Chúng Ta Cũng Là Người Georgia

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print
JPEG - 54.8 kb
Nghị Sĩ John McCain.

Nghị Sĩ John McCain tuyên bố, “Tất cả chúng ta đều là người Georgia!” Ông muốn bầy tỏ ý ủng hộ dân chúng nước Georgia, chống lại quân Nga đang tiến về phía thủ đô Tbilisi. Cũng giống như báo Le Monde bên Pháp viết: “Tất cả chúng ta đều là người Mỹ” để tỏ tình đoàn kết với dân Mỹ sau ngày 11 Tháng Chín năm 2001.

Nghe ông McCain nói, tôi nghĩ, “Chúng mình cũng giống người xứ Georgia!” Nhưng trong lòng tôi là một nội dung khác. Tôi thấy dân Việt Nam mình cũng giống dân những nước nhỏ như Georgia. Vì họ thì ở cạnh nước Nga, một đế quốc Nga rất lớn đã từng nhiều lần chiếm xứ họ. Lần chót vào năm 1921, quân Bôn Sơ Vích lật đổ một chính phủ dân cử, đặt nước Georgia vào trong Liên Bang Xô Viết – cũng nhờ thế mà sau này một người gốc Georgia là ông Stalin trở thành Chúa Ðiện Cẩm Linh. Còn nước Việt mình thì ở cạnh Trung Quốc, đã từng bị nhập vào đế quốc của nhà Hán, nhà Ðường. Dân các nước nhỏ dễ thông cảm với nhau.

Khi nghe tin quân Nga đã chiếm thành phố Gori, nơi sanh của Stalin, chỉ cách thủ đô Tbilisi 65 cây số, tôi tưởng tượng ngay nếu cảnh đó diễn ra ở Việt Nam thì sẽ ra sao. Nó cũng giống như nếu quân Trung Quốc tiến đến Việt Trì (nếu họ đi đường Vân Nam theo lối Mộc Thạnh hồi 1427) hoặc đã chiếm Phủ Lạng Thương (nếu đi từ Quảng Tây sang, như Liễu Thăng hồi đó và Tôn Sĩ Nghị năm 1788). Hai địa điểm này cách Hà Nội cũng bấy nhiêu đường.

JPEG - 68.2 kb
Quân đội Nga trấn đóng trục lộc chính dẫn đến Thủ Đô Tbilisi.

Ở Georgia, gần đây ông Tổng Thống Mikheil Saaskashvili đã chơi với lửa. Tưởng rằng cả thế giới sắp bận coi Thế Vận Hội Bắc Kinh, ông ra lệnh tiến quân, pháo kích và đánh bom vào nhiều làng ở miền Nam Ossetia trong ngày 7 Tháng Tám. Ðể trừng phạt chính phủ Nam Ossetia vẫn giữ ý định đòi độc lập, từ năm 1992 đến giờ. Nhưng ông Vladimir Putin chỉ chờ một biến cố như vậy để ra tay. Ông bay thẳng từ Bắc Kinh về, trong khi quân Nga tiến vào Nam Ossetia đánh đuổi quân Georgia và tiến thêm vào trong lãnh thổ của họ! Hầu như ông Putin đã chờ cơ hội này từ lâu. Thế Vận Hội Bắc Kinh giúp cho ông hành động lẹ làng, trong khi tổng thống Mỹ đang ở Bắc Kinh coi đấu bóng. Cả thế giới cũng đang mải mê coi Michael Phelps lập kỷ lục bơi lội mới; hoặc bàn nhau thắc mắc không biết cô lực sĩ Trung Quốc He Kexin (Hà Khả Hân) 13 tuổi hay 16 (có nhà thơ Nguyên Sa làm chứng, tuổi của nàng anh nhớ chỉ 13, mà mấy hôm trước Tân Hoa Xã cũng viết y như thi sĩ vậy!) Có ai chú ý đến cuộc xung đột giữa Nga với Georgia không? Tuần trước, có mấy ai biết Nam Ossetia ở đâu không?

JPEG - 40.2 kb
Tổng Thống Mikheil Saaskashvili.

