Dân biểu Úc Luke Simpkins quan tâm về tình hình kiểm duyệt internet tại Việt Nam

Luke Simpkins

Bài phát biểu của Dân biểu Luke Simpkins tại Hạ viện Liên bang Úc châu về tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam

7:40PM, thứ Tư, ngày 27 tháng Năm, 2009

Thưa Quý vị, tôi đã từng có những dịp phát biểu trước đây với tư cách là đại diện cho các cử tri gốc Việt của tôi tại khu vực bầu cử Cowan và bày tỏ những mối quan ngại sâu sa của những cử tri đó đối với tình trạng Việt Nam ngày hôm nay vẫn còn bị chế độ cầm quyền kiềm chế bằng những chính sách sai trái.

Khi nói “kiềm chế” tôi muốn nhắc đến những điều kiện mà những người dân Việt Nam trong nước không có được khi so sánh với những cử tri gốc Việt của tôi tại khu vực bầu cử Cowan. Người dân Việt Nam trong nước không được tiếp cận với những quyền tự do căn bản – như một nền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do lập hội.

Ở đây tôi muốn đề cập đến một tình trạng ngăn cấm cụ thể mà chính quyền Việt Nam áp chế lên người dân: Kiểm duyệt Internet.

Tôi biết rõ rằng nhiều năm nay, chính quyền Việt Nam vẫn quản lý Internet bằng cách ngăn chặn các trang mạng bày tỏ những ý kiến chỉ trích chính quyền. Tôi cũng biết rằng, theo đánh giá của Tổ chức Ký Giả Không Biên giới (Reporters Sans Frontieres), thì Việt Nam được xếp vào hạng những nước kém nhất về mặt tự do Internet trên toàn thế giới.

Cụ thể là hồi tháng Mười năm 2008, chính quyền Việt Nam đã lập ra một cơ quan mới là “Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử”, với nhiệm vụ chính là theo dõi mạng Internet và quản lý dòng thông tin được truyền tải bởi các Blogger trong tình hình hiện nay khi số người sử dụng mạng lưới Internet ngày càng tăng lên nhanh chóng. Cục này nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Thông tin và Truyền thông, tuân theo Nghị định 07 đưa ra vào năm 2008 nhằm tăng thêm quyền lực của chính phủ trong việc kiểm duyệt mạng Internet tại Việt Nam.

Theo một cán bộ kiểm duyệt của Bộ này: “Chính phủ khuyến khích giới Blogger sử dụng các Blog của mình cho các mục tiêu tự do cá nhân nhưng phải tuân theo các lợi ích xã hội và cộng đồng căn cứ theo pháp luật”.

Thật rõ ràng rằng điều khoản liên hệ tới “các lợi ích xã hội và cộng đồng” này chính là một nguy cơ đe dọa tới quyền tự do thông tin. Và trên thực tế nó đã xảy ra. Bản chất của nghị định chính thức này là những người sử dụng mạng Internet để đưa lên các thông tin có tính cách chỉ trích chính quyền Việt Nam sẽ phải đối mặt với những trừng phạt nặng nề.

Những hạn chế bao gồm việc cấm đưa lên mạng những nội dung chính trị có tính chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như đưa lên các đường dẫn tới các trang mạng bị chặn trong Việt Nam. Nghị định Internet này thực ra là sự mở rộng của Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam, hình sự hóa những hoạt động tự do ngôn luận. Theo Điều 88 này, những hoạt động bị gọi là “tuyên truyền chống phá nhà nước” có thể bị phạt tiền và giam giữ tới 12 năm tù.

