Ý Niệm Đảng Cầm Quyền Trong Một Chế Độ Dân Chủ

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) đã, đang và còn muốn độc quyền lãnh đạo đất nước. Nói cách khác, từ 1945 đến nay và họ còn có ý định cầm quyền cai trị vĩnh viễn, không nhường cho bất cứ ai. Điều 4 của bản Hiến Pháp Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay đã minh định điều này. Khi chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ và không còn là chỗ dựa để họ thực hiện ý đồ muôn năm trường trị đất nước ta, khi cao trào dân chủ đang trên đà toàn cầu hóa, họ đã cố gắng cùng với các nước cộng sản còn lại, đặc biệt là Trung Quốc, dọ dẫm, tìm ra những lý lẽ để bám lấy chính quyền. Đó là mục tiêu và cũng là nội dung cuộc Hội thảo lý luận giữa Đảng CSVN và Đảng Cộng sản Trung Quốc : “Xây dựng Đảng cầm quyền-Kinh nghiệm của Việt Nam, Kinh nghiệm của Trung Quốc” được tổ chức tại Hà Nội, ngày 16/02/2004 vừa qua. Để nới rộng tầm nhìn về một nền dân chủ mà các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là dân tộc Việt Nam, hằng ao ước, thiết tưởng cũng nhân cơ hội này tìm hiểu quan niệm về đảng cầm quyền của Bắc Kinh và Hà Nội, từ đó đối chiếu với ý niệm vai trò của các đảng chính trị trong một chế độ dân chủ thực sự.

Quan Niệm Đảng Cầm Quyền của cộng sản Trung Quốc và Việt Nam

Theo báo chí của Hà Nội, cuộc “Hội Thảo” giữa hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, với sự tham dự phía Việt Nam gồm “Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng đoàn ; Nguyễn Văn Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương…” và một số quan chức khác thuộc “Hội đồng Lý luận Trung ương” ; phía Bắc Kinh gồm “Hạ Quốc Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng đoàn ; Vương Gia Thụy, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương ; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tề Kiến Quốc” và một số người khác. Thông tấn xã của Hà Nội cho biết : “Đây là cuộc Hội thảo lớn tiếp sau cuộc Hội thảo lý luận : “Chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường – Kinh nghiệm của Trung Quốc, Kinh nghiệm của Việt Nam”, diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 8 đến ngày 9/10/2003, theo sự thỏa thuận giữa lãnh đạo của hai Đảng”.

Trong cuộc hội thảo này, quan điểm và lập trường của đảng CSVN đã được Nguyễn Phú Trọng xác định đảng CSVN “phải luôn luôn giữ được bản chất cách mạng và khoa học của mình trên nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…”. Qua lời phát biểu này, người ta thấy được rằng, mặc dù chủ nghĩa Mác Lênin đã được chứng minh là chủ nghĩa sai lầm, đã bị phá sản và đã bị nhân dân các nước theo chủ nghĩa xã hội tại Đông Âu và ngay cả tại Liên Xô là cái nôi của nó đã vứt bỏ, đảng CSVN vẫn nhất quyết đưa dân tộc và đất nước Việt Nam đi theo con đường thất bại đó. Thực chất thì từ gần hai chục năm nay, dưới chiêu bài “đổi mới”, CSVN đã đi trật hướng Mác – Lênin, nếu không muốn nói đã bỏ con đường Mác – Lênin để chạy theo kinh tế tư bản. Nhóm chữ “xã hội chủ nghĩa” (XHCN) gắn sau đuôi “kinh tế thị trường” không lừa mị được cán bộ đảng viên của họ, lại càng không lừa mị được cộng đồng thế giới. Họ đã thấy rõ đảng không còn là đảng của “giai cấp vô sản”, đảng “cách mạng vô sản” như họ hằng rêu rao… Vì thế họ đã “biến chất”, đã quan quyền hơn cả tham quan phong kiến, nhũng nhiễu nhân dân hơn cả tham quan ô lại thời quân chủ, đục khoét biển thủ hơn cả bọn công chức thối nát của tư bản… Vì thấy rõ nguy cơ mất ổn định từ ngoài cũng như từ trong đảng, họ đã phải mượn miệng Nguyễn Phú Trọng để tuyên bố : “Trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới, phải luôn luôn kiên định vai trò lãnh đạo, vị thế cầm quyền của Đảng ; đồng thời làm tốt công tác xây dựng đảng, thường xuyên đổi mới, chỉnh đốn đảng”.

