Từ “hòn núi bất động” đến … “không làm gì cả”!

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Năm 1980, đạo diễn trứ danh của Nhật Bản là Akira Kurosawa cho ra đời cuốn phim Kagemusha (có nghiã là “cái bóng của người chiến sĩ”) kể lại câu chuyện của một tên trộm hèn hạ, nhưng nhờ có ngoại hình giống sứ quân Takeda Shingen đã bị đột tử, nên trong một hoàn cảnh tình cờ, tên ăn trộm này đã được dùng để đóng giả vai của vị sứ quân đã mất, để cho quân sĩ tưởng chủ tướng của họ vẫn còn sống mà giữ vững được tinh thần trong lúc đang giao tranh ác liệt.

PNG - 384.7 kb
Sứ Quân Takeda Shingen

Bối cảnh là cuộc chiến Nagashino vào năm 1575. Lúc sinh thời, sứ quân Takeda Shingen được mệnh danh là “hòn núi bất động”. Bất chấp tên đạn sứ quân Shingen luôn ngồi im bất động giữa chiến trường để điều ba quân, khiến tướng sĩ nhìn vào thì vững lòng chiến đấu và địch nhìn vào thì hoảng sợ. Uy danh của Shingen lừng lẫy, đi đến đâu địch thấy bóng là run sợ.

Nhắc lại câu chuyện Kagemusha để nhớ đến lời phát biểu mới đây của một số tướng lãnh cộng sản Việt Nam.

JPEG - 44.2 kb
Tướng Huỳnh Đắc Hương (trái) và Tướng Phạm Văn Trà

Trước những hành động xâm lấn mới đây của Trung Cộng, Thiếu Tướng Huỳnh Đắc Hương phát biểu là: “Trước những hành động của Trung Quốc, ta mềm mỏng ứng xử để tránh xung đột quân sự nhưng về chiến lược thì chúng ta phải kiên định. Chúng ta phải “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Dĩ bất biến ứng vạn biến nôm na có nghiã là lấy tĩnh chế động, lấy cái bất động để chế ngự cái manh động. Đem áp dụng vào hiện tình thì có nghiã là “địch cứ xâm lấn, ta không nên làm gì cả” và chỉ khẳng định “trong nhà” với nhau!

Ông Thiếu Tướng chuyên gia về Trung Quốc, Nguyễn Văn Ninh, thì cho rằng: “Chúng ta phải hết sức bình tĩnh nhưng cũng rất kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông“. Thêm một ông tướng chủ trương lấy thái độ rất kiên quyết trong bất động!

Nhận định về các cuộc biểu tình phản đối Trung Cộng của đồng bào Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng CSVN là Tướng Phạm Văn Trà phát biểu rằng: “Vài chục, vài trăm người biểu tình không có tổ chức thì cũng không giải quyết được vấn đề mà chỉ làm căng thẳng thêm tình hình. Giờ là lúc phải lo đoàn kết, tỉnh táo, chăm lo phát triển kinh tế, lo cho dân là điều quan trọng nhất“. Lại thêm một ông tướng khác chủ trương chống Tàu vô ích, do đó chỉ nên tập trung vào kinh tế là nhất.

Nhưng có lẽ ngay tại phát biểu này, Bộ Quốc Phòng và Bộ Công An CSVN đã không đồng ý với ông rồi. Vì nếu ông bảo “lo cho dân là điều quan trong nhất”, thì tại sao khi giặc Tàu đã và đang thẳng tay bắn giết, đánh đập ngư dân, phá hoại tàu bè ngư cụ của đồng bào ta, không hề thấy quân đội hay công an làm bất cứ điều gì để bảo vệ họ? Kế đến, tướng Trà có biết tại sao chỉ có vài chục hay vài trăm người biểu tình không? Ông có cố tình bịt mắt mình không để khỏi đọc, khỏi thấy cảnh trấn áp khủng khiếp của công an đối với lòng yêu nước của dân tộc trên đường phố? Và khi ông chê nỗ lực của người dân chỉ “làm căng thẳng thêm tình hình”, liệu ông có nhớ ai làm tình hình căng thẳng không? Và cách giả mù, giả điếc trong những năm qua có làm tình hình bớt căng thẳng không, hay chỉ khuyến khích mỗi vụ việc sau căng thẳng và ngang ngược hơn các vụ việc trước?

