Ðiều kiện tiên quyết

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

“But what is Freedom? Rightly understood, A universal licence to be good.” Hartley Coleridge (1796-1849), British poet

[Tạm dịch: “Nhưng Tự do là gì? Hiểu đúng nghĩa, (tự do là) một tấm bằng phổ quát để sống tốt.” Hartley Coleridge, thi sĩ người Anh]

“Under a government which imprisons any unjustly, the true place for a just man is also a prison.” Henry David Thoreau (1817-1862), US writer

[Tạm dịch: “Sống dưới một chính quyền bắt giam người một cách bất công, nơi chính đáng nhất cho một người chính trực lại chính là nhà tù.” Henry David Thoreau, nhà văn người Mỹ]

Phong trào đòi quyền cơ bản

Gần đây, các phong trào đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam liên tục nhấn mạnh mục tiêu đòi quyền tự do thông tin và ngôn luận [1] : Từ “Lời kêu gọi cho quyền tự do thông tin ngôn luận” ngày 23/2/2006, đến “Lời kêu gọi quyền thành lập và hoạt động đảng phái tại Việt Nam” ngày 06/4/2006, và “Tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt Nam” ngày 08/4/2006, cho đến bán nguyệt san Tự do ngôn luận xuất bản công khai dù không được ‘phép’ của chế độ. Chỉ trong vòng nửa năm kể từ ngày phổ biến “Lời kêu gọi bầu cử Quốc hội đa đảng và tẩy chay bầu cử Quốc hội độc đảng năm 2007” vào ngày 17/10/2005 cho đến khi báo Tự do ngôn luận Số 1 ra đời ngày 15/4/2006, niềm lạc quan của những người Việt quan tâm ở trong và ngoài nước cho nỗ lực dân chủ hoá đã gia tăng đáng kể. Sự lên tiếng của sinh viên du học Nguyễn Tiến Trungtại Pháp cũng như “Bản công bố thành lập tập hợp thanh niên dân chủ” vào ngày 8/5/2006 là những dấu hiệu khả quan hiếm thấy trước đây.

Các bản tuyên bố trong thời gian qua hầu hết đều trích dẫn những điều khoản liên hệ đến quyền tự do thông tin và ngôn luận được ghi trong hiến pháp của Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (CHXNCHVN, 1992), hay Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam là thành viên từ năm 1977, hay Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã ký kết vào ngày 24/9/1982, hay Sách trắng của Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố ngày 18/8/2005… Các tuyên bố này cho rằng quyền tự do thông tin và ngôn luận trên giấy tờ thì được công nhận nhưng trên thực tế thì bị cấm đoán hay ràng buộc bởi những thứ luật lệ đầy trái ngược, mâu thuẫn. Các trường hợp của Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Chí Quang, Hà Sĩ Phu vân vân… đều bị nhà cầm quyền kết tội là “lợi dụng” quyền “dân chủ” nhưng thật ra họ chỉ là những người không sợ nói một cách tự do những suy nghĩ của mình.

Trong buổi tâm tình với đồng bào tại thành phố Melbourne, Úc Châu (thứ Bảy 6/5/2006), thi sĩ Nguyễn Chí Thiện nhấn mạnh “tự do ngôn luận” phải là mục tiêu chiến lược cho công cuộc đấu tranh hôm nay. Trích lời của văn hào Voltaire “Tự do ngôn luận là linh hồn của mọi thứ tự do!”, Nguyễn Chí Thiện cho rằng một khi đã giành được quyền tự do ngôn luận thì sẽ có nền tảng để tranh đấu cho mọi quyền tự do khác. Ông cho rằng chế độ độc tài nào cũng trắng trợn chà đạp quyền này hay cản trở bằng mọi cách để tồn tại. Ông nhắc rằng từ lâu nay quyền cơ bản này không được tôn trọng, và dù có những người như cựu Tướng Trần Độ khi còn sống xin phép ra báo độc lập nhưng cũng không được, cho nên đừng mất công xin xỏ làm gì trong khi các quyền này được bảo đảm trên mặt pháp lý. Vì thế, theo ông Nguyễn Chí Thiện, chúng ta phải tranh đấu và mọi người phải tự xem là mình hoàn toàn có quyền ra báo, quyền phát biểu công khai quan điểm, cứ sử dụng chứ không cần xin xỏ ai cả.

Bài viết này nhằm phân tích những nguyên do nào khiến tự do thông tin và tự do ngôn luận là nền tảng của tự do dân chủ. Bài viết trích dẫn những nhận định và dữ kiện của một số chuyên gia trong lãnh vực chính trị học, luật pháp (hiến pháp) cũng như các vấn đề liên hệ tại Hoa Kỳ và Úc Châu để từ đó suy ngẫm về trường hợp của Việt Nam.

