Những Ấn Tượng Dính Liền Trong “Vietnam – Daring to Speak Out”

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 6.4 kb

Hệ thống truyền hình Australian Broadcasting Corporation (ABC), vào ngày 28-10-2003, đã trình chiếu một đoạn phim phóng sự dài 22 phút về Đối Kháng ở Việt Nam dưới tựa đề “Vietnam – Daring to Speak Out”, tạm dịch là “Việt Nam – Dũng Cảm Gióng Tiếng”. Do sự yêu cầu của khán thính giả Úc, đài ABC đã chiếu lại đoạn phim này lần thứ nhì hai ngày sau đó.

Phóng viên thực hiện chương trình phóng sự táo bạo vừa nói là Evan Williams, một ký giả trẻ tuổi của Úc, từng nổi tiếng mạo hiểm với những đoạn phim tường thuật các hoạt động trong bóng tối của lực lượng Karen ở biên giới Thái Lan-Miến Điện, hoặc của các nhóm phiến quân ở Phi Luật Tân v.v… Lần này, Evan vào VN cũng bằng phong thái và kinh nghiệm “du kích”, với mục tiêu ban đầu là truy cứu và mang ra ánh sáng văn minh một loạt hình ảnh rõ nét về thực trạng xã hội VN, đặc biệt là tình hình công an bảo kê tham nhũng tạo ra những vụ án lớn kiểu Năm Cam trong Nam hay Hang Dơi ngoài Bắc. Hoặc giả, Năm Cam chỉ là lý cớ? Vậy, cái thật là gì? Những “tình cờ không bất chợt” mà Evan bắt gặp trên tiến trình thu ảnh và phỏng vấn đã chuyển đổi mục tiêu của đoạn phim thành một phóng sự về phản ứng và tiếng nói của người dân VN dưới chế độ cai trị độc đảng của CSVN.

Qua đó, người ta thấy được những gì?

Đoạn phim phóng sự khá ngắn, do đó, nội dung khá cô đọng và hàm chứa gần như liên tục những điểm tương phản đối chọi ngay trước mắt, trong cả lời nói lẫn hình ảnh, giữa khẩu hiệu tô hồng của chế độ và thực tế xám đen của xã hội. Do bởi khuôn khổ giới hạn về thời lượng đó, những nhân vật xuất hiện trong đoạn phóng sự này cũng không được gọi là nhiều.

Những vai phụ có thể được kể tới là hai đạo diễn phim ảnh và một đạo diễn kịch nghệ. Đại loại, những nhân vật này cho biết về tình hình làm phim và kịch trong nước, qua những đặc điểm chính yếu được ghi nhận như sau:

- Phim chiến tranh đã hết thời (có nghĩa là tác dụng ngợi ca công lao “giành độc lập” không còn ăn khách nữa, đại loại như phim Hồ Chí Minh phải bãi bỏ các suất chiếu sau ngày khai mạc);

- Phim tệ nạn (ma túy, cờ bạc, mãi dâm) dễ được phép sản xuất hơn các đề tài chính trị (tương tự như thể loại tin tức xã hội đen dễ được duyệt đăng hơn trên dàn báo đảng);

- Tiến trình kiểm duyệt phim ảnh, từ từng phần (trên kịch bản) trước đây, đã quá độ sang toàn phần (sau khi hoàn tất) hiện nay (cũng có nghĩa là giới sáng tác phải tự kiểm duyệt lấy chính mình, song song với cái phong bì lo lót dày hơn cho Cục Điện Ảnh);

- Dù vậy, giới làm phim/kịch vẫn tỏ ra cố gắng lồng vào nội dung tác phẩm một số ý tưởng thầm kín nào đó (để cho khán giả “tự cảm thấy và tự nhận thức” lấy), tất nhiên là chỉ khe khẻ nhẹ nhàng tới mức “chạm ngưỡng”, để tác phẩm của họ khỏi bị cấm chỉ hay tịch thu….


