QUYỀN LỢI CÔNG NHÂN

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Chủ nghĩa cộng sản cho rằng quyền lợi của công nhân và lợi nhuận của tư bản mâu thuẫn nhau từ bản chất và đã huy động giai cấp công nhân mà họ gọi là vô sản, không những chống lại giai cấp tư bản mà còn cướp chính quyền, xóa bỏ các giai cấp khác để thiết lập chế độ chuyên chính vô sản. Khi chiếm được chính quyền, cộng sản đã phản bội lại giai cấp công nhân, khai thác sức lao động của công nhân và không đếm xỉa tới quyền lợi của giai cấp công nhân. Họ lo sợ một sự kết hợp của công nhân để đòi quyền lợi nên đã cấm đoán mọi hình thức đoàn ngũ hóa công nhân, mọi hình thức nghiệp đoàn độc lập. Muốn bảo vệ quyền lợi công nhân, nhất thiết phải dỡ bỏ rào cản cấm đoán này.

Vài Giòng Lịch Sử

Cuộc Cách Mạng Kỹ Nghệ.

JPEG - 14.9 kb

Tuy nhiều người không mấy đồng ý với danh từ “cách mạng”, nhưng các sử gia vẫn sử dụng nó trong nhóm chữ “cuộc cách mạng kỹ nghệ” để chỉ những thay đổi toàn diện và sâu xa trong đời sống con người và trật tự xã hội sau những khám phá khoa học trong hậu bán thế kỷ thứ 18. Trên luồng tư tưởng này, theo các sử gia thì cho đến thời điểm những năm 1750, đã có hai cuộc đại cách mạng trong lịch sử loài người : Thứ nhất, cuộc cách mạng nông nghiệp thời thượng cổ khi con người bắt đầu từ bỏ nếp sống du mục, săn bắt sang nếp sống định cư, trồng trọt. Cuộc cách mạng này đã làm nẩy sinh những quần tụ xã hội, phát sinh các ngành nghề thủ công, buôn bán và nhất là đã hình thành các thị thành và các quốc gia. Thứ nhì là cuộc cách mạng kỹ nghệ tức là sự chuyển đổi từ xã hội nông nghiệp sang xã hội sản xuất bằng máy móc những sản phẩm không là thực phẩm. Cuộc cách mạng thứ hai này đã có những ảnh hưởng rất to lớn lên lịch sử và tư duy của nhân loại.

Sự phát minh ra máy móc, đầu tiên là cỗ máy hơi nước tại Anh Quốc của ông James Watt vào năm 1765 đã làm thay đổi bộ mặt thế giới và vận mệnh của con người. Nếu gọi đây là cuộc cách mạng thì cũng không sai. Có điều là cuộc cách mạng kỹ nghệ xẩy ra mà không có những chuẩn bị, những quan niệm chỉ đạo trước nhằm dự kiến và đối phó với những hậu quả sẽ đến với xã hội và con người. Vì thế nên đã trải qua nhiều thập niên, con người phải thích ứng với hoàn cảnh mới do cuộc cách mạng kỹ nghệ đưa đến. Nói đến những biến đổi của cuộc cách mạng kỹ nghệ thì rất nhiều và không phải là nội dung của bài viết này. Chỉ xin đề cập đến một khía cạnh, đó là sự xuất hiện một tầng lớp mới trong xã hội : giai cấp công nhân.

Các nước Âu Châu vào thời điểm hậu bán thế kỷ thứ 18 còn chủ yếu là những nước nông nghiệp. Khi máy móc ra đời, người ta đã ứng dụng ngay vào nông nghiệp. Máy móc có sức mạnh hơn con người, đòi hỏi ít bồi dưỡng và có độ “làm việc” bền dai hơn con người. Máy móc đã thay thế đôi bàn tay yếu ớt của con người trong nhiều lãnh vực lao động nặng nhọc. Máy móc cũng đã thay thế gia súc như bò, ngựa với sức kéo mạnh hơn, nhanh hơn. Vì thế, ngay tại nông thôn, bộ mặt ở đây cũng đã thay đổi. Hậu quả là tại nông thôn đã thặng dư lao động. Nông dân không có việc làm tại thôn quê đã kéo về thành thị để tìm kiếm công việc trong những “nhà máy” mới được dựng lên.

