Phỏng Vấn Đặc Biệt Ông LÝ THÁI HÙNG,Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 33.6 kb

Ông Lý Thái Hùng sinh năm 1952 tại An Nhơn, Bình Định. Du học tại Nhật Bản năm 1971. Tốt nghiệp kỹ sư và cao học ngành Công Chánh tại Nhật Bản. Tham gia Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, tức Đảng Việt Tân, năm 1982. Tổng Bí Thư Đảng nhiệm kỳ V (2001-2006) và nhiệm kỳ VI (2006-2011). Tác giả tập biên khảo chính trị “Đông Âu Tại Việt Nam” xuất bản năm 2006 đã được đón nhận nồng nhiệt rất nhiều nơi tại hải ngoại.

VNN: Kính thưa ông Tổng Bí Thư, trước hết, xin ông cho biết Đảng Việt Tân nhận định như thế nào về hiện tình Việt Nam? Những đặc điểm nào nổi bật nhất? Và trong cuộc đối đầu hiện nay với chế độ độc tài CSVN, nhân dân Việt Nam đang có những điểm thuận lợi và bất lợi như thế nào?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Xin kính chào anh Võ Triều Sơn. Cảm ơn anh đã có nhã ý thực hiện cuộc trao đổi này để tôi có cơ hội trình bày đến quý độc giả một số những nhận định và đường hướng đấu tranh của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, tức Đảng Việt Tân, trong tình hình hiện nay. Câu hỏi của anh nêu ra có nhiều vấn đề khác nhau, vì thế, tôi xin phép chia vấn đề trình bày làm ba điểm chính như sau:

Trước hết là những đặc điểm nổi bật nhất trong tình hình Việt Nam hiện nay. Nếu đặt trong khung thời gian 3 năm trở lại đây, tức là từ đầu năm 2005 cho đến nay, ta có thể thấy:

Một là Cộng sản Việt Nam đã đạt được những kết quả mong muốn trong chính sách hội nhập toàn cầu: mở rộng đầu tư, gia nhập WTO, trở thành thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (2008-2009). Nói cách khác, Cộng sản Việt Nam đã thoát ra khỏi vòng cô lập của thế giới và tạo một thế đứng mới, khác xa hoàn cảnh cách nay 10 năm. Trả giá cho thế đứng mới này, Cộng sản Việt Nam bắt buộc phải hành xử theo những quy luật chung của thế giới văn minh và không còn có thể tự tung tự tác như quá khứ. Đồng thời khi sự hội nhập gia tăng, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn phát triển, chính sách đối ngoại đu dây giữa Cộng sản Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc sẽ bị biến dạng, trở thành những mũi nhọn đâm ngược vào nội bộ đảng, làm cho sự phân hóa giữa các phe nhóm quyền lực gia tăng. Vì tình trạng lãnh đạo cá mè một lứa và vì những áp lực lôi kéo giữa hai thế lực Hoa Kỳ và Trung Quốc, lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hiện đang ở vào thời kỳ bị chi phối rất nhiều từ những áp lực bên ngoài.

Hai là tình trạng phát triển nửa vời sau 20 năm cải tổ kinh tế – tuy có tạo ra một số thay đổi về mức sống với những dịch vụ phục vụ đời sống và hàng hóa tiêu thụ đa dạng hơn – nhưng về căn bản, Việt Nam vẫn là một xã hội nghèo nàn và còn mang đậm nét gia trưởng. Bên cạnh đó, nạn tham ô cửa quyền đã gia tăng ở quy mô lớn và phát tác mạnh mẽ theo từng dự án viện trợ hay đầu tư ngoại quốc đổ vào từng khu vực. Trong bối cảnh đó, cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước đua nhau rửa tiền để một mặt tẩu tán những tài sản tham ô, mặt khác tiêu xài hoang phí từ những khoản tiền tham ô hay bòn rút những khoản viện trợ. Chính yếu tố này đã làm cho nạn lạm phát bùng nổ hiện nay, mà nguyên nhân chính yếu là số lượng tiền tệ quá dư thừa trên thị trường. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã đưa ra bảy chính sách chống lạm phát như tiết giảm chi tiêu công, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, kêu gọi thắt lưng buộc bụng và xiết chặt thanh khoản…. nhưng đó chỉ là thuốc đỏ bôi ngoài da mà thôi. Nạn lạm phát hiện nay là bề trái của lề lối cai trị theo kiểu gia trưởng vẫn còn ăn sâu trong nền nếp cai trị phong kiến của đảng Cộng sản Việt Nam và chính nó đang đe dọa sự ổn định của xã hội Việt Nam.

Ba là cách phản ứng của người dân Viêt Nam đối với các chính sách cai trị của nhà cầm quyền đã có nhiều chuyển biến lớn trong vài năm trở lại đây. Nếu trước đây, đa số sống trong sự an phận chịu đựng dưới mọi áp bức của guồng máy bạo lực thì ngày nay, người dân đã biết chuyển sang thế công, hành xử quyền dân sự để đối đầu lại những bất công do chế độ độc tài gây ra. Những cuộc khiếu kiện lan rộng từ miền Bắc đến miền Nam của thành phần dân oan, những cuộc đình công liên tục của công nhân tại các xí nghiệp liên doanh đòi cải thiện chế độ làm việc, những phản đối của tập thể sinh viên chống tăng học phí; những buổi cầu nguyện kéo dài nhiều tháng của hàng ngàn giáo dân đòi chế độ trả lại tài sản Giáo hội và nhất là sự lên tiếng của hàng trăm trí thức, văn nghệ sĩ chống lại quyết định thu hồi tập thơ của Nhà Thơ Trần Dần cũng như sự tự phát kêu gọi nhau biểu tình của sinh viên, trí thức chống Trung Quốc về việc cưỡng chiếm hai quần đảo Hoàng sa – Trường sa… đã là những biểu hiện của tình trạng bất phục tùng dân sự đang phát triển lớn trong xã hội Việt Nam hiện nay.

Nói tóm lại, đặc điểm cốt yếu của tình hình Việt Nam hiện nay là chính đảng Cộng sản Việt Nam đang mất dần sự kiểm soát trong xã hội vì sự đấu tranh liên tục của các lực lượng, cá nhân yêu chuộng tự do dân chủ và vì những biến thái đa dạng của chính sách “mở cửa kinh tế nhưng độc tài chính trị” đã khiến cho xã hội Việt Nam đang rơi vào tình trạng bất ổn với những nguy cơ khó lường.