Hiến pháp và quyền tự do thông tin ngôn luận

Trong khoa Khoa học Chính trị và khoa Luật, đặc biệt là môn Chính trị – Xã hội của Hoa Kỳ, những ai tìm hiểu nghiên cứu đều biết tại sao một quốc gia như Hoa Kỳ vỏn vẹn 230 tuổi (kể từ ngày Tuyên ngôn Độc lập 4/7/1776) đã trở thành cường quốc để lãnh đạo khối tự do trong Chiến tranh Lạnh và hiện là siêu cường số một trên thế giới. Tuy có khá nhiều khuynh hướng chỉ trích sự bất toàn của hiến pháp Mỹ, nhưng đa số phải công nhận rằng bản Hiến pháp này đã và đang là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và pháp trị một cách thành công như đã thấy. Hiến pháp Hoa Kỳ được các nhà lập quốc (The Founding Fathers) phê chuẩn năm 1789, cũng là năm hình thành nước Mỹ, do cựu tướng George Washington làm Tổng thống đầu tiên. Nhưng điều đặc biệt là chỉ 2 năm sau, 1791, hiến pháp được sửa đổi lần đầu tiên với 10 tu chính án mà sau đó trở thành Đạo luật Nhân quyền (Bill of Rights). Tu chính án đầu tiên, được xem là quan trọng nhất, nói: “Quốc hội không được làm bất cứ luật nào không tôn trọng sự hình thành của tôn giáo, hay cấm đối sự tự do hoạt động của nó; hay giảm quyền tự do ngôn luận, hay tự do báo chí; hay quyền hội họp một cách ôn hoà, và kiến nghị chính phủ để điều chỉnh các than oán của dân chúng”. Nói cách khác, tự do tôn giáo, ngôn luận, báo chí và hội họp là quyền tối thượng phải được tôn trọng mà ngay cả Quốc hội cũng không có quyền làm luật để cấm cản các quyền này.

Kể từ ngày bổ sung 10 tu chính án này cho đến năm 1991, tức là trong vòng 200 năm, chỉ có thêm 17 tu chính án khác được thêm vào Hiến pháp Hoa Kỳ. Trong 200 năm này, lịch sử Hoa Kỳ trải qua nhiều giai đoạn cực kỳ khó khăn, nào là nội chiến (1861-1865), Khủng hoảng Kinh tế (1918, 1930), Thế Chiến I, Thế Chiến II, Chiến tranh Lạnh (1945 – 1991), Phong trào đấu tranh đòi bình quyền của dân da màu, và ‘Chiến tranh Việt Nam’ vân vân… Mỗi giai đoạn đều có những tác động sâu xa đến hiến pháp và nền dân chủ pháp trị của Mỹ, và có những lúc tưởng chừng như khó vượt qua khủng hoảng chính trị (kể cả cuộc bầu cử tổng thống năm 2000), nhưng rồi chính trị vẫn ổn định, hiến pháp vẫn đứng vững. Đây là lãnh vực mà nhiều chuyên gia trong khoa luật hay khoa học chính trị đã tranh luận sôi nổi. Nhưng một cách tóm tắt thì người viết chủ quan cho rằng nhờ truyền thống tôn trọng pháp luật của người Mỹ, nhờ tư pháp hành động độc lập với lập pháp và hành pháp (tam quyền phân lập rõ ràng), và nhờ sự phát triển truyền thông độc lập, đa dạng và tự do tối đa trên 200 năm qua, nên đã giúp Hoa Kỳ vượt qua các cơn bão táp chính trị.


Tu chánh án số 1

Nhưng các quyền được bảo đảm trên lý thuyết không phải lúc nào cũng được tôn trọng trên thực tế, ngay cả đối với một chính thể dân chủ như Mỹ. Các quyền này sau cùng cũng được chính thức công nhận, nhưng do quá trình đấu tranh bằng sự chính trực của lương tri, trí tuệ và dũng cảm.

Tác phẩm Phát ngôn tự do: những trắc nghiệm của Tu chính án Số một của Floyd Abrams đã được nhà báo Anthony Lewis của The New York Review of Books [2] chọn phê bình. Phần mở đầu trích dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Pháp viện Charles Evans Hughes (từ năm 1930-1941): “Chúng ta sống dưới một Hiến pháp, nhưng Hiến pháp là những gì mà các thẩm phán nói là như thế…” Theo Lewis, tác phẩm Phát ngôn tự do (Speaking Freely) của Floyd Abrams, một luật sư hàng đầu tại Hoa Kỳ về Tu chánh án Số 1 (TCAS1), rất lôi cuốn, vì ông viết theo lối kể chuyện với những trường hợp cụ thể mà ông đã tham dự trong suốt 33 năm hành nghề.

Nhà báo Lewis cho rằng mặc dầu Hiến pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận và báo chí, và bảo vệ nhà báo, nghệ sĩ, các nhà chính trị thuộc mọi khuynh hướng, nhưng hơn cả một thế kỷ, nó không bảo vệ bất cứ ai một cách hiệu quả. Năm 1798, chỉ 7 năm sau khi TCAS1 và Đạo luật Nhân quyền được bổ túc vào Hiến pháp, Quốc hội Liên bang Hoa Kỳ thông qua và được Tổng thống (thứ hai) John Adams ký thành đạo luật gọi là Đạo Luật về Xúi giục Nổi loạn (Sedition Act) làm cho người ta trở thành tội phạm nếu xuất bản những phê phán sai lầm về tổng thống. Nhưng đạo luật này chưa bao giờ được cân nhắc bởi Tối cao Pháp viện (TCPV) Hoa Kỳ trước khi nó hết hiệu lực năm 1801. Nhà báo Lewis cũng cho biết, các thẩm phán sau đó một thời gian dài đã xem những hứa hẹn về tự do ngôn luận của TCAS1 như là lời khuyên răn nhắc nhở hơn là luật hợp pháp phải cam kết thi hành. Khi dùng chiêu bài để buộc tội hoặc lên án là có “ý đồ xấu” đối với những ai phát biểu không nghe lọt lỗ tai thì nền pháp luật đó sẽ không thể bảo vệ được ai cả.

