“Cách mạng giấy trắng,” cuộc phản kháng chưa từng thấy tại Trung Quốc kể từ 1919

Công an Trung Quốc phong tỏa con đường mang tên Wulumuqi (tên tiếng Hoa của Urumqi) ở Thượng Hải, nơi người biểu tình tập trung đòi Tập Cận Bình từ chức hôm Chủ nhật 27/11/2022. Ảnh: AP
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc là sự kiện được chú ý nhiều nhất hôm nay, làm chìm khuất tin tức về Ukraine cũng như các vấn đề thời sự nước Pháp. Le Monde chạy tựa trang nhất “Tại Trung Quốc, một làn sóng phẫn nộ chưa từng thấy và ngày càng mang tính chính trị.” La Croix đăng ảnh thanh niên biểu tình đang hô khẩu hiệu, với dòng tít “Trung Quốc, cơn sốt phản kháng.” Le Figaro, Les Echos và Libération đều có các bài viết ở trang trong về sự kiện này.

Bị khóa kín tứ bề, người dân chết cháy

Libération dẫn lời nhà nghiên cứu Úc Nathan Ruser cho biết có ít nhất 56 cuộc biểu tình đã diễn ra tại 18 thành phố để biểu lộ tình liên đới với 10 người Duy Ngô Nhĩ bị chết cháy trong tòa nhà bị phong tỏa ở Urumqi. Trong bài “Tại Tân Cương, vụ hỏa hoạn đã đổ dầu vào lửa,” tờ báo kể tên một số nạn nhân, từ một em bé 5 tuổi vui cười trong hình với món đồ chơi Siêu nhân cho đến một bà mẹ hai con, tất cả đã bị thiêu sống hôm thứ Năm 24/11 ở Urumqi.

Ngọn lửa bốc lên vào khoảng 20 giờ ở tầng thứ 15 và lan đến tầng 17, khói bốc tận tầng 21. Cứu họ không khó, nhưng tòa nhà đang bị phong tỏa, lính cứu hỏa phải chờ đến hai tiếng đồng hồ mới vào được. Theo các video và trao đổi trên ứng dụng, thì tuy là khu vực nguy cơ thấp, nhưng người dân vẫn không được phép ra ngoài. Cửa mở ra cầu thang bị hàn kín, cửa tòa nhà bị cột chặt bằng dây sắt, cổng chính bị khóa, và xung quanh khu nhà bị rào kín. Theo con số chính thức, 10 người chết và 9 người bị thương.

Cùng với Tây Tạng, Tân Cương đã bị phong tỏa hoàn toàn từ nhiều tháng. Cách đây hai năm, khi cả Hoa lục vẫn sinh hoạt gần như bình thường, Tân Cương đã bị siết chặt. Kể từ tháng Chín, tại vùng đất có 25 triệu dân gồm phân nửa là người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và những sắc dân thiểu số Hồi giáo khác, cư dân chỉ được ra ngoài nếu có giấy phép đặc biệt, được cấp theo những tiêu chí không rõ ràng.

Thảm kịch khiến người Hán bớt xa cách với dân Tân Cương

Một người Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở Thổ Nhĩ Kỳ cho Libération biết một người láng giềng ở tòa nhà gần đó cách đây hơn chục ngày đã nhảy lầu từ tầng 18 vì tuyệt vọng: Giá thực phẩm tăng gấp đôi, hành lang bị camera theo dõi, cửa bị khóa. Tại quận Hòa Điền, ít nhất 13 người dân thiệt mạng vì nhiễm độc từ chất khử trùng phun vào nhà. Không ít trường hợp chết vì không thuốc chữa bệnh, bị cách ly trong những khu tập trung không nước tắm, nhà vệ sinh bẩn thỉu và rốt cuộc tử vong.

Công an cấm nói đến vụ hỏa hoạn ở Urumqi trên mạng xã hội, nhưng những hình ảnh đã lan rộng trên khắp nước, đội quân kiểm duyệt bị quá tải. Đã bất bình vì vụ 27 người bị buộc đưa đi cách ly thiệt mạng vì tai nạn xe buýt ngày 18/9, cơn giận bùng nổ khi người dân xem truyền hình thấy khán giả World Cup ở Qatar không ai mang khẩu trang. Thảm kịch mới này còn nhắc người ta nhớ lại vụ hỏa hoạn tại nhà hát Karamay ở Tân Cương năm 1994 làm 288 trẻ em thiệt mạng, vì đảng viên được ưu tiên cứu trước! Tối thứ Sáu dù trời lạnh giá, mấy trăm người biểu tình chủ yếu là người Hán – được tự do di chuyển hơn – tập trung trước trụ sở chính quyền Urumqi đòi bỏ phong tỏa, hô đả đảo đảng Cộng Sản và đòi Tập Cận Bình từ chức.

