Tự Do Báo Chí tại Việt Nam bị xiết lại mặc dầu kinh tế mở cửa

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Lãnh đạo Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp những phương tiện truyền thông cũ và mới ngay trong lúc họ đang cố tạo hình ảnh cởi mở của kinh tế toàn cầu. Việc theo dõi chặt chẽ và bỏ tù những ký giả chỉ trích chế độ đi cùng với những điều luật khắt khe đang bóp nghẹt việc chuyển tải thông tin. Một bản báo cáo đặc biệt của Committee to Protect Journalists – CPJ (Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả) qua ngòi bút của Shawn W. Crispin.

Phổ biến ngày 19 Tháng 9, 2012

HÀ NỘI
Khi công an bắt giam blogger Nguyễn Văn Hải lần đầu vào năm 2008, họ đã nói với gia đình lý do là để bảo vệ cho ông Hải đối với những mật vụ Trung Quốc rất giận dữ về những điều ông Hải đã viết. Ông Nguyễn văn Hải, được biết đến nhiều dưới bút hiệu Điếu Cày, đã tường trình về những cuộc biểu tình chống Trung Quốc, là những biến cố hiếm xẩy ra và bị cấm phổ biến trên những cơ quan truyền thông của nhà nước, cũng như đã viết những lời phê bình chỉ trích liên quan đến việc Trung Quốc đòi chủ quyền biển đảo đang tranh chấp với Việt Nam.

Con trai của ông Hải là Nguyễn Trí Dũng đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây với CPJ là “Họ nói là nếu họ không bắt cha tôi kịp thì Trung Quốc sẽ rất bất bình và sẽ khởi động chiến tranh, và chúng ta sẽ mất thêm lãnh thổ. Dĩ nhiên điều đó không đúng sự thật!”

Bốn năm sau, mặc dầu đã hoàn tất bản án 30 tháng tù dựa trên một cáo trạng dàn dựng về việc trốn thuế, ông Hải tiếp tục bị giam giữ vì nhà cầm quyền đã áp đặt cho ông cùng hai blogger khác, những người đã cùng ông Hải lập ra Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do, là một trang mạng đăng tải những bài viết chỉ trích quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc, cáo buộc mới về tội chống nhà nước. Ông Hải và những đồng bị cáo là bà Tạ Phong Tần và ông Phan Thanh Hải đang đợi ngày bị đem ra xét xử dựa trên những tội danh có thể dẫn đến án 20 năm tù cho mỗi người. Mẹ của bà Tần là bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu vào Tháng 7 vừa qua để phản đối hành động của nhà nước đối với con gái của bà.

Riêng về phần anh Dũng thì đã phải chịu đựng sự sách nhiễu liên tục và thô bạo trong thời gian anh vận động đòi trả tự do cho cha. Anh Dũng cho biết là công an đã hỏi những người láng giềng cũng như những bạn sinh viên tại đại học của anh là họ có từng nghe anh nói những gì chống đối chế độ hay không. Khi không tìm được ai làm chứng, họ đã ngăn cản không cho anh dự kỳ thi cuối năm khiến anh không được nhận bằng tốt nghiệp.

Ngoài ra, công an cũng theo dõi chặt chẽ sự đi lại và liên lạc của anh Dũng. Trong một cuộc gặp gỡ giữa anh Dũng và CPJ vào ngày 2 Tháng 6, một công an mặc thường phục đã đi thẳng vào căn phòng riêng của một quán cà phê trong một ngõ hẻm nơi cuộc phỏng vấn diễn ra để nghe lén cuộc nói chuyện. “Đó là những gì xẩy ra cho chúng tôi – chúng tôi không bao giờ biết được là ai đó là nhân viên của nhà nước hay là không”, anh Dũng sau đó đã viết email nói như vậy sau khi chấm dứt tức khắc cuộc phỏng vấn. “Chúng tôi là những người tù của chính chính phủ của chúng tôi … Họ muốn dẹp tan tất cả những người tranh đấu cho quyền lợi hoặc phát biểu quan điểm riêng.”

Cái chính quyền bị Đảng Cộng Sản Việt Nam ngự trị này áp dụng những biện pháp kiểm soát truyền thông chặt chẽ và gay gắt nhất tại Á Châu mặc dầu họ luôn tự cho là có một nền kinh tế cởi mở. Qua những biện pháp cởi trói kinh tế, mở đầu bằng những cải tổ theo chiều hướng kinh tế thị trường vào giữa thập niên 1980 mà cao điểm là việc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2007, những người lãnh đạo quốc gia đã cố gắng để đưa đất nước hội nhập vào cộng đồng thế giới. Chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã cố nâng cấp tư thế thương mại tự do này lên một vị trí cao hơn trên trường quốc tế, bao gồm cả việc giành một ghế trong Ủy Ban Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào năm 2014. Chính phủ của ông Dũng cũng nỗ lực tăng cường quan hệ quân sự cũng như trong những lãnh vực khác với Hoa Kỳ với mục tiêu đa dạng hoá quan hệ ngoại giao và để đối trọng lại hình ảnh đang lên của Trung Quốc ở trong vùng.