Cho đến năm 1919 thì ý nghĩa của TCAS1 mới thật sự bắt đầu được hiểu rõ ràng. Trong Thế chiến thứ Nhất, với sự đề nghị của Tổng thống Woodrow Wilson (nhiệm kỳ 1913-1921), Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua một Sedition Act khác trừng phạt những ai can thiệp vào nỗ lực chiến tranh của chính phủ. Vì thế nên một nhóm người bị xử tội vì thả truyền đơn từ sân thượng của các toà nhà tại New York để phản đối việc Tổng thống Wilson gửi lính sang Nga sau Cuộc Cách mạng của Bolshevik (10/1917). Tội phạm có thể bị án tù đến 20 năm. Tuy nhiên, lần này có thẩm phán Oliver Wendell Holmes Jr. và Louis D. Brandeis phản đối. Thẩm phán Holmes viết: “… thiện ý cốt lõi mà chúng ta mong muốn chỉ có thể đạt được bằng sự trao đổi ý kiến với nhau một cách tự do… Đây là một cuộc thí nghiệm, bởi mọi điều trong cuộc sống đều là một cuộc thí nghiệm… Trong khi cuộc thí nghiệm đó đang là một phần trong hệ thống của chúng ta, tôi nghĩ rằng chúng ta nên luôn luôn thận trọng đối với những nỗ lực kiểm soát sự bày tỏ ý kiến dù rằng chúng ta ghê tởm và tin nó chứa đầy những ác ý”. Và suốt một thập niên tiếp theo, thẩm phán Brandeis và Holmes lặp đi lặp lại những lập luận bất đồng thật hùng biện trong các bài phát biểu của mình và sau cùng cũng thuyết phục được đất nước và TCPV. Tuy nhiên, vấn đề vu khống và mạ lỵ người khác trong khi sử dụng quyền tự do ngôn luận và báo chí vẫn là đề tài gây nhiều tranh cãi đối với cả TCPV. [3]

Trong tác phẩm của luật sư Abrams, ông kể lại nhiều trường hợp, nhưng điển hình nhất là vụ Hồ sơ Ngũ giác đài (the Pentagon Papers case). Đây là trường hợp chính phủ Nixon vào tháng 7 năm 1971 cố gắng ngăn chặn nhật báo the New York Times (NYTs) xuất bản các khám phá về tài liệu mật của Ngũ giác đài, đặc biệt liên quan đến việc Hoa Kỳ tham chiến tại Việt Nam. Một cách tóm tắt thì vào năm 1967, Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara được uỷ quyền thực hiện một “hồ sơ lịch sử tối mật về vai trò của Mỹ tại Đông Dương” dài 2.5 triệu chữ (khoảng gần 5000 trang khổ chữ 12) nhưng không hiểu làm sao lại lọt vào tay nhật báo NYTs. NYTs bắt đầu khai thác tài liệu này trên báo bằng cách nhấn mạnh các điều đã khám phá, và bài đầu tiên được đăng là vào ngày 13/6/1971. Đến ngày 15/6, NYTs nhận được lệnh của thẩm phán toà án tiểu bang bắt ngưng xuất bản tài liệu mật này theo yêu cầu của chính phủ liên bang. Chính phủ cho rằng nó sẽ gây ra “tổn thương không thể đền bù đối với quyền lợi quốc phòng của Hoa Kỳ”, tức ảnh hưởng đến nền an ninh quốc gia. Tổng thống Richard Nixon cho rằng phía hành pháp có quyền bắt buộc nhật báo NYTs đình chỉ xuất bản tài liệu mật đang có trong tay. Toà án tiểu bang không thể giải quyết nổi cuộc tranh chấp này nên vấn đề đã được đưa lên TCPV. Câu hỏi quan trọng trước toà án là liệu tự do báo chí được Hiến pháp công nhận dưới TCAS1 có phụ thuộc vào yêu cầu của phía hành pháp là cần thiết để giữ mật thông tin? Chính phủ có cần chứng minh trước Tối cao Pháp viện đầy đủ dữ kiện rằng hoạt động của các tờ báo này gây nguy hiểm “trầm trọng và không thể sửa chữa được” đối với nền an ninh quốc gia? Sau khi TCPV nghe từ phía chính quyền, NYTs, Bộ Tư pháp (có cả nhật báo the Washington Post trong vụ này) vào ngày 25 và 26 tháng 6 năm 1971, thì ngày 30 tháng 6 Tối cao Pháp viện (6 thẩm phán đồng ý và 3 không đồng ý) phán quyết là TCAS1 bảo vệ quyền của nhật báo New York Times in các tài liệu này [4] . Ðây là một thắng lợi quan trọng cho việc giải nghĩa quyền tự do thông tin ngôn luận trong Hiến pháp.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện đóng vai trò cực kỳ quan trọng vì tất cả các đạo luật được quốc hội tiểu bang và liên bang thông qua, cũng như tất cả quyết định của các chính phủ đều được duyệt xét để xem có hợp hiến không. TCPV có quyền tuyên bố bất kỳ hành động của bất cứ chính phủ tiểu bang hay liên bang nào vi hiến [5] . Trong thời gian qua, vai trò của TCPV ngày càng liên hệ trực tiếp đến các vấn đề xã hội như phá thai, hôn nhân đồng phái, dân quyền, vân vân… Ðã có nhiều tranh luận liệu TCPV có nên đóng vai trò chính trị tích cực như thế không! Riêng đối với TCAS1, một số thẩm phán mạnh mẽ bênh vực, ví dụ như thẩm phán William J. Brennen Jr. lý luận rằng ý nghĩa cốt lõi của TCAS1 là quyền được chỉ trích các nhân viên chính phủ, cho nên đạo luật Sedition Act năm 1798 là vi hiến. Còn thẩm phán Hugo L. Black viết: “Báo chí được bảo vệ (bởi TCAS1) để nó có thể lột trần các bí mật của chính quyền cho người dân biết. Chỉ có một nền báo chí tự do và không bị kiềm chế thì mới có thể phơi bày sự dối trá của chính quyền một cách hiệu quả.”…

