Làm Gì Cho Chặng Đường Trước Mặt

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I- Dẫn nhập:

Công cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam chống lại chủ nghĩa Cộng sản, thực sự đã có từ những năm trong thập niên 40, khởi nguồn vì sự sai lầm của nó và sự độc ác của những người cuồng tín đi theo chủ nghĩa này. Tiến trình đấu tranh đó đã phát triển qua nhiều thời kỳ khác nhau, với nhiều đặc điểm khác nhau. Nhưng, kể từ năm 1975, công cuộc đấu tranh đã chuyển qua hình thái đấu tranh giải phóng, vì đảng Cộng sản Việt Nam bấy giờ đã thống trị trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, cải tạo cả nước theo đường lối vô sản chuyên chính của chủ nghĩa cộng sản. Từ những năm trong thập niên 40, chúng ta đã trải qua những tình trạng “không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, chống Cộng, tố Cộng, kháng Cộng…” nhưng, từ năm 1975, nhu cầu của đất nước đã trở thành đấu tranh chấm dứt chế độ Việt cộng.

Từ tình trạng không chấp nhận một chủ nghĩa sai lầm đến tình trạng đấu tranh để chấm dứt hoạt động của những người thi hành chủ nghĩa đó trên đất nước, điều kiện của đấu tranh đã thay đổi từ căn bản. Trong giai đoạn trước năm 1954, dân tộc Việt Nam đã phải giải quyết một lúc ba vấn đề. Đó là: a/ ngăn ngừa sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản; b/ giành lại độc lập dân tộc từ tay người Pháp; c/ canh tân quốc gia để phát triển xã hội theo một đường lối tiến bộ và dân chủ. Ba mục tiêu đó nhiều lúc không tương đồng, nghĩa là có thể mâu thuẫn, và ba mục tiêu này cũng không được xác định ưu tiên rõ rệt, nghĩa là đạt mục tiêu nào trước, mục tiêu nào sau. Cũng vì tình trạng không xác định mục tiêu và ưu tiên, chúng ta đã gặp rất nhiều khó khăn và thất bại.

Từ sau hiệp định Genève 1954, khi đất nước bị chia đôi và đảng Cộng sản Việt Nam đã thống trị trên miền Bắc để từ đó xâm lăng miền Nam, chúng ta lại phải tiếp tục đối phó áp lực xâm lược của đảng Cộng sản từ miền Bắc trên tư thế một quốc gia chống lại một quốc gia, và hình thức đối phó khi đó là chiến tranh tự vệ. Trong chiến tranh, chúng ta đã hành động theo những lý luận của chiến tranh và cũng đã có những sai lầm về lý luận đấu tranh lẫn hành động để sau cùng, đảng Cộng sản Việt Nam đã thôn tính luôn nửa lãnh thổ còn lại.

Từ sau năm 1975, đã có rất nhiều người đứng lên chống lại ách thống trị của chế độ Việt cộng. Nhưng, vì hoàn cảnh đã thay đổi và nhất là phải xây dựng lại công cuộc đấu tranh từ những đổ vỡ toàn diện sau khi miền Nam sụp đổ, chúng ta đã mất gần mấy năm mới xây dựng lại trận thế bằng phong trào kháng chiến vào đầu thập niên 80. Nhưng khi phong trào kháng chiến vừa tượng hình, chúng ta cũng gặp một số vấn đề đồng dạng của những thập niên trước, nên đã vừa đấu tranh, vừa rút ưu khuyết điểm để kiện toàn lực lượng. Nhưng phải nói là tình trạng đàn áp và khủng bố của chế độ Hà Nội ở trong nước rất gắt gao, nên sự phát triển phong trào đấu tranh tại quốc nội khá chậm và gặp nhiều khó khăn. Ngược lại, tuy cách xa lãnh thổ Việt Nam hàng vạn dặm, tinh thần đấu tranh của người Việt tại hải ngoại rất cao ngay từ những năm đầu tỵ nạn, nên đã là cái nôi nuôi dưỡng các hoạt động đấu tranh chống cộng rất mạnh mẽ tại hải ngoại. Chính nhờ hoạt động đấu tranh mạnh mẽ này, Cộng đồng người Việt tại hải ngoại vừa là hậu phương lớn cho sự phát triển phong trào kháng chiến tại quốc nội, vừa là thành trì giữ vững ngọn cờ chính nghĩa quốc gia trong 30 năm qua.

