Việt Nam và Thế Giới trong 30 Năm Qua — 1975 – 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I-Ảnh hưởng của Việt Nam đối với thế giới

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến tại Việt Nam chấm dứt sau hơn 20 năm dài đẫm máu. Cả thế giới đã thở phào tưởng rằng từ nay họ sẽ không phải nhìn thấy cảnh chết chóc thảm khốc trên đài truyền hình mỗi tối vào giờ tin tức. Cả thế giới đã tưởng rằng từ nay không còn phải bận tâm về vấn đề Việt Nam nữa. Có lẽ nhiều người còn tin chắc rằng chỉ một thời gian không lâu sẽ chẳng còn mấy ai nhắc đến hai chữ “Việt Nam” nữa.

Nhưng họ đã lầm, không những trong những năm liền sau đó mà cả cho đến 30 năm sau, Việt Nam vẫn là một đầu đề thường xuyên được nhắc đến. Không những vậy, hai chữ “Việt Nam” đôi khi còn được dùng như để biểu hiện cho một hiện tượng vừa mang tính chính trị, vừa mang tính tâm lý. Đối với siêu cường hàng đầu của thế giới trong thế kỷ 21 này, trong liên tục hai ba kỳ bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cuộc chiến Việt Nam vẫn là một vấn đề tạo rất nhiều sôi nổi. Gần 30 năm sau, những sách mới của các tác giả ngoại quốc viết về chủ đề Việt Nam vẫn xuất hiện đều đều gần như mỗi tháng. Ngay cả trong lãnh vực kịch, điện ảnh và thậm chí trò chơi điện tử cho trẻ em, Việt Nam cũng là một chủ đề được dùng đến.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lại có thể ảnh hưởng lâu dài như vậy đối với dư luận thế giới?

Câu trả lời đơn giản là vì Việt Nam đã, đang và trong tương lai vẫn có tiềm năng chi phối thế giới. Sự chi phối này trải rộng trên nhiều lãnh vực từ những ảnh hưởng lên tình hình thế giới cho đến lãnh vực lương tâm của con người. Một cách tổng quát, sự chi phối này có thể tạm được chia ra thành bốn lãnh vực chính trải dài trong suốt 30 năm qua và sẽ kéo dài ít ra là thêm vài thập niên tới trong tương lai.

Lãnh vực 1: Chiến Tranh Lạnh và sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản

Có thể nói nếu cuộc chiến tại Nam Hàn là điểm nóng bùng nổ đầu tiên của Chiến Tranh Lạnh thì cuộc chiến tại Việt Nam là điểm nóng đưa cuộc Chiến Tranh Lạnh lên một cao điểm khác. Trên các chiến trường Việt Nam, cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản đã trở thành rất nóng. Hai xu hướng chính trị đã chạm trán nhau nẩy lửa trên mảnh đất Việt Nam và sức tàn phá của nó trong một thời gian dài trên mọi bình diện đã tạo một ấn tượng mạnh mẽ cho nhiều dân tộc và nhiều thế hệ.

Sức chấn động của nó đã lan rất xa và tạo nên biết bao phong trào, ủng hộ lẫn chống đối, và biết bao cách thức phản ứng khác nhau, từ biểu tình đến thơ văn, âm nhạc. Sức chấn động này đã để lại một ấn tượng sâu đậm trên các lãnh vực xã hội, chính trị, tâm lý và cả nghệ thuật của nhiều quốc gia. Một phần vì lẽ đó mà ảnh hưởng của Việt Nam đã kéo dài bền bỉ như vậy đối với thế giới.

Nhìn chung thì sự chấm dứt cuộc chiến Việt Nam đánh dấu một cao điểm cho chủ nghĩa Cộng Sản. Dư luận thế giới lúc đó đã nhìn sự kiện này như một chỉ dấu tột đỉnh sức mạnh của phong trào Cộng Sản quốc tế. Sau khi cả ba nước trên bán đảo Đông Dương rơi vào vòng thống trị của Cộng Sản trong năm 1975, hàng loạt các quốc gia khác cũng nối tiếp sau đó như A Phú Hãn, Angola, Mozambique, Nicaragua v.v. Ngay những năm đầu sau khi cuộc chiến chấm dứt, các quốc gia lân bang trong vùng Đông Nam Á đã rúng động và cảm thấy bị đe dọa bởi chế độ Cộng Sản Việt Nam. Dưới mắt nhìn của họ, Cộng Sản Việt Nam chính là tiền đồn xâm lăng của thế giới Cộng Sản.

Bên cạnh đó, thái độ hung hăng và ngạo mạn của Cộng Sản Việt Nam đã càng làm tăng thêm sự lo ngại không những của các quốc gia chung quanh mà luôn cả nhiều nước khác nữa. Sau khi chiến thắng quân đội Khmer Đỏ trong thời gian kỷ lục, xe tăng của Cộng Sản Việt Nam đã ngấp nghé tại biên giới Thái Lan, đưa cả vùng Đông Nam Á vào cơn sốt lo sợ thêm một cuộc chiến tàn khốc sắp bùng nổ. Hậu quả là trong vòng gần 15 năm sau đó, mối lo sợ sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng Sản mà Việt Nam là lực lượng tiên phong đã khiến cả thế giới tốn biết bao công sức để lo ngăn chận. Vì lẽ đó mà Việt Nam đã ảnh hưởng nhiều đến cục diện chính trị thế giới trong suốt thập niên 1980 mặc dù cuộc chiến đã chấm dứt vào ngày 30 tháng 4, 1975.

Lãnh vực 2: Thảm trạng thuyền nhân

Trong thế kỷ 20, một thảm trạng kinh hoàng thường xuyên được nói đến là cuộc thảm sát sáu triệu người Do Thái dưới sự cai trị của Đức Quốc Xã. Nhưng từ năm 1976 cho đến cuối thập niên 1980, một thảm trạng không kém phần kinh hoàng đồng thời đã là mối nhức nhối cho lương tâm của thế giới đã xuất phát từ Việt Nam. Đó là hiện tượng người Việt Nam lũ lượt bỏ trốn khỏi đất nước và tìm qui chế tỵ nạn chính trị tại những quốc gia khác.

