Thể Chế Nhân Bản Dân Chủ: Những Đặc Tính

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Dân chủ là gì?

Dân chủ đa nguyên, tản quyền của các Quốc Gia Tây Âu, hay dân chủ tập trung, đảng trị và độc tài được điều 6 Hiến Pháp Cộng Sản Việt Nam 1992 xác nhận cũng là dân chủ?

Dân chủ đa nguyên có phải là thể chế trong đó mọi khuynh hướng dân chủ hay không dân chủ, độc tài, độc tôn và toàn trị, đả phá dân chủ, phản dân chủ, hèn hạ hóa con người, sống không hơn súc vật cũng được chấp nhận?

Phần định nghĩa nguyên ngữ, lịch sử và xác định lập trường, chúng tôi đã có dịp bàn đến trong bài DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN, có lẽ không cần lập lại.

Có lẽ trong cuộc sống thông thường, để cho câu nói được ngắn gọn, chúng ta than phiền hay đòi buộc đất nước Việt Nam phải được tổ chức như một “Quốc Gia Dân Chủ!“.

Ít khi chúng ta có đủ thời giờ hay cơ hội để nói lên đầy đủ hơn ước vọng Dân Chủ cho Việt Nam, những gì Quốc Gia Dân Chủ Nhân Bản Việt Nam phải có, để thực sự cho Việt Nam xứng đáng với tên Dân Chủ mà chúng ta mơ ước cho dân tộc và người dân có được mức sống xứng đáng với nhân phẩm của mình và Việt Nam Dân Chủ có khả năng đưa đất nước đến tiến bộ phú cường.

Đọc các Hiến Pháp Nhân Bản và Dân Chủ của các nước tiến bộ Tây Âu, nhứt là hai Hiến Pháp 1947 Ý Quốc và Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức, hai Hiến Pháp mà chúng tôi có cơ hội được học hỏi, làm việc và nhứt là ngưỡng mộ, chúng ta sẽ thấy rằng các vị soạn thảo hai Hiến Pháp trên

-  không những chỉ giới hạn định nghĩa thể chế dân chủ của hai Quốc Gia liên hệ,
-  mà còn liệt kê hàng loạt các đặc tính chính yếu phải có
-  và tuyên bố nội dung các điều khoản liên hệ như là những luật thực định ( lois positives), có giá trị bắt buộc phải thực thi, để bảo đảm cho thế chế dân chủ của họ đáng được gọi là dân chủ, và bảo đảm cuộc sống dân chủ thực hữu cho dân tộc họ.

Như vậy, không phải Dân Chủ nào cũng là Dân Chủ, mà là

-  Dân Chủ với những đặc tính thiết yếu phải có được xác định,
-  kèm theo những điều khoản luật tiền liệu các điều kiện thuận lợi để thi hành,
-  quy trách cho ai chịu trách nhiệm phải thực thi và ai có trách nhiệm kiểm soát, khi giới hành quyền làm việc tắc trách, lạm quyền , độc tài, thiên vị bè phái đảng trị tùy hỷ. Có như vậy người dân mới được bảo đảm có một cuộc sống người cho ra người và đất nước mới được bảo đảm đang được tổ chức và hoạt động dưới thể chế Dân Chủ.

-  “Bổn phận của Nền Cộng Hoà là dẹp đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi thật sự giới hạn tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “ (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

-  “Phẩm giá con người bất khả xâm phạm…
-  Những quyền căn bản sẽ được kể sau đây là những quyền bắt buộc đối với lập pháp, hành pháp và tư pháp, như là quyền có hiệu lực trực tiếp” (Điều 1, đoạn 1 và 3 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Nếu người dân Ý sống trong một Quốc Gia không

…cho phép người dân phát triển hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở “,

thì cả “Nền Cộng Hoà” Ý Quốc nói chúng và giới đương quyền nói riêng phải đứng ra chịu trách nhiệm thiếu “Bổn Phận của Nền Cộng Hoà” trước Hiến Pháp hay có hành động vi hiến, với những hậu quả phải có đang chờ họ.

Và nếu người dân Cộng Hoà Liên Bang Đức với phẩm giá của mình và các quyền căn bản con người bị xâm phạm, thì các chủ thể chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hiến Pháp là các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp của xứ sở. Bởi vì

-  “Không có bất cứ trường hợp nào trong đó một quyền căn bản của con người bị vi phạm đến nội dung thiết yếu của nó”,
-  “Ai bị các cơ quan công quyền vi phạm các quyền của mình, có thể đệ đơn tố cáo với cơ quan tư pháp…” (Điều 19, đoạn 2 và 4, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Hiểu như vậy, chúng ta thấy Nhân Bản và Dân Chủ là thể chế lý tưởng tổ chức Quốc Gia của con người.

Nhưng Nhân Bản và Dân Chủ không phải là giấc mơ và chúng ta chỉ cần nằm mơ chờ sung rụng mà có.

Người Ý và người Đức đã lao tâm suy tư, đổ mồ hôi, xăn tay áo lên để tạo ra hai Hiến Pháp 1947 và 1949 của họ, sau những đổ nát và chết chóc mà Mussolini và Hitler đã tạo nên trong thế chiến thứ hai.

Đó cũng là con đường mà chúng tôi nghĩ chúng ta nên noi gương, qua những gì đổ nát đất nước Việt Nam đang phải gánh chịu và nhân phẩm con người Việt Nam bị đê tiện hóa do Đảng Cộng Sản Việt Nam đang độc tài toàn trị.

A — Dân Chủ

Ai trong chúng ta cũng biết rằng bất cứ một tổ chức xã hội nào, lớn hay nhỏ, một hội đoàn, một chính đảng, ngay cả trong gia đình chẳng hạn, đều có một người hoặc một nhóm người được trao cho quyền điều khiển và quản trị tổ chức.

Nói cách khác, không thể có tổ chức xã hội, tổ chức Quốc Gia, nếu không có chính quyền, như nhóm người chủ trương vô chính phủ ( anarchia) đôi khi đứng ra cổ võ.

