10 sự kiện thế giới đáng chú ý trong năm 2021

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Vào đầu tháng Mười Hai, 2021, toàn ban biên tập của Trang Web Việt Tân, Facebook Việt Tân, Youtube Việt Tân cùng nhau bình chọn những tin tức Việt Nam và thế giới được cho là nổi bật nhất trong năm. Mỗi nhân sự được chọn từ 5 đến 10 tin tức mà mình cho là đáng chú ý nhất dựa trên ba tiêu chí: 1) đặc thù nhất trong năm; 2) có tác dụng hay ảnh hưởng lên xã hội; 3) có những tác động lâu dài lên đời sống hay sự tiến bộ của nhân loại. Các đề nghị đã được tổng hợp lại và tuyển chọn.

Sau đây là 10 sự kiện thế giới của năm 2021 có tầm ảnh hưởng và tính chất đặc thù nhất theo đánh giá của chúng tôi. Xin được giới thiệu đến quý độc giả.

***

1. LIÊN MINH AUKUS GỒM ÚC-ANH-MỸ RA ĐỜI

Sau những đàm phán bí mật, ngày 15 tháng Chín, 2021, Tổng Thống Hoa Kỳ Jose Biden, Thủ Tướng Anh Boris Johnson và Thủ Tướng Úc Scott Morrison đã cùng họp báo qua mạng Internet, công bố sự ra đời của Liên Minh AUKUS (viết tắt của Australia, United Kingdom và United States) tạo một cú sốc lớn trong dư luận. Qua Liên Minh này, Hoa Kỳ và Anh Quốc sẽ cung cấp cho Úc công nghệ cùng năng lực để sở hữu 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và chia xẻ một số thông tin về tình báo, công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G.

Tổng Thống Biden nói rằng Liên Minh AUKUS không nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc; nhưng sự ra đời của AUKUS tiếp theo sau sự tăng cường hợp tác an ninh chiến lược của Bộ Tứ (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc Châu, Ấn Độ) cho thấy là Hoa Kỳ đang chuyển trọng tâm về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương sau khi rút khỏi Afghanistan. Trung Quốc đã tức khắc lên án liên minh này vì cho rằng AUKUS đang phát động một “cuộc chạy đua vũ trang,” làm suy yếu các nỗ lực không phổ biến vũ khí hạt nhân quốc tế.

Tham gia AUKUS, Úc không chỉ trở thành quốc gia đứng thứ bảy có tàu ngầm hạt nhân sau Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn có nhiều tiềm năng trở thành một cường quốc công nghệ cao nhờ vào sự chuyển nhượng đặc biệt từ phía Hoa Kỳ như Hoa Kỳ từng giúp cho Anh Quốc sau Thế Chiến Thứ Hai. Nhưng việc Úc hủy bỏ hợp đồng ký với Pháp vào năm 2016 để mua 12 tàu ngầm lớp Shortfin Barracuda chạy bằng động cơ Diesel, chi phí 90 tỷ Úc Kim (tương đương với 56 tỷ Euro) khiến cho Pháp bị tổn thương rất lớn. Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Pháp đã tuyên bố rằng việc Úc từ bỏ thỏa thuận với Pháp “là hành vi không thể chấp nhận được giữa các đồng minh và đối tác.” Nhưng về lâu dài, Pháp không thể quay lưng với các quốc gia đồng minh Phương Tây như Hoa Kỳ, Úc, Anh vì những hợp tác ở Nam Thái Bình Dương, nơi Pháp đang sở hữu rất nhiều đảo quan trọng như Polynesia, New Caledonia, Wallis và Futuna, Đảo Reunion và Mayotte.

2. SỰ SỤP ĐỔ CỦA AFGHANISTAN

Ngày 15 tháng Tám, 2021, phiến quân Taliban đã tiến vào thủ đô Kabul, Afghanistan như chỗ không người trong sự ngỡ ngàng của toàn thế giới. Đây là bước cuối cùng của sự sụp đổ toàn diện nhà nước Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan, được Hoa Kỳ và các quốc gia đồng minh thuộc Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Dương (NATO) xây dựng trong gần 20 năm qua (2001 – 2021), sau khi đánh bật phe Taliban ra khỏi thủ đô Kabul vì đã chứa nhóm Hồi Giáo quá khích Al Qaeda do Osama bin Laden lãnh đạo, dùng Afghanistan làm sào huyệt huấn luyện nhằm tấn công Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng Mười Một, 2001.

