Bản Chất Những Nan Đề Của Dân Tộc Việt Nam

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Dân tộc Việt Nam đấu tranh không chỉ để có tự do dân chủ và xã hội đa nguyên. Tuy dân chủ đa nguyên và nhân quyền đang là mục tiêu nhắm tới để tạo những sức ép cần thiết lên đảng Cộng sản Việt Nam phải chấp nhận những thay đổi tốt đẹp cho đất nước; nhưng đó không là cứu cánh cuối cùng của cuộc cách mạng Việt Nam. Đó chỉ là điều kiện thiết yếu của tiến trình canh tân. Bởi vì con đường đưa Việt Nam ra khỏi bế tắc, nghèo đói và tạo điều kiện vươn lên đòi hỏi rất nhiều ở nỗ lực canh tân về ý thức dân chủ của cả xã hội, chứ không chỉ nằm ở cách tổ chức hay sắp xếp guồng máy nhà nước theo sự chọn lựa dân chủ như các mô hình của phương Tây. Đã quá hiển nhiên là sự trì trệ và chậm tiến của Việt Nam trong vòng 150 năm trở lại đây không chỉ bắt nguồn từ sự mất tự do hay thiếu dân chủ của đất nước, mà quan trọng và căn bản hơn, là những người lãnh đạo đã thiếu một tầm nhìn viễn kiến, không ý thức được tầm quan trọng của cải cách để theo kịp những đổi thay của thế giới bên ngoài. Vì vậy mà Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để canh tân.

1.

Vào cuối thế kỷ 19, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp chậm tiến nhưng có tiềm năng sản xuất lúa gạo không thua sút các quốc gia trong vùng. Dưới thể chế quân chủ, nước ta gặp những vấn đề đồng dạng với các lân quốc. Điểm thua thiệt của nước ta thời đó là hệ thống vua quan bên trên trị nước bằng tinh thần bảo thủ, lo cho ngai vàng hay hội thơ riêng nhiều hơn là cho vận mệnh đất nước. Thành phần sĩ phu trung gian, phần đông cũng chịu ảnh hưởng của hệ thống khoa cử từ chương, không mở mang kiến thức để theo kịp đà tiến hóa bên ngoài. Trong khi đó, tuyệt đại đa số người dân thì sống bằng nghề nông, tuy không quá nghèo đói, nhưng thực sự khổ nhọc. Hai nguyên nhân chính được nêu lên là:

Thứ nhất, xã hội hoàn toàn không được cải tiến, rập khuôn sinh hoạt theo mô hình giáo huấn xưa cũ vốn dĩ nặng tính hạn chế và cam chịu, làm cho tư duy của toàn thể dân tộc bị xơ cứng trước làn sóng văn minh kỹ thuật của phương Tây.

Thứ hai, chính sách bế quan tỏa cảng, không chịu mở cửa giao lưu, và không biết thích nghi với trào lưu tiến hóa như một số dân tộc khác, khiến cho nước ta bị xâm lăng, mất chủ quyền và chịu cái nhục đô hộ của người phương Tây.

Suốt từ năm 1858 trở đi, nước ta chẳng những không tiến bộ thêm được chút nào, mà lần lượt từng phần chủ quyền nước nhà rơi vào tay người Pháp. Cả hai vấn nạn bị đô hộ và lạc hậu đã tròng chéo nhau, thúc giục nhiều thế hệ con dân Việt Nam vùng lên chiến đấu. Cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược là một chuỗi lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam. Nhưng, nếu đã vì không được canh tân mà nước ta bị mất chủ quyền, thì cũng chính vì yếu kém về kỹ thuật, công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc càng gánh chịu thêm nhiều tổn thất nặng nề với nhiều thế hệ thanh niên quả cảm đã hy sinh oan uổng mà không đạt được thắng lợi như dân tộc mong muốn.

