Tổng Lược Tình Hình Năm 2005

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

I-Dẫn Nhập:

Năm 2005 mang hai dấu ấn đặc biệt.

Một là năm đánh dấu sự kết thúc Đệ nhị thế chiến (1945-2005) giải phóng nhân loại ra khỏi gọng kềm khủng bố của chủ nghĩa Phát xít. Trong bối cảnh đó, nếu không có biến cố Việt Minh cướp chính quyền nhân cuộc biểu tình ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim ngày 19 tháng 8 năm 1945, dân tộc Việt Nam đã có một đời sống tự do, đất nước phát triển không thua gì các quốc gia trong vùng. Thảm kịch của cái gọi là “cách mạng mùa thu” năm 1945 của người Cộng sản, đã trở thành một vết nhơ trong giòng lịch sử tiếp tục kéo dài đến hôm nay.

Hai là năm đánh dấu 30 năm kết thúc cuộc chiến tại Miền Nam Việt Nam, khi Cộng sản Bắc Việt xua quân cưỡng chiếm Sài Gòn vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Biến cố này cũng đã đưa hàng triệu người Việt Nam phải tìm cách vượt biên, vượt biển tỵ nạn cộng sản tại những quốc gia tự do, đưa đến sự hình thành một cộng đồng đa dạng của người Việt tỵ nạn tại hải ngoại chưa hề có trong lịch sử cổ kim của Việt Nam. Đánh dấu 30 năm cũng đã nói lên sự ra đời của một thế hệ Việt Nam mới với nhiều thành tựu trên các mặt kinh tế, chính trị, chất xám, thương mại… không thua kém gì đối với các cộng đồng sắc tộc khác.

Bên cạnh hai dấu ấn mang tính lịch sử nói trên, hậu quả của trận Tsunami (Sóng Thần) xảy ra vào ngày 26 tháng 12 năm 2004, dẫn đến cái chết của hơn 150 ngàn sinh mệnh tại 12 quốc gia vùng Đông Phi và Nam Á đã là nỗi ám ảnh của nhân loại trong gần 6 tháng đầu của năm 2005. Nhưng thảm kịch Tsunami chưa thoát ra khỏi ký ức của mọi người thì hai trận thiên tai khác đã làm cho thế giới bàng hoàng, đó là trận động đất tại vùng biên giới Pakistan và Ấn Độ khiến cho hơn 70 ngàn người bị thiệt mạng và trận bão mang tên Katina đã ổ ập đến 4 tiểu bang vùng Đông Nam Hoa Kỳ hôm cuối tháng 8, làm cho thành phố New Orleans bỗng chốc chìm trong biển nước khiến cho hàng triệu người bỗng chốc trắng tay trong cơn hồng thủy bất ngờ. Trước đó bốn tháng, gần một nửa nhân loại đã đau buồn để tang trước sự ra đi vĩnh viễn của Đức Giao Hoàng hôm đầu tháng 4 năm 2005, sau một cơn bão bệnh khá nặng đến với Ngài. Sự ra đi của Đức Giáo Hoàng đã để lại nhiều thương tiếc cho nhân loại vì Ngài không chỉ là vị chủ chăn của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu mà còn là một cứu tinh của dân tộc Ba Lan và các dân tộc khác tại Đông Âu, khi Ngài âm thầm hỗ trợ cuộc đấu tranh giành lại tự do dân chủ từ tay các đảng Cộng sản ở những quốc gia này. Nhưng biến cố đã làm cho nhân loại quan tâm nhiều nhất và trở thành vấn đề thời sự hàng ngày là cuộc chiến chống khủng bố tại Iraq và cuộc bầu cử để thiết lập chế độ dân chủ tại đây kể từ khi Hoa Kỳ đưa quân vào lật đổ chính quyền độc tài Sadam Hussein vào đầu năm 2003.

Trong bối cảnh nhiều tang tóc của thế giới trong năm 2005, tình hình Việt Nam nói chung cũng không có gì đáng gọi là sáng sủa. Những nỗ lực bung ra vận động ngoại giao tại các quốc gia Tây phương như Trần Đức Lương đi Ý, Thụy Sĩ, Bỉ; Nông Đức Mạnh đi Pháp và Phan Văn Khải đi Úc Châu, Tân Tây Lan, Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Nhật… nhằm hỗ trợ Cộng sản Việt Nam được gia nhập vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO) vào cuối năm 2005, trở thành công dã trang vì khả năng đáp ứng của Hà Nội trước các đòi hỏi của quốc tế đã không thõa mãn được. Sự thất bại trong việc gia nhập WTO đã làm cho nhóm lãnh đạo trở nên bất hòa và đổ lỗi cho nhau, đưa đến sự xung đột quan điểm trong thế ngoại giao đu dây giữa Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng điều mà dư luận phẫn nộ nhất là phản ứng quá ươn hèn của nhà cầm quyền Hà Nội đã không dám phản đối mạnh mẽ về việc tàu tuần dương Trung Quốc sát hại một số ngư phủ và bắt đi một số người ngay trên lãnh hải của Việt Nam ở vùng Vịnh Bắc Việt. Nhưng biến cố bất ngờ vào cuối năm đã khiến dư luận chú ý là cuộc đình công xảy ra tại tại 13 công ty có vốn nước ngoài tại Bình Dương và Sài Gòn với gần 40 ngàn công nhân đòi tăng lương. Đây là cuộc đình công lớn nhất từ trước đến nay và cuộc đình công này đã khơi mào cho nhiều cuộc đình công khác xảy ra vào đầu năm 2006.

Trong khi tình hình thế giới và Việt Nam có những biến động không mấy lạc quan, tình hình sinh hoạt của Cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong năm 2005 đã có những dấu ấn mang tính lịch sử qua một số sự kiện đáng chú ý như sau:

Thứ nhất là các sinh hoạt tưởng niệm 30 năm (1975-2005) Quốc hận và 30 năm thành tựu của Cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng sản, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của mọi người. Sinh hoạt này bắt đầu từ Úc Châu khi các ban chấp hành Cộng đồng từng tiểu bang tổ chức những buổi tiếp tân, triển lãm và giới thiệu các nét sinh hoạt đặc thù của người Việt trên bước đường tỵ nạn đến chính giới và các cơ quan truyền thông Úc. Sau Úc Châu là một số Cộng đồng người Việt tại Gia Nã Đại đã tổ chức các sinh hoạt dưới hình thức Ngày Văn Hóa để giới thiệu các nét độc đáo về văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam qua các thời đại cho giới trẻ Việt Nam và quan khách người Gia Nã Đại thưởng lãm. Nhưng có lẽ sinh hoạt thu hút sự chú ý của nhiều người nhất là các cuộc mít tinh và tuần hành nhân ngày 30 tháng 4 năm 2005 tại nhiều nơi trên thế giới như San Jose, Santa Ana, San Diego, Houston, Dallas, Ottawa, Berlin, Sydney, Seattle. Trong các buổi lễ này, cuộc tuần hành nhân quyền và đêm tưởng niệm 30 tháng 4, do Ủy Ban Tổ Chức Ngày Đấu Tranh Cho Tự Việt Nam (Vietnam Freedom March) tại John Marshall Park và trước tiền đình Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn đã tạo nhiều sự chú ý của dư luận. Lần đầu tiên sau 30 năm lưu lạc, gần 10 ngàn người Việt Nam từ các tiểu bang đã đổ về Hoa Thịnh Đốn tạo thành một rừng cờ vàng trong ngày 30 tháng 4. Hình ảnh này đã biểu hiện sự trưởng thành và một sức sống mới của Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ trong công cuộc đấu tranh quang phục quê hương và tham gia sinh hoạt giòng chính tại Hoa Kỳ.