Sau khi Liên Xô sập, Georgia ly khai, hai miền Nam Ossetia và Abkhazia trước thuộc Georgia cũng muốn tách khỏi xứ này; vì đa số dân họ không phải người Georgia, một tình trạng cũng giống như các nước thuộc Nam Tư cũ muốn độc lập. Và trong thực tế cả hai vùng đã tách khỏi Georgia, tự trị trên 15 năm nay rồi. Thế giới chung quanh, kể cả Mỹ và Âu Châu hầu như mặc nhiên thỏa thuận điều đó, cho tới khi ông Saaskashvili muốn “trừng phạt” dân Nam Ossetia. Nam Ossetia chỉ có 70 ngàn dân, so với 4 triệu rưỡi dân Georgia. Miền này nằm sát nước Nga, phía bên kia biên giới là Bắc Ossetia – Alana, một nước Cộng Hòa trong Liên Bang Nga với hơn 700 ngàn dân. Người Ossetia cả hai miền cùng thuộc cùng một sắc dân, có văn hóa phong tục riêng, tiếng nói của họ có nguồn gốc Ba Tư không liên can tới tiếng nói của người Nga hay người Georgia. Khi Hồng Quân đánh chiếm Georgia năm 1921 thì người Ossetia đứng về phía quân Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, năm 1991 Georgia tuyên bố độc lập, dân Nam Ossetia đã bầu một chính phủ đòi ly khai khỏi Georgia, và từ đó họ vẫn tự trị. Chính phủ Nga hỗ trợ phong trào này, 70% dân Nam Ossetia vẫn có quốc tịch Nga, trong đó có ông Edouard Kokoity, chủ tịch nước, một thương gia cựu lực sĩ đô vật.

Trong xứ Georgia Tổng Thống Mikheil Saaskashvili đắc cử từ năm 2004, sau khi dân biểu tình ép cựu Tổng Thống Eduard Shevardnadze từ chức, ông này từng là ngoại trưởng trong chính phủ sau cùng của Gorbachev ở Liên Xô. Nhưng ông Saaskashvili gần đây cũng bị biểu tình phản đối, đầu năm nay ông đã tổ chức bầu cử sớm, ông đắc cử nhưng vẫn bị phe đối lập chỉ trích không tôn trọng nhân quyền.

Chính phủ George W. Bush vẫn thân thiện với Tổng Thống Saaskashvili, ông Bush tỏ ý muốn thúc đẩy để Georgia sớm được vào khối quân sự NATO; trong khi các nước Âu Châu dè dặt hơn, vì Nga coi đây là một hành động bất thân thiện. Trên bàn cờ chính trị Âu Châu, Nga đã thua nặng nhiều lần trong hơn 10 năm qua. Chính phủ Mỹ đã đơn phương xóa bỏ hiệp ước cấm hỏa tiễn chống hỏa tiễn ký với Nga từ thời Chiến Tranh Lạnh. Ai cũng coi Mỹ là siêu cường quốc duy nhất. Các nước vùng Baltics phía Bắc Âu cũng độc lập và thù nghịch với Nga, cùng với các nước Ðông Âu Cộng Sản cũ đã gia nhập hoặc Liên Hiệp Âu Châu, hoặc Minh Ước NATO, hoặc cả hai. Vùng Kosovo đã tuyên bố độc lập tách khỏi Serbia, một nước đồng minh và đồng chủng với Nga, mặc dù Nga phản đối. Hai nước Ba Lan và Cộng Hòa Chếch (Tiệp) đồng ý cho Mỹ đặt giàn phòng thủ hỏa tiễn trong xứ họ, mặc dù Nga kịch liệt phản đối. Hai nước Cộng Hòa cũ trong Liên Bang Nga đã trở thành thân Tây phương: Ukraine và Georgia. Có thể coi như trên bàn cờ chính trị, Nga đã bị Mỹ bắt mất nhiều quân cờ, ông Putin phải tính kế tấn công bắt lại. Vụ Georgia được nhiều người coi là một màn chiếu tướng!

Tổng Thống Saaskashvili đã được các viên chức ngoại giao Mỹ khuyên chớ nên khiêu khích Nga, và đừng để cho ông Putin kiếm cớ đánh. Nhưng ông Saaskashvili không nghe, đã rơi vào bẫy mà Putin giăng ra khi ông cho tấn công vào Nam Ossetia trong tuần trước. Bây giờ đến lượt ông Putin tố cáo ông Saaskashvili đã “tàn sát chính những người dân của nước mình” giống như chính phủ Bush đã tố cáo Saddam Hussein trước năm 2003! Putin làm như thể ông cũng sẽ làm như Mỹ ở Iraq, là “thay đổi chế độ!”

JPEG - 102.6 kb
Quốc hội Georgia họp khẩn, ngày 14/8/2008.

