EU xoay trục sang ASEAN để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Thu Hằng - RFI

Từ trái: Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/12/2022. Ảnh: AP - Olivier Matthys

Mỹ tổ chức thượng đỉnh với các nước châu Phi tại Washington cùng thời điểm với Liên Hiệp Châu Âu họp với các nhà lãnh đạo ASEAN ở Bruxelles. Dù Trung Quốc không hề xuất hiện nhưng vẫn là đối tượng bị nhắm đến trong chiến lược của phương Tây thắt chặt quan hệ với những khu vực vẫn bị cho là chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Theo nhiều quan chức châu Âu, Liên Hiệp Châu Âu luôn “từ chối khuynh hướng ‘vùng ảnh hưởng’,” đang tìm cách “đa dạng hóa các nhà cung cấp để bảo đảm an ninh cho nguồn cung ứng” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Matxcơva và quan hệ nguội lạnh với Bắc Kinh. Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được công bố năm 2021 xác định rõ Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” của Liên Âu.

ASEAN: Đối tác giúp EU giảm phụ thuộc vào Trung Quốc

Đông Nam Á trở thành khu vực quan trọng về an ninh, ngoại giao và thương mại đối với Liên Hiệp Châu Âu, vì theo một nhà ngoại giao, “khu vực vô cùng năng động này đang trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới từ nay đến 4-5 năm nữa.” Nhìn chung, tiềm năng của khu vực này “rất lớn,” “đó là một thị trường rộng lớn, rất trẻ và rất có trình độ,” theo nhận định với báo Le Figaro của nhà nghiên cứu Eva Pejsova, Đại học Bruxelles.

Hiện tại, Liên Hiệp Châu Âu là nhà đầu tư lớn thứ hai và là đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN(sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 đạt 280 tỉ Euro. Nhưng Bruxelles muốn “kết nối lại” với các nước Đông Nam Á, vì một mặt ASEAN được kỳ vọng giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác nhiều nước Đông Nam Á rất giầu tài nguyên, khí đốt, như các mỏ lithium ở Indonesia.

Do đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nhấn mạnh châu Âu “phải trở thành một đối trọng với ảnh hưởng mà những cường quốc khác đang cố mở rộng trong vùng” Đông Nam Á. Còn theo người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell, Bruxelles phải “đưa ra nhiều đề xuất hơn trong cuộc chiến trên đấu trường địa-chính trị.” Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thực hiện phần nào tham vọng này khi đưa ra nhiều đề xuất giá trị, đầy hấp dẫn với các đồng nhiệm ASEAN.

Khoản đầu tư 10 tỉ Euro, trích từ quỹ Global Gateway của Liên Âu cạnh tranh với Sáng kiến một Vành đai một con đường của Trung Quốc, tập trung vào phát triển bền vững, kết nối, an ninh cho các nước ASEAN từ giờ đến năm 2027. Về thương mại, theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, khối 27 nước “sẽ tạo điều kiện cho trao đổi thương mại giữa các nước thành viên của hai khối và cải thiện những điệu kiện đó,” dù vấn đề nhân quyền vẫn được các hiệp hội đề cập.

Sau hiệp định tự do thương mại với Singapore và Việt Nam, Bruxelles không giấu tham vọng mở rộng thỏa thuận tự do mậu dịch với các nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, trong đó hai thỏa thuận khung với Malaysia và Thái Lan đã được ký tại hội nghị thượng đỉnh ngày 14/12. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng khởi động dự án tự do trao đổi giữa hai vùng.

ASEAN tìm “con đường thứ ba” với EU

Về phía ASEAN, các nước Đông Nam Á tìm thấy “nhiều điểm tương đồng chiến lược” với khối 27 nước. ASEAN luôn từ chối “chọn phe” giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh Đông Nam Á trở thành đấu trường cạnh tranh kinh tế và an ninh khốc liệt giữa hai cường quốc. Trả lời đài RFI ngày 14/12, nhà nghiên cứu Sophie Boisseau-Durocher cho rằng những điểm đồng nhất về chính trị, kinh tế, ngoại giao giữa Đông Nam Á và Liên Hiệp Châu Âu dường như được khai thác để giúp ASEAN thoát khỏi thế kẹt do cuộc đối đầu Mỹ – Trung ngày càng gay gắt.”

Liên Hiệp Châu Âu trở thành “con đường thứ ba” cho khối 10 nước. Theo tổng thống Philippines, với “sự ủng hộ chiến lược” của Liên Âu, các nước Đông Nam Á sẽ ở “thế mạnh” trong các cuộc đàm phán về tranh chấp ở Biển Đông, ý muốn nói đến Trung Quốc dù ông không nêu đích danh. Tuy nhiên, một quan chức Đức cảnh báo Bruxelles sẽ phải cận trọng vì dù là một đối tác quan trọng với các nước ASEAN, nhưng “Trung Quốc còn quan trọng hơn về trao đổi thương mại, hơn cả Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu.”

Dù sao một giai đoạn mới đang mở ra cho quan hệ giữa hai khối. Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, chủ tịch luân phiên ASEAN 2022, đánh giá cuộc họp thượng đỉnh là “cơ hội” biến mong muốn xích lại gần nhau giữa hai khối thành một kế hoạch “cụ thể và có lợi cho cả hai vùng cho vài thập niên tới.”

Thu Hằng

Nguồn: RFI