Kế đến, thưa anh, những đặc điểm đáng nói của tình hình Việt Nam kể trên đã giúp cho công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ của dân tộc Việt Nam mở ra nhiều chỉ dấu thuận lợi.

Thứ nhất là những áp lực mạnh mẽ của quốc tế trên mặt nhân quyền và tự do dân chủ do các nỗ lực vận động của Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại trong nhiều năm qua, đã làm cho Cộng sản Việt Nam không thể tiếp tục khống chế xã hội như dưới thời toàn trị. Sự nới lỏng do những áp lực đấu tranh nói trên, đã phần nào giúp cho các nhà dân chủ, các nhân vật đối kháng – từ những đấu tranh đơn lẻ – tiến lên hình thức liên kết lại thành một lực lượng chung có tên là Khối 8406. Tuy những người trong Khối 8406 vẫn còn bị đàn áp, bị bắt cầm tù; nhưng đây chỉ là những khó khăn nhất thời của mọi phong trào đấu tranh trong giai đoạn thành lập. Sự xuất hiện công khai của Khối 8406 vào năm 2006 đồng nghĩa với việc phong trào dân chủ tại Việt Nam đã được tổ chức hóa, làm nền tảng cho sự quy tụ những tiếng nói đối lập với chế độ độc tài và nó chỉ có thể từng bước lớn mạnh chứ không còn lo sợ bị tiêu diệt.

Thứ hai là bên cạnh việc tổ chức hóa của phong trào dân chủ, những sự bất mãn của từng thành phần quần chúng cũng đã được chính họ liên kết nâng lên thành những tập hợp công khai đối đầu với những áp bức của chế độ. Như tập thể của những người dân oan khiếu kiện, tập thể của giới công nhân các hãng có vốn đầu tư nước ngoài, tập thể các tín đồ Công giáo tại Thái Hà, tại Hà Nội, Thái Bình, tập thể sinh viên các đại học ở Sài Gòn và Hà Nội. Trên bề mặt người ta chưa nhìn thấy những người đại diện chính thức của các tập hợp quần chúng này, nhưng qua các cuộc đấu tranh kéo dài liên tục nhiều ngày và trên nhiều bình diện, rõ ràng là các tập hợp này đang được điều hướng bởi những con người can đảm. Đây là thông lệ chung của sự ra đời những tập hợp quần chúng, khởi đi từ hình thái tự phát, rồi bước sang thế liên kết vì quyền lợi chung và sau cùng tiến đến sự xuất hiện những phong trào quần chúng đấu tranh ở vào giai đoạn chín mùi, đó là lúc chế độ cộng sản không còn có thể đối phó với sự bùng nổ của các bất ổn xã hội như đã phân tích ở trên.

Thứ ba là sự mở cửa hội nhập của Hà Nội hiện nay là một cơ hội tốt để cho Cộng đồng người Việt tại hải ngoại khai thác, hỗ trợ mạnh mẽ cho các biến chuyển đấu tranh trong nước. Sự hỗ trợ này không chỉ thuần tuý trên mặt vận động các áp lực quốc tế về dân chủ, nhân quyền như đề cập bên trên mà còn có thể làm nhiều việc: Một là yểm trợ tài chánh để giúp cho đồng bào dân oan, công nhân hay những nhà dân chủ có điều kiện sinh sống, thoát khỏi vòng cô lập kinh tế của chế độ. Đây là sự yểm trợ thiết thực và quan trọng nhất để bẻ gãy âm mưu cô lập của guồng máy bạo lực đối với những gia đình có người can đảm tham gia chống lại chế độ. Hai là trở về nước trực diện đấu tranh một cách công khai, ôn hòa và bất bạo động tại Việt Nam. Nỗ lực này sẽ không chỉ khuyến khích và chia xẻ sự đấu tranh của những người đối kháng tại Việt Nam mà còn đặt Cộng sản Việt Nam ở vào thế tiến thoái lưỡng nan khi bắt giữ những người có quốc tịch ngoại quốc không làm gì phi pháp tại Việt Nam. Khi có nhiều người từ hải ngoại về Việt Nam và sẵn sàng trực diện công khai với chế độ, việc này sẽ giúp tạo luồng sinh khí đấu tranh mới và tích cực ngay tại Việt Nam.

Sau cùng, bên cạnh những thuận lợi nói trên, cũng có một đôi điều bất thuận lợi cho công cuộc đấu tranh, trong đó phải nói là guồng máy bạo lực của chế độ còn quá mạnh và nhất là Hà Nội còn kiểm soát phương tiện vật chất khá dồi dào. Chính sự kiểm soát các tài nguyên quốc gia và toàn quyền đổi chác với các thế lực tài phiệt nên Cộng sản Việt Nam đã có thể ban phát bổng lộc hoặc mua chuộc các nhóm thế lực, giúp họ nuôi dưỡng bộ máy cầm quyền. Tuy nhiên điều này không mãi mãi bất biến. Nó sẽ thay đổi khi những áp lực đấu tranh quần chúng gia tăng, từng bước làm soi mòn guồng máy cai trị và tạo ra những bất ổn xã hội sẽ khiến cho Hà Nội không còn có thể kiểm soát tình hình, như đã từng diễn ra ở Đông Âu (1989), Serb (2000) và tại Georgia (2003) Ukrainer (2005).

VNN: Rất cảm ơn ông Tổng Bí Thư đã phân tích. Trong bối cảnh như vậy, đường hướng giải quyết vấn đề Việt Nam của Đảng Việt Tân hiện như thế nào, thưa ông?

Ông LÝ THÁI HÙNG : Thưa anh, tôi xin phép được nhắc lại một số chủ trương căn bản của đảng Viêt Tân trước khi đề cập đến một số hướng giải quyết vấn đề Việt Nam hiện nay.