Định nghĩa về “đảng cầm quyền” đã được Nguyễn Phú Trọng đưa ra như sau : “Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo toàn bộ xã hội, trong đó có chính quyền, làm cho mọi hoạt động của chính quyền thể hiện được tư tưởng, đường lối của Đảng, phù hợp với lập trường và phục vụ cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc mà Đảng là đại diện”. Những điều xác định trên đây không có gì mới lạ. Từ 1945 đến nay, đảng CSVN vẫn luôn luôn làm như vậy. Điều mà từ trước tới giờ, người dân trong và ngoài nước, thậm chí cả người nước ngoài đều nhận thấy nhưng CSVN ít khi đề cập thẳng thắn, đó là “phục vụ cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc mà Đảng là đại diện”.

Hiện trạng xã hội ngay từ trong “thời kỳ bao cấp”, tức là thời kỳ CSVN áp dụng nguyên bản chủ thuyết Mác-Lênin, cán bộ, đảng viên vẫn có những tiêu chuẩn đặc biệt hơn hẳn đại khối quần chúng nhân dân. Về lương thực, thực phẩm, họ được nhiều hơn, tốt hơn dân. Về y tế, họ được chăm sóc thuốc men đầy đủ hơn dân thường trong những bệnh viện dành riêng cho họ. Về giáo dục, con em họ được xếp hạng trên đỉnh nấc thang ưu tiên, mặc dù nhiều em học lực rất kém… Ngày hôm nay, sau gần 20 năm “đổi mới”, người ta thấy sự phân biệt giàu nghèo ngày càng trầm trọng : một bên là những cán bộ, đảng viên giàu “nứt đố đổ vách”, nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, kẻ ăn người làm, con cái du học tiêu tiền như nước… ; một bên là quảng đại nhân dân toàn xã hội, nhất là ở vùng quê, vùng xa, việc kiếm miếng ăn từng ngày vẫn là mối lo của người dân. Chính sách “xóa đói giảm nghèo” mà chính quyền CSVN mang ra khoe khoang với các cơ chế tài chính thế giới để xin tiền với những con số khó tin như hiện chỉ còn 12% hộ đói nghèo trên cả nước vv… chỉ áp dụng cho nhân dân. Không có cán bộ, đảng viên nào lâm cảnh đói nghèo để phải hưởng chính sách “xóa đói giảm nghèo”. Chính Nguyễn Phú Trọng đã trình bày trước phái đoàn Bắc Kinh : “Là Đảng cầm quyền trong điều kiện hiện nay, Đảng phải chăm lo công tác cán bộ, chăm lo cán bộ cho cả hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực”. Dùng cả tài nguyên quốc gia để “chăm lo” cho đội ngũ cán bộ, không uổng cán bộ đã trở thành giai cấp “tư bản đỏ”.