Sau khi phá hủy các căn cứ của Al Qaeda trên đất Afghanistan, cô lập các hoạt động khủng bố của tổ chức này tại Trung Đông cũng như hạ sát thủ lãnh Osama bin Laden vào năm 2011, Hoa Kỳ đã lên kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan. Kế hoạch rút quân được khởi động từ năm 2011-2016 với chiến dịch rút quân nhiều chặng từ quân số 100.000 năm 2010 xuống còn dưới 14.000 năm 2017 và 5.000 năm 2019. Cuộc chiến kết thúc bằng cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ với phe Taliban diễn ra tại thủ đô Doha của Qatar, trong đó chính phủ Afghanistan không được mời tham gia và thỏa thuận rút quân đã được ký vào ngày 29 tháng Hai, 2020, dưới tên gọi là Hiệp Định Doha hay “Thoả Thuận Mang Lại Hoà Bình cho Afghanistan.”

Tháng Tư, 2021, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khuyến cáo công dân Mỹ phải rời khỏi đất nước Afghanistan càng sớm, càng tốt và cuộc rút quân cũng như di tản công dân bắt đầu vào ngày 1 tháng Năm, 2021. Sự kiện này đã tạo một chấn động tâm lý “bị bỏ rơi” trong hàng ngũ quân đội, công chức và cả thường dân Afghanistan. Trong khi đó, phiến quân Taliban từ nơi ẩn náu ở vùng biên giới Pakistan bắt đầu tiến chiếm các thành phố ở ngoại ô. Ngày 15 tháng Tám, phiến quân Taliban tiến vào thủ đô Kabul ngay sau khi Tổng Thống Ashraf Ghani của chính phủ thân Mỹ và một số nhân vật thân cận bay sang Tajikistan, trước khi xin tỵ nạn chính thức tại nước UAE (Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất).

Sự sụp đổ quá nhanh chóng của Afghanistan khiến nhiều người trên thế giới đã lên án chính quyền và quân đội của nước Cộng Hòa Hồi Giáo Afghanistan là yếu kếm và trống rỗng. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ và các nước thuộc nhóm đồng minh NATO cũng bị chỉ trích không kém. Sự rút quân của Mỹ và đồng minh ở Afghanistan đã dẫn đến sự sụp đổ của ước mơ tự do và đã để lại nhiều hệ lụy cho dân chúng họ, nhất là số phận của trẻ em và phụ nữ, trong tay của phiến quân Taliban.

3. VACCINE ĐÃ VÀ ĐANG CỨU NHÂN LOẠI VƯỢT QUA ĐẠI DỊCH COVID-19

Khi làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 càn quét tại nhiều quốc gia trên thế giới từ giữa tháng Sáu, 2020, nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Anh Quốc đã bỏ ra hàng tỷ Mỹ Kim tài trợ cho việc nghiên cứu vaccine an toàn và hiệu quả nhằm đẩy lùi đại dịch.

Chỉ 5 tháng sau, một tin vui đến với nhân loại, khi Đại Học Oxford và hãng dược AstraZeneca thông báo là đã tìm ra một loại vaccine (theo công nghệ Vector) có hiệu quả từ 70% đến 90% vào ngày 23 tháng Mười Một, 2020. Đây là kết quả nghiên cứu của nữ Giáo Sư Sarah Gilbert và Catherine Green, dẫn đầu nhóm nghiên cứu của Viện Jenner thuộc Đại Học Oxford. Sau tin vui của vaccine AstraZeneca, lần lượt các vaccine Pfizer, Moderna, Vero Cell, Johnson & Johnson đã được công bố sau những thử nghiệm thành công.

Tính cho đến nay, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã phê duyệt 6 loại vaccine được sử dụng khẩn cấp cho đại dịch Covid -19 gồm: 1) AstraZeneca của Oxford và AstraZeneca của Viện Huyết Thanh Ấn Độ sản xuất đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại 181 quốc gia, vùng lãnh thổ; 2) Pfizer (có tên khác là Comirnaty) của Pfizer/BioNTech sản xuất theo công nghệ mRNA, đã được cấp phép sử dụng tại 111 quốc gia và vùng lãnh thổ; 3) Moderna (có tên khác là Spikevax) của hãng Moderna sản xuất theo công nghệ mRNA, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ; 4) Vero Cell của hãng dược Sinopharm phát triển và công ty BIBP (Beijing Institute of Biological Products), Trung Quốc sản xuất theo công nghệ Vector, được cấp phép sử dụng tại 64 quốc gia và vùng lãnh thổ; 5) Sinovac của Viện Sinh Phẩm Bắc Kinh, Trung Quốc sản xuất theo công nghệ Vector, được cấp phép sử dụng tại 54 quốc gia, vùng lãnh thổ; 6) Janssen hay Johnson & Johnson do công ty Janssen Pharmaceutica NV (Bỉ) và Janssen Biologics B.V (Hòa Lan) sản xuất theo công nghệ Vector, được cấp phép sử dụng tại 56 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài những vaccine được phê chuẩn từ WHO, còn có một số vaccine chưa được WHO thông qua, nhưng được lưu hành tại một quốc gia, nhưng không có độ tín nhiệm cao như Sputnik V do Viện Nghiên cứu Gamaleya, Nga sản xuất. Abdala do Công ty AICA Cuba sản xuất.

