Con “cá gỗ” của ngài “tưởng thú”

Tân Phong

Công nhân một công ty may mặc. Ảnh: Internet

Những chuyên gia Ngân Hàng Thế Giới và Ngân Hàng Đầu Tư Phát Triển Á Châu vào trung tuần tháng Chín vừa qua nói rõ “Việt Nam chỉ bảo vệ túi tiền ngân sách hơn là bảo toàn động lực tăng trưởng” và chỉ trích đường lối chống dịch cực đoan cũng như cách thức điều hành rối loạn, quan liêu đã gây ra khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Với hơn 200.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong hai năm liên tiếp khiến cho động lực kinh tế bị bào mòn trong khi chi phí đầu vào của mọi ngành sản xuất kinh doanh đang chịu áp lực cực lớn bởi lạm phát và chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Gần đây, đề nghị của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư Việt Nam gói kích thích kinh tế 800.000 tỷ đồng khiến dư luận quan tâm.

Tuy vậy, ngay cả giới báo chí trong nước cũng hoài nghi về tính khả thi của gói kích thích kinh tế này. Vấn đề là nguồn tiền này từ đâu ra, làm sao có thể huy động và thu xếp số tiền này, cũng như việc giải ngân hiệu quả thì là một câu chuyện hoàn toàn khác. Dường như, câu chuyện về những gói kích thích khổng lồ của CSVN giống như “con cá gỗ” trong dân gian của xứ Thanh Hóa – quê hương ngài thủ tướng.

Chuyện kể rằng, ngày xưa có một gia đình ở xứ Thanh nghèo lắm, cơm thường độn khoai sắn, ăn với muối. Chẳng mấy khi những đứa trẻ được biết tới miếng thịt, con cá, ngoại trừ lễ tết hiếm hoi. Ao ước của mấy đứa nhỏ là bữa nào cũng được ăn cơm với cá. Người cha là một nông dân Thanh Hóa nghĩ ra một kế. Ông ta đẽo một con cá gỗ rất to và treo lên xà nhà. Ông bảo với mấy đứa nhỏ. “Tao cho mấy đứa con cá. Cá lớn nhưng mặn lắm, phải ăn dè. Mấy đứa ăn miếng cơm, thì nhìn con cá, chép miệng một cái, nghĩ như lúc tụi bay cắn miếng cá vậy. Đừng chép miệng hai ba cái, mặn khát nước chết đó con!” Bọn nhỏ nhìn thấy con cá to treo trên xà nhà, nghĩ như có cá thật, vui mừng khôn xiết. Tới bữa, đứa nào đứa đó quên lời cha dặn, mỗi miếng cơm khoan độn, lại ngửa cổ lên xà nhà, “chép” miệng liên tục. Vậy mà cũng ganh tị nhau, mách với bố “Anh Tí chép tới 3 miếng; Chị Na chép liên tục…” Ông nông dân Thanh Hóa dọa “Kệ nó, ăn tham thì khát nước chết đó mầy.

Những con số khó có thể đếm có bao nhiêu chữ số 0 của các gói kích thích kinh tế mà giới chức CSVN tuyên bố không có bất cứ căn cứ thực thi nào. Đám truyền thông “lề đảng” dựa trên những đề nghị của các địa phương, bộ ngành và cả nhóm lợi ích… đưa ra các nhu cầu gói trợ giúp hoặc kích thích kinh tế trong địa hạt, lĩnh vực của mình. Cơ quan tham mưu của hệ thống quan liêu tổng hợp nặn ra con số theo kiểu “bốc thuốc lang băm,” để đọc trên nghị trường. Những “lãnh đạo” xướng lên trước Quốc Hội nghị gật để “bàn” cho xôm trò. Điều quan trọng nhất là “Tiền từ đâu?” và căn cứ nào để thực hiện những kế hoạch này hay không thì không một ai nói cho rõ ràng. Việc huy động vốn bằng trái phiếu chính phủ ngày càng kém khả thi ngay ở thị trường tài chính trong nước, chứ đừng nói là nước ngoài.

Chỉ cần xem việc giải ngân những khoản trợ giúp dân sinh và kích thích kinh tế trước đó như gói 30.000 tỷ, 62.000 tỷ mà giới chức CSVN tuyên bố. Sau 2 năm, tỷ lệ giải ngân dưới 40% đối với gói 62.000 tỷ và dưới 10% với gói 30.000 tỷ. Đó là chưa kể vô vàn những tiêu cực phát sinh trong công tác phân phối và triển khai những gói tài chính này. Hay việc thành phố HCM trong nhiều tháng qua kêu gào xin cứu trợ 28.000 tỷ đồng để cứu trợ khẩn cấp 4,7 triệu dân nghèo và phục hồi kinh tế mà trung ương nín thinh. Đáng chú ý, số tiền 28.000 tỷ mà thành Hồ xin hỗ trợ chỉ tương đương thu ngân sách của thành phố trong 1 tháng ở thời điểm trước cơn dịch bệnh bùng phát.

