NATO đối diện nhiều bất trắc

Ông Jens Stoltenberg (phải), tổng thư ký NATO, bắt tay ông Dmytro Kuleba, ngoại trưởng Ukraine, trong cuộc gặp ngoại trưởng các nước NATO hôm 4/4/2024 ở Brussels, Bỉ, trùng với dịp kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh. Ảnh minh họa: Omar Havana/Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa kỷ niệm 75 năm ngày thành lập vào lúc tổ chức phòng thủ này phải đương đầu với nhiều bất trắc do tham vọng bành trướng của Nga và tính chất bấp bênh của chính trị Hoa Kỳ.

NATO (North Atlantic Treaty Organization) ra đời theo Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương ký ngày 4 Tháng Tư, 1949, tại thủ đô Washington, DC. Lúc đầu, tổ chức này có 12 thành viên, gồm 10 nước Châu Âu và hai nước Bắc Mỹ, hình thành một hệ thống phòng thủ tập thể, trong đó các quốc gia độc lập sẽ bảo vệ lẫn nhau chống lại một bên thứ ba. Cốt lõi của NATO là Điều 5 của hiệp ước, theo đó nếu một quốc gia thành viên bị tấn công thì cả khối phải hợp lực đối phó. Khi nước Mỹ bị khủng bố ngày 11 Tháng Chín, 2001, Điều 5 hiệp ước NATO đã được kích hoạt, và các thành viên NATO đã tham gia cùng người Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nhiều năm sau đó.

Suốt thời Chiến Tranh Lạnh, NATO là lá chắn an ninh của Châu Âu, đối trọng với tổ chức Hiệp Ước Warsaw của các nước cộng sản do Liên Xô dẫn dắt. Do cả hai khối NATO và Warsaw đều có vũ khí nguyên tử nên cả hai bên không bên nào dám động thủ.

Khi Liên Xô tan rã và khối Warsaw giải tán năm 1991, vai trò của NATO trở nên mờ nhạt, thậm chí không có phản ứng đáng kể khi Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Ông Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, vào Tháng Bảy, 2019, đã gây tranh cãi khi nói với báo The Economist: “Điều mà chúng ta đang trải qua là NATO đã chết não.” Trong hoàn cảnh đó, ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, xua quân tấn công Ukraine Tháng Hai, 2022, với niềm tin rằng NATO sẽ không cản trở ông ta vì quá yếu.

Ông Putin đã mắc sai lầm lịch sử. Hành vi xâm lược vô thiên vô pháp của ông ta đã như một liều thuốc hồi dương giúp NATO thức dậy. Trong bài phát biểu kỷ niệm 75 năm thành lập ở Brussels, Bỉ, hôm 4 Tháng Tư, ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, khẳng định “NATO hiện nay lớn hơn, mạnh hơn và đoàn kết hơn bao giờ hết.”

Từ 12 thành viên ban đầu, NATO hiện có 32 thành viên, bao gồm hầu hết Châu Âu, trong đó có nhiều quốc gia cộng sản cũ mới giành độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ. Khi Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO vào năm ngoái, chiều dài biên giới giữa NATO và Nga đã tăng gấp đôi, hình thành một vòng cung chiến lược từ Bắc xuống Nam ngăn chặn Nga tiến về Châu Âu, cũng như cho phép NATO bố trí binh sĩ và vũ khí ngay ở cửa ngõ thủ đô Moscow.

Về quân sự, chưa tính Thụy Điển mới gia nhập, các nước NATO đã có 3.5 triệu binh lính tại ngũ, lực lượng dự bị 6.2 triệu người. Ngoài quân đội của các nước thành viên do chính phủ các nước này quản lý, NATO có một lực lượng quân sự chung dưới quyền chỉ huy thống nhất của NATO với khoảng 800,000 quân. Trong trường hợp khẩn cấp, NATO có thể huy động 110 sư đoàn, 500 tàu chiến và 250 phi đội không quân chỉ trong vòng 48 giờ. Thế lực quân sự của NATO hoàn toàn làm chủ mặt đất, mặt biển và bầu trời của khu vực mà không đối thủ nào muốn thử sức.

***

Tổng Thống Putin vẫn cho rằng sự mở rộng của NATO về hướng Đông đặt ra mối đe dọa trầm trọng cho an ninh quốc gia của Nga. Biến Belarus thành chư hầu và xâm lấn Ukraine, ông Putin muốn thiết lập một “vùng đệm” ngăn cách Nga với NATO và chờ cơ hội thuận lợi để giành lại những vùng đất từng thuộc về đế quốc Nga xa xưa kia như Ba Lan và ba nước vùng biển Baltic.