Ngày hôm nay, chúng ta chưa chấm dứt ách độc tài Cộng sản, nhưng chế độ này không những đã bị suy yếu rất nhiều mà còn đang gặp rất nhiều khó khăn trên con đường thoát hiểm. Mặc dù từ năm 1991, Hà Nội đã đẩy mạnh những cải tổ theo nền kinh tế thị trường, bị buộc phải chấp nhận thay đổi có giới hạn một số lề lối cai trị so với thời kỳ toàn trị; nhưng về căn bản, họ vẫn cố bám vào lý luận Mác Lênin, để giữ độc quyền lãnh đạo. Chính sự mâu thuẫn này đã tạo ra những rối loạn trong nội bộ đảng cầm quyền và những nan đề trong một xã hội đổi mới nửa vời với rất nhiều tệ nạn nảy sinh mà nếu không giải quyết rốt ráo có thể làm hủy hoại sức vươn lên của dân tộc trong lâu dài. Đó là tình trạng xuống cấp của đạo đức luân lý, môi trường bị phế bỏ, giá trị gia đình bị bỏ quên, cả nước chạy theo chủ nghĩa tiêu thụ, mạnh ai nấy sống…

Những nỗ lực đấu tranh của các lực lượng chống cộng, tuy có làm cho chế độ Hà Nội suy yếu và lúng túng đối phó những áp lực của thế giới trên các mặt nhân quyền và tôn giáo, nhưng đảng Cộng sản khó có thể sụp đổ, nếu không tạo được sức bật đấu tranh ngay tại quốc nội. Điều thực tế cần nhìn ra là một số các hoạt động chống đối của những nhà đối kháng chưa lan tỏa đủ rộng để tạo được sự hậu thuẫn cần thiết trong quần chúng. Nghĩa là các nỗ lực đấu tranh của chúng ta chưa thẩm thấu ở trong dân. Nói cách khác, trong 30 năm qua, chúng ta đã thành công trong nỗ lực tạo dựng một chiến tuyến chống cộng ở hải ngoại và trong nước, đồng thời nuôi dưỡng các hạt nhân đấu tranh trên mặt trận dân qưyền (tự do, dân chủ) ở thượng tầng lý luận, nhưng chúng ta chưa khai thác đủ những phẫn hận của quần chúng ở hạ tầng xã hội trên mặt trận dân sinh, phát sinh từ những bó buộc thay đổi nhằm thoát hiểm của chế độ. Những vụ khiếu kiện về ruộng đất, những cuộc đình công của công nhân hay những vụ bãi thị của những bạn hàng trong các chợ… tuy xảy ra thường xuyên, nhưng lại chưa được nuôi dưỡng, trải rộng và kết nối đúng mức, nên chưa có điều kiện biến thành phong trào rộng lớn. Đây là bài toán cho Việt cộng và cho cả chúng ta. Vì sao?