Hiện nay 57% người dân tại 193 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được chích ngừa với 8,81 tỷ liều vaccine các loại. Tuy nhiên số người dân tại những quốc gia nghèo được chích vaccine còn quá thấp, trung bình chỉ khoảng 8,1% như Ethiopia 7,8% hay Nigeria 4,7%.

Việc phát triển các loại vaccine an toàn và hiệu quả chống Covid-19 trong một thời gian kỷ lục là một bước tiến lớn trong nỗ lực toàn cầu nhằm chấm dứt đại dịch, nhất là làm giảm sự lây truyền và tử vong đối với những người đã được chích ngừa. Bước kế tiếp cần thiết là nỗ lực cung cấp vaccine và chích ngừa cho các quốc gia nghèo để chấm dứt đại dịch toàn cầu.

4. ĐÀI LOAN LÀ ĐIỂM NÓNG NHẤT TRONG QUAN HỆ MỸ-TRUNG

Sau khi Mao Trạch Đông và Hồng Quân Trung Quốc kiểm soát Hoa Lục từ ngày 1 tháng Mười, 1949, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch đã rút toàn bộ lực lượng của chính phủ Trung Hoa Dân Quốc do Quốc Dân Đảng lãnh đạo chạy sang Đài Loan. Từ năm 1949 đến năm 2000, quan hệ giữa hai chính quyền Bắc Kinh và Đài Loan diễn ra bình thường với nguyên tắc “một Trung Quốc – hai thể chế.” Nhưng từ năm 2000 trở đi, Quốc Dân Đảng tách làm hai đảng với sự xuất hiện thêm đảng Dân Chủ Tiến Bộ gọi tắt là đảng Dân Tiến. Khúc quanh quan trọng nhất là năm 2016,  Bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) – ứng cử viên của Đảng Dân Tiến thắng cử tổng thống với chủ trương Đài Loan độc lập – tuyên bố Đài Loan và Trung Quốc là hai quốc gia riêng biệt, cự tuyệt việc thống nhất dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời khẳng định là sẵn sàng tự vệ, đáp trả mọi động thái quân sự đến từ phía Hoa Lục.

Khi Tổng Thống Donald Trump bắt đầu chính sách áp thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng Tám, 2017, Hoa Kỳ đã không chỉ giữ khoảng cách trong quan hệ với Bắc Kinh mà còn cho phép phục hoạt một số quan hệ bình thường với chính quyền Đài Loan, nhất là cho phép chính quyền bà Thái Anh Văn mua một số vũ khí chiến lược để phòng thủ.

Đặc biệt là trong lễ nhậm chức tổng thống vào ngày 20 tháng Giêng, 2021, Tổng Thống Joe Biden đã mời đại diện chính qưyền Đài Loan tham dự, cũng như ngay sau đó, cử một phái đoàn cao cấp của cả hai Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ như đặc sứ của tổng thống viếng thăm chính quyền Đài Loan.  Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng đã cùng với Nhật Bản lên tiếng sẵn sàng hành động nếu Bắc Kinh đơn phương tấn công Đài Loan.

Những diễn biến nói trên đã khiến cho Bắc Kinh giận dữ vì Đài Loan là một trong 5 “lợi ích cốt lõi” không thể mất đối với Trung Quốc – bao gồm Tây Tạng, Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan và Biển Đông. Nay Trung Quốc đã không chế 3 nơi là Tây Tạng, Tân Cương và Hong Kong, cho nên đích nhắm của Tập Cận Bình trong đối đầu với Hoa Kỳ chính là khống chế Đài Loan và Biển Đông.