Cuộc đấu tranh chống nghèo nàn lạc hậu lúc bấy giờ lại càng thảm hại hơn. Đất nước không theo kịp cuộc cách mạng kỹ nghệ phương Tây, ách đô hộ của thực dân Pháp lại đè nặng lên cả dân tộc, mặc dù họ mang quân sang xâm lăng với chiêu bài khai hóa. Chính sách thực dân áp đặt từ thượng tầng vua quan xuống tới hạ tầng xã hội nước ta thời đó thực sự đã khóa chặt những cửa ngỏ cải cách. Song song, những nỗ lực dồn mọi cách gỡ bỏ ách đô hộ càng được gia tăng thì càng làm giảm thiểu ưu tiên xây dựng.

Quan hệ tròng chéo của hai vấn đề độc lập và canh tân là một bài toán nan giải bấy giờ.

Cụ Phan Bội Châu nhìn thấy người Nhật có nhiều điểm tương đồng văn hóa và nhờ biết canh tân mà hùng mạnh nên đã hô hào thanh niên tham gia phong trào Đông Du cầu học để gây sức mạnh đấu tranh, đồng thời cụ đã sang Nhật vận động sự yểm trợ để đánh lại thực dân Pháp, nghĩ rằng cùng giống da vàng hẳn cùng chung lo mối họa bạch quỷ. Nhưng cuộc vận động của cụ Phan đã không thành, vì mục tiêu của Nhật Bản không giống mục tiêu của Việt Nam. Vì thế mà con đường vừa canh tân xây dựng sức mạnh vừa tranh đấu giành độc lập của cụ Phan Bội Châu đã không đạt kết quả.

Đồng thời với những nỗ lực đấu tranh của cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh quan niệm canh tân là ưu tiên chủ yếu để tạo sức mạnh dân tộc, nên đã đấu tranh ôn hòa đòi Pháp thực thi khẩu hiệu “tự do – dân chủ – bình đẳng – bác ái” và thực tâm khai hóa dân Việt như Pháp đã tuyên truyền. Cụ Phan Chu Trinh đề xướng xóa bỏ chế độ quân chủ lỗi thời và xây dựng nền tảng dân chủ bằng chiến lược tạm cộng tác với thực dân Pháp hầu vận động các quyền tự do và dân chủ, sau khi đã có nền dân chủ, ta mới tranh đấu để giành lại độc lập từ tay người Pháp. Chủ trương canh tân rồi sẽ độc lập của cụ Phan Chu Trinh tuy có ảnh hưởng sau này nhưng từ khi cụ mất vào năm 1925, chẳng mấy ai theo nghiêm chỉnh. Trên thực tế, người hợp tác với Pháp thì có nhưng dừng lại ở đó, ít ai dám dấn thân đấu tranh đòi hỏi như cụ Phan Chu Trinh.

Những quan điểm của cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, nhất là ý thức quốc gia dân tộc, đã đưa đến sự hình thành nhiều đảng phái đấu tranh cho mục tiêu độc lập dân tộc. Tiêu biểu là Việt Nam Quang Phục Hội, được cụ Phan Bội Châu thành lập đầu tiên từ những năm 1904-1905 và kéo dài ảnh hưởng đến mấy thập niên sau trong nhiều tổ chức kháng thực khác. Sau đó, Việt Nam Quốc Dân Đảng, được đảng trưởng Nguyễn Thái Học thành lập năm 1927 và đã châm ngòi cho cuộc khởi nghĩa năm 1930 tại nhiều nơi, đặc biệt nhất là tại Yên Báy. Những năm sau đó, nỗ lực đấu tranh của người quốc gia cũng đã thúc đẩy sự hình thành của nhiều đảng phái khác như Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Tân, Việt Nam Độc Lập Đảng, Đại Việt Dân Chính…. nhưng nói chung là những đảng phái này chưa vượt qua giai đoạn củng cố về mặt tổ chức, huấn luyện cán bộ và nhất là thiếu phương tiện một cách trầm trọng, nên khó phát triển và tạo một sự hậu thuẫn mạnh mẽ trong quần chúng. Trong cùng giai đoạn này, đất nước ta đã có thêm hai tôn giáo mới đươc khai sinh là Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Huỳnh Phú Sổ và Đại Đạo Cao Đài của Đức Phạm Công Tắc, góp phần đấu tranh cho nền độc lập dân tộc.