Thứ hai là các cuộc biểu tình chống đánh phái đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam công du tại một số quốc gia nhằm vận động sự ủng hộ cho việc gia nhập vào làm thành viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (WTO). Đầu tiên là Cộng đồng người Việt tại Úc Châu và Tân Tây Lan đã rượt đuổi phái đoàn Thủ tướng CSVN Phan Văn Khải đến hai nước này vào đầu tháng 5. Đến đầu tháng 6, Nông Đức Mạnh đến Pháp cũng đã bị đồng bào và các đoàn thể tại đây dàn chào mạnh mẽ. Cuối tháng 6, chuyến công du của Phan Văn Khải tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Nhật Bản đã bị cộng đồng người Vệt chống đánh một cách mạnh mẽ, tạo một tiếng vang lớn trong dư luận qua hai dấu ấn đặc biệt. Thứ nhất là cuộc họp báo của Phan Văn Khải tại thành phố Seattle ngay sau khi đến Mỹ đã bị cộng đồng người Việt tỵ nạn không những phá vỡ hoàn toàn mà còn biến thành nơi tố cáo tội ác của CSVN khi Mục sư Huỳnh Quốc Bình và Tiến sĩ Trần Diệu Chân, đặt vấn đề đàn áp tôn giáo và khủng bố chính trị đối với các nhân vật đối kháng tại Việt Nam làm cho Khải lúng túng và tự giải tán cuộc họp báo. Thứ hai các cuộc biểu tình ngay trước tiền đình Tòa Bạch Ốc trong lúc Tổng thống Bush tiếp Phan Văn Khải, đã làm cho phái đoàn Hà Nội rất e ngại vì toàn bộ hình ảnh biểu tình và những tiếng hô đả đảo của đồng bào đã lọt vào tại của Tổng thống Bush và phái đoàn Cộng sản Việt Nam. Ngoài hai dấu ấn này, Phan Văn Khải còn bị một cựu chiến binh Hoa Kỳ là ông Jerry Kiley hất một ly rượu chát vào trước mặt và hài tội Khải là ’một tên sát nhân’, khi Phan Văn Khải đến tham dự buổi tiệc khoản đãi của nhóm doanh nhân Mỹ mời. Nói chung, chuyến công du của phái đoàn Phan Văn Khải tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Nhật Bản đã bị đồng bào và các đoàn thể chống đánh một cách quyết liệt khiến cho đoàn xe chở Phan Văn Khải phải luôn luôn đi cửa hậu. Ngược lại, báo chí quốc tế đã loan tải những nội dung rất thuận lợi cho công cuộc đấu tranh của Cộng đồng người Việt tỵ nạn, nhất là nhắc đến các dữ kiện đàn áp tôn giáo, khủng bố đối kháng tại Việt Nam qua các lời kể của người Việt Nam.

Thứ ba là các cuộc biểu tình chống tuyên truyền Cộng sản Việt Nam dưới chiêu bài văn hóa vận fđã thành công rực rỡ. Có thể nói năm 2005 là năm Hà Nội đã dồn công sức, tiền bạc để mở các cuộc vận động nhằm thực thi Nghị quyết 36 mà Bộ chính trị CSVN công bố hồi tháng 4 năm 2004 với mục đích tạo sự hiện diện bình thường trong cộng đồng và lung lạc ý chí đấu tranh của đồng bào và các đoàn thể. Cuộc chống đánh này khởi đầu từ Sydeney hôm đầu tháng 7 và tháng 9, khi Cộng sản Việt Nam đưa một số ca sĩ qua trình diễn văn nghệ mang nội dung tuyên truyền về chế độ . Đầu tháng 10, Cộng đồng người Việt tại Hoa Thịnh Đốn đã biểu tình tại Freedom Plaza để chống một buổi trình diễn văn nghệ do sứ quán CSVN tại Hoa Thịnh Đốn tổ chức dưới danh nghĩa là từ thiện nhưng lại không bán vé và có nội dung tuyên truyền về chế độ. Cuối tháng 10 và 11, Cộng sản Việt Nam lại mang chuơng trình Duyên Dáng Việt Nam qua khiêu khích Cộng đồng người Việt tại Úc Châu. Khác với các lần trước CSVN núp sau những tên Việt Kiều tay sai tại Úc đứng ra tổ chức tuyên truyền cho Hà Nội, lần này Đại sứ quán CSVN tại Úc kết hợp với Báo Thanh Niên và Tổng công ty hàng không CSVN đứng ra tổ chức như một thách đố với đồng bào tỵ nạn cho nên các cuộc biểu tình chống đánh đã thu hút số người tham dự đông đảo. Gần 20 ngàn đồng hương tại Sydney đã biểu tình tại Sydney Toan Hall vào tối mồng 2 tháng 11, khiến cho CSVN lúng túng vì số người biểu tình quá đông trong khi người vào tham dự quá ít. Cuối tháng 11, Cộng đồng người Việt tại Boston lại trực diện với một kế hoạch tuyên truyền của Hà Nội dưới hình thức trình diễn văn nghệ do các ca sĩ từ Việt Nam sang trình diễn. Nói chung, Cộng đồng người Việt tại khắp nơi đã cô lập hoàn toàn các buổi tuyên truyền của Hà Nội dưới chiêu bài văn hóa, văn nghệ hay trình diễn nghệ thuật.

Thứ tư là các cuộc vận động áp lực quốc tế lên chế độ Hà Nội để buộc CSVN phải tôn trọng nhân quyền, chấm dứt đàn áp tôn giáo và chấm dứt khủng bố chính trị đối với các nhà đối kháng. Ba sự kiện tiêu biểu nhất của nỗ lực này gồm: Thứ nhất là áp lực CSVN đã phải phóng thích 5 tù nhân chính trị vào tháng 2 năm 2005 gồm Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Giáo sư Nguyễn Đình Huy, Thượng tọa Thích Thiện Minh. Thứ hai vận động để bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục duy trì CSVN vào trong danh sách những quốc gia đáng quan tâm (CPC) với kết quả là bộ Ngoại Hoa Kỳ đã tiếp tục giữ tên CSVN trong danh sách CPC thêm một năm vào cuối tháng 9 năm 2005. Thứ ba là cuộc vận động tố cáo các hành động bức hại các đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo đưa đến việc tự thiêu của hai ông Võ Văn Bửu và Trương Văn Đức hôm mồng 5 tháng 8 năm 2005 đã gây sự quan tâm trong dư luận. Chính những tố cáo các hành động đàn áp tôn giáo và nhân quyền của Cộng đồng người Việt tại khắp nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ khiến Cộng sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán gia nhập vào WTO từ tháng 6 kéo dài đến tháng 10 năm 2005, với hậu quả là CSVN đã bị bác đơn gia nhập trong cuộc họp thường niên của các Bộ trưởng tài chánh trong tổ chức WTO vào tháng 12 năm 2005 tại Hồng Kông.


II- Những Sự Kiện Xảy Ra Tại Việt Nam:

Tình hình Việt Nam trong năm 2005 đã xảy ra một số sự biến đáng chú ý như sau:

- 1. Phóng viên Lan Anh của báo Tuổi Trẻ thường trú tại Hà Nội đã bị cơ quan an ninh điều tra Bộ công an CSVN khởi tố về tội gọi là ’tiết lộ bí mật quốc gia’ và bị cấm không được rời khỏi nơi cư trú hôm mồng 5 tháng 1 năm 2005. Theo quyết định khởi tố của công an thì phóng viên Lan Anh bị cáo buộc tội ’chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước’. Lan Anh là phóng viên chuyên về lãnh vực y tế và đã viết tất cả 19 bài điều tra từ ngày 18 tháng 10 năm 2003 đến 20 tháng 5 năm 2004, liên quan đến công ty Zuellig Pharma Việt Nam đã thao túng, gây bất ổn thị trường dược phẩm trong nước, tạo cơn sốt về giá dược phẩm. Trong bản tin loan tải ngày 20 tháng 5 năm 2004, phóng viên Lan Anh đã đưa tin “đề nghị thanh tra toàn diện Công ty Zuellig Pharma’ đăng trên báo Tuổi Trẻ, nội dung dựa vào tờ trình của Bộ Y tế trình thủ tướng ngày 19 tháng 4 năm 2004. Tờ trình này nằm trong văn bản bí mật nhà nước nên công an đã dựa vào điều này để khởi tố. Theo sự điều tra sau đó của báo Tuổi trẻ thì tờ trình của Bộ Ý tế không có gì là bí mật vì đã được bộ này thông báo cho các tờ báo loan tải, do đó, việc phóng viên Lan Anh bị truy tố chỉ là đòn trả thù của các quan chức trong công ty Zuellig Pharma bị phóng viên Lan Anh phanh phui về những hành vi phi pháp và tham nhũng của cán bộ trong ngành y tế. Các báo chí của CSVN đã viết bài phê phán bộ Y tế và bộ công an trong việc truy tố phóng viên Lan Anh và cho là đã đồng lõa với công ty Zuelig Pharma để thao tùng ngành dược phẩm trong nước. Lo sợ vụ truy tố có thể bùng nổ thành một biến cố chính trị lớn trong nội bộ nên đầu tháng 4 năm 2005, bộ Công an CSVN đã rút lại đơn khởi tố phóng viên Lan Anh.