Trong khi Việt Nam cần phải duy trì một mức độ cởi mở nhất định, bao gồm cả hạ tầng cơ sở truyền thông khi hội nhập vào môi trường kinh tế thế giới, nhà cầm quyền cùng lúc đánh trả lại những ký giả độc lập và những nhà đối kháng chính trị sử dụng những diễn đàn điện tử. Việc dân chúng phản đối tình trạng cướp đất của dân với hậu thuẫn của nhà nước ngày một gia tăng, cùng với quan niệm là nhà nước đã nhượng đất cho Trung Quốc, và bây giờ, lại thêm những chỉ dấu của sự trì trệ kinh tế, tất cả những sự kiện đó đều được phơi bày đầy đủ trên những trang mạng độc lập. Những bản báo cáo kiểu này, bị cấm phổ biến trên những phương triện truyền thông mà nhà nước kiểm soát, là những thách đố đối với việc Đảng Cộng Sản Việt Nam tự cho mình là người duy nhất bảo vệ quyền lợi của đất nước, là một luận điệu mà nhà nước cứ ra rả lập đi lập lại kể từ khi nắm quyền và thống nhất đất nước vào năm 1975.

Đối đầu với nguy cơ trước mắt này, chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tung ra một đợt trấn áp những người bất đồng chính kiến – một chiến dịch sách nhiễu và hăm dọa mà kể từ năm 2009 đã dẫn đến việc bỏ tù rất nhiều những nhà đối kháng chính trị, những nhà hoạt động tôn giáo, và những blogger độc lập phần lớn vì những việc làm vận động dân chủ đa đảng, nhân quyền, cũng như đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm hơn về những việc làm của mình. Với ít nhất 14 ký giả bị giam giữ, theo CPJ, Việt Nam là quốc gia tồi tệ thứ nhì, chỉ sau Trung Quốc, về việc giam giữ ký giả. Nhiều người đã bị cáo buộc hay kết án với tội danh chống chế độ vì những bài viết phổ biến trên các trang blog. Chế độ cũng gia tăng việc kiểm soát và lọc internet và tăng áp lực lên những cơ quan truyền thông nhà nước từ lâu đã bị kềm kẹp. Theo những ký giả và các tổng biên tập tại địa phương thì những cuộc nổi dậy của Mùa Xuân Ả Rập lật đổ những chế độ độc tài ở Trung Đông và Bắc Phi đã khiến nhà nước mở rộng những chủ đề phải kiểm duyệt.

Những ký giả trên mạng là những người dễ bị tấn công nhất. Theo những ký giả địa phương và nghiên cứu của CPJ thì đứng đầu những điều luật mơ hồ chống nhà nước mà chế độ sử dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến, như Điều 79 và Điều 88 của Luật hình Sự, những điều luật mới cũng đã được làm ra để quản trị các blogger. Một nghị quyết được áp dụng kể từ Tháng 2 năm 2011 đã đưa các blogger vào tình trạng bị giới hạn tự do giống như biện pháp kiểm soát, kiểm duyệt và trừng phạt được áp dụng cho các cơ quan truyền thông giòng chính. Một dự thảo nghị quyết khác đang được soạn thảo sẽ siết chặt hơn nữa các giới hạn nói trên bằng cách biến thành bất hợp pháp việc giấu danh tính trên mạng và bắt buộc các công ty cung cấp dịch vụ internet hợp tác với nhà nước trong việc áp dụng những biện pháp giới hạn quyền tự do phát biểu.

Những cuộc phỏng vấn mà CPJ thực hiện với 32 blogger, kỳ giả, và tổng biên tập – ở cả trong và ngoài nước – cho thấy là chính phủ của ông NTDũng đã gia tăng đàn áp cả hai giới truyền thông cũ và mới. Nhiều người đã phát biểu với CPJ với điều kiện ẩn danh vì sợ bị trả thù nếu họ có tên trong báo cáo chỉ trích chính phủ. Nhiều blogger độc lập đã từ chối gặp mặt vì quan ngại về an toàn cá nhân. Văn phòng của ông Nguyễn Tấn Dũng đã không hồi đáp thư viết của Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả yêu cầu cho biết nhận định về bản báo cáo.

Truyền thông giòng chính bị cùm tay

Tất cả mọi báo chí xuất bản tại Việt Nam đều do chính phủ làm chủ và kiểm soát. Có khoảng 80 tờ báo được phổ biến trên toàn quốc, trong đó khoảng một chục tờ có tính cách toàn quốc. Những tài liệu xuất bản này thường liên hệ tới những cơ quan hay tổ chức có quan hệ với Đảng Cộng Sản Việt Nam, trong khi tin tức và bình luận thì thường lệch lạc để trình bày quan điểm của các phe nhóm hay tấn công những địch thủ trong nội bộ Đảng, đặc biệt trong thời gian tiền Đại Hội Đảng Cộng Sản được tổ chức 5 năm 1 lần.

Tất cả các tổng biên tập hàng đầu đều do nhà nước bổ nhiệm và phải có thẻ đảng viên. Những tổng biên tập này được triệu tập họp đều đặn, thường vào mỗi sáng Thứ Ba, với sự hiện diện của các cán bộ của Ban Tuyên Giáo Trung Ương là người ấn định nghị trình tin tức hàng tuần, mà tiêu biểu là một chuỗi những buổi họp và biến cố chính thức. Theo các ký giả địa phương thì – cũng trong khung cảnh của những buổi họp kín đó – nhà nước duyệt xét những bài vở được đăng trong tuần lễ trước đó, khiển trách những tổng biên tập đã cho phép đăng những tin tức hay nhận định được coi như đi chệch hướng của Đảng.