Chủ trương căn bản của đảng Việt Tân là đấu tranh chấm dứt mọi ách độc tài bao gồm cả độc tài Cộng sản trên đất nước để xây dựng một nước Việt Nam tự do dân chủ và tiến bộ. Đường lối đấu tranh của đảng Việt Tân là tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện trên mọi lãnh vực để canh tân con người và canh tân đất nước, dựa trên nền tảng Dân Giàu Nước Mạnh mà cố Chủ tịch Hoàng Cơ Minh đã vạch ra từ năm 1982. Để thực hiện đường lối này, đảng Việt Tân dựa trên sức mạnh dân tộc làm căn bản, tức là khai dụng sức đấu tranh của mọi thành phần quần chúng ở trong và ngoài nước và áp dụng phương thức đối đầu công khai bất bạo động để trực diện với chế độ độc tài Cộng sản. Trên nền tảng đó, trong tình hình hiện nay, đảng Việt Tân đang tiến hành một số nỗ lực:

Một là hỗ trợ cho các nhà dân chủ, các nhân vật đối kháng có điều kiện đứng lên chống lại những chính sách cai trị gian ác của chế độ Hà Nội. Đồng thời tạo thế liên kết đấu tranh với mọi lực lượng, đảng phái, đoàn thể để góp phần xây dựng sức mạnh của phong trào dân chủ tại Việt Nam, từng bước tiến đến thế đấu tranh công khai và trực diện tại Việt Nam.

Hai là yểm trợ cho những nỗ lực đấu tranh của các thành phần quần chúng nhằm áp lực chế độ Hà Nội phải thực thi những yêu sách của công nhân, dân oan khiếu kiện, thanh niên sinh viên, văn nghệ sĩ…. từng bước làm soi mòn các ảnh hưởng của chế độ Hà Nội trong xã hội, đồng thời tạo dựng những tập hợp quần chúng phản kháng lại các chính sách cai trị độc đoán của Hà Nội. Sau chót của nỗ lực này là nhằm tiến tới việc hình thành một nền tảng của xã hội công dân để nghiêng cán cân quyền lực xã hội về phía quần chúng.

Ba là quảng bá phương thức đối đầu bất bạo động từ lý thuyết đến hành động, để giúp cho mọi người, mọi tổ chức nhìn ra nhu cầu chia xẻ những kinh nghiệm đấu tranh đã thành công của các cuộc cách mạng khác, và nhất là nhằm ứng dụng hiệu quả tại quốc nội để vừa bẻ gãy những thủ đoạn trấn áp của công an và bộ máy bạo lực của Cộng sản Việt Nam, vừa tạo được sức bật đấu tranh công khai của các lực lượng ngay tại Việt Nam.

Bốn là khai dụng sức mạnh đoàn kết và lòng yêu nước của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại, để một mặt vận động phương tiện yểm trợ trực tiếp cho các cuộc đấu tranh do thành phần dân oan, công nhân, sinh viên khởi xướng ngay tại Việt Nam. Mặt khác góp phần tranh thủ sự yểm trợ và hậu thuẫn của chính giới, các tổ chức quốc tế liên tục áp lực Cộng sản Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và chấm dứt các chính sách đàn áp, đối xử bất công tại Việt Nam.

Tất cả những nỗ lực nói trên, chủ yếu là nhằm soi mòn sự kiểm soát của Hà Nội lên trên mọi mặt của xã hội, từng bước làm nghiêng cán cân quyền lực về phía các lực lượng dân chủ và quần chúng đấu tranh, tạo điều kiện cho sự xuất hiện công khai của các lực lượng dân chủ làm bùng vỡ cuộc cách mạng dân chủ bằng hình thái đối đầu bất bạo động. Tiến trình này đang diễn ra với một thế trận rất năng động, trong đó sự xuất hiện đa dạng của nhiều lực lượng như Khối 8406, đảng Vì Dân, đảng Thăng Tiến, đảng Dân Chủ Nhân Dân, đảng Dân Chủ Việt Nam, Lực lượng Dân Chủ Nhân Quyền… là bước đột phá nhằm tiến đến việc hình thành một liên minh dân tộc, tạo những xoay chuyển tình hình trong thời gian trước mặt.

VNN: Rất cảm ơn ông Tổng Bí Thư. Ông vừa đề cập đến hình thái đối đầu Bất bạo động, xin ông có thể nói rõ thêm hình thái đối đầu nầy như thế nào và có thực sự thích ứng với tình hình Việt Nam như ông vừa trình bày không? Tại sao?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Đối kháng lại những hành vi đàn áp bạo lực, thủ tiêu và khủng bố của thiểu số lãnh đạo độc tài, người ta thường nghĩ là chỉ có bạo lực mới có thể chấm dứt một chế độ độc tài. Nhưng trong thực tế, những cuộc bạo loạn dễ châm ngòi cho những trấn áp tàn bạo của kẻ độc tài, để lại những hậu quả to lớn cho người dân vì đã chọn cách đấu tranh mà những kẻ đàn áp hầu như luôn luôn chiếm ưu thế, với đầy đủ trang bị để đánh phủ đầu bằng bạo lực. Do đó, đối kháng bằng vũ lực không những không đánh đúng vào yếu điểm của chế độ độc tài mà còn đánh vào chỗ mạnh nhất của họ, khiến người dân dù có can đảm đến đâu, chỉ làm tăng khổ đau và chết chóc do những đợt trả thù tàn bạo của thiểu số độc tài.

Trong tương quan đối kháng, thiểu số độc tài rất sợ những phản kháng tập thể – không phải bằng vũ lực – mà bằng những thái độ bất hợp tác và bất tuân phục một cách tiệm tiến của quần chúng. Nghĩa là thay vì dùng súng đạn, dao búa – tạo lý cớ cho kẻ độc tài đàn áp, người dân sẽ dùng các hình thức biểu tình, đình công, lãng công, bãi thị, cầu nguyện tập thể, vận động chữ ký, tẩy chay…. để tạo áp lực cụ thể, lẫn tinh thần và tâm lý lên chế độ, nhất là gây ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan khiến chế độ độc tài không đối phó cũng không ổn, mà đối phó cũng không xong. Người ta gọi đây là hình thức phản kháng chính trị tập thể trong khuôn khổ đối đầu bất bạo động. Đối đầu bất bạo động là cuộc đấu tranh của người dân, do dân và vì dân:

Của người dân là vì những phương thức như biểu tình, đình công, cầu nguyện tập thể… là vũ khí đấu tranh căn bản do chính người dân xử dụng để bày tỏ thái độ bất phục tùng, bất hợp tác của họ đối với những hành xử vô lối của chế độ độc tài.

