Ký ức về cuộc chiến tháng 2/1979 chống Trung Quốc xâm lược

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Tối ngày 17/2/1979, đài tiếng nói Việt Nam phát đi thông báo đặc biệt về việc quân Trung Quốc đã tiến hành xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam. Là ngày nghỉ nên tôi về nhà ở trong quê cách huyện lỵ 20 km, nghe thông báo, cả nhà tôi bàng hoàng sửng sốt. Tôi thức trắng qua đêm, mong trời sáng để lên cơ quan theo bổn phận là một viên chức nhà nước. Thông báo được phát đi, phát lại nhiều lần và rất cảm động, Phạm Tuyên đã kịp thời cho ra đời bài hát thôi thúc lòng người hướng về tuyến địa đầu tổ quốc:

“ tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới
Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới
Quân xâm lược bành trướng dã man
Đã giày xéo mảnh đất tiền phương
Lửa đã cháy và máu đã đổ trên đất dải biên cương”…

Là huyện hậu cứ của tỉnh Lạng Sơn, chỉ cách Hà nội 80 km và cách biên giới Việt –Trung khoảng 100 km, tôi hình dung những việc phải làm và sự cần kíp của cơ quan đối với cán bộ, nhân viên. Tang tảng sáng, tôi đã hấp tốc đạp xe lên cơ quan, trên đường đi bắt gặp từng tốp người rất xa lạ bách bộ đi vào những làng bản hẻo lánh. Hỏi ra mới biết họ là người dân vùng giáp biên, với những nét mặt hoảng loạn tìm đến anh em, họ hàng, người thân dưới huyện hậu cứ để nương thân. Tốp nào cũng gồng gánh quang, thúng, mủng, có tốp cho con nhỏ vào trong thúng, mủng cùng với hành lý tư trang mang theo, ngơ ngác giữa đất khách quê người.

Là cơ quan được gọi là đầu não của cấp huyện (huyện ủy), khác với ngày thường uy nghi, nghiêm trang là thế, nay người đi lại nhốn nháo, đồ đạc để ngổn ngang bề bộn giữa sân của cơ quan. Nhận ra ngay là vợ, con, người nhà, gia đình của những cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh. Người phụ trách tức tốc giao việc cho tôi, và lập tức tôi thực thi công việc của mình. Dồn các phòng, ban lại để lấy phòng làm nhà ở cho các gia đình lãnh đạo sơ tán, v.v. và v.v.

Từ phía biên giới xa xăm, tiếng súng, tiếng nổ lớn vẫn vọng lại, thỉnh thoảng những chiếc xe tải chở đầy bộ đội của ta bị thương được chuyển về hậu cứ. Tiếng gào khóc của các bà mẹ, các chị đứng ở hai bên đường vẫy, chào đón những người con, những người em đã bỏ một phần xương thịt và máu của mình trên dải đất biên cương. Xe nào cũng phải dừng lại khi đi qua thị trấn bởi từng đám đông ra đường chặn lại để thăm hỏi, chào đón và quan trọng hơn là để bà con tặng quà cho các chiến sỹ bị thương. Từng tấm mía, từng chiếc bánh bao, từng quả trứng luộc cho đến từng gói kẹo nhỏ, từng chiếc khăn tay, khăn mùi xoa, khăn mặt… được các bà , các chị, các em thiếu niên chuyển lên xe. Có những bà mẹ cho lên xe cả vác mía đem bán của mình tặng cho thương binh, nhiều người lột những chiếc áo khoác của mình tung lên xe để xé ra băng bó, lau chùi vết thương cho bộ đội…

Ngay tối hôm đó (18/2), Chi đoàn thanh niên (nơi tôi sinh hoạt) có cuộc họp đột xuất, nội dung cuộc họp: thông báo về tình hình cuộc chiến, quán triệt đoàn viên, thanh niên chuẩn bị sẵn sàng lên đường nhập ngũ bảo vệ tổ quốc, 100% số đoàn viên trong chi đoàn tôi đăng ký tình nguyện tòng quân khi tổ quốc cần. Sau cùng là tập hát bài hát: Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới của Phạm Tuyên mà mới tối qua đài tiếng nói Việt Nam vừa phát. Điều rất ngạc nhiên tất cả chúng tôi ai cũng đã thuộc bài hát này, và chúng tôi hát một cách mạch lạc, khí thế hùng hồn, nhiều người vừa hát vừa khóc, nhất là các bạn nữ.

Tiếp theo những ngày sau là những hội nghị do quân khu 1, do tỉnh ủy, ủy ban tỉnh, tỉnh đội Lạng Sơn tổ chức, nội dung chủ yếu của các hội nghị: thông báo về tình hình chiến sự, về tinh thần chiến đấu ngoan cường, bám trụ của quân và dân ta và sự quyết tâm trường kỳ chống giặc ngoại xâm của đảng, nhà nước và nhân dân Việt Nam… Đặc biệt các hội nghị được chào đón những dũng sỹ diệt Tàu, những con người từ chiến thắng trở về đến với hội nghị để kể chuyện, thuyết trình về cuộc chiến khốc liệt chống quân Trung Quốc.