2.

Khuôn khổ đấu tranh kháng thực ở Việt Nam chỉ bắt đầu thay đổi đáng kể khi có sự xuất hiện của đảng Cộng sản trên đất nước ta. Từ năm 1930, khi COMINTERN đề xuất ra chủ trương mới cho khuynh hướng Đệ Tam Quốc Tế là cộng tác với các “khuynh hướng tư sản” trong một chiến lược chính trị là “Mặt Trận Bình Dân” để lợi dụng các khuynh hướng này mà phát triển đường lối cộng sản. Chủ trương mới này đã ảnh hưởng đến nhóm cộng sản tại Việt Nam trên hai bình diện: Thứ nhất là theo đó, Hồ Chí Minh đưa ra chiêu bài giả trá là liên minh với các khuynh hướng quốc gia để cùng đánh đuổi thực dân Pháp. Thứ hai là Hồ Chí Minh lợi dụng sự hiện diện của đảng Cộng sản Pháp trong bộ máy chính trị của thực dân Pháp (như trong những năm 1936 và năm 1946) để củng cố thế lực và tiêu diệt các đảng phái khác. Vì vậy mà trong giai đoạn kéo dài từ 1940 đến 1954, hoàn cảnh đấu tranh của nước ta tạo thành thế chia ba giữa phe quốc gia, phe cộng sản và phe thực dân Pháp.

Tình trạng chia ba và đường lối gian xảo của phe cộng sản do Liên Xô chỉ đạo đã đưa đến nhiều giai đoạn liên minh song phương. Khi thì phe cộng sản liên minh với phe quốc gia trong cùng một mặt trận liên hiệp chống thực dân, khi thì phe cộng sản bắt tay với thực dân Pháp để tiêu diệt phe quốc gia và khi thì phe quốc gia cộng tác với phe thực dân Pháp để ngăn chận sự bành trướng của phe cộng sản. Điểm đáng nói là trong lúc phe quốc gia chỉ nhắm vào mục tiêu chiến đấu chống thực dân Pháp thì ngược lại, phe cộng sản, vì đã theo đúng các chỉ thị của điện Cẩm Linh và nhận được hậu thuẫn về phương tiện của Liên Xô để thiết lập chế độ cộng sản bằng mọi giá, nên họ đã không hề nhầm lẫn chút nào về lằn ranh quốc – cộng. Sứ mệnh của Hồ Chí Minh là sử dụng chiêu bài “chống xâm lăng giành độc lập” để huy động lòng yêu nước của người Việt thành sức mạnh đáp ứng cho nhu cầu ưu tiên của họ là tiêu diệt phe quốc gia hầu cướp chính quyền, đặt nền tảng thống trị và biến đất nước thành xã hội vô sản chuyên chính.

Tại họa của dân tộc Việt Nam tượng hình kể từ mốc điểm gọi là cuộc “cách mạng tháng Tám”, 1945.

Tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp, rồi trao quyền lại cho chính phủ Trần Trọng Kim. Trung tuần tháng Tám năm 1945, sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh, quân Nhật ở Việt Nam nằm chờ quân đồng minh tới giải giới. Triều đình bất lực, chính phủ không thực quyền, Nhật thụ động, Pháp lăm le trở lại, các chính đảng quốc gia thiếu liên đới, trong lúc đảng cộng sản chờ lệnh Liên Xô. Việt Nam rơi vào khoảng trống chính trị. Trong bối cảnh đó, dân chúng đang khát khao độc lập, mong có một sự xác nhận chủ quyền, một cuộc đổi đời, nên đã đông đảo xuống đường đòi độc lập, quyết tranh đấu giành lại quyền tự chủ của quốc gia, cho cả ba miền từ tay thực dân Pháp và phát xít Nhật, trong ba ngày 17, 18 và 19 tháng 8 năm 1945, trước thái độ bất can thiệp của quân đội Nhật. Những cuộc biểu tình trong sáng này đã là sự biểu hiện quy mô đầu tiên của lòng yêu nước và tinh thần độc lập trong lịch sử đấu tranh chính trị quần chúng tại Việt Nam.