Liệu có ai đến cứu ông Saaskashvili hay không? Chắc Mỹ và các nước Âu Châu sẽ nói rất nhiều, nhưng không gây hiệu quả nào giúp cho ông Saaskashvili cả. Mỹ và Âu Châu chắc chắn không thể gửi quân sang Georgia. Họ sẽ chỉ kêu gọi Nga dừng quân. Nhưng Putin chắc cũng không có ý định chiếm đóng Georgia làm gì. Ông đã thấy cảnh quân Mỹ đang ở Iraq. Ðiều ông Putin muốn là áp đặt một chính sách ngoại giao mới cho chính phủ Georgia, trong đó có điều kiện không được gia nhập khối NATO. Mà sau vụ này chắc còn lâu NATO mới nhận Georgia. Ông Putin cũng muốn một người khác lên thay ông Saaskashvili, cho dễ bảo – mà điều này thì cả Mỹ và Âu Châu sẽ chống đến cùng. Nhưng trên hết, ông Putin muốn cho cả thế giới công nhận Nga vẫn là một cường quốc trong vùng giữa Âu và Á Châu, vùng quanh biển Caspienne, với các nước Trung Á đầy mỏ dầu lửa. Ðó là một hình thức “Chủ thuyết Monroe,” như vị tổng thống Mỹ đã từng muốn Tây bán cầu nằm trong vòng ảnh hưởng của Mỹ.

Georgia là nơi dự định sẽ đặt ống dẫn dầu từ Azerbaidjan sang tới cảng Ceyhan thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, trên bờ Ðịa Trung Hải, tiếp tế cho Âu Châu và Mỹ. Ðường ống này sẽ cạnh tranh với ống dẫn dầu song song chạy qua lãnh thổ Nga. Lâu nay ông Putin vẫn dùng “đòn dầu khí” làm áp lực với các nước Âu Châu, lâu lâu ông dọa khóa dầu! Chiến dịch mới ở Nam Ossetia nằm trong chiến lược đó. Bây giờ người ta chỉ sợ ông Putin thừa thắng xông lên, không những ủng hộ Nam Ossetia tự trị mà còn muốn miền này sáp nhập vào Bắc Ossetia. Nhưng ông thường vẫn theo chiến thuật vừa đánh vừa xoa, chắc ý định đó có thể chờ một cơ hội khác.

JPEG - 75.4 kb
Người dân Georgia đi lánh nạn.

Chính phủ Mỹ sẽ làm gì để đối phó với Nga trong vụ này cho đỡ mất mặt? Họ có thể dọa, và chắc là sẽ làm như vậy. Dọa chấm dứt các cuộc tiếp xúc, đối thoại giữa khối NATO và Nga, đã bắt đầu từ 2002. Dọa ngăn cản việc Nga gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Dọa không cho Nga dự họp với khối G-7 nữa. Dọa tẩy chay Thế Vận Hội Mùa Ðông ở Sochi, năm 2014. Quốc Hội Mỹ sẽ ngưng không bàn về thỏa hiệp giữa Nga và chính phủ Bush về hợp tác năng lương nguyên tử dân dụng – một thỏa hiệp có thể mang về cho Nga hàng tỷ Mỹ kim. Nhưng việc thực hiện các lời đe dọa đó sẽ đòi hỏi thời gian nhiều năm, và có khi vấn đề rắc rối sẽ biến mất trước khi thời gian đó tới.

Những lời đe dọa đó sẽ dùng để đòi hỏi điều gì? Quân Nga phải rút ngay khỏi Georgia và Nam Ossetia. Ðạo quân quốc tế bảo vệ hòa bình ở Nam Ossetia sẽ được tăng cường thay thế quân Nga. Các nước Âu Châu và Mỹ không thể đòi Nam Ossetia cứ phải thuộc nước Georgia vĩnh viễn, sau khi họ đã cổ động cho Kosovo độc lập.

JPEG - 61.9 kb

Những đòi hỏi đó không có gì quá đáng và đối với ông Putin chắc cũng không khó thỏa hiệp. Nhưng chắc ông ta sẽ không thỏa hiệp nhanh làm gì. Ông ta sẽ kéo dài thời giờ để Mỹ, Âu Châu và thế giới chờ đợi và thấm thía bài học Georgia này. Bài học là: Ðừng xô đẩy con gấu Nga nữa! Ðối với nội bộ nước Nga, ông Putin công khai khẳng định uy quyền của ông. Theo hiến pháp, tổng thống Nga nắm quyền về quốc phòng và ngoại giao. Nhưng ai cũng thấy Thủ Tướng Putin đang đứng trên sân khấu. Sáng Thứ Tư Tổng Thống Nga Dmitri Medvedev mới hứa với các nước Âu Châu rằng quân Nga sắp ngưng chiến và rút khỏi Georgia; chỉ mấy giờ sau đó quân Nga tiến chiếm Gori, mà không phải để thăm nơi sinh của Stalin!