Điều thứ nhì phải nói ở đây là đảng CSVN tự nhận là đại diện cho dân tộc. Không ai phủ nhận những người theo đảng cộng sản không thuộc dân tộc Việt Nam. Nhưng đảng CSVN có thực sự là đại diện cho dân tộc Việt Nam hay không thì rất nhiều người Việt Nam, kể cả những người đã cống hiến cả cuộc đời cho đảng, sẵn sàng trả lời ngay là “KHÔNG”. Chính những người lãnh đạo đảng cũng dư biết điều đó. Họ phải tự phong cho họ nhãn hiệu đó thì họ mới có thể dành độc quyền cai trị, họ mới có thể ghi trên giấy trắng mực đen sự độc quyền này trong điều 4 Hiến Pháp của họ. Nếu quả thật họ là “đại diện cho dân tộc”, họ xây dựng và quản trị xã hội vì quyền lợi của dân tộc thì họ không cần có điều 4 Hiến Pháp này. Nếu họ được sự ủng hộ tự nguyện của nhân dân, chứ không phải vì sợ bạo lực áp chế, thì họ đã chấp nhận một bối cảnh sinh hoạt đa nguyên với sự hiện diện và hoạt động của các đảng phái chính trị đối lập. Nếu họ thực sự có chỗ dựa là dân tộc thì họ ngại gì mà phải không chấp nhận tự do ngôn luận. Bao lâu đảng CSVN còn duy trì độc đảng, độc tài, còn độc quyền nắm truyền thông, cấm cản mọi hình thức sinh hoạt đảng phái… thì lúc đó danh nghĩa “đại diện cho dân tộc” chỉ là tiếm nhận. Trong bài “báo cáo” với quan thầy Bắc Kinh, Nguyễn Phú Trọng đã xác định : “Đảng đặc biệt quan tâm thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và chấn chỉnh hệ thống tổ chức của Đảng”. Tuyên bố câu này, đảng thấy rõ là nhân dân đang oán ghét cán bộ, đảng viên suy thoái, quan liêu, tham nhũng, oán ghét đảng thối nát…, và mong muốn một sự thay đổi. Biết rằng bạo lực chỉ trấn áp nhân dân được nhất thời, họ đang cố gắng sơn phết lại bộ mặt bằng cách chỉnh đốn đảng vì càng ngày đảng càng mất niềm tin tưởng của nhân dân.

Nếu đem so sánh bài đọc của Nguyễn Phú Trọng với bài của Hạ Quốc Cường, trưởng phái đoàn Trung Quốc thì hai bài giống nhau như in. Người ta không lạ gì là từ gần 20 năm nay, Hà Nội đã áp dụng đường lối chính sách sao y của Bắc Kinh.


Đảng Cầm Quyền Trong Thể Chế Dân Chủ

Theo dịnh nghĩa tiên khởi, dân chủ được hiểu nôm na là chính quyền thuộc về toàn dân. Cuộc cách mạng dân chủ, trong nghĩa rộng của nó đã diễn ra nhiều cách tùy địa phương, môi trường. Gọi là cách mạng vì nó là một cuộc đổi đời toàn diện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Xuất phát từ những ý niệm về quyền tự do của con người, về công bằng xã hội được những nhà tư tưởng, văn hào, triết gia như Jean-Jacques Rousseau chẳng hạn, tư tưởng dân chủ đã được hệ thống hóa và trở thành trào lưu dân chủ vào thế kỷ thứ 19. Sự xuất hiện của nền dân chủ mang tính cách mạng ở chỗ nó đã phá vỡ những khuôn mẫu cũ của xã hội chính trị. Từ nguyên trạng chính quyền thuộc về một người hay một gia đình của chế độ quân chủ, hay một số lãnh chúa cắt cứ mỗi người một phương trong chế độ phong kiến, sự chuyển đổi sang thể chế dân chủ là một chuyển đổi sâu rộng với việc hình thành những khuôn mẫu mới, những quan hệ mới giữa các thành viên trong xã hội để tồn tại và để thăng tiến tốt đẹp hơn chế độ cũ. Nó mang tính cách đổ máu như Cách Mạng Pháp năm 1789. Nhưng nó cũng tính cách ôn hòa như ở Anh. Kinh nghiệm cho thấy, cuộc cách mạng 1789 của Pháp đã dẫn tới nhiều rối loạn và đặt ra nhiều vấn đề khiến nền dân chủ đã có lúc bị quân chủ thay thế. Trong lúc tại Anh, nền dân chủ bền vững hơn và dung hòa được quân chủ và dân chủ. Nhưng đây lại là chuyện khác.

