‘Ba không’ và thắc mắc có cần giữ không?

Đại Tướng Mark Milley, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Mỹ (phải) trong một lần điều trần trước Quốc Hội Hoa Kỳ. Ảnh: AP
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Quốc hội Mỹ vừa thông qua Đạo luật liên quan đến Quốc phòng 2021 (2021 National Defense Authorization Act – NDAA 2021). Có 2,2 tỉ Mỹ kim trong số 740,5 tỉ Mỹ kim dành cho việc thực hiện các mục tiêu cũng như chính sách quốc phòng của Mỹ trong năm tới sẽ được dùng để thực thi Chính sách Răn đe tại Thái Bình Dương (Pacific Deterrence Initiative).

Chính sách Răn đe tại Thái Bình Dương nhằm cảnh cáo – kiềm chế nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự, chi phối khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương của Trung Quốc. Chính sách Răn đe tại Thái Bình Dương không mới. Năm 2014, Mỹ đã từng thực hiện chính sách tương tự tại châu Âu (European Deterrence Initiative) sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina vào lãnh thổ Nga.

Lần này, với NDAA 2021, Quốc hội Mỹ quyết định dành một phần ngân sách quốc phòng của năm tới để gia tăng quân số tại khu vực Thái Bình Dương, tiến hành nhiều hơn và thường xuyên hơn các cuộc tập trận, huấn luyện nâng cao kỹ năng, khả năng phối hợp với quân đội của các quốc gia là đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực, kể cả thiết lập hệ thống hậu cần ở Thái Bình Dương (1)…

***

Việc Hải quân Mỹ tái lập Hạm đội 1 đã trở thành một phần trong chiến lược răn đe – kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Hạm đội 1 được thành lập hồi đầu năm 1947 và bị giải thể vào đầu năm 1973. Nhiệm vụ và phạm vi trách nhiệm của Hạm đội 1 (khu vực Tây Thái Bình Dương) được giao cho Hạm đội 3 đảm nhận. Tuy nhiên vào lúc này, đảm trách khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương chỉ có Hạm đội 7, trú đóng ở Yokosuta (Nhật).

Thỉnh thoảng, Hạm đội 7 nhận thêm sự hỗ trợ của Hạm đội 3 (đóng ở San Diego , California, Mỹ) nhưng con số từ 50 đến 70 chiến hạm (bao gồm cả tàu ngầm), 150 phi cơ quân sự các loại, cộng vói hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, không tương xứng cả với bối cảnh khu vực lẫn phạm vi trách nhiệm (diện tích khoảng 48 triệu dặm vuông, trải rộng từ ranh của hải phận quốc tế ở giữa Thái Bình Dương đến hải phận của Ấn Độ, Pakistan và quần đảo Kurin ở phía Bắc Đại Tây Dương).

Không chỉ Mỹ, rất nhiều quốc gia ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đang quan tâm đến việc Hạm đội 1 sẽ trú đóng ở đâu: Indonesia? Malaysia? Philippines? Singapore?… Indonesia, Malaysia thiếu hệ thống hạ tầng phù hợp cho hoạt động của một đơn vị như Hạm đội 1 nên sẽ cần nhiều thời gian để xây dựng, Philippnes có vị trí lý tưởng (vịnh Subic) nhưng bối cảnh, đặc điểm chính trị ở Philippines đe dọa sự ổn định. Singapore được xem như ứng viên sáng giá nhất từ vị trị địa lý đến hạ tầng…

Đó là chưa kể từ 2013 đến nay, Singapore còn là nơi trú đóng của hàng ngàn quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Mỹ để hỗ trợ cho hoạt động của Hạm đội 7 cũng như những hoạt động khác của hải quân Mỹ… Tuy nhiên Úc đang tìm nhiều cách để kéo Hạm đội 1 đến trú đóng ở Úc với lý do hải lộ ở Singapre hẹp, mật độ tàu thuyền cao, dễ tấc nghẽn, lại quá gần Trung Quốc – không thật sự an toàn cho phòng thủ nếu xảy ra xung đột.