Đối với chế độ Hà Nội, họ rất lo sợ những bất ổn chính trị phát sinh từ những cuộc xuống đường của quần chúng. Bởi khi một số quần chúng nổi lên đòi khiếu kiện hay bày tỏ một sự bất mãn nào đó mà không giải quyết hoặc dập tắt thì nó sẽ lan rộng ra như đám cháy rừng trong mùa hè khô hạn. Sự bất mãn trong dân đã có sẵn và đã tiềm ẩn trong mọi gia đình Việt Nam; nhưng vì chưa được tổ chức và chưa khơi mào cùng lúc ở nhiều nơi, nên nó chưa tạo thành phong trào, dù là trong những năm qua đã có rất nhiều điểm nóng bộc phát như Thái Bình, Xuân Lộc, Thọ Đà, An Truyền, Nguyệt Biều, Tây Nguyên… Mặc dù hiện nay, Hà Nội đang cố giải quyết mặt dân sinh bằng những chương trình xóa đói giảm nghèo do các khoản tiền vay mượn từ bên ngoài, những xây cất và tân trang đường xá, những cải thiện rất hạn chế về y tế, giáo dục… Nhưng có theo dõi sát, chúng ta mới thấy rằng đó chỉ là những biện pháp vá víu mang đầy tính tuyên truyền nhiều hơn là thực chất. Cái hủy hoại bên trong của Hà Nội qua những dự án dân sinh này, chính là tình trạng tham ô nhũng lạm đầy dẫy ở mọi cấp. Lâu lâu, do sự đấu đá nội bộ, Hà Nội phải công khai giải quyết một vài vụ tham ô, đưa ra tòa và thổi lớn trên mặt báo và đài như một lối tuyên truyền về thiện chí không hề có của họ, nhưng đó chỉ là những con dê tề thần để trấn an dư luận. Muốn tiêu diệt nạn tham ô, Hà Nội phải dân chủ hóa bộ máy hành chánh và để cho công luận có quyền tự do phê phán. Cả hai điều này không có ở Việt Nam. Tất cả mọi ưu quyền đặc lợi, và cả hệ thống kiểm soát đều nằm trong tay của đảng Cộng sản thì làm sao tiêu diệt được tham nhũng. Đây chính là những lẩn quẩn của chế độ độc tài và là những dấu hiệu của bất ổn trên mặt trận dân sinh.

Đối với lực lượng đấu tranh, qua kinh nghiệm những cuộc nổi dậy của những phong trào quần chúng tại Đông Âu, Nam Dương, Ukraina và mới đây là Kyrgystan, sức bật không phát khởi trực tiếp từ đặc tính chính trị (đòi hỏi tự do, dân chủ), mà đến từ những bất mãn hay những dồn nén trên mặt đời sống của người dân. Điểm nóng làm bộc phát sức bật tại Ba Lan năm 1988 chính là phong trào chống tăng giá xăng và giá thịt với nạn lạm phát phi mã; tại Hung Gia Lợi và Đông Đức là vấn đề ô nhiễm môi sinh rồi lan ra phong trào chống bầu cử gian lận đầu năm 1989. Điểm nóng tại Thái Lan năm 1995 chính là sự bất mãn của nông dân về vấn đề thuế nông nghiệp đã lan thành phong trào chống độc tài quân phiệt và đưa đến sự tiêu vong của thể chế quân phiệt Thái. Điểm nóng tại Nam Dương năm 1999, khởi đầu là sự bất mãn của sinh viên về học phí và đời sống ngột ngạt ở học đường đã lan rộng thành phong trào chống chính quyền độc tài Shuharto sau đó. Ngay cả hai cuộc biến động tại Ukraina hồi năm ngoái và Kyrgystan mới đây, đều là những phong trào chống bầu cử gian lận, nhưng khởi điểm của nó đến từ những bất mãn của người dân về đời sống quá khó khăn, tham ô nhũng lạm tràn lan suốt 14 năm qua, kể từ khi giành lại độc lập từ khối Liên Xô cũ năm 1991. Nhưng từ những điểm nóng muốn tiến lên thành phong trào quần chúng, phải có sự điều hướng của các lực lượng đấu tranh ngay sau đó, thì sức bật mới tạo thành những đợt sóng từ nhỏ lên lớn. Nghĩa là khởi đầu chỉ có từ 100 người rồi lên thành 1000 nguời, 10 ngàn người, 100 ngàn người và sau chót hàng triệu người trong giờ cao điểm.