- 2. Tàu Tuần Dương của Trung Quốc đã sát hại ngư dân thuộc tỉnh Thanh Hóa ngay trên vùng lãnh hải Việt Nam trong vùng Vịnh Bắc Việt hôm mồng 8 tháng 1 năm 2005 tạo ra một sự căm phẫn trong dư luận Việt Nam trong và ngoài nước. Sáng ngày 8 tháng 1, khi tàu của công ty Hùng Cường đang đánh cá ở ngoài khơi Vịnh Bắc Việt thì bị các tàu tuần dương Trung Quốc bao vây, dùng súng bắn xối xả lên tàu. Trước tình hình nguy cấp, thuyền trưởng Lê Văn Xuyên đã mở máy phát đi tín hiệu cấp cứu, đồng thời cho tàu bỏ chạy vào đất liền, nhưng do tàu bị chết máy giữa đường nên đã bị tàu Trung Quốc bắt giữ. Có 8 ngư dân trên tàu đều ngụ tại xã Hòa Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị bắn chết ngay tại chỗ, 8 ngư dân khác, trong đó có 2 người bị thương đã bị bắt theo cùng với tàu. Sau khi sự kiện xảy ra báo chí quốc tế loan tải rộng rãi thì phát ngôn viên tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội lại ngược ngạo lên tiếng rằng, lực lượng tuần dương của Trung Quốc đã nổ súng vào tàu hải tặc Việt Nam để giải cứu tàu của ngư dân Trung Quốc. Sau vụ Trung Quốc kéo dàn khoan để thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Vịnh Bắc Việt, CSVN đã phản đối lấy lệ thì một cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái giữa Trung Cộng và CSVN đã đi đến một thỏa hiệp hợp tác khai thác cá ở vùng biển chung. Tuy nhiên, tàu tuần dương của Trung Quốc vẫn liên tiếp nổ súng, xua đuổi hoặc bắt giữ các tàu đánh cá của ngư dân hành nghề trong hải phận Việt Nam. Trước những sự lộng hành của Trung Quốc, nhà nước CSVN đã tỏ ra bất lực, không dám chỉ đích danh tàu Trung Quốc quấy nhiễu vi phạm hải phận mà chỉ dám nói một cách mơ hồ rằng hành động đó là của những chiếc “tàu lạ nước ngoài”. Mãi cho đến 10 ngày sau, phía CSVN mới lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phòng thích các ngư dân bị bắt và trả lại hài cốt những người bị bắn chết. Trung Quốc vẫn giữ thái độ trích thượng nên đã tạo sự bất mãn của cộng đồng người Việt tại hải ngoại, khiến các cộng đồng đã đồng loạt tổ chức 18 cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc và Cộng sản Việt Nam vào cuối tháng 1 năm 2005. Lo sợ làn sóng chống đối của người Việt có thể dâng cao và tạo thành vấn đề chính trị to lớn nên nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tổ chức phiên tòa vội vã gọi là xét xử các ngư phủ Việt Nam bị bắt và đã không kết tội, phóng thích vào đầu tháng 2 năm 2005.

- 3. Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng cộng sản vào ngàyu 22 tháng 1 năm 2005, Nông Đức Mạnh, Tổng bí thư đảng CSVN lần đầu tiên đã thú nhận là sau ngày chiếm được miền Nam, đảng Cộng sản đã mắc phải những sai lầm và khuyết điểm khiến cho cả nước bị lâm vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về mặt kinh tế xã hội vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980. Nông Đức Mạnh cho rằng, tình hình càng thêm khó khăn là vì trong thì cán bộ đảng viên tham nhũng và quen thói quan liêu, bên ngoài thì các “thế lực thù địch” vẫn tiếp tục theo đuổi các âm mưu chống phá. Vẫn theo lời Mạnh, con số cán bộ đảng viên tham nhũng thoái hóa trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Việt Nam không phải là nhỏ, còn những thế lực thù địch với âm mưu gọi là diễn biến hòa bình hay chủ trương bạo động đang ra sức chống lại để lật đổ chế độ. Nhân dịp này, Mạnh cũng không quên khẳng định là Việt Nam kiên quyết đi theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng để đưa đất nước đến chiến thắng cuối cùng. Mặc dù tuyên bố như vậy nhưng CSVN đã và đang chuẩn bị những thay đổi rập khuôn theo Bắc Kinh trong việc tổ chừc đại hội đảng lần thứ X vào tháng 6 năm 2006. Theo tin tức thì CSVN sẽ loại bỏ ý niệm vô sản và bóc lột, chấp thuận cho đảng viên làm giàu, tức là cho mở công ty, buôn bán đồng thời cho những người tiểu tư sản tham gia vào đảng CSVN. Sự thay đổi về bản chất của đảng, cùng với các lời tuyên bộ nhận sai lầm của Nông Đức Mạnh là bước lùi của CSVN để chuẩn thay đổi màu áo của đảng để có thể sống còn trong thời đại toàn cầu hóa trong thế kỷ 21.

- 4. Trước sự đe dọa của nạn dịch gia cầm ngày một gia tăng tại vùng Á Châu Thái Bình Dương, nhất là tại Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan, tổ chức Y Tế Thế Giới WHO đã phải tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế tại Sài Gòn hôm 23 tháng 2 để kêu gọi việc kiểm soát cúm gia cầm trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Đây là một cơ hội quan trọng để Việt Nam có được những kinh nghiệm quý giá trong việc khống chế và ngăn ngừa dịch bệnh cúm gia cầm, vốn có thể đến bất cứ lúc nào, đe dọa tới sự phát triển kinh tế và sự sống con người. Bệnh dịch tái phát một năm sau khi virus dễ lan truyền phát tác ở châu Á do các loài chim di trú đã làm tăng thêm nỗi lo sợ rằng virus có thể biến thể qua một hình thức lây lan qua cho con người không có khả năng chống lại. Nếu nạn dịch xảy ra có thể khiến cho 40 triệu người chết giống như nạn dịch xảy ra năm 1918. Hiện nay dịch cúm gà đã phát triển tại 48 tỉnh và thành phố trên toàn quốc, tại một mối nguy cho Việt Nam. Tuy nhiên CSVN đã không đáp ứng nổi nhu cầu phòng ngừa theo đúng những đề nghị và khuyến cáo của Hội nghị quốc tế nói trên. Những khoản tiền viện trợ của các quốc gia, CSVN chỉ sử dụng một phần làm kiểu mẫu ở vài nơi để chụp hình báo cáo, trong khi đa sồ tiền còn lại thì bị cán bộ bỏ vào túi riêng. Thậm chí CSVN còn chia công tác cho 7 nhân vật cao cấp trong chính quyền từ phó thủ tướng đến một số Bộ trưởng phụ trách một số vùng để phòng chống bệnh dịch. Tuy nhiên việc phân chia chỉ biểu diễn trên bề nổi, trong thực tế thì 7 nhân vật cao cấp hoàn toàn không nắm vững tình hình nạn dịch nên đã không thể đối phó hiệu quả. Đây là một mối lo cho sức khẻo và sinh mệnh của đồng bào.