Những ấn tượng đậm nét của toàn bộ chương trình phóng sự này thực sự toát ra từ 4 nhân vật chính:

1. Ấn Tượng Nô Bộc: Nguyễn Thị Hồng Ngát, phó chủ nhiệm Cục Điện Ảnh VN, hung thần của giới đạo diễn và sản xuất phim trong nước, cũng là quan chức duy nhất do đảng CSVN đề bạt thành người phát ngôn để trả lời cuộc phỏng vấn của Evan Williams. Khi được hỏi về những góp ý để dân chủ hóa đất nước, bà Ngát trả lời xa xôi bằng một câu cách ngôn là “con không chê bố mẹ khó”. Trong đó, dân được coi là con, hay ít ra, đảng viên tự nhận là con; còn lãnh đạo đảng CSVN là bố mẹ, được quảng diễn thêm là “những người đứng ra gánh cái trách nhiệm lớn để mà giải phóng đất nước và bây giờ xây dựng đất nước thì đấy cũng là mục đích rất là lớn”. Hình ảnh “xây dựng” bật ra ngay sau câu trả lời lạc đề đó qua mớ thúng mủng của những người bán hàng rong. Ở một đoạn khác, khi được hỏi về vụ án Năm Cam, bà Ngát khoe rằng Hà Nội đang thực hiện một cuốn phim nhựa về vụ án này, nhằm “phản ánh trực diện cái vấn đề tham nhũng làm ’động’ đến những người có trách nhiệm rất cao đã Vô Tình mà coi như là để xảy ra cái việc dẫn đến vấn đề tham nhũng”. Hầu hết những ai quan tâm đến thời sự VN đều hiểu rất rõ tình trạng quan chức cao cấp của CSVN bảo kê cho tham nhũng và các loại tệ nạn xã hội. Về mặt truyền thông, chính ủy viên chính trị bộ Nguyễn Khoa Điềm đã ra chỉ thị cho báo chí ngưng phanh phui thêm, khi vụ án Năm Cam bị rút dây lên tới mức thứ trưởng bộ công an (Bùi Quốc Huy) và ủy viên trung ương đảng (Trần Mai Hạnh). Mặt khác, tất cả cán bộ còn lại đều phải cong lưng cúi đầu bao che cho dàn bảo kê ở cấp thượng tầng trung ương đảng bằng quan điểm “vô tình” như bà Ngát vừa nói. Lại được hỏi ở một đoạn khác nữa về trường hợp bác sĩ Phạm Hồng Sơn (nạn nhân bị CSVN kết án tù về tội gián điệp, do việc chuyển ngữ tài liệu “Thế Nào Là Dân Chủ?” lấy từ mạng thông tin của tòa đại sứ Mỹ ở VN), bà Ngát trả lời chắc nịch rằng: “Chẳng có ai bị bắt giữ về những điều ấy cả!”. Đến đây thì cái ấn tượng nô bộc có được từ Nguyễn Thị Hồng Ngát đã chuyển hẳn thành một ấn tượng láo khoét, trắng trợn và cao độ. Bởi câu hỏi vẫn lởn vởn chập chùng trong đầu người phóng viên, qua một loạt hình ảnh ngay tiếp theo câu trả lời đó về những nhân vật bị giam tù vì tội phát biểu ra ngoài định hướng của đảng CSVN: LM Phan Văn Lợi, TT Thích Tuệ Sỹ, các ông Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Đan Quế, Lê Chí Quang v.v….

