BOT T2: Cách giải quyết tốt nhất là dời vị trí trạm

RFA

Trạm thu phí BOT T2 trên quốc lộ 91, thuộc phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ. Ảnh: VOV

Bộ Giao Thông – Vận Tải vào ngày 3 tháng Sáu đã cho truyền thông trong nước biết thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án tuyến tránh Long Xuyên. Theo đó dự án được dự kiến hoàn thành vào năm 2023, giúp giải quyết những bất cập về vị trí trạm BOT T2 đặt gần cầu Vàm Cống đang gây bức xúc dư luận hiện nay.

Trạm BOT T2 hiện nằm ở quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, chạy ngang quận Ninh Kiều dẫn tới huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang và nối vào quốc lộ 2 của Campuchia.

Trong thời gian qua, người dân và giới tài xế qua trạm BOT T2 trên quốc lộ 91, đã nhiều lần lên tiếng phản đối vị trí đặt trạm. Đặc biệt sau khi cầu Vàm Cống được thông xe vào hôm 21 tháng Năm, 2019, người dân lại càng phản đối mạnh mẽ, vì trạm chỉ cách chân cầu Vàm Cống chưa đầy 300 mét nhưng tài xế phải trả đủ phí cho toàn bộ quãng đường.

Từng tham gia vào việc phản đối vị trí đặt trạm BOT T2, anh Nguyễn Minh Hùng, trưởng nhóm kiểm đếm xe tại BOT Ninh Lộc cho rằng:

“Theo Hùng, trạm BOT T2 này đặt sai vị trí vì nó nâng cấp cho quốc lộ 91B, nhưng lại cố tình đặt ngay tại ngã 3 Lộ Tẻ để ăn tiền của người dân chỉ sử dụng khoảng 200 mét đường từ An Giang đi Kiên Giang hoặc từ An Giang đi Đồng Tháp về TP.HCM và ngược lại. Dự án cầu Vàm Cống khởi công xây dựng từ 10 tháng Chín, 2013, còn dự án Quốc lộ 91 mới làm tháng Ba 2014, có nghĩa là biết trước hướng ra của cầu Vàm Cống rồi nên cố tình đặt trạm T2 ở đó để cướp trá hình của người dân.”

Trạm BOT T2 nằm trong dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 91 vói tổng chiều dài 44 km, trong đó phần 1 dài 29 km, phần 2 dài 15 km, do Liên danh Sonadezi-Cường Thuận IDICO đầu tư.

Từ khi hoạt động vào năm 2016, nhiều người dân và tài xế đã phản đối trạm BOT T2, gây ùn tắc giao thông, buộc chủ đầu tư phải xả trạm nhiều lần và cuối cùng phải ngừng thu phí từ ngày 25 tháng Năm đến nay.

Để giải quyết tình trạng vừa nêu, theo Bộ Giao Thông – Vận Tải (GT-VT), sau khi dự án tuyến tránh Long Xuyên được hoàn thành, người dân sẽ không phải qua trạm T2 trên Quốc lộ 91 nữa.

Tuy nhiên, thời gian hoàn thành tuyến tránh Long Xuyên lại đang dấy lên một lo ngại khác vì dự kiến đến năm 2023 mới hoàn thành.

Anh Nguyễn Minh Hùng cho rằng đề xuất tuyến tránh Long Xuyên không phải để thay thế những bất cập trạm T2 vì dự án này có sẵn rồi. Ngoài ra, còn 4 năm nữa mới tới 2023, trong thời gian này, dù người dân chỉ đi một khoảng ngắn nhưng vẫn phải trả tiền đầy đủ.

Còn theo anh Thọ, một tài xế khác cũng tham gia phản đối tại trạm BOT T2 vào ngày 24 tháng Năm vừa qua lại cho rằng:

“Nếu phương án đưa ra là đến năm 2023 thì 4 năm nữa có tuyến tránh để người ta đi nhưng mà của An Giang, Long Xuyên đi về Cần Thơ hoặc Sài Gòn tránh trạm thu phí đó, còn từ Sài Gòn đi xuống thì có tuyến tránh đó hay không? Nếu tránh hẳn, không đi vào trạm thu phí đó thì được, người ta chấp nhận.”

Vào ngày 30 tháng Năm vừa qua, thứ trưởng Bộ Giao thông – Vận Tải đưa ra 2 phương án để giải quyết tình hình căng thẳng tại trạm BOT T2 hiện nay: một là mở rộng vùng miễn giảm, hai là tính toán phương án tài chính để di dời trạm.

Theo tài xế Nguyễn Minh Hùng, có thể người dân sẽ vẫn phản đối phương án 1 mà Bộ Giao Thông – Vận Tải đưa ra:

“Nếu miễn giảm rồi có thể tăng thời gian thu phí lên, và những xe ngoài phạm vi miễn giảm thay vì trả phí 10 năm họ phải trả phí thêm tới 15 năm thì đó là bất cập mà người dân sẽ phản đối. Vì họ chỉ sử dụng 200 mét trên bốn mươi mấy km thôi.”

Đồng quan điểm với anh Hùng, tài xế Thọ cũng cho biết:

“Anh em thống nhất không chịu giá giảm, vì đi có hơn 200 mét đường, nên tính giá giảm của 45km thì giảm bao nhiêu? Theo anh tính thì tụi anh chỉ đóng phí 140 đồng, chưa tới 200 đồng nữa. Liệu trạm BOT có đủ tiền lẻ để trả cho người dân hay không. Còn chính phủ bảo giảm giá, trả bằng thẻ điện tử, mà trả bằng thẻ điện tử cũng vậy, cũng dựa theo cây số (đoạn đường) chứ không thể trả hơn được.”

Hiện tại, mức phí mà các tài xế phải trả khi qua trạm T2 là từ 35.000 – 200.000 đồng.

Bộ Giao Thông – Vận Tải trong ngày 30 tháng Năm cũng cho biết đang cập nhật lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án. Phương án giải quyết sẽ căn cứ trên phương án tài chính, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đa số những tài xế qua trạm như anh Hùng, anh Thọ và những người dân xung quanh trạm T2 đều cho rằng, cách giải quyết hợp lý nhất là đặt lại trạm BOT này ở vị trí hợp lý hơn.

Tuy nhiên, việc di dời trạm T2 này dường như khó thực hiện vì theo lời người dân nơi đây thuật lại với anh Thọ và anh Nguyễn Minh Hùng, lãnh đạo tỉnh An Giang, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và Hiệp Hội Vận Tải tỉnh An Giang đã làm đơn kiến nghị lên Bộ GT-VT 15 – 16 lần rồi nhưng họ vẫn phớt lờ, không cầu thị tâm tư, ý kiến chính đáng của người dân.

Theo anh Hùng, nếu phía Bộ Giao Thông – Vận Tải vẫn đưa ra những biện pháp trì hoãn, không giải quyết rốt ráo vấn đề, có thể người dân sẽ phản ứng mạnh mẽ hơn, vì biện pháp mở rộng miễn giảm mà tăng thời gian thu phí thì người dân bị gánh nặng hơn và sẽ tiếp tục phản đối trong nhiều ngày để đòi lại quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của họ.

Nguồn: RFA