- 5. Để mở một mặt trận quốc tế vận tạo sự hậu thuẫn cho các hoạt động của CSVN tại hải ngoại, Hà Nội đã tung ra chiến dịch kiện về ’hóa chất da cam’ tại tòa án Hoa Kỳ để gây chú ý dư luận. Trong chiến dịch này, một mặt CSVN nộp đơn kiện các công ty hóa chất của Hoa Kỳ để đòi bồi thường, mặt khác Hà Nội đã cho những tay thân cộng trong hàng ngũ trí thức Hoa Kỳ và Việt Nam lập ra hội ái hữu hỗ trợ những người bị bệnh hóa chất da cam để vừa ủng hộ vụ kiện vừa tạo xáo trộn trong Cộng đồng. Tuy nhiên cả hai nỗ lực này của CSVN gặp thất bại ê chề. Đâu tiên là vụ kiện hóa chất da cam tại tòa án Brooklyn, New York đối với các công ty hóa chất cung cấp chất da cam cho quân lực Hoa Kỳ tại Việt Nam của CSVN, đã bị tòa phủ quyết hôm 28 tháng 2. Phiá nguyên đơn là một hội do CSVN dựng lên mang danh xưng “Hội Nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin” cáo giác các công ty Monsanto Co. , Dow Chemical Co. và hơn một chục công ty khác là vi phạm các luật lệ quốc tế cấm dùng chất độc và vũ khí hóa học khi chế tạo hóa chất da cam, mà họ cho là đã gây ra ung bướu, khuyết tật bẩm sinh và các vấn đề nghiêm trọng khác về sức khỏe. Họ đòi bồi thường nhiều tỷ đô la về những thiệt hại đó. Luật sư Andrew Frey, đại diện cho công ty Dow Chemical Company cho biết: Chất Da cam không nguy hiểm cho con người vì chỉ là thuốc diệt cỏ “herbicides”. Chất nầy đã được nghiên cứu kỹ trước và được quôc hội Hoa Kỳ chấp thuận trước khi quyết định cho xử dụng trong chiến dịch Ranch Hand trong chiến tranh Việt Nam. Về phía Chánh Án Weinstein, ông cũng tỏ nhiều chỉ dấu hoài nghi về những điều cáo buộc của phiá nguyên đơn. Bộ tư pháp Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu bãi bỏ đơn kiện và lập luận rằng, mở các phiên tòa ở Hoa Kỳ cho những kẻ thù cũ thời chiến có thể đe dọa đến quyền được tuyên bố chiến tranh của tổng thống. Chính phủ Hoa kỳ cho rằng, không có bằng chứng trực tiếp hỗ trợ cho các lời khiếu nại về các hậu quả của chất da cam. Trong khi đó, để vận động dư luận áp lực lên các công ty hóa chất và chính phủ Hoa Kỳ, CSVN đã cho tổ chức những buổi nói chuyện của các nạn nhân bị hóa chất da cam tại một số nơi để tuyên truyền thì liền bị đồng bào ngăn chận và chống đánh như tại Paris, San Jose miền Bắc California.

- 6. Sau khi CSVN ra lệnh đóng cửa chính thức website tintucvietnam.com vì đã dám phanh phui một số vấn đề liên quan đến công ty vinacomm và giải thưởng Trí Tuệ Việt Nam cũng như loan tải một số tin tức có nội dung không phục tùng sự chỉ huy của nhà nước CSVN hôm mồng 10 tháng 1 năm 2005, CSVN đã ra lệnh gia tăng kiểm soát thông tin mạng Internet công cộng bằng những quy định nhắm vào các chủ đại lý Internet. Những phương pháp kiểm soát này phần lớn sẽ bị vô hiệu. Do đó một thông tư liên tịch về việc quản lý đại lý Internet lại vừa được các Bộ Bưu chính Viễn thông, Văn hoá – Thông tin, Công an và Kế hoạch Đầu tư CSVN ký ngày 14/7 để một lần nữa xiết chặt thông tin, bảo vệ chế độ. Theo đó, chủ các đại lý Internet phải có trình độ tin học A và phải qua lớp tập huấn của nhà cung cấp dịch vụ mới được mở. Theo nội dung chính của văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 55 của nhà nước CSVN ký vào đầu năm 2001 cho hay, về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet quy định, các đại lý Internet chỉ được phép mở cửa từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Chủ dịch vụ Internet phải có trình độ A tin học và người được thuê trông coi dịch vụ cũng phải có trình độ tương đương. Trong vòng 6 tháng đầu sau khi khai trương cửa hàng, chủ đại lý phải qua lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý Internet do nhà cung cấp dịch vụ tổ chức và các máy tính của cửa hàng “phải được cài đặt phần mềm lưu giữ thông tin của khách”. Về phía người sử dụng dịch vụ Internet, thông tư cũng quy định phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân, thẻ học sinh, hộ chiếu… Những khách hàng từ 13 tuổi trở xuống khi truy cập Internet phải có sự giám hộ của người thân. Thông tư này cũng tăng cường trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ bằng việc buộc các ISP phải tổ chức các lớp tập huấn cho chủ đại lý cũng như cung cấp cho họ phần mềm quản lý khách hàng.Hiện nay, tỷ lệ sử dụng Internet ở Việt Nam là 9,1%. Thống kê đến tháng 6, toàn quốc có 2,7 triệu thuê bao Internet, tương đương với 7,5 triệu người sử dụng.

- 7. Ông Hoàng Minh Chính 76 tuổi, một nhà đối kháng có tầm cỡ tại Việt Nam, do sự vận động của Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và được sự yểm trợ của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ, đã rời Hà Nội ngày 30 tháng 8 đến San Jose chữa bệnh. Ông Hoàng Minh Chính bị ung thư tiền liệt tuyến nhưng sau khi khám, Bác sĩ Ngãi cho biết là ông Chính còn bị ung thư ruột già. Ông Hoàng Minh Chính đã lưu lại Hoa Kỳ gần ba tháng và sau khi chữa hai chứng bệnh nói trên, ông đã về lại Việt Nam ngày 13 tháng 11 năm 2005. Trong thời gian ở Hoa Kỳ ông đã tiếp xúc rất nhiều nhân vật đại diện các tổ chức, lực lượng đấu tranh tại hải ngoại cũng như đi nói chuyện tại đại học Harvard và tiếp xúc với Ủy ban đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ. Trước khi sang Hoa Kỳ, ông Hoàng Minh Chính cũng đã thảo luận với các nhà đối kháng để hình thành một tập hợp đấu tranh chung nên khi đến Hoa Kỳ ông đã tuyên bố thành lập Phong Trào Dân Chủ với hai người đại diện ở bên trong và Giáo sư Trần Khuê, hải ngoại là Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi. Tuy nhiên điều tuyên bố nói trên của ông Hoàng Minh Chính cũng đã bị một số nhà đối kháng ở tại Việt Nam cho là vội vã, vì nội lực bên trong chưa được củng cố trước khi bung ra bên ngoài. Tuy có một vài khác biêt nhỏ trong sự kết hợp chung nhưng sự xuất hiện Phong Trào Dân Chủ qua web site Phong Trào Dân Chủ hôm mồng 10 tháng 12 năm 2005, thu hút khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Tuy nhiên, CSVN đã tỏ ra cay cú về các phát biểu của ông Hoàng Minh Chính trong thời gian chữa bệnh ở Hoa Kỳ nên khi ông Hoàng Minh Chính về lại Sài Gòn, tạm trú tại nhà người con gái thì CSVN đã dụ dỗ một số nhóm ’đầu gấu’ đến chưởi bới và tạt acid vào nhà để công an lấy lý cớ không thể giữ an ninh cho ông Chính hầu yêu cầu phải trở về Hà Nội. Tuy nhiên khi về tới Hà Nội, CSVN tiếp tục cho bọn ’đầu gấu’ quấy phá, uy hiếp tinh thần gia đình ông Hoàng Minh Chính để trả thù. Hành động côn đồ này của công an Hà Nội đã bị ông Chính viết thư tố giáo lên lãnh đạo Hà Nội và dư luận thế giới.

