Để phục hồi nền kinh tế

Một phiên họp của trung ương đảng CSVN. Ảnh: Internet
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Phục hồi nhanh chóng nền kinh tế quốc gia sau đại dịch Covid-19 là mong ước của tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Qua một năm hoành hành của virus Corona, người ta nhìn thấy 2 điều:

Thứ nhất, chuỗi cung ứng toàn cầu không thể nào dựa trên một vài quốc gia có thế mạnh sản xuất đủ loại hàng hóa như một công xưởng của thế giới. Các hoạt động kinh tế này phải tỏa rộng ở nhiều nơi, nhiều quốc gia để khi có đại dịch bùng nổ nơi này thì còn nơi kia có thể tiếp tục sản xuất và cung cấp hàng hoá cần thiết.

Trung Quốc từ khi thực hiện 4 hiện đại hóa trong đó có hiện đại hóa về kinh tế với nguồn đầu tư mạnh mẽ của các quốc gia phát triển Tây phương, đã thực sự trở thành nơi cung cấp hầu hết hàng hoá thiết yếu cho thế giới. Từ viên thuốc trị bệnh đến thực phẩm đóng gói hay đồ gia dụng rẻ tiền, tất cả đều mang nhãn hiệu “Made in China.” Thậm chí Tập Cận Bình còn nêu ra mục tiêu “Made in China 2025” để thể hiện sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Nhưng trong năm 2020 khi Covid-19 bùng nổ, phần lớn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc bị cắt đứt và “Made in China” không còn được nhắc tới. Trong khi ấy, thế giới mới bừng tỉnh giấc mộng của mình khi lâu nay tin tưởng và phụ thuộc vào nước Tàu quá nhiều.

Thứ hai, đối với Việt Nam, hơn lúc nào hết chính sách kinh tế phải chú trọng vào việc phát triển và củng cố  nền kinh tế nội địa, lấy đó làm sức mạnh để vươn lên. Qua bài học của Trung Quốc khi đại dịch xảy ra, nhiều công ty nước ngoài tháo chạy, bắt đầu nhảy sang đầu tư bên ngoài Trung Quốc.

Việt Nam trở thành nơi đón nhận đầu tư ngoại quốc là điều đáng mừng, nhưng đó cũng là một thách đố lớn. Thách đố về cơ sở hạ tầng, thách đố về trình độ nhân lực và năng suất lao động. Nếu Việt Nam tiếp tục dựa vào đầu tư xuất khẩu, hài lòng với những con số tăng trưởng GDP nhất nhì thế giới, khi xảy ra thiên tai hay một đại dịch khác tiếp theo thì các công ty sẽ rời Việt Nam chạy đi nơi khác. Lúc đó kinh tế Việt Nam sẽ dựa vào đâu?

Trong năm 2020, Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, cũng rất lao đao  với virus Corona như hầu hết các nước lớn khác. Nhưng kết thúc năm 2020, Trung Quốc được nói đến như một nền kinh tế “ngược chiều,” nước lớn duy nhất có tăng trưởng dương dù ở mức khiêm nhượng 2,3% so với 6,5% của 3 tháng cuối cùng năm 2019. Vì những biện pháp phong toả quyết liệt và khắc nghiệt của một nhà nước độc tài đã góp phần đẩy lùi Covid-19. Kinh tế được vực dậy nhờ vào tác động cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa song song với xuất khẩu.

Do đó, việc xây dựng nền kinh tế nội địa của Việt Nam rất quan trọng và cần thiết trong tương lai. Nền kinh tế này hiện dựa trên hai nền tảng còn rất yếu là các công ty nhỏ, mang tính chất gia công, hoặc làm thuê. Bên cạnh đó là hình thức kinh doanh gia đình mang tính tiểu thương.

Một nền kinh tế phân tán và nhỏ lẻ như thế rất khó cạnh tranh với các nước chung quanh và khó có thể trở thành xương sống cho sự phát triển bền vững. Bất cứ chính quyền nào muốn xây dựng nội lực kinh tế nước nhà, không thể không chú trọng vai trò quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm một tỉ lệ đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế quốc gia. Vì vậy, ngoài những chính sách hỗ trợ thực tiễn lâu dài từ chính quyền, phải có một nền luật pháp thông thoáng bảo đảm công bằng cạnh tranh, mang lại lợi ích lâu dài cho tất cả mọi doanh nghiệp.