2. Ấn Tượng Phẫn Nộ: Dương Thu Hương, cựu đảng viên CSVN, nguyên cán bộ chiến dịch Tiếng Hát Át Tiếng Bom trên chiến trường Bình-Trị-Thiên, phục viên với bệnh điếc tai, tác giả quyển “Thiên Đường Mù” và nhiều tác phẩm văn chương phê phán chế độ, nạn nhân trù dập đến mức đê hèn của guồng máy đảng CSVN (dưới bàn tay nhớp nhúa của trùm công an Dương Thông thời đó). Nhận định về dàn lãnh đạo đảng CSVN (mà Nguyễn Thị Hồng Ngát ví là bố mẹ như vừa kể bên trên), bà Dương Thu Hương cho rằng đó là “những con người cực kỳ hèn hạ và thấp kém, không có một tí nhân cách gì…”. Đó là “những kẻ đê tiện, những kẻ ăn cắp một cách trắng trợn, gian manh…”. Đó là những kẻ còn sót lại sau chiến tranh, hiện đang làm quan và đều “có vài ba tòa nhà cho người nước ngoài thuê…”. Đó là những tay trùm “buôn bán ma túy, buôn bán hàng lậu… dùng uy lực của chế độ để vơ vét tài sản của nhân dân bằng cách biển thủ công quỹ, biển thủ tài sản quốc gia, dùng quyền lực để độc quyền thị trường buôn bán…”. Không thể nào rõ ràng hơn và chính xác hơn được nữa. Và cũng chẳng cần nêu đích danh từng đứa. Chính vì thế, bà Dương Thu Hương đã tự nhận là: “Tôi thì chọn con đường làm giặc. Bởi vì tôi có thể chết chứ không thể chịu nhục. Tôi cho rằng cộng tác với những con người ti tiện thì thật là nhục nhã”. Hơn thế nữa, bà cho rằng đó cũng là một cách “trả thù cho những người có lý tưởng đã chết oan uổng trong trận chiến chống Mỹ”. Oan uổng là bởi bị lãnh đạo lừa gạt bằng chiêu bài độc lập? Oan uổng là bởi cuộc chiến đó phi lý trên cùng tiền đề yêu nước mà anh em lăn xả vào chém giết lẫn nhau? Gì thì gì, nhận định oan uổng này vẫn là một ý niệm tích cực (đối với mọi loại tuyên truyền của đảng CSVN), để đồng bào cả nước cùng cởi bỏ mọi trớ trêu quá khứ và cùng đồng tâm hiệp lực chấm dứt quốc nạn độc tài cộng sản.


3. Ấn Tượng Đợi Chờ: Vũ Thúy Hà, vợ của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, cũng vừa là nhân chứng không được tham dự phiên tòa kết án người chồng trí thức trẻ tuổi đã dũng cảm tự mình tìm hiểu về một điều cấm kỵ tối cao của đảng CSVN: “Thế Nào Là Dân Chủ?”. Đó là nguyện vọng của nhân dân cả nước. Đó là một “Chân Trời Mới”, theo tựa sách nhận định về Quan điểm và Cuộc sống của ông Nguyễn Hộ. Đó là ước mơ “Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ” như ông Hà Sĩ Phu đã viết. Đó là “Khát Vọng Ngàn Đời” được trình bày thành sách của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang…. Đó cũng chính là động lực thúc đẩy người chồng của bà Vũ Thúy Hà đã dầy công chuyển ngữ một bản tài liệu mà ông đọc được trên mạng của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại VN: “Theo như chồng tôi nói, trước đây nghe nói rất nhiều về dân chủ, nhưng chưa hiểu thực chất nó là cái gì”. Bà Vũ Thúy Hà rất chân thực cho biết là cuộc sống đã bị đảo lộn từ khi bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt và bị kết án tù. Trước đó, cũng có lúc bà mong gia đình được yên ổn trước sức mạnh trên đầu nòng súng của nhà cầm quyền, tuy nhiên, niềm khát khao tự do dân chủ và nỗi nhục đất nước lạc hậu đói nghèo đã làm mờ nhạt cái ý muốn an thân (và thụ động) đó: “Trong thâm tâm sâu kín của tôi, tôi chia sẻ với anh ấy… Tôi hiểu được rằng xã hội muốn phát triển thì phải có dân chủ, mà muốn có dân chủ thì dứt khoát phải tìm hiểu dân chủ là gì…”. Hiện tại, hòa trong cả nước chờ đợi có được tự do dân chủ, bà Vũ Thúy Hà cùng lúc phải cưu mang thêm một nỗi đợi chờ riêng: người chồng dũng cảm (và tích cực đi tìm dân chủ) của mình mãn hạn tù.