Điều đó có nghĩa là trong bất cứ một tổ chức xã hội nào, lớn hay nhỏ, chúng ta đều có thể biết được ai là người hay là nhóm người cầm quyền và ai là thành phần bị trị hay thành phần phải tuân theo quyền điều khiển, quản trị của nhóm người lãnh đạo.

Danh từ “Dân Chủ” trong bài viết DÂN CHỦ ĐA NGUYÊN, chúng ta đã định nghĩa nguyên ngữ là thể chế phát xuất từ quan niệm của các Thị Xã (Polis) Cộng Hoà Athène và được gọi là “Demokratía” (do Demos: dân chúng; Krátos: quyền hành): quyền hành trong Thị Xã thuộc về Dân Chúng hay “Quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân“, nói theo từ ngữ của chúng ta.

Áp dụng vào tổ chức Quốc Gia, chúng ta có thể phát biểu: Dân Chủ là thể chế trong đó “Chính Quyền của Dân” hay dân chúng xử dụng quyền hành cai trị đất nước.

Nếu hiểu như vậy, mọi người dân đều đứng ra cai trị và lãnh đạo đất nước, thì trong tổ chức Quốc Gia, chúng ta không còn giới hành quyền, lãnh đạo nữa.

Nói cách khác, hiểu như vậy, trong thể chế Dân Chủ, không còn có giới lãnh đạo hành quyền nữa, bởi lẽ ai cũng hành xử quyền lực Quốc Gia của mình.

Áp dụng vào thực tế, tư tưởng trên trở thành không tưởng, nhứt là áp dụng vào lãnh vực các Quốc Gia rộng lớn của hàng triệu người, mấy chục hay mấy trăm triệu như các Quốc Gia hiện đại của chúng ta ( G. Sartori, Democrazia e definizioni, II ed. Bologna, 1968, 240).

Như vậy Dân Chủ không có nghĩa là loại bỏ giới lãnh đạo hành quyền quản trị và hướng dẫn Quốc Gia, mà làm thế nào đạt được đồng nhứt tư tưởng chính hướng lãnh đạo Quốc Gia giữa giới hành quyền và dân chúng bị trị.

Xem ra quan niệm vừa nêu lên cũng là lối suy nghĩ không tưởng, không khác gì chủ trương của những người quan niệm Quốc Gia vô chính phủ.

Thể chế Nhân Bản và Dân Chủ Tây Âu, qua nhiều thập niên suy tư, thí nghiệm và sắp xếp, cho thấy rằng con đường vừa kể là con đường khả thi, nếu chúng ta biết tổ chức.

Chúng ta vẫn giữ hai khối người phân biệt, giới cầm quyền và dân chúng bị trị.

Nhưng những ai cầm quyền luôn luôn phải được liên lạc với khối dân chúng bị trị, để cho đường lối quản trị và hướng dẫn Quốc Gia đáp ứng lại nguyện vọng và lý tưởng của dân chúng.

Tư tưởng vừa kể có thể thực hiện được bằng cách thể chế Dân Chủ phải tổ chức ra một cơ chế, nơi đại diện nói lên tiếng nói, nhu cầu, ước vọng và lý tưởng của người dân, được người dân tin cậy và ủy thác.

Cơ chế đó trở thành định điểm để giới đương quyền luôn luôn phải quy chiếu trong đường lối lãnh đạo Quốc Gia của mình, để chính hướng Quốc Gia luôn luôn thể hiện ý muốn của toàn dân, đó là tổ chức Quốc Hội.

Ngoài ra thể chế Nhân Bản và Dân Chủ cũng tiên liệu những phương thế để người dân có thể trực tiếp bày tỏ ý kiến của mình, kể cả những ý kiến bất đồng đối với giới đương quyền. Đó là thể thức Trưng Cầu Dân Ý (referendum) bãi bỏ những đạo luật hay hành vi không phù hợp.

Như vậy Nhân Bản và Dân Chủ là người dân làm chủ và xử dụng quyền lực để tổ chức Quốc Gia bảo vệ và phát huy nhân phẩm và các quyền bất khả xâm phạm của mình, xử dụng gián tiếp qua cơ chế dân cử hay Quốc Hội, xử dụng trực tiếp qua trưng cầu dân ý, và kiểm soát chính quyền qua các chính đảng đối lập.

Thể chế Dân Chủ được diễn tả như vừa kể sẽ được thấy nổi bậc, nếu chúng ta đem so với thể chế uy quyền (autoritaria) độc tài.

Trong thể chế độc tài, quân chủ hay độc tài đảng trị Cộng Sản cũng vậy, mọi mối tương quan giữa giới đương quyền và chúng bị trị đều bị gián đoạn.

Bởi lẽ họ nghĩ rằng chỉ có ai lãnh đạo chính trị (nhứt là đảng trưởng hay chủ tịch đảng của một chính đảng duy nhứt), mới là những người đại diện thực sự và duy nhứt cho ý muốn của dân chúng. Dân chúng không được thừa nhận một khả năng chính trị nào, nếu không phải là khả năng luôn luôn chấp thuận mọi quyết định của giới đương quyền. Tư tưởng độc tài đó đã được Đảng Cộng Sản Việt Nam tuyên bố rõ rệt trong điều 4 Hiến Pháp 1992 CSVN, ai cũng biết:

Đảng Cộng Sản là đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân và của cả dân tộc…” (Điều 4 Hiến Pháp 1992 CSVN).


Trong chiều hướng đó

-  phương thức bầu cử để chọn người lãnh đạo,
-  khả năng kiểm soát của cơ chế dân cử để tuyên bố ý muốn của dân chúng và kiểm chứng hoạt động của giới đương quyền,
-  các quyền chính trị để cho người dân có quyền chọn lựa giới lãnh đạo ( bầu cử, ứng cử)
-  và một vài quyền dân sự khác ( tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và gia nhập hội) đều bị bãi bỏ.