Ông Putin và những người ủng hộ ông ta, như ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, lập luận rằng chính hành vi mở rộng của NATO về phía Nga là yếu tố buộc ông Putin phải chống trả bằng cách đánh chiếm Ukraine, ngăn cản kế hoạch gia nhập NATO của nước này và do đó, theo họ, hành vi của ông Putin là “chính đáng;” kẻ có lỗi trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay là NATO và chính phủ ở Kiev của ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine. Thật là một lập luận ngược đời, biến thủ phạm thành nạn nhân, nếu để ý rằng, bản chất của liên minh NATO là phòng vệ tập thể, việc gia nhập NATO hay không là quyền tự do lựa chọn của các quốc gia mà không ai có thể ép buộc hay ngăn cản.

Hành động của ông Putin đẩy Châu Âu vào cuộc khủng hoảng lớn: Nếu không ngăn chặn tham vọng của nhà lãnh đạo Nga thì sau Ukraine có thể thêm nhiều quốc gia khác trở thành nạn nhân. Hơn nữa, như ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, nhận định, đây là cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài, chiến thắng của Nga có nghĩa là tổn thất của hệ thống dân chủ thế giới. Do Ukraine chưa phải là thành viên nên quân đội NATO không trực tiếp tham chiến bảo vệ Kiev mà chỉ hỗ trợ vũ khí để người dân Ukraine tự bảo vệ tổ quốc của mình. Cho đến nay, sự hỗ trợ của NATO tỏ ra rất hữu hiệu, giúp Ukraine không bị ngã quỵ trước sức tấn công của một quân đội đông hơn gấp nhiều lần, trang bị tốt hơn gấp nhiều lần.

***

Cuộc chiến tranh đã hơn hai năm và đang trong tình trạng bất phân thắng bại. Nhiều chuyên gia nhận định, do ông Putin đã phải trả một cái giá quá đắt cho việc xâm chiếm 20% lãnh thổ Ukraine và đối mặt với sức mạnh cùng phản ứng của NATO, tham vọng bành trướng của ông ta đã bị thui chột. Theo các chuyên gia này, ông Putin có thể đang tính bài rút ra khỏi cuộc chiến như thế nào để vẫn giữ được bốn vùng lãnh thổ của Ukraine mà Nga đã chiếm và sáp nhập vào nước Nga; ông ta không còn ham muốn mở rộng chiến tranh sang các đất nước khác mà cái giá phải trả còn cao hơn nữa.

Song chúng tôi nhận thấy ông Putin chưa tỏ dấu hiệu ngừng lại. Cho đến nay, qua nhiều bài phát biểu, ông ta vẫn cho rằng cuộc chiến Nga-Ukraine là “chiến tranh uỷ nhiệm,” trong đó NATO quyết đánh Nga đến người Ukraine cuối cùng. Có lúc ông Putin nói Nga sẽ không tấn công NATO nhưng cũng có lúc ông nhấn mạnh chiến đấu cơ F-16 nếu được cung cấp cho Ukraine sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp cho quân Nga kể cả ở những nơi chúng đậu.
Mới đây, sau vụ tấn công khủng bố ở nhà hát Crocus City Hall ở thủ đô Moscow giết chết 114 người, mặc dù tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) đã lên tiếng nhận trách nhiệm, nhưng giới lãnh đạo Nga vẫn đổ thừa cho Ukraine và sự chỉ huy của các cơ quan tình báo NATO mà các chiến binh ISIS chỉ là kẻ thừa hành.

Nhân kỷ niệm 75 năm NATO, Điện Kremlin tuyên bố Nga và NATO hiện đang “đối đầu trực tiếp.” Bản thân ông Putin cũng nhiều lần cảnh báo nước Nga “đã sẵn sàng cho chiến tranh nguyên tử” nếu quân đội NATO trực tiếp tham chiến ở Ukraine hoặc đặt chân lên lãnh thổ Nga [ám chỉ các vùng đất của Ukraine đã bị Nga sáp nhập].

Tổng Thống Joe Biden của Mỹ nhiều lần nói ông không có kế hoạch cử binh lính Mỹ tới Ukraine nhưng Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp “không loại trừ” khả năng quân đội NATO tham chiến dù ông nhấn mạnh tình hình hiện nay chưa cần phải như vậy. Xem ra khả năng đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO là khó tránh, vấn đề chỉ là khi nào, và bóng ma một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba, hủy diệt nền văn minh nhân loại, càng lúc càng gần.