Tại Việt Nam, trong thời gian qua, đã có khá nhiều điểm nóng bộc phát. Đầu tháng 3 vừa qua, 70 bạn hàng ở chợ Đồng Xuân rủ nhau bãi thị chống tăng giá sạp và dự tính nộp đơn kiện ban quản trị về việc tự ý tăng giá là một sự kiện đáng quan tâm. Tối ngày 21 tháng 3, gần 400 dân tại ngã tư Trần Hưng Đạo – Đề Thám, bao vây công an, đốt xe môtô và đánh trọng thương 3 công an chỉ vì công an có hành vi đánh người lái xe, kéo dài hơn nhiều giờ làm tắc nghẽn lưu thông khiến cho công an một phen kinh hoàng. Phó giám đốc công an địa phương nói với báo chí rằng vụ chống đối không có tổ chức nhưng đáng quan tâm. Sau đó mấy ngày, tối 24 tháng 3, một số thanh niên đã dùng gạch đá ném vào trụ sở dân phòng thuộc Khu phố 2, Phường 17 thành phố Sài Gòn để phản đối những hành động hống hách của lực lượng dân phòng. Sự kiện tuy ở tầm địa phương nhưng nó nói lên những sự ấm ức của đồng bào quanh khu phố về các hành động tác oai tác quái của nhóm an ninh khu vực. Quan trọng hơn cả, nó cho thấy mức độ sợ hãi của người dân đối với công an đã xuống mức rất thấp. Nhìn ngược lại, tâm lý này đã được khai dụng ra sao? Giống như các điểm nóng đã từng xảy ra tại Việt Nam trong quá khứ, chúng ta chưa tác động đủ lên trên quần chúng, và chưa điều phối hữu hiệu để biến các phản ứng bất mãn tại chỗ trong đời sống thành hành động chống đối chế độ ăn lan qua các địa phương khác. Nhìn chung, chúng ta chưa kết hợp hài hòa hai mặt trận dân sinh và dân quyền, để tạo ra những phong trào chống đối lớn mạnh tại Việt Nam.

Trong hơn 20 năm qua, mặc dù chúng ta tiến hành cuộc đấu tranh với thế chiến lược là “toàn dân và toàn diện”; nhưng do sự khủng bố và kiểm soát gắt gao của guồng máy công an trị, chúng ta đã dồn nhiều công sức vận động các áp lực quốc tế cũng như tranh đấu hỗ trợ cho các nhà đối kháng trên mặt trận dân quyền; trong khi đó, phải nói là chúng ta chưa dồn sức để hỗ trợ các cuộc tranh đấu cho quyền lợi của người dân trên mặt trận dân sinh, nhằm giải quyết những bế tắc hay những thảm kịch do nghèo đói sinh ra. Gần đây, chúng ta có tham gia vào một vài nỗ lực chống buôn bán trẻ em, buôn bán phụ nữ, hay những lên tiếng chống vụ ngư dân bị tàu Trung Quốc sát hại, những giúp đỡ thiên tai bão lụt, những quỹ học bổng cho học sinh nghèo… nhưng đó chỉ mới là những kế hoạch tự phát của một vài nhóm hoặc chỉ đáp ứng nhu cầu thời sự, do đó, thực sự chúng ta vẫn chưa trực tiếp giúp cho người dân từng bước tách ra khỏi sự lệ thuộc vào chế độ, để giành lại sự tự chủ trên mặt đời sống. Qua kinh nghiệm của các cuộc chính biến tại những quốc gia độc tài, chúng ta có thể nhìn thấy là khi quần chúng đã có ít nhiều sự tự chủ trong đời sống, họ mới thoát hẳn ra khỏi sự sợ hãi, bắt đầu quan tâm đến những đòi hỏi cao hơn và đó chính là lúc hai mặt trận dân sinh và dân quyền bùng nổ. Chúng ta đang ở vào giai đoạn phải tạo cho được sự kết hợp này trong thời gian tới.


II- Những Nỗ Lực Cho Đoạn Đường Trước Mặt:

Từ những nhận định nói trên, chúng ta có thể rút ra ba chủ điểm cần quan tâm:

Thứ nhất là trong 30 năm qua, đảng Cộng sản Việt Nam tuy còn cầm quyền nhưng đã suy yếu so với thời toàn trị. Người dân có bất mãn nhưng vì không có chọn lựa nào khác nên một số đáng kể đã nương theo chế độ để sống còn theo kiểu “mackeno” (mặc kệ nó).