Quần chúng tham dự đều vì lòng nhiệt thành yêu nước và hoàn toàn vô tình với đảng Cộng sản Việt Nam. Không một khẩu hiệu hay biểu ngữ nào đòi cải tạo xã hội theo mô thức Xô Viết. Cho đến ngày 19 tháng 8, cán bộ cộng sản, dưới tên Việt Minh lúc bấy giờ, mới lẫn lộn trong đoàn người biểu tình, tung ra những lá cờ đỏ sao vàng và bắn những phát súng lục áp đảo, gian trá cướp lấy thế nhân dân, và biến cuộc cách mạng giành độc lập của dân tộc thành ngày cướp chính quyền cho phe cộng sản. Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam gọi đó là cuộc “cách mạng tháng Tám” để thổi phồng thành quả cho tương ứng và rập khuôn với “cách mạng tháng Mười” của Liên Xô trước đó. Sau khi cướp được chính quyền, Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã vừa tự tay, vừa mượn tay quân Pháp mà Hồ Chí Minh đã triệu thỉnh từ miền Nam ra miền Trung và Bắc, để nhanh chóng loại bỏ và tiêu diệt những thành phần dân tộc không cộng sản.

Đặc biệt, sau khi giành thế chủ động trên đất nước vào năm 1946, đáng lý ra Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam phải tiến hành chủ trương đại đoàn kết dân tộc như họ từng hô hào; nhưng thay vì dồn nỗ lực tạo đoàn kết toàn dân, Hồ Chí Minh và đảng Cộng sản Việt Nam lại dựa vào hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc để tiêu diệt các lực lượng dân tộc và triệt để áp dụng khuôn mẫu cải tạo xã hội Việt Nam theo đường lối Mác Lê một cách sắt máu. Các chính sách đấu tố “cải cách ruộng đất”, hệ thống tem phiếu, hộ khẩu và hợp tác xã Xã hội chủ nghĩa… là những vết nhơ không phai trong lịch sử cận đại Việt Nam. Bước nối dài của nó là việc chia cắt đất nước, dẫn tới cuộc chiến khốc liệt nhằm cưỡng chiếm miền Nam để bành trướng chủ nghĩa vô sản trên toàn cõi đất nước. Các chính sách kinh tế mới, tù cải tạo, đánh triệt “tư sản mại bản”… tiếp đó là những vết thương phân hóa mới của dân tộc. Hậu quả là sau 3 thập niên (1945-1975) cai trị ở miền Bắc và gần 3 thập niên (1975-2004) thống trị trên toàn thể đất nước, đảng Cộng sản Việt Nam đã biến Việt Nam thành một địa ngục trần gian mà không bút mực nào có thể tả xiết.


3.

Vào cuối thập niên 80, sự tan rã của khối cộng sản quốc tế tại Liên Xô và Đông Âu cũ là một cơ hội tốt cho những người lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nhìn lại bế tắc lớn của chủ nghĩa Mác Lê trong vấn đề mang lại hạnh phúc và ấm no cho dân tộc. Nhưng rất tiếc là giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cố bám víu vào mục tiêu duy trì quyền lực độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam và quyền lợi của từng cá nhân. Khẩu hiệu “giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa” trở thành chiêu bài mới mà Hà Nội quyết thực hiện bằng mọi giá để đạt mục tiêu vừa nói. Hậu quả là ngay vào thời điểm nhân loại hân hoan bước vào thế kỷ 21 bằng những bước tiến dài do cuộc cách mạng tin học mang đến và đang sôi nổi cạnh tranh nhau trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu hóa, thì Việt Nam vẫn còn là một quốc gia lạc hậu trong lời khẩn cầu thế giới hỗ trợ cho những chính sách “xóa đói giảm nghèo”. Về mặt tinh thần, một hậu quả nghiêm trọng khác là sau nhiều năm dài chiến tranh và phân hóa, người dân Việt Nam đã nhuốm thói quen chán nản, buông xuôi, mất dần hy vọng và nghị lực để vươn lên, vì những yếu tố có thể tạm liệt kê như sau:

