Hiểu về dự luật dẫn độ của Hong Kong trong 5 phút

Người dân Hong Kong biểu tình chống dự luật dẫn độ, ngày 9 tháng Sáu, 2019. Ảnh: Reuters/Thomas Peter.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân Hong Kong và công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nguy cơ này là có thật, và vì thế chúng ta cần tìm hiểu về dự luật này… trước khi quyết định phản đối nó.

Dự luật dẫn độ (mà người Hong Kong đang chống) là gì?

Như tên gọi, đây mới chỉ là dự luật, chưa phải là luật vì chưa được cơ quan lập pháp Hong Kong thông qua. Và nó là một dự luật của chính quyền Hong Kong (cho nên có người nói “luật dẫn độ của Trung Quốc” là nói sai).

Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác: 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự.

Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với “chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa Nhân dân (CHND) Trung Hoa”.

Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời.

Cho đến nay, Hong Kong đã ký kết hiệp định tương trợ tư pháp với 20 nước, như Canada, Mỹ, Anh, Úc, New Zealand. Trong khu vực Đông Nam Á, Hong Kong có hiệp định tương trợ tư pháp với Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines. Danh sách 20 vùng tài phán này không có Trung Quốc và Việt Nam.

Vì sao người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ?

Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước CHND Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam). Không có mấy hy vọng về việc nghi phạm bị dẫn độ về Trung Quốc sẽ được hưởng đầy đủ quyền con người liên quan đến quá trình tố tụng.

Những năm gần đây, nhà nước Trung Quốc cũng đã tiến hành bắt cóc nhiều công dân của mình từ các nước khác về Trung Hoa lục địa chịu tội. Ví dụ hay được nhắc đến là Gui Minhai, một người bán sách, bị bắt cóc tại Thái Lan tháng 10/2015 và ba tháng sau “xuất hiện trở lại” trong trại giam ở Trung Quốc – một trường hợp rất giống với nhà báo Trương Duy Nhất của Việt Nam. Tháng 1/2016, Gui Minhai thậm chí còn thú tội trên truyền hình, khóc lóc nói rằng đã từng lái xe đụng chết một sinh viên 20 tuổi.

Cho nên, những người phản đối cũng lo sợ dự luật dẫn độ thực chất là “luật hoá việc bắt cóc”, tạo cơ sở pháp lý cho việc nhà nước bắt cóc công dân ở nước ngoài.

Theo dự luật, những tội phạm nào bị dẫn độ?

Dự luật xác định 37 nhóm tội có thể bị dẫn độ, mỗi nhóm bao gồm nhiều hành vi phạm tội khác nhau. Về căn bản thì các tội phạm sau đây sẽ bị dẫn độ: giết người, xúi giục và giúp người khác tự tử, hành hung, doạ giết, hiếp dâm và tấn công tình dục, bắt cóc, tham nhũng, rửa tiền, hải tặc và không tặc…

Các tội phạm bị dẫn độ đều là các tội bị xử ít nhất bảy năm tù, theo luật Hong Kong.

Dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị.

Như vậy, tội chính trị không thể bị dẫn độ, theo dự luật này?

Mặc dù dự luật quy định không dẫn độ trong trường hợp các vi phạm mang bản chất chính trị, nhưng nhìn lại lịch sử, việc hình sự hoá các hành động chính trị để biến chúng thành “tội hình sự”, biến vụ án chính trị thành vụ án hình sự, là điều mà các chính quyền Trung Quốc, Việt Nam vẫn thường xuyên làm. Giới hoạt động nhân quyền ở cả hai nước đều có thể bị buộc vào các tội hình sự thông thường và bị kết án như tù hình sự, trong khi hai chính quyền thường xuyên nói rằng ở nước mình không có tù nhân lương tâm, tù chính trị.

Chính quyền Hong Kong phản hồi ra sao với các quan điểm phản đối?

Chính quyền Hong Kong muốn thông qua dự luật dẫn độ, lấy lý do là không muốn Hong Kong trở thành nơi ẩn náu của tội phạm bị truy nã. Trong một thông cáo báo chí hôm 03/6, Văn phòng Chính quyền Đặc khu cho rằng “việc giao nộp tội phạm đào tẩu là một thông lệ quốc tế lâu đời nhằm chống các tội ác nghiêm trọng và ngăn chặn tội phạm đào thoát, trốn tránh công lý”.

Đối với những ý kiến lo ngại về tác động tiêu cực của luật dẫn độ đến tự do ngôn luận ở Hong Kong, chính quyền đặc khu đáp rằng luật này chỉ nhằm xử lý các tội nghiêm trọng và sẽ không xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận, báo chí xuất bản của người dân Hong Kong.

Luật dẫn độ ảnh hưởng như thế nào đến người nước ngoài ở Hong Kong?

Theo luật pháp Trung Quốc, Trung Quốc có quyền xét xử bất kỳ người nước ngoài nào phạm tội chống lại “nhà nước CHND Trung Hoa hoặc công dân của nước CHND Trung Hoa” bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, miễn là tội đó thuộc loại tội bị xử ít nhất ba năm tù và hành vi phạm pháp cũng bị coi là tội ở nơi mà nó diễn ra. Dĩ nhiên, việc bắt giữ, dẫn độ nghi phạm về Trung Quốc phải được sự đồng ý của nước sở tại.

Giới luật sư Hong Kong cho rằng nếu dự luật dẫn độ được thông qua, Trung Quốc có thể dùng nó để trả thù các công dân nước ngoài làm việc hoặc du lịch ở Hong Kong. Nhân viên người Mỹ, làm việc trong các tổ chức nhân quyền quốc tế có văn phòng ở Hong Kong như Ân xá Quốc tế (Amnesty International), có thể là nạn nhân sớm của luật dẫn độ. Nhà báo, học giả, nghiên cứu viên nước ngoài ở Hong Kong… cũng gặp rủi ro tương tự.

Đoan Trang

Lược dịch từ bài “Everything you need to know about Hong Kong’s extradition law”, đăng ngày 11 tháng Sáu, 2019 trên Quartz.

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

 

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.