Kết hợp giữa đấu tranh vũ trang kiên cường với đấu tranh ngoại giao, được bầu bạn quốc tế ủng hộ, chỉ sau khoảng thời gian một tháng, quân Trung Quốc xâm lược buộc phải rút quân về bên kia biên giới, chiến tranh tạm lắng xuống. Thị xã Lạng Sơn, một trong những chiến trường nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, điểm mà thôi thúc tôi có mặt để quan sát sức tàn phá của nó. Toàn bộ thị xã trở thành đống đổ nát, mùi hôi tanh của xác quân thù và quân ta vẫn còn đọng lại trong không gian. Chính quyền huy động toàn bộ sức dân và quân để thu dọn chiến trường, khắc phục hậu quả chiến tranh.

Thời điểm này đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết xác định: Kẻ thù của dân tộc Việt Nam ta là: Đế quốc Mỹ và bọn bành trướng bá quyền Trung Quốc, trong đó tập đoàn Bắc Kinh là kẻ thù trực tiếp, lâu dài và nguy hiểm nhất. Nghị quyết này được triển khai sâu rộng đến toàn dân. Tổng bí thư Lê Duẩn tuyên bố: “Lãnh thổ của Trung Quốc dù là tấc đất tấc vàng, Việt Nam cũng không bao giờ động đến, lãnh thổ Việt Nam dù chỉ là đá sỏi, nhưng dân tộc Việt Nam kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc…” Tinh thần ấy phần nào đã thôi thúc được lòng người về tự hào dân tộc.

“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”

Đau lòng bởi mới hôm qua xác định là kẻ thù không đội trời chung, kẻ thù truyền kiếp, kẻ thù nguy hiểm của dân tộc Việt Nam… Thì hôm nay quay ngoắt lại, đổi trắng thay đen: “là người bạn, người đồng chí, người anh em tình nghĩa… Quan hệ với Trung quốc dựa trên cơ sở 4 tốt và 16 chữ vàng là nền tảng trong tư tưởng bang giao của Việt Nam…” Đau lòng bởi nghĩ đến hàng trăm ngàn chiến sỹ ta đã ngã xuống để bảo vệ biên cương tổ quốc, nay buộc phải phụ lòng. Đau lòng bởi cũng là người cộng sản, mà lớp trước hiên ngang trước quân thù là thế, nay vẫn là những người cộng sản mà sao biến dạng đến thế!…

Ai đó do quá lo toan bươn chải cuộc sống mà lãng quên cuộc chiến biên giới oanh liệt này, người đó rất đáng trách. Ai đó cố ý quên đi cuộc chiến này, người đó đáng lên án. Còn ai đó có chủ trương đưa cuộc chiến tranh biên giới vĩnh viễn đi vào dĩ vãng và toan tính chèo lái cả một dân tộc nhấn chìm cuộc chiến này, kẻ đó đáng phải nguyền rủa, lịch sử sẽ là phát ngôn viên về sự nguyền rủa này.

Vi Đức Hồi
Tháng 2/2017

Ông Vi Đức Hồi, sinh năm 1957, với 30 tuổi Đảng, từng là giám đốc trường Đảng huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Từ năm 2006, ông bắt đầu viết nhiều bài báo chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam, ban đầu dùng bút danh, nhưng sau đó đã dùng tên thật khi ông bị khai trừ khỏi đảng vào năm 2007.

Năm 2011 ông bị tuyên án 5 năm tù giam vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước XHCN”. Nhưng đến 2014 thì ông được thả trước thời hạn, với 3 năm quản chế tại gia.

Ông Hồi cho biết ông sẽ tiếp tục theo đuổi “mục tiêu, lý tưởng mà mình đã chọn” vì ông cảm thấy “việc làm của mình là chân lý, phù hợp với xu thế của thời đại” và “không có lý do gì để dừng lại.”

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.

Thực trạng người lao động trẻ tại Việt Nam và giải pháp

Theo thống kê của Tổng cục Thống kê Việt Nam, số người lao động trẻ từ 15 tuổi lên là 52,4 triệu, chiếm 53,3% tổng dân số.

Thời gian qua, tình trạng thu nhập thấp và việc làm bấp bênh nói lên thực trạng khó khăn của người lao động Việt Nam, nhất là trong giới lao động trẻ.

Các chuyên gia nói gì? Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam

Một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) của CHXHCN Việt Nam, tám tổ chức nhân quyền Việt Nam và quốc tế sẽ cùng tổ chức một hội thảo vào ngày 6 tháng 5 năm 2024 để báo động tình trạng vi phạm nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam hiện nay.

Hội thảo “Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng tại Việt Nam & hành động để tranh đấu cho nhân quyền” sẽ quy tụ các chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền.

Lãnh đạo Hoa Kỳ (giữa), Nhật Bản (phải) và Philippines họp thượng đỉnh tại Washington DC hôm 11/4/2024. Ảnh: Reuters

Thế trận an ninh mới ở Á châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật Philippines hôm 11/4/2024 được nhận định đã truyền đi nhiều tín hiệu về một thế trận mới ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống Philippines Marcos nói “nó sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở châu Á.”

… Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc của Luật biển Quốc tế đối với Biển Đông, lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi Cỏ Mây hơn một năm qua.