- Một, người dân bị tước mất mọi thứ nhân quyền căn bản, nên không được đối xử một cách xứng đáng hay được chăm lo những phúc lợi tối thiểu của một con người.

- Hai, người dân bị tước mất mọi thứ dân quyền căn bản nên không thể chọn lựa cho chính mình, cho gia đình mình một cuộc sống ổn định và có ý nghĩa trong xã hội.

- Ba, người dân bị tước mất những điều kiện tối thiểu cần được tôn trọng để xây dựng một tương lai riêng tư và góp phần phát triển xã hội.

- Bốn, vì phải đối diện thường trực với bạo lực khủng bố, người dân Việt Nam tự ti về thân phận yếu kém và đã đánh mất niềm tự hào về đất nước và con người Việt Nam.

Năm 1986, đảng Cộng sản Việt Nam đã hô hào cởi trói tư duy bằng thái độ nhìn thẳng vào sự thật để tiến hành chính sách đổi mới nhằm giải quyết những khó khăn chồng chất từ khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa”. Đến khi biến cố Đông Âu và Liên Xô dồn dập xảy ra với sự thắng thế ngày một dâng cao của trào lưu dân chủ, giới lãnh đạo Hà Nội đã hoảng sợ, vội vàng đóng sập cánh cửa đổi mới vào năm 1990. Sau đó, đổi mới không còn là chính sách, nó chỉ được gán tên cho những biện pháp cấp thời. Nhìn chung, sau 15 năm đảng Cộng sản Việt Nam bị áp lực phải lấy những bước lùi chiến thuật gọi là đổi mới, sinh hoạt của xã hội Việt Nam về mặt đời sống đã có một số những thay đổi tương đối khá hơn thời kỳ bao cấp; nhưng về căn bản vẫn là một xã hội nghèo nàn và trụy lạc mọi mặt. Bởi vì chính sách đổi mới của đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là hình thức của những biện pháp thoát hiểm cho chính chế độ độc tài, hơn là để giải quyết những nan đề căn bản của quảng đại quần chúng. Rốt cuộc là từ đó cho đến nay, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục hô hào đổi mới nhưng không còn ai tin tưởng nữa. Trên thực tế, tình trạng đổi mới nửa vời đó đã dẫn đến những nguy cơ mới, cho chế độ Hà Nội và cho cả dân tộc Việt Nam.