Các chuyên gia Úc đang giới thiệu cho các chuyên gia Mỹ hai nơi: Perth (bang Tây Úc) và Darwin (bang Bắc Úc). Cả hai đều thuận lợi cho việc tới lui cả ở khu vực Đông Nam Á lẫn qua lại giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Ngoài ra chính phủ Úc vừa quyết định sẽ chi tiền để nâng cấp nhiều căn cứ hải quân của Úc, lắp đặt hệ thống giám sát thuộc loại hiện đại nhất cả trên lẫn dưới mặt nước, cũng như mở rộng – xây dựng thêm những cơ sở hỗ trợ hoạt động của các căn cứ này.

Các chuyên gia Úc còn nhấn mạnh đến yếu tố, Úc có nhiều ưu thế hơn hẳn Singapore trong việc tiếp nhận – tổ chức sinh hoạt cho gia đình các quân nhân và nhân viên Bộ Quốc phòng Mỹ được chỉ định phục vụ Hạm đội 1. Vài năm gần đây, Úc đã cũng như đang là nơi một số đơn vị cấp trung đoàn của Thủy quân lục chiến Mỹ luân phiên trú đóng (mỗi sáu tháng) (2)…

***

Cuối tuần vừa qua, khi thảo luận với các cố vấn cao cấp và các viên chức lãnh đạo quốc phòng của chính phủ Mỹ về việc phối trí quân đội Mỹ trên thế giới cả ở hiện tại lẫn tương lai, Đại tướng Mark Milley – Tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, đề nghị xem xét, thay đổi phương thức điều động quân nhân Mỹ đến trú đóng ở khu vực châu Á: Chuyển từ dài hạn (lựa chọn – gửi từng cá nhân đến phục vụ tại các đơn vị hiện hữu khoảng ba năm nên được mang theo gia đình) sang ngắn hạn (khoảng chín tháng, không mang theo gia đình).

Theo tướng Milley, việc điều động từng đơn vị dưới hình thức luân phiên dẫu khác với thông lệ nhưng cần thiết đối với mục tiêu chiến lược – kiềm chế Trung Quốc. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ tin rằng đó là cách tốt nhất để mở rộng sự hiện diện của quân đội Mỹ, không chỉ ở Nhật, Nam Hàn (những quốc gia mà quân đội Mỹ vốn đã có nhiều căn cứ thường trực) mà còn gia tăng cơ hội huấn luyện tại những quốc gia nhỏ hơn như: Palau, Vietnam, Bangladesh, Papua New Guinea, (3)…

Đây có lẽ là lần đầu tiên, một Tổng Tham mưu trưởng của quân đội Mỹ đề cập tới Vietnam như một điểm đến để các đơn vị thuộc quân đội Mỹ tham gia tập luyện, phối hợp. Tháng trước, Chuẩn tướng Curtis Taylor, Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 5 thuộc SFAC, tiết lộ, đơn vị của ông đang chuẩn bị để tham gia hỗ trợ quân đội của một số quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương gia tăng khả năng tương tác giữa viễn thám, phòng không, pháo binh, công binh của các bên.

SFAC (Security Force Assistance Command – Bộ Chỉ huy Hỗ trợ an ninh) có bảy lữ đoàn chuyên đảm nhận vai trò hỗ trợ huấn luyện các lực lượng ngoại quốc về quốc phòng (Security Force Assistance Brigade – SFAB). Các SFAB chuyên tuyển lựa những quân nhân giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ năng trong lục quân Mỹ để huấn luyện thêm rồi gửi họ đến huấn luyện, nâng cao khả năng phối hợp, kể cả hỏa yểm (yểm trợ bằng pháo binh), không yểm cho quân đội các quốc gia đồng minh và đối tác trên toàn thế giới.