Chính phủ không nhìn nhận việc sở hữu một sổ đen chính thức bao gồm tên của những ký giả đã coi thường những chỉ thị của Ban Tuyên Giáo Trung Ương hoặc bị tin là có những liên hệ với các nhà đối kháng chính trị. Tuy nhiên, những ký giả đã trao đổi với CPJ quả quyết là danh sách đó là có thật. Một nữ ký giả nói bà tin là đã bị cho vào sổ đen từ năm 2009 sau khi bị giam giữ và thẩm vấn bởi công an liên quan đến việc bà viết blog liên quan đến những tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc, là một chủ đề nhậy cảm đối với chính phủ. Kể từ đó, Bà nói, chính phủ liên tục chối từ các yêu cầu phỏng vấn và ngăn cản Bà tham dự những hội nghị quốc tế và thượng định.

Theo các tổng biên tập và ký giả quen thuộc với những hướng dẫn của Ban Tuyên Giáo Trung Ương thì những chủ đề bị cấm bao gồm những sinh hoạt của các nhà đối kháng và những nhà hoạt động dân chủ, vấn đề tham nhũng ở thượng tầng, những chia rẽ trong nội bộ Đảng, những vấn đề nhân quyền, những cuộc biểu tình hay những quan điểm chống Trung Quốc, và bất cứ những nhắc nhở nào liên quan đến sự khác biệt sắc tộc hay Nam Bắc. Cùng với tình trạng kinh tế gần đây bắt đầu trì trệ, danh sách những đề tài cấm kỵ lại dài thêm, bao gồm luôn cả việc chính phủ và việc chính phủ quản trị kinh tế, vấn đề tranh cãi đất đai giữa chính phủ và các cộng đồng địa phương, và vấn đề con gái Thủ Tướng quản trị kinh doanh.

Một trường hợp tiêu biểu: một ký giả làm việc cho báo Tuổi Trẻ đặt tại Sài Gòn cho biết là mới đây Ban Tuyên Giáo Trung Ương đã gọi cho văn phòng của ông ta để yêu cầu ngừng đăng một loạt truyện nhiều kỳ và những bài quan điểm mà nội dung là đặt câu hỏi tại sao thuế lợi tức tại Việt Nam lại cao hơn ở các quốc gia láng giềng giàu mạnh hơn. Mặc dầu tờ Tuổi Trẻ đã chuẩn bị sẵn để đăng nhiều bài phụ trội liên quan đến cùng đề tài này, loạt bài nói trên đã bị đột ngột ngừng đăng. Buổi sáng, khi bắt đầu làm việc trên một câu chuyện; buồi chiều Bạn bị bảo ngừng”, người ký giả cho biết, và yêu cầu được ẩn danh. “Điều đó đôi khi làm cho bạn giơ tay lên trời để nói là tôi không muốn tiếp tục làm công việc này nữa.”

Ngay cả với sự hiện hữu của những hướng dẫn chặt chẽ nói trên, người ký giả đã chia sẻ với CPJ rằng sự di chuyển, các liên lạc điện thoại, và những hoạt động trên mạng của họ bị theo dõi chặt chẽ. Một ký giả địa phương làm việc cho dịch vụ chuyển tin nói rằng ông ta có 4 điện thoại cầm tay trong đó 3 chiếc đăng ký theo tên người khác để tránh việc nhà nước nghe lén, đặc biệt đối với những liên lạc của ông ta với các toà đại sứ nước ngoài hay với những nhà đối kháng trong nước. Ông nói ông thường gọi cho những đối tượng nhạy cảm từ những nơi cách xa toà báo của ông ta để tránh bị máy GPS tìm ra địa điểm của mình.

Nhiều ký giả làm việc cho truyền thông của chính phủ đã chia sẻ với CPJ là trước đây họ có những trang blog độc lập nằm ngoài văn phòng làm việc của họ, trên đó họ phổ biến những tài liệu mà tờ báo của họ đã kiểm duyệt, hoặc đăng những lời góp ý chỉ trích việc cơ quan truyền thông của họ đã bóp méo tin tức thời sự. Tuy nhiên, khi chính phủ gia tăng việc theo dõi và kiểm soát môi trường blog thì họ đã đóng các trang blog của mình lại, hoặc là vì áp lực trực tiếp của nhà nước hay vì lo sợ là họ sẽ bị sa thải nếu bị khám phá ra là họ đã hoạt động dưới những blog ẩn danh.

Huỳnh Ngọc Chênh, một cựu tổng biên tập đã về hưu của tờ báo Thanh Niên, nói là ông đã bị ép phải đóng trang blog cá nhân dưới áp lực nặng nề của nhà nước sau khi ông viết bài về một số vấn đề nhạy cảm, bao gồm việc mà ông gọi là “những thất bại của hệ thống chính trị”. Ông Chênh nói kể từ khi nghỉ làm với báo Thanh Niên ông đã bắt đầu mở lại blog và hiện nay viết đều đặn về những chủ đề mà truyền thông nhà nước không đề cập.

