Thái Độ Của Chúng Ta Trước Thảm Kịch Ngư Dân Việt Nam Bị Tàu Tuần Dương Trung Quốc Sát Hại

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I-Dẫn Nhập:

Những ai quan tâm đến tình hình đất nước đều không hài lòng về thái độ và cách ứng xử của Bắc kinh lẫn Hà Nội trong vụ tàu tuần dương Trung Quốc bắn chết 9 ngư phủ Việt Nam trên vùng lãnh hải của Việt Nam. Hành động này không chỉ nói lên sự vi phạm chủ quyền mà còn mang tội sát nhân của những lính tuần dương Trung Quốc. Thế nhưng từ khi xảy ra vụ án vào ngày 8 tháng 1 năm 2005 cho đến nay, nhà cầm quyền Bắc Kinh vẫn giữ một thái độ trịch thượng, coi vụ bắn chết 9 lương dân vô tội Việt Nam ngay trên hải phận Việt Nam là những ’hải tặc’. Thậm chí Bắc Kinh còn đưa ra một số bằng chứng xảo trá nói rằng những người bị bắn chết đã cướp trên 300 mẻ cá của ngư dân Trung Quốc. Bắc Kinh không chỉ giữ xác của 9 ngư dân mà còn đang giam giữ 8 ngư dân khác trên đảo Hải Nam trong vụ án này. Thái độ trịch thượng và bạo lực của Bắc Kinh không chỉ mới xảy ra lần đầu mà đã có từ lâu đối với ngư dân Việt Nam, nhất là từ sau khi hai phía ký chung Hiệp định về nghề cá năm 2000 và thông qua Hiệp định Vịnh Bắc Việt năm 2004. Năm 2002 đã xảy ra một vụ xung đột lớn giữa ngư phủ Việt Nam với tàu tuần dương Trung Quốc và cuối tháng 12 năm 2004, Trung Quốc đã bắt giữ 80 ngư phủ Việt Nam mà họ cho là xâm phạm vùng lãnh hải của Trung Quốc cho đến nay chưa chịu thả.

Trong khi đó, Hà Nội lại tỏ ra quá ươn hèn và khiếp nhược trước thái độ trịch thượng của Bắc Kinh. Năm ngày sau khi vụ án xảy ra, phát ngôn nhân Bộ ngoại giao Cộng sản Việt Nam mới lên tiếng và chỉ yêu cầu Bắc Kinh trừng trị những kẻ đã gây ra vụ án và đòi bồi thường. Mãi đến ngày 21 tháng 1, Hà Nội mới lên tiếng mạnh hơn một chút là tố cáo Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền, nhưng cũng không có một áp lực mạnh mẽ nào khác để đòi Bắc Kinh xin lỗi và phóng thích những nạn nhân đang bị giam giữ. Trong lúc đó, Hà Nội lại chỉ thị cho Võ Thịnh, Tổng lãnh sự tại Quảng Châu cử nhân viên đến Hải Khẩu, thủ phủ của đảo Hải Nam để thăm các nạn nhân, rồi thôi. Vụ án đã xảy ra hơn 2 tuần lễ mà Hà Nội đã không có bất cứ một văn kiện chính thức nào để lên án Bắc Kinh, và nhất là không có một hành động cụ thể nào để bảo vệ lấy đồng bào mình đang bị Bắc Kinh bắt giữ, trong khi các gia đình nạn nhân trải qua những ngày tháng đau buồn và tủi nhục. Phản ứng của Hà Nội phải nói là rất bất thường. Bất thường đến độ người ta không thể ngờ rằng sự ươn hèn của Hà Nội đến mức không dám đặt vấn đề với phái đoàn quốc hội Trung Quốc đang viếng thăm Việt Nam vào lúc đó, nhân tham dự cái gọi là lễ kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội với Bắc Kinh và một số nước khác vào ngày 15 tháng 1 vừa qua. Do thái độ ươn hèn này mà các bộ phận liên hệ trong vụ án đã án binh bất động và hành xử đầy lúng túng.

Theo dõi phản ứng của Bắc Kinh lẫn của Hà Nội, dư luận của người Việt Nam ở trong và ngoài nước đã bất mãn lên cao độ. Sự bất mãn này xuất phát từ hai lý do:

Thứ nhất là thái độ trịch thượng của Bắc Kinh là do sự ươn hèn của Hà Nội gây ra trong khi người Việt Nam không chấp nhận sự lên tiếng quá yếu kém của Bộ ngoại giao CSVN. Bắc Kinh vừa vi phạm lãnh hải vừa sát hại ngư dân mà Hà Nội chỉ lên tiếng một cách chiếu lệ, cho thấy là lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đang bị tập đoàn Trung Quốc ’khống chế’ không còn đường thoát.