Đầu tàu kinh tế số 1 quốc gia không những hết “dầu,” kiệt quệ mà ngân sách trung ương cũng như cái mền rách không thể cứu trợ. Thậm chí, tỷ lệ thu ngân sách mà thành Hồ được giữ lại vẫn chỉ là 18% sau rất nhiều đề nghị từ thời Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Thành Phong cho tới Nguyễn Văn Nên, Phan Văn Mãi. Tỷ lệ % điều tiết ngân sách được giữ lại này không đủ để đầu tư phát triển, bảo trì hạ tầng cũ ngay cả trước thời điểm xảy ra cơn dịch bệnh Covid-19. Hiện nay, thu ngân sách trên địa bàn thành phố đã giảm tới 80%, vậy thì chắc chắn thành phố không đủ tiền để chi trả cho đội ngũ viên chức hiện tại. Tình trạng hàng loạt các nhân viên y tế ở thành Hồ đã nghỉ việc và nhiều bệnh nhân Covid-19 không được chăm sóc và điều trị đã cho thấy ngân sách đã cạn kiệt.

Với tình trạng này, đầu tàu kinh tế phía Nam không những không thể phục hồi trong ít nhất 5 năm tới đây mà thậm chí còn lún sâu hơn vào khủng hoảng và sụp đổ.

Những khoản “giảm thuế” được vẽ ra cho có như việc giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp không có tác dụng gì khi hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã phải đóng cửa vì kiệt quệ sau hai năm “chống dịch như chống giặc” và phong tỏa dài hạn. Việc giảm lãi vay cũng không có khả năng thực thi khi nợ xấu đang tăng mạnh ở khối ngân hàng thương mại sau 2 năm bơm tiền ồ ạt vào bất động sản và chứng khoán. Con số dư nợ công 3,7 triệu tỷ trên báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.

Khối ngân hàng thươ ng mại Việt Nam với bản chất là những tư bản tài chính thân hữu siêu quyền lực, rất khó có thể chấp nhận các mệnh lệnh hành chính mà giới chức đưa ra. Trong khi, thực chất những “chỉ thị” lên tục được tùy tiện “đẻ” ra, cũng chỉ là những chỉ đạo mang tính hình thức, chỉ có ý nghĩa tuyên truyền, làm màu cho đường lối có vẻ “vì dân.” Nó không những trái với qui luật thị trường, mà còn đi ngược lại quyền lợi của đàn cá mập không bao giờ biết no.

Tờ Dân Việt của Hội Nông Dân – một tờ báo lề đảng, vào ngày 19 tháng Mười đã có một bài viết đáng lưu ý “Bơm tiền quá mức gây đau đớn cho nền kinh tế trong dài hạn” đề cập thực trạng “bơm tiền” của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay rất nhiều bất cập. Tác giả đã đưa những số liệu về “bơm tiền” có thể gây sốc với một số người quan tâm đến sức khỏe nền kinh tế.

Số liệu của Ngân Hàng Nhà Nước cho thấy, tín dụng tính đến 7/10 tăng 7,42% so với đầu năm và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại trong quý III/2021 do thực hiện giãn cách xã hội, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn duy trì tương đương với tốc độ trước đại dịch. Điều này cho thấy, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cung cấp vốn vay ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Lũy kế từ 23/1/2020 đến hết tháng 9/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cho vay mới trên 5,2 triệu tỷ đồng cho 800.000 khách hàng với lãi suất thấp hơn so với trước dịch. Đồng thời, miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỷ đồng.”

Những số liệu đưa ra trong bài viết này dựa trên báo cáo thống kê của khối ngân hàng cho thấy hoạt động “cho vay hỗ trợ doanh nghiệp” đã được thực hiện “rất tích cực.” Nếu qui đổi ra Mỹ Kim, thì hệ thống ngân hàng đã giải ngân số tiền cho vay mới tương đương 229 tỷ Mỹ Kim. Số tiền này lớn hơn GDP của Việt Nam 2017 (223,8 tỷ Mỹ Kim). Nhưng vào cùng kỳ năm 2020, tờ Tạp Chí Tài Chính ngày 23/11/2020 cho biết tổng số tiền mà hệ thống ngân hàng đã “bơm” ra nền kinh tế là 8,7 triệu tỷ.