Ông Chênh mở blog dưới tên thật của mình, nói “Ở Việt Nam, có nhiều vấn đề không đúng – tham nhũng, tệ nạn xã hội, vấn đề chính trị – mà các ký giả không được phép đề cập. Là một ký giả, có những điều tôi muốn viết và phổ biến nhưng không làm được. [Ở cương vị một blogger] tôi viết về những điều tôi nhìn thấy và nói thẳng ý kiến của mình”. Ông Chênh cho biết ông chưa phải đối đầu với hậu quả nào về việc Ông viết blog và nhất định muốn là tên của ông được nêu trong bản báo cáo này.

Mặc dầu không là đối tượng của sự kiểm duyệt hàng tuần qua những buổi họp của Ban Tuyên Giáo Trung Ương, những ký giả ngoại quốc làm việc tại Việt Nam phải đối đầu với một số giới hạn khác. Công an theo dõi những công việc tường thuật của họ qua những buổi “gặp mặt uống cà phê” có tính cách không chính thức với những người phụ tá tại địa phương của họ. Tất cả các văn phòng truyền thông ngoại quốc đều đươc yêu cầu tuyển dụng những người phụ tá người địa phương mặc dầu họ không được cấp tư cách ký giả.

Tại một trong những buổi gặp mặt như nói trên, công an đã hỏi người phụ tá cho một tờ báo quan trọng của Tây Phương là tại sao người phóng viên của họ đã gặp một ký giả có tên trong “sổ đen” – đó là chỉ dấu, bà nói, cho thấy là những nhân viên mặc thường phục theo dõi rất sát công việc của người ký giả ngoại quốc nói trên. Một người phụ tá khác của một cơ quan truyền thông ngoại quốc cho biết là, dựa trên những câu hỏi của công an tại những buổi gặp mặt uống cà phê, anh thường có thể biết là những cú điện thoại nào gọi từ văn phòng bị nghe lén.

Theo một người trưởng nhiệm của một cơ quan truyền thông ngoại quốc, phát biểu với điều kiện được giấu tên, thì các ký giả ngoại quốc làm việc tại Việt Nam theo chiếu khán được gia hạn mỗi 6 tháng, là một phương thức khuyến khích việc tự kiểm duyệt đối với những người muốn giữ công việc của mình ở Việt Nam. Ông này cho CPJ biết là sau khi một ký giả tường trình về việc nhà nước đàn áp những người bất đồng chính kiến và những blogger độc lập, nhà nước đã cắt ngắn thời gian gia hạn chiếu khán của người này thành 3 tháng và yêu cầu nhà nước duyệt xét bản báo cáo mới nhất của ký giả này.

Những ký giả ngoại quốc cũng cần phải được phép của Bộ Ngoại Giao để tường trình ở ngoài thủ đô Hà Nội. Những ký giả đã chia sẻ với CPJ về điều kiện nói trên than phiền là thủ tục xin phép thường mất nhiều tuần lễ, thậm chí nhiều tháng, nên những tin tức mà họ muốn tường trình đã mất hết thời gian tính khi họ nhận được giấy phép. Đối với những ký giả đi vào Việt Nam đột xuất thì được yêu cầu phải mướn một người hướng dẫn do nhà nước chỉ định với giá tương đương với $200 mỹ kim một ngày, hình thức giám thị này giới hạn khả năng thực hiện những cuộc phỏng vấn vô tư những nguồn tin độc lập.

Một không gian mở rộng bị đóng lại

Giới bloggers tại Việt Nam phát triển mạnh trong khoảng nửa đầu thập niên 2000, hầu như không bị phiền phức về mặt luật pháp hoặc bị theo rõi. Yahoo 360˚ nổi lên như là diễn đàn blog được ưa chuộng nhất, và ở thời điểm cực thịnh có khoảng 2 triệu blogs. Mặc dầu đa số những blogs này thiên về đời sống và lối sống hơn là về tin tức, một số blogs khác lại tập trung về những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, gồm cả những phê phán về chính sách nhà nước, những dự án, và cá nhân mà chắc chắn sẽ bị kiểm duyệt trong báo chí dòng chính.

Vào cuối năm 2007, các bloggers đã tìm được mục tiêu chung trước phản ứng yếu ớt của nhà cầm quyền đối với việc Trung Cộng thành lập một huyện mới trên quần đảo Hoàng Sa, trong lịch sử được coi như là thuộc về Việt Nam. Những bloggers có tinh thần quốc gia đã sử dụng mạng để tổ chức một loạt những cuộc biểu tình chống Trung Cộng trong những năm 2007 và 2008 mà nhà cầm quyền đã nhanh chóng dập tắt để tránh làm người láng giềng phương bắc khó chịu. Nhiều người đã bị bắt, thẩm vấn, và nếu bị coi là thành phần lãnh đạo của các cuộc biểu tình thì bị bỏ tù vì tội chống nhà nước hoặc những cáo buộc tùy tiện khác, theo lời những bloggers, nhà báo, những nhà đấu tranh bị bắt trong các cuộc đàn áp.

Một phong trào tương tự được hình thành trên mạng trong năm 2009 chống lại việc Trung cộng khai thác bô-xít. Trong khi truyền thông dòng chính được chỉ thị ca ngợi lợi ích kinh tế của dự án, thì theo các nhà báo địa phương, các bloggers phê bình dự án về nhiều mặt, bao gồm hậu quả tai hại về môi trường, việc Trung cộng đem sang hàng ngàn công nhân Trung quốc thay vì sử dụng công nhân Việt Nam, việc thủ tướng Dũng bị cáo buộc có lợi ích cá nhân trong dự án nhiều triệu đô la này.

