Không cần hòa giải, cần đấu tranh!

Ngày 30 Tháng Tư, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận. Ảnh minh họa: David McNew/Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Đã 49 năm ngày miền Nam thất thủ, chẳng mấy chốc là tròn nửa thế kỷ. Cũng như nhiều người Việt Nam khác, người viết mấy hôm rồi tâm trạng nặng nề, không yên, không viết được chữ nào dù vẫn ngồi đồng suốt ngày trước màn hình máy tính.

Sáng 30 Tháng Tư thấy “vài dòng viết vội” trên Facebook của ông bạn ở Georgia, một cựu binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), bỗng gợi lên nhiều suy nghĩ. Ông bạn viết: “Cũng đã 49 năm rồi, những người thuộc bên thua cuộc có thật sự cần hòa giải, hòa hợp chi nữa không? Điều đó có còn quan trọng với họ không? Tôi nghĩ rằng không. Thế hệ đó nay đã già nua, đã đi xa yên phận, hoặc sắp xuống lỗ cả rồi. Đất nước, xứ sở đó không còn thuộc trách nhiệm của họ nữa. Dân tộc đó, vinh quang hay lụn bại hoàn toàn là trách nhiệm của những người bên thắng cuộc, họ chịu trách nhiệm với lịch sử về điều này. Đã sau 49 năm, chuyện hòa giải, hòa hợp trở thành vô nghĩa.”

Đồng ý với ông ấy rằng, chuyện hòa giải hòa hợp đã trở thành vô nghĩa, dù “bên thắng cuộc” vẫn tiếp tục rêu rao “thực hiện hòa giải hòa hợp dân tộc” trong lúc tổ chức ăn chơi nhảy múa, treo cờ đỏ đầy đường “mừng ngày giải phóng.” Mới đây họ còn nhẫn tâm buộc giáo hội Công Giáo trong nước phải chấm dứt các chương trình hỗ trợ thương phế binh VNCH – những người đã đi tới ngày tháng cuối của cuộc đời sau gần nửa thế kỷ sống trong sự kỳ thị và bạc đãi dưới đáy xã hội. Vết thương trong lòng dân tộc chẳng những không được hàn gắn mà còn bị cố ý khơi dậy cho thêm đau đớn. Trong hoàn cảnh ấy, nói chuyện hòa giải hòa hợp quả là vô nghĩa.

Thời gian là liều thuốc chữa lành nhiều nhiều vết thương. Nếu như trước đây, nói “hòa hợp hòa giải” người ta thường nghĩ tới chuyện xóa bỏ hận thù giữa người thắng và kẻ thua, giữa miền Bắc với miền Nam, giữa quốc gia và cộng sản… thì sau 49 năm, điều đó đã thay đổi.

Bốn mươi chín năm đã đủ lâu để những người có suy nghĩ đều nhận ra sự thật không ai là “bên thắng cuộc,” cả dân tộc là nạn nhân trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Gần nửa triệu thanh niên miền Bắc, 280.000 thanh niên miền Nam bỏ mạng, 2 triệu thường dân vô tội chết trong binh lửa – đó là cái giá máu mà dân tộc này đã phải trả cho cái gọi là công cuộc “giải phóng miền Nam.”

Ngày 30 Tháng Tư đó, người Việt ở hải ngoại gọi là ngày mất nước, ngày quốc hận, còn người Việt trong nước – trừ đám đảng viên, cán bộ – bây giờ cũng chỉ gọi đơn giản là “ngày thống nhất,” không ai gọi là “ngày giải phóng” như bộ máy tuyên truyền của đảng Cộng Sản đã nhồi nhét vô đầu họ mấy chục năm nay.

Nhận ra rằng cả dân tộc là nạn nhân chính là yếu tố thúc đẩy sự hiểu biết, thông cảm cho nhau giữa người Nam và người Bắc. Thêm vào đó, gần nửa thế kỷ chung sống đã giúp người Việt hai miền hòa giải hòa hợp với nhau, đẩy những sự khác biệt do chiến tranh và chia cắt vào quá khứ. Không có số liệu thống kê cho biết bao nhiêu phần trăm dân số hiện đang sống dưới vĩ tuyến 17 là người miền Bắc di cư sau năm 1975 và con cháu họ, nhưng chắc là không nhỏ.