Trọng trách của những vị tướng là suy nghĩ các kế hoạch hoặc điều binh khiển tướng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, bảo vệ nhân dân. Vậy mà ngay vào lúc chủ quyền đất nước bị xâm phạm, sinh mạng, tài sản và đời sống của nhân dân bị đe doạ trầm trọng, thì các ông tướng CSVN lại phát biểu ngô nghê như vậy. Chẳng hiểu họ học binh pháp ở đâu mà có những chiến thuật quân sự lạ lùng đến thế? Hay đó là loại binh pháp mà Trung Quốc soạn riêng và dạy riêng cho các tướng lãnh Việt Nam khi họ qua Tàu tu nghiệp trong quá khứ?

Phải chăng các vị tướng CSVN này đã dắt nhau đi xem phim Kagemusha, và muốn trở thành những ”hòn núi bất động” để đối phó với Trung Cộng? Nếu quả thật như vậy thì đúng là các vị tướng này ảo tưởng, hoặc là hoàn toàn gian dối để nói lên những điều không thật. Chí ít thì các ông cũng phải thấy được một điều là, để cho quân sĩ nhìn vào các ông mà có niềm tin, quân giặc thấy các ông mà hoảng sợ như tướng quân Takeda Shingen trong chuyện phim kể trên, thì các ông phải chứng tỏ được sự uy vũ của mình như thế nào để ta thì khâm hục, địch thì kiêng nể sợ hãi, lúc đó các ông mới có thể trở thành những ”hòn núi bất động” nhưng hữu ích. Chứ chẳng làm gì cả như từ trước đến nay thì ai cũng thấy các ông chỉ là mấy đụn đất mối đùn vô tích sự mà thôi.

Những hậu quả nhìn thấy ngày hôm nay của chiến thuật “không làm gì cả” của các ông tướng chỉ là bề nổi của những tai hại, mất mát khổng lồ mà nguyên cả hệ thống quốc phòng nói riêng, Đảng CSVN nói chung, đã gây ra cho đất nước Việt Nam. Hàng trăm cây số vuông ở biên giới phía Bắc và hàng chục ngàn cây số vuông trên Biển Đông mà nhà cầm quyền CSVN đã để mất về tay Trung Cộng chỉ là những mất mát nhỏ so với những mất khác mà Đảng CSVN đã gây ra. Đất biển đã mất thì có thể giành lại được. Nhưng khi đã bán thân làm tay sai cho giặc, tàn phá và tiêu giệt tinh thần tự trọng, ý chí quật cường của cả dân tộc, thì nhân dân ta còn đâu là hy vọng để đòi lại những gì mà đảng các ông đã dâng tặng cho phương bắc?

Vì quyền lợi riêng, vì ý muốn mang chủ nghiã cộng sản áp đặt lên đất nước, các thế hệ lãnh đạo đảng CSVN suốt từ ngày thành lập đều có nhiều lúc đem quyền lợi của đất nước và sinh mạng người dân Việt làm phương tiện đổi chác với các đàn anh cộng sản quốc tế.

Mặc dầu Công Hàm Phạm Văn Đồng 1958 không có một chút giá trị nào theo công pháp quốc tế, nhưng nó lại là bằng chứng xác thực nhất của hành động bán nước của thế hệ lãnh đạo đầu tiên. Ông Phạm Văn Đồng không thể đặt bút ký công hàm đó nếu không có sự đồng thuận của Bộ Chính Trị đảng Lao Động VN – tức đảng Cộng sản – lúc đó. Ngày nay hậu duệ của ông ta trong đảng CS dù đã rõ biết mười mươi đó là một trong những sai lầm tai hại nhất trong lịch sử Đảng đối với dân tộc, nhưng thay vì sửa sai bằng cách công khai phủ nhận công hàm này trước thế giới và đặc biệt trước mặt Bắc Kinh, thì họ lại giải thích lan man và chỉ dám nói với dân chúng Việt Nam mà thôi!

Những hành động dâng nhượng của các thế hệ cộng sản trước đây nay đang được tiếp nối bằng những hợp đồng thoả thuận cho Trung Cộng khai thác bô-xít, thuê rừng đầu nguồn, xây dựng Đông Đô Đại Phố và các làng Trung Quốc khác trên cả nước đang từng bước hoàn tất chiến lược “thôn tính hòa bình” đất nước Việt Nam của giặc phương Bắc.

Nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là trí thức, đã thấy rõ chiến lược “thôn tính hòa bình” đó và không còn chịu đựng được nữa. Người Việt yêu nước bất kể những đàn áp thô bạo vẫn đứng lên biểu tình phản đối Trung Cộng xâm lấn đất nước ta. Nhưng khi điều đó xảy ra, nhà nước CSVN bắt buộc phải ra tay trấn áp, vì không thể cho phép người dân Việt phá hỏng hợp đồng bán nước của họ.

Đến đây thì người ta hiểu rõ ý nghiã và lý do thật sự của chiến thuật “không làm gì cả” của lãnh đạo CSVN qua miệng các ông tướng về hưu, đó là “không ngăn cản giặc” nhưng “quyết ngăn cản dân chống giặc”.

Như thế người ta mới hiểu được cái lô-gíc trong mục tiêu của đảng CSVN là kiên trì làm tay sai và bán rẻ đất nước cho giặc phương Bắc để được tiếp tục nắm độc quyền cai trị. Lô-gic này cũng dễ hiểu, vì những gì dần dần được phanh phui cho người ta thấy hẳn là Trung Quốc vẫn đang nắm trong tay nhiều tài liệu hay mật ước mà hai bên đã đi đêm với nhau để bắt chẹt Hà Nội. Khi cần thiết họ sẽ “rò rỉ” ra để bắt Hà Nội phải tuân phục. Điển hình gần đây nhất là, sau chuyến đi Tàu cuối tháng 6 vừa qua, Trung Quốc đã công bố một số nội dung hết sức bất lợi cho Việt Nam, trong khi đó thì Hà Nội lại ú ớ không dám nói năng gì (chứng tỏ có sự giấu giếm, khuất tất). Đối với các lãnh tụ Đảng CSVN, suốt từ thời ông Hồ qua vụ Cải Cách Ruộng Đất đến nay, việc hủy bỏ hợp đồng với Bắc Kinh là chuyện họ không bao giờ dám làm, thậm chí ngay cả khi phía Bắc Kinh trắng trợn vi phạm các hợp đồng đó.

Thực tế cho thấy lãnh đạo CSVN đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, nghiã là tiếp tục hợp đồng với Bắc Kinh thì sẽ bị người dân Việt Nam loại trừ; còn hủy bỏ hợp đồng với Bắc Kinh thì sẽ bị cộng sản Trung Quốc trừng phạt và có thể mất đảng nếu Bắc Kinh công bố những tội phản bội tổ quốc Việt Nam mà các lãnh tụ CSVN đã phạm. Thế là Hà Nội chọn thà mất nước từ từ chứ không mất Đảng.

Trên căn bản đó, tất cả những gì các quan chức CSVN nói mà không nằm trong lô-gíc nêu trên đều là những trò đóng kịch, cụ thể như những tuyên bố cứng rắn của Thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, của phát ngôn ngoại giao Nguyễn Phương Nga, v.v. Cùng lúc, tất cả những gì lãnh đạo CSVN làm cho đến giờ rõ ràng đều nằm trong lô-gíc nêu trên, từ sự im lặng hoàn toàn của tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đến những cái đạp vào mặt người biểu tình của công an Minh.

Sau hết, chỉ xin hỏi riêng các vị tướng về hưu đã phát biểu bên trên. Chắc chắn cuộc chiến 10 năm trường dọc theo biên giới phía Bắc và cuộc chiến chống Tàu xâm chiếm Trường Sa năm 1988 đều đã xảy ra trong thời gian các vị tướng này đang nắm quyền chỉ huy quân đội, đặc biệt là tướng Phạm Văn Trà. Tại sao nay bia mộ tưởng niệm các chiến sĩ Việt Nam đó bị đập bỏ? Tại sao lãnh đạo Đảng tiếp tục sỉ nhục họ hàng năm bằng các vòng hoa đưa sang bên kia biên giới để “đời đời nhớ ơn các liệt sĩ Trung Quốc”? Và còn nhiều câu hỏi khác nữa.

Không biết trong thế ngồi “bất động” hôm nay, trong lòng các ông có thấy nỗi nhục cho mình và cho các đồng đội của mình đã hy sinh không?

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.