Thứ hai là ngưòi Việt Nam đã không thể hiện được trọn vẹn ’tình máu mủ đồng bào’ khi nhìn thấy sự đau khổ của các gia đình nạn nhân. Lý do rất giản dị là Hà Nội không muốn ai hô hào giúp đỡ nạn nhân vì lo sợ dẫn đến phong trào chống chế độ sau đó. Sự hẹp hòi và ích kỷ của một thiểu số lãnh đạo Hà Nội đã giết chết tình đồng bào của ngưòi Việt ở trong cũng như ngoài nước.

Những yếu tố này càng làm cho sự phẫn nỗ của người Việt đã và đang lên cao từng ngày, đặc biệt là sự nhập cuộc của giới trẻ ở trong nước và thành phần du sinh qua các trang Web Site vận động biểu tình trước sứ quán và lãnh sự Trung Quốc tại Việt Nam. Trong khi các Cộng đồng người Việt trên toàn thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Đồng Việt Nam Bảo Tồn Đất Tổ tham dự cuộc biểu tình đồng loạt để tố cáo Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, như trên đã đề cập, thái độ trịch thượng và sự xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc không chỉ mới xảy ra lần đầu mà đã có nhiều lần, vấn đề là làm sao phải chấm dứt hiện tượng này để người Việt Nam không còn lo sợ Trung Quốc sát hại và lãnh thổ không bị xâm phạm.

II- Những Thái Độ Của Chúng Ta:

Trong vụ án vừa qua, Bắc Kinh và Hà Nội đã là hai tòng phạm gây ra những đau thương và tủi nhục cho các gia đình nạn nhân nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung. Do đó, thái độ của chúng ta không thể bày tỏ sự phản kháng một chiều đối với Trung Quốc mà còn phải đối với Cộng sản Việt Nam.

A. Thái Độ Đối Với Trung Quốc:

Không chỉ qua sự kiện vừa rồi mà nhìn vào cung cách ứng xử của Bắc Kinh về các vấn đề trên biển Đông, chúng ta thấy rằng Trung Quốc luôn luôn nuôi tham vọng bá quyền và coi thường các phản ứng chống đối của những quốc gia liên hệ từ Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân cho đến Cộng sản Việt Nam và Nhật Bản. Trung Quốc đang có tham vọng đẩy mạnh các nỗ lực phát triển kinh tế để trở thành một cường quốc ở Á Châu và dùng thị trường nội địa với khối dân khổng lồ của mình để bành trướng các ảnh hưởng xuống phía Nam nhằm tạo dựng một vòng đai riêng hầu đối đấu với Hoa Kỳ và Nhật Bản trong thế kỷ 21. Do đó, Bắc Kinh xử dụng chiêu bài ’cây gậy và củ cà rốt’ để ve vãn khối ASEAN và đương nhiên tìm mọi cách ảnh hưởng để loại trừ dần thế lực của Nhật và Hoa Kỳ trong tương lai. Trong tiến trình này, Bắc Kinh coi Hà Nội là một nước cần phải tranh thủ để thực hiện ý đồ của họ, nên đã vừa hỗ trợ, vừa khống chế như đã từng làm trong hơn nửa thế kỷ qua. Bắc Kinh vừa giúp đỡ phương tiện vật chất lẫn yểm trợ tinh thần để cho đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại; nhưng cũng đồng thời o ép bằng nhiều mặt để Hà Nội phải đóng vai chư hầu của Bắc Kinh. Nói cách khác, Bắc Kinh đang sử dụng Hà Nội như là một lá bài cho những tham vọng bá quyền của họ xuống vùng biển phía Nam. Chính vì rơi vào thế kiềm kẹp này mà Hà Nội đã quá ươn hèn trong thái độ hành xử vụ án 9 ngư dân bị bắn chết vừa qua. Nếu chúng ta không tích cực ngăn chận thì chỉ vài năm nữa, Việt Nam sẽ trở thành một nước chư hầu của đế quốc Hoa Lục trong thế kỷ 21. Thái độ của chúng ta cần là:

Thứ nhất, chống lại chính sách bá quyền của Bắc Kinh bằng một phong trào tố cáo Trung Quốc đã vi phạm lãnh hải và sát hại ngư dân Việt Nam. Sự vi phạm lãnh hải không chỉ ở vùng Vịnh Bắc Việt mà còn cả vùng biển Đông, nơi mà Trung Quốc đang xây dụng các căn cứ trên quần đảo Hoàng Sa mà họ đã ngang nhiên đánh chiếm vào năm 1974, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.