JPEG - 3.7 kb

Mặt khác, sản xuất máy móc cần có vốn lúc ban đầu. Vốn liếng phần lớn nằm ở những nơi thành thị. Những người giầu có, những ngân hàng đã hiện hữu từ trước cuộc cách mạng kỹ nghệ thường ở nơi thị tứ. Vì thế, các nhà máy thường tập trung tại các thành phố và cần nhiều “công nhân”. Tuy máy móc có thể thay thế sức người, nhưng cũng không thể tự nó vận hành được mà phải có con người điều khiển nó, cung cấp nhiên liệu và nguyên liệu chế tạo cho nó, hoặc lắp ráp những linh kiện do máy sản xuất để hình thành sản vật. Cuộc di dân từ nông thôn lên thành phố khiến các thành phố ngày càng nở rộng ra với những hậu quả xấu nhiều hơn tốt : đời sống mắc mỏ, nhà cửa chật hẹp, thiếu vệ sinh…

Nhân tố thứ hai trong lãnh vực kinh tế là vốn liếng, còn gọi là tư bản. Tư bản nằm trong tay một thiểu số giầu có. Dưới các chế độ phong kiến trước đây, những người này không thuộc những giai cấp lãnh đạo như hoàng gia, quý tộc và giáo quyền. Họ được mệnh danh là “dân buôn bán” và thường không được mấy kính trọng. Dưới nhiều triều đại, những người này đã phải bỏ tiền để mua tước phẩm của triều đình để được coi là quý tộc. Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ sau cuộc cách mạng kỹ nghệ và nhất là sau cuộc cách mạng 1789 của Pháp chấm dứt chế độ quân chủ, giai cấp giầu có này đã trở thành giai cấp trưởng giả. Vì nắm vốn liếng, nắm hầu bao của nền kinh tế kỹ nghệ, nên họ đã trở thành một trung tâm quyền lực mạnh hơn các giai cấp trước đây. Giai cấp tư bản đã hình thành.

Mâu Thuẫn Quyền Lợi Giữa Tư Bản Và Công Nhân.

JPEG - 3.5 kb

Giai cấp tư bản, do nguồn gốc thương mại, chú trọng đến lợi nhuận tài chánh, càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Từ nguồn gốc đó, với chủ trương “mua may, bán đắt” hay mua rẻ, bán đắt, họ có thể bất chấp sự thiệt hại của những người khác, miễn sao thu được nhiều lợi nhuận.

Công nhân là những người tìm đến các “nhà máy”, nay gọi là xí nghiệp, để làm công ăn lương. Nói cách khác họ “bán sức lao động” của họ để đổi lấy đồng lương giờ hay lương tháng. Nguồn gốc của công nhân, phần lớn là nông dân, không có học thức, không có tay nghề, chỉ có sức lao động. Họ bỏ thôn quê di chuyển về sống trong các thành phố, nên không có nhà cửa, không có gia sản. Karl Marx và Engel đã gọi giai cấp công nhân là giai cấp “vô sản”.

JPEG - 28.1 kb

Quan hệ giữa giai cấp tư bản và giai cấp công nhân, quan hệ “chủ – thợ”, là một quan hệ rất phức tạp. Một mặt, tư bản cho rằng công nhân nhờ họ mà có đồng lương để sinh sống và vì muốn có nhiều lợi nhuận nên càng trả ít lương cho công nhân càng lợi nhiều; mặt khác công nhân thiếu hiểu biết, có được thu nhập chắc chắn không lo thời tiết mùa màng lúc được, lúc thất, nên chấp nhận số phận của mình. Tình trạng này kéo dài trong mấy thập niên và nó đã khiến cho một phần không nhỏ của giai cấp tư bản càng trở nên tham lam, bóc lột sức lao động của công nhân, thậm chí bắt trẻ em và phụ nữ lao động trong những điều kiện thật tệ hại. Có thể tóm tắt những điều kiện lao động của công nhân như sau : Nơi làm việc bẩn thỉu, thiếu không khí. Ngày làm việc 14 giờ, một năm 300 ngày. Làm việc dưới sự kiểm soát chặt chẽ của “cai” thợ. Tư bản thường thu dụng phụ nữ, trẻ em làm việc trong các xí nghiệp may, dệt vì dễ sai bảo, không dám cãi lệnh, phải làm việc như đàn ông mà lương thì hạ (phụ nữ lương bằng ½ lương trẻ em và ¼ lương đàn ông). Tóm lại, công nhân đã phải sống trong những điều kiện nghèo khổ nhất, không được chữa trị khi đau yếu hay tai nạn lao động. Đã thế chính quyền cấu kết với tư bản ra luật cấm đình công. Tuy cũng có nước ra luật hạn định giảm thiểu giờ làm việc, nhưng rất ít xí nghiệp tôn trọng như tại Pháp vào năm 1848, công nhân phải làm việc mỗi ngày 11 tiếng. Thêm vào đó các xí nghiệp đã đặt ra những điều lệ nội quy rất khắc nghiệt đối với công nhân.