Hiện tượng này đã được đặt cho tên gọi là hiện tượng “Thuyền Nhân” dịch từ chữ tiếng Anh là “Boat People”. Vì một số lớn người Việt đã bỏ nước ra đi bằng đường biển nên mới có danh xưng Thuyền Nhân nhưng trong thực tế thì một số lớn cũng đã ra đi bằng đường bộ. Có nhiều lý do khiến hiện tượng này đã là một vấn đề lớn của thế giới trong một thời gian dài và ngay cả đến nay, 30 năm sau, vẫn còn chưa được giải quyết trọn vẹn.

(1) Động lực chính yếu đưa đến cuộc bỏ trốn vĩ đại này chính là tự do. Người Việt đã thách thức nguy hiểm để ra đi không phải chỉ hàng trăm hay hàng ngàn người, mà là hàng trăm ngàn người theo ước đoán. Sự kiện một số người vĩ đại như vậy liều mình bất chấp gian nguy đi tìm tự do đã nói lên khát vọng của cả toàn dân Việt, và phần nào minh xác là trong cuộc chiến vừa qua, tự do là một giá trị mà người ta đã đổ xương máu để cố bảo vệ. Sự kiện này cũng đã phơi bầy rõ sự thực về cái gọi là “thiên đường Cộng Sản” tại Việt Nam khi người ta dám hy sinh tất cả kể cả chính mạng sống của mình để từ bỏ cái “thiên đường” đó.

(2) Mức độ nguy hiểm và nhất là nỗi khổ đau mà người ta đã phải gánh chịu trong các cuộc vượt thoát đã tạo một chấn động mạnh đến lương tâm của thế giới. Cả thế giới đã thực sự rúng động khi nhìn thấy cảnh hàng trăm con người chen chúc trên chiếc ghe mỏng manh, vượt đại dương để tìm tự do. Lương tâm loài người đã phải giao động khi phải chứng kiến cảnh biết bao phụ nữ bị hải tặc hãm hiếp, biết bao em gái bị hải tắc bắt cóc, và biết bao người đã âm thầm bỏ mạng trên biển cả hay trong rừng sâu chỉ vì muốn được sống tự do. Có lẽ sẽ không bao giờ có được một thống kê chính xác con số những người đã bỏ mình trong cuộc hành trình tìm tự do bi thảm này.

(3) Mặt trái của cuộc hành trình bi thảm này sau khi được phơi bầy đã khiến cho thế giới lại càng ghê tởm chế độ Cộng Sản Việt Nam. Đã có những dữ kiện cho thấy là chính hàng ngũ công an, cảnh sát đã tham dự vào việc tổ chức những chuyến vượt biên tìm tự do này. Nhưng họ làm không phải vì nhân đạo. Họ làm là vì lòng tham và sự thối nát của chế độ, muốn làm giàu trên xương máu của chính những đồng bào của họ. Đã biết bao sự thật được phơi bầy nào là công an thu vàng “bán bãi” cho người vượt biển, nào là cảnh sát vơ vét vàng tổ chức vượt biên. Thậm chí có khi còn cố tình bắt lại để vơ vét cho hết tài sản rồi mới cho đi thoát. Có khi đi thoát là còn may vì cũng có những trường hợp người đi trốn sau khi nộp đủ tiền cho công an rồi bị thủ tiêu để bịt miệng. Nghi vấn dĩ nhiên được đặt ra là các đường giây kiếm tiền bằng máu như vậy chỉ là hành động của cấp dưới hay thủ phạm thực sự là các cấp lãnh đạo chính quyền Cộng Sản?

(4) Với động lực tìm tự do và với con số người khổng lồ như vậy, trong một thời gian dài lương tâm của thế giới đã bị đánh động. Nhiều quốc gia đã mở cửa, bỏ công, bỏ của ra để cứu giúp người Việt tỵ nạn. Họ đã mở rộng lòng đón người Việt vào và cho họ một cơ hội để tạo dựng lại cuộc sống mới. Lòng quảng đại này người Việt sẽ không bao giờ quên và sẽ luôn là vết son nói lên tình người.

Nhưng với tình trạng kềm kẹp kéo dài tại Việt Nam, thảm trạng Thuyền Nhân tiếp tục gia tăng trong hơn một thập niên. Thế giới bắt đầu mỏi mệt, lòng nhân đạo vì thế cũng bắt đầu khô héo. Hậu quả là đến cuối thập niên 1980, các trại tỵ nạn bắt đầu đóng cửa và những người không may chưa được định cư đã bị cưỡng bách hồi hương. Khó ai có thể quên được hình ảnh những người tỵ nạn vùng vẫy một cách tuyệt vọng để được ở lại bến bờ tự do khi bị áp tải lên máy bay trả về Việt Nam. Và không bao giờ ký ức về những người tỵ nạn thà tự sát còn hơn là mất tự do có thể phai nhạt trong lương tâm của loài người.

Lãnh vực 3: Vấn đề nhân quyền

Từ lâu tình trạng vi phạm nhân quyền tại các quốc gia Cộng Sản trên thế giới đều được xem là vô cùng nghiêm trọng. Tuy nhiên vì đặc tính của các chế độ Cộng Sản là bưng bít nên những tin tức lọt ra ngoài không nhiều và mang tính cách nhỏ giọt. Thường thường chi tiết về những sự đàn áp nhân quyền thô bạo chỉ có được khi có những nhân chứng vượt thoát hay qua những mẩu tin được chuyển lén ra ngoài.

Qua hiện tượng Thuyền Nhân trong thập niên 80, thế giới đã bắt đầu được biết nhiều về những trại tù cải tạo, những trại tập trung lao động, và những vụ bắt bớ những ai dám chống đối chính quyền tại Việt Nam. Nhưng phải đến cuối thập niên 80 khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu sụp đổ, Cộng Sản Việt Nam bắt buộc phải mở cửa để tìm đường sống, lúc đó thực trạng nhân quyền bi đát tại Việt Nam lại càng hiện rõ ra hơn.