“Sau những chống đối đó, nhà cầm quyền Việt Nam nhìn thấy ảnh hưởng của các blogs trên đời sống chính trị tại Việt Nam,” một blogger đã từng bị bắt tạm thời trong các cuộc đàn áp năm 2009 cho biết. “Bây giờ họ coi blogs là một thứ gì rất nguy hiểm mà họ cần kiểm soát. … Họ coi bloggers là lực lượng thù địch.”

Vào giữa năm 2009, Yahoo đóng cửa diễn đàn 360˚, làm tan vỡ một cộng đồng mạng từng gắn bó và được cách ly. Nhiều bloggers đã nói với CPJ rằng họ tin là nhà cầm quyền đã áp lực Yahoo phải ngưng dịch vụ này bởi vì máy chủ ở bên ngoài Việt Nam giúp tăng thêm an toàn cho những bloggers ẩn danh. Đại diện của Yahoo đã nhất mực bác bỏ ước đoán này, nhấn mạnh rằng dịch vụ này đã được bãi bỏ trên toàn khắp thế giới, chứ không riêng gì ở Việt Nam, vì lý do mức sử dụng bị giảm sút.

Nhà cầm quyền từ đó đã xiết chặt sự kềm kẹp của họ trên thế giới blog, mặc dầu sự kiểm soát internet của Việt Nam còn kém hơn Bức Tường Lửa Lớn của Trung Cộng về mức độ phức tạp và tinh vi. Những bloggers đã từng nói chuyện với CPJ cho biết họ thường xuyên vượt qua được sự ngăn chặn của nhà cầm quyền để vào những trang nhà hoặc những trang mạng xã hội bằng cách sử dụng những máy chủ proxy hoặc những kỹ thuật đi vòng khác. Nhiều người nói rằng họ ưu tiên sử dụng Facebook làm diễn đàn blog một phần vì công ty Mỹ này không có trụ sở tại Việt Nam và như vậy ít có khả năng bị áp lực của nhà cầm quyền buộc phải tiết lộ địa chỉ IP của những người sử dụng.

Nhà cầm quyền hiện đang cố gắng thu hẹp khoảng cách này. Những biện pháp mới đây nhằm hạn chế tự do internet bao gồm việc gia tăng theo dõi các blogs, ra luật mới cấm đưa lên mạng những tin tức bị coi là đe dọa tới an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc, và việc triển khai lực lượng “vệ binh đỏ” là những nhân viên an ninh đóng vai những người sử dụng internet bình thường để gay gắt phê bình hoặc sách nhiễu những bloggers bị coi là mục tiêu, theo những cuộc phỏng vấn của CPJ. Một sắc lệnh hành chánh mới đang được dự thảo để buộc các công ty như Facebook và Google phải hợp tác với nhà cầm quyền và đặt văn phòng hoặc bổ nhiệm người đại diện tại Việt Nam. (Hiện nay chỉ có Yahoo là có văn phòng tại Việt Nam.)

Nếu sắc lệnh được ban hành thì hàng loạt những công ty trung gian, bao gồm những nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP), những mạng xã hội, những diễn đàn tương tác, và những blogs cá nhân, đều có khả năng vi phạm pháp lý. Sắc lệnh cũng buộc những công ty liên quan tới internet có trụ sở chính tại Việt Nam phải đặt máy chủ tại Việt Nam, một đòi hỏi mà những bloggers ẩn danh hoặc nặc danh đang lo sợ sẽ gây nguy hại tới sự an toàn về địa chỉ IP của họ.

Bloggers cố gắng lấp khoảng trống

Trịnh Kim Tiến, một blogger 22 tuổi, là một trong những mục tiêu sách nhiễu.Trong năm qua, cô đã duy trì một blog trên Facsbook công bố những trường hợp công an lạm dụng quyền lực. Cô cho CPJ biết rằng cô viết blog về những vấn đề công lý và lạm dụng quyền lực sau khi cha cô bị công an bắt và đánh tới bị liệt và chết sau đó chỉ vì một vi phạm giao thông nho nhỏ.

Cô Tiến nói rằng những bài viết của cô vạch trần những biện pháp sau hậu trường của công an để thoát khỏi công lý trong những trường hợp lạm dụng quyền lực trên toàn quốc. “Trong những năm gần đây, có rất nhiều cái chết bí ẩn trong đồn công an,” cô Tiến cho biết trong một cuộc gặp gỡ với CPJ tại một quán cà phê chui ở Hà Nội. “Họ nói là nhiều người đã tự tử.”

Phán quyết của tòa án trong phiên xử đầu tiên về cái chết của cha cô là cha cô đã chết một cách ngẫu nhiên trong khi bị bắt giữ. Tòa thượng thẩm sau đó đã trì hoãn đưa ra phán quyết trong ba lần khác nhau – một chỉ dấu, mà theo cô, là tính công khai mà những bài việt trên blog của cô đã tạo ra. Công an thì vẫn phủ nhận mọi hành vi sai trái trong trường hợp này.