Hồi tháng Giêng năm 2008, ông Nguyễn Văn Hải, một nhà hoạt động dân chủ 56 tuổi tại Việt Nam, với Blog mang tên “Điếu Cày”, đã kêu gọi tẩy chay cuộc diễn hành rước đuốc Olympic Bắc Kinh và đòi quyền tự do bày tỏ chính kiến. Ông đã lập kế hoạch thực hiện một cuộc biểu tình để phản đối việc Trung Quốc xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tại biển Đông – nơi mà Việt Nam tuyên bố là lãnh thổ của mình. Công An bảo vệ chính trị đã bắt giữ ông Điếu Cày và cáo buộc tội trạng “trốn thuế” trong một phiên tòa mà cả giới Blogger trong nước và cộng đồng quốc tế rộng rãi đều đánh giá rõ ràng là một sự trừng phạt đối với việc bày tỏ chính kiến của ông. Ông Điếu Cày đã bị kết án tù 2 năm rưỡi.

Cô Phạm Thanh Nghiên, một nhà hoạt động dân chủ 32 tuổi, cũng nằm trong số hơn mười nhà hoạt động bị bắt bớ hồi tháng Chín năm 2008 sau khi đưa lên mạng Internet những nội dung chỉ trích các chính sách của nhà nước. Ngay trước khi bị bắt giữ cô Phạm Thanh Nghiên đã thực hiện một cuộc tọa kháng tại gia nhằm phản đối những quấy nhiễu của Công An đối với cô. Cô bị bắt và giam giữ từ đó tới nay mà chưa hề được xử án. Gia đình cô cho đến nay cũng chưa được thăm gặp.

Một thanh niên 30 tuổi và là một chuyên viên sửa chữa điện thoại di động, anh Trương Quốc Huy, cũng bị bắt tại nhà mình ở Sài Gòn vào tháng Mười năm 2005 cùng với hai người anh em khác và một người bạn gái. Nhóm của anh từng tham dự các buổi hội luận bàn về dân chủ trên diễn đàn Paltalk. Họ bị tạm giam chín tháng. Một tháng sau khi được thả, Trương Quốc Huy bị bắt lại khi hơn một tá Công An xông vào một quán cà phê Internet tại Sài Gòn. Lúc đó anh đang nói chuyện trực tuyến. Anh bị kết án sáu năm tù kèm với ba năm quản thúc tại gia.

Đó là những ví dụ của sự áp chế các quyền tự do và đàn áp người dân tại Việt Nam. Tôi muốn cảm ơn Việt Tân – Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng – và những người bạn của tôi trong cộng đồng người Việt đã giúp chuyển đạt những thông tin và những vấn nạn như vậy tại Việt Nam ngày nay. Chính quyền Việt Nam cần phải ngay lập tức trả tự do cho các nhà hoạt động tự do Internet như ông Nguyễn Văn Hải, cô Phạm Thanh Nghiên và anh Trương Quốc Huy. Chính quyền Việt Nam cần phải bắt đầu hành xử tôn trọng quyền tự do mạng Internet, và trên tất cả, quyền tự do bày tỏ chính kiến.

Những cử tri gốc Việt tại khu vực Cowan là những người làm việc cần cù trong cộng đồng chung của chúng ta. Họ đặt chân đến đất nước Úc này với hai bàn tay trắng. Họ đến đây để tìm kiếm tự do và sự phồn vinh. Họ đã đạt được những điều đó, và họ đã rất thành công. Khi nhìn vào khu vực bầu cử của mình và nhận thấy sự thành công của những cử tri gốc Việt tại đây, tôi tự hỏi liệu người dân tại Việt Nam cũng sẽ đạt được những thành tựu như thế nào nếu họ không bị hạn chế bởi những sự ngăn cấm và thống trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Một lần nữa tôi xin cám ơn những người bạn Việt Nam tại Cowan cũng như trên toàn nước Úc, tôi xin bày tỏ sự khích lệ đối với những ai đang đấu tranh cho một nền tự do tại Việt Nam, hãy tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa sự nghiệp của mình, không phải bằng vũ khí, mà bằng công nghệ, lòng dũng cảm và niềm tin.

Tôi mong mỏi một ngày Việt Nam lại được hưởng tự do. Xin cảm ơn.