Tâm lý này lúc đầu phổ biến ở các thành phố lớn, khi mà đầu tư ngoại quốc bắt đầu vào từ năm 1990. Sau đó, lối sống “mackeno” lan ra các vùng thôn quê và miền núi, khi Hà Nội bắt đầu các kế hoạch xóa đói giảm nghèo. Bình thường ra trong một xã hội phát triển, dân chúng sẽ hợp tác với chính quyền để cùng thay đổi đời sống tốt hơn; nhưng trong những quốc gia độc tài thì xảy ra hoàn toàn ngược lại. Có lẽ do những kinh nghiệm xương máu trong nhiều năm sống dưới ách độc tài, tâm lý sống của người dân là co thủ và coi chừng chung quanh. Do đó, khi Hà Nội cho áp dụng lối làm ăn theo thị trường, tâm lý co thủ vẫn còn nhưng thái độ coi chừng chung quanh lại biến thành lối sống thi đua nhau tìm mối đi buôn kiếm sống. Từ đó, sự bươn chải và tranh nhau kiếm sống này đã làm cho con người bỏ mặc một số giá trị truyền thống, chỉ nhìn về phía trước với thái độ “mackeno”, phổ biến. Hậu quả của lối sống này, chính là sự suy thoái của dân phong dân khí, phản ảnh qua nền giáo dục tồi tệ hiện nay ở Việt Nam. Tại những quốc gia đang bước vào thời kỳ phát triển, chính quyền sẽ phải coi giáo dục là lãnh vực hàng đầu quan tâm, nhưng ở Việt Nam thì chính quyền làm ngược lại. Miệng thì nói đưa giáo dục lên hàng quốc sách từ 20 năm nay nhưng ngân sách thì bỏ vào nhỏ giọt, khiến cho thầy cô phải đi làm thêm, thậm chí phải đi làm thêm nghề “cửu vạn” ở những miền núi để kiếm sống thêm.

Tình trạng nói trên kéo dài hoàn toàn bất lợi cho đất nước Việt Nam ở hai mặt. Thứ nhất là quốc gia không huy động được sức sống của người dân vào những chương trình phát triển đúng mức. Thứ hai là lâu dần thái độ “mackeno” trở thành một lối sống “tình thế”, khiến cho sự quan hệ của người Việt Nam bị biến dạng, xóa mất những truyền thống cao đẹp của dân tộc như tinh thần tương lân nhân ái, hòa đồng, ý thức trách nhiệm… Cộng sản Việt Nam không quan tâm vào những điều này nên họ không màng đến. Còn chúng ta, hơn lúc nào hết, bên cạnh nhu cầu đấu tranh để chấm dứt ách độc tài Cộng sản, phải góp phần ngăn chận sự suy thoái của xã hội – không chỉ là trì lực làm cản trở cho đấu tranh mà còn tạo ra những nan đề mới cho dân tộc – trước khi quá muộn. Nghĩa là phải làm cho người dân nhìn thấy chế độ Hà Nội không chỉ bóp nghẹt tự do dân chủ mà còn đang hủy hoại sức sống và văn hóa dân tộc bởi những biện pháp phát triển sai lầm và mâu thuẫn giữa kinh tế thị trường và chủ thuyết Mác Lê. Nói cách khác, ngay trong tiến trình đấu tranh chấm dứt nạn độc tài Việt cộng, chúng ta không thể làm ngơ hay quay lưng lại đối với những biện pháp cải cách xã hội của chế độ Hà Nội có ảnh hưởng đến tư duy, sức khoẻ và nhất là tình cảm của con người Việt Nam hiện nay. Chúng ta không chỉ vạch cho người dân nhìn thấy những sai lầm nguy hiểm của chế độ, mà còn phải giúp người dân đứng lên chống đối lại hoặc hỗ trợ cho họ thực hiện những thay đổi theo sự tự chủ của người dân, không cần phải chờ chế độ hay dựa vào chế độ. Khi chúng ta quan tâm giúp cho người dân nhìn rõ vấn đề, chắc chắn họ sẽ có sự chọn lựa mới và không còn sống nương theo chế độ mà từng bước tách ra để giữ một thế đứng độc lập. Đây là bước đầu của việc hình thành xã hội công dân trong lòng chế độ độc tài.