Việt Nam kể từ lúc đảng CSVN cầm quyền trên cả nước, lý thuyết kinh tế chỉ huy vẫn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh tế nhà nước. Tất cả dựa vào các tập đoàn quốc doanh vốn nhà nước để hoàn thành con đường công nghiệp hoá, khu vực tư nhân bị loại bỏ vì các lãnh đạo cộng sản tin rằng đó là mầm mống tập trung tư bản. Chỉ  sau đại hội đảng lần thứ 6 năm 1986, nhóm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” xuất hiện và đưa Việt Nam bước vào “thời kỳ đổi mới” để sống còn.

Nhưng thật ra đó chỉ là một chính sách chữa cháy cho sự thất bại nặng nề của lý thuyết kinh tế Mác-Lênin, hơn là một chính sách kinh tế lâu dài được hoạch định bằng tri thức của một tầm nhìn có viễn kiến lâu dài . Kinh tế tư nhân được khôi phục phần nào nhưng vẫn bị kềm chế bởi cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa, trở thành một thành phần kinh tế yếu đuối bên lề.

Doanh nghiệp quốc doanh vẫn là chủ đạo, nhưng sức mạnh của quốc doanh không nằm trong việc nâng cao hàng hoá sản xuất với kỹ thuật cao có tính cạnh tranh mà nằm ở chỗ tiêu tiền vô tội vạ và tham nhũng tràn lan. Bằng cớ là sau 35 năm gọi là đổi mới, đảng CSVN phải công khai thừa nhận mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hóa năm 2020 hoàn toàn thất bại.

Thế nhưng mới đây trên báo Quân Đội Nhân Dân, người ta đọc thấy một lời khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng “phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.” Dùng một khái niệm mơ hồ để định hướng cho một nền kinh tế muốn vươn ra thế giới, các nhà lãnh đạo cộng sản ngày nay rõ ràng là vẫn chôn mình trong pháo đài ảo tưởng.

Để thoát ra ngoài vòng chậm tiến  và xây dựng một hướng phát triển đúng đắn cho đất nước, Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi những trói buộc trong thể chế và phải thực hiện ngay ba nền tảng:

1/ Công nhận quyền tư hữu. Đây là quyền bất khả xâm phạm về đất đai, tài sản, tư liệu sản xuất về phương diện vật chất và tư hữu trí tuệ về phương diện tinh thần. Công nhận quyền tư hữu là công nhận sự thúc đẩy và khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau hướng tới một mục tiêu phát triển chung.

2/ Công nhận quyền lập hội để bảo vệ quyền lợi của giới kinh doanh và thành phần tiểu thương. Cho tới nay quyền lập hội vẫn bị chính quyền cộng sản né tránh, tuy họ vẫn tự hào là quyền này được minh định trong hiến pháp. Nhưng hiến pháp trở nên vô giá trị khi những điều khoản của hiến pháp không được thực thi bằng những văn bản luật pháp. Nếu xã hội dân sự là nền tảng của sự xây dựng pháp quyền dân chủ có qua có lại giữa công dân và chính quyền, thì quyền lập hội để bảo vệ quyền lợi kinh doanh là yếu tố không thể thiếu giúp kinh tế phát triển đồng đều, bền vững.

3/ Bãi bỏ cơ chế Xin-Cho. Đây là biến dạng của tệ nạn tham nhũng phát triển mạnh mẽ từ sau thời kỳ đổi mới. Các doanh nghiệp tư nhân muốn được suôn sẻ trong hoạt động kinh doanh phải lọt qua cơ chế này để tồn tại. Cơ chế Xin-Cho cũng đẻ ra chính sách bôi trơn trong chính quyền cộng sản mà bất cứ ai có việc gõ cửa nhà nước đều phải tôn trọng như một thứ luật bất thành văn. Nó chính là lực kềm hãm sức phát triển kinh tế khi đất nước lâm vào đại dịch như đã thấy vừa qua. Nó chính là thói cửa quyền sinh ra từ nền độc tài toàn trị.

Tóm lại, Việt Nam hô hào đổi mới hay cải cách không chưa đủ để phục hồi kinh tế, mà phải mạnh dạn phá bỏ mô hình “định hướng xã hội chủ nghĩa,” đẩy lùi độc tài độc đảng, đem lại cơ hội cho đất nước tiến lên.

Phạm Nhật Bình

 

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.