- 8. Sự kiện người dân Sài Gòn Lũ Lượt Đổ Về Vương Cung Thánh Đường Xem Tượng Đức Mẹ Khóc vào tối thứ Bảy ngày 29 tháng 10 năm 2005 đã tạo một chấn động trong dư luận, tạo cảnh kẹt xe khủng khiếp. Người quỳ đọc kinh, người khóc, người nào cũng cố gắng nhìn cho rõ vệt nước mắt chảy dài từ mắt xuống tới cằm của tượng Đức Mẹ hai tay cầm quả địa cầu nhỏ ở công viên (tên cũ là công trường Hòa Bình) ngay trước Vương Cung Thánh Đường. Vì không cản được số người đến mỗi lúc mỗi đông, công an CSVN đã đặt nút chặn trên tất cả những ngả đường chung quanh Vương Cung Thánh Đường, không cho xe cộ các loại tới gần. Giáo Hội Thiên Chúa Giáo Việt Nam đã phủ nhận tin tượng Đức Mẹ khóc, giữa lúc hàng ngàn người vẫn kéo nhau tới quan sát phép lạ này tại Vương Cung Thánh Đường. Trong khi đó, CSVN lại nói rằng vì tượng đặt ngoài trời nên có thể có vết này, vết khác sau khi mưa. Hiện tượng này làm cho người ta liên tưởng đến một biến cố tương tự xảy ra ở Ba Lan cách nay 15 năm. Đó là chừng nửa tháng trước khi chế độ Cộng Sản ở Ba Lan sụp đổ bởi áp lực của dân chúng hậu thuẫn cho Công Đoàn Đoàn Kết đòi dân chủ và cơm áo, cũng có hiện tượng Đức Mẹ khóc làm xôn xao dư luận nước này. Hiện tượng Đức Mẹ khóc không chỉ là chuyện chỉ có ở Sài Gòn làm cho dân chúng địa phương xôn xao mà tin này đã loan truyền ra cả nước. Trong khi đó tại thủ phủ Sacramento của tiểu bang Hoa Kỳ, người ta cũng khám phá ra tượng Đức Mẹ có chảy máu nơi mắt trái tại nhà thờ Thánh Tử Vì Đạo hôm trung tuần tháng 11 năm 2005. Đây là nhà thờ mà giáo dân Việt Nam hay đi lễ nên tin trên đã nhanh chóng loan tải trong cộng đồng, đồng bào địa phương đến xem rất đông.

- 9. Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã viếng thăm Việt Nam trong ba ngày, từ ngày 31 tháng 10 năm 2005. Đây là chuyến đi Việt Nam lần thứ ba của họ Hồ nhưng là lần đầu tiên với vị thế Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc vì thế mà Nông Đức Mạnh và Trần Đức Lương phải ra đón tiếp. Chuyến thăm Việt Nam của họ Hồ cũng là để đáp lại lời mời của Trần Đức Lương, chủ tịch nước đã viếng thăm Trung Quốc hồi đầu tháng 7 năm 2005 để báo cáo Bắc Kinh về chuyến đi Mỹ của Phan Văn Khải. Theo tin tức thì chuyến viếng thăm của họ Hồ nhằm mở rộng mối quan hệ giữa hai nước và chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ đang ngày càng gia tăng đối với Hà Nội. Hồ Cẩm Đào đã đề nghị với CSVN tiến hành hợp tác chặt chẽ qua năm nguyên tắc trong tình hinh mới là: 1/Tăng cường trao đổi cấp cao, giữ liên hệ thường xuyên và tiếp tục tiếp xúc đối thoại giữa ban lãnh đạo hai nước trong nhiều hình thức; 2/Thúc đẩy tình hữu nghị và tin tưởng, tăng cường hợp tác toàn diện, tiếp tục trao đổi kinh nghiệm quản lý giữa các cấp ngành của hai nước; 3/ Nắm bắt cơ hội để mở rộng hợp tác kinh tế và thương mại nhằm sớm đạt mục tiêu ngân sách buôn bán hai chiều 10 tỷ đôla trước năm 2010; 4/ Thúc đẩy hợp tác trên biển và bảo đảm hoàn tất phân định biên giới trên đất liền; 5/Tăng cường phối hợp và hợp tác, thúc đẩy hợp tác đa phương và nỗ lực bảo vệ hòa bình thế giới cũng như phát triển chung toàn cầu. Những nguyên tắc này đa số giúp Trung Quốc giữ chặt CSVN trong vòng tay của mình để không cho chạy thoát sang Hoa Kỳ. Chính vì thế mà Trung Quốc đã nỗ lực ký với CSVN 14 văn kiện hợp tác trên mọi lãnh vực và nâng cán cân mậu dịch giữa 2 nước lên đến 15 tỷ Mỹ kim đến năm 2010. Trung Quốc hiện là nước đầu tư nhiều thứ 14 vào Việt Nam, với tổng số tiền đầu tư là 710 triệu đôla trong 346 dự án.

- 10. Công nhân đình công đã xảy ra liên tục vào cuối năm 2005 và kéo dài sang đầu năm 2006 đã tạo những vụ chống đối dây chuyền, đe dọa mối bất ổn xã hội khiến cho bộ máy công an lúng túng đối phó trong vài tháng qua. Đầu tiên là cuộc đình công của một ngàn công nhân hãng Rieker Viêt Nam để chống lại ban giám đốc, khi bị ban giám đốc chèn ép bắt làm việc cả ngày, không chịu trả thêm phụ cấp mà còn đe dọa sa thải công nhân. Nội vụ bùng nổ vào ngày 23 tháng 11 năm 2005, 960 công nhân ở 16 tổ máy may thuộc công ty giày Rieker Viet Nam với vốn 100% đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc, Quảng Nam. Mặc dù ban giám đốc hứa tăng lương từ 550 ngàn đồng lên 600 đến 700 ngàn đồng/ tháng nhưng không hề thực hiện nên công nhân biểu tình tỏ thái độ. Tiếp theo vụ biểu tình đòi tăng lương tại Quảng Nam thì ở Sài Gòn, ngày 28 tháng 12 năm 2005, hơn 18 ngàn công nhân tại Công ty Freetrend (Khu chế xuất Linh Trung 1, Quận Thủ Đức, Sài Gòn) đã đồng loạt đình công đòi tăng lương. Công an CSVN đã ập vào hiện trường can thiệp và thiết lập lại ổn định tình hình trong lúc ban giám đốc điều đình với đại diện công nhân. Kết quả là ban giám đốc đồng ý tăng lương khoảng 100 ngàn cho mỗi người một tháng. Những cuộc đình công đòi tăng lương đã kích thích sự đấu tranh của các công ty liên doanh có vốn nước ngoài 100% khác đứng lên đấu tranh. Từ ngày 4 tháng 1 đến ngày 8 tháng 1, công nhân của 13 công ty ( 8 công ty ở Bình Dương và 5 công ty ở Sài Gòn) đã đình công đòi tăng lương mà chủ yếu trong ngành dệt may, da giày. Trong tất cả 13 công ty bị công nhân đình công nói trên có 1 công ty ở trong nước là công ty Khải Vinh nằm ngoài khu công nghiệp Linh Trung 2 ở Tân Thuận cũng đã bị xảy ra tương tự. Chính vì thế mà CSVN đang lo sợ là các vụ đình công này có thể làm ảnh hưởng đến các công ty quốc doanh.