Thứ hai, chống lại chính sách bành trướng lãnh thổ và lãnh hải xuống phía Nam của Trung Quốc bằng phong trào tố cáo Trung Quốc đã nhúng tay vào nội bộ Việt Nam, nuôi dưỡng và o ép một thiểu số cầm quyền tại Việt Nam làm tay sai cho Bắc Kinh và biến Việt Nam thành một chư hầu.

Thứ ba, chống lại chính sách lũng đoạn thị trường và xã hội Việt Nam của Bắc Kinh, bằng phong trào tẩy chay những hàng hoá của Trung Quốc đang tràn ngập tại Việt Nam qua các đường buôn lậu nhằm giết chết nền kinh tế của Việt Nam và nhất là tạo sự hỗn loạn thị trường để khuynh loát các ý đồ chính trị tại Việt Nam.

Thứ tư, đòi hỏi Bắc Kinh phải xin lỗi và hoàn trả ngay tức khắc xác nạn nhân và phóng thích nhũng ngư dân vô tội đang bị bắt, đồng thời bồi thường xứng đáng theo công pháp quốc tế. Bắc Kinh còn phải trừng trị thích đáng và nghiêm cấm nhân viên của mình không được xâm phạm và hành xử bạo lực một cách vô lối trên các vùng lãnh hải và biên giới của Việt Nam.

B. Thái Độ Đối Với Cộng Sản Việt Nam:

Sự khuynh loát và lũng đoạn của một cường quốc đối với một quốc gia bắt đầu từ bản chất tay sai và ươn hèn của thành phần lãnh đạo của quốc gia đó. Nói cách khác, trong quan hệ đối ngoại giữa các thế lực cầm quyền, tính chất quan thầy xuất hiện từ thái độ nô lệ của chính quyền những nước yếu, nhất là những quốc gia độc tài. Lý do dễ hiểu là tại những nước độc tài đảng trị, người dân bị khống chế toàn diện, dưới một tập đoàn cai trị đã coi quyền lợi của phe nhóm cao hơn quyền lợi của đất nước và dân tộc. Do đó mà tập đoàn này sẵn sàng bán rẻ tài nguyên kể cả việc hiến dâng lãnh thổ, để đổi lấy sự bảo hộ cho tham vọng cầm quyền trên một đất nước mà người dân sống chết ra sao không quan trọng bằng sự ’hài hòa’ với nước bảo hộ. Thảm kịch ngư dân Thanh Hóa bị bắn chết ngay trên lãnh hải của mình và không được chính quyền của mình bảo vệ, là hệ quả tất nhiên của tình trạng chư hầu mà thiểu số lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đang dựa vào Trung Quốc để sống còn. Nếu là một chính quyền độc lập và có chủ quyền rõ ràng, thảm kịch nói trên phải được giải quyết nhanh chóng và những kẻ sát nhân phải trừng trị xứng đáng. Nhưng trường hợp này thì ngược lại, thay vì được chính quyền của mình bảo vệ mạnh mẽ, xác của những ngư dân vắng số và những ngư dân may mắn còn sống đang trải qua những ngày tháng trong lao tù của kẻ sát nhân một cách đau buồn và tủi nhục. Những ai có một chút lương tâm và lòng tự trọng dân tộc, sẽ không thể nào chấp nhận sự tủi nhục của đồng bào mình nói trên, Đây không thể là hình ảnh của một Việt Nam trong thế kỷ 21, thế kỷ mà người ta gọi là toàn cầu hóa, công nghiệp hóa. Đây là hình ảnh của một Việt Nam còn sót lại ở đầu thế kỷ 20. Chúng ta phải có thái độ:

Thứ nhất, phải coi thảm kịch ngư dân Thanh Hóa bị bắn chết là trách nhiệm của hai tập đoàn Bắc Kinh và Hà Nội. Chính sự ươn hèn và tay sai của Hà Nội đã để cho tàu tuần dương Bắc Kinh lộng hành trên vùng biển của Việt Nam. Do đó, chúng ta không thể chỉ tố cáo hay đòi hỏi Bắc Kinh bồi thường và xin lỗi mà còn phải tố cáo cả sự đồng lõa của Hà Nội trong việc gây nên thảm kịch này.