Sự mở cửa này cộng với sự tiến bộ về tin học trong thập niên 90 đã giúp tin tức từ bên ngoài cũng tìm đường lọt vào Việt Nam nhiều hơn. Người dân Việt Nam nay càng thấy rõ hơn nữa đất nước và dân tộc đã bị tụt hậu khủng khiếp như thế nào so với thế giới bên ngoài. Sự phá sản và sụp đổ của khối Cộng Sản quốc tế càng soi rọi cho mọi tầng lớp kể cả đảng viên Cộng Sản thấy rõ sự bế tắc của con đường họ bị ép buộc phải theo.

Tất cả những điều này đưa đến kết quả là tại Việt Nam những tiếng nói đòi hỏi tôn trọng nhân quyền và xây dựng dân chủ gia tăng đáng kể so với suốt mấy thập niên trước. Đi đôi với sự lên tiếng tranh đấu này cũng là sự leo thang đàn áp, bắt bớ. Nhưng nhà nước Việt Nam không ngờ rằng với tình trạng mở cửa như vậy, hành động chà đạp nhân quyền của họ không thể bưng bít được nữa. Và thế giới đã phản ứng bằng cách gia tăng áp lực phải cải thiện nhân quyền.

Kể từ thập niên 90 và kéo dài cho đến nay, vấn đề nhân quyền trở thành một áp lực thường trực từ thế giới đối với Cộng Sản Việt Nam. Áp lực này đã khiến họ phải ở trong tình trạng luôn luôn phải chống đỡ và biện minh. Từ Liên Hiệp Quốc cho đến những tổ chức nhân quyền, từ một số các quốc gia cho đến các định chế quốc tế, nhân quyền đã trở thành một vấn đề nhức nhối cho Cộng Sản Việt Nam. Mặc dù có khi nhân quyền được sử dụng như một phương tiện để đạt những mục tiêu khác như quyền lợi kinh tế chẳng hạn. Tuy nhiên trên tổng thể không ai có thể phủ nhận được là lương tâm của thế giới đã và đang không thể làm ngơ trước tình trạng vi phạm nhân quyền một cách thô bạo tại Việt Nam. Ngày nào Cộng Sản Việt Nam còn chà đạp nhân quyền, chắc chắn ngày đó dư luận thế giới còn tiếp tục lên án hành động này.

Lãnh vực 4: Phát triển kinh tế và an ninh vùng

Năm 1985, chính sách sai lầm của đảng Cộng Sản đưa nền kinh tế Việt Nam đến bờ vực thẳm. Đời sống của người dân trở nên vô cùng cơ cực, thiếu thốn. Bên cạnh đó, chính Liên Xô cũng đang lâm khủng hoảng và buộc Cộng Sản Việt Nam phải tìm đường tự cứu. Kết quả là vào năm 1986, Cộng Sản Việt Nam phải mở cửa, đưa ra chính sách “đổi mới” để kêu gọi đầu tư ngoại quốc hầu cứu vãn tình hình.

Một số các quốc gia đã nhân cơ hội nhẩy vào đầu tư với hy vọng khai thác được thị trường Việt Nam cũng như nguồn nhân công rẻ. Kể từ đó nền kinh tế Việt Nam đã khá hơn so với lúc Cộng Sản Việt Nam theo đuổi chính sách bưng bít. Cho đến nay Việt Nam được xem như một nơi mà quốc tế quan tâm vì tiềm năng kinh tế dồi dào và hứa hẹn nhiều lợi nhuận cho họ. Vì vậy trong suốt thập niên 90, đi đôi với áp lực nhân quyền cũng là nỗ lực của nhiều quốc gia đổ tiền vào Việt Nam để đầu tư và làm ăn.

Nhưng sự thành công đó nhiều phần đến từ sức sống, trí tuệ và khả năng của chính người dân Việt. Sự bưng bít cộng với chính sách kinh tế sai lầm của Cộng Sản đã kềm hãm khả năng của người dân. Nay khi được cởi trói và tự do thi thố tài năng, người Việt đã chứng tỏ khả năng có thể thành công và góp phần cải thiện nền kinh tế nước nhà. Với một vị trí chiến lược, với dân số 80 triệu người mang đặc tính thông minh và khéo léo, Việt Nam sẽ tiếp tục là một địa bàn đầu tư và phát triển đáng kể mà thế giới sẽ quan tâm trong nhiều thập niên tới.

Vị trí chiến lược mà Việt Nam có không phải chỉ trên lãnh vực kinh tế mà còn cả lãnh vực chính trị và an ninh trong vùng. Cũng vì vị trí này mà dân tộc Việt Nam đã phải chịu bất hạnh trở thành chiến trường giữa hai khối Tự Do và Cộng Sản. Và cũng vì vị trì này mà Việt Nam sẽ tiếp tục giữ một vai trò đáng kể trên bình diện chính trị và an ninh quốc tế.

Sự hội nhập của Việt Nam vào khối ASEAN (Association of South East Asia Nations) là một sự hội nhập trên cả ba lãnh vực kinh tế, chính trị và an ninh. Sau Chiến Tranh Lạnh, tuy Hoa Kỳ độc chiếm vị trí siêu cường nhưng sự độc chiếm này không phải là không có thách đố. Trung Hoa với dân số đông đảo, đất rộng đầy tài nguyên, và nhất là tham vọng bành trướng luôn luôn sẵn có, đang là một thách đố lớn cho Hoa Kỳ và cho an ninh toàn vùng. Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm với tham vọng này và thái độ hung hãn của Trung Hoa lại càng thúc đẩy nhu cầu tìm một thế quân bình trên mặt an ninh quốc phòng.

Vì nhu cầu bảo vệ quyền thống trị, đảng Cộng Sản Việt Nam phải tiếp tục dựa vào đảng Cộng Sản Trung Hoa. Họ phải làm mọi cách để chiều lòng đàn anh kể cả việc dâng hiến lãnh thổ cho Trung Hoa. Mặc dù vậy nhưng mối quan hệ đó không phải là không có rạn nứt và những sự nghi ngờ sâu đậm. Vì vậy sự hội nhập với ASEAN và nỗ lực nhích lại gần với Hoa Kỳ của Việt Nam chắc chắn nhắm vào mục đích tạo dựng thế quân bình cần thiết đó. Ngược lại, Hoa Kỳ và khối ASEAN cũng có nhu cầu đến gần Việt Nam hơn với hy vọng phần nào hóa giải ảnh hưởng của Trung Hoa đối với đảng Cộng Sản Việt Nam. Trong chiều hướng xoay chuyển hiện tại của bàn cờ chính trị quốc tế, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục có một vai trò đáng kể để đóng góp và vì thế sẽ tiếp tục là nơi để thế giới quan tâm đến.


