Scandal nước sạch: Giọt cuối làm tràn ly… ‘ổn định’?

Chất lượng không khí tồi tệ và nguồn nước sinh hoạt nhiễm bẩn tạo bất an lớn trong dân chúng, nhất là tại vùng thủ đô Hà Nội.
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Scandal về nước sạch ở Hà Nội chưa kết thúc và tiếp tục góp thêm một ví dụ minh họa cho não trạng, lối hành xử của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.

***

Tin mới nhất liên quan đến vụ nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của dân chúng khu vực Tây Nam Hà Nội bị nhiễm dầu là Viwasupco (Công ty Đầu tư nước sạch Sông Đà) đã hoạt động trở lại vào đêm 16, rạng sáng 17 tháng 10, sau khi tạm ngưng hoạt động từ sáng 15 đến đêm 16 tháng 10.

Có một điểm cần chú ý: Viwasupco tái vận hành hệ thống cấp nước không phải vì nước đã sạch mà là thực hiện “chỉ đạo” của chính quyền thành phố Hà Nội. Tại sao chính quyền thành phố Hà Nội “chỉ đạo” như thế khi vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm, xác định nước do Viwasupco cung cấp đã sạch hay chưa (1)?

Nếu xem xét toàn bộ diễn biến của các scandal liên quan tới môi trường và dân sinh đã cũng như đang diễn ra tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, chỉ có một câu trả lời: Đó là chính quyền thành phố Hà Nội nói riêng và hệ thống công quyền Việt Nam nói chung vẫn xem duy trì sự “ổn định” là quan trọng nhất!

Bởi “ổn định” là quan trọng nhất nên trong scandal về nước sạch ở Hà Nội, không chỉ Viwasupco mà chính quyền thành phố Hà Nội (nơi có trách nhiệm giám sát cả hoạt động cung cấp nước lẫn chất lượng nước) cũng lờ đi yếu tố nguồn nước mà nhiều triệu người dùng trong ăn, uống bị nhiễm dầu. Chỉ đến khi khủng hoảng bùng lên, lan rộng, Viwasupco mới xác nhận nguyên nhân, chính quyền thành phố Hà Nội mới chính thức khuyến cáo không nên dùng nước do Viwasupco cung cấp để ăn, uống (2).

Trong vòng sáu tuần vừa qua, ít nhất đã có ba lần, chính quyền thành phố Hà Nội đặt “ổn định” lên trên sức khỏe, tính mạng của dân chúng. Trước scandal nước sạch nhiễm dầu là scandal không khí ô nhiễm đến mức nguy hiểm, scandal môi trường sống quanh Nhà máy Rạng Đông nhiễm thủy ngân sau khi nhà máy này bị cháy.

***

Xét về ngữ nghĩa, “ổn định” là yếu tố hết sức quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay, trong quản trị – điều hành, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền Việt Nam từ trên xuống dưới đã biến “ổn định” trở thành đồng nghĩa với bưng bít thông tin, né tránh trách nhiệm để giúp những cá nhân tuy hữu trách nhưng bất nhân, bất nghĩa, bất trí giữ chặt quyền lực và lợi ích. “Ổn định” trở thành lý do để thẳng tay đàn áp những người dám nêu thắc mắc, dám chất vấn, đòi bảo vệ các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của họ.

Không may là vẫn còn không ít người Việt tán thành cả quan niệm lẫn cách thức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam gìn giữ, duy trì cái gọi là sự… “ổn định”. Một nhóm đông hơn tuy nhận ra sự giả tạo của cái gọi là sự… “ổn định” ấy nhưng lại lấy số phận của những cá nhân bị đàn áp vì phản kháng để tự… răn mình im lặng cho… lành!

Đó là lý do những phản ứng đối với các biến cố nghiêm trọng, chỉ ra tai họa đã đến trước cửa, xâm hại cả hiện tại lẫn tương lai như biến cố Formosa xả nước thải, hủy diệt vùng biển ven bờ bốn tỉnh phía Bắc miền Trung cách nay ba năm, vẫn không tạo ra bất kỳ chuyển biến tích cực nào đối với môi sinh, môi trường sống của người Việt. Đó là lý do càng ngày, sức khỏe, tính mạng của người Việt càng trở thành mong manh trước đủ loại ô nhiễm: Không khí, đất, nước, thực phẩm,…

Bất kể thế nào, chấp nhận hay không thì sự “ổn định” giả tạo vẫn tiếp tục biến nhiều triệu người thành nạn nhân, kể cả những người mà sự nghiệp gắn chặt với “ổn định” giả tạo như viên chức hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hoặc công việc chỉ nhằm bảo vệ sự “ổn định” giả tạo như quân đội, công an. Tất cả đều phải trả giá rất đắt cho “ổn định” giả tạo không chỉ hôm nay, ngày mai mà cả ở tương lai rất xa. Không riêng mình mà cả con, cháu, chắt cũng sẽ cùng phải trả cái giá càng ngày càng cao ấy!