Trong khi đó, thì trái lại như trên đã nói, thể chế Nhân Bản và Dân Chủ tiên liệu một loạt các phương thức để người dân, chủ nhân quyền lực Quốc Gia ( Dân Chủ), tham gia vào việc điều hành và hướng dẫn Quốc Gia.

a) tham dự gián tiếp, qua các đại diện của mình, được cử tri đoàn tuyển chọn (dân chủ đại diện), b) tham dự trực tiếp, dân chúng có quyền can thiệp đồng thuận hay bất đồng bằng trưng cầu dân ý hay quyền đề thảo dự án luật (dân chủ trực tiếp), c) tham dự qua các tổ chức xã hội trung gian, đảng phái, công đoàn nghề nghiệp, cộng đồng địa phương, để can thiệp và hướng dẫn đường lối chính trị Quốc Gia (dân chủ tản quyền hay dân chủ đa dạng).

Cả ba hình thức vừa kể đều được cả hai Hiến Pháp 1947 Ý quốc và 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức đề cập đến.

-  “Mọi quyền lực Quốc Gia phát xuất từ dân chúng. Dân chúng hành xử quyền lực nầy trong các cuộc bầu cử, trưng cầu dân ý và qua các cơ quan chuyên biệt của Quyền Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp” (Điều 20, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

Trong khi đó thì quyền Dân Chủ được xác định ở điều 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc như là khung sườn và nền tảng của ngôi nhà, trong đó con người được “nhận biết và bảo vệ ” liên tiếp trong 32 điều khoản kế tiếp:

-  “Quyền tối thượng thuộc về dân chúng. Dân chúng hành xử quyền nầy theo hình thức và trong giới mức của Hiến Pháp” (Điều 1, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Và sau khi tuyên bố điều khoản nguyên tắc trên, ba hình thức dân chủ vừa được nêu trên lần lược được Hiến Pháp đề cập đến trong các điều khoản khác.

1) Dân chủ đại diện:

Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác định quyền được ứng cử và bầu cử của mọi công dân, không phân biệt nam hay nữ, đến tuổi trưởng thành .

Về thể thức bầu cử dân chủ, bảo đảm cho mọi thành phần dân chúng đều có tiếng nói trong Quốc Hội ( Cf. LUẬT BẦU CỬ CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC).

Kế đến đặc tính thiết yếu của thể chế Dân Chủ là đặt mối liên hệ giữa Hành Pháp và cơ quan dân cử Quốc Hội Lưỡng Viện, qua thể thức tín nhiệm:

-  “Chính Quyền phải được sự tín nhiệm của Quốc Hội Lưỡng Viện” (Điều 94, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

( Cf. QUỐC HỘI CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ ĐƯỢC NGHĨ ĐỂ CHỐNG ĐỘC TÀI VÀ BẤT ỔN ).

Kế đến để bảo vệ cho dân chúng có phương tiện kiểm soát đường lối và hành động của giới đương quyền, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc không những xác nhận quyền tự do lập hội và gia nhập hội của ngưòi dân là một trong những quyền bất khả xâm phạm, mà còn khuyến khích dân chúng hãy hợp nhau thành chính đảng để có phương tiện và khả năng xác định đường lối chính trị Quốc Gia:

- ” Mọi công dân đều có quyền tự do gia nhập thành chính đảng để cùng nhau cộng tác theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị Quốc Gia” (Điều 49, id.).

Và rồi nền Dân Chủ Đa Đảng, Đa Dạng đó được Hiến Pháp 1949 đứng ra bảo đảm có thực quyền “cắt xén, hãm thắng, phản đối hay bác bỏ ” mọi cách suy nghĩ và hành động quá lố, lạm quyền của giới đương quyền:

-  “Viện Bảo Hiến Liên Bang quyết định trong trường hợp bất đồng ý kiến hay nghi vấn về việc hợp thức hay bất đồng của một đạo luật Liên Bang hay một đạo luật của các Tiểu Bang với Hiến Pháp (Luật Nền Tảng , Grundgesetz) nầy, hoặc liên quan đến việc hợp thức hay bất đồng của đạo luật các Tiểu Bang với luật phát Liên Bang, theo lời yêu cầu của Chính Quyền Liên Bang, Chính Quyền của một Tiểu Bang hay của 1/3 thành viên Hạ Viện” (Điều 93, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).

…theo lời yêu cầu Chính Quyền của một Tiểu Bang hay của 1/3 thành viên Hạ Viện” là điều kiện rất khả thi trong một Quốc Gia Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng như Cộng Hoà Liên Bang Đức.

Bởi lẽ thành phần đa số đương quyền đang nắm đa số ở Chính Quyền và Hạ Viện Liên Bang, nhưng không ai có thể cản được thành phần thiểu số đối lập đang nắm Chính Quyền ở một hay nhiều Tiểu Bang.

Và chưa chắc gì thành phần đang quyền chiếm được đa số ở Hạ Viện hơn 2 /3 số ghế, khiến cho thành phần đối lập không hội đủ điều kiện 1/3 được Hiến Pháp định chuẩn để có thể đứng ra tố cáo những hành động sai trái và lạm quyền của giới đương quyền

-  ( Cf. THIỂU SỐ ĐỐI LẬP HIẾN PHÁP CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
-  và VIỆN BẢO HIẾN CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ BẢO VỆ CON NGƯỜI VÀ DÂN CHỦ).

Và rồi, Hạ Viện là cơ quan dân cử, nơi thể hiện tiếng nói chính thức về lý tưởng, nhu cầu và ước vọng của dân chúng.

Nhưng ai có thể bảo đảm được Hạ Viện luôn luôn chu toàn sứ mệnh của mình, hăng say xây dựng đất nước với tất cả thành tâm thiện chí, không bị những thành tử thiên vị, bè phái lũng đoạn làm cho Quốc Gia bị tê liệt?

Và đó là những gì Hiến Pháp 1949 tiên liệu, bằng cách ủy thác cho Tổng Thống Liên Bang có quyền giải tán Hạ Viện trước định kỳ,

-  nếu Hạ Viện không hành xử quyền bính của mình một cách có trách nhiệm, “konstruktive Misstrauenvotum” ( Điều 67, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức),
-  nếu Hạ Viện không chọn nổi cho đất nước một vị tân Thủ Tướng ( Kanzler) để lãnh đạo Chính Phủ quản trị và hướng dẫn Quốc Gia (Điều 63, id.),
-  hay nếu Hạ Viện bất tín nhiệm vị Thủ Tướng đương nhiệm, mà không có khả năng tuyển chọn cho đất nước một vị Thủ Tướng khác (Điều 68, id).

