Các nhà độc tài học gì từ Gorbachev?

Ông Tổng Bí Thư Mikhail Gorbatchev (trái) của Liên Xô và Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (giữa) ký hiệp ước loại bỏ hỏa tiễn nguyên tử tầm xa tại cuộc họp thượng đỉnh ở Washington, DC, Hoa Kỳ, ngày 8/12/1987. Ảnh: AFP via Getty Images
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Mikhail Gorbachev, người đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên Xô và chấm dứt cuộc Chiến Tranh Lạnh, vừa qua đời hôm Thứ Ba, 30 Tháng Tám, hưởng đại thọ 91 tuổi. Sự nghiệp gây tranh cãi của ông để lại nhiều bài học cho các nhà lãnh đạo sau ông như Vladimir Putin ở Nga, Tập Cận Bình ở Trung Quốc, và nhiều người khác trên thế giới.

Ông Gorbachev là tổng bí thư cuối cùng của đảng Cộng Sản Liên Xô, lên nhậm chức vào năm 1985, giữa lúc Liên Xô bị tụt hậu về mọi mặt so với phương Tây. Để thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế và xã hội trì trệ của Liên Xô, ông đề xướng các chương trình “perestroika” (cải cách) và “glasnost” (cởi mở). “Perestroika” thay đổi đường lối kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước tập trung kiểm soát bằng một hình thức kinh tế thị trường. “Glasnost” thực hiện cải tổ hệ thống chính trị và nới lỏng các quyền tự do dân sự, làm ấm quan hệ với phương Tây.

Hai chương trình cải cách của ông làm cho người Nga và các dân tộc trong Liên Xô thức tỉnh và nhận ra tình trạng bi thảm của họ. Chính ông Gorbachev than thở mặc dù Liên Xô may mắn được ưu đãi với các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu và khí đốt nhưng quốc gia này “ngày càng tụt hậu so với các quốc gia phát triển.”

“Lý do đã được nhìn thấy rõ ràng – xã hội đang ngột ngạt trong sự kìm kẹp của một hệ thống quan liêu bao cấp. Tất cả những nỗ lực cải cách từng phần – và có rất nhiều nỗ lực như vậy – đã lần lượt thất bại. Đất nước đang mất dần phương hướng. Không thể sống tiếp như vậy được,” ông nói với quốc dân trong bài phát biểu trên truyền hình tối 26 Tháng Mười Hai, 1991.

Vì không thể sống tiếp như vậy, các nước Cộng Hòa bị Nga sáp nhập sau Thế Chiến II quyết định đứng lên “giành độc lập” và thế là Liên Xô tan rã. Tại Liên Bang Nga, các thế lực trong đảng Cộng Sản, được hưởng lợi từ hệ thống đặc quyền và bè phái, đã thực hiện cuộc đảo chính chống lại ông Gorbachev. Nỗ lực đảo chính thất bại nhưng làm suy yếu đáng kể vị thế của ông, mở đường cho một giai đoạn hỗn loạn cả về kinh tế và chính trị, dẫn tới sự trỗi dậy của phong trào chính trị mị dân và chuyên chế mà đại diện là Vladimir Putin.

Người Nga đổ lỗi cho ông Gorbachev, gọi ông là kẻ phản bội chủ nghĩa Cộng Sản, là người gây ra “thảm họa địa chính trị trầm trọng nhất của thế kỷ 20” như lời ông Putin. Thậm chí những kẻ cực đoan còn đưa ra thuyết âm mưu nói rằng ông Gorbachev là “điệp viên của phương Tây,” phá hoại chế độ Xô Viết từ bên trong.

Thực ra, ông Gorbachev không hề có ý định xóa bỏ chế độ Cộng Sản, ông chỉ muốn cải tổ để nó nhân bản hơn, tạo ra một thứ chủ nghĩa Cộng Sản mang bộ mặt người, và tin đó là điều tốt.

“Tôi không né tránh trách nhiệm với những cải cách tôi đã khởi xướng, bởi vì tôi tin tưởng sâu sắc rằng chúng rất quan trọng và cuối cùng sẽ mang lại hạnh phúc cho tổ quốc của tôi và có lợi cho thế giới,” ông Gorbachev viết trong cuốn sách xuất bản năm 1995, sau khi ông bị đẩy khỏi chính trường nước Nga. Thủy chung, ông Gorbachev vẫn là một người Cộng Sản, cuộc cải tổ của ông chỉ là để cứu đảng, cứu chế độ Xô Viết.

Nhưng cộng sản là thứ chỉ có thể xóa bỏ chứ không sửa đổi được.

Những cải cách nửa vời của ông Gorbachev chẳng những không cứu được Liên Xô mà còn làm cho ông thân bại danh liệt. Nhà khoa học chính trị Mark Urnov làm việc tại Quỹ Gorbachev, nhận định: “Vấn đề thực sự là ở chỗ, ông ấy [Gorbachev] đã cố gắng mang lại tự do xã hội cho một cộng đồng không biết cách sử dụng tự do. Trong nhiều thế hệ, chúng tôi đã sống dưới một chế độ toàn trị rất cứng rắn. Chúng tôi bị tước đoạt mọi quyền tự do cá nhân căn bản. Để vượt qua loại di sản như vậy, cần ba hoặc bốn thế hệ,” theo trích dẫn trên nhật báo The Wall Street Journal. Ông Gorbachev đã không có đủ thời gian và sự ủng hộ để xây dựng những định chế dân chủ nhằm bảo đảm và phát triển quyền tự do mà người dân Nga vừa được hưởng.