II- Quan hệ giữa Cộng Sản Việt Nam và thế giới

Nếu đã nhìn lại ảnh hưởng của Việt Nam đối với dư luận thế giới trong 30 năm qua thì không thể không nhận định về mối quan hệ giữa Cộng Sản Việt Nam và thế giới. Như đã trình bầy ở trên, 30 năm qua trong vị trí cầm quyền, mối quan hệ giữa Cộng Sản Việt Nam và thế giới đã trồi sụt dựa trên thái độ của họ và các biến chuyển của tình hình chung của quốc tế. Do ngẫu nhiên mà mối quan hệ này có thể được chia thành ba giai đoạn, mỗi giai đoạn đúng 10 năm.

Giai đoạn 1976-1985

Đây là giai đoạn Cộng Sản Việt Nam đã đi từ tột đỉnh của quyền lực đến chênh vênh bên bờ vực của sự sụp đổ. Sau những chiến thắng về mặt quân sự, từ miền Nam Việt Nam cho đến Cam Bốt, ai cũng nghĩ Cộng Sản Việt Nam đang ở tột đỉnh sức mạnh của họ. Ngay cả trận chiến ngắn ngủi với Trung Hoa vào đầu năm 1979, mặc dù bị thiệt hại nặng nhưng họ đã cho thấy một đối thủ lớn hơn như Trung Hoa cũng chưa dễ gì đe dọa được họ.

Nhưng chính vì thái độ ngạo mạn và hung hăng này, việc ngang nhiên chiếm đóng Cam Bốt kèm theo sự chọn lựa biến thành tiền đồn của Liên Xô tại Á châu, họ đã bị Hoa Kỳ, Trung Hoa và gần như cả khối tự do cô lập. Sự cô lập này đã trải rộng trên các lãnh vực chính trị, ngoại giao và kinh tế. Sự cô lập này đã là một gọng kềm siết chặt lấy họ và tạo cho họ rất nhiều khó khăn nhất là về mặt kinh tế.

Bên cạnh việc bị cô lập, họ đã có những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách kinh tế. Họ đã chủ quan và đẩy mạnh tiến trình cộng sản hóa miền Nam Việt Nam. Hành động này đã bóp chết nền kinh tế đang phồn thịnh và phát triển tại miền Nam, tạo khủng hoảng to lớn trong xã hội. Song song với những thất bại về kinh tế, chi phí nuôi dưỡng một đạo quân xâm lăng khổng lồ tại Cam Bốt đã làm kiệt quệ ngân quỹ quốc gia và làm cho các khó khăn càng trầm trọng thêm.

Hậu quả là đến năm 1985, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phá sản, đời sống người dân trở nên cơ cực, thiếu thốn chưa từng thấy, và sự sống còn của chế độ bị đe dọa nghiêm trọng. Liên Xô, điểm tựa của họ, cũng đang lâm khủng hoảng và tạo áp lực họ phải tự tìm cách thoát hiểm. Sự chọn lựa duy nhất lúc đó là phải thoát khỏi sự cô lập của thế giới và bằng mọi cách phải vực dậy nền kinh tế đang thoi thóp.

Giai đoạn 1986-1995

Năm 1986 tại Đại Hội VI của đảng Cộng Sản, một chính sách gọi là “đổi mới” được đưa ra, đình chỉ mọi biện pháp cộng sản hóa xã hội, mở cửa kinh tế để tìm nguồn đầu tư từ ngoại quốc và của chính từ người dân hầu cứu nguy tình hình. Nhưng biện pháp mở cửa này chỉ thực hiện được nếu họ thoát khỏi sự cô lập của quốc tế mà chính yếu là Hoa Kỳ.

Cách giải quyết duy nhất là từ bỏ mọi ý định bành trướng và cụ thể là rút quân khỏi Cam Bốt. Trong vòng 5 năm từ 1986 đến 1991, cuộc thương thuyết để vãn hồi hòa bình tại Cam Bốt đã diễn ra và kết quả là Cộng Sản Việt Nam phải từ bỏ giấc mộng bá chủ bán đảo Đông Dương để thoát khỏi sự tẩy chay của thế giới. Cùng lúc đó, sự sụp đổ ngoạn mục của Liên Xô và Cộng Sản Đông Âu lại càng cho thấy họ không còn sự chọn lựa nào khác.

Nhận thức được điều này, đi đôi với việc giải quyết vấn đề Cam Bốt, họ đã nỗ lực ve vãn Hoa Kỳ để mong ngưng chính sách cấm vận đã ngăn cản họ không với tới được giới tư bản Hoa Kỳ. Cỏ lẽ vì nhận thấy Cộng Sản Việt Nam không còn khả năng đe dọa ai được nữa nên Hoa Kỳ đã bãi bỏ lệnh cấm vận vào năm 1994 và sau cùng đã tái lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995, chấm dứt 20 năm dài cả khối tự do sắp hàng sau lưng Hoa Kỳ để cô lập Cộng Sản Việt Nam.

Giai đoạn 1996-2005

Kể từ năm 1996, mối quan hệ giữa Cộng Sản Việt Nam và thế giới mới hoàn toàn bước qua một giai đoạn khác. Đặc tính nổi bật trong giai đoạn này là nỗ lực phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới trên cả ba mặt chính trị, an ninh và kinh tế.

Về mặt chính trị, với chỉ bốn quốc gia còn mang danh hiệu Cộng Sản kể cả Việt Nam, cái gọi là “khối Cộng Sản quốc tế” thực sự không còn nữa. Ngay trong thực tế, Cộng Sản cũng chỉ còn là danh xưng để biện minh cho bản chất độc tài của họ. Về mặt kinh tế, vì sống còn họ đã từ bỏ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa từ 10 năm về trước. Do đó nhà nước Việt Nam đã phải nỗ lực đi tìm những mối quan hệ mới kể cả việc hội nhập với những kẻ thù cũ như khối ASEAN.

