Một bông hồng cho Phạm Đoan Trang

Nhà báo, blogger Phạm Đoan Trang. Ảnh: Adam Bemma/ Al Jazeera/ Luật Khoa
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Nếu không có gì thay đổi, nhà cầm quyền CSVN sẽ đưa cô Phạm Đoan Trang – nhà báo, nhà hoạt động dân chủ – ra xét xử trong ngày 14 tháng Mười Hai, với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Khoản 1, Điều 88, Bộ Luật Hình Sự năm 1999.

Mức hình phạt cho “tội danh” này là từ 3 đến 12 năm tù giam và các nhà quan sát dự báo bản án áp đặt cho cô Trang sẽ không nhẹ, cho dù có thông tin từ phía chính quyền rằng họ sẽ xử cô theo “luật cũ” (tức là luật 1999) thay vì áp dụng “luật mới” (tức là cáo buộc cô Trang phạm tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước” theo Điều 117, Bộ Luật Hình Sự 2015) vì luật mới có khung hình phạt nặng hơn, thấp nhất là 5 năm thay vì 3 năm như luật 1999.

Là một người trẻ, sinh năm 1978, thời gian hoạt động chính trị xã hội chưa dài, nhưng cô Đoan Trang đã được nhiều người trong nước và nước ngoài biết đến như là gương mặt nổi bật nhất trong công cuộc đấu tranh cho tự do, nhân quyền và dân chủ hóa Việt Nam.

Cuộc đấu tranh của cô, kể từ lúc cô bị bắt lần đầu tiên năm 2009 khi còn đang là phóng viên báo VietNamNet của chính quyền, đến khi cô bị khởi tố và bắt giam vào ngày 7 tháng Mười, 2020, chủ yếu là cuộc lên tiếng không ngừng của một cây bút có sức làm việc phi thường trong suốt 10 năm, bất chấp sức khỏe suy kiệt và cuộc trốn chạy triền miên để tránh sự truy lùng của guồng máy công an Cộng Sản.

Theo cáo trạng vụ án Phạm Đoan Trang đăng tải trên trang Luật Khoa – mà cô là đồng sáng lập – nhà cầm quyền truy tố cô chỉ vì những ý tưởng của cô thể hiện trong hàng loạt cuốn sách, bài báo, bài trả lời phỏng vấn của cô từ năm 2016 đến khi bị bắt. Dù bị chính quyền cấm đoán gắt gao – thậm chí chỉ cần có một cuốn sách của cô trong giỏ xách cũng có thể bị bắt giam và tra tấn – những cuốn sách của cô được phổ biến rất rộng qua các bản chụp photocopy và trên mạng Internet. Trang Luật Khoa tạp chí do cô đồng sáng lập và trang blog cá nhân của cô có hàng triệu người theo dõi.

Đoan Trang là nhà báo viết sách nên những cuốn sách của cô đầy ắp dữ kiện, số liệu, phân tích, so sánh, đối chiếu bằng một thứ ngôn ngữ “bình dân” dễ hiểu, dễ đọc nhằm truyền đạt những kiến thức sơ đẳng về dân chủ, nhân quyền và chỉ ra cách thức làm sao để người dân Việt Nam có thể thực hiện những quyền tự do đã được minh định trong bản Hiến Pháp mà đảng CSVN đã ban hành. Trong hàng loạt tác phẩm như “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực,” “Tội Ác Phải Bị Trừng Phạt,” “Chính Sách Công Qua Luật Đặc Khu”… đăng trên trang Luật Khoa hoặc do nhà xuất bản Tự Do – mà cô là người sáng lập – ấn hành, cô truyền bá những kiến thức phổ thông về chính trị, khơi gợi suy nghĩ của người đọc về dân chủ, nhân quyền, tự do, nhà nước pháp quyền để giúp người dân hiểu biết quyền và nghĩa vụ của họ trong một xã hội hiện đại.

Cô giả định rằng thể chế chính trị của Việt Nam là “dân chủ,” người dân có đủ các quyền tự do dân sự căn bản, như đã ghi trong Hiến Pháp mà đảng CSVN soạn thảo và ban hành năm 2013 và công việc của cô chỉ là hướng dẫn cho người dân cách thức trở thành một công dân thực thụ. Nhưng bằng việc khẳng định quyền của công dân, cô đã chứng minh với người đọc một cách thuyết phục rằng nhà cầm quyền Việt Nam không thực hiện những điều ghi trong Hiến Pháp của họ. Đôi khi nhà cầm quyền viện dẫn các nguyên tắc tự do dân chủ để phục vụ cho mục đích nào đó của họ, nhưng họ không tin và không thực hành các nguyên tắc đó.

Những tác phẩm và hoạt động viết lách của Phạm Đoan Trang đã truyền cảm hứng và động lực cho nhiều nhà hoạt động tiếp tục con đường đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam như ý kiến một số người bày tỏ trên đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 9 tháng Mười Hai.