Vấn đề mới được đặt ra là để thay thế ông vua, ông lãnh chúa hầu lãnh đạo xứ sở, quản trị xã hội, quản trị nhân dân với những quyền hạn và trách nhiệm “mới” sẽ là ai ? Và làm cách nào để có một chính quyền dân chủ ? Các đảng phái chính trị đã ra đời trong bối cảnh đó và để đáp ứng nhu cầu đó. Những người cùng đồng chính kiến, cùng chia sẻ những nguyên tắc và thể thức tổ chức xã hội gom tụ lại để ra trình diện trước quốc dân để quốc dân chọn lựa. Sự trình diện này được thể hiện bằng cách trình bày với quốc dân về đường lối, chủ trương và kế hoạch chính quyền của “nhóm”, của “đảng” mình. Mục đích là “thuyết phục” quốc dân đồng tình, ủng hộ và “bỏ phiếu” tuyển chọn đảng mình lãnh đạo đất nước và quản trị xã hội. Ý niệm phổ thông đầu phiếu đã trở thành “luật chơi” và là đặc tính của các nền Dân Chủ.

Tuy nền dân chủ có những đặc tính chung như phổ thông đầu phiếu, ứng cử viên, cử tri, quốc hội, chính phủ vv…, nhưng cũng có những xu hướng dân chủ khác nhau như dân chủ Thiên Chúa Giáo, dân chủ quốc gia xã hội, dân chủ nhân dân, v.v… Mỗi xu hướng chú trọng đến những lãnh vực riêng biệt trong việc điều hành quốc gia. Chính sự kết tụ những người cùng một xu hướng, lý tưởng đã hình thành nên các chính đảng. Thông thường, phàm là một đảng chính trị thì mục tiêu là phải nắm được chính quyền để thực thi đường lối, chính sách mà đảng mình cho là tốt nhất nhằm mang lại quốc thái dân an, mưu cầu thịnh vượng cho dân tộc và đất nước.

Thời hạn nắm chính quyền hay nhiệm kỳ được quy định bởi Hiến Pháp và Luật Pháp. Trong thời gian này, một đảng nắm chính quyền sẽ được người dân làm trọng tài. Nếu đường lối không thích hợp hay khả năng điều hành kém thì hết nhiệm kỳ, người dân có thể dùng lá phiếu của mình để thay đổi bộ máy lãnh đạo. Để người dân có được quyền lựa chọn và nhất là tự do lựa chọn người thay mặt mình điều khiển quốc gia, trong nước phải có tình trạng đa nguyên, đa đảng. Đây cũng là một nét đặc trưng của một nền dân chủ đích thực.

Trong một thể chế dân chủ, tiến trình một chính đảng lên nắm chính quyền là một tiến trình dân chủ, tức là có sự tham gia trực tiếp của quốc dân. Tiến trình đòi hỏi cơ hội đồng đều giữa các chính đảng, có điều kiện và phương tiện đầy đủ được Hiến Pháp và Luật Pháp bảo đảm để phổ biến đường lối, kế sách rộng rãi đến các cử tri. Các chính đảng ra ứng cử có thể đứng độc lập hay liên kết với những đảng khác. Chính đảng hay liên minh một số chính đảng thắng cử là đảng chiếm được đa số phiếu của cử tri toàn quốc và được trao trọng trách lãnh đạo quốc gia, điều hành xã hội trong một nhiệm kỳ. Những chính đảng không trúng cử sẽ đứng ngoài chính quyền ; nhưng không phải vì thế mà họ bị loại ra khỏi mọi hoạt động chính trị. Họ có thể có những dân biểu trong quốc hội, hay các cơ quan dân cử địa phương. Họ có thể là thiểu số trong cuộc bầu cử quốc gia nhưng họ vẫn là đại diện cho cử tri đoàn của họ tại các địa phương. Các chính đảng này có thể đứng đơn lẻ hay liên kết với các đảng ở ngoài chính quyền để hình thành lực lượng đối lập. Vai trò của các đảng đối lập với chính quyền là một ưu điểm của thể chế dân chủ trên các thể chế khác. Cùng với truyền thông tự do, đây là lực lượng giám sát, phê phán những kế hoạch, hành động của chính phủ, là nguồn dư luận khác với chính quyền để người dân rộng tầm nhận xét, đồng thời ngăn chặn những hành vi mờ ám, che dấu, bưng bít của chính quyền đối với quốc dân.