Trong Hội Nghị Trung Ương đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng Ba, 2021, lần đầu tiên ông Tập Cận Bình đã tuyên bố là sử dụng mọi biện pháp để thống nhất kể cả quân sự.  Từ tháng Ba đến tháng Mười, 2021, Bắc Kinh đã đưa gần 200 máy bay tiêm kích xâm nhập vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, và lực lượng hải quân Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc tập trận quanh eo biển Đài Loan bao gồm các chiến thuật đổ bộ, tiếp tế và tấn công.

Nhiều giới phân tích quân sự thế giới đánh giá rằng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan vào thời điểm 2023 -2024, sau khi ông Tập tiếp tục giữ ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 3 từ tháng Mười, 2022 và nhất là lúc Hoa Kỳ chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024.

5. VỤ BẠO LOẠN TẤN CÔNG TÒA NHÀ QUỐC HỘI HOA KỲ

Ngày 6 tháng Giêng, 2021, lưỡng viện Quốc Hội Hoa Ký nhóm họp nhằm chứng nhận kết quả của các phiếu Đại Cử Tri tại 50 tiểu bang như một bước hiến định để chung quyết kết quả cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào ngày 3 tháng Mười Một, 2020.

Cùng thời điểm, những người tham dự cuộc biểu tình ủng hộ Tổng Thống Donald Trump đã tiến về tòa nhà Quốc Hội theo lời kêu gọi của tổng thống, và sau đó một số đông đã tìm cách xâm nhập vào bên trong Điện Capitol. Lực lượng cảnh sát bảo vệ khu vực Quốc Hội đã không đủ sức để ngăn cản nhóm người này. Họ đã tấn công lại cảnh sát, tràn được vào bên trong tòa nhà Quốc Hội, đập phá và làm hư hại nhiều thiết bị, khiến cho buổi họp của Lưỡng Viện Quốc Hội phải ngưng và một số lãnh đạo cao cấp được an ninh đưa đi di tản đến nơi an toàn, số đông dân biểu thì ẩn núp và cầm cự ngay trong phòng họp của Hạ Viện.

Cuối cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng cảnh sát quanh vùng và vệ binh quốc gia, trật tự và an ninh tại tòa nhà quốc hội và các khu vực chung quanh đã được tái lập để Lưỡng Viện Quốc Hội tiếp tục công việc chứng nhận phiếu. Các vị dân biểu và nghị sĩ liên bang đã làm việc suốt đêm dù có những căng thẳng dâng cao và giữa lúc thủ đô Washington ở trong tình trạng báo động sau cuộc bạo loạn.

Đúng 3 giờ rạng sáng ngày 7 tháng Giêng, 2021, Phó Tổng Thống Mike Pence, chủ tọa phiên họp của Lưỡng Viện Quốc Hội chính thức công bố kết quả của cuộc kiểm phiếu, với 306 phiếu Đại Cử Tri bầu cho ứng cử viên tổng thống Joe Biden so với 232 phiếu Đại Cử Tri bầu cho cho đương kiêm tổng thống Donald Trump.

Cuộc bạo động tấn công tòa nhà quốc hội chưa từng xảy ra – do chính người dân và một số chính giới chủ xướng, đã để lại một vết nhơ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Những giá trị mà Hoa Kỳ vẫn thường tự hào với thế giới như nền dân chủ vững mạnh, tự do ngôn luận, sự ổn định, an ninh và nền pháp trị nghiêm minh… đã bị những người tham gia cuộc bạo loạn trong tòa nhà quốc hội làm tổn thương nặng nề.

Cơ quan FBI đã bắt giữ và truy tố hàng trăm người liên hệ đến cuộc bạo loạn và Hạ Viện Hoa Kỳ cũng đã thành lập Ủy Ban Điều Tra Vụ Bạo Loạn Ngày 6 Tháng 1; nhưng dù kết quả ra sao thì vết nhơ này tồn tại vĩnh viễn với sự lên án chung của dư luận Hoa Kỳ và thế giới: “Cuộc bạo loạn đã tấn công vào nền dân chủ.”

6. QUÂN PHIỆT MYANMAR ĐẢO CHÁNH BẮT GIỮ BÀ AUNG SAN SUU KYI

Lấy lý cớ có gian lận trong cuộc bầu cử Quốc Hội hôm 8 tháng Mười Một, 2020 phe quân phiệt Miến Điện do Thống Tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội cầm đầu, đã tiến hành cuộc đảo chánh vào ngày 1 tháng Hai 2021, một ngày trước khi Quốc Hội Myanmar tổ chức lễ tuyên thệ cho các thành viên mới vừa đắc cử. Qua kết quả cuộc bầu cử, Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ thắng lớn với 80% phiếu bầu trong khi Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển – đảng thân phe quân phiệt – chỉ chiếm được 33/498 ghế trong Quốc Hội. Không chấp nhận kết quả trên, phe quân phiệt đã thực hiện cuộc đảo chánh với luận điệu: “Để bảo vệ và tuân thủ Hiến Pháp.”