Bang Xiao, một nhà báo Trung Quốc đăng lên Twitter lá thư của một người Hán ở Tân Cương, tỏ ý tiếc là từ lâu vẫn làm ngơ trước việc người Duy Ngô Nhĩ bị đưa đi cải tạo hàng loạt. Tại các trường đại học, sinh viên biểu tình với những chiếc khẩu trang nhuộm màu máu. Ở Thượng Hải, cách đó 4.000 km, những người biểu tình được người qua đường ủng hộ, hô to “Tất cả chúng ta đều là người Tân Cương.” Ranh giới chủng tộc lần đầu tiên bị xóa nhòa: Lâu nay người Hán ít quan tâm đến số phận người Duy Ngô Nhĩ.

Nhà cầm quyền cố gắng bịt miệng

Nhà nước nhanh chóng ra tay trấn áp. Theo La Croix và Libération, hôm qua, xe công an đã đậu đầy gần hồ Lượng Mã (Liangma) ở Bắc Kinh, nơi hơn 400 người biểu tình tập họp tối Chủ nhật. Trước quảng trường Thiên An Môn nổi tiếng với vụ thảm sát 1989, công an xét giấy những khách bộ hành hiếm hoi và cả người đi xe đạp.

Tại Thượng Hải, công an tuần tra và canh gác gần đường Urumqi, địa điểm được vài trăm người biểu tình chọn tập họp, với những tiếng hô “Tập Cận Bình từ chức.”  Ở trung tâm Vũ Hán, những bức rào chắn cao hai mét được dựng lên, chính quyền loan báo “sắp có bão” và yêu cầu người dân ở yên trong nhà. Bên cạnh đó là thông báo tuyển 500 nhân viên trật tự trả lương công nhật, cựu quân nhân càng tốt, để ngăn chận dân chúng lại lật đổ rào chắn.

Công an tại nhiều nơi mở chiến dịch khám xét điện thoại để tìm VPN (mạng riêng ảo) giúp né kiểm duyệt, và các ứng dụng của nước ngoài bị cấm như WhatsApp, Twitter, Instagram. Một video cho thấy công an tát một cô gái đi xe buýt từ chối cho kiểm tra điện thoại. Một số người biểu tình Bắc Kinh đã bị công an gọi mời đến làm việc, có những trường hợp đến tận nơi làm việc bắt giam, chứng tỏ khả năng giám sát cùng khắp của Nhà nước. Việc kiểm duyệt còn mở rộng ra nước ngoài: Twitter bị tràn ngập bởi những “post” có lẽ do máy tự động, để nhấn chìm các thông tin về biểu tình.

Cuộc cách mạng những tờ giấy trắng 

Trong bài xã luận “Không khí tự do,” La Croix nhận thấy thoạt nhìn thì tương đối khó tin – các cuộc nổi dậy phôi thai này nở rộ không theo logic nào, không mục tiêu chính trị rõ rệt, bất chấp tương quan lực lượng. Từ vài ngày qua người dân Hoa lục xuống đường, phong tỏa nhà máy, chia sẻ các video trên mạng xã hội. Họ hết sức can đảm, vì không khó để biết số phận của những người chống đối trong chế độ đàn áp bằng công nghệ của Tập Cận Bình.

Những con người từ Bắc Kinh, Thượng Hải cho đến Nam Kinh giơ cao những tờ giấy trắng, tuy không có một khẩu hiệu nào nhưng đã nói lên khát vọng tự do, một xung lực đã đẩy họ ra đường dù biết rằng sẽ bị đối xử bằng bạo lực. Khó có cơ hội “tia lửa nhỏ đốt cháy cánh đồng” như lời của Mao, nhưng dù thất bại, phong trào phản kháng đã bác bỏ thẳng thừng luận điệu của đảng Cộng Sản Trung Quốc để chỉ trích các chế độ dân chủ, rằng dân chúng chỉ muốn thịnh vượng và an ninh, chứ không phải các quyền tự do.

Nhật báo công giáo cho biết những người hăng hái nhất gọi đó là “Cuộc cách mạng A4,” người dè dặt hơn thì dùng chữ “Cuộc phản kháng với những tờ giấy trắng.” Ý tưởng này được gợi ra từ phong trào cách mạng Hong Kong để tố cáo nạn kiểm duyệt. Le Figaro dẫn lời Vương Đan (Wang Dan) và Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), hai cựu sinh viên Thiên An Môn sống sót lưu vong ở Mỹ nhưng đến Đài Bắc nhân dịp bầu cử, xúc động nhận xét đây đúng là một cuộc cách mạng.