Sau cùng để tránh cho Hành Pháp khỏi bị tê liệt, do hành động vô trách nhiệm của Hạ Viện, Tổng Thống cũng có thể, với sự đồng thuận của Thượng Viện, tuyên bố “tình trạng lập pháp khẩn trương ” cho Thủ Tướng có trọn quyền lãnh đạo Quốc Gia trong thời gian sáu tháng (Điều 81) ( Cf. CHINH QUYỀN CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC, CƠ CHẾ ĐƯỢC TỔ CHỨC PHÒNG NGỪA ĐỘC TÀI VÀ BẤT ỔN).

2) Dân chủ trực tiếp.

Với đặc tính dân chủ trực tiếp, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tiền liệu các cuộc trưng cầu dân ý, để người dân trực tiếp phát biểu ý kiến của mình, loại bỏ những đạo luật và sắc luật, nghị định, pháp lệnh mà mình cho là không chính đáng, đi ngược lại ước vọng của con người và lợi ích chung cho đất nước:

-  “Trưng cầu dân ý được thực hiện để bãi bỏ toàn phần hay một ít điều khoản của một đạo luật hay nghị định có hiệu lực luật định, khi có 100.000 cử tri hay 5 Hội Đồng Vùng yêu cầu” (Điều 75, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Cơ chế trưng cầu dân ý cũng được thực hiện để sửa đổi thể thức tu chính án Hiến Pháp hay các đạo Luật Hiến Pháp:

-  “Các đạo luật về tu chính án Hiến Pháp hay các Luật Hiến Pháp được đặt dưới quyền quyết định của trưng cầu dân ý, trong vòng 3 tháng sau ngày công bố, nếu có được 1/5 thành viên Hạ Viện hay 100.000 cử tri hoặc 5 Hội Đồng Vùng yêu cầu…” (Điều 138, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Việc sát nhập hay sửa đổi lãnh thổ các vùng, tỉnh, xã ấp cũng được Hiến Pháp tiền liệu hỏi ý kiến dân chúng sở tại qua các cuộc trưng cầu dân ý:

- “Với trưng cầu dân ý và với pháp luật của Nền Cộng Hoà, sau khi tham chiếu ý kiến của Hội Đồng Vùng, Tỉnh và Xã Ấp có thể tách rời khỏi Vùng hoặc sáp nhập vào Vùng khác, nếu có sự đòi hỏi ” (Điều 132, id.).

Còn nữa, thế chế dân chủ trực tiếp cũng được Hiến Pháp 1947 tiền liệu qua các cơ chế nhằm phát huy sát kiến của dân chúng để yêu cầu và góp ý kiến với giới lãnh đạo Quốc Gia:

-  “Tất cả mọi công dân đều có quyền trình Thỉnh Nguyện Thư đến Hạ Viện để yêu cầu Quốc Hội soạn thảo và chuẩn y luật thích hợp và trình bày nhu cầu chung của đất nước ” (Điều 50, id.).
-  “Dân chúng hành xử quyền đề thảo luật của mình, nếu được ít nhứt 50.000 cử tri yêu cầu và đề án phải được đúc kết thành những điều khoản luật” (Điều 71, id.).

3) Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng.

Một phần ý niệm về Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng chúng ta đã đề cập đến khi nói về tự do lập hội và gia nhập hội để thành lập nhiều chính đảng khác nhau và Hiến Pháp đã tiền liệu khả năng đối lập khả thi cho thành phần thiểu số đối lập ( kể cả các quyền tự do ngôn luận, tự do truyền bá tư tưởng và tự do hội họp).

Một trong những đặc tính không thể thiếu của Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng là phương thức hành xử của các chính đảng phải là phương thức Dân Chủ, đã được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nêu lên ở trên:

- “Mọi công dân có quyền tự do gia nhập chính đảng, để cùng nhau cộng tác theo phương thức dân chủ thiết định đường lối chính trị Quốc Gia” (Điều 49, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

…cộng tác theo phương thức dân chủ…“, điều đó có nghĩa là từ tổ chức nội bộ cho đến hành động ra bên ngoài, các chính đảng phải là những chính đảng dân chủ.

Từ nội quy để tổ chức nội bộ, cho đến các động tác hành động của các thành viên đều phải thể hiện phương thức dân chủ.

Nếu không, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức không ngần ngại tuyên bố họ là những chính đảng vi hiến và đặt ra ngoài vòng pháp luật:

-  “Các chính đảng có mục đích hay cách hành xử của các thành viên thuộc hệ, nhằm gây tổn thương hay loại trừ định chế căn bản dân chủ và liên bang , hoặc hăm dọa sự tồn vong của Cộng Hoà Liên Bang Đức, là những chính đảng vi hiến” (Điều 21, Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức).


Ngoài ra các chính đảng chúng ta vừa đề cập, trong thể chế Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng chúng ta còn có các tổ chức xã hội trung gian, trung gian đứng giữa và là gạch nối giữa cá nhân và tổ chức cơ chế Quốc Gia.

Đó là công đoàn lao động, các tổ chức hiệp hội kinh tế, chính trị, nghề nghiệp, văn hoá, tôn giáo, kể cả gia đình, học đường, nghệ sĩ, âm nhạc, hội họa, thể thao…Nói tóm lại là những tổ chức nơi

con người phát triển nhân cách của mình và tham dự vào đời sống dân chủ của xứ sở ” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc) ( Rizza, La partecipazione popolare: lineamenti costituzionali, in Scritti in onore di E. Tosato, II, Giuffré, Milano, 1982, 853).

Nhưng dưới phương diện nào cũng vậy, một cá nhân đứng riêng rẽ hay cá nhận hội nhập vào thành phần tổ chức xã hội trung gian vừa kể, định chế Nhân Bản và Dân Chủ cho con người luôn luôn được thể chế Quốc Gia đứng ra bảo đảm:

-  “Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo vệ các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi con người phát triển nhân cách của mình…” (Điều 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Điều khoản được tuyên bố vừa kể cho thấy tính cách Nhân Bản của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc:

…con người không phải được sinh ra để phục vụ Quốc Gia, mà Quốc Gia được sinh ra để phục vụ con người, hay nói cách khác, mục đích Quốc Gia được thành lập là để bảo đảm cho con người được triển nở hoàn hảo con người của mình và các quyền căn bản bất khả xâm phạm của mình được bảo đảm” ( Mortati Costantino, Istituzione di diritto pubblico, Cedam, Padova, 1969, 272).