SFAC không đề cập đến việc gửi Lữ đoàn 5 đến những quốc gia nào trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, song tướng Taylor nói thêm, trong thực tế, quân đội của một số quốc gia ở Đông Nam Á muốn… thắt chặt quan hệ với cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

Cho dù đã có những lo ngại rằng việc hỗ trợ những quốc gia như thế có thể giúp Trung Quốc dễ dàng thu thập thông tin về kỹ thuật, chiến thuật của Mỹ nhưng tướng Taylor trấn an: Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu là nâng cao năng lực cho quân đội của các quốc gia đồng minh và đối tác. Các thành viên SFAB chỉ hướng dẫn, hỗ trợ phối hợp chứ không bận tâm và cũng không được phép ép đồng minh hay đối tác thực hiện những tiêu chuẩn của Mỹ, theo kiểu của Mỹ (4).

***

Quân đội Mỹ sẽ sớm gửi các đơn vị đến tập luyện với quân đội Việt Nam? Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm đến của Lữ đoàn 5 thuộc SFAC? Rất khó dự đoán vì chỉ có một vài thông tin từ phía Mỹ.

Trong sáu năm vừa qua, Viet Nam vẫn đứng bên lề các Pacific Pathways (5). Hồi 2016, một số tướng Mỹ như Tư lệnh lực lượng lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, rồi Tư lệnh Quân đoàn 1 của lục quân Mỹ (phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực châu Á – Thái Bình Dương) từng cho biết, Việt Nam là một trong số những nơi quân đội Hoa Kỳ nhắm tới khi tìm kiếm những địa điểm mới cho các Pacific Pathways, từng đề cập đến khả năng sẵn sàng luyện tập chung với bộ binh Việt Nam bất kỳ lúc nào…

Vào thời điểm đó, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Mỹ từng đề cập đến khả năng hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Mỹ với đặc công Việt Nam,… Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của lục quân Mỹ thì ngỏ ý muốn xây dựng hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam để quân đội Mỹ có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai vì các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng…

Song Việt Nam vẫn chủ động kềm giữ quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ ở mức: Nhận viện trợ. Nhờ đào tạo… Đỉnh của quan hệ hợp tác vẫn chỉ là… duy trì giao lưu thường niên giữa lực lượng hải quân hai bên… Đồng thời liên tục khẳng định, muốn “làm bạn với tất cả các nước”, cương quyết duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác…

Chính sách ba không” có đem lại gì không, phụ thuộc vào quan điểm của từng người nhưng chắc chắn “ba không” sẽ khiến lợi ích mà Việt Nam nhận được từ Chính sách Răn đe tại Thái Bình Dương mà Mỹ bắt đầu thực hiện vào năm tới thông qua những NDAA… không đáng kể. Không phải tự nhiên mà nhiều quốc gia ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bận tâm đến việc Mỹ sẽ chọn nơi nào làm chỗ trú đóng cho Hạm đội 1 của Hải quân Mỹ.

Theo sau những căn cứ của Mỹ trên lãnh thổ nào đó bên ngoài biên giới Mỹ thường là các hiệp định tương trợ về quốc phòng – cam kết của Mỹ bảo vệ đồng minh trước họa ngoại xâm từ bên thứ ba. Đó là chưa kể đến điều mà các chuyên gia Úc không ngần ngại khi phân tích thiệt – hơn với các chuyên gia Mỹ về việc nên chọn Darwin: Sự hiện diện của Hạm đội 1 đồng nghĩa với thêm vốn đầu tư, tạo thêm việc làm, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao mức sống nên chắc chắn sẽ được dân chúng địa phương hoan nghênh…

Trân Văn

Chú thích

(1) https://www.stripes.com/news/us/congress-has-agreed-on-a-740-5b-defense-bill-here-s-how-it-impacts-pay-acft-space-force-and-more-1.654245

(2) https://www.stripes.com/news/pacific/navy-pushes-ahead-with-plans-to-stand-up-another-numbered-fleet-in-the-indo-pacific-1.654149

(3) https://www.militarytimes.com/news/your-military/2020/12/03/joint-chiefs-chairman-says-permanent-basing-overseas-needs-reconsideration/

(4) https://www.armytimes.com/news/your-army/2020/11/19/sfab-fends-off-an-invasion-in-exercise-ahead-of-indo-pacific-missions/

(5) https://www.voatiengviet.com/a/quan-he-viet-my-quoc-phong-trung-quoc/4190736.html

Nguồn: VOA

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.