Tuy nhiên, cá nhân cô đã phải trả giá rất đắt cho những bài viết có tính cách phê phán đó. Từ khi cô bắt đầu viết blog, cô Tiến cho biết cô đã nhận được nhiều cú điện thoại và những lời đe dọa từ những máy điện thoại sử dụng thẻ điện thoại không thể truy tìm nguồn gốc. Cô cũng cho biết có những người ẩn danh đã để lại trên trang Facebook của cô những lời lẽ thô tục và địa chỉ nhà cô, số điện thoại cũng như địa chỉ điện thư của cô mới đây đã bị đưa lên một trang web địa phương được biết là chuyên cung cấp dịch vụ tình dục.

“Họ làm tất cả những gì làm được để hạ nhục và làm mất danh dự tôi,” cô Tiến nói, và cô so sánh sự sách nhiễu này như là sự “tra tấn tinh thần và tâm thần”. Cô nhận định những việc này là do những thành phần công an côn đồ. “Tôi sẽ tiếp tục viết và chiến đấu, nhưng tôi thực sự không biết họ sẽ còn làm gì nữa đối với tôi”.

Đối với những bloggers khác, sự đàn áp công khai hơn. Trong năm qua, nhà cầm quyền đã bắt giữ và buộc tội chống chính quyền bốn bloggers có liên hệ tới Truyền Thông Chúa Cứu Thế, một dịch vụ thông tin Công giáo trên mạng tường trình về những vấn đề tôn giáo và xã hội, từ một nhà thờ tại Tp. HCM. Là một tổ chức tôn giáo, đã bắt đầu phát hành những cuốn sách nhỏ từ năm 1935, nhiều năm truớc khi có đảng cộng sản, Truyền Thông Chúa Cứu Thế hoạt động bên ngoài những hướng dẫn về kiểm duyệt của Ban Tuyên Giáo Trung Ương và dựa vào một mạng lưới rộng khắp các phóng viên dân báo cung cấp hầu hết các tin tức.

“Chúng tôi có phóng viên riêng của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng đăng tải những thông tin từ những người mà chúng tôi nghĩ chúng tôi có thể thay mặt họ để nói lên đôi điều,” theo lời linh mục Đinh Hữu Thoại, người giúp việc hoàn chỉnh Bản Tin và Trang Blog. “Chúng tôi đại diện cho những người không có tiếng nói.”

Những bloggers bị bắt, bao gồm biên tập viên Paulus Lê Văn Sơn, đều đã đăng những bài phê bình nhà cầm quyền về những mưu toan chiếm dụng đất của Giáo Hội Công Giáo. Gần một năm sau ngày bị bắt, cả bốn người vẫn còn bị giam giữ mà không được xét xử. Theo một nhân viên của Truyền Thông Chúa Cứu Thế, yêu cầu được giấu tên, những cộng tác viên khác đã bị công an làm áp lực để họ ngưng cộng tác với trang mạng, gồm cả những người đã tường trình về sự va chạm giữa giáo hội và nhà cầm quyền.

“Chúng tôi được tự do cầu nguyện, giảng đạo, viết blog trong khuôn viên nhà thờ, nhưng một khi mạo hiểm ra ngoài, chúng tôi có thể bị sách nhiễu và bị bắt,” nhân viên trên nói. Trang mạng Truyền Thông Chúa Cứu Thế bị chặn tại Việt Nam và một số trang sao (mirror) cũng bị tấn công bằng phương pháp từ chối dịch vụ (DoS attack).

Tín hiệu hỗn tạp cho giới truyền thông

Trong khi sự đàn áp công khai là một nguy hiểm thực sự cho tất cả các nhà làm báo, một số nhà quan sát độc lập lại cảm thấy sự bất nhất trong chính sách truyền thông của nhà cầm quyền.

Geoffrey Cain, một nhà nghiên cứu đã tìm cách nhận diện các mô hình kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam, nói với CPJ rằng các cuộc thảo luận với các phóng viên địa phương cho thấy tự do báo chí tại Việt Nam đang trên đà “tuột giốc” từ năm 2006, khi mà hai phóng viên địa phương tung tin về sự bê bối ở cấp cao tại Bộ Giao Thông, còn gọi là PMU-18, và sau đó bị xử án tù về tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ.”

Tuy nhiên ông Cain tin rằng các nhà lãnh đạo cộng sản mới đây đã cho phép nhiều thông tin hơn về tham nhũng ở cấp địa phương – một phương cách thực hành mà ông mô tả như là “cố tình kiểm duyệt không đầy đủ” – như là cách thức để kỷ luật và làm bẽ mặt các viên chức địa phương và nhân viên công an nằm ngoài tầm của trung ương đảng. Các nhà báo địa phương nói họ tin rằng những cuộc tranh chấp phe nhóm bên trong đảng cộng sản cũng khiến cho việc quyết định chính sách về truyền thông trở nên ít chắc chắn hơn.

“Ranh giới kiểm duyệt đã trở nên quá mù mờ, và những nhân viên an ninh luôn để mắt tới các nhà báo, một kiểu hiệu ứng chòi canh tròn (panopticon effect)”, ông Cain đã nói như vậy trong một điện thư trao đổi với CPJ. “Càng ngày càng có vẻ ít tương quan giữa các đề tài phóng sự, đội ngũ biên tập viên, và không biết họ có gặp rắc rối hay không. Đảng cộng sản lợi dụng sự bất chừng này để khiến các nhà báo luôn phải thận trọng.”