Tại Mỹ, quyền tự do thông tin ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp, và truyền thông đã sử dụng quyền hiến pháp này để hoạt động một cách tự do tối đa có thể được (truyền thông được xem như Đệ tứ quyền). Trong khi đó, Hiến pháp của Anh và Úc không có điều khoản nào cam kết quyền tự do thông tin ngôn luận cả [6] . Tại những nước này, quyền hạn của truyền thông chủ yếu dựa vào thông lệ, tính thực tiễn và thông luật (common law). Vì thế mà kết quả của các cuộc tranh chấp giữa các định chế chính trị lớn khó tiên đoán hơn và nhu cầu để tìm thế cân bằng giữa các lãnh vực tranh giành quyền hạn và tính hợp pháp phụ thuộc vào sự thương lượng thường trực với nhau. Tuy quyền tự do thông tin ngôn luận không được ghi trong Hiến pháp, Úc (và Anh) là thành viên của Liên Hiệp Quốc, là thành viên ký kết Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, và theo Hội đồng Báo chí Úc thì “tự do của báo chí để xuất bản là tự do của con người được thông tin”. Toà án Tối cao Úc đã khẳng định quyền phát biểu quan điểm chính trị là yếu tố quan trọng của nền Dân chủ Đại diện (Representative Democracy). Tuy nhiên luật về phỉ báng tại Úc có thể nói là khá khắc khe, đặc biệt là so với Mỹ.


Sự hình thành và phát triển tư tưởng tự do báo chí

Báo chí đã có từ lâu (tờ báo đầu tiên được biết là vào năm 1605), nhưng tự do báo chí chỉ thật sự hiện hữu trong thế kỷ 20, tuy các máy in đã có gần 1000 năm hay trước nữa, và tài liệu cổ (và giấy) đã hiện hữu trước Công nguyên.

Theo giáo sư Ian Ward, trong tác phẩm Tính chính trị của truyền thông (Politics of the Media) xuất bản năm 1995, ý tưởng về tự do báo chí hình thành từ thế kỷ 17 tại Anh dựa trên các tư tưởng cấp tiến hơn là truyền thống chính trị dân chủ [7] . Vào thời đó, vương quốc Anh vẫn cho mình có quyền thiêng liêng để cai trị và sử dụng quyền hành độc đoán. Vì thế nên đã có sự kêu gọi tự do báo chí để chống lại sự cai trị của nhà vua. Thi sĩ John Milton (1608-1674) và một số người khác cho rằng không bất kỳ ai, kể cả vua, có thể hiểu biết tuyệt đối cái gì là đúng, và tất cả mọi người được Thượng đế ban cho khả năng để suy luận. Ông Milton lý luận rằng Thượng đế có ý định để con người đọc, đối diện với những ý kiến đối nghịch nhau, và chọn lựa giữa thiện và ác để họ có thể tiếp tục củng cố đức hạnh của họ trước mắt Ngài. Vì thế cho nên những cố gắng của chính quyền trong việc kiểm duyệt và tước đi tự do báo chí là một sự lăng mạ đối với khả năng lý luận mà Thượng đế ban cho con người.

Sau thi sĩ Milton, vào năm 1689, John Locke (1632-1704) – triết gia người Anh, nổi tiếng với bản Khế ước Xã hội (Social Contract) – lý luận rằng một định luật Thiên nhiên ràng buộc tất cả, kể cả vua chúa, ban cho mỗi cá nhân quyền bất khả xâm phạm để sống, có tự do và có tài sản. Những người cổ võ cho chủ thuyết tự do như John Locke, Thomas Paine và Mary Wollstonecraft tin rằng mỗi cá nhân có những quyền mà chính quyền phải tôn trọng, kể cả quyền đối kháng, và luật pháp phải được sự đồng thuận chung chứ không thể do một ai tự đặt ra. Đến năm 1704, nhà thần học Matthew Tindal (1657-1733) viết trong bài tiểu luận “Những lý luận phản đối việc kiềm chế báo chí”, cho rằng cũng như mọi người có quyền tự nhiên để tự nhận định về các vấn đề tôn giáo mà chính quyền không có thẩm quyền để kiểm duyệt, thì những cá nhân cũng phải có quyền nhận định chính trị không bị giới hạn và “sử dụng quyền tự nhiên này một cách tự do đối với chính quyền”. Quan trọng nhất là quyền truy cập thông tin, vì theo ông Tindal, đây là phương tiện kiểm soát cần thiết đối với sự lạm quyền của chính quyền và là phương tiện chính yếu để bảo quản một chính quyền hiệu quả biết tôn trọng các quyền tự nhiên của con người, để họ có thể tìm kiếm kiến thức và khai sáng. Thế hệ triết gia cấp tiến tiếp theo ông Locke gồm có triết gia Jeremy Bentham (1748-1832) và John Stuart Mill (1806-1873, học trò của Bentham) [8] phát triển chủ thuyết vị lợi (Utilitarianism). Ông Bentham lý luận: Các chính quyền rốt cuộc cũng chỉ muốn thâu tóm quyền hành cho quyền lợi riêng của mình với cái giá phải trả của công dân; quyền lực này có thể bị kiềm chế phần nào bằng việc mở rộng quyền bầu cử, áp dụng phiếu bầu kín và tổ chức bầu cử ấn định hạn kỳ cho dân chúng; muốn đạt được các kết quả này thì phải có một nền báo chí tự do, bởi nhất định phải có một diễn đàn tự do như thế để trao đổi tin tức và ý tưởng nếu các cuộc bầu cử thực sự phản ánh nguyện vọng của cử tri. Nói tóm lại, chủ trương của thuyết vị lợi đối với tự do báo chí là: thứ nhất, nó là sự kiểm soát ngăn chặn một chính quyền độc tài xuất hiện; và thứ hai, nó sẽ giúp làm luật và áp dụng luật để mang lại sự hài lòng lớn nhất đối với nhiều người nhất.