Quan Niệm “Dân Làm Chủ” Trong Thể Chế Dân Chủ

“DÂN CHỦ” được định nghĩa là một chế độ trong đó quốc dân hành xử quyền làm chủ đất nước và xã hội một cách trực tiếp hay gián tiếp qua những người được quốc dân tự do bầu lên. Quyền làm chủ đất nước là quyền tham gia việc nước, tham gia vào việc chính trị của quốc gia. Đây là một quyền căn bản của con người. Nhằm bảo đảm người dân thực sự làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, trước hết người dân phải làm chủ được vận mệnh của chính mình, phải được hưởng và hành xử mọi quyền tự do căn bản của con người và những quyền căn bản của công dân. Vì thế, một thể chế chỉ được công nhận là dân chủ khi thể chế đó công nhận, tôn trọng và bảo vệ các quyền căn bản của con người. Đó là những quyền Tự DO đã được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.

Quan niệm về dân chủ đã kết tinh từ hàng ngàn năm, người dân cam chịu kiếp sống “thứ dân”, kiếp sống nô lệ, không có quyền hạn gì trong xã hội, nếu không muốn nói kiếp sống nô lệ dưới các thể chế quân chủ, phong kiến. Vua chúa toàn quyền cai trị, toàn quyền sở hữu quốc gia và toàn quyền trên cả sự sống chết của “lê dân”. Vua quan mà thương dân thì dân được nhờ, độc ác thì dân phải chịu. Sự đối xử của vua chúa đối với dân là ân huệ. Đòi lại được quyền sống, các quyền tự do căn bản của con người, đòi lại quyền tham gia sinh hoạt chính trị, quản trị xã hội… quả là một cuộc cách mạng vĩ đại, một bước tiến của xã hội. Nó đòi hỏi một tiến trình từ khi có con người trên trái đất đến tận thế kỷ thứ 19 mới hình thành.

Nhưng sự áp dụng một nền dân chủ đích thực, sự chân thành công nhận quyền làm người và quyền công dân, sự thực thi quan niệm để người dân làm chủ xã hội, làm chủ đất nước… ở nhiều nơi, đối với nhiều đảng phái vẫn có vấn đề. Đại để là dưới chiêu bài này hay chiêu bài khác, dưới mô thức này hay mô thức khác như “dân chủ đại nghị”, “dân chủ trực tiếp”…, người ta tìm cách hạn chế bớt những quyền hạn của người dân và giảm bớt quyền làm chủ đất nước của người dân. “Dân chủ nhân dân”, đặc trưng của các chế độ cộng sản và Việt Nam hiện nay là một điển hình của sự quảng diễn “dân chủ” theo chủ thuyết Mác-Lênin. Cũng phải nói ngay là Dân Chủ không phải là một tác phẩm, một sáng chế của bất cứ một cá nhân nào mà như đã nói, là một tiến trình lâu dài bắt nguồn từ khát vọng của người dân từ ngàn năm trước khi những người như Socrate, Platon, Aristote, Karl Marx, Engels… ra đời. Đối với cộng sản, nhân dân không phải là quảng đại quần chúng, không phải là toàn thể công dân trong nước. Đối với cộng sản, nhân dân là giai cấp “vô sản”. Các thành phần công dân khác không được quyền có tiếng nói. Họ bị liệt vào hạng người cản trở hạnh phúc của nhân dân, nếu không muốn nói là “kẻ thù” của nhân dân. Theo cộng sản thì “nhân dân” như họ đã định nghĩa đã sản sinh ra Đảng Cộng Sản và đảng này được chỉ định “cầm quyền”. Dưới nền dân chủ nhân dân của cộng sản, đối lập không được phép hiện hữu vì chống lại Đảng là chống lại “nhân dân”. Vì thế trong tất cả các cuộc đầu phiếu, chỉ có một danh sách ứng cử viên duy nhất là Đảng và tỷ số trúng cử thường lên đến trên 90%(Quid 2004, tr 931). Nguyễn Phú Trọng trong bài báo cáo với Bắc Kinh đã nói rõ quan điểm này của Việt Nam hiện nay (Đảng cầm quyền là Đảng lãnh đạo toàn bộ xã hội, trong đó có chính quyền, làm cho mọi hoạt động của chính quyền thể hiện được tư tưởng, đường lối của Đảng, phù hợp với lập trường và phục vụ cho lợi ích của giai cấp, của dân tộc mà Đảng là đại diện).