Sự Xuất Hiện Của Các Nghiệp Đoàn.

JPEG - 13.6 kb

Đời sống tồi tệ của công nhân cộng với sự bóc lột ngày càng khốc liệt của giới chủ nhân tư bản đã gây ra trong giới công nhân những bất mãn. Không cam đành nhẫn nhục, vào đầu thế kỷ 19, công nhân từng ngành nghề đã kết hợp lại thành những “nghiệp đoàn” phôi thai và bí mật để tranh đấu với chủ nhân, đòi quyền lợi chính đáng của công nhân. Có thể nói, cái nôi của “phong trào nghiệp đoàn” là ở nước Anh vì chính ở nước này đã xẩy ra cuộc cách mạng kỹ nghệ. Chính quyền và tư bản đã đàn áp các nghiệp đoàn tự phát này một cách thậm tệ. Nhưng dù vậy, vào năm 1824, tại Anh đã có bộ luật về nghiệp đoàn cũng như công nhận quyền đình công của công nhân. Vậy phong trào nghiệp đoàn (syndicalisme) là gì? Nó là một phong trào nhằm kết hợp công nhân trong những tổ chức gọi là “nghiệp đoàn” để bảo vệ quyền lợi chung của công nhân như tăng lương, điều kiện lao động tốt hơn, bớt giờ làm việc, đấu tranh chống đuổi việc, vv…

Tuy mầm mống nghiệp đoàn đã có từ trước thế kỷ thứ 19 tại Anh Quốc, nhưng phải chờ đến 100 năm sau, ngày 21/3/1884, tại Pháp mới có bộ luật Waldeck-Rousseau bãi bỏ bộ luật Le Charpentier (14/6/1791) cấm các hiệp hội công nhân và nghiệp đoàn. Tại Đức, cho đến những năm 1880, phong trào nghiệp đoàn cũng chỉ ở trong tình trạng thai nghén.

Nghiệp Đoàn Dưới Chủ Nghĩa Cộng Sản

Karl Marx sinh năm 1818, tức là sau khi tại Anh Quốc đã có những hình thái kết hợp công nhân, nghiệp đoàn phôi thai, để đấu tranh. Do đó, Marx không phải là người sáng lập ra phong trào nghiệp đoàn. Trong một chương không in, được tìm thấy sau này, của cuốn Tư Bản Luận (1867) về “phương thức sản xuất tư bản”, thì “công nhân kết hợp lại để đứng ngang hàng với tư bản trong hợp đồng bán sức lao động của họ. Đó là lý do của sự hiện hữu của các nghiệp đoàn”. Nhưng vào giữa thế kỷ 19, khi nhận thấy lực lượng công nhân ngày càng đông đảo, đời sống công nhân bị bóc lột, đàn áp không khác gì nô lệ thời trung cổ, Marx đã có ý huy động giai cấp thợ thuyền mà ông ta gọi là “giai cấp vô sản” không phải chỉ để tranh đấu cho quyền lợi của thợ thuyền mà để cướp lấy chính quyền, làm cách mạng, thiết lập chế độ “chuyên chính vô sản”. Tuy vậy, một số nghiệp đoàn đã lấy tư tưởng của Marx làm tư tưởng chỉ đạo đấu tranh cho các thành viên của mình. Chính vì vậy mà có nhiều chính quyền đã cấm đoán hoạt động nghiệp đoàn để bảo vệ ổn định chính trị. Thực chất thì có đến 3 xu hướng chính trị đã ảnh hưởng lên phong trào nghiệp đoàn, xu hướng Marxist chỉ là một, hai xu hướng kia là xu hướng tự do kiểu Anh và xu hướng theo Lassal của Đức.