Do người dân là vì những nỗ lực tranh đấu không thể do những áp đặt từ một cá nhân hay một nhóm người nào mà phải xuất phát từ những ước muốn thay đổi, những khát vọng được sống một cuộc đời tự do, dân chủ trong xã hội công bằng và công lý của chính mỗi người dân, gom lại thành một sức mạnh tổng hợp.

Vì người dân là bởi những nỗ lực tranh đấu không nhằm phục hồi một chế độ hay một chính thể nào mà là để chính người dân – bằng lá phiếu của mình – chọn lựa một thể chế mới, một chính quyền mới nhằm xây dựng một trật tự mới, phục vụ hiệu quả cho những nguyện vọng của chính người dân.

Khi cuộc đấu tranh dựa trên ý chí của người dân, tất nhiên đây là cuộc chiến đấu có chính nghĩa. Nhờ có chính nghĩa nên mới huy động được nhiều người tham gia, tạo thành một cuộc đối kháng của số đông. Vì thế, yếu tố đầu tiên và then chốt nhất của phương thức đối đầu bất bạo động là phải có sự tham dự của số đông. Số đông là sức mạnh then chốt không những cần thiết cho giai đoạn làm tê liệt khả năng trấn áp của guồng máy bạo lực độc tài mà còn rất quan trọng trong giai đoạn bảo vệ những thành quả mà quần chúng đã đạt được để không rơi vào tay một nhóm độc tài nào khác.

Đương nhiên, khởi đầu của mọi cuộc đối kháng đều do một thiểu số can đảm xướng xuất; nhưng sau đó, nếu không thu hút được sự đồng lòng ủng hộ của nhiều người và không lôi cuốn được sự hăng hái tham gia của số đông thì cuộc đối kháng trước sau gì cũng tàn lụi. Ngược lại, khi người dân bất chấp những đàn áp, tích cực vận động nhau tham gia các cuộc phản đối ôn hòa và công khai để đẩy chế độ độc tài rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan kéo dài – thoạt đầu các chỉ dấu về kết quả không rõ ràng và chắc chắn – nhưng sau đó, sự soi mòn quyền lực của chế độ độc tài sẽ hiện rõ. Theo thời gian, sự tê liệt của bộ máy bạo lực sẽ gia tăng theo mức độ nhập cuộc ngày một đông đảo của quần chúng xuyên qua các cuộc biểu tình, đình công, lãng công…. diễn ra ngay trên các đường phố. Để đạt được sự tham gia của số đông, yếu tố công khai đấu tranh và khai dụng sức mạnh của truyền thông rất quan trọng; chúng ta may mắn sống trong thời đại Internet cùng những phương tiện truyền thông hiện đại khác mà người dân có thể khai thác để phá vỡ sự bưng bít thông tin của chế độ độc tài và tạo thế liên kết đấu tranh với nhau.

Thế trận này rất phù hợp với tình hình Việt Nam hiện nay, và phương thức đối đầu bất bạo động đã và đang được các nhà dân chủ và các lực lượng đối kháng áp dụng rất linh hoạt qua những cuộc đấu tranh tại Tòa Khâm Sứ ở Hà Nội, tại cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng sa – Trường sa của thanh niên sinh viên ở trong nước… Chúng tôi tin tưởng rằng, nếu nắm vững nguyên tắc đối đấu bất bạo động mà Thánh Gandhi, Mục sư Martin Luther King Jr., ông Lech Walesa… đã từng áp dụng để chống lại các chế độ độc tài, dân tộc chúng ta sẽ thành công trong nỗ lực chấm dứt độc tài và xây dựng dân chủ tại Việt Nam.

VNN: Kính thưa ông Tổng Bí Thư, thế giới vừa chứng kiến sự thất bại của cuộc đối đầu Bất bạo động của nhân dân và các nhà Sư Miến Điện trước bạo lực độc tài của quân phiệt Miến. Ông Tổng Bí Thư có lo ngại điều đó cũng sẽ xảy ra tại Việt Nam không? Tại sao?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Tôi không cho rằng cuộc đối đầu bất bạo động vào giữa tháng 8 năm 2007 của hàng chục ngàn nhà sư và thanh niên sinh viên Miến Điện là một sự thất bại. Mặc dù cuộc nổi dậy này chưa đẩy sập ách độc tài quân phiệt tại Miến như dư luận mong đợi; nhưng nhìn vào sự đối kháng này, chúng ta có thể rút ra hai nhận định:

Một là lần này, quân phiệt Miến đã không dám ra lệnh bắn vào đoàn biểu tình, giống như cuộc tàn sát dã man gần 4,000 sinh viên và người dân Miến trong cuộc nổi dậy chống tham ô và đòi dân chủ cũng vào tháng 8 năm 1988, cách nay 20 năm. Không phải quân phiệt Miến đổi lòng từ bi và thương dân mà là vì những áp lực của dư luận và sự cảnh báo liên tục của các chính giới và các cơ quan quốc tế, khiến cho quân phiệt Miến lo ngại bị cô lập nên không dám ra tay đàn áp mạnh.

Hai là do những áp lực quốc tế, quân phiệt Miến đã phải mở các cuộc đối thoại với bà Aung San Sue Kye, lãnh đạo phong trào dân chủ Miến đang bị quản thúc tại gia, đồng thời tu chính hiến pháp theo chiều hướng xúc tiến những thay đổi chính trị dân chủ. Tuy nội dung bản hiến pháp mới vẫn còn dành những ưu quyền cho giới quân phiệt, nhưng rõ ràng là lãnh đạo Miến không thể tiếp tục cố thủ trong lô cốt độc tài như trước đây.