Triết gia John Stuart Mill đi thêm một bước nữa để bảo vệ và cổ võ cho nền tự do báo chí. Trong bài tiểu luận “On Liberty” [Về tự do] viết vào năm 1859, ông Mill lý luận rằng bày tỏ ý kiến tự do là cách có khả năng cao nhất để các ý kiến được ưa chuộng hướng đến sự thật. Ông tin rằng điều kiện để con người được lành mạnh có rất nhiều và khác nhau, và chỉ có thể thực sự hình thành bằng thử nghiệm. Ông nhận thức rằng sự bất đồng trong công chúng là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của cá nhân và xã hội nói chung. Ông cổ động cho quyền bày tỏ tự do vì: 1) tin rằng nó sẽ phục vụ quyền lợi của cá nhân bằng cách để họ trao đổi và thử nghiệm các ý tưởng mới và qua đó học hỏi; 2) tự do bày tỏ ý kiến sẽ phụng sự cho xã hội nói chung vì bảo đảm rằng một phạm trù quan điểm rộng nhất về các vấn đề chung của xã hội được cân nhắc một cách tự do và đầy đủ; 3) dù ý kiến có sai đi chăng nữa cũng không nên bị kiểm duyệt vì chính sự đối đầu với các ý kiến khác sẽ giúp cho sự thật hiện ra trọn vẹn hơn; 4) hơn thế, cái giá phải trả trong việc cấm bày tỏ/phát biểu/nêu ý kiến có thể dẫn đến việc cấm nói sự thật; 5) sự kiểm duyệt có thể dẫn đến việc cấm đoán ý kiến mà rốt cuộc chứng minh là có giá trị, hoặc ít nhất chứa đựng một phần yếu tố sự thật bên trong; 6) sự kiểm duyệt tước đi cơ hội làm giàu thêm ý tưởng để quyết định sự thật của các vấn đề cho chính họ, và để cho các ý tưởng được cho là sự thật này không được thách thức và nhiều khi biến hoá thành giáo điều. Nói tóm lại, theo ông Mill thì nhờ tự to báo chí nên tiếng nói đa nguyên và một ’thị trường’ ý kiến và thông tin được đảm bảo, và nhờ đó nuôi dưỡng thói quen thách đố và sửa chữa ý kiến lẫn nhau trong công chúng. Do đó, ông Mill kết luận rằng tự do báo chí là đồng minh cần thiết của sự thật.

Tự do truyền thông và vấn đề dân chủ

Hy Lạp được xem là một trong những quốc gia có nền tảng dân chủ đầu tiên trên thế giới, từ thế kỷ thứ 5 trước công nguyên. Đến năm 1688, Anh Quốc trở thành Quân chủ Lập hiến, có thể nói là tiến bộ nhất vào thời đó. Đến năm 1789, Hoa Kỳ trở thành quốc gia có nền dân chủ tiến bộ nhất thế giới (Liberal Democracy). Thế nhưng hơn 200 năm sau, ước đoán chỉ gần một nửa dân số trên thế giới được sống dưới thể chế chính trị dân chủ thật sự (tức dân chủ tự do, để phân biệt với dân chủ giả hiệu mà một số chế độ độc tài thường tự gán cho mình). Hơn một nửa còn lại chịu sự cai trị của các chính thể độc tài. Tuy nhiên, trong suốt 400 năm qua, những tư tưởng tự do và những quan điểm về kẻ thống trị và người bị trị, về chính quyền và người dân, về vua và dân, cũng như các chủ thuyết phác hoạ sơ khai của các triết gia từ đó đến nay đã tiến hoá qua nhiều thế hệ, được tiếp nối và phát triển qua nhiều giai đoạn. Khi điều kiện (thiên thời, địa lợi, nhân hoà?) hội đủ thì sẽ đưa đến thay đổi đột biến và to lớn, mà chúng ta thường gọi là các cuộc cách mạng. Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ đặc biệt ở chỗ trong lúc chiến tranh cách mạng xảy ra, các nhà lãnh đạo của Mỹ có tầm nhìn xa và bắt đầu xây dựng nền tảng xã hội, mở đầu là Bản Tuyên ngôn Độc lập (4/7/1776); hơn 10 năm sau hoàn thành Hiến Pháp, được thông qua năm 1789; và chỉ 2 năm sau bổ túc Bộ Luật Nhân quyền. Cuộc Cách mạng Pháp (1789-1799) đẫm máu hơn, được xem là cuộc cách mạng ít có định hướng nhất trong lịch sử cận đại và vì thế trôi quanh quẩn trên nhiều phương diện; mà vòng luẩn quẩn lớn nhất là sự khởi đi từ một chế độ quân chủ (Louis XVI) và kết thúc bằng nền cai trị của một hoàng đế (Napoléon Bonaparte). Nhưng nói chung,hai cuộc cách mạng và những biến đổi tư tưởng và chính trị tại Mỹ vàPháp đã tác động sâu xa đến lịch sử thế giới sau này.