Khi nắm bắt được chủ trương của cộng sản thì người ta sẽ hiểu được ý nghĩa của những khẩu hiệu do chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay đưa ra. Xin nhắc lại một số khẩu hiệu này “Đảng ta, (hay quân đội ta) trung với Đảng, hiếu với dân”, “… vì dân, do dân…”, “tòa án nhân dân”, “ủy ban nhân dân” “phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”, “Đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý, nhân dân làm chủ”, v.v… Họ nói đúng chủ trương của họ, đúng quan niệm giai cấp của họ đấy chứ. Họ chỉ gian dối ở chỗ họ không định nghĩa rõ ràng cho quảng đại công dân hai chữ “nhân dân” mà họ dùng thôi. Dân hiểu lầm là chuyện của dân !


Việt Nam Cần Một Nền Dân Chủ Đích Thực

Từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, với sự sụp đổ của các chế độ XHCN ở Đông Âu cũng như Liên Xô, trào lưu dân chủ thực sự đã lan ra khắp thế giới. Có thể nói là cuộc “toàn cầu hóa Dân Chủ”. Các chế độ ngụy danh dân chủ đã sụp đổ. Các chế độ dân chủ giả hiệu, tiếng là dân chủ nhưng vẫn duy trì những hình thức độc tài, vi phạm Nhân Quyền như Đại Hàn, Đài Loan vv… đã tự cải tổ để thiết lập một nền dân chủ đích thực. Dù là dưới danh hiệu “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa” hay “Cộng Hòa XHCN VN” thì nền dân chủ tại nước ta hiện nay vẫn tiếp tục là một nền dân chủ giả hiệu.

Hiện tượng hiện nay, chính quyền cộng sản Hà Nội tuyên bố mở rộng cho những người ngoài đảng có thể tham gia ứng cử vào các Ủy Ban Nhân Dân (UBND) các cấp địa phương, không có nghĩa là chế độ đang thực thi dân chủ hóa xã hội. Từ mấy chục năm nay, tại Quốc Hội và nhiều UBND đã hiện diện một vài nhà sư, một vài ông cha (trên nguyên tắc họ không phải là đảng viên cộng sản ? !), một vài nhân sĩ ngoài đảng… Nhưng dù họ liên kết lại thì cũng chỉ là thiểu số, một giọt nước ngọt trong biển cả nước mặn là đảng viên. Hơn nữa, những chức vụ then chốt có quyền quyết định vẫn còn nằm trong tay cán bộ Đảng. Họ chỉ là những chậu cây cảnh bày biện để làm vui mắt thiên hạ và để lừa gạt thế giới.