Cuộc đấu tranh của lực lượng dân chủ Miến – tuy đã tạo được nhiều cuộc nổi dậy với số đông quần chúng tham gia và được thế giới ủng hộ mạnh mẽ – nhưng phải nói là tiềm lực của phong trào dân chủ Miến chưa được tổ chức chặt chẽ trong quần chúng, chỉ tập trung trong một số thành phần sinh viên, trí thức và giới Tăng Ni, trong khi khối quần chúng nông dân và công nhân chưa được tác động, nên đã chưa thể đẩy lên thành một cuộc đấu tranh toàn diện. Cuộc cách mạng nào cũng cần có thời gian tổ chức lực lượng và nhất là phải huy động được sự tham gia của mọi thành phần quần chúng. Phong trào dân chủ Miến vừa mới chớm nở vào năm 1988 kéo dài đến năm 1990 thì bị đàn áp gay gắt, các nhân vật lãnh đạo phong trào bị trù dập, bị khống chế trong suốt thời gian qua nên cần một thời gian nữa để chuẩn bị lực lượng.

Đối với trường hợp Việt Nam, các lực lượng dân chủ sẽ không để cho Cộng sản Việt Nam sử dụng bạo lực trấn áp như quân phiệt Miến đã làm vì hai lý do: 1/Những cuộc đấu tranh sẽ không tạo lý cớ cho Hà Nội xử dụng bạo lực đàn áp mà phải đẩy chế độ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong việc giải quyết các yêu sách của quần chúng. 2/Khả năng cô lập Hà Nội trên trường quốc tế của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ đặt Cộng sản Việt Nam vào thế phải chùn tay khi sử dụng bạo lực đối với phong trào dân chủ tại quốc nội. Nói cách khác, để ngăn chận các cuộc đàn áp bạo lực của một chế độ độc tài, việc đấu tranh đẩy chế độ vào thế tiến thoái lưỡng nan trong cách giải quyết các đòi hỏi của quần chúng và sự phản công mạnh mẽ của cộng đồng người Việt hải ngoại là hai thế trận quan trọng mà chúng ta phải khai dụng, rút từ những kinh nghiệm của quá khứ.

VNN: Kính thưa ông Tổng Bí Thư, điều không thể chối cãi là chiều hướng chung của thế giới hiện nay là tiến tới dân chủ; CSVN đã hội nhập vào cộng đồng quốc tế trên nhiều lãnh vực kể cả làm thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc… Như vậy chúng ta có thể chờ đợi và tin rằng chế độ CSVN không thể lội ngược giòng tiến của thế giới để tiếp tục độc tài mãi được, và chỉ trong vòng một thờigian trước mặt,cục diện tại Việt Nam sẽ thay đổi mà không cần đến sự nổi dậy của quần chúng?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Quả thật là trong mấy thập niên vừa qua, trên khắp thế giới đã phát sinh xu thế dân chủ hóa và phát triển các quyền tự do ngày một rộng lớn hơn. Nhưng xu thế này chỉ phát triển tại những quốc gia mà người dân có sự đề kháng mạnh mẽ thì mới đẩy sập được ách độc tài. Bởi vì, những chế độ độc tài Cộng sản hay độc tài quân phiệt – tuy phải tung ra một loạt những biện pháp cải cách do những sức ép từ bên trong lẫn bên ngoài – nhưng về căn bản, giới lãnh đạo vẫn tìm mọi cách duy trì sự độc quyền chính trị vào tay một thiểu số. Do đó, mặc dù Cộng sản Việt Nam đang mở rộng sự hội nhập toàn cầu, tham gia vào nhiều diễn đàn quốc tế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ quyền lực độc tôn mà trái lại họ vẫn cố bám víu và duy trì sự độc quyền được ngày nào hay ngày đó. Với bản chất của các chế độ độc tài như vậy, chúng ta không thể nào ngồi chờ đợi lãnh đạo Cộng sản Việt Nam tự thay đổi hay từ bỏ quyền lực để cho người dân Việt Nam có tự do dân chủ.

Nói cách khác, chỉ có con đường đấu tranh một cách dứt khoát và triệt để ngay tại quốc nội thì mới tạo được những thay đổi tại Việt Nam. So với thời gian trước đây, hiện nay do xu thế dân chủ hóa toàn cầu cùng với những áp lực phải thay đổi của các đối tác kinh tế, đảng Cộng sản Việt Nam khó có thể đi ngược lại thời toàn trị và phải nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Đây là lúc mà các lực lượng đấu tranh cần khai thác để đẩy mạnh mặt trận dân sinh và dân quyền, nhằm dấy lên những phong trào quần chúng đối kháng trên mọi lãnh vực, đẩy chế độ Hà Nội vào thế lúng túng đối phó và mất quyền theo một chuỗi những biến động như đã xảy ra tại các quốc gia Cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 80 của thế kỷ 20.

VNN: Chúng tôi rất đồng ý là phải gia tăng tối đa hoạt động ngay trong quốc nội để cùng toàn dân đấu tranh, nhưng trong thời gian vừa qua, nhiều Đảng viên Việt Tân từ hải ngoại về nước đã bị CSVN phát giác, bắt giữ rồi phóng thích một số. Điều này đã ảnh hưởng như thế nào đối với phương pháp đấu tranh hiện nay của Việt Tân? Ông nhận định như thế nào về cách ứng xử của CSVN trong sự kiện này?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Sự kiện một số đảng viên Việt Tân hoạt động tại Việt Nam bị Hà Nội bắt giữ không phải là điều gì mới. Anh chị em đảng viên Việt Tân chúng tôi đã hoạt động tại quốc nội từ hơn hai thập niên qua, trong đó cũng có những người đã hy sinh, có những người còn đang bị giam giữ và cũng có những người đang tiếp tục hoạt động. Chúng tôi coi việc anh chị em ở hải ngoại về nước hoạt động cùng với các cơ sở tại quốc nội là một nhu cầu chung của công cuộc đấu tranh. Do đó, việc Hà Nội bắt giữ một số đảng viên Việt Tân không ảnh hưởng gì đối với phương pháp đấu tranh hiện nay, mà ngược lại chính sự bắt giữ đó, đối với những hoạt động mang tính chất công khai và bất bạo động của đảng viên Việt Tân, đã cho thế giới nhìn thấy bản chất thô bạo và độc tài của Hà Nội.