Một đề tài khác trong các tác phẩm của cô Trang là các báo cáo thực tế về tình hình Việt Nam, và có lẽ đây là mảng đề tài làm chính quyền Cộng Sản lo ngại nhất. Hầu như mỗi khi trong nước có biến cố lớn thì chỉ một thời gian sau, cô Trang và các cộng sự đã cho ra những bản báo cáo chi tiết, đầy đủ và chính xác, bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, về sự kiện đó. Khi công ty thép Formosa xả chất thải đầu độc cả vùng biển miền Trung, cô Trang công bố báo cáo về thảm họa môi trường biển Việt Nam. Cô đã soạn thảo và công bố “Báo cáo tình trạng nhân quyền ở Việt Nam,” “Báo cáo nghiên cứu: Đánh giá luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và tình hình thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.” Đặc biệt, sau khi Hà Nội huy động 3.000 cảnh sát bất ngờ tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội đầu năm 2020 giết chết ông Lê Đình Kình và bắt giam hàng chục người khác, cô Trang đã biên soạn và công bố “Báo cáo về Đồng Tâm” bằng song ngữ Anh-Việt, giúp người dân trong nước và công luận nước ngoài hiểu biết đúng về vụ án, nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của nó, trong hoàn cảnh thông tin bị nhà cầm quyền Cộng Sản bưng bít tối đa.

Nhìn lại, những bài báo, cuốn sách, báo cáo, bài trả lời phỏng vấn của cô Trang chỉ nhắm tới một mục đích: giúp nâng cao hiểu biết về chính trị, về quyền tự do cho công chúng trong nước. Nếu cho rằng trình độ dân trí bây giờ không chỉ là đọc thông viết thạo, am hiểu khoa học kỹ thuật, tiếp nhận và phổ biến tri thức thì có thể cho rằng cô Phạm Đoan Trang là một trong rất nhiều người đang nỗ lực góp phần thực hiện “khai dân trí” đích thực – một việc mà cụ Phan Châu Trinh đã khởi xướng từ đầu thế kỷ trước. Người dân có “trí” phải là người hiểu biết giá trị của mình và thực trạng xã hội mình đang sống chứ không phải có nhiều bằng cấp và danh hiệu.

Đối với chính quyền, các tác phẩm của cô Trang làm cho họ bực tức, nhưng đó không phải là căn cứ hợp lý để buộc tội cô. Các dư luận viên của nhà nước Cộng Sản, còn gọi là lực lượng AK 47, tố cáo cô Trang lợi dụng Facebook, Twitter, YouTube để “tổ chức lật đổ nhà nước” nhưng chúng tôi không thấy có bằng chứng cho cáo buộc có tính chất vu khống đó; cáo trạng vụ án cô Phạm Đoan Trang do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội đưa ra cũng không đề cập tới tội “lật đổ.” Còn nếu nhà nước cho rằng cô Trang lan truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt tin đồn… thì chính quyền có trong tay hàng ngàn cơ quan truyền thông để đấu tranh với cô, tranh luận những điều phải điều trái, đâu nhất thiết phải bịt miệng cô bằng nhà tù và đàn áp.

Nhà bình luận David Brown – một cựu giới chức ngoại giao Hoa Kỳ từng làm việc nhiều năm ở Việt Nam – đã có lý khi nhận định “Phạm Đoan Trang chỉ bảo chính phủ phải tôn trọng những cam kết về nhân quyền của họ” trong bài đăng trên trang Người Bảo Vệ Châu Á (Asia Sentinel) hôm 8 tháng Mười Hai.

Cho đến nay, Hà Nội vẫn quyết định đưa cô Phạm Đoan Trang ra xử thay vì trả tự do ngay lập tức cho cô như yêu cầu mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, các chính phủ Hoa Kỳ, Châu Âu, Cộng Hòa Czech, các tổ chức nhân quyền, các hiệp hội văn bút và truyền thông quốc tế. Xã hội văn minh không thể chấp nhận trong thời đại ngày nay lại có người bị bắt, bị đàn áp và bị bỏ tù chỉ vì viết thành sách những ý tưởng của mình một cách hòa bình, bất bạo động; dù đó là chuyện “bình thường” ở một số quốc gia độc tài toàn trị như Việt Nam.

Khi từ Mỹ trở về Việt Nam năm 2015, cô Trang đã biết cái kết cục đang chờ đợi mình là song sắt nhà tù. Nhưng cô nói với một người bạn: “Mỗi đất nước cần một thế hệ trẻ hy sinh cuộc sống của mình để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho những người khác. Nếu thế hệ của tụi mình từ chối nhận trách nhiệm này cho Việt Nam, vậy ai khác sẽ làm? Không lẽ bây giờ tụi mình lại ngồi đợi thế hệ tiếp theo hy sinh cho đất nước, còn mình thì chọn một cuộc đời dễ dàng hơn?”

Ngay sau khi cô Đoan Trang bị bắt, những người bạn của cô đã công bố bức thư mà cô để lại: “Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.” Quyết định dấn thân, sẵn sàng chấp nhận tù đày thay vì lưu vong ra nước ngoài, “vì một xã hội tốt đẹp hơn” của cô cho thấy Phạm Đoan Trang là một nhân cách đáng trân trọng. Sự nghiệp vận động dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam nằm trong tay những người trẻ dấn thân như cô Đoan Trang.

Ngày 10 tháng Mười Hai là ngày Nhân Quyền Quốc Tế hằng năm, xin dành một bông hồng cho cô Phạm Đoan Trang, người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam sắp phải ra trước vành móng ngựa của tòa án bạo quyền trong vài ngày nữa.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.