Mục đích của chế độ cộng sản hiện nay ở nước ta không hề thay đổi. Đó là tiến lên “chủ nghĩa xã hội”. Họ chủ trương xây dựng một xã hội XHCN và bắt con người Việt Nam phải sinh hoạt trong cái xã hội đó. Họ đã từng khẳng định nhiều lần : “Muốn xây dựng xã hội XHCN, cần phải có những con người XHCN”. Con người XHCN là gì ? Họ chưa bao giờ đưa ra tiêu chuẩn. Nhưng kinh nghiệm gần một thế kỷ quan sát chủ nghĩa cộng sản trên thế giới và 59 năm tại nước ta, có thể thấy được họ đã thực hiện việc biến quảng đại quần chúng, toàn thể dân tộc Việt Nam thành “nhân dân” theo họ định nghĩa, tức là biến mọi người thành giai cấp vô sản. Họ đã từng tiêu diệt các giai cấp khác, họ đã bần cùng hóa nhân dân… Ở thời đại ngày hôm nay, họ không còn khả năng và điều kiện để làm được những chuyện này nữa, nhưng họ cũng không bỏ tư duy cộng sản của họ. Không bần cùng hóa được người dân về mặt vật chất, họ tiến hành bần cùng hóa người dân về mặt Nhân Quyền và Quyền Công Dân. Người dân sống dưới chế độ sống trong hoàn cảnh không khác gì trong thời nông nô, phong kiến đen tối cách đây nhiều thế kỷ. Thế giới đã có nhiều tài liệu về nhân quyền tại Việt Nam. Các giá trị luân lý truyền thống đã bị phá đổ. Con người sống trong môi trường vô đạo, vô luân.

Việc quan trọng và cấp bách đối với dân tộc Việt Nam, thiết tưởng là phải chấm dứt hiện tại thê thảm của xã hội Việt Nam. Phải khôi phục những giá trị của con người Việt Nam, khôi phục nhân bản, nhân quyền của con người Việt Nam. Muốn vậy, con người phải là trung tâm, là chủ tể của xã hội. Con người làm nên xã hội chứ không phải xã hội làm sẵn để bắt con người nhốt vào đó. Xã hội phải phục vụ con người chứ không phải con người phải phục vụ xã hội. Nền dân chủ cho Việt Nam không những là một nền dân chủ đích thực, mà còn phải là một nền DÂN CHỦ NHÂN BẢN.

Thử Phóng Tầm Nhìn Về Phía Trước

Bài viết này không có kết luận, vì không thể kết luận được. Vì thế đề nghị cùng nhau phóng tầm nhìn về phía trước để thấy những gì cần phải thực hiện để dân tộc và đất nước Việt Nam có được môi trường với những điều kiện thuận lợi nhất để thăng tiến. Những gì đang xảy ra trong hiện tại chứng tỏ chính quyền đang cố gắng duy trì nguyên trạng, tức là chế độ thiểu số cầm quyền (oligarchie, oligarchy). Đảng cộng sản vẫn giữ độc quyền cai trị. Họ đã cấu kết với Trung Quốc trong ý đồ này. Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa qua cũng như Hội nghị về “Hợp Tác Nghề Cá” giữa Việt Nam và Trung Quốc mới họp gần đây đã nói lên sự lệ thuộc và liên minh giữa 2 đảng nhằm “cầm quyền miên viễn” trên đất nước ta. Những tuyên bố chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và những quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ là để xoa dịu sự công phẫn trong nhân dân cũng như trong nội bộ đảng về tội bán nước của đảng cộng sản Việt Nam cho ngoại bang. Vụtuyên bố cho người ngoài đảng ứng cử vào các UBND chỉ là tuyên truyền, hoa mỹ…