Ngoài ra, Cộng sản Việt Nam còn tìm mọi cách gán ghép những hoạt động của đảng viên Việt Tân là khủng bố, nhưng đều thất bại. Họ còn trâng tráo ngụy tạo một số sự kiện như việc bỏ khẩu súng lục vào hành lý của hai ông bà Lê Văn Phan tại phi cảng Tân Sơn Nhất, và ép buộc hai người này phải khai rằng do đảng viên Việt Tân ở hải ngoại nhờ mang về nước, để qua đó chứng minh rằng Việt Tân là khủng bố. Tuy nhiên, những sự dàn dựng của công an Cộng sản Việt Nam đã bị dư luận lột mặt nạ là giả dối. Chính giới của một số quốc gia đã lên án sự ngụy tạo giả dối này, đồng thời đòi Cộng sản Việt Nam đưa ra bằng chứng về những cáo cuộc đảng Việt Tân là khủng bố nhưng Hà Nội đã im lặng và lặng lẽ thả một số người.

Cách ứng xử của Cộng sản Việt Nam đối với sự kiện các đảng viên Việt Tân bị bắt cho thấy là họ rất vụng về, ấu trĩ và phản tác dụng. Họ đã tung ra khoảng 100 bài báo và chương trình phát thanh lập đi lập lại chỉ để gán ghép hai chữ khủng bố cho đảng Việt Tân. Tuy nhiên, những gán ghép của Hà Nội đối với đảng Việt Tân đã có tác dụng ngược, hầu hết dư luận rất quan tâm và đồng tình với các nỗ lực đấu tranh của đảng Việt Tân. Nhiều đồng bào trong nước đã viết thư thăm hỏi và sẵn sàng trở thành những cộng tác viên của đảng Việt Tân. Nói tóm lại, những bài báo tấn công một số đảng viên Việt Tân là khủng bố đã vô hình chung làm lộ rõ não trạng xơ cứng của bộ máy công an Cộng sản Việt Nam và vì thế không còn ai tin vào các điều vu khống của chế độ.

VNN: Rất cảm ơn ông Tổng Bí Thư. Trong thời gian gần đây, đảng Việt Tân đã có những nỗ lực vận động ngoại vận rất đáng kể, đặc biệt tại Hoa Kỳ với những cuộc tiếp xúc và thảo luận với Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ về tình hình Việt Nam. Kính thưa ông, những nỗ lực vận động hỗ trợ của quốc tế như vậy có gì mâu thuẫn với chủ trương căn bản từ trước tới nay của Việt Tân là lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản? Và ông lượng giá như thế nào về những hỗ trợ nầy của Hoa Kỳ cũng như của thế giới cho tiến trình Dân Chủ hóa Việt Nam hiện nay?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Trong công cuộc đấu tranh ngày hôm nay, ngoài nỗ lực vận động sức mạnh đấu tranh của mọi thành phần quần chúng ở trong và ngoài nước, chúng ta còn có nhu cầu tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế, vì sự tự do dân chủ và ổn định của xã hội Việt Nam có liên hệ mật thiết với các bước phát triển của thế giới ngày nay. Do đó, những nỗ lực vận động sự hỗ trợ của thế giới đối với công cuộc đấu tranh, nhất là sự lên tiếng của chính giới, các tổ chức quốc tế áp lực Cộng sản Việt Nam chấm dứt các hành động đàn áp những nhà dân chủ tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng. Đặc biệt là trong bối cảnh mà Hà Nội đang cố đẩy mạnh sự hội nhập toàn cầu, mở rộng quan hệ với cộng đồng thế giới, đảng Việt Tân coi việc tranh thủ sự hậu thuẫn quốc tế vào các hoạt động đấu tranh tại Việt Nam là hướng chiến lược quan trọng.

Sau năm 1975, người tỵ nạn Cộng sản Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia. Tùy theo sự lớn nhỏ và nỗ lực ngoại vận của từng cộng đồng mà các quốc gia liên hệ đã có những quan tâm vào vấn đề Việt Nam khác nhau. Trong ý nghĩa đó, những chính sách đối ngoại đối với Cộng sản Việt Nam của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Úc Châu, Gia Nã Đại và cộng đồng chung Âu Châu đều có sự tham khảo ý kiến ít nhiều của Cộng đồng người Việt tỵ nạn. Đây là một thành quả rất đáng kể, vì nhờ đó mà các quốc gia này đã luôn luôn đặt những áp lực về nhân quyền, tự do dân chủ lên chế độ Hà Nội trong các quan hệ. Sự kiện Quốc hội Hoa Kỳ mở các cuộc điều trần về nhân quyền và thông qua Dư luật Nhân Quyền cho Việt Nam (tại Hạ Viện), các chính giới Úc Châu, Gia Nã Đại, Âu Châu lên tiếng áp lực chế độ Hà Nội phải chấm dứt tình trạng sách nhiễu, khủng bố đối với các nhà đối kháng, các vị lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam trong nhiều năm qua, đã phần nào giải tỏa sức ép của chế độ lên các tổ chức đấu tranh tại quốc nội, giúp cho tiến trình đấu tranh cho công cuộc dân chủ hóa tại Việt Nam được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn.

VNN: Kính thưa ông Tổng Bí Thư, CSVN nay đã trở thành hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Theo ông, điều đó ảnh hưởng ra sao trong nỗ lực vận động áp lực quốc tế lên chế độ CSVN của các lực lượng Dân Chủ Việt Nam?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Trong vai trò là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Cộng sản Việt Nam phải quan tâm vào việc theo dõi, ngăn chận và giải quyết những cuộc đàn áp bằng bạo lực, xúc phạm nhân phẩm đối với người dân trong các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam sẽ phải tuân thủ một số nguyên tắc sinh hoạt căn bản của cơ chế quốc tế này. Cụ thể như: Tuân thủ những luật lệ đã quy định cho cách ứng xử của mỗi thành viên trong thế giới văn minh chứ không thể tự tung tự tác. Những chức năng nói trên buộc Cộng sản Việt Nam phải hành xử cẩn thận và dè dặt trong mọi trường hợp. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể lên tiếng đặt vấn đề với Hội Đồng Bảo An Liên Hiêp Quốc nhằm tố cáo những sách nhiễu, đàn áp của chế độ Hà Nội đối với những người cổ xúy dân chủ tại Việt Nam.