Thứ hai là đảng Cộng sản tuy rất lúng túng và khó chịu về những sức ép đấu tranh về mặt dân chủ nhân quyền, nhưng họ biết là có thể giải quyết qua một vài nhượng bộ nào đó; trong khi đó, đảng Cộng sản lại sợ sức bật của dân vì sẽ dẫn đến bất ổn chính trị to lớn, do những bất mãn chồng chất và do không có khả năng giải quyết của chế độ.

Cộng sản Việt Nam hiện nay có một quan tâm duy nhất là làm sao gia nhập vào WTO vào cuối năm 2005 và tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2006. Để đạt kết quả này, Hà Nội phải chấp nhận nhượng bộ một số áp lực về nhân quyền, tự do tôn giáo của Hoa Kỳ và một số quốc gia Phương Tây. Sự kiện Hà Nội phóng thích 6 tù nhân chính trị như LM Nguyễn Văn Lý, BS Nguyển Đan Quế, ông Nguyễn Đình Huy… vào cuối tháng 1 năm 2005 là do áp lực của Hoa Kỳ, nếu không sẽ bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách “những quốc gia đáng quan tâm” làm ảnh hưởng đến việc gia nhập WTO. Trong khi Hà Nội thả 6 người thì họ lại tiếp tục giam giữ những người kbác như MS Nguyễn Hồng Quang, BS Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình… Cho nên đòn bắt thả những người đấu tranh chống chế độ đối với Hà Nội chỉ là một sự tương nhượng giữa họ với quốc tế. Nhưng không phải vì thế mà các vận động của chúng ta vô nghĩa mà ngược lại vô cùng cần thiết trong mọi thời điểm đấu tranh. Vì khi có sự hỗ trợ của quốc tế do chúng ta vận động để áp lực Việt cộng phải thả, đã nâng cao tư thế quốc tế của các nhà đối kháng để trong tương lai Hà Nội có muốn đàn áp cũng phải chùn tay. Ngoài ra, khi có quốc tế can thiệp vào những đợt vận động nhân quyền, chúng ta đã “quốc tế hóa” công cuộc tranh đấu của người Việt Nam và tạo sự chú ý của dư luận.

Ngược lại, điều mà chúng ta thấy rõ là Việt cộng luôn luôn tìm cách theo dõi, cô lập những nhà đối kháng với quần chúng, để không cho các nhà đối kháng là điểm tựa của dân trong những trường hợp họ bị đàn áp hay đối xử bất công. Thật vậy, Hà Nội tuy rất lo các tiếng nói đối kháng nhưng họ càng lo hơn khi đám đông quần chúng xuống đường hành động, vì đó là bước khởi đầu để dẫn đến bất ổn chính trị. Nghĩa là Hà Nội có thể chịu đựng một số công kích nào đó từ các nhà đối kháng và những phê phán của thế giới trên mặt nhân quyền; nhưng họ không thể nào ngồi yên khi đám đông quần chúng tụ tập đòi hỏi một vấn đề nào đó, nhất là đám đông có tổ chức và có chuẩn bị. Lý do là khi đám đông tụ tập, chắc chắn sẽ bị kích động lòng bất mãn đã tiềm ẩn nhiều năm trong lòng, để có thể biến thành những hành động quyết liệt trong một cao điểm nào đó. Muốn khơi dậy lòng bất mãn của dân, chúng ta không thể chờ đợi những phép lạ vô hình mà phải khởi đi từ nỗ lực tiếp cận ngay tại quốc nội, dưới nhiều hình thức hầu giúp họ ra khỏi sự lệ thuộc chế độ, ít ra là trên mặt đời sống và tạo dựng một ý thức tự chủ, độc lập. Khi có nhiều người cùng suy nghĩ và hành động độc lập với chế độ qua những sinh hoạt mang tính quần chúng nhẹ nhàng, chắc chắn là cục diện trước sau gì cũng thay đổi.