***

Viwasupco phát giác dầu thải ở đầu nguồn nước từ 8 tháng 10 nhưng im lặng, chỉ đổ thêm hóa chất vào hệ thống lọc nước (3)… Đến ngày 10 tháng 10, cư dân nhiều khu vực ở Hà Nội phát giác “nước sạch” nặng mùi, các gia đình bắt đầu mua nước đóng chai để dùng vào việc ăn, uống…

Từ 12 tháng 10, bộ phận quản trị nhiều chung cư ở Hà Nội bắt đầu khuyến cáo mọi người không nên ăn, uống bằng “nước sạch” (4) nhưng chính quyền thành phố Hà Nội không làm gì cả cho đến ngày 15 tháng 10, khi thông tin “nước sạch” nhiễm dầu thải và có nhiều hóa chất đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng con người, tạo ra scandal…

Ngày 15 tháng 10, Viwasupco bắt đầu phân bua thì chính quyền thành phố Hà Nội tổ chức họp báo. Trọng tâm của buổi họp báo chỉ nhắm vào việc…yêu cầu báo giới phải “nêu bật sự quan tâm, chỉ đạo rất kịp thời của lãnh đạo và sự phối hợp của các ngành trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân” (5).

Giống như nhiều scandal khác đã từng xảy ra khắp nơi ở Việt Nam, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản, các quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của nhân dân vẫn chỉ là những mỹ từ để giúp gìn giữ “ổn định”. Tự thân “ổn định” vốn không thật nên mới phát sinh nhiều chuyện quái gở khác.

Chẳng hạn, sau khuyến cáo không dùng “nước sạch” do Viwasupco cung cấp, chính quyền thành phố Hà Nội đã điều động xe chở “nước sạch” đến các khu dân cư hỗ trợ nhân dân. Nhân dân phải xếp hàng nhiều giờ mới được chia một xô “nước sạch” để ăn, uống nhưng nhận xong phải đổ (6) vì “nước sạch” miễn phí được vận chuyển bằng bồn chở nước… tưới cây (7).

“Ổn định” giả tạo vừa cho phép, vừa khuyến khích các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam trở thành trâng tráo.

Khi không thể phủ nhận tác hại của “nước sạch” nhiễm dầu, chính quyền thành phố Hà Nội khẳng định, luôn “tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân” và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở thủ đô Việt Nam vẫn tiếp tục “án binh bất động” đối với tố cáo đã được nhiều giới nêu ra cách nay ba tháng: Trang trại nuôi 10.000 con heo của Công ty Apfa Comfeed Việt Nam, liên tục xả hàng ngàn khối nước thải hôi thối, đặc quánh, đen kịt vào đầu nguồn nước được dùng để cung cấp cho Hà Nội (8),…

Trang trại của Công ty Apfa Comfeed Việt Nam cũng tọa lạc ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình – khu vực bị xả dầu thải khiến “nước sạch” cung cấp cho cư dân Hà Nội bị nhiễm dầu. Cho dù tính chất nguy hại chẳng khác gì nhau nhưng chính quyền thành phố Hà Nội chưa “quan tâm”, chưa “chỉ đạo”, các ngành hữu trách chưa “phối hợp bảo vệ sức khỏe nhân dân” có thể vì chưa ai tìm thấy… phân heo… trong “nước sạch”!

Cập nhật: Tin từ báo chí trong nước, ngày 18 tháng 10, Công An Hòa Bình xác nhận tạm giam 2 nghi can liên quan đến vụ đổ dầu thải vào nguồn nước sông Đà.

Trân Văn

Chú thích

(1) https://tuoitre.vn/nha-may-nuoc-song-da-cap-nuoc-tro-lai-20191017095615506.htm

(2) https://tuoitre.vn/ha-noi-khuyen-cao-khong-dung-nuoc-may-mui-la-de-an-uong-20191015180636616.htm

(3) https://tuoitre.vn/lanh-dao-don-vi-cap-nuoc-da-muon-cat-nuoc-nhung-khong-du-can-cu-20191015143952858.htm

(4) https://tuoitre.vn/vi-sao-nuoc-sach-o-ha-noi-boc-mui-dan-keu-van-chua-co-tra-loi-2019101308193763.htm

(5) https://trithucvn.net/tin-tuc-vn/thoi-su/ha-noi-phan-ung-voi-su-co-nuoc-song-da-nhanh-hon-vu-rang-dong.html

(6) https://tuoitre.vn/xep-hang-lay-nuoc-roi-do-di-ngay-vi-nuoc-khong-sach-20191016164245097.htm

(7) https://soha.vn/doanh-nghiep-thua-nhan-dung-xe-cho-nuoc-tuoi-cay-dua-nuoc-sach-mien-phi-cho-dan-ha-noi-20191017145542952.htm

(8) https://moitruong.net.vn/hoa-binh-nguoi-dan-to-trang-trai-lon-cong-ty-japfa-viet-nam-gay-o-nhiem-nguon-nuoc/

Nguồn: VOA

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.