Hiến pháp hiện hành do phe quân phiệt soạn thảo và thông qua vào năm 2008 dành cho quân đội rất nhiều đặc quyền như quân đội nắm giữ ba bộ liên quan đến an ninh quốc gia: Bộ Quốc Phòng, Bộ Nội Vụ, Bộ Biên Phòng và có quyền chỉ định 1/4  thành viên Quốc Hội mà không cần thông qua bầu cử. Những ưu thế này chính là rào cản khiến những cải cách chính trị dân chủ tại Miến Điện đã diễn ra rất chậm và đầy bất trắc kể từ khi bà Aung San Suu Kyi và Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 2015. Tuy nhiên, thắng lợi vẻ vang của Liên Minh Quốc Gia Vì Dân Chủ trong cuộc bầu cử tháng Mười Một, 2020 đã khiến phe quân phiệt lo sợ là hiến pháp sẽ bị sửa đổi và quyền lực của quân đội sẽ bị thu nhỏ, đồng nghĩa với các quyền lợi kinh tế mà quân đội đang khai thác để hưởng lợi sẽ bị thu hồi.

Cuộc đảo chánh diễn ra ngay sau khi Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị có cuộc viếng thăm Tướng Hlaing tại Miến Điện vào hôm 12 tháng Giêng, 2021. Giới quan sát quốc tế cho rằng cuộc đảo chánh đã được “tham khảo” với Bắc Kinh, vì sau khi đảo chánh xảy ra, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gọi đây là “một cuộc cải tổ nội các,” trong khi các quốc gia trong khối ASEAN và phương Tây đều cho đây là cuộc đảo chánh tồi tệ nhất. Bất mãn trước sự đảo chánh và bắt giữ bà Aung San Suu Kyi của phe quân phiệt, dân chúng và các tổ chức xã hội dân sự đã mở chiến dịch bất tuân dân sự, biểu tình khắp lãnh thổ khiến đất nước Myanmar rơi vào tình trạng tê liệt.

Tháng Tư, 2021, Khối ASEAN đã họp tại Indonesia có mời Thượng Tướng Hlaing tham dự và thống nhất 5 điểm nhằm giải quyết tình hình bất ổn tại Myanmar. Tuy nhiên, phía Tướng Hlaing đã không thực hiện điều cam kết thứ năm là để cho đặc sứ ASEAN thăm và tiếp xúc với bà Aung San Suu Kyi, nên trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Cao Cấp của Khối ASEAN vào cuối tháng Mười, ASEAN đã quyết định không mời đại diện Myanmar tham dự. Có thể nói là tình hình Myanmar hoàn toàn bế tắc, chính quyền quân phiệt của Tướng Hlaing cũng không được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc công nhận là đại diện chính thức của Myanmar.

7. ÔNG JOE BIDEN TRỞ THÀNH TỔNG THỐNG THỨ 46 CỦA HOA KỲ

Ngày 20 tháng Giêng, 2021, ông Joe Biden đã chính thức trở thành tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ và bà Kamala Harris trở thành phó tổng thống thứ 49 của Hoa Kỳ. Buổi lễ nhậm chức diễn ra tại Thủ đô Washington trước thềm Điện Capitol, trong tình trạng an ninh căng thẳng vì trước đó hai tuần – ngày 6 tháng Giêng, đã xảy ra cuộc bạo loạn, đột nhập vào bên trong tòa nhà Quốc Hội của một số đông người biểu tình. Tình trạng này chưa hề có trong suốt chiều dài của lịch sử nước Mỹ. So với các lễ nhậm chức trước đây, số người đến dự lễ lần này rất giới hạn vì lý do an ninh và do tác động của đại dịch Covid-19. Thay vào đó, là một rừng cờ Mỹ trên dưới 2 trăm ngàn lá đã được ban tổ chức cho đặt ngay trước quảng trường Capitol.