Thứ ba là lực lượng đấu tranh ở trong và ngoài nước đã làm cho đảng Cộng sản Việt Nam phải cảnh giác, nhưng họ chưa thấy bị đe dọa thật sự vì đa số hiệu năng đấu tranh còn nằm ở hải ngoại. Điều này có thể tác động làm cho chế độ ngày một suy yếu qua những bước lùi chiến thuật, nhưng vẫn khó sụp đổ vì chưa đủ sức bật ở trong nước, ví như thân cây mục nhưng vẫn đứng yên vì không có trận gió mạnh thổi bật gốc.

Ba mươi năm vừa qua, Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại hải ngoại đã không chỉ có những thành tựu đáng chú ý về kinh tế, tài chánh, chất xám, mà còn xây dựng một cộng đồng chống cộng vững mạnh. Không những thế, cộng đồng hải ngoại còn là nơi khuyến khích, nuôi dưỡng và tranh đấu cho sự tồn tại và vươn lên của rất nhiều lực lượng, đảng phái và cá nhân đấu tranh tại quốc nội. Nói cách khác, cộng đồng tỵ nạn tại hải ngoại đã làm tròn sứ mạng giữ lửa và tiếp lửa cho quốc nội. Nhưng nếu nhìn trên thế trận thì cộng đồng hải ngoại chỉ có thể làm suy yếu chế độ cộng sản, chứ không thể nào trực tiếp lật đổ hay chấm dứt chế độ Cộng sản Việt Nam, vì sứ mạng đó phải là của đồng bào và những lực lượng đấu tranh tại quốc nội. Chúng ta phải nhận chân một điều là các lực lượng đấu tranh tại quốc nội còn trải mỏng và chưa có sự hậu thuẫn tập trung của quần chúng. Sức mạnh đấu tranh tại quốc nội, do đó bị phân tán trong nhiều lực lượng trên nhiều địa bàn; trong khi người dân thì tuy có bất mãn chế độ cộng sản; nhưng lại thiếu lực tác động và tổ chức nên chưa tạo ra những biến chuyển lớn.

Tháng 4 năm 2004, Cộng sản tung ra Nghị quyết 36 để chỉ thị cho toàn đảng nhắm vào việc tranh thủ, chiêu dụ kiều bào hải ngoại trên một quy mô lớn. Trên tầm nhìn chiến lược, Nghị Quyết 36 là một thất bại của Việt cộng trong kế sách chiêu dụ kiều bào trong 30 năm qua trong tầm nhìn người Việt hải ngoại như một “con bò sữa”, nên bây giờ Bộ chính trị đã phải thay đổi chiến thuật bằng cách huy động toàn đảng, toàn ngành, toàn thể xã hội ở trong nước giúp chế độ vói ra hải ngoại… để khai thác cộng đồng người Việt hải ngoại một cách tinh vi hơn. Chúng ta tin tưởng rằng Cộng sản Việt Nam rồi cũng sẽ thất bại trong các chủ trương của Nghị Quyết 36, vì bản chất của cộng đồng hải ngoại không phải là cộng đồng di dân mà là cộng đồng tỵ nạn cộng sản, cho nên đặc tính chính trị đã chi phối mạnh mẽ lên các hành động của mọi người trong cộng đồng. Tuy nhiên, khi Cộng sản vói tay ra hải ngoại, dồn sức khai thác cộng đồng mà chúng ta lại tiếp tục lối đánh phòng ngự cố thủ trong những pháo đài chống cộng ở hải ngoại, thì vô hình chung, chúng ta sẽ bị co cụm với chính chúng ta và không tiếp sức gì cho phong trào đấu tranh tại quê nhà. Đây là lúc, một mặt tăng cường các nỗ lực đấu tranh ngăn chận sự xâm nhập của Việt cộng trong các cộng đồng người Việt tỵ nạn, mặt khác là chủ động tiến hành những công tác tiếp cận và hỗ trợ các loại hoạt động giúp cho người dân tự chủ và tách ra khỏi sự lệ thuộc vào vòng kiềm tỏa của chế độ. Nói cách khác, chúng ta cần chủ động nhiều hơn trong trận thế “cài răng lược” trong-ngoài. Đây là thế công cần thiết để khai thác ngay chính những nhược điểm phát sinh trong xã hội mở cửa ở Việt Nam, để biến sự bất mãn của dân thành hành động chấm dứt chế độ độc tài.