Và một đặc tính nữa làm cho Hiến Pháp 1947 Ý Quốc nổi bật giữa các Hiến Pháp Tây Âu đương thời là nguyên tắc bình đẳng trong thể chế dân chủ, mà Hiến Pháp nêu cao như ngọn cờ lý tưởng.

Đọc điều 3 đoạn 1 của Hiến Pháp 1947 Ý Quốc, ai trong chúng ta cũng thấy Hiến Pháp đứng ra tuyên bố nguyên tắc bình đẳng cho mọi người công dân:

-  “Mọi công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biết phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, hoàn cảnh cá nhân và xã hội ” (Điều 3, đoạn 1 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Nhưng tuyên bố như vậy, thể chế nào cũng tuyên bố được.

Đó là hình thức tuyên bố nguyên tắc bình đẳng thuyết lý ( eguaglianza formale), thậm chí nhiều Hiến Pháp độc tài đảng trị cũng tuyên bố được. Bởi lẽ tuyên bố để mà tuyên bố, không có ai chịu trách nhiệm.

Hiến Pháp 1947 Ý Quốc không dừng lại ở những gì vừa tuyên bố trên lý thuyết, mà còn xác định lãnh vực phải can thiệp và quy trách cho ai là chủ thể phải chịu trách nhiệm, nếu những điều mình tuyên bố không được thực hiện trên thực tế.

Nói cách khác, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc xác nhận và nhứt quyết đem lại bình đẳng thực hữu (eguaglianza sostanziale) cho người dân của mình và trực tiếp quy trách cho tổ chức Quốc Gia thực hiện:

- “Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội, là những chướng ngại, trong khi giới hạn thật sự tự do và bình đẳng của người dân, không cho phép họ triển nở hoàn hảo con người của mình và tham gia một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Như vậy bình đẳng thuyết lý và bình đẳng thực hữu là một đặc tính khác không thể thiếu của thể chế Dân Chủ Nhân Bản.

Điều vừa kể cho thấy trong một Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ thực sự, người dân không phải là thần dân nô lệ, nơm nớp lo sợ cơ chế Quốc Gia vi phạm, đê tiện hoá nhân phẩm và chà đạp các quyền căn bản bất khả xâm phạm của mình,

-  từ đó phải nơm nớp lo sợ, đặt các điều kiện để “cấm tổ chức Quốc Gia không được vi phạm” (hay tự do tiêu cực, liberté de…),
-  mà là cơ chế Quốc Gia trong đó con người có thể nhờ Quốc Gia tạo các điều kiện thích hợp (liberté par moyen de l’État) để mỗi người có cơ hội triển nở hoàn hảo con người của mình và có khả năng hữu hiệu hơn tham dự xây dựng đất nước (liberté à…).

B – Quốc Gia Can Thiệp.

Qua những gì vừa kể, chúng ta có thể quan niệm được rằng cơ chế Quốc Gia Nhân Bản và Dân Chủ không phải là một loại Quốc Gia được tổ chức, nằm án binh bất động, miễn là không làm gì “vi phạm các quyền bất khả xâm phạm của con người ” là được rồi.

Điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 Ý Quốc trích dẫn ở trên cho thấy Quốc Gia bị quy trách cho có nhiệm vụ phải tạo điều kiện bình đẳng kinh tế và xã hội cho người dân,

Bổn phận của nền Cộng Hoà là dẹp bỏ đi những chướng ngại vật về phương diện kinh tế và xã hội…“.

Còn nữa ở điều 2, sau khi “nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người “,

Hiến pháp đòi buộc mọi người đều phải chu toàn bổn phận liên đới trong chính trị, kinh tế và xã hội:

…và đòi buộc các bổn phận liên đới không thể thiếu trong các lãnh vực chính trị, kinh tê và xã hội” .

Ở điều 4, Quốc Gia nhìn nhận quyền làm việc của mọi công dân và quy trách cho Quốc Hội sau nầy phải soạn thảo và chuẩn y luật pháp thế nào để tạo điều kiện thuận lợi, ai nấy đều có công ăn việc làm:

-  “Nền Cộng Hoà nhìn nhận quyền làm việc của mọi công dân và phát huy các điều kiện để biến quyền nầy thành thực hữu ” (Điều 4, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Ngoài ra Quốc Gia còn có bổn phận

-  nhận lãnh trách nhiệm giáo dục để mở mang trí tuệ cho người dân và tạo mọi điều kiện để người dân có được trình độ học vấn cao nhứt có thể (Điều 34, id.),
-  nhận trách nhiệm huấn nghệ và thăng tiến nghề nghiệp (Điều 35, đoạn 2, id.),
-  khuyến khích và dành mọi dễ dàng cho các thỏa ước và tổ chức quốc tế để định chế và điều hoà quyền làm việc của người công dân Ý tại hải ngoại cũng như người ngoại quốc trên đất Ý (Điều 35, đoạn 3, id.).

Qua những gì vừa nói, tổ chức Quốc Gia không phải là tổ chức “ngồi chơi xơi nước“, hay hoạt động làm lợi cho bè đảng, thiên vị, mà là cơ chế can thiệp vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi để

…mỗi người triển nở hoàn hảo con người của mình và tham dự một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở” (Điều 3, đoạn 2, id.).

Một loạt các điều khoản luật hiến Pháp về tự do kinh tế, quyền tư hữu, chuyển nhượng hay quốc hữu hoá các công xưỡng thiết yếu và xếp đặt lại đất đai được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tuyên bố trong Tiết Mục III (Điều 35-47).