Đây có vẻ cũng là trường hợp về sự kiểm duyệt trên mạng thất thường của nhà cầm quyền. Cũng như đối với báo chí dòng chính, ba nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) chính tại Việt Nam đều bị kiểm soát bởi những phe nhóm khác nhau trong Đảng Cộng Sản. Các bloggers địa phương nhận thấy rằng trong khi một số trang web và diễn đàn xã hội bị chặn tại một ISP thì lại có thể truy cập được tại những ISP khác, có thể là chỉ dấu của sự đấu đá nội bộ. Một trợ tá viên về tin tức của một tờ báo phương tây nhận thấy rằng khi chính phủ tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông vào hồi tháng Sáu – một tuyên cáo tế nhị, cân nhắc sự đòi hỏi đối nghịch của Trung Cộng về các đảo trên – thì trang web của Quốc Hội có đăng tải bản tuyên cáo bị một ISP chặn lại trong khi hai ISP thì không chặn.

Những bloggers địa phương cũng tin rằng nhà cầm quyền ngăn chặn một cách không thường xuyên những trang mạng xã hội như Facebook, để ngăn ngừa những nhóm có khuynh hướng chính trị không thể kết hợp lại.

Trong khi nhà cầm quyền một mặt áp đặt những hạn chế mới trên các bloggers, thì cũng có cá nhân những viên chức bắt đầu chấp nhận thế giới blog tràn đầy sức sống trong nước. Dân Làm Báo (Citizen Journalist), một blog tập thể tiếng Việt nổi tiếng thường đăng tải những tin tức và xã luận có tính phê phán từ khoảng 20 cộng tác viên trong nước, nhận được 150.000 lượt xem mỗi ngày sau chỉ hai năm phát hành, theo một biên tập viên yêu cầu giấu tên, cho biết.

Biên tập viên này nói rằng trang blog đã đăng tải một loạt những bài, không được yêu cầu, do một nguồn nặc danh từ Tổng Cục Tình Báo Quân Sự của chính phủ, dựa trên những tài liệu nội bộ bị rò rỉ để phê bình đánh giá những hoạt động của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và Phòng Thườmg Mại Hoa Kỳ tại Việt Nam. Những tài liệu khác nhận được từ cùng một nguồn cung cấp đã chi tiết hóa những tương tác bí mật Giữa Bộ Ngoại Giao Trung Qốc và Tòa Đại Sứ Việt Nam. Mặc dù vậy, những cộng sự viên bí mật của Dân Làm Báo vẫn phải đối diện với sách nhiễu, như truờng hợp một blogger mới đây bị cấm không được xuất ngoại để tham dự một khóa huấn kuyện, dưới dạng hội thảo chuyên đề, về an toàn internet.

Những tín hiệu hỗn tạp trên duy trì văn hóa sợ hãi, giữ các nhà báo trong nước trên lưỡi dao. “Thật khó mà biết được lằn ranh ở đâu vì chính Đảng Cộng Sản cũng không biết họ đang làm gì,” một phóng viên ẩn danh của tờ báo Pháp Luật (Law), viết blog với một bút hiệu khác, đã nói như vậy trong một lần gặp gỡ với CPJ tại một quán cà phê chui ở Hà Nội.” “Chúng tôi không biết làm sao để tự bảo vệ mình. Một sự sợ hãi lớn đã ngăn chúng tôi lên tiếng… Ngay cả lúc này, tôi cũng không dám chắc chúng ta có bị nghe lén hay không. Ở Việt Nam, bạn không bao giờ biết được.”

Khuyến Cáo của CPJ

Đối với chính quyền Việt Nam

  • Trả tự do cho các phóng viên đang bị cầm tù ngay lập tức và vô điều kiện. Nghiên cứu của CPJ cho thấy có ít nhất 14 phóng viên hiện còn bị cầm tù tại Việt Nam vào thời điểm 1 tháng Chín, 2012.
  • Áp dụng các cải tổ về luật pháp và thực thi pháp luật của Việt Nam cho hợp với tiêu chuẩn quốc tế về tự do báo chí và tự do ngôn luận. Chấm dứt ngay lập tức việc nhà nước kiểm duyệt các nhật báo và các ấn phẩm khác.
  • Ngưng việc bắt giam, theo dõi, sách nhiễu tùy tiện các phóng viên.
  • Bỏ dự định chính phủ về dịch vụ Internet, trong đó cấm không được ẩn danh trên mạng và yêu cầu các công ty Internet ngoại quốc phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Bãi bỏ các luật lệ và chính sách đương thời giới hạn tự do Internet.
  • Hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại các điều luật về chống chính quyền, kể cả điều 79 và 88 của bộ luật hình sự, trừng phạt “tuyên truyền” chống chính quyền. Những điều khoản này được thường xuyên dùng để đe dọa và cầm tù các phóng viên.
  • Cho phép các phóng viên quốc tế tự do lui tới mọi vùng trong lãnh thổ Việt Nam. Ngừng áp lực các phụ tá tin tức địa phương cho các ấn phẩm ngoại quốc để cung cấp tin tức về kế hoạch đưa tin, lấy hẹn, nguồn tin.
  • Chấm dứt chính sách độc quyền của chính quyền về truyền thông in và phát sóng, và cho phép thành lập các cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình tư nhân, độc lập.

