Cuộc họp Thượng Đỉnh giữa hai lãnh đạo Bắc và Nam Hàn diễn ra từ sáng đến chiều ngày 27 tháng 4 vừa qua tại Trung Tâm Hòa Bình, Làng Bàn Môn Điếm phía bên Nam Hàn không phải là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai bên mà đây là cuộc gặp lần thứ ba.
Hai lần trước diễn ra giữa lãnh tụ Kim Chính Nhật (Cha của Kim Chính Ân) với Tổng thống Kim Đại Trung (Kim Dae Jung) vào năm 2000 và với Tổng Thống Lỗ Thái Ngu (Roh Moo Hyun) vào năm 2007. Cả hai diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng, Bắc Hàn, nhưng không mang lại dấu ấn gì đáng kể ngoài việc cho phép thân nhân hai bên viếng thăm nhau.
Cuộc gặp gỡ lần thứ ba vào ngày 27 tháng 4 vừa qua đã thu hút sự chú ý của thế giới nói chung và đặc biệt đối với dư luận Nhật Bản, Trung Quốc và Hoa Kỳ vì là những quốc gia quan tâm về việc gia tăng thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn mang tính đe dọa an ninh khu vực trong hai năm vừa qua.
Có hai lý do thu hút sự chú ý của dư luận.
Thứ nhất là sự kiện lãnh tụ Kim Chính Ân đột ngột chấp nhận việc gặp gỡ một phái đoàn Nam Hàn vào tháng 3 năm 2018, để bàn thảo về cuộc đối thoại hầu chấm dứt chiến tranh giữa hai phía kéo dài từ năm 1953 cho đến nay, mà ngay trước đó vẫn còn giọng điệu quá khích.
Thứ hai là việc Kim Chính Ân đưa ra đề nghị gặp gỡ Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump và sẵn sàng ngưng mọi kế hoạch thử nghiệm vũ khí hạt nhân (nhưng không nói đến từ bỏ vũ khí hạt nhân, tức denuclearization), trong lúc Bắc Hàn đã cho thấy có nhiều tiến bộ trong việc thử nghiệm phóng các đầu đạn nguyên tử.
Vì thế mà dư luận nói chung mang hai tâm trạng: vừa hy vọng một sự đột biến cho tình hình bán đảo Triều Tiên, vừa tỏ ra dè dặt về đề nghị ngưng các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân của lãnh tụ Kim Chính Ân, khi chính vũ khí này là sức mạnh duy nhất cho Bắc Hàn mặc cả với Nam Hàn và Hoa Kỳ.
Kết thúc Hội Nghị Thượng Đỉnh hai phía đã công bố bản văn, gọi là “Tuyên bố Bàn Môn Điếm về Hòa bình, Thịnh vượng và Thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.”
Tuyên bố chung có ba nội dung chính:
1/ Đề cao vấn đề hòa giải dân tộc, để hai phía cùng góp phần xây dựng thịnh vượng chung và thống nhất đất nước bằng nguyên tắc tự quyết của dân tộc. Cải thiện quan hệ liên Triều nhằm đáp ứng khao khát của toàn dân tộc và sự cấp thiết của thời đại, khiến cho mối quan hệ này không thể tiếp tục trì trệ hơn nữa.
2/ Nam và Bắc Triều Tiên sẽ cùng nỗ lực giảm căng thẳng quân sự và loại trừ nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Cụ thể là hai phía chấm dứt mọi hành động thù địch trên bộ, trên không và trên biển – là những nguyên nhân gây căng thẳng quân sự và dẫn đến xung đột. Đồng thời hai phía chấm dứt phát thanh tuyên truyền, rải truyền đơn tại khu vực dọc theo Đường Phân giới Quân sự, bắt đầu từ ngày 1/5.
3/ Nam và Bắc Triều Tiên sẽ tích cực hợp tác để thiết lập một nền hòa bình lâu dài và bền vững trên bán đảo Triều Tiên. Nam và Bắc Triều Tiên xác nhận mục tiêu chung là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, tiến tới một bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân.