Từ John Milton, đến John Locke, rồi đến John Stuart Mill (ba ông John), những ý tưởng xem vua không thể có quyền tuyệt đối, không thể biết hết sự thật, cho đến ý tưởng xem con người sinh ra có những quyền tự do bất khả xâm phạm, cho đến ý tưởng xem tự do báo chí là phương tiện tối hảo để kiểm soát sự lộng quyền của chính quyền v.v… và trên hết là ý tưởng rằng tự do thông tin và báo chí là phương tiện cần thiếtvà tốt nhất để người dân biết rõ sự thật, hầu quyết định hay chọn lựa cho đúng đắn, và như thế mới ích lợi cho xã hội nói chung. Những ý tưởng này là nền tảng giá trị của Tuyên ngôn Độc lập và Hiến pháp Hoa Kỳ, là nền tảng của các giá trị dân chủ, cũng là nền tảng của tự do truyền thông hôm nay.

Các tư tưởng này đã được thử nghiệm nhiều trên 100 năm qua, nhiều nhất là trong nửa thế kỷ qua. Nó đã thách đố đến thượng tầng kiến trúc của các xã hội dân chủ như Mỹ, Anh, Pháp, Úc… Nói chung, tinh thần thử nghiệm các tư tưởng này có thể nói là rất khoa học, không xem bất cứ điều gì là tuyệt đối, mà phải thử nghiệm để đo lường mục đích, kết quả và giá trị cho chính xác. Bởi vì không có một câu trả lời duy nhất nào về cách làm sao chúng ta sống cho xứng đáng. Cũng khó có thể thẩm định cái gì tốt hơn hoặc ưu việt hơn, vì phần lớn rất có thể chỉ là vấn đề chọn lựa hay niềm tin của mỗi người. Vì “… mọi người sinh ra bình đẳng, rằng mọi người được Thượng đế ban cho những quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”, nên không thể áp đặt hay bắt buộc người khác. Cho nên Dân chủ Đại diện đang được áp dụng nhiều nhất trong các thể chế chính trị hiện hữu mặc dầu có những chủ thuyết khác phê bình mức độ dân chủ nói trên (ví dụ như Thuyết Dân chủ Nghị luận – Deliberative Democracy Theory).

Đối với quan điểm của Dân chủ Tự do [9] , nếu truyền thông đóng vai trò diễn đàn chính trị thì mục tiêu đầu tiên của nó phải là làm cho công dân biết rõ những ai đang dự tính ra tranh cử hay tiếp tục tranh cử, và kế hoạch hay chính sách của họ là gì, họ đã đạt được những thành quả nào; kế đến là tạo điều kiện cho những nhóm chuyên biệt (interest groups) phổ biến rộng rãi các quan tâm và tuyên bố của họ; những ai chỉ dùng người dân làm công cụ tiến thân cho chính họ thì truyền thông phải theo sát và làm cho họ chịu trách nhiệm các hành động của mình. Muốn làm được điều này, truyền thông phải được tự do, và nó không thể nào là công cụ cho một quan điểm hay tuyên truyền cho chính quyền. Tự do ở đây có nghĩa là không bị tập trung sở hữu hay điều khiển. Bất cứ hình thức điều khiển nào cũng đều có nghĩa là mất tự do [10] . Ngay cả vấn đề thiên kiến (bias) phản ảnh qua truyền thông cũng ảnh hưởng tệ hại lên nền dân chủ vì nó có thể xuyên tạc hoặc thông tin không đúng sự thật. Tin tức không đầy đủ và không chính xác có khả năng đưa đến những hành động chính trị sai trái. Nói tóm lại, tự do thông tin là yếu tố trọng yếu của một xã hội dân chủ. Truyền thông dân chủ cần một chính thể dân chủ, và ngược lại [11] . Trong tác phẩm Truyền thông đại chúng, chính trị và dân chủ (Mass Media, Politics and Democracy), giáo sư chính trị học John Street kết luận rằng “… nó không phải là vấn đề của chính trị hay truyền thông đại chúng, như hai thực thể riêng biệt, mà là một quan hệ phức tạp: chính trị truyền thông đại chúng”.


Vài kết luận

Kể từ khi văn nghệ sĩ miền Bắc mạnh mẽ lên tiếng trong hai báo Nhân vănGiai phẩm (1956-1958), tình trạng tự do báo chí, nếu có (!) vào lúc đó, đã chẳng còn lại dấu tích gì hiện nay. Không khó hiểu nếu nhìn ra nhu cầu sống còn của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). “Bí quyết” của chế độ độc tài là duy trì bạo lực, củng cố bưng bít và nâng cấp tuyên truyền. Theo tài liệu nghiên cứu về truyền thông đại chúng tại Việt Nam do giáo sư David Marr (được xem là một chuyên gia về Việt Nam có quan điểm thiên tả) biên tập năm 1998, tác giả Russell Hiang-Khng Heng [12] khẳng định rằng tất cả các cơ quan truyền thông tại Việt Nam đều nằm dưới hai cơ quan của chế độ: Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương (của Đảng, có thẩm quyền cao nhất), và Bộ Văn hoá Thông tin (của chính quyền). Ông Heng cũng khẳng định rằng ĐCSVN vẫn tiếp tục áp dụng cơ cấu tổ chức các cơ quan truyền thông theo mô thức dưới thời Stalin để bảo đảm rằng tất cả các đường dây điều động có thể lên đến cấp cao nhất. Chính quyền Việt Nam yêu cầu các cơ quan truyền thông rằng tất cả thông tin phải tuân theo tiêu chuẩn của Đảng đề ra, báo chí phải đi tiên phong trong vai trò đấu tranh giai cấp; và truyền thông, ngoài việc cung cấp thông tin, còn phải phục vụ nhu cầu tuyên truyền, ủng hộ và tổ chức (việc Đảng).

