Kỷ niệm một năm nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt

Nguyễn Thanh Văn

Tháng 5. 2009 là tròn một năm mà nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị Tòa án Nhân dân Tối cao Hà Nội quy cho tội danh: ’’Cố ý làm lộ bí mật công tác và lợi dụng các quyền tự do dân chủ trong vụ điều tra tham nhũng tại cơ quan PMU 18“, để từ đó kết án ông hai năm tù giam. Một hình ảnh khó ai quên được trong phiên toà hôm đó, là hình ảnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến cương quyết phủ nhận các tội ông bị quy kết trong phiên toà, đã gây ấn tượng đặc biệt về sự dũng cảm của một nhà báo có lương tâm và trách nhiệm, dưới một chế độ mà từ lâu nay những tinh thần vừa kể tưởng chừng như đã bị cường quyền tận giệt. Và vì vậy, sự dũng cảm của ông đã tạo nên sự cảm phục trong lòng mọi người, và đang có khuynh hướng lây lan trong giới nhà báo hiện nay ở Việt Nam.

Cảm phục vì ông đã viết lên sự thật, làm đúng trách nhiệm của một nhà báo khi tường thuật về sự tham nhũng trong vụ PMU 18; vào lúc mà nạn tham nhũng đang ngất ngưởng ngự trị trên toàn xã hội, và đã đi vào mọi ngõ ngách công quyền tại Việt Nam. Để từ đó những kẻ có chức có quyền sẵn sàng trù dập những ai dám vạch ra sự thối nát của họ cùng đồng bọn, như nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã làm.

Cảm phục, vì ông đã không chiụ khuất phục để bẻ cong sự thực, làm theo như lối nói của nhà cầm quyền là “tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và tỏ ra hối lỗi”, hầu được giảm khinh; hay chỉ bị án treo như một bạn đồng nghiệp của ông trong cùng phiên toà đã được hưởng.

Dưới chế độ cộng sản Việt Nam, người ta thường sợ bị liên lụy khi dính dáng tới một điều gì, hay một ai đó bị chế độ coi là có “vấn đề”, bị “chiếu cố“, hoặc trầm trọng hơn là bị bỏ tù. Thế nhưng, trong trường hợp nhà báo Nguyễn Việt Chiến thì trái lại. Ông bị bỏ tù, nhưng những người thân quen, bạn bè của ông chẳng những đã không ngần ngại bị liên lụy, mà còn công khai thường xuyên động viên tinh thần ông cùng gia đình. Nhiều nhà báo đã quyên góp để chia sẻ với một đồng nghiệp gặp tai họa. Họ in thơ của ông và trao tận tay ông trong nhà tù…. Khi làm những việc vừa kể, các nhà thơ, nhà văn, nhà báo như Thanh Thảo, Ngô Thế Oanh, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều… không chỉ đơn thuần bày tỏ tình thân, mà còn chứng tỏ họ không sợ hãi bị liên luỵ với nhà báo Nguyễn Việt Chiến.

Gần đây có vẻ như tinh thần dũng cảm của nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã dần dần lan toả trong báo giới Việt nam. Chẳng hạn như nhà báo Nguyễn Trung Dân, Phó Tổng Biên Tập phụ trách tờ báo Du Lịch, người vừa bị cách chức và thu hồi thẻ nhà báo hôm 12/5/2009, vì đã cho đăng một số bài báo mà nhà nước cho là “nhạy cảm chính trị”, cũng như bị quy kết là “đã không chấp hành chỉ đạo”. Trả lời phỏng vấn, ông Nguyễn Trung Dân đã thẳng thắn cho rằng, việc ông động viên lòng yêu nước của người dân thì chẳng có gì là sai phạm cả; và nếu nhà nước có quan điểm của nhà nước, thì người dân cũng cần phải có ý kiến. Hoặc như ông Nguyễn Quốc Thái, một nhà báo hàng đầu khác của báo Du Lịch cũng thẳng thắn không kém, khi nói rằng, ông “chấp hành quyết định của Bộ Thông Tin – Truyền Thông, nhưng không đồng ý với nội dung của quyết định đó”. Hay như nhà báo Trung Bảo, trong bài “Tản Mạn cho Đảo Xa” đã không hề sợ hãi khi vạch trần bộ mặt thực của những kẻ mạo nhận là “người tốt” đang ngồi trên ghế quyền lực, qua đoạn viết như sau:“Nếu có ‘kẻ xấu’ nào đó ‘kích động’ người ta đi biểu tình vì yêu nước, ta nên tôn trọng những ‘kẻ xấu’ này. Ngược lại, khi ‘người tốt’ tìm cách ngăn cản sự biểu lộ đầy phẫn uất một cách chính đáng của người dân, vì chứng kiến đất mẹ bị xâm phạm, thì hẳn những kẻ vẫn mạo xưng ‘người tốt’ này cần phải được xem lại…”

Trong làng dân báo, hay ngay cả trong hệ thống báo chí “theo lề bên phải của nhà nước” hiện nay, nhiều nhà báo nổi tiếng khác như Huy Đức, Thái Duy, Đoàn Thị Lan, Đức Hiển, Kim Hạnh, v.v…, tuy biết rằng lưỡi gươm bạo lực của nhà nước lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, nhưng không vì thế mà khiến họ phải bẻ cong ngòi bút, hay bưng tai bịt mắt trước những điều cần phải viết ra. Nhờ viết thẳng, viết thật, viết với lương tâm và trách nhiệm của người làm báo, mà họ đã có nhiều bài viết được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Tuy những người như Nguyễn Việt Chiến hay các nhà báo vừa nêu vẫn chỉ là con số nhỏ nhoi trong số hàng vạn nhà báo được đào tạo chính quy để phục vụ cho cái gọi là “lề bên phải của nhà nước”, nhưng chắc chắn tinh thần của họ đã và đang là những tấm gương cho các nhà báo khác noi theo. Để hy vọng rằng, dù có bị nhuộm đỏ bởi “đạo đức cách mạng cộng sản” hay tô đen bằng “chính sách con người mới XHCN”, thì cuối cùng lương tâm và tinh thần trách nhiệm của các nhà báo cũng sẽ trổi dậy, đưa họ trở về đúng với chức năng của người làm báo.