Việc hội nhập này còn mang tính an ninh vì cho dù mối quan hệ lệ thuộc giữa Cộng Sản Việt Nam và Trung Hoa đã kéo dài qua nhiều thập niên, trong thực tế thì đã có nhiều rạn nứt và nghi ngờ giữa hai đảng độc tài cầm quyền. Hơn nữa, Trung Hoa luôn luôn có tham vọng bành trướng, đã và đang thường xuyên áp lực lên đàn em là Cộng Sản Việt Nam. Vì vậy Cộng Sản Việt Nam phải cố gắng đi giây, một mặt xây dựng những quan hệ mới để bảo vệ an ninh trong trường hợp đàn anh Cộng Sản Trung Hoa trở mặt. Đồng thời cũng không dám làm cho đàn anh nổi giận vì còn muốn giữ chỗ dựa bảo vệ sự độc tài của mình.

Tuy nhiên, hội nhập kinh tế mới là ưu tiên hàng đầu của họ. Đây là nhu cầu sinh tử để nuôi dưỡng chế độ và tồn tại. Để bảo vệ quyền thống trị, họ tiếp tục đường lối độc tài sắt máu nhưng nới lỏng kinh tế để một mặt xoa dịu quần chúng, một mặt tìm phương tiện để nuôi dưỡng guồng máy bạo lực bảo vệ chế độ.

Nhưng chính vì bản chất độc tài của chế độ mà biện pháp mở cửa kinh tế này đã đem lại cho dân tộc Việt Nam những tai hại khủng khiếp. Vì độc tài nên tệ trạng tham nhũng, cướp giật của công, cưỡng đoạt tài nguyên quốc gia v.v. đã trở thành vấn nạn to lớn đe dọa tương lai đường dài của đất nước. Vì độc tài nên sự phát triển kinh tế không thực sự nhắm vào mục đích đem lại phúc lợi lâu dài cho người dân, tạo ra hiện tượng bất công xã hội lan tràn.

Tất cả những tệ trạng xấu xa này không phải không có ảnh hưởng lên quyền lợi của doanh nhân ngoại quốc. Vì vậy mà các tập đoàn tài phiệt ngoại quốc, các định chế quốc tế đang áp lực Cộng Sản Việt Nam phải cải tổ luật pháp, bài trừ tham nhũng, và minh bạch trong việc quản trị. Đây là lãnh vực mà quyền lợi của đôi bên đối chọi với nhau. Nếu Cộng Sản Việt Nam làm đúng như vậy thì họ vừa bóp chết quyền lợi của chính hàng ngũ lãnh đạo, vừa đánh mất phương tiện để duy trì sự trung thành của bộ máy đàn áp. Nan đề này sẽ tiếp tục là mối giằng co trong nhiều năm trước mặt giữa họ và thế giới.

Sau cùng cũng vẫn là vấn đề nhân quyền. Như đã trình bầy ở trên, đi đôi với việc mở cửa là sự giảm thiểu khả năng bưng bít thông tin của nhà nước. Từ đó người dân Việt Nam và ngay chính hàng ngũ đảng viên của họ đã nhìn thấy rõ hơn bản chất chế độ và hậu quả tai hại cho đất nước do chế độ gây ra. Do đó giai đoạn này cũng đánh dấu sự gia tăng đáng kể của những nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền và tự do tại Việt Nam. Dĩ nhiên nhà nước phản ứng bằng cách bắt bớ và vi phạm nhân quyền trầm trọng hơn nữa. Điều này đã khiến thế giới không thể làm ngơ và tiếp tục duy trì áp lực buộc họ phải tôn trọng nhân quyền. Tóm lại, ngày nào còn chế độ độc tài Cộng Sản tại Việt Nam, một điều chắc chắn là ngày đó còn áp lực quốc tế trên mặt nhân quyền.


III-Các mối quan hệ đặc biệt

Trong nửa thế kỷ qua, có ba quốc gia mà mối quan hệ với Việt Nam đã đem lại rất nhiều hậu quả cho dân tộc Việt. Kể từ khi cuộc chiến chấm dứt, mối quan hệ giữa ba quốc gia này và Cộng Sản Việt Nam tiếp tục có những ảnh hưởng quan trọng lên đất nước và nhất là tương lai của cả dân tộc.

1- Quan hệ với Liên Xô và Trung Hoa

Kể từ khi thành lập, đảng Cộng Sản Việt Nam đã luôn luôn ở trong tình trạng phục tòng, nhận chỉ thị đối với hai đảng Cộng Sản đàn anh tại Liên Xô và Trung Hoa. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, mặc dù có sự tranh chấp lớn đến độ thù nghịch giữa hai quốc gia này nhưng Cộng Sản Việt Nam đã cố gắng đu giây giữa hai nước đàn anh. Họ đã duy trì quan hệ chư hầu với cả hai để có thể nhận trợ giúp quân sự hầu tiếp tục cuộc chiến nhuộm đỏ miền Nam.

Sau khi chiến tranh chấm dứt, Cộng Sản Việt Nam không thể hoặc không còn nhu cầu phải đu giây nữa. Họ đã chọn lựa ngả dần về phía Liên Xô. Cùng lúc đó mối quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh càng lúc trở nên tồi tệ hơn trước. Trung Hoa đã vô cùng giận dữ khi thấy Hà Nội ngả hẳn theo Liên Xô, họ cho đây là một thái độ phản bội và vô ơn nhất là sau bao nhiêu giúp đỡ họ đã đổ cho Hà Nội trong thời chiến tranh. Song song là mối quan hệ giữa Hà Nội và Khmer Đỏ, một đàn em đắc lực của Bắc Kinh, cũng tiến dần đến chỗ bế tắc. Đến mùa hè 1978 thì nguy cơ đụng độ lớn giữa Hà Nội và Khmer Đỏ coi như chắc chắn chỉ trừ khi có một phép lạ.

Để chuẩn bị cho cuộc xâm lăng Cam Bốt, Hà Nội đã ký kết một hiệp ước hợp tác toàn diện với Liên Xô để vừa có phương tiện tiến hành âm mưu bành trướng, vừa có hậu thuẫn để đương đầu với Trung Hoa. Sau khi ký hiệp ước này lập tức Hà Nội tấn công Khmer Đỏ và chiếm đóng toàn thể lãnh thổ Cam Bốt vào cuối năm 1978. Như tiên liệu, Trung Hoa đã nổi giận và trả đũa bằng cách xua gần 200 ngàn quân qua tấn công miền Bắc Việt Nam vào đầu năm 1979.