Tự do ngôn luận và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu trong sạch hoá guồng máy chính quyền, chống tham nhũng, chỉ điểm những người phải chịu trách nhiệm trước những hành động sai trái của mình v.v… Nhờ Internet (truyền thông mới) mà sự liên lạc trong ngoài giữa các phong trào tổ chức đấu tranh, cũng như giữa những người quan tâm, diễn ra một cách nhanh chóng và hiệu quả đáng kể. Ảnh hưởng của các đài phát thanh về Việt Nam như RFA, VOA, BBC, Chân Trời Mới… và các websites đăng tải thông tin về Việt Nam đã phần nào phá bức tường bưng bít của chế độ. Các sinh viên du học hay những ai có cơ hội đi du lịch ở nước ngoài, dù không quan tâm đến chính trị nhưng cũng không thể bịt mắt trước sự khác biệt giữa môi trường rộng mở và xã hội khép kín.

Tư tưởng hình thành tự do thông tin ngôn luận đã thai nghén trên hơn ba thế kỷ, một khi phát triển qua các định chế độc lập, sẽ mang ánh sáng đến nơi tăm tối. Từ ý tưởng ban đầu vào đầu thế kỷ 17, cho đến sự chính thức công nhận vào cuối thế kỷ 18 trong Hiến pháp Hoa Kỳ, mà mãi đến sau thế kỷ 20 mới thực sự được tôn trọng (tuy một nửa thế giới vẫn còn bị giới hạn). Ngày nay, tự do thông tin ngôn luận là tiền tệ chính của dân chủ. Biết rõ tiến trình này, chúng ta sẽ hiểu hơn, và cũng không ngạc nhiên, rằng sẽ không bao giờ có tự do thông tin ngôn luận dưới chế độ độc tài. Chúng ta cũng hiểu rõ là những Sách trắng hay lời nói hoa mỹ của các lãnh tụ rêu rao về nền dân chủ giả hiệu chẳng thể có giá trị gì khi chưa có tự do thông tin ngôn luận. Và như chúng ta đã thấy, cũng như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện hay nhiều người đã nói, đừng mong chế độ này thay đổi quan điểm cho phép tự do báo chí ra đời (dù sau khi gia nhập WTO thì cũng sẽ là hình thức và sẽ bị kiểm duyệt gắt gao). Chỉ có chúng ta, nếu tin đó là quyền bất khả xâm phạm, hẳn biết phải làm gì để có được.

Phạm Phú Đức
Melbourne 12/7/2006

Ghi Chú

[1] Trong bài viết này, tự do thông tin có thể hiểu là freedom of information, freedom of the press, hoặc freedom of media. Trong Hiến pháp Mỹ có nói đến freedom of the press, tức quyền tự do báo chí vì thời đó (1791) chỉ có báo chí mà thôi. Ngày nay có thể hiểu freedom of the press có nghĩa là tự do thông tin hay tự do truyền thông gồm báo chí, truyền thanh, truyền hình và Internet. Nói chung, cụm từ ’tự do thông tin ngôn luận’ có lẽ đồng nghĩa với bên tiếng Anh là freedom of expression, tức quyền tự do bày tỏ (ý kiến, cảm xúc), không chỉ riêng về tự do phát biểu mà còn là quyền được tìm kiếm, thu nhận hay phổ biến thông tin hoặc ý kiến bằng bất cứ phương tiện nào.

[2] Anthony Lewis, “Privilege & the Press”, The New York Review of Books, Volume 52, Number 12, July 14, 2005

[3] Một cách tổng quát thì tự do ngôn luận và truyền thông tại Hoa Kỳ được bảo vệ nhất so với các nước khác. Nhưng vì quá tự do nên uy tín có thể bị tàn phá dễ dàng bởi các bài viết sai lệch của báo chí. Một khi vấn đề vu khống hay mạ lỵ làm ảnh hưởng đến uy tín người khác thì luật về phỉ báng (Defamation Law) được áp dụng để xét xử từng trường hợp. Tại Mỹ, Luật Phỉ Báng được xem là cấp tiến nhất vì quyền tự do ngôn luận được bảo vệ tối đa. Tại Úc thì tự do ngôn luận có giới hạn vì thanh danh (uy tín) của một cá nhân cần được bảo vệ để kiềm chế các luận điệu vu khống bôi nhọ. Anh Quốc thì luật được cân bằng giữa tự do ngôn luận và vấn đề ’phỉ báng’ người khác.

[4] Xin xem các trang tài liệu khác như Pentagon Papers Case. Toà án Tối cao của Mỹ có 9 thẩm phán. Các thẩm phán được bổ nhiệm bởi Tổng thống thông qua Thượng viện của Quốc hội Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ của các thẩm phán khi được bổ nhiệm là suốt đời, nhưng có quyền từ nhiệm sớm. Trong 9 thẩm phán thì một người được chọn làm Chủ tịch Pháp viện. Quyết định thì dựa vào đa số cho nên chỉ cần 5 trên 9 phiếu thuận là thắng.