JPEG - 7.2 kb

Marx đã khai sinh ra chủ nghĩa cộng sản. Trong phần thứ hai của bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản, ông ta đã xác định Đảng Cộng Sản gắn liền với các đảng công nhân khác và đấu tranh vì quyền lợi của giai cấp vô sản. Sau khi làm cuộc cách mạng tháng 10 tại Nga thành công Lênin đã thiết lập chế độ cộng sản. Đảng cộng sản Liên Xô tự nhận là đảng của giai cấp công nhân. Hồ Chí Minh đã mang chủ nghĩa Mác Lênin về Việt Nam và lập đảng CSVN cũng tự nhận là một đảng công nhân. Đảng này đã có thời đổi tên thành Đảng Lao Động Việt Nam. Khi chiếm được chính quyền, CSVN đã thiết lập chế độ chuyên chính vô sản, một chế độ độc tài, đảng trị. Dưới chế độ này mọi sự quản lý từ vật chất đến con người đều phải nằm trong tay đảng, đặc biệt là nền kinh tế nước ta. Nền kinh tế này đã bị quốc hữu hóa, tập thể hóa và nằm dưới quyền kiểm soát của Nhà Nước cộng sản. Với phương châm “đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, nhân dân làm chủ” tuy nền kinh tế là của Nhà Nước nhưng thực chất nằm trong tay đảng cộng sản. Đảng đã trở nên chủ nhân ông. Công nhân vẫn chỉ là công nhân. CSVN lý luận với nhân dân rằng : “Vì là Đảng của giai cấp công nhân, nên Đảng đương nhiên là phải bảo vệ quyền lợi công nhân”. Nhưng để đánh lừa thế giới, CSVN vẫn lập ra cái mà họ gọi là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (TLĐLĐ). Trên lý thuyết đây là nghiệp đoàn. Nhưng định nghĩa cũng như chức năng của nó không còn giống như định nghĩa và chức năng sơ khởi đã được quốc tế công nhận như đã viết ở trên.

Cũng nên biết TLĐLĐ nằm dưới trướng của Mặt Trận Tổ Quốc. Nó cũng như các cơ chế trực thuộc nó là các “Liên Đoàn” ở các tỉnh thành lớn như Sài Gòn, Hà Nội, và “công đoàn” tại các xí nghiệp do đảng CSVN thành lập và chỉ định nhân sự, không qua bất cứ một cuộc bầu cử nào của công nhân. Theo điều 28 Điều Lệ Công Đoàn, thì chức năng và nhiệm vụ đầu tiên của công đoàn là : “Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”. Điều thứ hai mới là: “Đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn”.

Ở đây cũng cần lưu ý ở chỗ điều này viết là bảo vệ “các quyền, lợi ích hợp pháp”. Nếu để chiêu dụ đầu tư quốc tế, luật cấm đình công thì đương nhiên công đoàn sẽ trở thành công an ngăn cấm công nhân đình công. Qua các cuộc đình công từ hai năm nay, CSVN đưa ra kết luận là đa số bất hợp pháp thì công đoàn sẽ đứng vào phe Nhà Nước, tức lả phe Đảng CSVN vì cán bộ công đoàn đều là đảng viên. Điều này được thấy rõ ràng trên giấy trắng mực đen trong bài tường thuật buổi hội thảo của TLĐLĐ ngày 2/11 vừa qua đăng trên báo điện tử của đảng CSVN : “chủ động ngăn ngừa tranh chấp lao động và đình công”.