VNN: Kính thưa ông Tổng Bí Thư, Đảng Việt Tân nhận định như thế nào về những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc gần đây của giới trẻ cùng văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam trong nước ngay sau biến cố Tam Sa? Những cuộc đàn áp của CSVN trong vấn đề này phản ảnh những đặc tính nào của chế độ?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Sự kiện nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam ngăn chận, đàn áp và sách nhiễu những sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ và đồng bào đã tham gia vào các cuộc biểu tình tự phát chống Trung Quốc vào ngày 9 và 16 tháng 12 năm ngoái là một phản ứng nói lên sự ươn hèn và tồi bại của lãnh đạo Việt Nam. Mặc dù Cộng sản Việt Nam đã mở rộng cửa hội nhập thế giới, gia nhập WTO, khối APEC và là thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (2008-2009)… nhưng họ đã không dám đứng thẳng người mà luôn luôn núp bóng Bắc Kinh và rất sợ làm phật lòng đàn anh Phương Bắc. Xét về mặt tiềm năng và sức đề kháng của dân tộc Việt Nam qua mỗi thời đại, người Việt Nam đã từng chứng minh khả năng bảo vệ và duy trì nền độc lập quốc gia; nhưng khi lãnh đạo quá tồi, quá ươn hèn như hiện nay, Việt Nam đã mất dần biên giới, lãnh hải và hải đảo vào tay Trung Quốc. Trong quan hệ quốc tế, khi lãnh hải và lãnh thổ bị xâm phạm chính là lúc chính quyền phải biết khai dụng lòng yêu nước của người dân để biểu dương khát vọng độc lập và nhấn mạnh rõ mối tương quan bất khả xâm phạm giữa hai nước. Cộng sản Việt Nam đã không làm được như vậy mà còn cố tình ra tay đàn áp khi người dân tự phát đứng lên chống lại các hành động xâm lược của Bắc Kinh.

Mới đây, để chuẩn bị vụ rước đuốc của Trung Quốc đến thành phố Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4, Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho bộ máy công an phải ngăn chận mọi cuộc chống đối của quần chúng, để tổ chức cuộc rước đuốc “thành công” hầu làm hài lòng Bắc Kinh. Công an đã tung chiến dịch ruồng bố những sinh viên, trí thức đã từng tham dự các cuộc biểu tình đòi Hoàng Sa – Trường Sa vào năm ngoái, ép buộc rất nhiều người trong Câu Lạc Bộ Những Nhà Báo Tự Do phải rời thành phố Sài Gòn trong ngày 29 tháng 4 để không tham dự được các cuộc biểu tình chống rước đuốc. Thậm chí, công an Cộng sản Việt Nam còn dàn dựng ra những màn khủng bố rẻ tiền như tố cáo Blogger Điếu Cày, tức nhà báo Nguyễn Hoàng Hải, là gian lận trốn thuế để tìm cách bắt giữ và ngăn chận không cho ông đứng ra vận động tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc. Cách hành xử của Cộng sản Việt Nam cho thấy là họ đã coi trọng đàn anh Phương Bắc hơn cả nguyện vọng của dân tộc, và sẵn sàng chọn thế đối chọi với người dân để bảo vệ quyền lợi của Bắc Kinh. Qua biến cố Hoàng sa và Trường sa lãnh đạo Hà Nội càng lộ rõ bản chất của một tập đoàn bất xứng và đang bị quốc dân lên án, hài tội.

VNN: Xin ông Tổng Bí Thư một câu hỏi cuối: Đảng Việt Tân nhận định như thế nào về công cuộc đấu tranh cho Dân Chủ Việt Nam trong tương lai sắp tới? và Đảng Việt Tân sẽ góp phần mình vào công cuộc này như thế nào?

Ông LÝ THÁI HÙNG: Thưa anh, trả lời câu hỏi của anh về tương lai của công cuộc đấu tranh như thế nào quả là một điều không đơn giản trong khuôn khổ của một bài phỏng vấn ngắn. Bởi vì đây là câu hỏi liên quan đến toàn bộ những sách lược và chiến lược đấu tranh của lực lượng dân chủ trong thời gian trước mặt. Tuy nhiên, tôi xin phép ngắn gọn chia xẻ một vài nhận định như sau:

Một, so với nhiều năm trước đây, Cộng sản Việt Nam đã suy yếu đi rất nhiều. Sự suy yếu quan trọng nhất là nội bộ đảng không còn là một khối thuần nhất và lãnh đạo thì chia thành nhiều nhóm, trở thành một tập đoàn ’dựa vào nhau để tồn tại, dè chừng nhau để thủ thân, tranh chấp nhau để thủ lợi. Chất keo nối kết giữa họ với nhau không còn là chủ thuyết Mác Lê mà là đồng đô la xanh. Chính yếu tố này đã và đang làm nảy sinh những xung đột, những phân hóa và từng bước làm soi mòn quyền lực của đảng Cộng sản Việt Nam.

Hai, do nhu cầu hội nhập toàn cầu, Cộng sản Việt Nam đang bị kéo về phía xã hội văn minh, nên đã không còn có thể tự tung tự tác như dưới thời toàn trị. Đặc biệt, những ứng xử của Hà Nội trên hai lãnh vực nhân quyền và chính trị hiện nay và trong giai đoạn tới đều bị dư luận thế giới chú ý và có thể bị những biện pháp chế tài. Những ràng buộc nói trên đã phần nào làm cho Hà Nội phải dè chừng trong việc tung ra những biện pháp đàn áp đối với các lực lượng dân chủ ở trong nước.

Ba, người dân đã không còn quá sợ sệt đối với guồng máy bạo lực. Từ chỗ e dè, thủ phận trước các thái độ hống hách của công an và cán bộ nhà nước, người dân đã bắt đầu liên kết thành những tập thể nhỏ, đặt vấn đề với các cơ quan nhà nước để tạo áp lực giải quyết. Cộng sản Việt Nam hiện đang phải đối đầu với rất nhiều sự lên tiếng phản kháng của những tập hợp quần chúng có sức đề kháng mạnh như dân oan, công nhân, các giáo dân Thiên Chúa giáo, các tín đồ Phật giáo, các tín hữu Tin Lành, các đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo và tập thế sinh viên. Khi người dân từng bước thoát khỏi sự sợ hãi và biết liên kết đấu tranh chung, họ sẽ trở thành một lực lượng đối kháng vũ bão đẩy sập chế độ độc tài.