Nhưng Quốc Gia can thiệp vào lãnh vực kinh tế là một chuyện, chính sách kinh tế chỉ huy như các Quốc Gia Cộng Sản, tiêu diệt lợi thú và sáng kiến con người, biến đất nước thành mạt rệp là chuyện khác:

-  ” Sáng kiến tư nhân về kinh tế là quyền tự do.
-  “Không được hoạt động kinh tế ngược lại lợi ích xã hội hoặc cách nào tạo ra nguy hại cho an ninh, tự do và phẩm giá con người.
-  Pháp luật thiết định các chương trình và các việc kiểm soát cần thiết để các hoạt động kinh tế công cũng như tư có thể định hướng và phối hợp nhằm mục đích xã hội” (Điều 41, đoạn 1, 2 và 3, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Để hiểu được mục đích của điều 41 vừa trích dẫn, thiết tưởng chúng ta nên lập lại điều 2 được Hiến Pháp tuyên bố như là mục đích tối thượng của thể chế Nhân Bản và Dân Chủ:

-  “Nền Cộng Hoà nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần xã hội, nơi mỗi cá nhân triển nở nhân cách của mình và đòi buộc bổn phận liên đới không thể thiếu về lãnh vực chính trị, kinh tế và xã hội ” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Yếu tố nhân bản được Hiến Pháp làm cho nổi bật trong câu tuyên bố vừa kể, yếu tố nhân bản đó đối với từng cá nhân riêng rẽ hay đối với cá nhân là thành phần các tổ chức xã hội trung gian cũng vậy.

Do đó mọi hoạt động kinh tế, mặc dầu “sáng kiến tư nhân về kinh tế là quyền tự do“, không thể nào đưa đến mối nguy hại cho “…an ninh, tự do và phẩm giá con người “.

Hiểu được như vậy, chúng ta hiểu được ý nghĩa các “chương trình và kiểm soát kinh tế ” được luật pháp thiết định.

Điều trước tiên ai trong chúng ta cũng đồng ý rằng chắc chắn các “chương trình và kiểm soát” được luật pháp thiết định đó không thể nào là những “mệnh lệnh từ trên phán xuống“.

Chúng ta đang ở trong một thể chế Dân Chủ tự do.

Chương trình và kiểm soát” là những đồ án cùng được soạn thảo chung với các chủ thể liên quan đến chương trình phát triển kinh tế và xã hội.

Điều đó có nghĩa là chương trình và các định chế kiểm soát phải được bàn cải và soạn thảo giữa các lực lượng chính trị, kinh tế và các Cộng Đồng hay tổ chức địa phương để nhằm đạt được mục đích, và dĩ nhiên là tiếng nói sau cùng là tiếng nói của Quốc Hội, cơ quan dân cử và là tiếng nói đại diện cho dân chúng của cả Quốc Gia, ” pháp luật thiết định các chương trình và kiểm soát cần thiết..” ( Trimarchi, Banfi- Berti- Roversi Monaco, Stato, regioni, enti locali nella programmazione economica, Giuffré, Milano, 1973, 258). ( Cf. TỰ DO KINH TẾ TRONG HIẾN PHÁP NHÂN BẢN).


C – Quốc Gia Tản Quyền.

Trái với quan niệm độc tài trung ương tập quyền của thể chế quân chủ, thể chế Phát Xít Ý, thể chế độc đảng, độc tôn và toàn trị của các Quốc Gia Cộng Sản, thể chế Nhân Bản và Dân Chủ của các Quốc Gia Tây Âu là những thể chế Dân Chủ Tản Quyền:

-  “Cộng Hòa Ý là một Quốc Gia duy nhứt, bất khả phân, nhận biết và khuyến khích các nền tự lập địa phương” (Điều 5, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Để thực hiện nguyên tắc vừa được tuyên bố, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc tiền liệu tổ chức các Vùng (Regioni) với quyền hạn và nhiệm vụ tự lập (Điều 115, id.).

Ngoài ra còn có các tổ chức cổ điển địa phương, tỉnh, xã ấp (Điều 114).

Các Vùng có quyền ban hành luật pháp trong một vài lãnh vực xác định và trong một vài giới hạn tự lập của mình, trong khi đó thì Vùng cũng có thể quản trị những lãnh vực mà luật quốc gia ban hành và giao cho Vùng hành xử (Điều 118, id.) ( Cf. TỰ LẬP VÀ TẢN QUYỀN: DÂN CHỦ THỰC HỮU BẮT ĐẦU TỪ ĐỊA PHƯƠNG).

Ngoài ra đặc tính tự lập và quyền hành được phân tán về địa phương đối với những lãnh vực có liên quan đến địa phương như vừa kể, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cũng giao cho các Cộng Đồng Địa Phương: Vùng, Tỉnh, Xã Ấp và các cơ chế địa phương nhiều quyền hạn liên quan đến đời sống của cả xứ sở.

Bởi lẽ tiếng nói của ngưòi dân cư ngụ trên một phần đất nào đó của Quốc Gia không hẳn chỉ là tiếng nói liên quan đến các vấn đề địa phương, mà cũng là tiếng nói của địa phương có thể liên quan đến nhu cầu và ước vọng của cả Quốc Gia.

Dân Chủ Đa Nguyên, Đa Dạng là vậy.

Các Cộng Đồng Địa Phương có quyền:

- 1) Đề xướng dự thảo luật Quốc Gia (Điều 71; 121, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),
- 2) Đề xướng trưng cầu dân ý bãi bỏ các điều khoản luật mà mình cho là không chính đáng, có hại cho cuộc sống Quốc Gia (Điều 75, id.),
- 3) Các đại diện Cộng Đồng Địa Phương có quyền tham dự, cùng chung với Quốc Hội Lưỡng Viện, bầu cử Tổng Thống (Điều 83, id.),
- 4) Sửa đổi và bổ túc các đạo luật về việc tu chính Hiến Pháp (Điều 138, id.),
- 5) Chủ Tịch các Cộng Đồng Địa Phương có quyền tham dự các phiên họp Nội Các của Chính Quyền ( E, Di Salvo, L’intervento dei Presidenti delle Regioni alle sedute del Consiglio dei Ministri, in Giustizia Civile, 1966, 65)

(Cf. DÂN CHỦ VÀ VAI TRÒ HIẾN ĐỊNH CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG).

Và rồi không những chỉ có các tổ chức, chính đảng, Cộng Đồng Địa Phương Vùng, Tỉnh, Xã Ấp mới có tiếng nói của mình trước Chính Quyền.