Trong thời bao cấp, chỉ có đảng là chủ nhân thì công nhân không có quyền tranh chấp lao động, công đoàn làm cảnh đã đành. Ngày hôm nay, sau khi mở cửa, sau khi được gia nhập WTO, trong nước đã có nhiều xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều xí nghiệp có 100% vốn liếng ngoại quốc và chủ nhân là tư bản nước ngoài, tình hình đã khác hẳn… Đọc lại những bản tin về điều kiện lao động và về lương bổng của công nhân; về cách đối xử vi phạm nhân quyền, chà đạp nhân phẩm của bọn tư bản nước ngoài đối với công nhân Việt Nam, người ta cứ tưởng như đang còn sống ở thời điểm cuối thế kỷ thứ 18 như đã kể ở trên đây. Cũng như thời đó, đã có sự cấu kết giữa Nhà Nước với tư bản để bóc lột và hành hạ công nhân. Những điều Karl Marx viết trong Bản Tuyên Ngôn của Đảng Cộng Sản năm 1847 kể tội giai cấp trưởng giả (bourgeoisie) toa rập với các Nhà Nước mà Marx cho là “một tập đoàn để bảo vệ lợi ích của giai cấp trưởng giả” có thể mang ra áp dụng ở Việt Nam ngày hôm nay. Chỉ cần thay “giai cấp trưởng giả” bằng “tập đoàn tư bản nước ngoài và tư bản đỏ Nhà Nước” được sự toa rập bởi chính quyền CSVN để bóc lột và chà đạp quyền lợi cũng như nhân phẩm của giai cấp công nhân.

Quyền Lợi Công Nhân Không Được Bảo Vệ Nếu Không Có Công Đoàn Độc Lập

JPEG - 4.7 kb

Lịch sử cho thấy, dưới chế độ cộng sản, ở Việt Nam hay ở Đông Âu hay bất cứ nơi nào, không thể có công đoàn độc lập. Tại Ba Lan trước năm 1980 cũng vậy. Không có một đoàn thể nào ngoài vòng kiềm tỏa của đảng và Nhà Nước cộng sản được chấp nhận. Đương nhiên là tại Ba Lan vào thời điểm đó cũng có công đoàn của Nhà Nước. Nhưng công đoàn này chi lo kiềm chế công nhân, mật báo công an về những hoạt động của công nhân và không đoái hoài gì đến quyền lợi của công nhân. Có một người nữ công nhân, bà Anna Walentynowicz, tuổi đã về già, chỉ còn 5 tháng nữa thì bà đến tuổi về hưu. Bất bình trước những nhu cầu của công nhân trong xưởng đóng tầu ở Gdank, bà đã thành lập một hội đoàn độc lập tập hợp một số công nhân. Ban giám đốc biết được và đã sa thải bà vào ngày 7/8/1980, không được hưởng hưu bổng. Trước quyết định này của ban giám đốc cuộc đình công đã bùng nổ vào ngày 14/8 dẫn đến sự hình thành của Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) ngày 31/8/1980 do bà Anna Walentynowicz và ông Lech Walesa là những người đồng sáng lập. Solidarnosc đã đưa ra một chương trình hành động gồm 21 điều đặt trên nền tảng bất bạo động và được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp quần chúng, đặc biệt là của nhóm trí thức đối kháng (Komitet obrony robotników). Lúc đó những người lãnh đạo Solidarnosc cũng như các công nhân theo công đoàn này đã can đảm đương đầu với mọi cảnh huống. Họ còn nhớ cũng tại thành phố này và ở Szczecin, cuộc nổi dậy của công nhân từ ngày 14 đến 21/12/1970 đã bị đàn áp đẫm máu với hàng chục người chết, hàng ngàn người bị thương. Nhưng vào lúc đó, tình hình nội bộ cộng sản đã suy yếu, nên đã không xảy ra đổ máu. Tư tưởng của Solidarnosc đã lan ra khắp nước Ba Lan và nhiều công đoàn độc lập toàn quốc đã được thành lập và gia nhập vào Solidarnosc. Tại các vùng nông thôn cũng hình thành vào tháng 5/1981 “Công Đoàn Đoàn Kết Nông Dân”, một công đoàn bao gồm nhiều nông dân. Solidarnosc phát triển nhanh chóng. Cuối năm 1981, Công Đoàn Đoàn Kết đã có 9 triệu đoàn viên.