III- Những Sự Kiện Xảy Ra Trên Thế Giới:

Trong năm 2005, một sự biến xảy ra đáng cho nhân loại quan tâm như sau:

- 1. Ông Triệu Tử Dương, Cựu Tổng Bí Thư Đảng CS Trung Quốc đã qua đời sau những chuỗi ngày buồn thảm của ông khi ông bị Đặng Tiểu Bình tước quyền và giam giữ tại nhà riêng từ sau vụ đàn áp sinh viên biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn 1989, thọ 85 tuổi. Ông Triệu Tử Dương xuất thân từ Thượng Hải là một nhận vật thuộc nhóm cải cách cùng thời với cựu Tổng Bí Thư Hồ Diệu Bang và là đàn em cật ruột của Đặng Tiểu Bình. Sau khi Hồ Diệu Bang chết vào năm 1987, Triệu Tử Dương đang giữ thế Thủ tướng được họ Đặng đưa lên làm Tổng bí thư. Vì có đầu óc cải cách và chống tham nhũng nên họ Triệu đã áp dụng chính sách uyển chuyển nên họ Đặng và nhóm giáo điều không mấy hài lòng. Khi xảy ra biến cố Thiên An Môn, với những cuộc biểu tình đòi dân chủ hóa và chống tham nhũng của Sinh Viên thuộc các đại học tại Bắc Kinh thì Triệu Tử Dương tỏ ra muốn giải quyết các yêu sách của Sinh Viên khiến cho tình hình ngày một trở nên bất ổn với làn sóng chống đối ngày một lan rộng đến các thành phố khác. Trước hiện tình này, Đặng Tiểu Bình đã ra tay bằng cách liên kết với nhóm giáo điều tổ chức Hội nghị Trung ương đảng khẩn cấp mà mục tiêu là cô lập và bắt nhốt các ủy viên Trung ương đảng, song song đưa lộ quân 24 lúc đó đang đóng ở biên giới ngoại Mông về Bắc Kinh dẹp cuộc tụ họp của sinh viên, đưa đến cái chết của 4000 sinh viên vào rạng sáng ngày 19 tháng 6 năm 1989. Kể từ đó Triệu Tử Dương bị mất chức Tổng Bí thư và bị quản chế tại nhà cho đến khi chết. Triệu Tử Dương bị tai biến mạch máu não trong tình trạng hôn mê tại bệnh viện Bắc Kinh, chết vào lúc 07 giờ sáng ngày 17 tháng 1. Ước vọng cải cách chính trị của ông Triệu Tự Dương bị chôn vùi cùng với ông trong hơn 15 năm qua, nhưng nó đã đặt nền móng cho niềm phấn khởi dân chủ không bao giờ tắt trong lòng người dân Trung Quốc.

- 2. Sau gần 2 năm bị tê liệt vì chiến tranh kể từ khi chính quyền Sadam Hussein bị lật đổ bởi liên quan vào tháng 4 năm 2003, khoảng 14,2 triệu cử tri Iraq đã đến bỏ phiếu tại 5.159 phòng phiếu để bầu quốc hội lập hiến. Cuộc bầu cử này, không chỉ người Iraq ở trong nước được đi bầu mà cả người dân Iraq tại hải ngoại cũng được đi bầu. Theo tin tức từ tổ chức Di Trú Quốc Tế thì có khoảng 265.148 cử tri Iraq lưu vong tại 14 nước từ Úc tới Cận Đông và Âu Châu đã đi bầu phiếu. Nhưng con số này chỉ đại diện 23% trong số 1,2 triệu người Iraq lưu vong tới tuổi đi bầu. Các cử tri chọn 275 đại biểu, cử tri chọn trong 111 danh sách gồm 7.761 ứng viên. Cùng lúc cử tri Iraq cũng bầu ra 41 thành viên cho mỗi 17 hội đồng tỉnh và 51 thành viên của Hội đồng thủ đô Baghdad. Cử tri Kurds gốc Iraq chọn lựa 111 đại biểu cho quốc hội tự trị trong số 13 danh sách ghi danh. Ủy Ban bầu cử đánh giá có trên 60% cử tri đã đi bỏ phiếu. Hơn 10.000 quan sát viên độc lập nhận định rất ít trục trặc xảy ra tại phòng phiếu. Để đối phó với khủng bố đe dọa phá hoại bầu cử, 3 ngày trước ngày bỏ phiếu, chính phủ Iraq đã ra lệnh đòng cửa biên giới và giới nghiêm, kiểm soát chặt chẽ an ninh, cấm các xe di chuyển. Ngày 17 tháng 2, Ủy Ban bầu cử Iraq chính thức loan báo kết quả bầu cử quốc hội, theo đó Liên Minh đoàn kết Iraq (Shia) chiếm 140 ghế trong quốc hội trên tổng số 275 đại biểu. Trước đó, ngày 13-02, Ủy ban đã đưa ra kết quả sơ khởi cho biết Liên Minh đoàn kết Iraq được đại giáo sĩ Ali Sistani hậu thuẫn đạt 48% số phiếu, tức 4 triệu phiếu. Danh sách các đảng người Kurd về nhì chiếm 75 ghế với 26% tức 2,175 triệu phiếu, trước đảng của Thủ tướng lâm thời Iyad Allawi với 1,168 triệu phiếu được 13,8%, tương đương 40 ghế.

- 3. Cựu Thủ tướng Libanon, Rafik Hariri đã bị ám sát chết hôm 14 tháng 2 năm 2005 đã tạo một chấn động lớn vùng Trung Đông và trên toàn thế giới. Trong buổi lễ an táng vào ngày 16 tháng 2, hàng trăm ngàn người tham dự đã biến thành cuộc biểu tình lên án Syria là thủ phạm vụ ám sát. Lúc sinh tiền, cựu thủ tướng Rafik Hariri luôn đòi Syria rút 14.000 quân ra khỏi Libanon. Ngay sau khi Thủ tướng Rafik Hariri bị ám sát, Hội Đồng Bảo An đã biểu quyết yêu cầu Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan báo cáo về vụ ám sát ông Rafik Hariri. Văn bản sơ khởi do Pháp và Mỹ soạn, nhấn mạnh nghị quyết 1559 thông qua vào tháng 9-2004 đòi “rút tất cả lực lượng ngoại quốc” ra khỏi Libanon. Tuyên bố của chủ tịch Hội đồng được 15 thành viên Hội Đồng Bảo An chấp thuận, kêu gọi chính phủ Libannon “truy tố các tác giả, các tổ chức và những ai xúi giục” hành động khủng bố ghê tởm này. Trong khi đó, Thủ tướng Syria, Mohammad Naji Otri lại tuyên bố, Iran và Syria cùng thành lập ’’mặt trận đoàn kết’’ để đối phó với các trừng phạt của Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Theo ông Otri, một sự hợp tác Iran-Syria có thể cổ xúy cho các quyền lợi của thế giới hồi giáo. Hoa Kỳ lên án Iran phát triển vũ khí nguyuên tử và chỉ trích hai nước hậu thuẫn cho khủng bố. Hoa Kỳ đã áp đặt cấm vận kinh tế đối với Iran và Syria.

- 4. Theo các nhà nhân chủng học Liên Hiệp Quốc, phân nửa dân số thế giới sẽ tựu về sống tại các thành phố trong hai năm nữa, so với chỉ 30% vào năm 1950. Một bản báo cáo của Ủy Ban dân số và phát triển của Liên Hiệp Quốc phổ biến hôm 16-02 cho biết, dân số thế giới hiện nay là 6,5 tỉ người, 3,2 tỉ hiện sống tại các đô thị, con số này có thể đạt 5 tỉ, tức 61% dân số thế giới từ nay tới năm 2030. Theo Ủy Ban Liên Hiệp Quốc, số đô thị cỡ lớn cũng đã gia tăng. Hiện nay có đến 20 thành phố với 10 triệu dân hay hơn nữa, so với 4 là Tokyo, New York-Newark, Thượng Hải và Mexico vào năm 1975, và 2 thành phố New York-Newark và Tokyo vào năm 1950. Hiện có 5 thành phố đông dân nhất thế giới là Tokyo với 35,3 triệu người, Mexico (19,2 triệu), New York-Newark (18,5 triệu), Bombay (18,3 triệu) và Sao Paulo ( 18,3 triệu dân). Và 15 thành phố tiếp sau đó là Delhi, Calcutta, Buenos Aires, Jakarta, Thượng Hải, Dacca, Los Angeles, Karachi, Rio de Janeiro, Osaka-Kobe, Cairo, Lagos, Manila-phụ cận, và Mạc Tư Khoa. Theo các chuyên gia Liên Hiệp Quốc từ nay tới 2015, 5 thành phố lớn nhất sẽ là Tokyo với dân số lên tới 36,2 triệu dân, Bombay với 22,6 triệu, Delhi với 20,9 triệu, Mexico với 20,6 triệu và Sao Paulo với 20 triệu người. Theo bản báo cáo, mặc dù số người gia tăng nhiều tại các thành phố, gần phân nửa đô thị thuộc trong các vùng đô thị dưới 500.000 dân. Nhưng có những chênh lệch lớn giữa các vùng, 75% dân chúng ở châu Mỹ la tinh và trong vùng Caraibes sống trong các thành phố, trong khi tỉ lệ này chi ở mức 40% tại châu Phi và Á châu. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc ước tính rằng dân số địa cầu sẽ lên tới 9 tỷ người vào năm 2050 so với 6,5 tỉ hiện nay, đây là dự phóng chính thức phổ biến hôm 24 tháng 2 của các chuyên gia dân số Liên Hiệp Quốc.