Trong phần hiện diện của quan khách danh dự có các cựu Tổng Thống George Bush, Bill Clinton, Barack Obama và Phó Tổng Thống mãn nhiệm Mike Pence. Một điểm đáng chú ý là Tổng Thống mãn nhiệm Donald Trump đã không đến tham dự, nên ông đã trở thành vị tổng thống “phá lệ” truyền thống từ 150 năm nay tính từ thời Tổng Thống thứ 17 Andrew Johnson năm 1869. Việc tuyên thệ nhậm chức của ông Biden diễn ra dưới sự điều hành của Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện John Roberts. Trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng Thống Joe Biden đã nói về niềm hy vọng và tinh thần đoàn kết của người Mỹ, để vượt qua giai đoạn khó khăn của đại dịch và sự phân hóa chính trị đang tàn phá nuớc Mỹ.

Tổng Thống Joe Biden nhậm chức đối diện với bốn vấn đề lớn: Chấm dứt đại dịch; Giải quyết những xung đột về các giá trị của nước Mỹ đang làm sói mòn niềm tin của người dân; Phục hồi nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung sau đại dịch Covid-19; Xây dựng lại thế liên minh với các quốc gia tự do để ngăn chặn sự trỗi dậy của bá quyền Trung Quốc.

Trong bốn vấn đề nói trên, Tổng Thống Joe Biden đã ưu tiên giải quyết đại dịch và đạt được những bước tiến cụ thể; ông cũng đang đặt nhiều ưu tiên cho việc xây dựng các mối quan hệ với các nước trong Khối  NATO, Bộ Tứ Kim Cương và tăng cường sự hiện diện tại Á Châu để đối đầu với Trung Quốc. Hai nỗ lực còn lại cần rất nhiều thời gian và sự hợp tác của lưỡng đảng thì mới có thể nhìn thấy kết quả trong vài năm tới.

Tổng Thống Joe Biden 78 tuổi là vị tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất từ trước đến nay. Bà Kamala Harris là người phụ nữ đầu tiên, và là phụ nữ da mầu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ giữ chức phó tổng thống Hoa Kỳ.

8. CHUỖI CUNG ỨNG TOÀN CẦU BỊ GIÁN ĐOẠN NẶNG NỀ VÌ COVID-19

Đã từ lâu, thế giới phân chia nguồn nhân lực và tài nguyên một cách tự nhiên theo khả năng cung ứng của mỗi vùng. Những tưởng đây là sự phân bố tuyệt hảo cho sự phát triển của từng quốc gia theo xu hướng toàn cầu hóa. Nhưng khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã cho người ta thấy ra được sự yếu kém trong việc phân phối này. Đó là sự đứt quãng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Những doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm nhất là các tập đoàn may mặc đa quốc gia. Họ mua vật liệu từ nơi sản xuất rẻ, chuyển qua gia công ở những nơi có giá nhân công thấp để làm thành sản phẩm rồi xuất cảng sang các nước Hoa Kỳ, Liên Âu, Nhật Bản… Khi toàn xã hội bị phong tỏa vì đại dịch, người dân không có nhu cầu mua sắm thì hàng bị ứ đọng tại nơi sản xuất, và ngược lại, khi nơi sản xuất nhân công bị lây nhiễm dịch Covid-19, nhà máy đóng cửa thì hàng hóa không có để gửi sang các quốc gia phương Tây tiêu thụ, khiến giả cả tăng vọt.

Đại dịch Covid-19 cũng cho thấy sự yếu kém của chuỗi cung ứng toàn cầu khi mà một tập đoàn doanh nghiệp lệ thuộc hoàn toàn vào vật liệu ở một quốc gia khác. Sự thiếu hụt của chất bán dẫn mà phần lớn được sản xuất tại các nước Đông Nam Á đã làm lao đao các tập đoàn xe hơi, đồ điện tử trên thế giới.

Khủng hoảng do mất cân bằng giữa nguồn cung và cầu nâng giá thành của sản phẩm lên cao chưa từng có là điều dễ nhìn thấy, nhưng đại dịch còn tạo ra một cuộc khủng hoảng về nhân lực mà ít ai nghĩ tới. Hiện có hơn 5 triệu người tử vong trong số 300 triệu người bị lây nhiễm trên toàn thế giới, người ta chưa biết có bao nhiêu triệu người mất khả năng lao động nhưng điều thấy rõ nhất hiện nay là thị trường lao động đang bị kham hiếm ở mọi quốc gia.