Phản kháng tầm quốc gia đòi lật đổ: Sự kiện chưa từng thấy từ 1919

Trả lời phỏng vấn Libération, nhà nghiên cứu Chloé Froissart nhấn mạnh, tầm vóc của phong trào phản kháng lần này là chưa từng thấy kể từ phong trào Ánh Sáng ngày 4/5/1919. Ngay cả phong trào Thiên An Môn, sinh viên chỉ muốn Nhà nước lãnh đạo tốt hơn, còn giờ đây người biểu tình muốn lật đổ chế độ. Về lời kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, thật ra đã có một lá thư ngỏ hồi tháng 3/2016 do các đảng viên gởi đến Quốc Hội; lần này thì từ các công dân bình thường đủ mọi tầng lớp xã hội và sắc tộc.

Chế độ Bắc Kinh chắc chắn bất ngờ trước sự nổi dậy này. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Tập, Nhà nước còn chịu khó lắng nghe, nhưng nay nắm trọn quyền hành, ông tỏ ra độc tài hơn. Chế độ Tập Cận Bình trở nên dễ tổn thương, bị tách rời thực tế, không còn các kênh giải quyết xung đột. Việc từ chối cải cách, từ chối đối thoại đang đe dọa đất nước. Tất nhiên giải pháp là đàn áp và kiểm duyệt, bằng bộ máy khổng lồ đang có. Tóm lại, đó là một chế độ cắt đứt với khế ước xã hội, muốn dân chúng phải trả giá cho khủng hoảng, không có chút gì nhân văn.

Theo Le Monde  Le Figaro, thực ra khó tìm được lời giải cho làn sóng phản kháng chính sách zero Covid. Nếu Bắc Kinh cứ khăng khăng, căng thẳng sẽ tăng lên, còn nếu nhượng bộ và chấm dứt phong tỏa, dịch Covid sẽ lây lan. Mỗi ngày hiện có mấy chục ngàn ca mới, trong khi nhiều người lớn tuổi chưa được chích ngừa, vaccine Trung Quốc lại không hiệu quả nhưng vì sĩ diện, Bắc Kinh không muốn dùng vaccine RNA của phương Tây. Tập Cận Bình phải đối diện với cuộc khủng hoảng dịch tễ, xã hội và chính trị trầm trọng nhất kể từ khi lên cầm quyền, một cuộc khủng hoảng mà ông ta là người trực tiếp chịu trách nhiệm.

Thụy My

Trích: RFI

 

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ông Tô Lâm (trái) và ông Vương Đình Huệ. Ảnh: Thanh Niên

Về cuộc tranh giành quyền lực ở Ba Đình

Tin đồn mới nhất cho biết ông Huệ vẫn kiên cường chống trả, chưa chịu buông giáo đầu hàng dù tay chân thân tín đã bị ông Lâm tóm gọn. Có thể ông Huệ còn trông mong vào sự cứu viện của hoàng đế Tập Cận Bình bên Tàu. Nhưng trận đấu chỉ giằng co thêm một vài ngày nữa thôi, vì theo quy định của đảng CSVN, ông Huệ khó mà tránh được tội liên đới “trách nhiệm của người đứng đầu” khi các đàn em sa vào vòng lao lý, chưa kể ông Lâm còn nhiều độc chiêu sẽ tiếp tục tung ra để buộc ông Huệ phải cởi giáp quy hàng.

Lính hải quân Campuchia tại căn cứ hải quân Ream ở Preah Sihanouk trong một chuyến thăm do chính phủ tổ chức hôm 26/7/2019. Ảnh minh họa: AFP

Quân cảng Ream và Kênh đào Funan của Campuchia: nỗi lo lớn đối với Việt Nam

Hôm 18/4/2024, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) công bố thông tin về hai tàu hải quân Trung Quốc đã đậu ở căn cứ hải quân Ream của Campuchia trong hơn bốn tháng…

Từ đó, AMTI đặt câu hỏi liệu sự hiện diện thường trực của hải quân Trung Quốc tại quân cảng Ream đã được thiết lập trên thực tế hay mới chỉ là “lời đồn.”

Theo các chuyên gia, sự kết hợp giữa quân cảng Ream và kênh đào Phù Nam [Funan Techo] có thể tạo mối đe dọa an ninh truyền thống (quân sự) và an ninh phi truyền thống (môi trường, kinh tế, chính trị) đối với Việt Nam.

HRW đưa ra lời kêu gọi trước dịp diễn ra tiến trình Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ IV đối với Việt Nam ngày 7/5/2024. Nguồn: HRW

HRW kêu gọi LHQ gây áp lực để Việt Nam cải thiện nhân quyền

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hôm 22/4 hối thúc các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc nên tận dụng đợt rà soát hồ sơ nhân quyền sắp tới của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền LHQ để gây áp lực buộc Hà Nội chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến và các quyền cơ bản.