Ngay cả mỗi cá nhân cũng có quyền lên tiếng đạo đạt và lưu ý, phán đoán Chính Quyền để sao cho đường lối chính trị, chương trình thực hiện, tổ chức và cách hành xử của Chính Quyền luôn luôn được đáp lại trung thực lợi ích của người dân và của đất nước.

Đó là những gì đạo luật 241/ 90 đã được Quốc Hội chuẩn ý và có hiệu lực.

Người dân trong đạo luật là người dân có quyền

- 1) được tham dự vào các việc quản trị tài nguyên và các ngành phục vụ của xứ sở (Điều 7, đạo luật 241 / 90 Ý Quốc),
- 2) được thông báo các quyết định trong việc quản trị và phục vụ đất nước (Điều 3; 7; 22),
- 3) được Chính Quyền lắng nghe trình bày ý kiến (Điều 9 ; 10, id.).
- 4) được có người đặc trách trực tiếp trong Chính Quyền chịu trách nhiệm trả lời thoả đáng các câu hỏi của dân chúng về đường lối chính trị và hoạt động của Chính Quyền (Điều 4, id.),
- 5) không bị Chính Quyền coi rẻ, phải chờ đợi ngày nầy qua ngày khác để giải quyết vấn đề của mình (Điều 1; 18, id.),
- 6) được xác định rỏ đâu là bổn phận và đâu là quyền hạn phải được Chính Quyền tôn trọng (Điều 2: 19; 20),
- 7) được coi là thành phần đáng tin cậy đối với những gì mình tuyên bố, trả lời, tự chứng (Điều 18, id.).

Nói tóm lại đạo luật 241/90 Ý Quốc cho thấy người dân lúc nào cũng vẫn là chủ nhân của “quyền tối thượng của Quốc Gia thuộc về dân“, có quyền được trình bày và phán đoán đường lối chính trị và hành động của Chính Quyền trong việc hành xử quyền lực Quốc Gia. ( Cf. DÂN CHỦ, QUYỀN TỐI THƯỢNG CỦA NGƯỜI DÂN TRÊN CHÍNH QUYỀN).

D – Quốc Gia không giáo phẩm trị.

Tính cách không giáo phẩm trị (non confessionale) của Quốc Gia bắt nguồn từ những nguyên tắc của Hiến Pháp trong đó Quốc Gia

nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người, con người như cá nhân hay con người như thành phần tổ chức xã hội trung gian, nơi con người phát triển nhân cách của mình” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc).

Dĩ nhiên trong các quyền bất khả xâm phạm đó có quyền tự do tôn giáo, quyền

mọi người công dân đều có địa vị xã hội ngang nhau và bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt phái giống, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến , các điều kiện cá nhân hay xã hội ” (Điều 3, đoạn 1, id.).

Và đó là lý do tại sao Hiến Pháp tiếp tục tuyên bố:

-  “Mọi Cộng Đồng Tôn Giáo đều bình đẳng trước pháp luật ” (Điều 8, id.).
-  “Mọi người đều có quyền tự do tuyên xưng niềm tin tôn giáo của mình dưới bất cứ hình thức nào, cá nhân hay tập thể, có quyền tự do truyền bá và thực hiện phượng tự nơi riêng tư cũng như nơi công cộng, miễn là những nghi thức đó không đi ngược lại thuần phong mỹ tục” (Điều 19).

Và vì quan niệm tổ chức trong lãnh vực trần thế của Quốc Gia khác biệt với tính cách thiêng thánh của tôn giáo, nên Cộng Đồng Chính Trị và Cộng Đồng Tôn Giáo là những tổ chức tự lập, có quyền tối thượng, cần có sự tôn kính hỗ tương:

-  “Quốc Gia và Giáo Hội Công Giáo ( hay các tôn giáo khác cũng vậy) là những tổ chức độc lập và tối thượng, mỗi tổ chức trong lãnh vực của mình ” (Điều 7, đoạn 1, id.).

Nói như vậy không có nghĩa Quốc Gia là tổ chức “vô thần, vô tôn giáo“, tôn giáo muốn làm gì thì làm, mặc kệ, miễn là không động chạm đến lãnh vực “ phàm tục ” của Quốc Gia. Cộng Đồng Tôn Giáo và Cộng Đồng Chính Trị của Quốc Gia đều có cùng một mục đích

-  “…cho phép mỗi người phát triển hoàn hảo con người của mình và cộng tác một cách thiết thực vào tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội của xứ sở ” (Điều 3, đoạn 2, id.).

Do đó mặc dầu mỗi tổ chức “độc lập và tối thượng ” trong lãnh vực của mình, Cộng Đồng Tôn Giáo và Cộng Đồng Chính Trị luôn luôn hỗ tương hợp tác nhau để phục vụ con người, đạt được mục đích được điều 3, đoạn 2 Hiến Pháp 1947 xác định vừa kể (Cf. TƯƠNG QUAN TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ ).

E – Quốc Gia rộng mở ra Cộng Đồng Quốc Tế.

Tinh thần vừa được nêu lên, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đã dành nhiều điều khoản đề cập đến ( A. Cassese, Lo Stato e comunità internazioale, in Commentario della Costituzione , a cura di G. Branca, Zanichelli, Bologna-Roma, 1975, 461ss).

Quốc Gia cam kết soạn thảo định chế của mình phù hợp với luật lệ tổng quát quốc tế (Điều 10, đoạn 1, id.).

Quốc Gia cam kết đối đãi người ngoại quốc có được tư cách pháp nhân của người tỵ nạn, chỉ cần người ngoại quốc đương sự, nơi quê hương của mình, thực sự không được hưởng các giá trị con người được Hiến Pháp 1947 Ý Quốc cam kết (Điều 10, đoạn 2, id.).

Quốc Gia không hoàn trả và chuyển giao người tỵ nạn bị kết án về nguyên quán vì tội trạng chính trị và không chuyển giao cho bất cứ quốc gia nào, trong đó người bị kết án có thể bị án tử hình, vì quyền được bảo toàn mạng sống là một trong những quyền căn bản, nguyên thủy bất khả xâm phạm đối với tất cả các quyền khác của con người (Điều 10, đoạn 3, id.).