Đối với Cộng Đồng Âu Châu và Hoa Kỳ:

  • Đòi hỏi mối quan hệ chính trị và kinh tế trong tương lai sẽ phụ thuộc vào nỗ lực cởi mở chính trị và cải thiện tự do báo chí và tự do Internet của Việt Nam.
  • Đặt việc trả tự do cho các phóng viên bị cầm tù như một điều kiện tiên quyết trong mối cam kết gia tăng thương mãi, chiến lược, ngoại giao với Việt Nam, kể các các hiệp ước giao thương và đầu tư.
  • Trong trường hợp của Hoa Kỳ, nhấn mạnh về những điều kiện trên trước khi cho phép Việt Nam tham gia vào hiệp ước giao thương Đồng Minh Xuyên-Thái Bình Dương. Tương tự vậy, Hoa Kỳ nên từ chối lời yêu cầu của Việt Nam để được hưởng quyền lợi chương trình miễn thuế ưu đãi cho các quốc gia cho đến khi quyền tự do báo chí được cải thiện đáng kể.

Đối với các thành viên quốc gia của Liên Hiệp Quốc

  • Đòi hỏi Việt Nam thả tự cho các phóng viên bị cầm tù và cải thiện tình trạng tự do báo chí như là một điều kiện để chấp thuận cho Việt Nam muốn tham gia vào Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc năm 2014.

Đối với thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

  • Xét đến việc ra một nghị quốc kêu gọi Việt Nam cải thiện tình trạng tự do báo chí và tự do Internet và ngưng ngay việc cầm tù dai dẳng các phóng viên.

Đối với các công ty kỹ thuật và Internet quốc tế

  • Từ chối không tuân theo các điều khoản giới hạn trong dự định của chính phủ về dịch vụ Internet. Các điều khoản như thế yêu cầu các công ty Internet phải đặt máy chủ và đại diện tại Việt Nam. Công ty có thể tiếp tục đặt máy chủ ngoài Việt Nam; chính quyền của các quốc gia giao thương có thể đặt vấn đề kiểm duyệt các website ngoại quốc theo điều khoản tự do giao thương.
  • Đặt điều kiện mọi đầu tư và chuyển giao kỹ thuật tương lai tùy thuộc vào tiến triển cải thiện tự do báo chí và tự do Internet của Việt Nam. Xét đến việc giảm xuống hoặc đóng cửa các văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất tại Việt Nam cho đến khi đạt được tiến triển.
  • Đối thoại với các phóng viên và blogger địa phương để bảo đảm các biện pháp theo tiêu chuẩn quốc tế chấp nhận được dùng để bảo đảm sự ẩn danh và an toàn của người sử dụng.

Việt Thi – BBT-WebVT chuyển ngữ

Nguồn: https://www.cpj.org/reports/2012/

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

"Tứ trụ" nay còn hai. Ảnh: Nhac Nguyen/AFP via Getty Images

Tình hình đấu đá thượng tầng lãnh đạo CSVN mang ý nghĩa gì?

Chỉ còn 6 năm nữa, đảng CSVN bước vào tuổi 100 (1930-2030). Về mặt con số, cho thấy là đảng CSVN sống khá thọ, hơn cả tuổi thọ trung bình của một đời người. Nhưng về mặt năng lực, rõ ràng là đảng CSVN ngày nay chỉ còn là cái xác khô và đang trong quá trình phân hủy.

Cựu TNLT Châu Văn Khảm cảm tạ đồng hương đã trong thời gian dài góp phần vận động áp lực quốc tế buộc nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho ông trước thời hạn trong buổi gặp gỡ thân hữu cùng đồng hương vùng Little Sài Gòn, Nam California hôm 11/5/2024. Ảnh: Cơ sở Việt Tân Orange County

Cựu TNLT Châu Văn Khảm gặp gỡ đồng hương tại Hoa Kỳ

Nhân chuyến thăm Hoa Kỳ, ông Châu Văn Khảm, một đảng viên Việt Tân, người đã bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam trong gần 5 năm qua bản án 12 năm tù giam với cáo buộc “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân,” đã có một buổi gặp gỡ đồng hương và thân hữu tại Orange County, Nam California hôm 11/5/2024.

Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm

Đảo chính tại Việt Nam!

Giữa cơn rối ren chính trị của chế độ, nếu chỉ nhìn vào sự hạ bệ cá nhân các tên tuổi Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Hoàng Trung Hải, Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ và sắp tới đây là Trương Thị Mai, vì những nghi vấn tham nhũng, trục lợi cá nhân… thì chúng ta chưa nhìn thấy hết sự tầm vóc sự việc. Chúng không đơn giản chỉ là việc chống tham nhũng qua công cuộc “đốt lò” mà ông Nguyễn Phú Trọng phát động và rêu rao trong nhiều năm qua với mục tiêu chỉnh đốn đảng.

Tượng đài Cảnh sát nhân dân. Ảnh chụp từ Zing News

Tượng đài cho ai?

Việc vẫn “kiên định” để tiếp tục xây lên những cái gọi là tượng đài trăm tỷ nghìn tỷ kia chỉ khiến dân ca thán, chán nản và mất hẳn niềm tin. Trong tình hình hiện nay, những bệnh viện lớn bảo đảm việc khám chữa bệnh cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả với chi phí thấp nhất hay những ngôi trường “thân thiện” mà ở đó “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”…, mới chính là những “tượng đài” mà người dân đang cần hơn bao giờ hết.