4. Ấn Tượng Quả Quyết: Một thanh niên Việt Nam ẩn danh, theo lời dẫn đoạn của phóng viên Evan Williams sau một loạt hình ảnh về nông thôn ảm đạm và nông dân lam lũ ở VN: “Vào thời mở cửa với kinh tế thị trường thì cuộc sống như thế này không thể chấp nhận được…. Những người chống đối đã từng hoạt động bí mật, nhưng đến nay đã đổi chiến thuật. Đêm nay, lần đầu tiên, một phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở VN sẽ tiết lộ về tổ chức của họ. Đó là Việt Tân”. Người thanh niên ẩn danh cá nhân nhưng đã minh danh tổ chức trong lời giới thiệu: “Tôi là đảng viên Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân. Tiếng Anh là Revolutionary Party to Reform Vietnam”. Evan giải thích tiếp: “Việt Tân có hàng ngàn đảng viên ở khắp nơi trong và ngoài nước. Vì sự an toàn, một người được chọn để trả lời cuộc phỏng vấn và yêu cầu được đề phòng kỹ thuật nhận diện”. Người thanh niên ẩn danh này cẩn thận đội mũ thể thao và đeo kính đen. Đài ABC tăng cường thêm kỹ thuật làm nhòa khuôn mặt ông trên màn hình. Dù vậy, người xem vẫn có thể đoán được rằng ông không thuộc về thế hệ của những người VN đã trực diện trong cuộc chiến tranh bành trướng hay ngăn chận làn sóng đỏ trước đây. Người ta có thể đoán thêm rằng ở độ tuổi đó, ông không dính dáng gì tới những trớ trêu lịch sử thời chiến, hay những uẩn ức của giai đoạn “tận diệt tư sản mại bản, cải tạo ngụy quân ngụy quyền” thời bình v.v…. Qua một giọng trầm và rõ, ông nói: “Trong thời điểm này thì người dân đều hiểu ra vấn đề là đảng CS đã lừa dối họ, bóc lột họ, lấy của họ bỏ vào túi riêng. Những đặc quyền đặc lợi như nhà cửa, các viện trợ quốc tế, tất cả các đầu tư nước ngoài… đều nằm trong tay một nhóm người. Còn đa số người dân đều đói khổ… Cả một chế độ, cả một đất nước không có luật pháp, làm ăn một cách không ổn định, thiếu trật tự… Cản trở bước đường Canh Tân Việt Nam không phải là một nhóm người mà nguyên cả một guồng máy của chế độ”. Chỉ trong vòng vài phút xuất hiện, ông đã trình bày khá rõ lập trường của tổ chức này là: Muốn giải quyết bài toán đói nghèo lạc hậu của VN để đưa đất nước và dân tộc tiến lên, phải giải quyết trước tiên là chế độ độc đảng CSVN. Khi mà mọi người dân đều hiểu ra vấn đề, như ông nói, thì người ta có thể suy rộng ra thêm rằng, để giải quyết chế độ độc đảng phi nhân đó, sức dân sẽ là chính. Evan Williams cũng đã làm rõ thêm điều đó, bằng sự xác nhận rằng Việt Tân là một tổ chức vận động quần chúng, huy động giới trẻ và khai dụng sự hỗ trợ ngầm của một số giới chức trong guồng máy chính quyền đương thời.

Tạm gác qua một bên những xúc động bức bối thoắt hiện sau loạt hình ảnh của một quê hương khánh kiệt thực sự xen kẽ với sinh hoạt trác táng về đêm ở thành phố (của hãng phim Giải Phóng), người xem sẽ còn giữ lại được những gì sau 22 phút theo dõi đoạn phim phóng sự ABC? Đặc biệt là ở bốn nhân vật chính với bốn sắc thái đặc thù?