Trong mỗi cộng đồng dân cư, nhất là ở các đô thị như Sài Gòn, Đà Nẵng, Vũng Tàu… khó phân biệt ai là người Nam, ai là người Bắc sau nửa thế kỷ hòa trộn. Đây đó rải rác vẫn có những sự chia rẽ, kỳ thị giữa các vùng miền, từ giọng nói đến lối sống, thói quen ăn uống… nhưng tình trạng thù nghịch đã không gay gắt nữa như xưa, gần như chỉ còn trong đầu óc của những kẻ cực đoan, cạn nghĩ. Có thể khẳng định người Việt hiện nay hoàn toàn không cần một cuộc hòa giải hòa hợp nào nữa.

Với người Việt ngoài nước cũng vậy. Không có thống kê để biết trong hơn 2 triệu người Việt định cư ở Mỹ chẳng hạn có bao nhiêu người từng theo Cộng Sản. Không ai cất công tìm hiểu những chuyện đó và cũng không có sự kỳ thị hoặc phân biệt đối xử nào đáng kể giữa những người Việt quốc gia tị nạn với những người đến đây từ miền Bắc. Trái lại, ngày càng có nhiều người trong nước sang Mỹ du lịch, du học, kết hôn hoặc định cư theo các chương trình đầu tư, bảo lãnh thân nhân. Ở phía ngược lại, ngày càng nhiều người Việt hải ngoại trở về du lịch, thăm viếng họ hàng, cũng đã có không ít người chọn về Việt Nam sinh sống sau nhiều năm tha hương vất vả và khi tuổi tác đã về chiều. Hố ngăn cách giữa người Việt trong và ngoài nước đã thu hẹp đáng kể, gần như không còn tồn tại.

Rõ ràng, người Việt Nam đã tự hòa giải hòa hợp với nhau bất chấp nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn luôn khoe khoang chiến tích, luôn hằn học với một nửa dân tộc từng ở bên kia vĩ tuyến 17, và tìm mọi cách xóa bỏ tất cả những gì nhắc nhở tới quá khứ “quốc gia” của họ, đặc biệt là lá cờ vàng ba sọc đỏ. Kẻ phá hoại đoàn kết dân tộc, ngăn chặn hòa giải, kích động hận thù không ai khác là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam.

***

Nếu có một mâu thuẫn mang tính lịch sử thì đó là giữa người dân và đảng CSVN độc tài toàn trị. Mâu thuẫn này không thể hòa giải được.

Lịch sử hơn 90 năm của đảng CSVN thấm đầy máu của lương dân vô tội qua vô số cuộc thanh trừng, đàn áp từ thời Xô-Viết Nghệ Tĩnh 1930 đến làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, năm 2020. Hàng triệu sinh linh và núi xương sông máu hy sinh chỉ đem lại quyền lực và quyền lợi cho một nhóm người tự cho mình có quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối trên đầu dân tộc bằng bàn tay sắt man rợ.

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi đã giành được quyền cai trị trên cả nước, đảng CSVN đã có thời cơ đoàn kết dân tộc, khai triển sức mạnh của toàn dân để xây dựng lại đất nước bị chiến tranh tàn phá, theo kịp các lân bang. Nhưng với đường lối sai lầm, đầu óc ngu tối, tâm lý thù hận và kiêu ngạo, họ đã phạm vô số tội lỗi không thể sửa chữa hay tha thứ.