Đại dịch cũng đã tạo ra một làn sóng di dân vĩ đại tại nhiều quốc gia mà hầu như đó là những quốc gia nghèo, người dân phải bỏ quê lên các thành phố lớn làm công nhân cho các nhà máy. Khi nhà máy đóng cửa, họ trở về quê và không muốn trở lại làm việc. Làn sóng bỏ phố về quê của công nhân tại Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam xảy ra trong thời đại dịch là một hiện tượng mới của thời Covid-19.

Ngoài những yếu tố nói trên, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt quãng còn là do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của từng quốc gia, và nhất là yếu tố tâm lý, do sự phát sinh bệnh trầm cảm khi bị phong tỏa quá lâu.

Hiện tại, chưa ai biết đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc như thế nào, nên đa số sẽ phải “tập sống chung với dịch,” các tập đoàn doanh nghiệp đa quốc gia cũng phải điều chỉnh phương cách sản xuất, dịch vụ của mình, sao cho chuỗi cung ứng không là trái núi chặn đường kinh doanh của họ. Nhân loại sẽ tự thích ứng với nhu cầu mới để vượt qua đại dịch này.

9. BẢY CƯỜNG QUỐC CÔNG NGHIỆP (G7) CHÍNH THỨC CÔ LẬP SỰ TRỖI DẬY CỦA TRUNG QUỐC

Hội Nghị Thượng Đỉnh Nhóm Các Quốc Gia Công Nghiệp Phát Triển (G7) diễn ra từ ngày 11 đến 13 tháng Sáu, 2021 tại Cornwall, Anh Quốc. Hội nghị đã thảo luận một số chủ đề quan trọng như: Sự phục hồi kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19; Sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc; Chiến lược phân phối vaccine ngừa Covid-19 cho toàn thế giới; Kế hoạch thiết lập hệ thống đánh thuế toàn cầu nhằm ngăn chặn các tập đoàn lớn trốn thuế; và Cuộc chiến chống Biến Đổi Khí Hậu… Ngoài ra, qua đề nghị của Tổng Thống Joe Bixden, G7 cũng đã thảo luận và thông qua sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W), được cho là sẽ đối đầu với sáng kiến “Vành đai – Con đường” (BRI) của Trung Quốc, vốn bị nhiều nước trên thế giới chỉ trích là “ngoại giao bẫy nợ.”

Thông qua sáng kiến B3W, các quốc gia G7 sẽ chung sức vận động 40.000 tỷ Mỹ Kim nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng tại những nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là cung cấp vốn và tài trợ đặc biệt để giúp một số nước vượt qua tình hình suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Ngoài ra, G7 sẽ giúp vốn cho khu vực tư nhân để đầu tư vào bốn lĩnh vực trọng tâm, gồm: Khí hậu, y tế và an ninh y tế, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới. B3W sẽ có phạm vi toàn cầu từ châu Mỹ Latinh và Caribbean đến châu Phi và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cuối hội nghị, G7 đã đưa ra thông cáo chung nhắc đến Trung Quốc tất cả 25 lần, tập trung vào những đòi hỏi khá mạnh mẽ như yêu cầu: Bắc Kinh  tôn trọng “quyền con người và các quyền tự do cơ bản” ở Tân Cương, Hong Kong; Bắc Kinh không được có các hành động làm ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó có eo biển Đài Loan; Bắc Kinh phải hợp tác cho một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của dịch Covid-19.

Các chuyên gia quốc tế cho rằng sự đồng thuận của G7 qua thông cáo chung là điều chưa từng có tiền lệ trong việc thống nhất quan điểm để đối đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

10. FACEBOOK ĐỒNG LÕA VỚI CSVN VÀ TẠO NGUY CƠ CHO NỀN DÂN CHỦ KHI KHÔNG NGĂN CHẶN FAKE NEWS

Tờ Nhật Báo Washington Post số ra ngày 25 tháng Mười, 2021 đã cho rằng Tổng Giám Đốc (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook đã đích thân ký cam kết với chính phủ độc tài CSVN để hạn chế những bài viết bị gọi là “chống nhà nước.” Điều này đã công khai hóa một sự thật mà từ nhiều năm qua dư luận đã đặt nghi ngờ về cách mà Facebook sử dụng “tiêu chuẩn cộng đồng” nhằm loại những post phê phán chế độ Hà Nội.