5. Ấn Tượng Khinh Bỉ: Ở Nguyễn Thị Hồng Ngát, ấn tượng nô bộc đã chuyển thành láo khoét (như vừa kể trên) chỉ có thể khiến người xem có cảm giác hoặc thương hại hoặc khinh bỉ. Khó lòng đo được tỷ lệ chênh lệch giữa hai cảm giác này, nhưng nếu điều thứ nhì cao hơn, thì cũng sẽ chẳng mấy ai lấy làm lạ. Vì bởi, chẳng một ai có thể kính trọng những kẻ không hề tự trọng. Và bởi, đó cũng chính là nguồn gốc thái độ khinh miệt (công khai và thường xuyên) của dàn cán bộ trung tầng ngay trong đảng CSVN hiện nay đối với hàng ngũ lãnh đạo tối cao ngu dốt và gian ác của họ. Đó là những người từng được xuất ngoại, trông thấy sức tiến vũ bão của thế giới và có nhiều cơ hội so sánh với sức ỳ trì trệ của lãnh đạo họ. Đó là những người tài trí và có tâm huyết đối với dân tộc, nhưng không thi thố được khả năng thực sự của họ trong một guồng máy tham nhũng mà căn bản chọn lựa các dự án hoàn toàn đặt trên tư lợi của thủ trưởng. Biết đâu, đó cũng chính là những người đang có những sự hỗ trợ ngầm cho giới đối kháng VN như Evan Williams đề cập? Đáng thương (hoặc đáng phỉ nhổ) dường bao, khi Nguyễn Thị Hồng Ngát hay Phan Thúy Thanh vẫn tiếp tục cam tâm chịu làm những cái cửa khẩu mini của khu Ba Đình.

6. Ấn Tượng Bi Quan: Ở Dương Thu Hương, những phê phán mạnh bạo và chính xác của bà về dàn lãnh đạo Hà Nội chắc chắn đã khiến người xem cảm thấy hả hê nhất. Cái ấn tượng phẫn nộ đó ắt hẳn đã trùng khớp với ý riêng có sẵn của từng người, cả trong lẫn ngoài nước, bất luận là có được coi đoạn phim phóng sự này hay không. Sự thích thú nằm ngay ở điểm trùng khớp đó, và còn kéo dài khá lâu trong lòng mọi người, ít nhất là cho tới khi nhà văn nữ này kết luận rằng:

- 1- Về nhân dân: “sự không hiểu biết và hèn nhát của nhân dân, vì nhân dân không có thói quen đấu tranh với nhà nước”; và

- 2- Về lãnh đạo Hà Nội: “họ sẽ tìm đủ mọi cách ti tiện nhất để tồn tại được lâu để vơ vét”.