JPEG - 11.2 kb

Quyền lợi của công nhân phải do chính người công nhân đứng lên bảo vệ, Bao lâu người công nhân không có được điều kiện để tự mình tranh đấu cho chính mình và các bạn công nhân của mình thì quyền lợi của công nhân vẫn không được bảo vệ. Không thể giao quyền lợi của công nhân cho những người theo mệnh lệnh chính quyền, toa rập với tư bản, để mong họ bảo vệ cho công nhân được. Bằng chứng đã được đăng tải trên các báo chí trong nước về các cuộc đấu tranh công nhân trong những năm qua. Xin đơn cử một ví dụ điển hình công đoàn Nhà Nước toa rập với tư bản ức hiếp công nhân xảy ra cách đây không lâu.

Theo báo Lao Động điện tử số 300 ngày 31/10/2006, “Công ty trách nhiệm hữu hạn Mặt trời Sông Hồng (SRR) khởi đầu là liên doanh, nay chuyển thành Cty 100% vốn Nhật Bản. Trụ sở Cty tại 23 Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội với hoạt động kinh doanh cho thuê văn phòng, căn hộ và các dịch vụ… Chị Nguyễn Bích Ngọc – nguyên nhân viên vệ sinh buồng của SRR – bức xúc cho biết: Hầu hết lao động nữ tại SRR phải ký cam kết sau 3 năm làm việc mới được phép sinh con và coi đây là một nội dung trong hợp đồng lao động. Vì nhu cầu việc làm, họ đành chấp nhận điều kiện đó. Vào làm việc từ 11.12.2002, đến năm 2006 – tức là sau hơn 3 năm theo đúng cam kết với Cty – chị Ngọc mới dám thực hiện quyền làm mẹ của mình. Vậy mà khi đang mang thai tháng thứ 7, chị được bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng phòng nhân sự, Chủ tịch Công Đoàn Cty – thông báo bằng miệng rằng Cty chỉ ký tiếp HĐLĐ 6 tháng nữa để chị Ngọc có điều kiện hưởng chế độ thai sản, không thể ký HĐLĐ một năm một như trước. Biết việc làm của Cty là không đúng luật và đảm bảo quyền lợi của mình, nên chị Ngọc đã không đồng ý ký HĐLĐ 6 tháng. Ngay lập tức, ngày 15.3.2006 SRR ra quyết định số 71/QĐ/SRR chấm dứt HĐLĐ, khi chỉ còn 2 tháng nữa chị Ngọc sinh con… Bà Phạm Thục Anh – Phó Chủ tịch Công Đoàn – còn lý giải “Đã kinh doanh thì phải có lãi, trong thời điểm này khách đang đông mà chửa đẻ thì Cty rất khó khăn. Nếu nghỉ thai sản, buộc chúng tôi phải tuyển LĐ mới, khi họ đi làm chúng tôi không thể sắp xếp công việc cho họ được vì đã có đủ nhân viên”.

Ví dụ trên đây tiêu biểu cho hàng trăm hàng ngàn trường hợp công nhân bị công đoàn Nhà Nước phản bội. Chỉ có công đoàn độc lập do chính công nhân bầu lên để đại diện cho họ thì quyền lợi của họ mới được bảo vệ.

Chào Mừng Công Đoàn Độc Lập Đầu Tiên Tại Việt Nam

Câu chuyện chị nữ công nhân Nguyễn Bích Ngọc trên đây đã được đưa lên báo Đảng ngày 31/10 cho thấy sự vô dụng, thậm chí phản bội của công đoàn Nhà Nước. Ai đọc tin này cũng thấy bực mình và mong ước có được một nghiệp đoàn độc lập với đảng và Nhà Nước CSVN. Thực ra thì đã có một công đoàn độc lập như mọi người mong ước từ ngày 20/10/2006. Bản “Tuyên Bố Thành Lập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam” đã được gửi đến Quốc Hội CSVN, đến Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam của Nhà Nước CSVN và các cơ quan báo chí trong và ngoài nước. Văn bản này cũng được gửi đến các tổ chức nghiệp đoàn quốc tế trên toàn cầu. Sau khi trình bày tình trạng bi đát của công nhân Việt Nam bị bóc lột, chà đạp nhân quyền, nhân phẩm và các điều kiện lao động tồi tệ tại Việt Nam, bản tuyên bố viết : “Tổng liên đoàn lao động Viêt Nam đã bất lực trong việc bảo vệ quyền lợi vật chất và tinh thần của công nhân trong khu vực kinh tế tư nhân. Chính vì vậy, trong những năm qua đã có hàng ngàn cuộc đình công với hàng trăm ngàn người tham gia đòi cải thiện đời sống và điều kiện làm việc. Nhưng, những yêu sách, những đòi hỏi chính đáng của công nhân vẫn chưa được đáp ứng. Công nhân vẫn phải sống và làm việc trong vòng kiềm tỏa của giới chủ mà không được một tổ chức nào bênh vực, bảo vệ”. Bản Tuyên Bố cũng nêu rõ mục đích việc thành lập Công Đoàn Độc Lập Việt Nam là:

- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của người công nhân Việt Nam;
- Giúp đỡ những công nhân găp khó khăn trong cuộc sống, lúc ốm đau, bệnh tật;
- Nâng cao tình đoàn kết của giai cấp công nhân”.
Một Ban Đại Diện Lâm Thời gồm các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Trí Tuệ và Cao Văn Nhâm đã được công bố kèm theo danh sách 132 vị Ủy Viên Lâm Thời.

JPEG - 7 kb

Sự hình thành Công Đoàn Độc Lập Việt Nam ngày 20/10/2006 khiến người ta không khỏi liên tưởng đến sự ra đời của Công Đoàn Đoàn Kết Solidarnosc của Ba Lan ngày 31/8/1980. Lòng dũng cảm của quý vị sáng lập viên Công Đoàn Độc Lập Việt Nam không kém gì ông Lech Walesa và bà Walentynowicz khiến mọi người ngưỡng mộ và ủng hộ. Nhiều tổ chức, đoàn thể trong và ngoài nước đã gửi diện chào mừng. Trong tinh thần đó, Nguyệt San Việt Nam Dân Chủ cũng xin gửi lời nhiệt liệt chào mừng Công Đoàn Độc Lập Việt Nam và chúc Công Đoàn phát triển mạnh mẽ như Solidarnosc cách đây 26 năm.

Theo thiểm ý thì sự phát triển của Công Đoàn Độc Lập và vấn đề sinh tử. Nó cần phải được các anh chị em công nhân ở khắp nơi trên đất nước ta biết đến và hưởng ứng, gia nhập công đoàn. Công Đoàn Độc Lập phải có đoàn viên. Muốn phát triển được đoàn viên, phải có nỗ lực thông tin, phải có cán bộ đến từng xí nghiệp tuyên truyền, vận động. Điều cần thiết thứ nhì nữa là phải đào tạo cán bộ nghiệp đoàn. Đấu tranh nghiệp đoàn có những đặc tính cá biệt trong ngành nghiệp đoàn. Hiện nay, đã có một số nghiệp đoàn nước ngoài chấp thuận đào tạo cán bộ nghiệp đoàn cho Việt Nam. Ban Đại Diện lâm thời cần có những quan hệ với các nghiệp đoàn đó. Chắc chắn là chính quyền CSVN sẽ ra tay đàn áp quý vị lãnh đạo Nghiệp Đoàn Độc Lập. Nhưng chính nghĩa bao giờ cũng thắng hung tàn. Hơn nữa nếu Công Đoàn có đông đảo đoàn viên công nhân các xí nghiệp trên toàn quốc thì không dễ gì chế độ đọc tài có thể đàn áp nổi.

Kết Luận

JPEG - 12.8 kb

Xã hội loài người trong thế kỷ 21 không còn là xã hội của thời trung cổ hay của thế kỷ thứ 18. Tư Bản cũng như người lao động cũng đã có những tiến hóa. Quan hệ lao động tư bản không còn là quan hệ thù nghịch, đối đầu mà là quan hệ “cộng sinh”. Tư bản cần lao động để sản xuất và thu lợi nhuận. Lao động cần tư bản để có công ăn việc làm. Tại hầu hết các nước trên thế giới đã có nền luật pháp bảo vệ đời sống và quyền lợi người lao động. Người lao động có những quyền được pháp luật bảo đảm để đấu tranh khi bị bất công, chèn ép. Bên cạnh pháp luật, còn có những tổ chức nghiệp đoàn để bênh vực quyền lợi công nhân, để giúp đỡ công nhân về pháp luật khi tố tụng. Chính quyền các nước đã thực sự là chính quyền của nhân dân và là trọng tài đáng tin cậy trong các cuộc đấu tranh lao động.