***

Trong khi chưa biết chắc chắn cuộc chiến tranh ở Ukraine sẽ kết thúc như thế nào và Nga sẽ làm gì sau đó, NATO còn vướng vào bất trắc ngay trong nội bộ. Hai ứng cử viên của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm nay có hai lập trường trái ngược nhau về Nga và NATO và nếu ông Donald Trump giành chiến thắng trước ông Joe Biden thì NATO gặp rắc rối lớn.

Ông Trump nhiều lần cho thấy ông coi NATO là gánh nặng tài chính của Mỹ, không bảo đảm tôn trọng Điều 5 hiệp ước NATO và nói tới việc rút Mỹ khỏi NATO nếu các thành viên khác không thực hiện cam kết nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP đã thoả thuận năm 2011. Mới đây nhất, ông Trump còn nói ông khuyến khích nước Nga “làm bất cứ chuyện gì họ muốn” đối với các thành viên NATO không đáp ứng đầy đủ quy tắc chi tiêu quốc phòng.

Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập NATO ở Brussels, Bỉ, đã có nhiều cuộc thảo luận sôi nổi về cách thức bảo vệ NATO và các kế hoạch của liên minh này khỏi sự phá hoại của ông Trump nếu chẳng may ông ta đắc cử vào cuối năm.

Trong số những người tin vào sứ mệnh của NATO đang có mối lo ngại sâu sắc về những gì sẽ đến trong tương lai. Tổng Thư Ký Stoltenberg nói: “Châu Âu cần Bắc Mỹ vì an ninh của mình, nhưng đồng thời Bắc Mỹ cũng cần Châu Âu.” Trung Tướng hồi hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy Lục Quân Mỹ ở Châu Âu, nhận xét: “Trong 75 năm qua, NATO đã làm đúng những gì chúng ta định làm là cải thiện an ninh tập thể của các thành viên. Nhưng nếu Trump có một nhiệm kỳ mới, có nguy cơ tất cả sẽ mất hết,” theo Washington Post.

NATO đang bước vào một giai đoạn mới trong một thế giới bất ổn hơn rất nhiều và không ai biết tương lai sẽ ra sao.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Nhà thờ Đức Bà ngay trung tâm Sài Gòn, một thành phố từng được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông. Ảnh minh họa: Chris Jackson/ Getty Images

Tựa vào di sản miền Nam tự do, tôi chọn đứng thẳng

Ba Mươi Tháng Tư, cứ đến gần ngày này là trái tim người miền Nam lại nhói đau. Tôi là một người thế hệ 8x, tuy chưa từng trực tiếp chứng kiến cuộc chiến “nồi da xáo thịt” của đất nước giai đoạn trước 1975, nhưng gia đình tôi, tồn tại hai dòng tư tưởng quốc gia và cộng sản, và ông bà tôi, cậu, dì tôi là những nhân chứng sống cho giai đoạn lịch sử này.

Ảnh chụp khúc đường Tôn Đức Thắng (Q.1, Sài Gòn) trước (hình trái) và sau (phải) khi chặt hạ cây xanh. Ảnh: 24h.com

Có nên chặt cây xanh để xây đường sắt trên không?

Không cần phải nói dài dòng, ích lợi của cây xanh trước tiên là thẩm mỹ, nhưng quan trọng hơn cả là nó giữ cho môi trường trong sạch bằng cách hút khí dioxit carbon và thải ra oxy. Chính vì thế khi đi trong rừng hoặc thậm chí dưới những con đường có hai hàng cây xanh lá thì chúng ta cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Cây xanh vì thế trở thành một phần của hệ sinh thái đô thị. Điều này không phải và không thể nói ngược lại.

Vậy thì chặt bỏ hàng trăm (nếu tính cả hai thành phố Hà Nội và Sàigòn) thì phải nói là hàng ngàn cây để xây metro có phải là lý do hợp lý và chính đáng không?

Ảnh minh họa bởi Paul Nelson/RFA.

Thêm một ông phải về: Vương Đình Huệ!

Việc ông Huệ bị phế truất khiến cho con đường trở thành tổng bí thư ĐCSVN của ông Tô Lâm có nhiều cơ hội hơn. Giờ đây chỉ còn hai ứng cử viên khác đủ điều kiện cho chức vụ này, đó là bà Trương Thị Mai và Thủ tướng Phạm Minh Chính. 

… Những gì đã được làm nhằm chính danh hóa/hợp pháp hóa ĐCS lấm bẩn bởi tham nhũng, giờ đây, đã khiến đảng này trở nên mất uy tín hơn trong mắt người dân – những người nhìn thấy vấn nạn tham nhũng đã xảy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao như thế nào.