Nếu so với nội dung hai Hội Nghị Thượng Đỉnh Nam và Bắc Hàn trước đây, thì những cam kết nêu ra trong Tuyên Bố Chung lần này có nhiều điều tích cực hơn như: hai phía chấm dứt các hành động thù địch trên bộ, trên không, trên biển và nhất là ngưng phát thanh, rải truyền đơn tố cáo nhau kể từ ngày 1 tháng 5.
Ngoài ra, hai phía cam kết sẽ đánh dấu 65 năm ngày đình chiến vào ngày 27 tháng 7 năm 2018 bằng một cuộc hội đàm ba bên Nam ‒ Bắc Hàn và Hoa Kỳ, hoặc bốn bên ‒ có thêm Trung Quốc, để đi đến việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, mà từ năm 1953 cho đến nay hai phía vẫn tiếp tục ở trong tình trạng chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Do đó nếu dựa vào hai điểm tích cực nói trên, triển vọng chấm dứt “thù địch” giữa Nam và Bắc Hàn để mang lại sự hòa giải dân tộc dễ dàng hơn trong thời gian tới.
Tuy nhiên điểm then chốt nhất mà dư luận quan tâm là lãnh tụ Kim Chính Ân đã không đề cập gì đến việc chấm dứt vũ khí hạt nhân như đã nói. Nhóm từ “tiến đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn” ghi trong bản Tuyên Bố Chung vẫn cho thấy là cam kết của Bắc Triều Tiên còn rất mơ hồ và có thể bị Bắc Hàn lật lọng như đã từng xảy ra trong quá khứ.
Đây là vấn đề sẽ tiếp tục được chú ý trong Hội Nghị Thượng Đỉnh giữa lãnh tụ Kim Chính Ân và Tổng thống Donald Trump vào tháng 5 hay tháng 6 tới đây. Lý do dễ hiểu là chủ đích mà ông Trump đã đưa ra chính là đòi hỏi Bắc Hàn phải ngưng toàn bộ thử nghiệm và chế tạo vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Tóm lại, Hội Nghị Thượng Đỉnh Nam và Bắc Hàn vào ngày 27 tháng 4 vừa qua mới chỉ khởi sự chặng đường đầu tiên chấm dứt sự thù địch sau 65 năm đình chiến để bước vào thời kỳ hòa giải dân tộc. Còn một chặng đường nữa khá gay go mới tiến đến hòa bình và thống nhất bán đảo Triều Tiên là lãnh tụ Kim Chính Ân phải cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân trong những Hội Nghị Thượng Đỉnh sắp tới. Chặng đường này có đạt được hay không còn tùy vào 2 yếu tố chính:
- Lãnh tụ Kim Chính Ân có thật lòng muốn thay đổi để mở ra một trang sử mới cho dân tộc hay không khi ông ta đang là người đã “lèo lái” các diễn biến hiện nay, khởi sự bằng những động thái gây hấn và đe dọa hòa bình qua việc gia tăng thử nghiệm hạt nhân. Phải chăng chính sự trừng phạt kinh tế của thế giới khiến Kim Chính Ân phải “tạm” hòa hoãn để mua thời gian, nhưng vẫn ẩn tàng đâu đó một âm mưu nham hiểm? Hay đã thỏa mãn tính tự cao, tự đại sau khi đã được Nam Hàn và Trung Quốc “năn nỉ”, và nghĩ là đã “dọa” Mỹ/Nhật đủ rồi?
- Tổng thống và chính quyền Mỹ hiện nay liệu có đủ bình tĩnh, khôn ngoan và mềm dẻo để lèo lái các diễn biến theo hướng có lợi nhất cho hòa bình và ổn định hay không? Liệu chủ trương từ bỏ Hiệp Ước Cấm Phổ biến Vũ khí Hạt Nhân với Iran (hạn chót vào ngày 12/5/2018) của ông Trump có làm cho việc thương lượng một hiệp ước tương tự với Bắc Hàn trở nên khó khăn hơn hay không?
Tất cả vẫn còn là ẩn số, khiến thế giới chào đón cái bắt tay lịch sử giữa hai lãnh tụ Nam-Bắc Hàn một cách dè chừng. Người dân tại các quốc gia Đông Á tạm thở phào vì thoát đe dọa vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn phập phồng chờ đợi những diễn biến bất ngờ liên quan tới bán đảo Triều Tiên trong thời gian tới.