Cộng thêm ý niệm “được làm vua thua làm giặc” bên trên, hai kết luận này phần nào đã biến đổi ấn tượng phẫn nộ ban đầu thành một thoáng bi quan pha lẫn. Cho dù ý nghĩa của sự chọn lựa “làm giặc” vẫn phản ảnh tính đối kháng tuyệt đối, hay hiển hiện ở đó một lằn ranh dứt khoát giữa đảng với dân. Cho dù là kết luận thứ nhì khá đúng, xét ở khía cạnh tâm lý của kẻ cầm quyền đang hưởng lợi nhờ lạm quyền vẫn muốn tiếp tục giữ quyền để vét lợi. Vấn đề là lãnh đạo Hà Nội có thể tồn tại bao lâu thì còn tùy thuộc vào mức độ chính xác của kết luận thứ nhất. Bức tường Bá Linh sụp đổ không mấy lâu sau ngày nhà cầm quyền CS Đông Đức tổ chức linh đình cuộc “diễu hành” ăn mừng “quốc khánh” thứ 40 của họ. Vận mệnh của cả Liên Bang Xô Viết gần 300 triệu người được định đoạt bởi tổng cộng một triệu rưỡi người xuống đường biểu tình ở bốn thành phố lớn của nước Nga vào đầu thập niên 90. Có thể nào bảo rằng hơn 200 triệu người Liên Xô còn lại đều hèn nhát cả không? Hay đó là một đa số thầm lặng chực chờ một cơ hội, một ngòi nổ? Yếu tố “không hiểu biết và hèn nhát của nhân dân” Việt Nam, như Dương Thu Hương nhận định, có thể đúng phần nào ở nhiều thập niên trước, khi mà người dân miền Bắc đã bị khủng bố dã man và triền miên từ đận đấu tố cải cách ruộng đất, hay người dân miền Nam bị cơn sốc khống chế sau biến cố tháng Tư 1975. Và vẫn còn có thể đúng, đối với một số thành phần quần chúng VN ở đâu đó, trong thời gian gần đây. Nhà văn Nguyễn Tuân, một cây đại thụ của làng văn nghệ VN, đã từng phán: “Tao còn sống được tới nay là nhờ… biết sợ!” cơ mà! Cũng đâu thiếu gì những ký giả được độc giả lồng tên vào chuyện Trạng Quỳnh: “Bảo sơn là sơn! Bảo thái là thái!”? Lê Đạt, một kiện tướng thời Nhân Văn-Giai Phẩm, còn viết nguyên một tác phẩm mang tên “Hèn Đại Nhân” nữa kìa!… Tuy nhiên, đã bảo là thói quen thì không phải chỉ một ngày một buổi là có ngay, kể cả “thói quen đấu tranh với nhà nước”. Quán tính của một dân tộc không hề nhỏ. Một đoàn tàu hỏa không thể bẻ cua gắt như một chiếc xe đạp. Chiếc hàng không mẫu hạm khó lòng xoay trở như chiếc ca-nô. “Hèn nhát”, nếu có, có phải khởi đi từ sự sợ hãi bạo lực? Vậy thì, “thói quen đấu tranh với nhà nước” đó chỉ thành hình khi sự phẫn nộ đủ lấn át được nỗi sợ hãi cá nhân, từ răn đe này qua hăm dọa khác, và kéo thành dây chuyền từ người này sang người khác, từ xóm này sang xóm khác…. Thói quen đó phải bắt nguồn từ hành động nhận giếng công an ở Đông Anh hay trói gô chủ tịch xã ở Quỳnh Lưu. Thói quen đó cần được tập trung qua những vụ khiếu kiện đông người trước nhà hội Ba Đình hay tư dinh của Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh. Thói quen đó phải trải qua những Thái Bình, những Xuân Lộc, những Tuy Phước, những Lương Sơn. Thói quen đó cần được tích lũy từ những Nguyệt Biều, những Thiên An, những Tây Nguyên, những Già Lam, những Nguyên Thiều. Thói quen đó còn cần được khơi rộng qua những Kiến Nghị, những Góp Ý, những Hội Chống Tham Nhũng, những Đơn Ra Báo, và cả những đòi hỏi bỏ ngay điều bốn hiến pháp v.v…. Sau cùng, thói quen đó cần đi kèm đặc tính tung hứng cho đồng bộ, nhịp nhàng mà rộng khắp, và nhồi sóng liên hoàn. Nói cách khác, thói quen đó cần được đoàn ngũ hóa, để trả lời cho từng người dân rằng họ có thể làm việc gì, làm thế nào và làm với ai, để chấm dứt chế độ bất nhân này và đưa đất nước cất cánh đi lên. Có thể bà Dương Thu Hương đã nóng lòng quá mức về tiến trình đoàn ngũ hóa đó đến độ bỏ qua những cập nhật vừa nói để phát biểu những lời khích tướng động viên như trên chăng? Cho dẫu sự phẫn nộ và nóng lòng của bà, dù lấn át được nỗi sợ hãi cá nhân, nhưng vẫn có phần nào phảng phất tính bi quan tổng thể, điều đó, tựu chung cũng vẫn là sự tỏ lộ của một tấm lòng. Dân tộc Việt Nam đang liên kết những tấm lòng vào một niềm tin để viết trang sử mới.