III- Kết Luận:

Trong giai đoạn chiến tranh lạnh, dân tộc Việt Nam hoàn toàn bị khống chế dưới gọng kềm vô sản mộtcách độc ác với Liên Xô và khối cộng sản quốc tế ở đàng sau đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc đó, chúng ta đã khai dụng lòng căm thù của người dân thành hành động để chấm dứt chế độ độc tài, giải phóng đất nước.

Trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh và đổi mới, dân tộc Việt Nam tuy vẫn còn bị khống chế dưới chế độ độc tài Cộng sản nhưng chế độ này không còn mạnh như xưa. Nội bộ đảng cầm quyền bắt đầu bị phân hóa và xung đột quyền lực một cách mạnh mẽ giữa các phe nhóm. Tiến trình đổi mới nửa vời của chế độ hình thành một nền kinh thế thị trường hoang dã, phát sinh ra nhiều tệ nạn xã hội mà nhân dân là nạn nhân trực tiếp, nên lòng căm phẫn, bất mãn của dân chúng đã biến thành hành động bất cộng tác với chế độ. Bạo lực còn đó, nhưng tinh thần thách thức bạo lực của nhân dân đã dâng cao theo sự phẫn hận của họ. Đây là lúc mà chúng ta phải khai dụng tối đa nỗ lực điều phối để kết hợp hình thái đấu tranh dân quyền trên thượng tầng lý luận với hình thái đấu tranh dân sinh trải rộng trong mọi ngóc ngách sinh hoạt xã hội, để tạo thành phong trào nổi dậy của quần chúng, với sự hỗ trợ của quốc tế và cộng đồng hải ngoại.

Nói cách khác, chúng ta phải giúp đồng bào trong nước tước bỏ mọi độc quyền dân sinh ở hạ tầng xã hội, tăng dần lên thành nỗ lực tổng hợp chấm dứt độc quyền chính trị trên thượng tầng chế độ.

Đoàn Hùng
March 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.

Việt Nam sẽ trải qua cuộc chính biến trong thời gian tới?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ từ chức hay không sau khi trợ lý thân tín Phạm Thái Hà bị bắt? Tình hình chính trị Việt Nam sẽ ra sao trong thời gian tới khi thượng tầng chính trị đang rối loạn? Liệu cuộc sát phạt giữa hai phe trong đảng Cộng Sản Việt Nam sẽ khiến nền kinh tế, chính trị trong nước bất ổn? Và làm sao để có được nền tự do dân chủ cho Việt Nam…

Đó là những vấn đề được phân tích sâu hơn trong hội luận của RFA, mời quý vị cùng theo dõi: Ông Lý Thái Hùng – Chủ tịch Đảng Việt Tân và Luật sư Vũ Đức Khanh – Tổng Thư ký Liên minh Dân tộc Việt Nam.

Tại sao Tập và Biden chọn gửi thông điệp về Đài Loan vào cùng một ngày?

Gần chín năm sau hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã bắt tay nhau một lần nữa tại Bắc Kinh hồi tuần trước.

Hôm đó là ngày 10/04/2024, và trong cùng ngày tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đón tiếp Thủ tướng Nhật Fumio Kishida tại Nhà Trắng.

Phải chăng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các cuộc thảo luận chính trị này được tổ chức trong cùng một ngày ở hai bên bờ Thái Bình Dương?