Rõ ràng, có mâu thuẫn rất lớn giữa số liệu của các tờ báo Việt Nam, dưới bàn tay “đẽo gọt” của Ban Tuyên Giáo, Tổng Cục Thống Kê và giữa các bộ ngành. Những số liệu trên truyền thông có thể đúng một phần nhỏ sự thực hoặc hoàn toàn là được bịa tạo ra theo phát ngôn và ý chí tùy tiện của các “lãnh đạo.” Tất nhiên, chúng đều bất khả tín như nhau.

Một ví dụ thú vị cho điều này là ông Hồ Đức Phớc – người mới đảm nhận chức vụ bộ trưởng Bộ Tài Chính từng “lỡ lời” về tình trạng ngân sách cạn kiệt và sau đó lại nói ngược lại hoàn toàn. Gần đây, trong phiên điều trần trước Quốc Hội, ông Phớc cũng phải nói thẳng khả năng tăng trần nợ là rất thấp vì nếu tính theo GDP cũ thì nợ đã vượt “trần” 50% GDP từ lâu. Các giải pháp tăng thu từ dầu mỏ đều bất khả thi vì các yếu tố tự nhiên và năng lực khai thác không cho phép.

Số tiền khổng lồ mà khối ngân hàng trung ương “bơm” mới vào thị trường tài chính thông qua hệ thống ngân hàng thương mại trong 10 tháng năm nay khoảng 1,12 triệu tỷ đồng và cuối năm có thể đạt 1,5 triệu tỷ. Còn toàn bộ hệ thống ngân hàng thương mại đã bơm vào thị trường gần 9 triệu tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng ở ngưỡng khoảng 15 – 17% nhưng tăng trưởng GDP trong hai năm liên tục chỉ dưới 3%. Cần nhắc lại rằng, tăng trưởng GDP duy trì được ở ngưỡng hiện tại phần lớn dựa vào khối doanh nghiệp vốn FDI. Mà doanh nghiệp FDI thì không sử dụng ngân sách cũng như các gói cứu trợ, hỗ trợ hay kích thích kinh tế của CSVN.

Hơn 200.000 doanh nghiệp đã “một đi không trở lại” chắc chắn không hề nhận được bất kỳ sự hỗ trợ tài chính nào như trong báo cáo láo toét của giới chức CSVN và “vua tin vịt.” Việc giải ngân của các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách cũng không đạt theo yêu cầu, nhiều địa phương và bộ ngành phải trả lại vốn ngân sách vì không có khả năng triển khai. Vậy thì, hàng triệu tỷ đồng đã đi đâu?

Trái ngược với bức tranh xám xịt của nền kinh tế nói chung, bất động sản và thị trường chứng khoán vẫn thăng hoa bất chấp mọi qui luật kinh tế hiện hành. Tâm lý bầy đàn, nguồn tiền ồ ạt từ khối ngân hàng thương mại đổ ra mua đi bán lại những núi cổ phiếu “3 Không” của những cá mập trong ngành bất động sản với vài chục mã cổ phiếu thống trị thị trường chứng khoán thực chất là một cuộc “đáo nợ” ngoạn mục. Bong bóng tài sản được thổi phồng lên gấp nhiều lần trong 2 năm ôn dịch hoành hành. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi dòng tiền vẫn được bơm ra như tháo cửa đáy thủy điện sông Đà. Nhưng cũng giống như một cơ thể bệnh hoạn được đổ quá nhiều sâm nhung quế phụ, sẽ phát phì với những khối nợ ngày một lớn thêm.

Đám “chiên gia” kinh tế hô hào bơm tiền cứu kinh tế nhưng vấn đề ở “bơm” vào chỗ nào, và có đảm bảo đúng đối tượng cần được “hỗ trợ” hay không? Ngoài ra, chưa kể việc in tiền vô tội vạ bây giờ cũng khó khăn hơn nhiều bởi “con dao lạm phát” đang kề cổ nền kinh tế cũng như sự giám sát của Hoa kỳ.

Cứ xem những vở kịch tuồng của đám “lợn đội mũ phớt” đang diễn sẽ thấy rằng chúng chỉ múa may một màn tung hứng giữa các cá mập ngân hàng và doanh nghiệp thân hữu, tận dụng nguồn tài chính dễ dàng đã được đổ vào thị trường chứng khoán để “hốt xác” các doanh nghiệp đã chết như rạ trong hai năm vừa qua. Tiền được đổ vào chứng khoán và bất động sản để có một báo cáo đẹp, đảm bảo nguồn thu ngân sách. Mục đích chính là đáo nợ và thâu tóm tài sản cho các cá mập. Những khoản tiền khổng lồ mang danh “hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế” sẽ chỉ như “con cá gỗ” của ông thủ tướng quê Thanh Hóa. Đừng có chép miệng nhiều, chỉ tổ “chết khát” mà thôi.

Tân Phong