- 5. Tiếp theo cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine biến thành cuộc Cách mạng Cam hồi tháng 10 năm 2004, cuộc khủng hoảng chính trị tại Kyrgystan khởi đầu vào ngày 21 tháng 3 năm 2005 khi hàng ngàn người dân biểu tình tại 8 tháng phố, đòi tổng thống Askar Akaiev từ chức vì gian lận trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 27 tháng 2. Phe đối lập Kyrgyzstan từ ngày 21 tháng 3 đã nắm quyền kiểm soát thành phố Osh lớn thứ hai của nước này. Thủ đô Bishkek, nhờ ngăn cách với miền Nam bởi những dãy núi cao hiểm trở đầy tuyết, nên vẫn còn yên ổn. Tuy nhiên từ khi Tổng thống Akaiev tuyên bố sẽ không từ chức và không thay đổi kết quả bầu cử quốc hội, tình hình trở nên khó khăn khi tổng thống Akaiev ra lệnh giải tán vụ 200 người biểu tình xảy ra tại Kishkek. Từ đó đám đông đã tràn vào chiếm tòa nhà chính phủ, cảnh sát bảo vệ cơ quan đã bỏ chạy. Cuối cùng, Tổng thống Akar Akayev phải bỏ trốn sang Nga và phe đối lập lên thành lập chính quyền mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đang viếng thăm Armenia khi xảy ra cuộc cách mạng tại Kyrgyzstan. Đây là lần thứ 3 ông Putin bị cú tát bất ngờ khi mất các cộng hòa cũ: sau cách mạng hoa hồng Goergia, rồi cách mạng cam ở Ukraine, nay tới cách mạng hoa tu líp tại Kyrgyzstan.

- 6. Trung Quốc đã mời ông Liên Chiến, chủ tịch Quốc dân đảng, đảng đối lập với chính quyền Đài Loan hiện nay để thực hiện chuyến viếng thăm lịch sử tại Bắc Kinh hôm 31 tháng 3. Đây là đòn hiểm độc của Bắc Kinh nhằm làm ly gián nội bộ chính trị của Đài Loan. Chuyến viếng thăm của phái đoàn đảng đối lập Đài Loan diễn ra chỉ vài tuần sau quốc hội Trung Quốc thông qua đạo luật chống ly khai, cho phép chính quyền Trung Quốc dùng vũ lực nếu Đài Loan tuyên bố độc lập. Bắc Kinh xem Đài Loan là một phần lãnh thổ bị quốc dân đảng tách rời từ năm 1949. Quốc dân đảng hiện nay cổ xúy việc tiếp cận Hoa lục, phản đối các đề nghị độc lập của đảng Dân Tiến của tổng thống Trần Thủy Biển. Đại diện Đảng Dân Tiến đã lên tiếng chỉ trích chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Liên Chiến và cho là đã phản bội lý tưởng chống cộng của Quốc Dân Đảng. Theo các nhà bình luận, chuyến đi của ông Liên Chiến nhắm 2 mục tiêu, sau 2 lần thất bại tranh ghế tổng tổng với ông Trần Thủy Biển, muốn tạo hòa hoãn với Trung Quốc, trấn an dân chúng Đài Loan muốn được yên ổn, để giành quyền lãnh đạo đảo quốc trong cuộc bầu cử tới. Phía Bắc Kinh, qua chuyến đi nhằm cổ xúy cho chính sách một quốc gia hai thể chế, và cô lập Tổng thống Trần Thủy Biển, luôn có chủ trương độc lập tách rời Trung Quốc. Trong âm mưu nói trên, Bằc Kinh cũng đã mời một nhân vật đối lập khác tại Đài Loan viếng thăm Bằc Kinh trong 9 ngày từ ngày 5 tháng 5. Đó là ông James Soong lãnh đạo đảng “Nhân dân là số 1” (PFP) . Ông Soong bác bỏ tin đồn cho rằng ông dùng chuyến đi này để chuyển thông điệp của Tổng Thống Đài Loan Trần Thuỷ Biển tới các nhà lãnh đạo Hoa Lục. Theo các nhà quan sát, lãnh đạo Bắc Kinh liên tiếp mời các đảng đối lập Đài Loan viếng thăm, nhằm cô lập Tổng thống Trần Thủy Biển có lập trường độc lập. Hành động tấn công ngoại giao này còn muốn tạo ra yên ổn để Trung Quốc tổ chức tốt đẹp Thế vận hội mùa hè 2008.

- 7. Thế giới bàng hoàng trước tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II Qua Đời lúc 09g37 giờ nước Ý ngày 2 tháng 4 năm 2005 (19g37 GMT), sau hơn 26 năm trên ngôi vị Giáo Hoàng. Nhiều nước trên thế giới tổ chức cầu nguyện cho Đức Gioan Phaolô II. Nhiều nhà lãnh đạo thế giới từ Tây đến Đông, từ thế giới Hồi giáo, Ấn giáo, Do Thái giáo, Phật giáo đều ca ngợi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một “sứ giả hòa bình”. Tổng thống George W. Bush cùng phu nhân dự thánh lễ tại đường Hoa Thịnh Đốn cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tuyên bố: “Người tôi trung thành và tốt bụng của Chúa đã được gọi về nhà. Thế giới mất đi một nhà quán quân về hòa bình và tự do. Giáo Hội mất đi một vị chủ chăn”. Đức Gioan Phaolô II, một người yêu chuộng hòa bình bằng tất cả trái tim, người gần gũi, yêu mến và luôn tìm đến với giới trẻ khắp thế giới. Một di sản lớn mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II để lại cho lịch sử thế giới là sự sụp đổ chế độ cộng sản Đông Âu rồi đến Nga, cái nôi của CS thế giới. Đức Giáo Hoàng tên thật là Karol Wojtyla sinh ngày 18 tháng 5 tại Wadowice, miền Nam Ba Lan. Ngài là Đức giáo Hoàng đầu tiên từ gần nửa thế kỷ không phải là người Ý, được bầu từ một nước Cộng sản. Nhiều lãnh đạo thế giới đã tán tụng công đức Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã làm “thay đổi lịch sử thế giới” trong thế kỷ 20. Thi hài Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được hoàn tại tòa Thánh Vatican, và lễ an táng sẽ được cử hành vào ngày 8 tháng 4, quyết định của Hội đồng Hồng y lấy sau phiên họp ngày 4 tháng 4.

- 8. Sau khi an táng xong Đức Giáo Hoàng Phaolô II, Hội đồng Hồng Y đã nhóm họp để bầu chọn tân giáo hoàng. Kết quả là Đức Hồng Y Jospeh Ratzinger đã được bầu chọn vào ngôi vị tân Giáo Hoàng lấy giáo hiệu là Benedict XVI vào ngày 19 tháng 4 năm 2005. Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gốc Đức, từng phục vụ dưới triều Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đứng đầu cơ quan Tín lý tôn giáo, được xem là vị Hồng y có quan điểm bảo vệ giáo điều Hội Thánh Công giáo. Là một chuyên gia thần học được xem là người có lập trường kiên định trước những ý kiến bất đồng trong Giáo Hội. Hồng Y Ratzinger sinh năm 1927 trong một gia đình nông dân ở Bavaria, nước Đức, thân phụ từng phục vụ trong ngành cảnh sát. Việc học của ngài bị cắt quãng trong thời đệ nhị thế chiến, khi ngài bị gọi phục vụ trong quân đội ngành phòng không tại Munich. Những người ủng hộ Hồng Y Joseph Ratzinger nói ngài đã trải qua dưới thời Nazi Đức, nên có đức tin mạnh mẽ vào Giáo Hội cần đứng lên đấu tranh vì sự thật và tự do. Giáo hoàng Benedict XVI là vị Hồng y người Đức đầu tiên được bầu chọn từ thế kỷ 11. Đây là một trong những cuộc bầu chọn Giáo hoàng nhanh nhất trong 100 năm trở lại đây.