Kể từ đó bắt đầu thời kỳ Hà Nội hoàn toàn rơi vào trong quỹ đạo của Liên Xô. Trong gần suốt thập niên 80, Liên Xô đã viện trợ cho Hà Nội trung bình 4, 5 tỷ Mỹ kim mỗi năm. Đổi lại Hà Nội là đầu cầu ảnh hưởng của Liên Xô tại Á châu. Tình trạng lệ thuộc này đã kéo dài cho đến năm 1985 thì bắt đầu có vấn đề. Liên Xô lúc đó cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng đe dọa sự sống còn của chính họ. Họ bắt đầu cắt giảm viện trợ và áp lực Hà Nội phải tự tìm đường thoát hiểm.

Để vượt qua khó khăn và tồn tại trong hoàn cảnh không còn đàn anh đỡ đầu nữa, Cộng Sản Việt Nam đã phải một mặt mở cửa ra bên ngoài trong năm 1986 như đã nêu trên, một mặt từ bỏ giấc mộng bá chủ Đông Dương bằng cách rút chạy khỏi Cam Bốt. Cao điểm là khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 thì cũng là lúc vấn đề Cam Bốt được khóa sổ coi như giải quyết xong. Hà Nội đã buộc phải lật qua một chương mới trong đó không còn Liên Xô làm nơi nương tựa nữa.

Trong lúc quan hệ Hà Nội – Liên Xô trở nên chặt chẽ trong thập niên 80 thì cùng lúc đó, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh rơi vào tình trạng xấu nhất trong suốt lịch sử của hai đảng Cộng Sản. Sau cuộc đụng độ đổ máu vào đầu năm 1979, trong suốt 12 năm sau đó Trung Hoa đã tích cực một mặt cô lập Hà Nội, một mặt cung cấp vũ khí cho du kích Khmer Đỏ tấn công quân đội chiếm đóng của Hà Nội tại Cam Bốt. Đây là giai đoạn Hà Nội bị khó khăn và chịu áp lực trầm trọng. Trung Hoa đã đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực duy trì áp lực đó.

Năm 1991 với vấn đề Cam Bốt được giải quyết cùng lúc với những biến cố dồn dập trong khối Cộng Sản, cả Trung Hoa và Hà Nội đều nhìn thấy nhu cầu phải nhích lại gần nhau hơn nhất là trong bối cảnh hậu Chiến Tranh Lạnh. Cao điểm là chuyến viếng thăm Trung Hoa vào tháng 8 năm 1991 của Lê Đức Anh, Chủ tịch nước Việt Nam, báo hiệu quan hệ giữa hai quốc gia bắt đầu được lật qua một chương mới.

Từ đó cho đến nay, quan hệ Hà Nội – Bắc Kinh đã được cải thiện đáng kể. Mối quan hệ này ngày nay mang một số đặc điểm như sau:

- Hà Nội đang cố gắng bắt chước Trung Hoa áp dụng đường lối mở cửa kinh tế để tồn tại, nhưng đồng thời siết chặt chính trị và dùng bạo lực để duy trì độc tài.
- Hà Nội đang ở trong một thế đu giây mới, một mặt thần phục Trung Hoa để làm điểm tựa hầu duy trì quyền thống trị, một mặt liên minh với nhiều quốc gia khác để buôn bán, làm ăn.
- Trung Hoa vẫn chèn ép Hà Nội tối đa điển hình là buộc Hà Nội phải nhượng lãnh thổ và lãnh hải qua những hiệp ước bất bình đẳng, và qua các biện pháp gây khó khăn kinh tế cho Hà Nội.
- Tham vọng bành trướng của Trung Hoa là mối đe dọa cho toàn vùng kể cả Việt Nam. Dù thần phục nhưng Hà Nội vẫn ngấm ngầm lo sợ và tìm cách đối phó với tham vọng bá quyền này.
- Dù chấp nhận Hà Nội làm đàn em nhưng Trung Hoa lúc nào cũng xem Hà Nội là một tên đàn em tráo trở và sẵn sàng phản bội. Do đó Trung Hoa lúc nào cũng tìm cách lũng đoạn và ảnh hưởng vào nội tình của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Tóm lại, với sự sụp đổ của Liên Xô và sự suy thoái của chủ nghĩa Cộng Sản trên toàn thế giới, Trung Hoa và Việt Nam bắt buộc phải đến gần nhau hơn. Tuy nhiên đây là mối quan hệ bất bình đẳng. Việt Nam luôn luôn bị chèn ép và chịu thiệt thòi vì đảng Cộng Sản Việt Nam chấp nhận làm đàn em của đảng Cộng Sản Trung Hoa hầu duy trì nền cai trị độc tài. Ngày nào còn Cộng Sản tại Việt Nam, ngày đó còn có triển vọng đất nước Việt Nam bị vướng vào mối quan hệ nguy hiểm này vì Cộng Sản Việt Nam đặt quyền lợi của họ lên trên quyền lợi của quốc gia và dân tộc.

2- Quan hệ với Hoa Kỳ

Cũng như Liên Xô và Trung Hoa, Hoa Kỳ đã đóng một vai trò then chốt tại Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Ngay trong những tháng đầu tiên sau khi chiến tranh chấm dứt, Hoa Kỳ đã có chỉ dấu muốn bỏ qua chuyện cũ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, lúc đó Hà Nội đang kiêu căng, ngạo mạn cho rằng mình là kẻ chiến thắng nên đã có thái độ thiếu mềm dẻo. Điển hình là Hà Nội đòi Hoa Kỳ phải bồi thường chiến tranh như một điều kiện của việc thiết lập bang giao. Điều này bị Hoa Kỳ coi như một đòi hỏi quá đáng vì chính Cộng Sản Việt Nam đã vi phạm hòa ước Paris ký năm 1973 trong đó Hà Nội đã cam kết sẽ không tấn công miền Nam Việt Nam.