7. Ấn Tượng Lạc Quan: Ở Vũ Thúy Hà, người phụ nữ gầy yếu này không phải không biết rằng sự yên ổn của gia đình sẽ dễ có và dễ giữ hơn một khi cúi đầu đồng lõa với bạo lực, hay ít nhất, lặng im trước bạo lực. Không phải không biết rằng các con nhỏ sẽ gặp khó khăn gấp bội khi chính sách của đảng CSVN là sẽ bêu rếu trước bè bạn của chúng rằng đó là “con của gián điệp”. Không phải không biết rằng mỗi bước ra đường là có hàng chục công an theo dõi. Không phải không biết rằng mỗi người khách tới nhà đều bị gọi lên đồn công an làm bản kiểm điểm. Nói chung là trong lúc đợi chờ người chồng dũng cảm của mình mãn hạn tù, chính bà và con trẻ trong nhà đã bị chế độ cô lập trong một vòng rào ngục thất vô hình nhưng vô cùng kiên cố. Đó là thứ khủng bố tinh thần dã man nhất mà ngay cả nạn nhân của Al Qaida ở các nước Tây phương cũng khó lòng mường tượng nổi. Nhưng bà đã chấp nhận cái giá nghiệt ngã đó để chia sẻ với chồng một lý tưởng cao cả là phải tạo điều kiện dân chủ để đất nước phát triển. Nhờ đâu, nếu không phải từ sự đánh đổi niềm đau khổ riêng hôm nay cho sự tươi sáng chung cả nước, ngày mai? Chính niềm tin mãnh liệt đó của bà, và của cả người chồng dũng cảm của bà, đã khiến người xem đoạn phim phóng sự nhận chân ra cái ấn tượng đợi chờ nói trên hoàn toàn bị che lấp bởi một ấn tượng lạc quan vô cùng trong sáng, như chính lời kết của bà: “Hiện tại đầy gian nan, nhưng tương lai đang ở trước mặt chúng ta”.

8. Ấn Tượng Đội Ngũ: Ở người thanh niên ẩn danh, đã trình bày về lập trường và chủ trương của tổ chức mà ông đại diện trong cuộc phỏng vấn này, một cách ngắn gọn và xúc tích, bằng một giọng nói ôn tồn nhưng quả quyết. Dù xuất hiện một mình, nhưng đàng sau lưng ông là một lá cờ nền xanh dương với đóa hoa trắng ở giữa. Lá cờ là biểu tượng của một tập thể. Lá cờ nền xanh hoa trắng này là đảng kỳ của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng? Nhiều phần là thế, và mọi người hẳn đang chờ đợi một dịp khác để được hiểu thêm về ý nghĩa của hai màu xanh-trắng đó. Dẫu sao, điều này cũng không nhất thiết quan trọng trong sự chờ đợi bằng những quan niệm chiến lược, đường hướng đấu tranh và giềng mối tổ chức của Việt Tân. Bởi vì, người ta có quyền chờ đợi một tổ chức đã công khai hóa đảng kỳ thì cũng không thể thiếu phần công khai hóa đảng cương và đảng quy, trước khi có sự cộng tác để hợp sức vận động quần chúng và tập hợp sức mạnh dân tộc. Ngay tại chỗ, ấn tượng quả quyết của người thanh niên quả cảm đó đã được thay thế bằng ấn tượng đội ngũ mà nhiều người chờ đợi. Phải chăng đấy là sự liền lạc trong bố cục của đoạn phim phóng sự? Bởi ít ra, đối với người xem, tới đoạn này, đã nhìn ra một câu trả lời gián tiếp cho sự nôn nóng của nhà văn Dương Thu Hương về một tiến trình đoàn ngũ hóa những nỗ lực đối kháng ở trong nước: Nó đã thành hình, hay ít nhất, đang thành hình ở mức độ hội đủ điều kiện để xuất hiện. Và qua đó, trả lời cho cả sự trông mong của rất nhiều người trong nước đang cần biết rõ có thể làm việc gì cho vừa sức, làm thế nào cho an toàn, và làm với ai cho hữu hiệu, để cùng dân chủ hóa và phát triển đất nước. Cũng qua đó, người ta thấy rõ hơn sự dính liền giữa hai mục tiêu trước sau của bài toán Việt Nam: Mục tiêu gần là chấm dứt chế độ phi nhân cộng sản. Mục tiêu xa là canh tân đất nước cho kịp đà tiến của thế giới. Ý niệm này đã gắn liền vào danh xưng của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, và biết đâu, có thể giúp cho rất nhiều người an tâm hơn. Ngay chính người thanh niên ẩn danh trong cuộc phỏng vấn cũng đã minh định trong câu kết, như là một trả lời gián tiếp cho bà Vũ Thúy Hà và tuyệt đại đa số người Việt về dự ảnh một tương lai Việt Nam: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong tương lai gần, nhân dân VN sẽ đứng lên cùng chúng tôi làm một cuộc cách mạng để giành tự do dân chủ và canh tân đất nước, để VN nở mày nở mặt với các nước năm châu bốn biển”.