[5] Xin đọc chương 14: The Supreme Court and Judicial Politics của David H. McKay, American Politics and Society, Blackwell Publishing Ltd., 2005, Sixth edition.

[6] Xin đọc chương 4: The Other Estates Question the Fourth của Julianne Schultz, Reviving the Fourth Estate. Democracy, Accountability and the Media, Cambridge University Press, Cambridge, 1998.

[7] Xin đọc chương 1: The Press, Television and the Public Sphere của Ian Ward, Politics of the Media, Macmillan, South Yarra, 1995.

[8] Tiểu sử của John Stuart Mill và hầu hết các nhân vật trong bài viết này có thể truy tìm tại trang web Wikipedia. Wikipedia là ’Bách khoa Toàn thư’ giá trị và đang ngày càng phát triển, đặc biệt về lãnh vực chính trị, lịch sử và triết học. Trang Wikipedia tiếng Việt cũng đang được phát triển.

[9] Xin đọc chương 12: A Free Press: Democracy and Mass Media của John Street, Mass Media, Politics and Democracy, Palgrave, 2001.

[10] Cũng xin được nói rõ ở đây rằng không có truyền thông nào hoàn toàn tự do, bởi, dù không bị kiểm soát bởi chính quyền, nhưng vì chính sách chung của cơ quan truyền thông đó, hay ý thức hệ của các vị chủ biên và những nhà doanh nghiệm sở hữu các cơ quan truyền thông này, hay là sự mặc cả giữa các nhà doanh nghiệm và các đảng phái hay lãnh đạo chính trị, vân vân…

[11] Đây là một đề tài rộng và sâu, và trong nhiều thập niên qua, nhiều chuyên gia đã nghiên cứu và phân tích rất kỹ lưỡng về ảnh hưởng của truyền thông lên chính trị và xã hội, nhưng không phải là trọng tâm của bài này. Xin đón đọc bài tiếp theo của cùng tác giả về vai trò của truyền thông trong đấu tranh cho tự do dân chủ và canh tân đất nước.

[12] Xin đọc chương ’Media in Vietnam and the Structure of its Management’ của Russell Hiang-Khng Heng trong tác phẩm do David G. Marr chủ biên, The Mass Media in Vietnam, Political and Social Change Monograph 25, the Australian National University, Canberra, 1998.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bìa sách "Quyền lực và vấn đề kiểm soát Quyền lực trong Xã hội" của tác giả Lê Anh Hùng

Giới thiệu sách mới: “Quyền lực và vấn đề kiểm soát quyền lực trong xã hội”

“Vấn đề quyền lực là vấn đề mấu chốt của chính trị. Và chính trị liên quan đến bất kỳ ai, kể cả những người khăng khăng rằng họ không dính líu gì đến chính trị cả. Như bản thân chính trị, quyền lực là một vấn đề phức tạp, đa chiều, khó hiểu và trong cuốn sách này tác giả giúp chúng ta hiểu dễ hơn, tốt hơn về quyền lực, về tầm quan trọng của quyền lực và vì sao cần kiểm soát quyền lực trong xã hội, cũng như nhiều cách để kiểm soát quyền lực.” (TS Nguyễn Quang A)

Giá tính thuế tài nguyên

Tít bài báo trên nên đổi lại: “UBND tỉnh tăng giá tính thuế tài nguyên, doanh nghiệp xin trả lại mỏ cát.”

Doanh nghiệp đấu giá mỏ cát năm 2023, lúc mà giá tính thuế là 150 ngàn đồng/khối. Cuối 2023, UBND tỉnh Quảng Ngãi tăng giá tính thuế lên 230 ngàn đồng/khối. Doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm 13,9 tỷ đồng nếu tiếp tục khai thác. Họ đã quyết định xin trả lại mỏ.

Ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở hôm 1/7/2024 - Bộ máy phình to, chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh. Ảnh: FB Kim Van Chinh

Bộ máy phình to và chi phí ngân sách nhà nước tăng mạnh

Bộ máy ăn lương ngân sách nhà nước ở cấp xã, thôn phình to có nguy cơ tăng chi NSNN là tất yếu.

Gần đây ngành công an lại triển khai cán bộ công an chuyên trách xuống các xã. Tổng cộng có gần 10.000 xã, mỗi xã có 3 cán bộ công an thành ra tăng 30.000 biên chế công an ăn lương.

Chưa hết, mới đây nhất (1/7/2024), các địa phương (theo chỉ đạo chung) chính thức ra mắt Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở (thường gọi là dân phòng). Theo con số chưa chính thức… cả nước sẽ có khoảng 300.000 dân phòng chính thức được ăn phụ cấp.

Một căn cứ cưỡng bức lao động lừa đảo qua mạng tại Cambodia năm 2022. Ảnh: Reuters

Đường dây lừa đảo trực tuyến liên quan Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Việt Nam

Việt Nam là quốc gia có số người dùng mạng xã hội thuộc hàng đầu trên thế giới và đang dần trở thành một trung tâm lớn về tin giả và lừa đảo tuyển dụng qua không gian mạng.

Đây là nội dung được nêu ra trong buổi hội thảo trực tuyến về nội dung “Lừa đảo qua mạng và buôn người ở Campuchia và Việt Nam,” do Viện Hòa Bình (USIP), có trụ sở tại Hoa Kỳ, tổ chức hôm 2/7/2024.