***

Với các nhà lãnh đạo chuyên chế sau ông, cuộc đời chính trị của ông Gorbachev là một bài học cảnh giác: Dù thế nào cũng không buông lỏng quyền cai trị độc tôn của đảng Cộng Sản.

Ông Vladimir Putin cho rằng Liên Xô tan rã năm 1991 là “thảm họa địa chính trị” lớn nhất thế kỷ 20. Ông Putin kết án ông Gorbachev làm biến mất một đế chế Nga hùng mạnh đối cực với Phương Tây và ông tự cho mình cái sứ mệnh khôi phục đế chế ấy. Các cuộc chiến tranh xâm lược của Nga tại Georgia (tức Gruzia) trước đây và tại Ukraine hiện nay là nhằm mục tiêu đó. Ông Putin không cho phép tổ chức quốc tang và cũng không tham dự lễ tang nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô.

Cùng thời với ông Gorbachev, lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cũng nhận ra sự tụt hậu thê thảm của đất nước ông. Trí thức Trung Quốc mong muốn cải cách. Mùa Xuân 1989, sinh viên đại học tổ chức biểu tình nhiều ngày ở quảng trường Thiên An Môn (Tiananmen), đòi dân chủ. Tháng Năm, 1989, ông Gorbachev đến Bắc Kinh mang theo một luồng gió mới và được sinh viên tôn làm thần tượng, thế nhưng, sau khi ông ra về, ông Đặng Tiểu Bình cho xe tăng tràn vào quảng trường, tàn sát người biểu tình, làm hàng trăm hoặc hàng ngàn người trẻ bị giết.

Sự sụp đổ nhanh chóng của khối Cộng Sản Đông Âu và Liên Xô năm 1989 làm cho ông Đặng tính bài mở cửa kinh tế để tiếp nhận vốn đầu tư và công nghệ phương Tây, nhưng vẫn duy trì sự kiểm soát toàn diện của đảng Cộng Sản, đập tan mọi dấu hiệu phản kháng, dù nhỏ. Họ Đặng và những người kế nhiệm ông kiên trì thực hiện phương châm nổi tiếng của ông, đó là “làm giàu trước đã,” tạo ra một nước Trung Quốc ngày càng giàu nhưng người dân không có các quyền tự do căn bản trong một xã hội bị theo dõi và kiểm soát gắt gao.

Ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào lúc Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Và cùng với vốn đầu tư, công nghệ, những lý tưởng dân chủ và tự do từ Âu Mỹ cũng đổ vào Trung Quốc, xói mòn vị thế độc tôn của đảng Cộng Sản. Lo sợ tái diễn một phong trào Thiên An Môn khác, hoặc một sự tan rã nhanh chóng kiểu Liên Xô, ông Tập tập trung củng cố quyền lực của đảng, đàn áp khốc liệt những biểu hiện phản kháng ở Hoa Lục, ở Hong Kong, Tây Tạng, và Tân Cương – mà báo cáo nhân quyền Liên Hiệp Quốc vừa công bố đánh giá là “tội ác chống loài người!”

Với những nhà độc tài xuất thân từ đảng Cộng Sản như ông Tập và ông Putin, công cuộc cải tổ của ông Gorbachev là “sách giáo khoa” về những điều phải tránh. Đó là đừng bao giờ “cởi mở” về chính trị hay dung nạp những ý kiến khác, phải thẳng tay trừng trị những phần tử mang tư tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền. Cả hai ông đều ra sức cổ vũ cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động lòng thù hận phương Tây làm nền tảng biện hộ cho chính sách đàn áp của họ.

Ở Việt Nam, cuộc cải tổ của ông Gorbachev làm dấy lên trào lưu đổi mới dưới thời Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh. Văn nghệ sĩ được “cởi trói,” người kinh doanh được “xé rào,” hết “ngăn sông cấm chợ,” nông dân được “khoán hộ”… Nhưng chỉ một thời gian ngắn, kinh hoàng trước sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Cộng Sản, ông Linh quay ngoắt lại, đóng sầm cánh cửa đổi mới. Người cầm đầu trào lưu cải cách ở Việt Nam, ông Trần Xuân Bách – “hạt mầm Gorbachev” – bị đuổi ra khỏi Bộ Chính Trị và trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam vào Tháng Ba, 1990.

Cho đến nay, cả Nga, Trung Quốc, và Việt Nam vẫn kiên trì thể chế độc tài toàn trị mà chưa có dấu hiệu đổi mới chính trị, và có thể sẽ không bao giờ có. Vì lẽ các nhà độc tài cộng sản cho rằng, cải tổ chính trị như ông Gorbachev là “tự sát,” là đi vào vết xe của đảng Cộng Sản Liên Xô – đảng Cộng Sản đầu đàn nhưng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật từ năm 1991.

Hiếu Chân

Nguồn: Người Việt

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Vương Đình Huệ phát biểu trong khóa họp Quốc hội, Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/10/2023. Ảnh: AFP - STR

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ phải từ chức

Hãng tin Anh Reuters cho rằng việc chủ tịch Quốc hội Việt Nam phải từ chức lại càng làm dấy lên nhiều nghi vấn về ổn định chính trị tại Việt Nam nhất là sau vụ Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhanh chóng bị cho thôi các chức vụ hồi tháng 3/2024. Ông Thưởng là chủ tịch nước thứ nhì bị cách chức trong vòng một năm, sau ông Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.