Tất nhiên, không phải tất cả mọi người đều cảmthấyphấn khởi ít nhiều với đoạn phim “Việt Nam – Dũng Cảm Gióng Tiếng” này. Đại sứ của Hà Nội tại Úc Đại Lợi sẽ là người đầu tiên dập ống nói, đập bàn, rồi văng tục. Toàn bộ ngành Tư tưởng-Văn hóa và công an văn hóa CSVN, từ Nguyễn Khoa Điềm trở xuống, đều cần thêm những liều thuốc ngủ cực mạnh. Phía công an phản gián cần gấp rút cho vào hồ sơ đen số hộ chiếu của Evan Williams, hoặc bắt đầu lùng sục những căn nhà Hà Nội…. Còn ngay ở hải ngoại này, cũng có thể có một vài nhân vật đâu đó đang xem phim bằng kính hiển vi để cố soi rọi một vài cảnh trí trong phim khả dĩ sử dụng làm đề tài bắt sâu, nhặt sạn, gây rối cộng đồng. Hãy biết trước như thế để khỏi phải ngạc nhiên.

Xin cảm ơn phóng viên Evan Williams và hệ thống truyền hình ABC đã thực hiện một chương trình phóng sự công phu, gian nan và đầy nguy hiểm ngay trong lòng chế độ Hà Nội. Xin cảm ơn tất cả những nhân vật xuất hiện trong đoạn phim, bằng cách này hay cách khác, đã hòa trộn các sắc màu ấn tượng dính liền vào nhau để người VN nói riêng và thế giới nói chung, bắt được cái ấn tượng sau cùng là một Giải Pháp Cho Việt Nam.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Bản tin Việt Tân – Tuần lễ 22 – 28/4/2024

Nội dung:

– Tưởng niệm Quốc Tổ Hùng Vương tại thành phố Hamburg, Bắc Đức;
– Kêu gọi tham gia biểu tình và văn nghệ đấu tranh nhân dịp UPR tại Genève, Thụy Sĩ;
– Mời tham dự và đón nghe: i) Hội luận “49 năm sau biến cố 30/4/1975 – Tại sao hòa giải với Mỹ mà không với Dân tộc?;” ii) Chương trình văn nghệ gây quỹ Hát Cho Đồng Bào Tôi với chủ đề “Tháng Tư thắp nén hương trầm;” iii) Hội luận “UPR – Tường trình đến quốc tế việc nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo;”
– Quan điểm của Việt Tân về tình hình đất nước trước những biến động chính trị trong nội bộ đảng CSVN.

Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP - STR

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức

Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.