Thứ hai, phải đòi hỏi tập đoàn Hà Nội đặt quyền lợi tối thượng của dân tộc và đất nước lên trên hết để duyệt lại các hiệp ước, hiệp định với Trung Quốc, đặc biệt là bãi bỏ ba hiệp ước về biên giới (1999), hiệp định Vịnh Bắc Việt (2000) và hiệp định về nghề cá (2000). Những hiệp ước và hiệp định này là nguyên nhân đưa đến những thảm kịch hiện nay.

Thứ ba, phải đòi hỏi Hà Nội đứng về phía gia đình nạn nhân, cương quyết đấu tranh đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải xin lỗi và bồi thường xứng đáng, chấm dứt thái độ trịch thượng và khiêu khích nhân dân Việt Nam như hiện nay.

Thứ tư, phải đòi hỏi Hà Nội để cho người dân Việt Nam có quyền bày tỏ ý kiến phản kháng về thái độ trịch thượng và ngang ngược của Bắc Kinh bằng những cuộc tụ họp biểu tình, mít tinh dưới mọi hình thức ngay tại Việt Nam. Đây không chỉ là phản ứng bình thường nói lên sự chia xẻ niềm đau chung giữa đồng loại với nhau trong xã hội mà còn là nhu cầu tối cần của quốc gia nhằm biểu hiện sức phản kháng của dân tộc trước các hành động ngang ngược của những thế lực ngoại quốc. Hành động canh chừng, ngăn cấm, hăm dọa và bắt bớ những đồng bào bày tỏ sự phản kháng đối với Bắc Kinh chính là đồng lõa với những tội ác mà Bắc Kinh đang gây ra cho dân tộc Việt Nam.

III- Kết Luận:

Sống và chứng kiến qua nhiều thảm kịch xảy ra trên đất nuớc từ hơn 100 năm qua và nhất là đối diện với thảm kịch ngư dân Thanh Hóa bị bắn chết, chúng ta, người Việt Nam đã nhận ra một điều rằng: Không ai thương dân Việt bằng chính người Việt. Nếu muốn đãt nước có tự do và độc lập, dân tộc sống hài hòa và không bị lệ thuộc ngoại bang, người Việt Nam phải đứng lên đấu tranh bằng chính sức lực của mình và chọn lựa những chính quyền theo ý nguyện của toàn dân để điều hành quốc gia. Đã đến lúc người Việt Nam ở trong và ngoài nước phải cùng nhau chia xẻ ý nguyện chung này, cùng nhau có chung những thái độ nói trên, để dễ dàng liên kết tạo dựng thành những phong trào đấu tranh chấm dứt ách độc tài Cộng sản, canh tân xứ sở.

Đoàn Hùng
Jan 27 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. Ảnh minh họa: Hoang Dinh Nam/ AFP via Getty Images

Vì sao chính trường CSVN rối ren?

Trong bối cảnh ông Trọng tuổi cao, sức yếu, và quyền lực suy giảm đáng kể, chiến dịch chống tham nhũng có thể bị suy giảm. Có ý kiến cho rằng “chiến dịch chống tham nhũng đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát của ông Trọng và hiện giờ, chiến dịch chống tham nhũng được điều hành trực tiếp từ ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công An,” là điều đã được cảnh báo trước.

Ảnh minh họa: FB Nguyễn Tuấn

Bạn bè trên cõi mạng

Về nhà tôi nghĩ hoài về hiện tượng fb. Rất nhiều bạn tôi chưa bao giờ gặp ngoài đời, mà chỉ qua fb. Cũng chẳng sao. Tình bạn không phải chỉ là tiếp xúc hay tay bắt mặt mừng, mà có thể là tiếp xúc bằng trái tim và tâm hồn. Vậy là hạnh phúc rồi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đại hội đảng XIV chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban hôm 13/3/2024 tại trụ sở Trung ương đảng. Ảnh: Vietnam Plus

Từ trường hợp ông Võ Văn Thưởng nhìn về công tác nhân sự

Nhưng thống kê lại chuỗi cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong thời gian qua, phân tích bản chất, tìm đến nguyên nhân cốt lõi, thì đi đến kết luận rằng, công cuộc chống tham nhũng cần phải đẩy mạnh, tiến hành triệt để, nhưng phải cần đến các biện pháp khác có khả năng tiệu diệt nguyên nhân gốc rễ của quốc nạn tham nhũng.