Đối với chế độ Cộng sản Việt Nam, chính Hà Nội đã lo sợ một viễn cảnh chệch hướng và mất quyền. Quan trọng hơn, đối với dân tộc Việt Nam, nguy cơ tụt hậu đan xéo với nguy cơ bất ổn định do những biến thái của một xã hội nông nghiệp chậm tiến trong một nền kinh tế thị trường hoang dã hiện nay, đã khiến cho các nan đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường sinh thái… ngày càng trở nên trầm trọng hơn và lần lượt vuột ra khỏi tầm dự kiến cũng như khả năng giải quyết của lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam. Với đà này, cộng thêm chủ trương bưng bít thông tin và thói quen quan liêu tham nhũng của đảng viên Cộng sản Việt Nam đã thành truyền thống, đất nước Việt Nam sẽ còn tụt hậu xa hơn và người dân Việt Nam sẽ còn nghèo dốt lâu hơn. Bởi vì bản chất của những nguy cơ nói trên không chỉ đòi hỏi các giải pháp rốt ráo về mặt chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật… Bản chất của những nguy cơ đó nằm ngay nền tảng tinh thần: Mọi suy nghĩ trong sáng, mọi nếp sống lành mạnh và mọi khát vọng cầu tiến của người dân đã bị đảng Cộng sản Việt Nam xóa sạch sau nửa thế kỷ xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa”. Vì vậy, đảng Cộng sản Việt Nam chẳng những là tác nhân gây ra bế tắc cho đất nước, đã không có khả năng vượt thoát ra khỏi các bế tắc đó, mà còn là một chướng ngại lớn trong nhiều chướng ngại canh tân cần phải giải quyết. Thật vậy, những chướng ngại của tiến trình canh tân Việt Nam hiện nay đến từ nhiều nguyên do: những trì lực của xã hội phong kiến cũ, những áp chế tư tưởng một chiều gắn sâu vào tư duy đảng viên và quần chúng, những khủng bố bằng bạo lực của chế độ độc tài v.v…. Chướng ngại lớn nhất gây ra từ đảng Cộng sản Việt Nam chính là sự chuyên quyền ngoan cố của một thiểu số lãnh đạo nhằm triệt tiêu mọi tư duy sáng tạo, loại bỏ mọi đường hướng đúng đắn và rốt ráo, trù dập trí thức cùng những nhân sự viết kiến nghị cải cách, và làm triệt tiêu mọi năng lực cần thiết của người dân cho tiến trình đổi mới hiện nay.

4.

Nhìn ngược lại dòng lịch sử cận đại, chúng ta có thể tóm lược những bế tắc về phát triển của Việt Nam như sau:

- Giai đoạn 1858-1945: Bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Nỗ lực giành độc lập có ưu tiên cao nhất. Trong thời kỳ này, đảng Cộng sản Việt Nam đã có góp phần vào nỗ lực đấu tranh giành độc lập nhưng do tham vọng khống chế đất nước theo chủ nghĩa cộng sản nên đã thẳng tay tiêu diệt các lực lượng dân tộc không cộng sản làm suy yếu tiềm lực đấu tranh của dân tộc rất nhiều vào những giai đoạn sau đó.

- Giai đoạn 1945-1975: Bị chi phối bởi hai dòng ý thức hệ. Một bên nỗ lực nhuộm đỏ cả nước. Một bên dựa vào đồng minh trong nỗ lực gìn giữ sự tự do cho nửa nước.

- Giai đoạn 1975 tới nay: Bị thống trị bởi một đảng cầm quyền đứng trên dân tộc, thu đoạt, vơ vét tài nguyên đất nước, áp bức và trù dập đồng bào để giữ chặt quyền lực thống trị.

Giải quyết bài toán bế tắc của Việt Nam hiện nay, trong bối cảnh của một xứ sở bị tụt hậu quá xa và một dân tộc bị xói mòn ý chí vươn lên, phải là một cuộc cách mạng toàn diện và xuyên suốt. Cuộc cách mạng này không những xóa bỏ mọi hình thức áp bức, bóc lột; mà còn xóa sạch nguồn gốc đẻ ra áp bức, bóc lột là chế độ chuyên chính vô sản dùng đấu tranh giai cấp để khống chế con người và xã hội. Cuộc cách mạng này còn nhằm xóa bỏ hệ tư tưởng, nếp sống và thói quen hủ lậu đã hằn sâu trong tâm khảm của người Việt qua nhiều hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước. Nhưng, nhiệm vụ căn bản và thiết yếu nhất của cuộc cách mạng này không chỉ là xóa bỏ những tàn tích của chế độ chuyên chính hay gỡ bỏ những tiêu cực của xã hội hiện thời, mà còn là để xây dựng một con người Việt Nam mới và một xã hội Việt Nam hoàn toàn mới.