Việt Nam đang muốn hội nhập và đã gia nhập nhiều tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC và mới đây là WTO. Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức mà chế độ cộng sản độc tài hiện nay chưa tỏ ra có khả năng vượt qua những thách thức đó. Vì thế hơn bao giờ hết công nhân Việt Nam phải kết hợp lại thành một lực lượng trong những nghiệp đoàn độc lập để đối phó với những vấn đề do tư bản nước ngoài, tư bản Nhà Nước và tư bản đỏ bản xứ gây ra cho công nhân. Đảng CSVN đã và đang phản bội lại giai cấp công nhân lao động. Đừng bao giờ nghĩ rằng đảng CSVN là đảng của giai cấp công nhân. Khọ không bao giờ đại diện cho giai cấp công nhân. Họ chỉ lợi dụng giai cấp công nhân để cướp chính quyền. Khi được chính quyền, họ đã rơi chiếc mặt nạ để lộ rõ bộ mặt thật là phản bội, thẳng tay đàn áp và bóc lột giai cấp công nhân đến tận xương tủy.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bìa sách "Quyền lực và vấn đề kiểm soát Quyền lực trong Xã hội" của tác giả Lê Anh Hùng

Giới thiệu sách mới: “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”

“Vấn đề quyền lực là vấn đề mấu chốt của chính trị. Và chính trị liên quan đến bất kỳ ai, kể cả những người khăng khăng rằng họ không dính líu gì đến chính trị cả. Như bản thân chính trị, quyền lực là một vấn đề phức tạp, đa chiều, khó hiểu và trong cuốn sách này tác giả giúp chúng ta hiểu dễ hơn, tốt hơn về quyền lực, về tầm quan trọng của quyền lực và vì sao cần kiểm soát quyền lực trong xã hội, cũng như nhiều cách để kiểm soát quyền lực.” (TS Nguyễn Quang A)

Giá tính thuế tài nguyên

Tít bài báo trên nên đổi lại: “UBND tỉnh tăng giá tính thuế tài nguyên, doanh nghiệp xin trả lại mỏ cát.”

Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát năm 2023, lúc mà giá tính thuế là 150 ngàn đồng/khối. Cuối 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng giá tính thuế lên 230 ngàn đồng/khối. Doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm 13,9 tỷ đồng nếu tiếp tục khai thác. Họ đã quyết định xin trả lại mỏ.

Ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hôm 1/7/2024 - Bộ máy phình to, chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh. Ảnh: FB Kim Van Chinh

Bộ máy phình to và chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh

Bộ máy ăn lương ngân sách nhà nước ở cấp xã, thôn phình to có nguy cơ tăng chi NSNN là tất yếu.

Gần đây ngành công an lại triển khai cán bộ công an chuyên trách xuống các xã. Tổng cộng có gần 10.000 xã, mỗi xã có 3 cán bộ công an thành ra tăng 30.000 biên chế công an ăn lương.

Chưa hết, mới đây nhất (1/7/2024), các địa phương (theo chỉ đạo chung) chính thức ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (thường gọi là dân phòng). Theo con số chưa chính thức… cả nước sẽ có khoảng 300.000 dân phòng chính thức được ăn phụ cấp.

Một căn cứ cưỡng bức lao động lừa đảo qua mạng tại Cambodia năm 2022. Ảnh: Reuters

Đường dây lừa đảo trực tuyến liên quan Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có số người dùng mạng xã hội thuộc hàng đầu trên thế giới và đang dần trở thành một trung tâm lớn về tin giả và lừa đảo tuyển dụng qua không gian mạng.

Đây là nội dung được nêu ra trong buổi hội thảo trực tuyến về nội dung “Lừa đảo qua mạng và buôn người ở Campuchia và Việt Nam,” do Viện Hòa Bình (USIP), có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức hôm 2/7/2024.