinh tế của Liên Minh Dân Chủ Tả Khuynh (cựu cộng sản) từng ảnh hưởng mạnh ở khu vực nông thôn như duy trì nền kinh tế theo khuynh hướng thị trường giống như Công Đoàn, mở rộng chế độ bảo hiểm xã hội, thận trọng trong việc giải tư xí nghiệp quốc doanh… nay bắt đầu nhận được sự ủng hộ của thành phần trí thức đô thị. Trong khi đó, Tổng thống Walesa chủ trương đẩy nhanh vấn đề giải tư, kêu gọi quần chúng thắt lưng buộc bụng, nên đã tạo ra làn sóng bất mãn trong dân chúng.

Cuộc bầu cử Tổng thống Ba Lan lần thứ 3 sau biến cố năm 1988, đã diễn ra vào ngày 5-11-1995 với 11 ứng cử viên, nhưng đối thủ quan trọng nhất của Lech Walesa là Aleksander Kwasniewski, đương kim Chủ tịch Liên Minh Dân Chủ Tả Phái. Vì bầu cử đợt I không có ứng cử viên nào chiếm quá bán nên bầu lại đợt hai vào ngày 20-11-1995, với sự tranh phiếu của hai ứng viên Walesa và Kwasniewski. Kết quả Kwasniewski về nhất chiếm 51,72% còn Tổng thống Walesa chỉ được 48,27% phiếu, mặc dù đã được ứng cử viên về ba là Jack Kron tuyên bố vận động dồn phiếu cho Walesa. Trong cuộc bầu cử vào năm 2000, Lech Walesa lại ra tranh cử Tổng thống một lần nữa với đương kim Tổng thống Kwasniewski nhưng ông không chiếm được 2% số phiếu trên toàn quốc. Kể từ đó, Lech Walesa đã dồn thì giờ cho những vận động dân chủ trên thế giới. Ngày 18-9-2003, Lech Walesa đã cùng với Cựu Tổng thống Tiệp Vaclav Havel, Cựu chủ tịch nước Arpad Gonz ký một lá thư ngỏ mang tên Xây Dựng Tự Do Cuba (Building a Free Cuba) gửi cho ông Fidel Castro ủng hộ các nỗ lực đấu tranh của các nhóm đối kháng Cuba. Ngày 10-5-2004, để ghi nhận công lao đóng góp cho nền dân chủ Ba Lan, chính quyền đã đổi tên phi trường quốc tế Gdansk thành tên Gdansk Lech Walesa Airport. Hiện nay ông Lech Walesa đi du thuyết nhiều nơi trên thế giới để chia xẻ những kinh nghiệm đấu tranh cho dân chủ dưới chế độ độc tài cộng sản.

***

JPEG - 35.2 kb

Lech Walesa có hai đặc tính: Can đảm và Nhiệt huyết. Chính nhờ hai ưu điểm này mà ông đã thu phục được một số công nhân cùng ông tổ chức và nuôi dưỡng thành công hạt nhân đấu tranh trong thành phần công nhân tại Xưởng đóng tàu Lênin, làm bàn đạp dấy lên phong trào dân chủ từ giới công nhân. Từ lúc bị đuổi việc vào năm 1976, ông và gia đình rơi vào hoàn cảnh túng quẫn, sống nhờ vào sự giúp đỡ của bạn bè; nhưng Lech Walesa đã không màng. Mọi tâm huyết của ông dành cho việc xây dựng công đoàn độc lập tại thành phố Gdansk. Lech Walesa quan niệm rằng nếu đã tụ được một số người cùng chí hướng, quyết tâm tranh đấu cho quyền lợi của số đông công nhân, trước sau gì – sức mạnh của số đông – sẽ chiến thắng guồng máy độc tài, thối nát. Quả nhiên, Lech Walesa đã áp dụng đúng nguyên tắc của đối đầu bất bạo động mà Gandhi và Martin Luther King Jr. đã đề xướng, và ông đã thành công.

Lý Thái Hùng
March 31 2008

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 22 – 28/4/2024

Nội dung:

– Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương tại thành phố Hamburg, Bắc Đức;
– Kêu gọi tham gia biểu tình và văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR tại Genève, Thụy Sĩ;
– Mời tham dự và đón nghe: i) Hội luận “49 năm sau biến cố 30/4/1975 – Tại sao hòa giải với Mỹ mà không với Dân tộc?;” ii) Chương trình văn nghệ gây quỹ Hát Cho Đồng Bào Tôi với chủ đề “Tháng Tư thắp nén hương trầm;” iii) Hội luận “UPR – Tường trình đến quốc tế việc nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo;”
– Quan điểm của Việt Tân về tình hình đất nước trước những biến động chính trị trong nội bộ đảng CSVN.

Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP - STR

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức

Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.