Chính sách giam cầm không xét xử 1 triệu quân dân cán chính VNCH trong vô số trại tập trung, trong đó có 165.000 người thuộc loại ưu tú đã bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, chính sách kỳ thị với gia đình và con cái họ; chính sách cải tạo công thương nghiệp ở đô thị và tập thể hóa nông nghiệp ở nông thôn đã phá hoại tận gốc nền kinh tế, cả ở miền Bắc trước đó và miền Nam sau 1975; các chính sách văn hóa, giáo dục, tôn giáo nhồi sọ và phản động đã hủy diệt các truyền thống đạo đức của dân tộc, đảo lộn mọi giá trị nhân văn…

Hậu quả là hơn 1,5 triệu người Việt phải bỏ xứ ra đi, trong đó 200.000 người bị mất mạng trên biển, 90 triệu dân còn ở lại trong nước bị tước bỏ mọi quyền tự do căn bản của con người…

Đến nay sau 49 năm hòa bình, Việt Nam vẫn ngụp lặn trong bãi lầy của thể chế độc tài toàn trị với đảng CSVN như một thứ tai ách quàng lên cổ mà không biết bao giờ mới thoát ra được. Những vụ đấu đá giành quyền lực trong tầng lớp chóp bu của đảng, những vụ tham nhũng khủng khiếp, những thủ đoạn câu kết kiểu tư bản bè phái để trục lợi, những vụ bắt bớ tràn lan những tiếng nói bất đồng… phơi bày hàng ngày hàng giờ trước công chúng một thể chế chính trị đã mục nát tận xương tủy.

Và trầm trọng hơn, môi trường sống bị hủy hoại, luân thường đạo lý bị đảo lộn tận gốc sinh ra một lớp người “xã hội chủ nghĩa” lấy dối trá và lừa lọc làm lẽ sống. Giai đoạn cầm quyền của đảng CSVN là thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử dân tộc, còn tệ hại hơn thời thực dân Pháp.

Chính thực tại bi đát của đất nước mới kích thích lòng căm thù Cộng Sản và ý thức phản kháng không chỉ trong lòng những người Việt hải ngoại quen với nếp sinh hoạt dân chủ mà cả trong người Việt quốc nội thao thức với vận mệnh dân tộc. Nhiều người đã phải trả giá bằng những án tù dằng dặc, bị đàn áp dã man chỉ vì dám lên tiếng đòi giải thể chế độ Cộng Sản, dân chủ hóa đất nước để Việt Nam có cơ may phát triển theo trào lưu văn minh của thế giới.

Đồng nghiệp Trúc Phương của tôi ở nhật báo Người Việt đã có lý khi nhận định: “30 Tháng Tư có thể chỉ còn là một ký ức cần được khép lại, nếu gần nửa thế kỷ qua Việt Nam đã trở thành một cường quốc khu vực, và nửa thế kỷ qua Việt Nam đã bứt khỏi cái bóng Trung Cộng.” Rất tiếc Việt Nam chưa là cường quốc và sẽ không bao giờ là cường quốc khi còn đảng độc tài cai trị.

***

Trở lại với “vài dòng” trên Facebook của ông bạn ở Georgia đã nhắc tới ở đầu bài: “…Đất nước, xứ sở đó không còn thuộc trách nhiệm của họ nữa. Dân tộc đó, vinh quang hay lụn bại hoàn toàn là trách nhiệm của những người bên thắng cuộc, họ chịu trách nhiệm với lịch sử về điều này.” Họ ở đây là những người “bên thua cuộc,” “đã già nua, đã đi xa yên phận, hoặc sắp xuống lỗ cả rồi.”

Tôi không nghĩ như vậy. Người Việt, dù sống đâu cũng nặng lòng với quê hương xứ sở, nơi có bà con thân thuộc, có mồ mả tổ tiên. Không ai buộc họ phải chịu trách nhiệm với xứ sở mà họ đã ra đi nhưng tấc lòng thương nước khiến cho họ luôn theo dõi và trăn trở với quê hương, không thể yên phận. Như cụ Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, từng trăn trở:“Bui một tấc lòng ưu ái cũ/ Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.”

Đúng là trách nhiệm với tương lai của dân tộc, vinh quang hay lụn bại, đặt trên vai người Việt ở trong nước, còn người Việt hải ngoại giỏi lắm chỉ có thể hỗ trợ. Không còn cầm súng theo tiếng gọi “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” thì người Việt ở hải ngoại vẫn có cách đóng góp vào công cuộc đấu tranh đòi dân chủ cùng đồng bào trong nước và bảo tồn văn hóa ngôn ngữ Việt Nam ở nước ngoài. Cách nào thì tùy vào hoàn cảnh và điều kiện của từng người, miễn là ngọn lửa ái quốc chưa tàn lụi trong trái tim.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Quang cảnh buổi Hội thảo ‘Hứa hẹn của Hà Nội, Thực trạng Nhân quyền tại Việt Nam’ tổ chức hôm 6/5/2024 tại Geneva, Thụy Sĩ - một ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền VN (UPR Vietnam, 4th Cycle)