Ngoài ra, đòi hỏi này cũng chạm đến tự ái của Hoa Kỳ và vì vậy hai bên giằng co trong 3, 4 năm vẫn chưa giải quyết xong. Trước khi Hà Nội xâm lăng Cam Bốt, họ đã tự thấy nhu cầu phải bang giao với Hoa Kỳ là cần thiết nên đành phải bỏ đòi hỏi bồi thường chiến tranh. Nhưng lúc này đã quá muộn và kết quả là Hà Nội vẫn không có được bang giao với Hoa Kỳ vào cuối năm 1978.

Việc quân đội Hà Nội chiếm đóng Cam Bốt và đe dọa an ninh cả vùng Đông Nam Á đã dập tắt mọi hy vọng bang giao với Hoa Kỳ. Không những vậy, cùng với Trung Hoa, Hoa Kỳ đã dùng ảnh hưởng của mình để huy động nhiều quốc gia trên thế giới tạo thành một vòng đai sắt phong tỏa Hà Nội về mọi mặt trong suốt thời gian hơn 15 năm. Biện pháp phong tỏa mọi mặt này đã phần nào làm kiệt quệ Hà Nội nhất là về mặt kinh tế. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đã hỗ trợ những lực lượng kháng chiến không Cộng Sản của người Cam Bốt và tạo nhiều khó khăn cho quân đội chiếm đóng của Hà Nội.

Trong suốt 10 năm từ 1979 đến 1989, Hoa Kỳ và Trung Hoa đã tạo áp lực nặng nề lên Hà Nội phải rút quân khỏi Cam Bốt. Sau khi nền kinh tế bị phá sản và lâm nguy tại trong nước, để thoát khỏi vòng cô lập hầu thoát hiểm, tháng 9 năm 1989 Hà Nội tuyên bố sẽ bắt đầu rút quân khỏi Cam Bốt đồng thời sẵn sàng tìm giải pháp để vãn hồi hòa bình tại xứ này. Kết quả là tất cả những bên đanh đánh nhau tại Cam Bốt đã ký kết một hiệp ước tại Paris năm 1991, cùng nhau thỏa thuận ngưng chiến và tiến tới một cuộc tuyển cử do Liên Hiệp Quốc giám sát để thiết lập một chính quyền dân chủ tại Cam Bốt.

Hiệp ước này chính thức kết liễu tham vọng xâm lăng của Hà Nội nhưng đã tạo điều kiện để Hà Nội vận động Hoa Kỳ ngưng chính sách phong tỏa làm Hà Nội lao đao trong hơn một thập niên. Phải mất đến ba năm sau vào tháng 2 năm 1994 Hoa Kỳ mới đồng ý ngưng chính sách cấm vận đối với Hà Nội, mở cửa cho Hà Nội vận động đầu tư từ doanh nhân Hoa Kỳ. Đến năm sau vào 1995, đúng 20 năm sau khi cuộc chiến chấm dứt, Hoa Kỳ và Việt Nam mới thiết lập bang giao để quan hệ hai nước bước sang một giai đoạn mới.

Trong 10 năm qua kể từ khi bang giao, yếu tố kinh tế chi phối nhiều quan hệ giữa hai nước. Điều này dễ hiểu vì đây là nhu cầu của Hà Nội để có thể duy trì độc tài, đồng thời cũng là nhu cầu của Hoa Kỳ để ổn định tình hình trong vùng và đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Sự kiện đáng ghi nhận là hai bên đã ký kết một hiệp ước thương mại trong năm 2000, và đến năm 2005 thì sẽ tiến tới việc thỏa thuận cho Việt Nam gia nhập Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới. Tuy nhiên, cho đến nay đối với Hoa Kỳ, quan hệ với Hà Nội mang hai đặc tính như sau:

- giữ một vị trí ưu tiên thấp so với toàn bộ chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ, và
- bị chi phối và lệ thuộc vào những vấn đề lớn hơn đối với Hoa Kỳ.

Hiện nay vấn đề an ninh vùng đang là vấn đề lớn đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là nỗ lực chống khủng bố và nhu cầu đối phó với Trung Hoa. Từ những vấn đề lớn này có chỉ dấu cho thấy mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang từ từ được nâng cấp. Mục tiêu của Hoa Kỳ trong việc bang giao với Việt Nam đã được cố vấn an ninh quốc gia Anthony Lake trình bầy khá rõ trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào tháng 7 năm 1996. Ông ta nói Hoa Kỳ chủ trương xây dựng một nước Việt Nam vững mạnh, phú cường và hội nhập vào các sinh hoạt và định chế trong vùng cũng như toàn cầu. Căn bản của chủ trương này đã được duy trì từ đó đến nay và đã được nhiều viên chức Hoa Kỳ tái xác nhận hay khai triển.

Trong cuộc điều trần tháng 6 năm 2001 trước Ủy Ban Tài Chánh của Thượng viện Hoa Kỳ, ông Ralph Boyce (phụ tá thứ trưởng Ngoại giao đặc trách Á châu) đã nói Hoa Kỳ muốn Việt Nam có an ninh vì tiềm năng kinh tế, vị trí chiến lược, và vì Việt Nam vừa có khả năng tạo bất ổn vừa có khả năng giúp ổn định tình hình an ninh vùng. Tuy nhiên, một điểm lấn cấn trong mối quan hệ Mỹ-Việt vẫn được nhắc đến đó là vấn đề nhân quyền. Sở dĩ như vậy là vì hai lý do: (1) Hoa Kỳ vẫn phần nào tự hào về những giá trị tinh thần họ cho là biểu hiện đặc tính quốc gia của họ, và (2) vì vẫn có những thế lực tại Hoa Kỳ quan tâm và đặt vấn đề này thường xuyên với chính quyền Mỹ trong đó phải kể đến cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Điều này đã được cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Raymond Burghardt, xác nhận trong một số các bài nói chuyện của ông ta.