Bốn, mặc dù chưa có điều kiện công khai hoạt động nhưng sự xuất hiện của một số lực lượng chính trị ngay tại Việt Nam cùng với sự quan tâm theo dõi và hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong thời gian qua, sớm muộn gì những lực lượng này sẽ tiến đến việc liên kết thành một tập hợp chung để điều hướng những phản kháng của các thành phần quần chúng bùng nổ thành một phong trào dân chủ rộng lớn. Đây là một diễn trình tất yếu, rút tỉa từ các cuộc cách mạng dân chủ đã từng xảy ra tại Đông Âu, Serb. Đương nhiên, trở ngại lớn lao nhất cho sự phát triển các lực lượng đấu tranh trong thời kỳ phôi thai là tình trạng trấn áp gay gắt của công an, mật vụ. Chỉ có phương thức đối đầu bất bạo động mới có thể chế ngự những đòn trấn áp của công an trong lâu dài. Hiện nay, đa số các nhà đối kháng tại Việt Nam đã và đang ứng dụng phương thức này nên chúng ta có quyền tin tưởng rằng bạo lực sẽ không bao giờ khuất phục được ý chí và khát vọng dân chủ hóa của những người đang đấu tranh hiện nay tại Việt Nam

Với một số những nhận định tổng quát nói trên, chúng tôi thiết nghĩ là đảng Việt Tân đã và đang đóng góp tích cực vào tiến trình dân chủ hóa tại Việt Nam, qua những kế hoạch công tác đã trình bày bên trên. Chúng tôi nghĩ rằng, công cuộc giải phóng Việt Nam thoát khỏi ách độc tài Cộng sản Việt Nam không là nhiệm vụ của riêng ai hay của một tổ chức nào mà phải là sự chung đầu tính kế của mọi người, mọi tổ chức biết đặt quyền lợi quốc gia lên trên quyền lợi của phe nhóm, và biết chấp nhận sự khác biệt. Trong tinh thần đó, và qua cuộc trao đổi này, chúng tôi mong mỏi mọi người, mọi tổ chức cần nhìn rõ rằng Cộng sản Việt Nam không còn mạnh như xưa và đang phải tìm cách thay đổi để sống còn. Đây là lúc mà người Việt yêu chuộng tự do và dân chủ cần gạt bỏ những khác biệt, những nghi ngờ, những đố kỵ, những tỵ hiềm cá nhân để cùng nhìn vào một mục tiêu lớn: Đó là làm sao cùng nhau dấy lên một phong trào dân chủ rộng lớn tại Việt Nam trong thời gian trước mặt để đẩy sập ách độc tài Cộng sản Việt Nam trước khi chúng ta cùng với nhân loại bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21. Xin cảm ơn anh Võ Triều Sơn và Ban Biên Tập VNN đã dành cho tôi cuộc trao đổi đầy ý nghĩa này.

Võ Triều Sơn: Đại diện cho thông tấn VNN, tôi xin rất cảm ơn ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân đã dành nhiều suy nghĩ và thì giờ quý báu để chia sẻ cùng Quý độc giả của VNN nhiều vấn đề quan trọng của đất nước trong bài phỏng vấn này. Kính chúc ông Tổng Bí Thư cùng Quý vị trong Ban Lãnh Đạo Đảng Việt Tân được dồi dào sức khoẻ và đạt nhiều thành công trong nỗ lực đấu tranh chung.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Lãnh đạo Hoa Kỳ (giữa), Nhật Bản (phải) và Philippines họp thượng đỉnh tại Washington DC hôm 11/4/2024. Ảnh: Reuters

Thế trận an ninh mới ở Á châu: Việt Nam có thể bình thản được bao lâu?

Cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Mỹ – Nhật Philippines hôm 11/4/2024 được nhận định đã truyền đi nhiều tín hiệu về một thế trận mới ở Châu Á nói chung và Biển Đông nói riêng. Tổng thống Philippines Marcos nói “nó sẽ thay đổi cục diện trong khu vực, ở xung quanh Biển Đông, ở ASEAN, ở châu Á.”

… Ba nước tuyên bố bảo vệ các nguyên tắc của Luật biển Quốc tế đối với Biển Đông, lên án các hành động hung hăng của Trung Quốc đối với Philippines tại bãi Cỏ Mây hơn một năm qua. 

Tổng Thống Joe Biden (giữa) đón ông Fumio Kishida (phải), thủ tướng Nhật, và ông Ferdinand Marcos Jr, tổng thống Philippines, tại Toà Bạch Ốc, 12/4/2024. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/AFP via Getty Images

Biden nỗ lực tăng cường liên minh Mỹ-Nhật-Philippines chống Trung Quốc

Hội nghị thượng đỉnh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc, nhấn mạnh rằng hành động của Bắc Kinh bị xem là “sự đe dọa an ninh” và xem Trung Quốc là “kẻ ngoài lề trong khu vực.”

Các nhà lãnh đạo đồng minh nhấn mạnh cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông và tuyên bố tuần tra chung ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, thể hiện mặt trận thống nhất chống lại hành vi hung hãn của Trung Quốc.

Máy gặt lúa và đập lúa luôn. Tuy không hiện đại như bên Nhật hay các nước Âu châu, nhưng nó làm được việc và giảm gánh nặng cho nông dân. Trong tương lai thì chắc sẽ hoàn thiện hơn và những cái máy này sẽ có thương hiệu. Ảnh: FB Nguyễn Tuấn

Cơ giới hoá nông nghiệp… chậm còn hơn không*

Nhưng chậm còn hơn không. Tôi nghĩ nông dân Việt Nam rất sáng tạo và nếu môi trường thuận lợi, họ chẳng thua kém bất cứ ai. Bằng chứng là trong thời gian qua, quá trình cơ giới hoá đều do nông dân thực hiện, chứ không phải do các vị “sư sĩ” làm. Nông dân sáng chế ra máy móc và ứng dụng ngay trên những cánh đồng họ canh tác, chứ chẳng nhờ vào ‘đề tài cấp quốc gia’ nào.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 11/4/2024. Ảnh: AFP

Marcos nói thỏa thuận ba bên Mỹ-Nhật-Philippines sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông

“Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên này cực kỳ quan trọng,” ông Marcos nói trong cuộc họp báo ở Washington một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước.

“Nó sẽ thay đổi thế cục mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN ở châu Á, quanh Biển Đông,” ông Marcos nói, nhắc đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.