- 9. Nga tổ chúc lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Phát Xít, đã mời trên 50 các nhà lãnh đạo thế giới tham dự. Có gần 6.000 phóng viên từ 64 quốc gia đã có mặt tại Mạc Tư Khoa tường thuật tin tức lễ từ ngày 8 tháng 5, nhưng hôm nay 9-5 mới là lễ chính với cuộc duyệt binh lớn. An ninh tại thủ đô được chuẩn bị từ nhiều ngày qua, chính quyền đã huy động hơn 20.000 cảnh sát và quân đội bảo vệ an ninh 2 ngày lễ lớn. Không phận Mạc Tư Khoa được lệnh cấm tất cả chuyến bay trong 2 ngày lễ chính. Cơ quan an ninh Nga đã bắt giữ khoảng 80 thành viên, trong đó có lãnh đạo các tổ chức cực hữu và cực tả ngay trước khi lễ chính diễn ra. Nhiều ngàn cựu chiến binh Nga còn sống sót nay đã già yếu, trong bộ quân phục đầy huân chương tựu về thủ đô tham dự. Tổng thống Vladimir Putin đã đặt vòng hoa tại đài chiến sĩ trận vong và cuộc diễn binh với các vũ khí hiện đại. Giống như vào năm 1945, một đoàn xe lửa đầu máy kết đầy hoa chở chíến binh trở về Mạc Tư Khoa mừng lễ chiến thắng.

- 10. Trong khi nước Nga tổ chức lớn lễ 60 chiến thắng phát xít ngày 9-5, thì tại Âu Châu trước đó 1 ngày các nước đã tổ chức các lễ hội đánh dấu 60 năm ngày chiến thắng phát xít – Đức. Tính đến ngày kết thúc thế chiến II, đã có đến 40 triệu người chết. Nhưng theo các sử gia số người bị giết và lưu đày sau đó tại các nướcbị Liên sô chiếm đóng cao hơn số người chết trong chiến tranh. Ngày 8-5 trước khi đến Mạc Tư Khoa tham dự lễ do tổng thống Nga mời, Tổng thống Bush đã đến trước một nghĩa trang lính Mỹ gần thành phố Maastrict (Hoà Lan) đặt vòng hoa và nghiêng mình trước 8.000 binh sĩ Mỹ chết trong chiến tranh. Tại London Thái tử Charles và Bộ trưởng Quốc phòng John Reid đến đặt vòng hoa tại Cenotaph, tưởng niện 265 ngàn quân nhân nam và nữ Anh hy sinh trong Đệ Nhị Thế chiến. Nhiều buổi hòa nhạc được tổ chức tại Trafalgar Square ở Luân Đôn. Tại Đức chính quyền tổ chức Liên Hoan Dân Chủ với âm nhạc tại Bá Linh Quốc hội Đức cũng tổ chức một thánh lễ cầu nguyện tại Thánh Đường thủ đô. Tổng thống Đức Horst Koehler, nói đã cầu nguyện cho những người chết vì chiến tranh đặc biệt 6 triệu người Do Thái thiệt mạng. Tại Pháp tổng thống Jacques Chirac dự lễ tại đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris. Ba Lan cũng tổ chức lễ mừng chiến thắng chấm dứt cai trị của phát xít.

- 11. Niềm vui được chọn làm nơi tổ chức Thế Vận Hội Quốc Tế vào năm 2012 chưa dứt thì thành phố London lại chìm trong không khí khủng bố khi nhóm Hồi Giáo quá khích đã đặt 8 quả bom phát nổ cùng một lúc trong hệ thống xe điện ngầm trong thành phố London sáng ngày 7 tháng 7 năm 2005. Vụ nổ này đã làm tê liệt toàn bộ vấn đề lưu thông trong nhiều ngày khiến cho 40 người bị thiệt mạng và gần 400 người bị thương. Các vị trí nổ được biết xảy ra tại ga Aldgate (đường Liverpool), King Cross, Edgware, Old Street, và Square Rusell. Loạt nổ tại thủ đô London xảy ra vào thời điểm hội nghị thượng đỉnh G8 đang diễn ra tại Gleneagles ngày đầu tiên. Thủ tướng Tony Blair loan báo với các lãnh đạo khác loạt nổ bom ở London, song hội nghị vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên ông Blair được trực thăng chở ngay về London để thị sát tình hình. Sau vụ nổ, thủ tướng Anh lên truyền hình phát biểu 2 lần cách nhau vài giờ, xác định đó là “hành động khủng bố”. Trong lúc đó nữ hoàng Elizabeth cũng lên tiếng chia buồn cùng các nạn nhân, cho đây là một “sự kiện khủng khiếp” nước Anh phải chịu đựng.

- 12. Trận bão mang tên Katrina với sức gió mạnh trên 230 cây số/giờ đã ập vào 4 tiểu bang Mỹ: Louisina, Mississipi, Alabama và Florida vào cuối tháng 8 năm 2005, gây thiệt hại nhân mạng và tài sản lớn lao ngoài dự tưởng. Dù đã có lệnh dề phòng bão, nhưng Katrina mạnh điên cuồng đã làm hàng ngàn người chết, thiệt hại tài sản lớn lao. Riêng tại thành phố New Orleans (Luoisiana) trên 500.000 dân nằm dười mực nước biển, vòng đê bao quanh bị thủng khiến 80% thành phố chìm trong nước. Xác người, thú và đồ vật trôi lềnh bềnh đó đây. Trên những nóc nhà cao, giờ biến thành những cù lao nhỏ cheo leo giữa biển nước, một số người đang đói khát ngồi chờ phi cơ đến cứu. Cảnh tượng hải hùng và hỗn loạn chưa từng có. Nhiều tàu, phi cơ, trực thăng, các xuồng máy chở các đoàn cứu cấp đổ xô về Vịnh Mexico. Chính quyền đã huy động quân đội và các phương tiện chuyên chở vào công cuộc cứu trợ. 30.000 vệ binh quốc gia được gửi đến vùng bị nạn. Hàng ngàn xe bus được điều động chở dân tới lạnh nạn ở Houston và các thành phố lân cận. Tổng thống Bush phải bỏ dở ngày nghỉ từ Texas bay về Hoa Thịnh Đốn phối hợp công tác cứu trợ. Tổng thống đích thân chỉ đạo phối hợp 14 cơ quan liên bang Mỹ trong chiến dịch cứu trợ. Riêng Cơ quan giải quyết khẩn cấp liên bang đã huy động 39 đội cứu trợ y tế, sử dụng 1.700 xe tải chở theo nước uống, thực phẩm, máy phát điện, lều bạt… Bộ Y tế cho biết khoảng 2.600 giường bệnh tại 12 bang và 40.000 giường bệnh trên cả nước đã sẵn sàng tiếp đón các nạn nhân của bão Katrina. Lần đầu tiên, Hoa Kỳ phải lên tiếng nhận các phẩm vật và sự cứu trợ từ các quốc gia trên thế giới qua trận thiên tai năm 2005.

IV- Kết Luận:

Lược duyệt lại một số sự biến đáng chú ý tại Việt Nam và trên toàn thế giới trong năm 2005, chúng ta có 2 ấn tượng: Thứ nhất là những biến cố xảy ra mang nhiều yếu tố tiêu cực, đau buồn hơn là những tin vui mà nhân loại chờ đợi. Thứ hai là những trận thiên tai xảy ra vào những năm đầu trong thế kỷ 21 quá khủng khiếp, khó quên trong ký ức con người. Trong khi đó, nhìn lại những biến cố xảy ra tại Việt Nam trong năm 2005, chúng ta thấy là đa số phát sinh từ những đối phó lúng túng và loay hoay của Cộng sản Việt Nam khiến cho tình hình tệ hơn như vụ cúm gia cầm, vụ đình công, vụ truy tố phóng viên Lan Anh…

Lý Thái Hùng
8 tháng 1, 2006

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.