Những dấu ấn từ Hội thảo UPR ở Geneva, Thụy Sĩ

Sébastien Desfayes, luật sư, dân biểu và chủ tịch COSUNAM, nhắc lại rằng năm 2019, Việt Nam đã chấp nhận 83% các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế. Nhưng 5 năm sau (2024), tình hình đối với những người bảo vệ nhân quyền ngày càng xấu đi. LS Desfayes không tin rằng Hà Nội sẽ tự động thay đổi “trở nên tốt hơn” sau UPR 2024. Mà nhà nước Việt Nam sẽ chỉ giảm bớt đàn áp khi bị áp lực.

“Tình hình nhân quyền sẽ không được cải thiện từ phía nhà nước Việt Nam, mà sẽ phải nhờ vào sự tranh đấu của chúng ta, và điều chắc chắn là chúng ta sẽ tiếp tục đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam,” Luật sư Sébastien Desfayes kết luận.

Sư Minh Tuệ. Ảnh: Internet

Sư Minh Tuệ và pháp hành dưới góc nhìn Phật Giáo

Đến hôm nay, sư Minh Tuệ được rất nhiều người biết tới (tôi không thích dùng từ “nổi tiếng” đối với một bậc tu hành) và có sức lan toả rộng khắp, vượt ra cả biên giới quốc gia. Và câu chuyện về sư Minh Tuệ trở nên nóng hơn bao giờ hết, khắp mạng xã hội tràn ngập những video và hình ảnh về ông. Theo đó là rất nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Kính phục, ngưỡng mộ… có; chê bai, miệt thị … có. Muôn nẻo trần ai!

Bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền. Ảnh: RFA

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ: Việt Nam tiếp tục hạn chế nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản

Bà Uzra Zeya – Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ và Nhân quyền nói sẽ tiếp tục tạo sức ép để chính quyền Việt Nam phải tôn trọng các quyền tự do cơ bản, trả tự do cho hơn 180 tù nhân chính trị và chấm dứt tình trạng đàn áp xuyên biên giới.

Bà Uzra Zeya còn bày tỏ mối quan ngại sâu sắc khi Hà Nội tiếp tục áp đặt những hạn chế nghiêm trọng đối với tất cả các quyền tự do cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do hội họp ôn hòa, tự do tôn giáo… hay điều kiện giam giữ hà khắc đối với các tù nhân chính trị bị kết án một cách bất công.

Phái đoàn đảng Việt Tân, Ủy Ban Thuỵ Sĩ-Việt Nam (Cosunam), Freedom House và Hmong Human Rights Coalition vận động Phái bộ Thường trực Na Uy tại LHQ, Geneva trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 2024. Ảnh: Việt Tân

Vận động quốc tế trước phiên kiểm điểm định kỳ tình hình nhân quyền VN đã diễn ra thế nào?

Trong hai ngày 2 và 3/5/2024, vài ngày trước phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát tình hình nhân quyền Việt Nam 7/5/2024 trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva (UPR – Vietnam, 4th Cycle), một phái đoàn gồm đại diện của đảng Việt Tân, Ủy ban Thụy Sĩ – Việt Nam (COSUNAM), Freedom House và Liên minh Nhân quyền H’mong (Hmong Human Rights Coalition) đã đi vận động nhân quyền cho Việt Nam.

Phái đoàn đã gặp đại diện của Văn phòng Phái bộ Thường trực tại LHQ của 8 quốc gia thành viên LHQ, 4 nhóm làm việc, đại diện đặc sứ của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ và các tổ chức nhân quyền phi chính phủ. Các quốc gia tiếp đón phái đoàn vận động là Văn phòng Phái bộ Thường trực Na Uy, Anh Quốc, Luxembourg, Mỹ, Hoà Lan, Đan Mạch và Thụy Sĩ.