Ngược lại, thái độ của Hà Nội về mối quan hệ với Hoa Kỳ ra sao? Về câu hỏi này có thể nhận định tóm gọn như sau:

- Cộng Sản Việt Nam đặt mối quan hệ với Hoa Kỳ là một ưu tiên quan trọng trước hết là vì quyền lợi kinh tế và thương mại. Họ biết rằng khó có thể phát triển kinh tế mà không có sự cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ.
- Tuy nhiên, giới lãnh đạo Cộng Sản vẫn hồ nghi về Ềdiễn biến hòa bìnhỂ, nghi ngờ về ý đồ thực sự của Hoa Kỳ. Họ cho rằng Hoa Kỳ vẫn có tham vọng muốn chấm dứt sự thống trị của đảng Cộng Sản và xây dựng một thể chế dân chủ tại Việt Nam.
- Hà Nội không muốn làm mất lòng Trung Hoa và vì vậy sẽ tiếp tục đóng vai phụ thuộc Trung Hoa ít ra là về mặt chính trị, và tiếp tục tham khảo ý kiến Trung Hoa trong nhiều vấn đề có thể kể cả các vấn đề liên hệ đến bang giao với Hoa Kỳ.

Tóm lại, trong thời gian trước mặt, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam sẽ tùy thuộc vào hai yếu tố chính: nhu cầu quyền lợi của Hoa Kỳ và khả năng duy trì quyền lực của Hà Nội. Ngoài ra, tại Hoa Kỳ luôn luôn có những lực lượng thực sự quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ nỗ lực tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Hơn nữa, phát huy dân chủ và nhân quyền vẫn thường xuyên là một phần của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ từ nhiều thập niên qua. Vì vậy trong những năm trước mặt, tuy một mặt tiếp tục hợp tác, Hoa Kỳ sẽ vẫn dùng nhân quyền như là một vũ khí để tạo áp lực lên Hà Nội.


VI- Kết luận

Trong suốt 30 năm qua, mặc dù cuộc chiến đẫm máu từng làm kinh hoàng cả thế giới đã chấm dứt nhưng Việt Nam vẫn là một yếu tố thường xuyên được dư luận quốc tế nhắc đến, vẫn là một vấn đề ảnh hưởng đến dư luận và tình hình thế giới. Có nhiều lý do đưa đến hiện tượng này.

Có những lý do khách quan đến từ dư âm của cuộc chiến đã từng tạo chấn động cho nhiều thế hệ, nhiều dân tộc trên toàn cầu. Những dư âm này trải rộng trên nhiều lãnh vực xã hội, tâm lý, nghệ thuật và chính trị. Vì trải rộng nên phải mất một thời gian lâu những dư âm này mới có thể bắt đầu phai nhạt. Một lý do khách quan khác là vì vị trí chiến lược của Việt Nam trên cả hai lãnh vực kinh tế và an ninh vùng. Cho nên dù muốn hay không, Việt Nam sẽ vẫn luôn mang tiềm năng ảnh hưởng tình hình quốc tế và vì thế được dư luận thế giới chú ý tới.

Tuy nhiên lý do quan trọng nhất khiến thế giới đã phải quan tâm đến Việt Nam trong suốt 30 năm qua đến từ chính đảng Cộng Sản Việt Nam và những sai lầm nghiêm trọng của họ. Về mặt đối ngoại, vì chọn lựa làm tiền đồn xâm lăng của Liên Xô và Cộng Sản quốc tế tại Á châu, Hà Nội đã bị thế giới tự do tẩy chay và cô lập trong suốt một thời gian dài. Thay vì nỗ lực tái thiết quốc gia sau chiến tranh hầu canh tân xứ sở, đem lại một đời sống tốt đẹp hơn cho toàn dân, Cộng Sản Việt Nam lại đưa đất nước vào một cuộc chiến xâm lược tại Cam Bốt làm kiệt quệ tài nguyên và tiềm năng phát triển của đất nước.

Về mặt đối nội, họ đã theo đuổi một chính sách kinh tế sai lầm. Cho đến năm 1985, chỉ trong vòng 10 năm, họ đã đưa toàn đất nước đến bờ phá sản. Bên cạnh đó, họ theo đuổi chính sách cai trị độc tài sắt máu, phá nát tinh thần dân tộc bằng biện pháp trả thù hàng triệu người qua các trại tù cải tạo. Hậu quả là hiện tượng Thuyền Nhân với hàng trăm ngàn người phải bỏ nước ra đi. Trong số này biết bao người đã chết mất tích, biết bao người khác đã phải chịu khổ đau vô vàn vì bàn tay của hải tặc trên biển cả. Tất cả những thảm trạng này đã làm rúng động lương tâm của thế giới trong suốt thập niên 1980.

Qua đến thập niên 1990, dù đã nỗ lực cải thiện bộ mặt với thế giới nhưng Hà Nội vẫn không thể che dấu được thực trạng nhân quyền bị chà đạp tại Việt Nam. Một lần nữa thế giới không thể làm ngơ được và đã phải duy trì áp lực buộc Hà Nội phải cải thiện nhân quyền.

Bước qua thế kỷ 21, không một người Việt nào lại muốn đất nước của mình tiếp tục được thế giới nhắc nhở đến với một ý nghĩa tiêu cực. Mặc dù thế giới đã bắt đầu nhắc đến Việt Nam như một nơi có tiềm năng phát triển vượt bực, nhưng bên cạnh đó còn tồn đọng quá nhiều điểm xấu xa do chế độ Cộng Sản gây ra khiến không ai có thể bỏ qua được. Từ tình trạng cai trị độc tài, chà đạp nhân quyền, đến tình trạng tham nhũng trầm trọng, suy đồi các giá trị đạo đức trong đời sống, và bất công xã hội lan tràn.

Sau 30 năm cai trị đất nước, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã hiện nguyên hình là một tập đoàn độc tài, một nhóm người bám chặt quyền lực để cướp bóc và làm giàu một cách bất chính. Ngày nào còn những người như vậy lãnh đạo đất nước, ngày đó thế giới sẽ còn tiếp tục nhìn Việt Nam như một nơi có những tệ trạng nghiêm trọng, một nơi đáng thương vì người dân đã bị tước đoạt mất quyền tự chủ.

Chỉ khi nào toàn dân tộc Việt Nam vùng lên chấm dứt chế độ độc tài Cộng Sản đang cầm quyền, một chế độ ruỗng nát và xấu xa chưa từng thấy, thì ngày đó mới mong thế giới thực sự có một cái nhìn khác về đất nước Việt Nam.

Bùi Đức

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.