Trong khi đó, có những vấn đề lớn trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Nga không thể đem hy sinh để cho ông Saaskashvili vui lòng: Iran, Bắc Hàn, chẳng hạn. Chính phủ cả hai nước Nga, Mỹ đều không muốn bị những chuyện nhỏ cản trở việc thương thuyết cho những vấn đề lớn.

Phận làm dân một nước nhỏ là như vậy. Các cường quốc có thể nói rất hăng khi họ bênh vực mình, nhưng bao giờ họ cũng đặt quyền lợi của chính họ lên trên, quyền lợi nào nhỏ sẽ bị hy sinh cho quyền lợi lớn hơn. Chạy theo một cường quốc duy nhất là dại, khiêu khích một nước lớn bên cạnh mình càng dại nữa. Ngẫm phận mình, nhiều lúc chúng ta cũng là người Georgia cả! (Người Việt; Thursday, August 14, 2008)

Ngô Nhân Dụng

Share on facebook
Share on google
Share on twitter
Share on whatsapp
Share on email
Share on print

BÀI MỚI

Ảnh minh họa: Đinh Tấn Lực

Lại một cú hốt lớn?

Ở Việt Nam nhà nào chẳng tích cóp không nhiều thì ít có vàng trong nhà. Hỏi nguồn gốc xuất xứ của số vàng này từ đâu quả là đánh đố. Có gia đình vàng được để lại từ mấy đời trước, trao đổi qua tay với nhau lấy đâu giấy tờ, hoá đơn, hợp đồng…

Số lượng vàng không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ rất lớn trong dân, sẽ dẫn đến các cơ sở sản xuất kinh doanh vàng cũng bị hệ lụy về việc không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ với cơ quan quản lý nhà nước.
Bây giờ căn cứ vào luật do nhà nước đề ra để xử phạt, rồi tịch thu có phải là một cuộc chiếm đoạt?

Hình ảnh nhà sư Thích Minh Tuệ trên một trang mạng xã hội. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM

Thật và giả từ bước chân thầy Minh Tuệ

Hình ảnh một hành giả mặc áo vá, đầu trần chân đất đi từ Nam ra Bắc thực hành phép tu hạnh đầu đà của Phật Giáo đang gây một trận động đất trong dư luận Việt Nam. Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngay lập tức phát ra thông báo khẳng định “người được mạng xã hội gọi là ‘Sư Thích Minh Tuệ’ không phải là tu sĩ Phật Giáo.” Oái oăm thay, lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của các vị chức sắc Phật Giáo quốc doanh lại góp phần phơi trần cái bản lai diện mục giả hiệu của chính họ.

Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền và Dân chủ dược tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 15/5/2024

Hội nghị Thượng đỉnh Geneva về Nhân quyền và Dân chủ kỳ thứ 16

Ngày 15/5/2024, tại Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền và Dân chủ kỳ thứ 16 (The 16th Annual Geneva Summit for Human Rights and Democracy).

Mục đích của Hội nghị Thượng đỉnh về Nhân quyền và Dân chủ là đề cập đến tình trạng nhân quyền và đặc biệt là để hướng cộng đồng thế giới quan tâm đến một số trường hợp cần phải có sự can thiệp nhanh chóng để giảm đi những khổ nạn có thể xảy đến với các nạn nhân.

Hội nghị thượng đỉnh Geneva được tài trợ bởi một liên minh gồm 25 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Đảng Việt Tân.

Từ trái sang phải: Trương Thị Mai - người vừa bị "cho thôi giữ các chức vụ," Nguyễn Xuân Phúc, Trương Hòa Bình và Đinh Thế Huynh. Ảnh chụp ngày 20/07/2016. Ảnh: AP - Hau Dinh

Việt Nam: Thêm một ủy viên Bộ Chính trị phải từ chức

Hôm qua, 16/05/2024, Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã bầu bổ sung 4 ủy viên sau khi một ủy viên khác là bà Trương Thị Mai phải từ chức và nghỉ việc.

Giữ chức thường trực Ban Bí thư và trưởng Ban Tổ chức Trung ương từ năm 2023, bà Trương Thị Mai như vậy là ủy viên thứ 3 trong Bộ Chính trị phải từ chức chỉ trong vòng hai tháng, sau Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong tháng Ba và Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ trong tháng Tư.