Trước hiện trạng này, không thể trông chờ ở chế độ một thiện chí nào để dân chủ hóa xã hội. Trước mắt, hai nhu cầu cần thiết của Việt Nam là phải có sự xuất hiện của những chính đảng đối lập và phải có tự do báo chí, truyền thông. Đây là một thách thức đối với đảng CSVN. Nếu họ nhận thấy họ có chính nghĩa, được nhân dân ủng hộ như họ rêu rao thì tại sao họ không dám chấp nhận thách thức này ? Qua tiếp xúc với những người trong nước, kể cả cán bộ của đảng, nhiều người mong muốn một sự thay đổi hiện trạng một cách ôn hòa. Trong nước, những nhà đấu tranh cho dân chủ đã dứt khoát với cái quá khứ theo đảng cộng sản và đòi hỏi dân chủ hóa xã hội. Họ đã liên kết được với nhau trong những hoạt động giới hạn. Ngày 2/9/2000, ông Nguyễn Vũ Bình đã làm đơn xin thành lập “Đảng Tự Do – Dân Chủ” và được nhiều người hưởng ứng. Gần đây, đài truyền hình ABC của Úc đã phỏng vấn một đảng viên Việt Tân đang hoạt động bí mật trong nước. Các chính đảng phải được hình thành ngay để chuẩn bị cho sự nghiệp dân chủ hóa Việt Nam. Nói cách khác sự xuất hiện của các chính đảng tại nước ta vào thời điểm này là một nhu cầu cho cuộc chuyển hóa dân chủ của Việt Nam.

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Đồng ruộng ở ĐBSCL sau khi đắp đê. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Đời cha bán gạo, đời con khát nước

Nếu bây giờ tập trung truy tìm nguyên nhân chính tạo nên khô hạn, thiếu nước ở Đồng bằng sông Cửu Long thì thật dễ dàng tìm ra vài lý do vừa thực vừa mơ hồ như:

Do biến đổi khí hậu; Do biến động ở thượng nguồn sông Mekong; Do ý thức người dân trong việc sử dụng nước; Vân vân.

Những nét này cái nào cũng thực nhưng có điều ít ai thấy, nó cũng là cái rất thực, dễ giải thích, dễ thực hiện đó là chính sách “An ninh lương thực” được nhấn mạnh khoảng gần hai chục năm nay.

Những “Cây năng lượng” (ở Singapore) là một kiến trúc hình phễu, miệng rộng chừng 20 mét hứng nước chảy về hầm chứa. Cây này vừa tạo cảnh quan đẹp, vừa cảnh báo con người về thái độ với nước, vừa thu gom nước mưa. Ảnh: FB Nguyễn Huy Cường

Thử đi tìm đường cứu… nước

Tình hình vài năm nay và dăm bảy năm sau có những dự báo không mấy an tâm cho tình hình nước ngọt ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chỉ riêng tỉnh Kiên Giang có khoảng 30.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Cả vùng này có khoảng nửa triệu hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong năm tháng cao điểm mùa khô. 

Lý do chính là do biến động bởi dòng chảy sông Mekong đã có nhiều thay đổi, chưa tính đến con kênh Phù Nam bên Cambodia sắp “Trích huyết” sông Mekong ngang chừng, cho chảy sang Vịnh Thái Lan.

Bộ Ngoại giao Việt Nam họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR), ngày 15/4/2024. Ảnh chụp Báo Tin Tức

Việt Nam bác bỏ các báo cáo ‘thiếu khách quan’ về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc

Trong báo cáo đề ngày 27/2/2024 được công bố trên trang web của LHQ, nhóm chuyên trách Việt Nam của LHQ cho hay ít nhất 150 nhà báo độc lập, những người bảo vệ nhân quyền, và các nhà hoạt động dân chủ, đất đai và tôn giáo còn bị giam cầm chỉ vì thực hiện các quyền cơ bản của họ một cách ôn hòa trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền của người thiểu số và phát triển dân chủ.

Ông Vương Đình Huệ tại buổi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông này đến Hà Nội hôm 12/12/2023. Ảnh: Minh Hoang/POOL /AFP via Getty Images

Vương Đình Huệ gãy ghế?

Vài ngày qua, trong lúc cả thế giới căng mắt theo dõi cuộc đấu tay đôi giữa Israel và Iran với nỗi lo thùng thuốc súng Trung Đông sẽ bùng cháy dữ dội, nguy cơ dẫn tới chiến tranh thế giới thì dư luận Việt Nam lại chú mục vào tin đồn một “trụ” nữa trong “tứ trụ” có nguy cơ phải về vườn.