Có ba nguồn tin nói với The Washington Post rằng chính Mark Zuckerberg là người đã quyết định Facebook phải nhượng bộ trước các áp lực của Bộ Thông Tin và Truyền Thông CSVN để kiểm duyệt những tiếng nói bất đồng chính kiến, nhằm duy trì lợi nhuận tại thị trường này.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế công bố một báo cáo trong đó cáo buộc Facebook trở thành “những công cụ của các quan chức Việt Nam” trong việc “kiểm duyệt và trấn áp trên quy mô công nghiệp.” Bản báo cáo dài 78 trang đã ghi lại những hành động “trấn áp có hệ thống” lên sự biểu đạt ôn hòa trên mạng xã hội ở Việt Nam đến từ Facebook.

Ngoài ra, Bộ Thông Tin và Truyền Thông của CSVN vào năm ngoái cũng khoe khoang rằng Facebook đã tăng tỷ lệ chấp hành theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam để ngăn chặn các nội dung được cho là “xấu độc.” Theo đó, chỉ trong năm 2020, Facebook đã gỡ bỏ hàng ngàn bài viết và xóa hàng trăm tài khoản, fanpage và các kênh chứa thông tin mà họ vu cáo rằng “chống Nhà nước,” “chống Đảng” theo yêu cầu của bộ này.

XEM THÊM:

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Lê Đình Lượng: "Việc của tôi sẽ do lịch sử phán xét. Tôi sẽ vui khi phải ở lao tù nếu dân tộc này được lớn mạnh trong tự do dân chủ”. (Lời nói sau cùng trước khi tòa nghị án), Ảnh: Internet

Trong họa có phúc

Cháu học lịch sử cách mạng thì rõ, rất nhiều tù nhân chính trị về sau thành những người lãnh đạo phong trào xã hội đầy trí tuệ và bản lĩnh. Người có chí khí sẽ biến nhà tù thành trường học để tu tâm, dưỡng chí, nung nấu những khát vọng, ước mong… Đó là nỗi khổ hạnh của cá nhân nhưng lại là phúc cho dân tộc.

Chứ cái đám “hồng phúc” cậu ấm, cô chiêu kia, chỉ có ăn và phá, biết gì yêu nước thương dân!…

“Đồng chí” Nguyễn Phú Trọng vừa là người khởi xướng, vừa giữ vai trò tiên phong trong chỉnh đốn đảng đã hơn một thập niên. Trong hơn một thập niên chỉ đạo – sắp đặt mọi thứ, đặc biệt là nhân sự, kết quả chống tham nhũng là gì ngoài hậu quả tham nhũng càng ngày càng trầm trọng? Ảnh: Reuters

Ông Nguyễn Phú Trọng và ‘trách nhiệm chính trị’

Ông [Trọng] đã tự mở chiếc “Pandora Box” ra và nay thì nhân dân đã thấy thật sự bộ máy của nhà nước do đảng Cộng sản lãnh đạo là một tập hợp của những ổ tham nhũng lớn với sự băng hoại từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất. Trùm cuối được nhiều người xác định chính là thể chế và không bao giờ đập được chuột mà không vỡ bình vì chính cái bình đó là môi trường sinh ra chuột.

Lời kêu gọi tham dự biểu tình UPR 2024 diễn ra vào ngày 7/5 trước trụ sở Liên Hiệp Quốc

Ngày 7 tháng 5 này, nhà nước CSVN sẽ bị kiểm điểm trước Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (United Nations Human Rights Council – UNHRC) về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta chỉ rõ sự gian trá của CSVN trước diễn đàn quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi đồng bào tham dự buổi biểu tình diễn ra ngày 7/5/2024, trước Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Genève, Thụy Sĩ, nhằm lên án những vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Đại diện Lưỡng viện Quốc Hội Hawaii (phải) trao Nghị quyết Cờ Vàng cho Đại diện Cộng đồng (giữa)

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 29/4 – 5/5/2024

Nội dung:

– Thông báo về các sự kiện đặc biệt tại Geneva, Thụy Sĩ nhân dịp Vietnam UPR 2024;
– Cựu TNLT Châu Văn Khảm gặp mặt thân hữu tại Houston;
– San Jose treo cờ tưởng niệm Quốc hận 30/4/1975;
– Lưỡng viện Quốc hội Hawaii và thành phố Honolulu ra Nghị quyết Vinh danh Cờ Vàng và Lễ Tưởng niệm Quốc hận 30/4 tại Hawaii;
– Cộng đồng tại Houston, TX tưởng niệm 30 tháng Tư;
– Hình ảnh các cuộc biểu tình Ngày Quốc hận 30/4 tại Vương Quốc Bỉ, Đức, Úc Châu;
– Mời theo dõi các cuộc hội luận.