Tuy nhiên, khi nghĩ đến việc xây dựng một xã hội mới, phần đông dễ liên tưởng ngay đến thể chế chính trị và các cơ chế dân chủ điều hành quốc gia. Điều này quả cần thiết, nhưng do nhu cầu nhận định tổng quan cho một đất nước chịu đựng hậu quả khốc liệt và lâu dài của một chế độ độc tài chuyên chính vô sản cộng với lề thói cai trị phong kiến, đặc biệt là Việt Nam, chúng ta cần thống nhất với nhau một quan niệm bao quát có tính chất căn bản và cốt lõi hơn về tính liên hệ mật thiết giữa con người và môi trường sống chung quanh. Không thể tiến hành canh tân đất nước khi chính con người trong đất nước đó chưa thoát ra khỏi những ràng buộc giáo điều, thiển cận. Ngược lại, cũng không thể canh tân con người trong một môi trường sống tha hóa luôn luôn thúc đẩy con người làm những điều sai trái để tồn tại mà lại coi đó là bình thường. Vi vậy, con người và môi trường xã hội là hai thực thể không thể tách rời nhau trong mọi điều kiện không gian và thời gian. Môi trường xã hội Việt Nam hiện nay là môi trường sống đã bị chủ nghĩa xã hội điều kiện hóa qua nhiều thập niên liên tục. Trong đó, nhân phẩm, tư tưởng, lề thói, cách sinh hoạt của người Việt Nam đã bị đảo lộn, hủy hoại hay xói mòn, mất đi nét tinh túy Việt Nam của tổ tiên bao đời truyền lại.

Phương cách cải tạo đồng bào thành những “con người mới xã hội chủ nghĩa” của đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không để giúp thăng hoa con người; mà thực chất chỉ nhằm tạo ra một tập hợp quần chúng khiếp sợ các biện pháp cai trị tàn độc của đảng, hầu lãnh đạo tiếp tục giữ được độc quyền độc tôn cai trị trường cửu. Chính vì vậy, sinh hoạt xã hội bị o ép mọi mặt, khiến tầng lớp “con người mới xã hội chủ nghĩa”, từ trong đảng ra tới bên ngoài, tự động trang bị loại triết lý “sinh tồn bằng bản năng”. Đặc tính gian dối, lừa đảo, tha hóa, nịnh bợ, cửa quyền v.v… trở thành tiêu chuẩn sống còn hay “vươn lên” trong xã hội đó, tạo ra những tệ nạn dây chuyền tất yếu và khó chữa, hủy diệt hầu hết mọi tiềm năng phát triển của đất nước. Mô thức xã hội vô luân thường và phi luật pháp đó lại tác động ngược lên trên từng con người, từng gia đình trong xã hội, khuyến khích con người không từ nan bất cứ hành động nào cho lợi ích cá nhân. Và cứ thế, dưới sự cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam, con người cùng xã hội lần lượt đẩy nhau xuống tận cùng vực sâu nghèo đói, lạc hậu. Chỉ có đảng Cộng sản Việt Nam, đứng trên và đứng ngoài xã hội đó, là được hưởng vinh quang bằng khẩu hiệu rỗng và tài sản thật.

Do bản chất dính liền của hai yếu tố con người và môi trường xã hội, nên tiến trình canh tân con người sẽ tạo tác động hỗ trợ trực tiếp cho canh tân môi trường xã hội, và ngược lại, canh tân môi trường xã hội sẽ tạo thêm điều kiện để giúp con người thăng hoa. Hai tiến trình này có đi đôi đồng bộ với nhau, xứ sở mới phát triển, dân mới giàu, nước mới mạnh. Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng chủ trương tiến hành cuộc cách mạng canh tân để con người trước tiên tự làm chủ chính mình hầu góp sức làm chủ xã hội, đất nước mình, với mục tiêu sau cùng là Dân Giàu Nước Mạnh.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 15 – 21/4/2024

Nội dung:

– Hawaii tổ chức Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương;
– Ghi ân công đức Quốc Tổ Hùng Vương tại Paris;
– Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội; Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) tại Genève, Thụy Sĩ;
– Kêu gọi tham gia Biểu tình và Văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR vào hai ngày 7 và 8/5, 2024 tại Genève, Thụy Sĩ.

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.