Quốc Gia loại trừ chiến tranh như là phương thế để giải quyết các mối mất hoà giữa các dân tộc, vi phạm đến tự do và độc lập của dân tộc khác.

Quốc Gia, trong các điều kiện đồng đẳng với các Quốc Gia khác, sẵn sàng giảm thiểu quyền tối thượng cần thiết của mình để bảo đảm hoà bình và công chính giữa các dân tộc (Điều 11, id.). ( Cf. QUỐC GIA VÀ CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ).

Đó là những gì Hiến Pháp 1947 Ý Quốc đã làm để thực hiện lý tưởng

nhận biết và bảo đảm các quyền bất khả xâm phạm của con người …” (Điều 2, Hiến Pháp 1947 Ý Quốc),

đối với bất cứ ai, bất cứ ở đâu, miễn con người đó là người đều được Hiến Pháp đứng ra nhận biết và bảo đảm.

Nói tóm lại không phải dân chủ nào cũng là dân chủ!

-  Dân chủ tự cho mình là ” …đội ngũ tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân và của cả dân tộc…” (Điều 4 Hiến Pháp 1992 CSVN)

là dân chủ tự phong tước cho và tước đoạt quyền tự do chính trị của người dân.

-  Dân chủ tập trung của điều 6 Hiến Pháp 1992 CSVN là dân chủ ngụy tạo. Nếu mọi quyền hành tập trung vào tay Đảng và các cán bộ của Đảng thì ai kiểm soát được giới lãnh đạo hành xử thế nào?

-  Dân chủ chỉ tuyên bố trên văn bản lý thuyết là dân chủ nửa chừng, ai có thể lấy gì làm bảo chứng cho những gì dân chủ tuyên bố trên lý thuyết sẽ được thực hiện và ai chịu trách nhiệm thực hiện.

Và như vậy chỉ có Dân chủ thực hữu,

-  khi chúng ta có sự đồng nhứt đường lối lãnh đạo Quốc Gia giữa giới lãnh đạo và người dân,
-  Dân chủ được kèm theo những đặc tính và cơ chế của dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp,
-  Dân Chủ đa nguyên đa dạng tạo được kiểm soát quyền lực và luân phiên lãnh đạo,
-  Dân chủ can thiệp để tạo điều kiện thăng tiến con người và đất nước,
-  Dân Chủ tản quyền,
-  Dân chủ không giáo phẩm trị,
-  Dân chủ rộng mở ra cộng đồng quốc tế
-  và Dân chủ tiền liệu các phương thế để những ước mơ dân chủ được thực hiện.

Đó là những đặc tính phải có của Dân chủ nơi các Quốc Gia văn minh trên thế giới.

Không phải chỉ nói “Dân Chủ ” là chúng ta có được Dân Chủ, Nhân Bản và Tự Do như chúng ta muốn. Muốn có “Dân Chủ “, chúng ta phải xác định “Dân Chủ như thế nào”, ” Dân Chủ với những đặc tính phải có ” , dùng trí óc và xăng tay áo tiền liệu các phương thức và hành động như người Đức, người Ý để có được Dân Chủ Thực Hữu cho đất nước.

Nguyễn Học Tập
Tháng 5, 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh minh họa: VNTB

Đừng vội mừng khi Chính phủ lại tăng lương dồn dập

Tăng lương cơ bản chỉ dành cho công nhân viên nhà nước và sẽ đem đến niềm vui cho một nửa đồng bào cả nước nhưng cũng [sẽ] làm cho một nửa đồng bào cả nước trong khu vực tư nhân và lao động tự do méo mặt. Lương tăng nhưng lạm phát cũng sẽ không đứng im hay chỉ trong tầm mục tiêu.

Vietnam Airline "cân nhắc" việc mua máy bay C919 Trung Quốc. Ảnh chụp trang nguoiquansat.vn

Tính mạng người dân Việt Nam không phải thứ để đem ra gỡ khó cho Vietnam Airlines

Theo thông tin từ nguoiquansat.vn đưa tin, do thiếu máy bay nghiêm trọng, Vietnam Airlines cân nhắc mua tàu bay từ Trung Quốc. Cụ thể ở đây là máy bay thân hẹp 919 mà Trung Quốc vừa ra mắt.

Theo tôi được biết, hiện C919 của Trung Quốc chưa được EU và Mỹ cũng như các quốc gia phát triển cấp phép bay và cấp chứng nhận an toàn hàng không. Theo các chuyên gia, có thể mất ít nhất vài năm nữa. Vậy nếu Vietnam Airlines mua thì chỉ bay nội địa sao? Và liệu tính mạng của người dân Việt Nam có được đảm bảo an toàn, hay chỉ đáng giá giải quyết khó khăn cho Vietnam Airlines.

Tình trạng đáng báo động, cán bộ nhà nước ngày càng giàu có, sống xa hoa bất thường so với mức lương nhận lãnh. Ảnh minh họa: FB Manh Dang

Có cần quan tâm đến thời cuộc hay không?

– Nếu bạn vẫn ung dung trả 100.000 đồng để mua xăng dù vẫn biết trong đấy chỉ có 45.000 đồng là giá xăng, nhưng có đến 55.000 đồng là thuế phí các loại, chưa kể đến yếu tố chúng ta là một quốc gia xuất khẩu dầu hỏa,

– Nếu bạn chấp nhận như lẽ đương nhiên khi con cái bạn rời ghế nhà trường mà không thể kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng không thích ứng được với công việc vì sự đào tạo kém cỏi của hệ thống giáo dục,

-…

Ảnh minh họa: Foreign Affairs

Những bài học lịch sử về Nga của Tập Cận Bình

Là con trai của một người có liên quan nhiều đến quan hệ giữa đất nước mình với Moscow, Tập Cận Bình hiểu rõ lịch sử. Lịch sử đã dạy cho ông bài học về những nguy hiểm của việc vội vàng liên kết lẫn việc thù địch toàn diện. Giờ đây, Tập muốn được hưởng lợi từ chiếc bánh – tiến đủ gần đến Nga để gây rắc rối cho phương Tây, nhưng không quá gần đến mức buộc Trung Quốc phải phân tách hoàn toàn.